Showing posts with label Giai thoại Văn Chương. Show all posts
Showing posts with label Giai thoại Văn Chương. Show all posts

1/25/24

Giai Thoại Văn Chương : DƯƠNG GIỐC AI và TẢ BÁ ĐÀO

 

Sanh tử chi giao - Dương Giốc Ai, Tá Bá Đào (ảnh minh họa)

   
Như ta đã biết, cặp TRI KỶ nổi tiếng ở thời Xuân Thu là QUẢN TRỌNG 管仲 và BÀO THÚC NHA 鲍叔牙. Cả hai đã chơi với nhau và kết giao với nhau từ thuở nhỏ. Sau Bào Thúc Nha hiển đạt nhờ theo phò Tề Hoàn Hoàn. Tề Hoàn Công định phong cho Bào Thúc Nha làm Tể Tướng. Bào Thúc đã giới thiệu và nhường chức vụ đó cho Quản Trọng. Hai người cùng nhau phò Tề Hoàn Công trước sau như một. Quản Trọng đã có câu nói như sau : Ta từng ba lần ra trận, ba lần thua chạy trước, Bào Thúc chẳng cho là ta nhát gan, vì biết ta còn mẹ già; Ta từng ba lần xin ra làm quan đều bị từ chối, Bào Thúc không cho là ta bất tài, vì biết ta chưa gặp thời; Ta từng cùng Bào Thúc đi buôn và luôn chia phần lãi nhiều hơn, Bào Thúc chẳng cho là ta tham, vì biết ta nghèo. Sanh ra ta là cha mẹ, còn hiểu được ta là chỉ có Bào Thúc mà thôi!

Từ xưa đến nay hễ nhắc đến bạn bè TRI KỶ kết giao, là người ta nhớ ngay đến QUẢN BÀO CHI GIAO 管鲍之交, là sự kết giao giữa Quản Trọng và Bào Thúc Nha. Hôm nay ta cũng nói đến hai người bạn tình cờ gặp gỡ, rồi cùng kết giao huynh đệ và cùng chết để bảo vệ cho nhau, lưu lại tiếng thơm muôn thuở. Đó là tình bạn kết giao sinh tử giữa TẢ BÁ ĐÀO 左伯桃 và DƯƠNG GIỐC AI 羊角哀 như sau :

Theo "Quyển thứ 7 của Dụ Thế Minh Ngôn 喻世明言·第七卷" truyện "Dương Giốc Ai xả mệnh toàn giao 羊角哀捨命全交" của Phùng Mộng Long 馮夢龍 đời Minh. 
Truyện kể...
       Vua nước Sở là Sở Nguyên Vương 楚元王 rất sùng Nho trọng Đạo, chiêu hiền đãi sĩ. Người trong thiên hạ nghe tiếng tìm đến rất đông.
      Thuở ấy, tại núi Tích Thạch xứ Tây Khương có một hiền sĩ họ Tả 左 tên Bá Đào 伯桃, cha mẹ đều mất sớm, nhưng có chí học hành, sớm trở thành người có tài an bang tế thế. Nghe tiếng Sở Vương cầu hiền bèn khăn gói từ biệt hương thân lên đường tìm đến nước Sở. 
      Một hôm vừa đến đất Ung Châu khi trời đã vào đông, gió bấc mưa phùng trời mây u ám gió lạnh căm căm. Tả Bá Đào đội mưa đi suốt một ngày, khi thấy trời đã hoàng hôn, định tìm nơi nghỉ trọ qua đêm. Nhìn ra phía trước mặt trong rừng trúc xa xa thấy có ánh đèn nhấp nháy, bèn lần mò tìm đến căn nhà cỏ sau hàng rào tre xiêu vẹo. Một người thanh niên cường tráng, mày thanh mắt sáng, ra mở cửa mời vào. Sau khi hàn huyên tâm sự thì biết người thanh niên đó họ Dương 羊 tên Giốc Ai 角哀 cũng mồ côi từ nhỏ. Thấy bàn tủ trong nhà chứa toàn là sách, cả trên giường ngủ cũng đều có sách vở ngổn ngang. Đồng thanh tương ứng hai người cùng đàm đạo trao đổi nhau càng thấy tâm đầu ý hợp. Vốn định chỉ ở trọ qua đêm không ngờ nấn ná đến ba ngày. Vì mến tài nhau nên cùng nhau kết nghĩa kim bằng. Tả lớn hơn Dương 5 tuổi nên làm anh, Dương kính Tả như là một huynh trưởng, Đoạn 2 anh em rủ nhau cùng lên kinh đô nước Sở để tìm chữ công danh.
       Dọc đường, đang lúc trọng đông, gặp lúc thời tiết khắc nghiệt, mưa tuyết bảo bùng mà phải băng rừng vượt núi. Tả Bá Đào càng ngày càng kiệt sức, tự biết sức mình khó lòng vượt qua được đoạn đường dài gian nan hiểm trở nầy, hơn nữa cũng tự biết rằng tài học vấn của mình không sao bằng được Dương Giốc Ai và điều quan trọng nhất là lương thực mang theo chỉ còn đủ dùng cho một người khỏe mạnh cố gắng vượt qua đoạn đường hiểm trở lạnh lẽo nầy, nếu nấn ná cho cả 2 người thì có nguy cơ cả 2 đều phải chết lạnh chết đói trong vùng rừng núi mịt mùng gió tuyết nầy. Nên, Tả quyết định hi sinh bản thân mình mà thành toàn cho người em kết nghĩa hoàn thành tâm nguyện thi thố tài năng để cầu chút công danh.
        Thừa lúc Dương đi tìm củi sưởi ấm trong cơn bão tuyết, Tả bèn cởi hết quần áo ra, nhường áo để Dương mặc thêm cho đủ ấm. Khi Dương về đến thì Tả mới thều thào nói cho người em kết nghĩa biết Ý định của mình và khuyên Dương hãy tranh thủ lên đường, khi nào cầu được công danh hãy trở lại an táng cho mình, nói xong thì tắt thở. Dương đành phải gạt lệ lên đường. Người đời sau có thơ khen Tả Bá Đào như sau :
         寒來雪三尺, Hàn lai tuyết tam xích,
            人去途千里。 Nhân khứ đồ thiên lý.
            長途苦雪寒, Trường đồ khổ tuyết hàn,
            何況囊無米? Hà huống nang vô mễ ?
            並糧一人生, Tịnh lương nhất nhân sinh,
            同行兩人死; Đồng hành lưỡng nhân tử.
            兩死誠何益? Lưỡng tử thành hà ích ?
            一生尚有恃。 Nhất sinh thượng hữu thị.
            賢哉左伯桃! Hiền tai Tả Bá Đào !
            隕命成人美。 Vẫn mệnh thành nhân mỹ
Có nghĩa:

