Showing posts with label Khoa học-Kỹ thuật. Show all posts
Showing posts with label Khoa học-Kỹ thuật. Show all posts

3/16/23

« Hóa chất vĩnh cửu » PFAS : Mối đe dọa hóa học lớn nhất cho loài người trong thế kỷ XXI ?

Nghe:

5 nước châu Âu - Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển - hôm 13/01/2023 đề xuất với Cơ quan quản lý hóa chất châu Âu về việc cấm sử dụng PFAS. Đến ngày 07/02, Liên Âu đã bắt đầu xem xét đề xuất cấm PFAS,  hóa chất « vĩnh cửu », với rất nhiều ứng dụng trong công nghiệp và đời sống, nhưng cũng có nhiều tác hại tới môi trường và sức khỏe con người. Nếu được thông qua, đây được xem như quy định lớn nhất của ngành công nghiệp hóa học châu Âu.
 
Các nhà nghiên cứu phân tích một mẫu nước để tìm chất PFAS, ngày 14/02/2023, tại Trung tâm Giải pháp Môi trường và Ứng phó Khẩn cấp, thuộc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ ở thành phố Cincinnati, bang Ohio. AP - Joshua A. Bickel

Nhìn sang Mỹ, tập đoàn hóa chất 3M tháng 12/2022 cũng đã thông báo sẽ muộn nhất đến năm 2025 sẽ ngưng sản xuất PFAS. Để hiểu thêm về « hóa chất » được xem là « vĩnh cửu » và đang bị phản đối nhiều, RFI Tiếng Việt đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS. về hóa học Phạm Quốc Nghị, Đại học Paris-Saclay của Pháp.

RFI : Xin chào PGS.TS. Phạm Quốc Nghị, anh có thể cho thính giả, độc giả của đài biết chất PFAS cụ thể là gì ? Đâu là các đặc tính của chất này ?

TS. Phạm Quốc Nghị : Có thể hiểu đơn giản các chất PFAS là các hợp chất hữu cơ có đặc điểm chung là được cấu thành bởi Carbon và Fluor. Cần nhấn mạnh đây hoàn toàn là những chất tổng hợp bởi con người chứ không tồn tại sẵn có trong tự nhiên. Theo tổ chức OECD thì có khoảng trên 4.700 chất khác nhau thỏa mãn điều kiện để được gọi là PFAS. Tuy nhiên, theo quan điểm hóa học mà nói thì có tới trên 6 triệu hợp chất phù hợp với định nghĩa này.

Khi đề cập đến đặc tính của các hợp chất PFAS, chúng ta có thể nhớ đến các nguyên tử cấu thành đặc trưng là F, biểu tượng của Fluor và C, Carbon, và khi ghép 2 chữ cái này, chúng ta có từ “Forever Chemicals”, nghĩa là các chất vĩnh cửu. Cách dùng chữ này có thể giải thích trên quan điểm hóa học, theo đó các liên kết giữa C và F thuộc nhóm liên kết bền và khó có thể phá hủy nhất. Các chất PFAS không thể hòa tan được trong hầu hết các dung môi hữu cơ, vô cơ như axit, bazơ… Trong điều kiện tự nhiên trên bề mặt Trái đất, nhiều chất PFAS này có thể tồn tại hàng nghìn năm không bị biến đổi.


RFI : Với những đặc tính đó, đâu là những ứng dụng phổ biến của PFAS ?

TS. Phạm Quốc Nghị : Với đặc tính bền với nhiệt độ và tác động cơ học và các môi trường hóa học như axit, bazơ, nên các chất PFAS được sử dụng rộng rãi và phổ biến trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong công nghiệp. Các hợp chất này hoàn toan do tổng hợp và được đưa vào sử dụng từ khoảng những năm 1940, thời gian có thể nói là quá ngắn so với các chất có nguồn gốc tự nhiên mà chúng ta biết, nhưng mức độ sử dụng thì rất rộng rãi.

Chúng ta có thể kể đến một vài ví dụ cụ thể, thứ nhất là chảo chống dính. Các chảo chống dính thường dùng đến hợp chất gọi là Teflon. Đây là hợp chất polymer rất bền và chịu được nhiệt. Ngoài ra, hợp chất Teflon còn được sử dụng làm băng dính cách điện và chịu nhiệt. Lĩnh vực thứ hai là ngành công nghiệp bao bì, đóng gói thực phẩm công nghiệp, ví dụ đóng gói thức ăn nhanh, khiến bao bì vẫn bền khi dính nước hoặc các loại mỡ, thuận tiện cho việc vận chuyển và mang theo đồ ăn. Ngoài ra, có thể kể đến bọt chữa cháy, cứu hỏa. Đây chỉ là một vài ví dụ, còn có rất, rất nhiều ví dụ khác.

RFI : Thời gian gần đây, báo chí Pháp và châu Âu nói nhiều đến tác hại của PFAS. Anh có thể giải thích thêm về tác hại của hợp chất này đối với môi trường, sức khỏe con người ?

