11/10/20

Một câu chuyện thiền hay



TVM

CHĂN BÔNG SƯỞI ẤM CHO CON NGƯỜI 
HAY CON NGƯỜI SƯỞI ẤM CHĂN BÔNG?



Trong một ngôi chùa cũ nát, chú tiểu nhỏ chán nản thất vọng nói với lão hòa thượng: “Trong ngôi chùa nhỏ bé này chỉ có hai thầy trò chúng ta, lúc con đi xuống núi hóa duyên, mọi người đều là nói những lời ác ý về Sư phụ và con, còn thường xuyên gọi con là hòa thượng hoang”.

Tiểu hòa thượng nói tiếp: “Hôm nay con đi khất thực, trời lạnh như vậy mà không một ai mở cửa cho con, đến cơm bố thí cũng được ít. Chùa Bồ Đề chúng ta muốn là nơi hóa độ chúng sinh, tiếng chuông vang xa không ngớt như Sư Phụ nói, con e là không thể.”

Lão hòa thượng khoác lên mình chiếc áo cà sa không nói lời nào, chỉ nhắm mắt lại lẳng lặng nghe... Tiểu hòa thượng cứ nói và cằn nhằn liên miên….
Cuối cùng lão hòa thượng mở mắt và hỏi: “Bây giờ bên ngoài gió bấc thổi mạnh, lại có băng tuyết ngập trời, con có thấy lạnh không?”
Tiểu hòa thượng toàn thân run rẩy nói: “Dạ, con lạnh, hai chân con đều tê cóng cả rồi!”
Lão hòa thượng nói: “Vậy chi bằng chúng ta đi ngủ sớm thôi.”
Lão hòa thượng và tiểu hòa thượng tắt đèn và vào trong chăn ngủ.


Một lúc sau, lão hòa thượng hỏi: “Bây giờ con có thấy ấm không?”
Chú tiểu nhỏ trả lời: “Dạ kính bạch Sư phụ, đương nhiên là con thấy ấm rồi, giống như ngủ dưới ánh mặt trời vậy!”
Lão hòa thượng nói: “Khi nãy, chăn bông để ở trên giường là lạnh, thế nhưng khi có người nằm vào lại trở nên ấm áp. Con thử nói xem, là chăn bông sưởi ấm cho người hay là người sưởi ấm cho chăn bông đây?”

Tiểu hòa thượng nghe xong liền nở một nụ cười nói: “Dạ Sư phụ ơi, chăn bông làm sao có thể sưởi ấm cho người được, là do con người tỏa ra thân nhiệt làm chăn bông ấm lên đấy ạ”
Lão hòa thượng hỏi: “Chăn bông đã không cho chúng ta sự ấm áp lại còn cần chúng ta đi sưởi ấm nó, như thế thì chúng ta còn đắp chăn bông làm gì?”

Tiểu hòa thượng ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Dạ kính bạch Thầy, mặc dù chăn bông không sưởi ấm cho chúng ta, nhưng chăn bông dày có thể giữ lại hơi ấm của chúng ta, khiến cho chúng ta ngủ được thoải mái.”

Sau khi nghe chú tiểu nhỏ trả lời, lão hòa thượng miệng mỉm cười và bảo:
“Chúng ta là hòa thượng tụng kinh rung chuông, chẳng phải là giống người nằm dưới “chăn bông”? Còn những chúng sinh kia chẳng phải họ là một cái chăn bông dày đó sao? Chỉ cần chúng ta một lòng hướng thiện, thì chiếc “chăn bông” lạnh như băng ngoài kia cuối cùng cũng sẽ được chúng ta sưởi ấm. Lúc đó cái chăn bông ấy cũng sẽ giữ ấm lại cho chúng ta.
Tiểu hòa thượng nghe xong liền bừng tỉnh mà hiểu ra hết.

Bắt đầu từ ngày hôm sau, chú tiểu nhỏ ấy đều dậy rất sớm đi xuống núi hóa duyên. Tiểu hòa thượng cũng vẫn gặp phải những lời ác như trước đây. Thế nhưng tiểu hòa thượng trước sau gì đều giữ vững thái độ nho nhã và lễ độ đối xử với mọi người.