                  Trời đông ba thước tuyết rơi,
                  Người đi ngàn dặm ngược xuôi chập chùng.
                  Đường dài trước mặt mông lung,
                  Trong nang gạo chỉ đủ dùng một thôi.
                  Huống chi mình đến hai người,
                  Cùng đi thì chết cả đôi ích gì ?
                  Một người sống còn có khi...
                  Bá Đào hiền sĩ chết vì bạn thân,
                  Thương thay lặng lẽ âm thầm,
                  Chết vì tri kỷ muôn phần đẹp thay !

Khi đến nước Sở nhờ có Thượng Đại Phu Bùi Trọng 裴仲 tiến cử, sau khi đã thử tài của Dương Giốc Ai, nên mới sớm được yết kiến Sở Vương và sau khi ứng đối lưu loát những vấn đề của Sở Vương nêu ra, Dương còn dâng lên 10 sách lược rất thiết thực để làm cho nước Sở phú cường. Nhà vua tỏ ra rất vui mừng, bày ngự yến thết đãi rồi phong Dương  Giốc Ai làm chức Trung Đại Phu. Dương khóc và kể lại chuyện Tả Bá Đào đã hy sinh ở giữa đường để cho mình đi lập công danh. Sở Vương nghe xong rất cảm động và thương tình cũng truy phong cho Tả Bá Đào làm Trung Đại Phu và cho Dương Giốc Ai dắt đoàn tùy tùng đi cải táng cho Tả Bá Đào.                                                                 
     Truyện được kết thúc bằng cách cho Dương Giốc Ai tự sát sau khi nằm chiêm bao thấy Tả Bá Đào về cho biết là mình bị Kinh Kha của ngôi mộ kế bên đến ức hiếp. Chết để cùng với Tả Bá Đào chống lại Kinh Kha và Cao Tiệm Ly. Truyện có vẻ hoang đường, nhưng kết thúc như thế cho trọn nghĩa kim bằng của tình anh em TRI KỶ : Sống chết đều có nhau !
      Tùy tùng về báo lại với Sở Nguyên Vương, Vương thương cho cái nghĩa khí của tình anh em kết bái mà truy phong cho cả hai thành Thượng Đại Phu và cho lập miếu tế tự với sắc ban bốn chữ "TRUNG NGHĨA CHI TỪ 忠義之祠", là Từ miếu thờ người Trung Nghĩa.
     Sau Quản Trọng và Bào Thúc Nha thì đây cũng là một cặp TRI KỶ nổi tiếng trong văn học dân gian Trung Hoa xưa. Người đời sau có thơ tán dương như sau : 

                古來仁義包天地,  Cổ lai nhân nghĩa bao thiên địa,
               只在人心方寸間。  Chỉ tại nhân tâm phương thốn gian.
               二士廟前秋日淨,  Nhị sĩ miếu tiền thu nhật tịnh,
               英魂常伴月光寒。  Anh hồn thường bạn nguyệt quang hàn.
     Có nghĩa :
                   Xưa nay nhân nghĩa trùm trời đất,
                   Chỉ tại lòng người tấc dạ thôi.
                   Nghĩa sĩ đệ huynh còn trước miếu,
                   Hương hồn còn mãi ánh trăng trôi !

Đỗ Chiêu Đức

12/6/23

Giai Thoại Văn Chương : HAI NHÂN CÁCH MỘT THI NHÂN


                                            Cày đồng đang buổi ban trưa,
                                           Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

Theo "Vân Khê Hữu Nghị 云溪友議 và Cựu Đường Thư 舊唐書 ghi chép lại : Khoảng năm Trinh Nguyên đời vua Đường Đức Tông (799), chàng thư sinh LÝ THÂN 李紳 lai kinh ứng thí đã làm hai bài thơ MẪN NÔNG 憫農 (Thương xót cho nhà nông) dâng lên cho Tập Hiền Điện Hiệu Thư Lang LỮ ÔN 呂温 để cầu tiến thân, rất được Lữ xem trọng. Hai bài thơ đó như sau :
                 其一               Kỳ Nhất
             春種一粒粟,     Xuân chủng nhất lạp túc,
             秋收萬顆子。     Thu thâu vạn khỏa tử.
             四海無閒田,     Tứ hải vô nhàn điền,
             農夫猶餓死。     Nông phu do ngạ tử !
   Có nghĩa :
                  Mùa xuân một hạt gieo trồng,
                  Đến thu thu hoạch muôn lần nhiều hơn.
                  Khắp nơi chẳng có ruộng hoang,
                  Nông dân đói chết vẫn còn khắp nơi !