TS. Phạm Quốc Nghị : Trước tiên, về môi trường, vì các chất PFAS rất bền và khó bị phân hủy. Vì vậy, một khi bị đưa vào tự nhiên rồi thì các chất này sẽ thấm vào đất và các mạch nước nguồn, lan theo gió … Chính vì thế, các chất này có mặt ở gần như khắp mọi nơi trên Trái đất, thậm chí có những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng có chất PFAS ở tận Bắc cực.

Chúng ta có thể tượng tượng đơn giản là khi rửa chảo chống dính đã qua sử dụng, sẽ có những các hạt nhỏ Teflon như tôi đã nói ở trên thoát ra và bị cuốn vào nguồn nước thải. Các quy trình xử lý nước hiện nay, bao gồm cả ở các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu, cũng chưa xử lý được các hạt nhỏ PFAS này và nó sẽ phân tán vào môi trường. Hoặc như khi lính cứu hỏa phun các loại bọt chống cháy, sẽ có những chất họ PFAS bị phân tán vào không khí, nước …

Theo 1 nghiên cứu năm 2018 của nhóm nghiên cứu ở Mỹ, các chất họ PFAS có ở trong máu của trên 98% người Mỹ. Theo 1 nghiên cứu khác của các trung tâm kiểm tra và phòng chống bệnh của Mỹ, trong các kết quả xét nghiệm máu của 10.000 người được thực hiện vào khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2014 (trên 11 năm) thì có 5 chất PFAS được tìm thấy trong máu của trên 70% người được thử máu. Đây chỉ là 5 chất mà người ta nghiên cứu. Có thể còn có nhiều chất PFAS khác mà người ta chưa tìm thấy.

Một điều rất đáng lưu ý là chất PFAS khi vào cơ thể con người thì rất khó bị loại thải, bởi vì không như một số chất khác được thải loại qua gan hoặc một số quy trình khác, các chất PFAS có thể tồn tại trong cơ thể tới nhiều tháng.

Theo Cơ quan quốc gia về an toàn thực phẩm, môi trường và lao động của Pháp, ANSES, các thực phẩm có nguồn gốc từ biển thường chứa một lượng lớn các chất PFAS so với các nguồn thực phẩm khác, đặc biệt là các động vật giáp xác như tôm, cua, ốc ... và các loài thân mềm. Cũng theo tổ chức này, các chất PFAS làm tăng hàm lượng mỡ máu (cholestérol), gây bệnh ung thư và ảnh hưởng đển sự phát triển của bào thai. Đặc biệt là theo 1 báo cáo năm 2020 của Tổ chức An toàn Thực phẩm châu Âu thì các chất PFAS có thể gây ra sự suy giảm với phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với tiêm chủng.

Ở vùng quanh sông Rhone, phía nam thành phố Lyon, nước Pháp, có nhiều nhà máy công nghiệp hóa chất, như Arkema và Daikin. Hệ quả là các nguồn nước bị ô nhiễm chất PFAS. Báo chí Pháp gần đây đã loan báo các kết quả nghiên cứu theo đó hàm lượng PFAS trong trứng gà nuôi ở các làng Oullins et Piere-Bénite, vùng Auvergne-Rhône-Alpes, cao hơn 16 lần ngưỡng cho phép. Chính quyền vùng khuyến cáo người dân ở đây không tiêu thụ trứng và thịt gia cầm trước khi có các nghiên cứu cụ thể hơn.Các nhà khoa học lý giải bằng giả thuyết đất bị ô nhiễm và khi gà nuôi trong các trang trại tư nhân ăn thức ăn trên đất thì sẽ bị nhiễm theo. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra sự có mặt của các chất PFAS trong cá sống ở quanh vùng này. Theo chính quyền vùng thì nhà máy Arkema thải trực tiếp nước thải có chứa PFAS vào sông Rhone. Điều này gây ảnh hưởng đến các nguồn nước sinh hoạt ở vùng này.

RFI : Vậy theo anh làm thế nào để có thể hạn chế các tác hại của PFAS đối với môi trường và đặc biệt là đối với sức khỏe con người ?

TS. Phạm Quốc Nghị : Câu trả lời là những vấn đề này cần được xử lý ở cấp cao nhất có thể, cấp chính phủ, quốc gia và thậm chí là cấp châu Âu, thế giới. Như tôi đã nói thì PFAS có mặt ở khắp mọi nơi. Con người, với những sinh hoạt bình thường, thì rất khó có thể tránh được việc bị ô nhiễm. Dù có ý thức hay không có ý thức, thì theo một nghiên cứu của Pháp trên rất nhiều cá thể, trong mẫu máu của gần như 100% số người này đều có chất PFAS. Về cá nhân từng người, cách đơn giản nhất là trong cuộc sống nên hạn chế dùng chất này, chẳng hạn hạn chế mua và dùng đồ ăn nhanh, hạn chế dùng chảo chống dính, thay vào đó có thể dùng chảo chống dính bằng gốm. Tuy nhiên, cũng có thể chảo chống dính bằng gốm cũng có những nguy cơ khác mà khoa học bây giờ vẫn chưa tìm thấy.