♦♦♦

Mười năm sau…
Chùa Bồ Đề đã trở thành ngôi chùa có diện tích hơn mười km, có rất nhiều hòa thượng, khách hành hương tới lui không ngớt. Tiểu hòa thượng ngày nào cũng đã trở thành một vị Sư trụ trì lỗi lạc.


Kỳ thực trên thế giới này, chúng ta đều là người đang nằm trong chăn bông, người khác chính là “chăn bông” của chúng ta. Khi chúng ta dụng tâm đi sưởi ấm cho “chăn bông” thì một thời gian “chăn bông” cũng sẽ giữ ấm lại cho chúng ta.
Mối quan hệ giữa người và “chăn bông” là như vậy._._,_
_

**
*********
Anh Kim thân mến,

Cám ơn chia sẻ câu truyện thiền rất hay, nhất là đoạn kết luận: "Kỳ thực trên thế giới này, chúng ta đều là người đang nằm trong chăn bông, người khác chính là “chăn bông” của chúng ta. Khi chúng ta dụng tâm đi sưởi ấm cho “chăn bông” thì một thời gian “chăn bông” cũng sẽ giữ ấm lại cho chúng ta.

Mối quan hệ giữa người và “chăn bông” là như vậy...

Câu truyện thiền khiến tôi nghĩ đến một câu chuyện khác về "cho và nhận" _ Hai Biển Hồ.


Hai Biển Hồ


Người ta bảo ở bên Palextin (Palestine) có hai biển hồ... Biển hồ thứ nhất gọi là biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước trong hồ không có một loại cá nào có thể sống nổi. Không một ai muốn sống ở gần đó. Biển hồ thứ hai là Galilê. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, con người có thể uống được mà cá cũng có thể sống được.

Nhưng điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển Chết. Biển chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ, nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Galilê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó mà tràn qua các các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muôn thú và con người.

Một định lý trong cuộc sống mà ai cũng đồng tình: Một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa lan tỏa. Một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười . Bàn tay có mở rộng niềm nở, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng.

Câu chuyện đem lại bài học có ý nghĩa về "Cho" và "Nhận". Biển chết như một biểu tượng cho loại người ích kỉ, chỉ biết sống cho riêng mình, biết nhận mà không có cho. Cuộc sống như thế chỉ là tồn tại vô nghĩa. Biển Galile là biểu tượng cho những người sống vì người khác, mở rộng tấm lòng cho và nhận, nhờ thế luôn được sống cuộc sống có ý nghĩa, chan hòa và có ích với xung quanh.

Nhớ một bài nhạc có câu:

“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì bạn biết không? Để gió cuốn đi”...

Cho đi là gốc rễ của hạnh phúc. Sống không chỉ là nhận mà còn phải biết cho đi. Có ai đó đã từng nói “hạnh phúc là một cái rất kì lạ mà người ta chỉ nhận được khi đem nó cho người khác”.

“Nếu là con chim, chiếc lá,
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả,
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”


“Cho” và “nhận” cũng giống như cặp phạm trù “nhân”, “quả” của nhà Phật. Trên đời này luôn có luật “nhân”, “quả”, nếu chúng ta biết yêu thương người thì cũng sẽ được yêu thương trở lại, khi chúng ta giúp người khác thì cũng chính là lúc chúng ta tự giúp mình.

Chúng ta dụng tâm sưởi ấm cho “chăn bông” là "cho đi".

“chăn bông” cũng sẽ giữ ấm lại cho chúng ta là "nhận lại". cái nhận này là nhận được khi đem nó cho người khác.

Tặng anh Kim một bài thơ:

“Ngày thơ Ta thường nghĩ
Nếu mà cứ cho đi
Thì sẽ chẳng còn gì
Lấy đâu mình sử dụng

Chừng khi biết sai đúng
Ta mới hiểu sẻ chia
Là việc làm có nghĩa
Để trong tâm hoàn hỷ

Hãy vui vẻ cho đi
Dẫu chưa từng nhận lại
Nhưng điều Ta gặt hái
Là niềm vui trong lòng

Cuộc đời chẳng bất công
Với trái tim lành thiện
Luôn ăn ở đức hiền
Đời đời được vinh hiển”

Trường



_

No comments:

Post a Comment