                其二                    Kỳ Nhị
             鋤禾日當午,     Sừ hòa nhật đang ngọ,
             汗滴禾下土。     Hạn trích hòa hạ thổ.
             誰知盤中餐,     Thùy tri bàn trung xan,
             粒粒皆辛苦。     Lạp lạp giai tân khổ !
    Có nghĩa :
                  Cuốc cày giữa ngọ ban trưa,
                  Mồ hôi đổ xuống như mưa lúa trồng.
                  Ai người biết  cơm trong mâm,
                  Từng hạt từng hạt muôn phần đắng cay !

      Có học giả cho rằng bài ca dao sau đây của ta là bản phỏng dịch tuyệt vời của bài thơ MẪN NÔNG Kỳ Nhị nêu trên :

                  Cày đồng đang buổi ban trưa,
             Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
                    Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
             Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!

Qua hai bài thơ MẪN NÔNG nêu trên, ta thấy LÝ THÂN quả là một chàng trai có bầu nhiệt huyết, có hoài bão lo cho dân cho nước. Thấy được sự bất công của xã hội và cảm thông với đời sống khốn khó của nông dân, những người làm ra hạt lúa để nuôi sống nhân dân lại là những người bị chết đói nhiều nhất; Cho nên, phải biết trân trọng từng hạt thóc hạt gạo do nông dân cực khổ lắm, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới làm ra được, như hai câu ca dao đã nhắn nhủ :
                Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
             Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!!!

*****
Vào đời với bầu nhiệt huyết là thế, có ai ngờ rằng đến năm Nguyên Hòa Nguyên niên (806) khi Lý Thân đã thi đỗ Tiến sĩ ra làm quan, thì lại đâm ra ăn chơi trác táng, chạy theo đời sống xa hoa hưởng thụ, làm uy làm quyền, vô tình vô nghĩa. Trong Vân Khê Hữu Nghị 云溪友議 có chép lại rằng :
       
      Lý Thân khi chưa phát tích thường đến chơi nhà của một người trong họ tộc là Lý Nguyên Tướng. Vì Tướng lớn tuổi hơn, nên Thân thường gọi Tướng là "Thúc Thúc". Đến khi Thân phát tích thi đậu làm quan thì Tướng vì muốn lấy lòng Thân nên tự hạ mình xuống gọi Thân là "Huynh trưởng", tự xưng là "Tiểu đệ", nhưng Thân vẫn không vui dạ, bắt Tướng phải gọi mình bằng "Gia gia" và tự xưng là "Tôn tử"(cháu) thì mới vừa lòng. Lại một lần...
      Có người bạn họ Thôi cùng khoa Tiến sĩ với Lý Thân, nhưng chỉ là một Tuần Quan nhỏ ở Tuyên Châu Dịch Quán. Nghe Lý được thăng đến chức Tư Không, bèn khăn gói đến thăm. Khi vừa đến khách sạn, chẳng may người nhà và một thị dân tranh chấp ẩu đả nhau gây náo loạn. Lý Thân bèn xử cực hình cả hai và hạ lệnh bắt Thôi Tuần Quan trói lại mắng rằng :"Trước kia chúng ta đã từng quen biết, sao nhà ngươi đến đây mà chẳng đến bái kiến ta, còn để cho người nhà gây náo loạn là cớ làm sao ?!" Bèn hạ lệnh đánh hai mươi trượng và đày đi xứ khác, mặc cho người bạn hết lời xin lỗi giải thích cũng chẳng thèm nghe.
     Mọi người đều kháo nhau chê trách Lý Thân rằng : Người đáng bậc cha chú trong họ tộc thì kêu bằng cháu; bè bạn cũ đến thăm thì bị đánh đòn và đi đày. Dưới sự bạo hành và hà khắc của Lý Thân, một số dân chúng đã vượt qua sông Trường Giang mà đi xứ khác ở. 

Lại một lần nữa...

 Thi hào LƯU VŨ TÍCH 劉禹錫(772—842)khi bị biếm làm Thứ Sử đất Tô Châu (833), Lý Thân nghe tiếng và cũng mến mộ tài văn thơ của ông, bèn mời ông đến và thiết tiệc khoản đãi. Buổi tiệc thật xa hoa với đầy đủ các sơn hào hải vị, mỹ tửu quỳnh tương, dưa ngon trái ngọt. Các cô ca kỹ ăn mặc như các cung nữ và ca múa những điệu nhạc trong cung đình. Lưu Vũ Tích bàng hoàng ngỡ ngàng trước buổi tiệc qúa cao sang xa hoa nầy của tác giả hai bài thơ Mẫn Nông năm xưa. Trong khi dân chúng Tô Châu đang lâm vào cảnh lũ lụt đói kém khắp nơi, nên Ông đã xót xa mà viết bài thơ tứ tuyêt "Tặng Lý Tư Không Kỹ 贈李司空妓" (Tặng cô kỹ nữ của ông Tư Không họ Lý) với những lời lẽ chua chát mĩa mai như sau :
           
             高髻雲鬟宮樣妝,    Cao kế vân hoàn cung dạng trang,
                春風一曲杜韋娘。    Xuân phong nhất khúc Đỗ Vi Nương.
                司空見慣渾閒事,    Tư Không kiến quán hồn nhàn sự,
                斷盡蘇州刺史腸。    Đoạn tận Tô Châu Thứ Sử trường !
     Có nghĩa :
                   Tóc kết cung đình mây lướt trôi,
                  "Đỗ Vi Nương" khúc hát chơi vơi.
                   Tư Không quen mắt không cho lạ,
                   Thứ Sử Tô Châu ruột đứt rồi !

Ông đã ăn chơi quen thói, nên cho cảnh ăn chơi trác táng xa xỉ trước mắt là chuyện bình thường, là chuyện nhàn rỗi  (hồn nhàn sự), nhưng đối với tôi, đang lúc phải cầu xin triều đình mở kho lương thực để cứu tế dân tình đang trong cơn thiên tai lũ lụt, đói kém khắp nơi, thì cảnh ăn chơi sa đọa trước mắt qủa thật làm cho con người ta phải đau lòng đứt ruột ! Sao bây giờ ông lại vô tâm thế, ông đã quên mất khi xưa mình đã từng làm hai bài thơ MẪN NÔNG  rất hay, rất có tình người, rất có tính nhân bản hay sao ?!