Thế nên, đối với từng cá nhân, theo tôi thì hiện tại vẫn chưa có nhiều giải pháp, mà cần hoạt động đồng bộ, thống nhất ở mức độ cao nhất. Chất này đã được sử dụng quá rộng rãi trong hầu như mọi lĩnh vực trong cuộc sống, không thể loại bỏ chỉ sau 1-2 ngày, bởi vì ngoài yếu tố sức khỏe còn có yếu tố kinh tế xã hội. Thế nên, ở cấp độ châu Âu, mỗi khi mà đưa ra thảo luận thì ngoài hội đồng khoa học ra còn có các hội đồng, ủy ban kinh tế - xã hội cùng thảo luận để tìm ra kiến nghị, giải pháp song song.

RFI : AFP ngày 17/01/2023 trích dẫn Patrick Birne, nhà nghiên cứu về ô nhiễm môi trường, Đại học Liverpool Jones Moores, theo đó các chất PFAS có thể sẽ là một mối đe dọa hóa học lớn nhất cho loài người trong thế kỷ XXI. Anh nghĩ thế nào ?

TS. Phạm Quốc Nghị : Trên quan điểm hóa học thì bình luận cũng có ý đúng nhất định, bởi vì các chất PFAS này, con người tạo ra được, sản xuất được. Tuy nhiên, quá trình thu hồi lọc, phân hủy, xử lý các hạt PFAS đã qua sử dụng thì rất khó khăn. Hiện nay, trên quan điểm hóa học thì có thể nói là không có một quá trình nào có thể cho phép xử lý toàn bộ các chất PFAS trong tự nhiên. Rất khó thu hồi và gần như không thể thu hồi, không thể xử lý được vì các chất này quá bền. Khi vào cơ thể thì bắt đầu mới có những ảnh hưởng tiêu cực về sau này, thế nên tôi nghĩ là đây cũng có thể là một trong những vấn đề rất lớn mà các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu. Làm sao có thể xử lý được ? Câu trả lời hiện nay vẫn chưa có !

RFI : Xin chân thành cảm ơn PGS.TS. Phạm Quốc Nghị, Đại học Paris-Saclay.

Đề tài liên quan:


10/7/22

Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết những con tằm của họ đánh bại sợi nhện để tăng cường sức mạnh

Holly Chik SCMP
  • Các nhà nghiên cứu cho biết, quy trình mới tạo ra loại tơ cứng hơn 70% so với phiên bản cứng hơn thép do nhện kéo.
  • Nó có thể được sử dụng cho quần áo, chỉ khâu phẫu thuật và các thiết bị y tế khác, theo nhóm nghiên cứu tại Trung Quốc,
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết tơ hiệu suất cao của họ rẻ hơn và dễ sản xuất hơn tơ nhện làm trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Shutterstock

Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ đã phát triển một cách kéo tơ thủ công từ con tằm để khiến nó dai hơn 70% so với cách kéo tơ mạnh nhất của nhện.

Kỹ thuật tân tiến trồng lúa nước tại Nhật Bản

5/13/22

Tạo Ra Thịt Trong Phòng Thí Nghiệm Từ Lúa Mạch

Thu Thảo

Lúa mạch trồng trong nhà kính của ORF Genetics. Ảnh: BBC

Công ty Iceland đang trồng 130.000 cây lúa mạch biến đổi gene để thu hoạch loại protein phục vụ cho quá trình nuôi cấy thịt từ tế bào.

4/23/22

Giữa cơn khủng hoảng, thế giới phát hiện một loại năng lượng sạch bất tận bị "chôn vùi" dưới đáy giếng dầu bỏ hoang

Câu chuyện này là một phần của loạt bài Recode by Vox's Tech Support , khám phá các giải pháp cho thế giới đang nóng lên của chúng ta.


Mỹ đang chi hàng triệu USD để khám phá một nguồn năng lượng đáng ngạc nhiên chưa được khai thác.


Hành tinh của chúng ta đang gặp rắc rối. Báo cáo về khí hậu của Liên hợp quốc từ đầu tháng 4 cho thấy rõ chúng ta đang đi trên con đường thực hiện các mục tiêu khí hậu được đặt ra trong Thỏa thuận Paris là cắt giảm lượng khí thải carbon một cách nhanh chóng. Mặc dù năng lượng mặt trời và năng lượng gió rất quan trọng, đặc biệt là trong kế hoạch khí hậu của Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden, nhưng chúng lại là loại năng lượng đã quá phổ biến, có nghĩa là tác dụng của chúng chỉ giới hạn đến mức hiện tại mà thôi.

3/23/22

Nữ khoa học gia gốc Việt, tên được đặt cho một hành tinh

Khi nhắc đến những cái tên gốc Việt rạng danh trên thế giới, Jane Luu (Lưu Lệ Hằng) là cái tên không thể bỏ qua. Là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới nhận được Giải thưởng Cavry trong lĩnh vực vật lý thiên văn (được coi là giải Nobel vật lý thiên văn), Giáo sư Hằng đã góp phần phát hiện ra 31 tiểu hành tinh. Sau khi khám phá ra Vành đai Kuiper, tên của bà được cả thế giới biết đến – khu vực chứa hàng trăm triệu vật thể hình bánh vòng, điều này đã thay đổi cách các nhà thiên văn học nhận định lịch sử của hệ mặt trời.