TƯ KHÔNG KIẾN QUÁN hồn nhàn sự,  Đoạn tận Tô Châu Thứ Sử trường ! 

        Bài thơ trên của Thi Hào Lưu Vũ Tích còn hình thành một thành ngữ vẫn thông dụng cho đến hiện nay. Đó là bốn chữ "TƯ KHÔNG KIẾN QUÁN 司空見慣", nghĩa đen là : Quan Tư Không nhìn đã quen rồi; nghĩa bóng thường dùng để chỉ : Chuyện gì đó rất bình thường, không có gì là lạ cả; không làm cho ai đó phải trầm trồ hay ngạc nhiên gì cả ! Chuyện gì đó dù có lạ, có hiếm cở nào đi nữa, nhưng khi đã nhìn thấy nhiều lần rồi thì đều là "Tư Không Kiến Quán", là "Chuyện thường ngày ở huyện !".

      Lại một lần khi Lý Thân đang làm Tiết Độ Sứ ở đất Hoài Nam, lúc đó Tam nguyên Trương Hựu Tân 張又新 (một đối thủ chính trị từng hại cho Lý Thân suýt chút nữa thì bị chém đầu) bị bãi quan về quê, khi đi ngang qua địa phận của Lý Thân lại bị đắm thuyền, chết mất hai đứa con, lại sợ bị Lý Thân trả thù. Đau khổ, rối rắm và lo lắng vô cùng bèn hạ mình xuống nước viết một bức thư trần tình thật dài tạ lỗi với Lý Thân. Lý tỏ ra rất đồng tình và cảm thông cho nỗi bất hạnh của Trương, chẳng những bỏ qua những hiềm khích cũ, mà còn mời Trương đến nhà để thiết tiệc khoản đãi. Hai người cùng thù tạc như là bạn tâm giao lâu ngày vừa găp lại, nên uống đến say mèm... Chợt... 
      Trương Hựu Tân như tỉnh hẵn rượu ra vì trông thấy một ca kỹ mà Lý Thân vừa cho ra hát để giúp vui trong bữa tiệc... Thì ra đó là người yêu cũ hai mươi năm trước của Trương Hựu Tân khi ông đang làm quan ở đất Quảng Lăng, hai người yêu nhau nhưng chẳng thành quyến thuộc. Nay lại gặp mặt nhau trong hoàn cảnh trớ trêu nầy, bốn mắt nhìn nhau mà nói chẳng nên lời. Thừa lúc Lý Thân vào trong rửa mặt thay áo, Trương Hựu Tân bèn dùng ngón tay chấm vào rượu tức cảnh một bài tứ tuyệt viết lên mặt bàn như sau :

              雲雨分飛二十年,   Vân vũ phân phi nhị thập niên, 
              當時求夢不曾眠。   Đương thời cầu mộng bất tằng miên.
              今來頭白重相見,   Kim lai đầu bạch trùng tương kiến,
              還上襄王玳瑁筵。   Hoàn thướng Tương Vương đại mạo diên !
   Có nghĩa :
                   Mây mưa cách biệt hai mươi năm,
                   Chưa mộng hằng mơ thổn thức lòng.
                   Đầu bạc hôm nay còn gặp lại,
                   Tương Vương tiệc rượu hết còn mong !

      Lý Thân thay áo xong ra uống tiếp, thấy Trương Hựu Tân lộ vẻ âu sầu, bèn lệnh cho ca kỹ hát để giúp vui. Nàng ca kỹ bèn cất tiếng ngâm và hát bài thơ TẶNG QUẢNG LĂNG KỸ 贈廣陵妓 nói trên khiến cho Trương Hựu Tân và nàng cả hai cùng rơi lệ. Lý Thân hỏi biết chuyện, nên sau tiệc rượu, bèn cho người khiêng kiệu đưa nàng ca kỹ theo Trương Hựu Tân về để cùng nhau đoàn tụ.
Qủa là một nghĩa cử cao đẹp của một thi nhân. Chẳng những không trả thù, mà còn giúp cho kẻ thù cũ được tròn mộng uyên ương. Lý Thân là như thế đó !

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ LÝ THÂN :

     LÝ THÂN 李紳(772-846)tự là Công Thùy 公垂, người đất Hào Châu (An Huy), sau dời về Nhuận Châu, Vô Tích (Giang Tô). Con của Ô Trình Lệnh Lý Ngộ, là thi nhân, làm quan cao đến chức Tể Tướng.

Lý Thân đậu tiến sĩ năm Nguyên Hòa nguyên niên đời Đường (806), được bổ về làm Chưởng Thư Ký cho Triết Tây Quan Sát Sứ Lý Ky. Năm sau Lý Ky mưu phản, ông can gián, nhưng không nghe, lại nhốt ông vào ngục. Lý Ky mưu phản thất bại, ông được thả và được triệu về kinh thăng chức Hiệu Thư Lang rồi Quốc Tử Trợ Giáo. Đời Đường Mục Tông lại được thăng Hàn Lâm Học Sĩ, cùng với Lý Đức Dũ và Nguyên Chẩn xưng là TAM TUẤN 三俊 (Ba người Tuấn Kiệt). Khi Đường Kính Tông tức vị, ông bị Lý Phùng Kiết, Trương Hựu Tân hãm hại, bị biếm làm Đoan Châu Tư Mã. Đầu những năm Đại Hòa đời Văn Tông (827), ông chuyển nhậm Từ Châu rồi Thọ Châu Thứ Sử. Sau thăng lên các chức vụ quan trọng như Triết Đông Quan Sát Sứ, rồi Hà Nam Doãn và Tuyên Võ Tiết Độ Sứ. Đường Võ Tông năm Hội Xương thứ 2 (842), về triều nhậm chức Trung Thư Thị Lang, đồng Trung Thư Môn Hạ Bình Chương Sự, Tể Tướng. Hai năm sau lại bị chuyển về làm Hoài Nam Tiết Độ Sứ, không lâu thời mất, hưởng thọ 75 tuổi.

Lý Thân cùng với Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị giao du xướng họa rất thân mật, họ đều là thành viên của việc vận động và đề xướng ra lối thơ Tân Nhạc Phủ. Ông sáng tác 20 bài Nhạc Phủ Tân Đề (đã thất truyền). Tác phẩm nổi tiếng để đời của ông là 《Mẫn Nông nhị thủ 憫農二首》nói về đời sống cơ cực vất vả của nông dân, rất được mọi người tán thưởng và thuộc lòng. Trứ tác thì có《Truy Tích Du Thi 追昔遊詩》trong Toàn Đường Thi thu tập lại được bốn quyển.

Đỗ Chiêu Đức

7/7/23

Giai thoại văn chương - ANH EM XƯỚNG HỌA

 

 Tô Thức  (Tử Chiêm tức Tô Đông Pha)    Tô Triệt  (Tử Do)

         Trong cổ thi, rất ít khi thấy anh em bạn bè xướng họa với nhau. Mời đọc một giai thoại về Xướng Họa giữa hai anh em Tô Đông Pha và Tô Triệt, hai trong số Đường Tống Bát Đại Gia 唐宋八大家 (Tám nhà văn học giỏi nhất đời Đường và đời Tống) như sau :

         Tô Triệt 蘇轍 tự là Tử Do 子由, em trai của Tô Đông Pha 蘇東坡, tài hoa xuất chúng. Khi mới 19 đã được bổ nhiệm làm quan Chủ Bộ của huyện Mẫn Trì, chưa kịp đáo nhậm thì trên đường đi thi đã đậu ngay Tiến Sĩ. Tô Triệt cùng anh là Tô Thức 蘇軾, tự là Tử Chiêm 子瞻, hiệu là Đông Pha Cư Sĩ 東坡居士, cùng lai kinh ứng thí, khi đi ngang qua huyện Mẫn Trì, đêm trọ lại trong một tăng xá trong chùa, cùng đề thơ tặng sư trên vách. 

         Mùa đông năm Gia Hựu thứ 6 đời nhà Tống (1061), Tô Thức được bổ nhiệm đi làm quan ở Phụng Tường Thiểm Tây, lại phải đi ngang qua huyện Mẫn Trì. Tô Triệt đưa anh đến phía ngoài cửa Tây của thành Trịnh Châu. Tô Thức đã làm một bài thơ chia tay trên ngựa cho em như sau :

                 寒燈相對記疇昔,    Hàn đăng tương đối ký trù tích,
                 夜雨何時聽蕭瑟?    Dạ vũ hà thời thính tiêu sắt ?
                 君知此意不可忘,    Quân tri thử ý bất khả vong,
                 慎勿苦愛高官職!    Thận vật khổ ái cao quan chức !
Có nghĩa :
               Đèn lạnh nhìn nhau nhớ cổ tích,
               Đêm mưa ngày nao nghe rả rích ?
               Biết em ý ấy chớ nên quên,
               Cẩn thận đừng vì ham quan chức !

        Tô Triệt cũng làm một bài thơ《Hoài Mẫn Trì ký Tử Chiêm Huynh 懷澠池寄子瞻兄》tặng cho anh trước khi chia tay về lại kinh thành. Bài thơ đó như sau :

               相攜話別鄭原上,   Tương huề thoại biệt Trịnh nguyên thượng,
               共道長途怕雪泥。   Cộng đạo trường đồ phạ tuyết NÊ.
               歸騎還尋大梁陌,   Quy kỵ hoàn tầm đại Lương mạch,
               行人已度古崤西。   Hành nhân dĩ độ cổ Hào TÊ (TÂY).
               曾為縣吏民知否?   Tằng vi huyện lại dân tri phủ ?
               舊宿僧房壁共題。   Cựu túc tăng phòng bích cộng ĐỀ.
               遙想獨遊佳味少,   Dao tưởng độc du giai vị thiểu,
               無言騅馬但鳴嘶。   Vô ngôn chuy mã đản minh TÊ.
* Có nghĩa :
      - Cùng dắt tay nhau đi và cùng nói lời tạm biệt trên thảo nguyên đất Trịnh Châu.- Cùng bảo nhau đường xa sợ nhiều tuyết bẩn (vất vả).
      - Người quay đầu ngựa trở về còn đang lẩn quẩn trong đường ruộng đại Lương; còn người đi là huynh trưởng chắc đã qua khỏi đường núi Hào tây rồi.
      - Ta đã từng làm qua chức huyện lại ở đây rồi không biết dân chúng có biết không, và trước đây đã từng ngụ ở tăng phòng nầy và đã cùng đề thơ trên vách.
      - Những nghĩ là huynh trưởng du hành đơn độc chắc là rất vô vị; Con đường trước mặt lặng lẽ im lìm chỉ có tiếng ngựa kêu hí mà thôi.


* Diễn Nôm :   Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm (Song thất lục bát)

                       
                  Ngoài Trịnh Châu vẫy tay giả biệt,
                  Ngại đường xa chi xiết tuyết lầy,
                  Đại Lương đường ruộng về đây,
                  Hào Tây núi thẳm người đi dặm ngàn.

                  Từng vì dân giữ an huyện lại,
                  Trọ tăng phòng vách lại đề thơ,
                  Đường xa lữ khách mịt mờ,
                  Dặm trường lặng lẽ ngựa khờ hí vang !