11/21/21

Những câu chuyện ít biết về TSMC - trung tâm của cuộc chạy đua công nghệ bán dẫn toàn cầu

Công ty trị giá 550 tỷ USD này hiện kiểm soát hơn một nửa thị trường toàn cầu đối với chip sản xuất theo đơn đặt hàng và thậm chí hơn 90% thị phần đối với các bộ vi xử lý tiên tiến nhất.

Ở bờ biển phía Tây Bắc của Đài Loan, nép mình giữa những bãi bồi đầy cua và các vườn hồng thơm ngọt, là một trong những công ty quan trọng nhất thế giới mà gần như chắc chắn bạn đã từng nghe đến. Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan, hay TSMC, là nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất thế giới về chip bán dẫn - còn được gọi là mạch tích hợp hoặc đơn giản chỉ là chip - cội nguồn sức mạnh của điện thoại, máy tính xách tay, ô tô, đồng hồ, tủ lạnh và nhiều hơn thế nữa. Khách hàng của nó bao gồm Apple, Intel, Qualcomm, AMD và Nvidia.

11/5/21

Thế hệ 5G và những ứng dụng thần kỳ trong đời sống

 













Trúc Giang MN

1*. Mở bài
5G (5 gờ) là chữ viết tắt của 5th Generation, là thế hệ thứ năm của mạng di động, tiếp theo sau 3G và 4G. Căn cứ vào 3G và 4G, các nhà khoa học đã nâng cấp, cải tiến, tạo ra những đặc tính kỹ thuật vượt trội, về tốc độ cao, về tín hiệu (Signal) lớn cho phép chứa nhiều dữ liệu (data) hơn.

Để tín hiệu lớn nầy được phóng đi nhanh, các nhà khoa học tạo ra đường đi lớn, gọi là băng thông rộng (Bandwidth). Băng thông rộng để tín hiệu đi nhanh, với tốc độ cao, nên thời gian đi thấp, gọi là độ trễ (Latency) nhỏ.

8/9/21

Trung Quốc thiết kế lò phản ứng hạt nhân không cần nước làm mát

Lò phản ứng hạt nhân muối nóng chảy sử dụng thorium thay cho uranium có thể xây trên sa mạc và cung cấp điện cho 100.000 người dân.


Lò phản ứng hạt nhân có thể xây trên sa mạc khan hiếm nước. Ảnh: Reuters

Một nhóm nghiên cứu làm việc cho chính phủ Trung Quốc công bố thiết kế dành cho lò phản ứng thương mại, hứa hẹn trở thành lò phản ứng đầu tiên trên thế giới không cần nước làm mát, cho phép xây dựng hệ thống ở những vùng sa mạc xa xôi nhằm cung cấp điện cho các khu vực có dân cư đông đúc hơn.

Lò phản ứng muối nóng chảy hoạt động nhờ thorium lỏng thay vì uranium, an toàn hơn so với lò phản ứng truyền thống, phát tán ít bức xạ hơn ra môi trường. Công tác xây dựng lò phản ứng thương mại đầu tiên sẽ hoàn thành năm 2030. Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng vài lò phản ứng trên các sa mạc và đồng bằng ở khu vực miền trung và miền tây. Nước này cũng cân nhắc xây lò phản ứng ở một số nước theo thỏa thuận trong Sáng kiến Vành đai và Con đường bởi khác với uranium, thorium không thể sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

"Những lò phản ứng quy mô nhỏ có lợi thế lớn về mặt hiệu quả, độ linh hoạt và kinh tế. Chúng có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển giao sang năng lượng sạch trong tương lai. Theo dự kiến, lò phản ứng cỡ nhỏ sẽ được triển khai rộng rãi trong vài năm tới", giáo sư Yan Rui và đồng nghiệp ở Viện Vật lý Ứng dụng Thượng Hải, chia sẻ trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Kỹ thuật Hạt nhân của Trung Quốc tuần trước. "Lò phản ứng muối nóng chảy có lợi thế là đa mục đích, kích thước nhỏ và độ linh hoạt cao, đồng thời dễ thiết kế. Trong những năm gần đây, tiềm năng của lò phản ứng muối nóng chảy quy mô nhỏ đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế".

Một động lực quan trọng cho chương trình lò phản ứng muối nóng chảy đến từ tuyên bố của chủ tịch nước Tập Cận Bình vào năm ngoái về việc Trung Quốc sẽ trung hòa carbon năm 2060, theo các nhà khoa học tham gia dự án. Theo kế hoạch chính thức, lò phản ứng ở miền tây hẻo lánh của đất nước sẽ cung cấp nguồn điện sạch và ổn định cho miền đông dân cư đông đúc hơn, kết hợp với các nhà máy điện gió và điện mặt trời.