         Khi đi đến huyện Mẫn Trì, Tô Đông Pha nhớ lại chuyện 5 năm trước, khi cùng Tô Triệt lai kinh ứng thí, đêm ở trọ lại một ngôi chùa ở đây, lúc chia tay đã đề tặng một bài thơ trên vách tăng phòng của nhà sư trụ trì là Phụng Nhàn 奉閒. Nay thì nhà sư đã viên tịch, vách cũ cũng đổ nát, cảm xúc cho cái vô thường của thế sự, lại nhận được bài thơ của em trai gởi, bèn làm bài thơ họa vận để nhớ về Mẫn Trì khi cùng với Tô Triệt tá túc nơi đây. Giác ngộ về lẽ vô thường của sự vật làm cho Tô Đông Pha xem nhẹ về lợi danh được mất ở đời, cho đó là chuyện tự nhiên; hình thành phẩm cách cao cả nơi con người ông khi bắt đầu bước vào con đường hoạn lộ làm quan, với cái tinh thần tích cực yêu dân yêu nước và dám xả thân để báo quốc mà không ngại gian lao khổ nhọc. Ta hãy đọc bài thơ "HỌA TỬ DO MẪN TRÌ HOÀI CỰU 和子由澠池懷舊". Có nghĩa :"Họa với Tử Do nhớ lại chuyện cũ ở huyện Mẫn Trì" sẽ rõ : 

              人生到處知何似?    Nhân sinh đáo xứ tri hà tự ?
              應似飛鴻踏雪泥。   Ưng tự phi hồng đạp tuyết NÊ.
              泥上偶然留指爪,   Nê thượng ngẫu nhiên lưu chỉ trảo,
              鴻飛哪復計東西?    Hồng phi nả phục kế đông TÊ (TÂY)?
              老僧已死成新塔,   Lão tăng dĩ tử thành tân tháp,
              壞壁無由見舊題。   Hoại bích vô do kiến cựu ĐỀ.
              往日崎嶇還記否?    Vãng nhật khi khu hoàn ký phủ ?
              路長人困蹇驢嘶。   Lộ trường nhân khổn kiển lư TÊ.
* Có nghĩa :
        - Người đời phiêu bạt hết chỗ nầy đến chỗ kia, giống như là gì đây ? Tôi nghĩ giống như là chim hồng hộc ngẫu nhiên đậu xuống trên bùn trên tuyết mà thôi.
        - Trên bùn trên tuyết ngẫu nhiên lưu lại cái vết móng vuốt của chim hồng, chớ chim hồng bay sang đông hay bay sang tây đều không có tính toán trước.
        - Lão hòa thượng thì đã viên tịch rồi chỉ còn lưu lại cái tháp tro cốt mà thôi; và chúng ta cũng không có dịp đi nhìn lại tấm vách có đề thơ năm xưa giờ đã đổ nát.
        - Có còn nhớ ngày xưa trên đường đá gập ghềnh trắc trở khi đi đến đây; Đường đã xa xôi người lại mõi mệt còn lừa thì cũng bước chân khập khiểng và cất tiếng hí vang.


* Diễn Nôm :
   
                                 (Song thất lục bát)

                         Kiếp người đời hợp tan ai muốn ?
                         Tựa chim hồng đáp xuống tuyết lầy,
                         Tuyết lưu móng vuốt là đây,
                         Chim hồng bay mãi đông tây chẳng màng !

                         Lão tăng đã dặm ngàn khuất núi,
                         Vách đề thơ tàn lụi khó tìm,
                         Đường xưa núi đá gập ghềnh,
                         Xa xăm người mỏi lừa rên hí tràn !     
                                                            Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

        Cái triết lý nhân sinh đượm một chút Thiền Ý của Tô Đông Pha rất đáng cho ta suy gẫm; Vì nó thiên về chí hướng tích cực của Nho gia, chớ không buông xuôi tiêu cực như người đời thường nghĩ. Ta hãy nghe lại bài thơ "HỌA TỬ DO..." của ông sẽ rõ...
       Bốn câu đầu ông nêu lên ý : Người đời ở đâu cũng thế, giống như con chim hồng nhạn tình cờ bay đáp xuống vũng lầy bùn tuyết để lại dấu ấn rồi bay đi khắp đông tây mà không còn nhớ gì tới dấu ấn đó nữa; Dấu ấn đó còn hay mất con chim nhạn cũng không cần biết tới làm chi nữa. 

        Bốn câu sau, ông ví với việc anh em ông đề thơ trên vách tăng phòng của nhà chùa khi trọ qua đêm nơi đó; Nay thì nhà sư Phụng Nhàn đã mất, chỉ còn lại cái tháp tro cốt mà thôi; Bức vách đề thơ cũng đã sụp đổ theo mưa nắng của tháng năm. Chuyện ngủ trọ đề thơ cũng giống như chuyện chim hồng để lại dấu ấn trên bùn tuyết, là chuyện "Vô Thường của Cuộc Sống" xảy ra hằng ngày, ta phải biết châm chước mà phớt lờ NÓ đi, đừng để NÓ vướng bận mãi trong lòng làm cho cuộc sống luôn luôn phiền muộn. Chuyện "Ở trọ đề thơ" là một trong muôn ngàn chuyện của cuộc sống của con người; Phải quên NÓ đi, như con chim hồng nhạn không nhớ gì đến việc để lại vết tích trên bùn tuyết ; QUÊN để còn tích cực vui sống và làm việc giúp ích cho đời; QUÊN để còn đối phó với biết bao nhiêu sự cố sẽ lần lượt xảy ra trong cuộc sống của những tháng ngày tiếp nối.

      Đây là cái nhân sinh quan lạc quan trước vô thường của cuộc sống của Tô Đông Pha; Ông cũng khuyến khích em trai mình theo cái nhân sinh quan tích cực nầy mà đi vào cuộc sống. Chả trách hai anh em ông đều là những ông quan tốt và lại là hai thành viên nổi tiếng trong "Đường Tống Bát Đại Gia 唐宋八大家 ".