Công nghệ cũng có thể cung cấp nguồn năng lượng mới cho tàu chiến của Trung Quốc cũng như tàu sân bay và tàu ngầm. Ý tưởng về lò phản ứng hoạt động bằng muối nóng chảy thay vì cuộn nhiên liệu rắn đã xuất hiện từ thập niên 1940. Trong thập kỷ sau đó, Mỹ bắt đầu chương trình thí nghiệm để chế tạo máy bay ném bom dùng năng lượng từ công nghệ này.

Trong thập niên 1960, Mỹ đã xây dựng một cơ sở để thử nghiệm khả năng sản xuất điện của công nghệ, trong khi các nước khác như Pháp, Liên bang Xô Viết và Nhật Bản cũng tiến hành những chương trình tương tự. Ý tưởng này rất hấp dẫn bởi nhiên liệu lỏng đóng vai trò như chất tự làm mát, giúp loại bỏ nhu cầu sử dụng nước, đồng thời độ phóng xạ thấp hơn của thorium giúp giảm bớt nguy cơ phổ biến hạt nhân.

Các dự án ban đầu trên đều thất bại do không thể giải quyết vấn đề như đường ống nứt dễ dàng dưới tác động xói mòn của muối nóng chảy chứa phóng xạ. Nhưng giới nghiên cứu đã học hỏi được nhiều từ những thí nghiệm. Trong thời gian gần đây, những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này nhận được sự hỗ trợ đều đặn từ chính phủ Trung Quốc. Năm 2011, Bắc Kinh thông qua kế hoạch xây dựng nguyên mẫu Lò phản ứng muối nóng chảy thorium (TMSR) ở Vũ Uy, thành phố sa mạc ở tỉnh Cam Túc.

Nhiều nhóm nghiên cứu trên khắp cả nước cũng được huy động để giải quyết vấn đề kỹ thuật khiến những lần thử trước đây đều thất bại, như phát triển hợp kim chịu bức xạ từ muối thorium ở nhiệt độ gần 1.000 độ C. Dù dự án bị chậm trễ so với lịch trình, một phần do Covid-19, công tác xây dựng TMSR sẽ hoàn thành vào tháng sau và quá trình thử nghiệm thiết bị có thể bắt đầu sớm nhất vào tháng 9/2021.

Tuy nguyên mẫu chỉ có thể sản xuất 2 megawatt (MW), nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên ý tưởng biến thành hiện thực. Lò phản ứng thương mại thiết kế bởi Yan và đồng nghiệp có thể cung cấp tới 100 MW, ít hơn lò phản ứng uranium nhưng đủ để cấp điện cho khu vực dân cư bao gồm 100.000 cư dân. Dù nhà máy điện cần thiết bị khác như turbine hơi nước, bản thân lò phản ứng chỉ cao 3 m và rộng 2,5 m, tương đương kích thước phòng tắm.

Lò phản ứng hoạt động thông qua để thorium truyền qua lò, tham gia phản ứng chuỗi hạt nhân và chuyển nhiệt lượng vào máy phát hơi nước ở bên ngoài trước khi quay lại lò phản ứng để bắt đầu chu kỳ mới. Công nghệ an toàn hơn lò phản ứng hạt nhân truyền thống bởi trong trường hợp xảy ra tai nạn, muối nóng chảy sẽ đổ xuống bể chứa dưới lòng đất. Với điểm tan chảy cao, muối nóng chảy sẽ nhanh chóng nguội đi và cứng lại mà không cần giải phóng trực tiếp chất thải rắn và lỏng, qua đó ngăn chặn phân tán phóng xạ vào môi trường.

Trung Quốc có một vài trong số những nguồn dự trữ thorium nhiều nhất thế giới. Đây là kim loại giống bạc có độ phóng xạ yếu. Một số nhà khoa học tính toán quốc gia này có trữ lượng thorium đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong ít nhất 20.000 năm. Ngược lại, trữ lượng uranium của nước này thấp nhất trong số các quốc gia có vũ khí hạt nhân. Dù Trung Quốc sắp đưa vào hoạt động 7 - 8 nhà máy điện hạt nhân mới trong vài năm tới, nhưng nhà chức trách vẫn lo ngại tình trạng thiếu nhiên liệu có thể ảnh hưởng tới an ninh năng lượng của họ.

An Khang (Theo SCMP)

3/8/21

PGS Nguyễn Thị Hiệp : Mang ý nghĩa của nghiên cứu khoa học vào đời sống

PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp, trưởng Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh trên tạp chí Asian Scientist, ngày 13/11/2018. © Asian Scientist / Ảnh chụp màn hình

Năm 2019, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp được bình chọn là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á, theo tạp chí Asian Scientist của Singapore. Một năm trước, chị nằm trong số 14 nhà khoa học nữ xuất sắc dưới 40 tuổi được trao Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới 2018, nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học của Quỹ L’Oréal và UNESCO.

Một điểm chung trong những công trình nghiên cứu kỹ thuật y sinh của chị, lần lượt được nhận giải thưởng quốc tế từ năm 2016 đến 2019, là có tính ứng dụng cao, đóng góp nổi bật cho cộng đồng: keo kháng khuẩn giúp làm lành vết thương - một giải pháp sơ cứu hữu hiệu cho người sống xa bệnh viện; nghiên cứu những phát hiện mới của loại vật liệu Titanium trong ngành nha khoa phục hồi; giải pháp giảm áp lực lên các thành phố đô thị hóa nhanh… và gần đây là sản phẩm Antiviral colloidal silver có thể phòng nhiễm virus trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hiện được lưu hành trong nội bộ trường.