     Sau đây là hai bài thơ Xướng Họa của anh em nhà họ Tô, được diễn Nôm theo phong cách "Xướng Họa Hiện Nay" của qúy Tiền bối thân hữu trong các vườn thơ thẩn... Ai có nhã hứng thì cùng dịch cho vui (dĩ nhiên là sẽ chọn VẦN tùy thích !).

    XƯỚNG :
               HOÀI MẪN TRÌ KÝ TỬ CHIÊM HUYNH 懷澠池寄子瞻兄 

                   Vẫy tay giã biệt cửa tây Trịnh,
                   Cùng sợ đường xa lắm tuyết lầy.
                   Lẩn khuất người về đường ruộng đó,
                   Gập ghềnh kẻ vượt núi non đây.
                   Trước làm huyện lại dân nào biết,
                   Xưa ngụ đề thơ chẳng kẻ hay.
                   Đơn lẻ hành trình sầu chất ngất,
                   Người buồn ngựa mỏi hí vang vầy !

    HỌA :
                HỌA TỬ DO MẪN TRÌ HOÀI CỰU 和子由澠池懷舊

                   Cuộc sống nhân sinh sao biết được ?
                   Tựa như hồng nhạn đáp bùn lầy,
                   Bùn lầy dấu ấn còn đây đó,
                   Trời rộng hồng bay khắp đó đây.
                   Viên tịch sư già nào kẻ biết,
                   Vách xiêu thơ đổ chẳng người hay.
                   Đường xưa khấp khểnh quên hay nhớ ?
                   Người mỏi lừa què hí mãi vầy !
                                               Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm.

        Mong rằng mọi người đều có quan niệm VÔ THƯỜNG một cách tích cực như là 
TÔ ĐÔNG PHA vậy !

      Đọc bài thơ trên của Tô Đông Pha, làm cho ta lại nhớ đến bài thơ Thiền "VÔ TÂM 無心" của Hương Hải Thiền Sư 香海禪師 (1628 - 1715) đời Hậu Lê của Việt Nam ta như sau :
     
                鴈 過 長 空,             Nhạn quá trường không,                         
                影 沉 寒 水.             Ảnh trầm hàn thủy.                     
                鴈 無 遺 跡 之 意,   Nhạn vô di tích chi ý                 
                水 無 留 影 之 心.   Thủy vô lưu ảnh chi tâm .
Có nghĩa :
         Con chim nhạn bay ngang qua bầu trời, cái bóng của nó in xuống dưới dòng nước lạnh. Con nhạn đó không có Ý để lại vết tích của mình dưới nước, mà nước cũng không có Lòng giữ lại hình bóng của chim nhạn. 
        Tất cả đều là lẽ tự nhiên của Vô Thường, Vô Tâm, của Tâm Vô Sở Trụ 心無所住 !

Diễn Nôm:
                 Nhạn bay cao vút trên không,
                 Bóng chìm đáy nước lạnh căm vô tình.
                 Nhạn không có Ý để hình,
                 Nước không Lòng giữ bóng hình nhạn đâu!                                                                                                                         Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
  

 
Đỗ Chiêu Đức                                              

6/21/23

Giai Thoại văn Chương : Tết Đoan Ngọ

Cũng Tại Cái Ông KHUẤT NGUYÊN của nước Sở!

    Mùng 5 tháng 5 là TIẾT ĐOAN NGỌ 端午節, theo Ngũ hành Bát quái, vì số 5 thuộc dương, nên Tiết Đoan Ngọ còn gọi là Tiết ĐOAN DƯƠNG 端陽. ĐOAN: là Đầu mối, là mở đầu; NGỌ: là giờ Ngọ, là giữa trưa; còn DƯƠNG là mặt trời, là khí dương, ĐOAN DƯƠNG có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Còn ĐOAN NGỌ là bắt đầu lúc giữa trưa. Theo truyền thuyết Trung Hoa...

     KHUẤT NGUYÊN 屈原 (340-278 TCN) : Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông chẳng những là vị trung thần của nước Sở mà còn là nhà thơ, nhà văn hoá nổi tiếng của Trung Hoa. Ông là tác giả hai bài thơ bất hủ là LY TAO 離騷 và SỞ TỪ 楚辭, nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa cổ đại, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong. Do can ngăn Sở Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự trầm ngày mùng 5 tháng 5. Dân chúng nơi đó đã mang thuyền đến giữa dòng sông để cố gắng cứu vớt nhưng không thành. Để cho các loại cá và linh hồn của các yêu ma quỷ quái không lại gần được thi thể của ông họ đã đánh trống và vẩy nước bằng các mái chèo của họ. Sau đó để tưởng nhớ, tiếc thương cho một người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày mùng 5 tháng 5, dân Trung Hoa xưa lại làm bánh ú gói nhân thịt mỡ, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh xuống để cúng Khuất Nguyên. Do đó, hình thành hai tập tục trong ngày lễ Đoan Ngọ cho đến hiên nay là : Đua thuyền rồng và Ăn bánh ú.


    Trong văn học, tác phẩm LY TAO của Khuất Nguyên hình thành những từ như : Tao Nhân Mặc Khách, Tao Đàn ... Trong thơ ca Trung Hoa còn ghi nhận SỞ TỪ là nguồn gốc của thơ Thất ngôn sau nầy. Sau đây là hai bài thơ Thất ngôn Tứ tuyệt có liên quan đến Tết Đoan Ngọ ở đời Đường. 
 