Gần 10 năm kể từ khi tốt nghiệp tiến sĩ về y học tái tạo ở Hàn Quốc và trở về nước năm 2012, chị có 107 công trình khoa học, khoảng 100 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế và trong nước, đặc biệt là 4 bằng sáng chế.

Trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt ngày 04/03/2021, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, trưởng Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thêm về hành trình từ “ba không” - không tài trợ, không dự án, không máy móc - đến những thành công hiện nay.

*****
Nghe Âm thanh phần phỏng vấn:

12/19/20

Katalin Kariko, nhà khoa học Hungary đứng sau vac-xin Pfizer/ BioNTech

Anh Vũ - RFI  



Nhà khoa học người Mỹ gốc Hungary, tác giả công nghệ vật liệu di truyền ARN thông tin, cơ sở để chế vac-xin ngừa Covid-19. © AFP - (Gia đình cung cấp)


Trong vài tuần lễ, Katalin Kariko đã trở thành cái tên gắn liền với vật liệu di truyền ARN thông tin, công nghệ giúp Pfizer và BioNTech phát triển thành công vac-xin phòng Covid-19 đang được đưa vào tiêm chủng rộng rãi. Chạy khỏi Hungary trong những năm 1980, nhà nghiên cứu sinh hóa đến định cư tại Pennsylvania, Hoa Kỳ. Bà đã phải đấu tranh để các nghiên cứu của bà được thừa nhận. Vài nét chân dung về nhà khoa học ở phía sau vac-xin của Pfizer/ BioNTech

« Cứu thế ! Tôi hít một hơi thở thật mạnh, tôi phấn khích đến mức sợ mình chết mất .» Katalin Kariko đã kể lại với nhật báo The Telegraph về những phản ứng của mình khi thông báo kết quả công hiệu của loại vac-xin do Pfizer và BioNTech triển khai bào chế.

Sau gần bốn mươi năm nỗ lực, các nghiên cứu của bà về vật liệu di truyền ARN thông tin, được dùng để bào chế vac-xin phòng Covid-19, cuối cùng đã được công nhận và sẽ giúp thế giới chống đại dịch virus corona. « Tôi không tưởng tượng được công nghệ này lại được quan tâm như vậy. Tôi không chuẩn bị để xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu », bà nói thêm.

Trong vòng vài tuần, nhà khoa học người Hungary, đang sống ở Pennsylvania, từ một người còn xa lạ với công chúng đã trở thành một ngôi sao mới trong thế giới khoa học.

12/9/20

Hayabusa-2 : Tìm hiểu nguồn gốc hệ Mặt trời

Tú Anh - RFI 08.12.2020


Ngày 05/12/2020, phi thuyền Hayabusa-2 của Nhật đã bay về Trái đất, thả dù hộp đựng mẫu mảnh bụi đá xuống vùng sa mạc Woomera, Úc, và bay tiếp vào vũ trụ. Morgan Sette AFP

Hayabusa-2 : Diều hâu và thiên thạch Rồng

Trang khoa học của Le Monde hôm nay tường thuật về hai phi vụ thám hiểm không gian, phi vụ gần do Trung Quốc thực hiện và phi vụ xa do Nhật Bản tiến hành. Trung Quốc đang trên đường trở thành nước thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Nga, đem mẫu đất đá trên Mặt trăng về địa cầu. Ngoạn mục hơn, phi thuyền Hayabusa-2 của Nhật Bản lấy được mẫu bụi đá từ một thiên thạch nằm cách Trái đất 300 triệu cây số đem về an toàn, và tiếp tục cuộc hành trình thêm 13 năm nữa.

Phi thuyền Hằng Nga 5 của Trung Quốc đang trở về Trái đất với mẫu đất đá mặt trăng. Nếu vào được bầu khí quyển an toàn, phi vụ thành công, mục tiêu sắp đến của Trung Quốc sẽ là cực nam của Mặt trăng vào năm 2023, nơi có nước.

Trong khi đó, phi thuyền Hayabusa-2 của Nhật, khởi hành từ ngày 03/12/2014, đã quay trở lại Trái đất sau chuyến du hành dài 5,3 tỷ cây số, để thám hiểm một thiên thạch được đặt tên là Ryugu (Rồng) đường kính 900 mét, ở cách Trái đất 300 triệu cây số. Ngày 05/12/2020, « diều hâu » đã bay về Trái đất, thả dù hộp đựng mẫu mảnh bụi đá xuống vùng sa mạc Woomera, nước Úc, và bay tiếp vào vũ trụ.

Tìm hiểu lịch sử Thái Dương Hệ

Theo cơ quan không gian Nhật Bản JAXA, mẫu đá bụi (100 mg) sẽ được xử lý tại Úc, không để chho không khí trái đất, oxy và nước, tác động, trước khi chuyển về trung tâm nghiên cứu không gian Nhật vào trung tuần tháng 12.

Le Monde tìm hiểu chi tiết phi vụ tinh vi này : Lấy mẫu đất đá cũng là một kỹ thuật tinh xảo. Phi thuyền « diều hâu » (bằng tủ lạnh nhỏ), trang bị hai viên đạn, tiến gần thiên thạch, không đáp xuống, mà chỉ dùng một ống hút để hút bụi đá do viên đạn thứ nhất bắn ra với vận tốc 300 mét/giây. Động tác này diễn ra trong chớp mắt, chỉ có một giây đồng hồ. Hai mẫu đất đá được gom vào một hộp đặc biệt cách nhiệt và quang xạ.

Tại địa cầu, Nhật sẽ chi cho NASA của Mỹ 0,5%. Đổi lại, Mỹ sẽ cho Nhật 0,5% mẫu đất đá trên thiên thạch Bénou khi phi thuyền Osiris-Rex trở về vào năm 2023.


Chi tiết đặc sắc khác là 70% mẫu bụi đá của thiên thạch Gyuru sẽ được cất giữ cho thế hệ khoa học gia tương lai, khi nhân loại có dụng cụ đo lường, phân tích tinh vi hơn hiện tại. Phần còn lại sẽ được các khoa học gia hiện nay quan sát, phân tích tỉ mỉ trong khả năng có thể, để tìm hiểu lịch sử hình thành và tuổi « di tích » của hệ Mặt trời. Thiên thạch được xem là « ký ức » của khối hỗn mang pha lẫn khí và bụi cách nay 4,5 tỷ năm, lúc các hành tinh mới hình thành. Nhưng các hành tinh, trong quá trình hình thành, đã bị nhiệt độ cao làm mất đi nguồn gốc hóa học.

Trái đất cũng nhận được thiên thạch rơi xuống hàng ngày, nhưng các thiên thạch này khi xuyên qua khí quyển cũng bị biến đổi, không còn « nguyên gốc » như các thiên thạch ở tận cùng Thái Dương Hệ.

« Diều hâu-2» vừa là phi thuyền, vừa là một phi vụ. Phi vụ đã hoàn tất nhưng phi thuyền vẫn còn. Không có lý do gì để một bảo vật tan biến trong không gian. Sau khi thả dù bụi đá thu được ở Ryugu, Hayabusa-2 với nhiên liệu còn đầy sau chuyến du hành 5,3 tỷ km, tiếp tục bay trong 10 năm nữa : trước hết là quay nhiều vòng quanh Mặt trời để lấy đà và đều chỉnh quỹ đạo tiến về thiên thạch 1998KY26.

Theo chương trình, phi thuyền sẽ bay gần thiên thạch 2001CC21 và sau đó là Trái đất vào năm 2027 và 2028. Cuối cùng, vào năm 2031, diều hâu sẽ đến thiên thạch 1998KY26. Thiên thạch này rất nhỏ, quay chung quanh trục với vận tốc thật nhanh, nhanh đến mức cứ 10 phút là thấy mặt trời mọc một lần. Thế mà nó vẫn tồn tại là vì sao ? Tại sao lực ly tâm không làm nó tan biến ? Patrick Michel, chuyên gia thiên văn học Pháp có ý kiến tuyệt hay : Diều hâu còn một viên đạn chưa dùng, chỉ cần bắn một phát vào thiên thạch xem phản ứng ra sao ? Đó là một khối đồng nhất hay hỗn hợp đất đá ?

Đọc thêm cùng một đề Tài:

12/7/20

Phi vụ Hằng Nga - Phi thuyền Hayabusa-2



(AFP) - Trung Quốc thành công « phi vụ » Hằng Nga. Phi thuyền thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc, sau khi lấy mẫu đất đá, đã trở lại quỹ đạo ráp vào phi thuyền mẹ về lại trái đất. Tân Hoa Xã mô tả sự kiện này là thành công lịch sử của Trung Quốc trong tham vọng chinh phục không gian.



(AFP) - Nhật Bản đem về trái đất đá bụi của một thiên thạch cách trái đất 300 triệu km. Phi thuyền Hayabusa-2 lập được kỳ tích. Sau 6 năm du hành trong vũ trụ đã thành công chận đầu một thiên thạch, lấy được mẫu đá bụi quý và đem trở lại trái đất an toàn. Mẫu đất đá này, khoảng vài trăm milligram, đã được thả xuống mặt đất tối 05/12/2020 sẽ cung cấp nhiều thông tin cho phép tìm hiểu thái dương hệ và sự hình thành cách nay 4,6 tỷ năm. Được phóng lên vào năm 2014, phi thuyền Hayabusa-2 to bằng một tủ lạnh nhỏ, bay lên thiên thạch được Nhật đặt tên là Ryugu, Điện Rồng, cách trái đất 300 triệu cây số. Phi thuyền đến điểm hẹn vào năm 2019.




11/16/20

Cuộc sống ít ai ngờ của cặp vợ chồng tỷ phú làm nên vắc xin Covid-19


Dù sở hữu công ty tỷ đô, Tiến sĩ Ozlem Tureci và Tiến sĩ Ugur Sahin vẫn sống trong một căn hộ bình thường, hàng ngày đi xe đạp tới văn phòng. 