        同州端午             ĐỒNG CHÂU ĐOAN NGỌ

     鶴髮垂肩尺許長,    Hạc phát thùy kiên xích hứa trường,
     離家三十五端陽。    Ly gia tam thập ngũ Đoan Dương.
     兒童見說深驚訝,    Nhi đồng kiến thuyết thâm kinh nhạ,
     卻問何方是故鄉。    Khước vấn hà phương thị cố hương ?
             殷堯藩                                         Ân Nghiêu Phồn


Có nghĩa :
              Tóc bạc qúa vai cả thước thường,
              Xa nhà ba mươi lăm Đoan Dương.
              Trẻ con nghe nói đều kinh ngạc,
              Cùng hỏi nơi nào là cố hương ?
 
        Tết giữa năm cũng khiến cho người lữ khách nhớ nhà như là Tết Nguyên Đán vậy ! Đọc bài thơ trên làm cho ta lại nhớ đến bài "Hồi Hương Ngẫu Thư" của Hạ Tri Chương... Ta đọc thêm một bài thơ về Đoan Ngọ nữa nhé !
 
         端午                  ĐOAN NGỌ

     節分端午自誰言,    Tiết phân Đoan Ngọ tự thùy ngôn,
     萬古傳聞為屈原。    Vạn cổ truyền văn vị Khuất Nguyên.
     堪笑楚江空渺渺,    Kham tiếu Sở giang không diểu diểu,
     不能洗得直臣冤。    Bất năng tẩy đắc trực thần oan !
                文秀                                                  Văn Tú

Có Nghĩa :
              Đoan Ngọ ai chia Tết tháng năm,
              Khuất Nguyên từ vạn cổ xa xăm.
              Nực cười sông Sở trôi trôi mãi...
              Rửa chẳng sạch oan đấng nghĩa thần !

      Sông Mịch La của nước Sở, nơi Khuất Nguyên nhảy xuống để tự trầm, mấy ngàn năm vẫn không thể rửa hết oan khiên cho đấng bề tôi trung nghĩa. Bài thơ nầy làm cho ta nhớ đến một "Giai thoại văn chương Việt Nam thời vua Tự Đức", ông vua rất giỏi văn thơ của Việt nam ta ...
              
      Trong "Giai thoại văn chương Việt Nam" của Thái Bạch có kể về tài ứng đối của Đinh Nhật Thận như sau : Đinh Nhật Thận sinh năm Ất Hợi (1815) tại làng Thanh Lạo, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đỗ cử nhân khoa Đinh Dậu (1837), đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1838) được bổ làm Tri phủ. Ông thường giao du với Cao Bá Quát và Nguyễn Hàm Ninh. Sau Cao Bá Quát dấy binh chống lại triều đình, Đinh Nhật Thận bị tình nghi, bắt giải về kinh giam lại, sau lại được thả ra. ("Quốc Triều Hương Khoa Lục" chép về Đinh Nhật Thận: “ Vì là bạn cũ của tên giặc Cao Bá Quát nên bị bắt giam, sau được thả”.


    Vì mến tài ông, vua Tự Đức lưu ông lại ở kinh đô để dạy cho con em trong hoàng tộc và cũng để dễ bề kiềm chế ông. Tục truyền khi ở kinh đô, một hôm Đinh Nhật Thận cùng các quan đại đại thần theo thuyền ngự đi ngoạn cảnh trên sông Hương. Nhân bàn luận về Nho giáo, ông nhắc đến câu: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” và cho đó là một câu chí lý. Nghe xong, vua Tự Đức phán :
     - Vậy trẫm truyền cho khanh nhảy xuống sông này chết đi, khanh có dám làm không ?
     Nghe vua phán vậy, các quan trên thuyền đều lo sợ thay cho ông, vì không nhảy xuống sông thì không trung với vua, mà nhảy xuống thì chết là cái chắc. Ấy vậy mà ông vẫn bình tĩnh lạy nhà vua ba lạy xong đâu vào đấy, rồi lao mình nhảy tỏm xuống dòng sông. Mọi người đều bàng hoàng, tưởng đây là nơi an nghỉ ngàn thu của ông rồi. Nhưng chỉ trong giây lát, ông ngoi đầu lên khỏi mặt nước và vói tay bám vào mạn thuyền ngự. Vua Tự Đức hỏi: 
    - Sao khanh không ở dưới đó luôn mà còn trở lên đây chi vậy ?
      Ông bình tĩnh đáp rằng :
    - Chỉ tại cái ông Khuất Nguyên của nước Sở. Nhà vua ngạc nhiên hỏi :
    - Tại sao lại Khuất Nguyên ?. Ông chậm rãi kể :
    - Thần định ở luôn dưới đó, nhưng khi vừa xuống đến đáy sông thì thần gặp ông Khuất Nguyên, ông ấy đuổi thần lên và mắng thần rằng : 

             Ngã phùng ám chúa hàm oan nhẫn,     我逢黯主含冤忍,
             Nhữ ngộ minh quân nịch tử hà ?          爾遇明君溺死何?

   Có nghĩa :
          Ta gặp phải chúa hắc ám, nên phải chịu oan đã đành,
          Còn ngươi gặp được minh quân sao lại phải nhảy xuống đây trầm mình tự tử vậy ?

  ... hạ thần nghe ông ấy mắng quá đúng cho nên phải ngoi lên đây để tâu cùng bệ hạ rõ!

      Vua Tự Đức cả cười, sai thị vệ kéo ông lên thuyền ngự, lấy quần áo cho ông thay rồi đích thân rót một chén rượu để khen thưởng cho cái tài ứng đối mẫn tiệp, mặc dù biết đó là một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt.


Giai thoại trên nghe thì rất lý thú, nhưng chỉ để kể cho nhau nghe chơi khi trà dư tửu hậu mà thôi. Nay nhân Tết Đoan Ngọ, ở nơi xứ lạ quê người nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nên kể hầu chư vị cho vui với một ngày Lễ chỉ có ở vùng của các nước Đông Nam Châu Á mà thôi.

Đỗ Chiêu Đức