Tiến sĩ Ozlem Tureci và Tiến sĩ Ugur Sahin nhanh chóng trở thành cặp đôi nổi tiếng nhất trong khoa học kể từ khi Marie và Pierre Curie phát hiện ra hiện tượng phóng xạ.

Cặp vợ chồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang gần cột mốc tuyên bố loại vắc xin ngừa Covid-19 hiệu quả đầu tiên. Nhưng giống như những người tiền nhiệm, họ đi khắp nơi bằng xe đạp, không quan tâm đến hàng tỷ USD mà họ có thể kiếm được từ khám phá của mình. Họ hạnh phúc nhất khi làm việc cùng nhau trong màu áo phòng thí nghiệm, ngay cả trong ngày cưới của họ.


Giống như Marie Curie, họ là người nhập cư, cha mẹ của họ đều từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức. Họ có thể cùng nhận giải Nobel sau khi công ty của họ, BioNTech - cùng với hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer - công bố vắc xin Covid-19 của họ hiệu quả hơn 90% vào ngày 9/11.

Tiến sĩ Sahin, sinh ra ở Iskenderun, gần biên giới Syria, là con trai của một công nhân nhà máy ô tô. Tiến sĩ Tureci là con gái của một bác sĩ phẫu thuật ở Istanbul. Họ gặp nhau tại Đại học Saarland ở Homburg và đã cộng tác kể từ đó. Họ quan tâm tới việc tìm thuốc điều trị ung thư và cách điều khiển hệ thống miễn dịch loại bỏ khối u.

11/10/20

Tìm hiểu về loài người ...



Nghiên cứu từ Ý như lời cảnh báo đến loài người hiện đại: từ hàng chục, hàng trăm ngàn năm trước, đã có 3 loài người rơi vào cảnh tuyệt chủng vì biến đổi khí hậu!

Công trình đứng đầu bởi nhà sinh học tiến hóa – tiến sĩ Pasquale Raia thuộc Đại học Naples Federico II (Ý) đã dựa vào các dữ liệu và mô hình cổ sinh vật học để xem xét xem các loài thuộc chi Người đã phản ứng như thế nào đối với sự biến động của khí hậu Trái đất.

Trái đất từng có rất nhiều loài người cùng chung sống, nhưng nay hầu hết đã tuyệt chủng, chỉ còn chúng ta - (Ảnh: THE SCIENTIST)

Như nhiều nghiên cứu trước đó cho thấy, chi Người (Homo) gồm rất nhiều loài, trong đó ít nhất 6-7 loài người khác từng tồn tại song song với Homo sapiens (người hiện đại, tức chúng ta) trong một giai đoạn nào đó. Homo sapiens là loài có tuổi đời "trẻ" nhất, chỉ mới xuất hiện khoảng hơn 300.000 năm nhưng là loài duy nhất chưa bị tuyệt chủng của chi Người.

Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Raia đã căn chỉnh các dữ liệu khí hậu trong vài triệu năm qua với vị trí phân bổ và niên đại tồn tại của 6 loài Homo, bao gồm chúng ta, Homo habilis, Homo ergaster, Homo erectus, Homo heidelbergensis và Neanderthals (Homo neanderthalensis).

Kết quả cho thấy 3 mốc biến đổi khắc nghiệt của Trái đất khi chuyển đổi qua lại giữa các thời kỳ băng hà và ấm lên toàn cầu liên quan mật thiết đến 3 lần xuất hiện cuối cùng trong hồ sơ quá thạch của Homo erectus, Homo heidelbergensis và người Neanderthals.

Homo erectus hiện diện trên Trái đất từ gần 2 triệu năm trước và tuyệt chủng khoảng hơn 110.000 năm trước; Homo heidelbergensis được cho là tồn tại từ 700.000-200.000 năm trước; Neanderthals khoảng 800.000-30.000 năm trước. Họ đều có một thời gian tồn tại song song với Homo sapiens chúng ta, trong đó một số người Neanderthals còn sống chung và hôn phổi với tổ tiên chúng ta.

Nghiên cứu cho rằng Homo sapiens dường như có khả năng thiên phú để đương đầu với biến đổi khí hậu, nên cho dù có lẽ có thiệt hại về dân số, nhưng đã tồn tại được qua các giai đoạn khó khăn của Trái đất. Ngày nay, rõ ràng biến đổi khí hậu – mà tác động từ chính chúng ta đóng vai trò lớn - vẫn đủ gây thiệt hại nghiêm trọng. Bằng chứng về 3 loài người tuyệt chủng có thể nói là một lời cảnh tỉnh.

Một số công trình trước đây cũng đưa ra bằng chứng cho thấy chế độ ăn đa dạng (ăn được nhiều cá, thực vật chứ không phụ thuộc vào thịt như Neanderthals), cùng khả năng chế tạo công cụ lao động linh hoạt, chủ động di cư tìm nguồn sống đã giúp loài người hiện đại Homo sapiens tồn tại lâu hơn những người anh em khác trong chi Người.