11/14/20

NÓI KHÔNG CÙNG - CE N’EST QU’UN AU REVOIR

Hoàng Ngọc Nguyên


Nay tôi đã có thể “dũng cảm” nói rằng mình đã phần nào sai lầm khi từng nghĩ rằng sau ngày bầu cử 3-11 vừa qua, tôi có thể coi như “mission accomplie”, nay có thể rửa tay gác kiếm, an hưởng thái bình, vui thú điền viên. Dũng cảm vì dám nhận mình sai lầm, so với Donald Trump, thiên tài rất ổn định, chưa hề thấy mình có khuyết điểm gì. Ít ra mình đã không từng bị “bone spur” như tổng thống, cho nên đã từng qua những ngày tháng ở Quang Trung, Thủ Đức, nay khi đưa tay lên chào theo kiểu nhà binh như ông Trump thì không thấy ngượng lắm. Sai lầm vì nghĩ rằng sẽ có “thời thái bình cửa thường bỏ ngõ”, mọi việc coi như đã xong.

Đúng là ông Joe Biden đã chiến thắng trong cuộc bầu cử, và đất nước đã thoát được một tai ương “nguy hiểm nhất thế giới” – như người cháu ruột của tổng thống đã cảnh báo và kêu gọi giới khoa học tâm thần của nước Mỹ hãy lên tiếng. Nhưng mọi việc đã xong đâu. Cứ nhìn con số 71 triệu phiếu mà ông Trump đã nhận được – cho dù ông vẫn chưa hả dạ. Không chỉ người da trắng “tuyệt chủng” (tức “chủng tộc tuyệt vời”) lao động ở vùng thôn dã và ngoại ô bỏ phiếu cho ông. Cũng có những người bạch chủng ở đô thị, có học, vì bực bội hay bất an (Black Lives Matter và di dân) mà “cũng liều nhắm mắt đưa chân”. Cũng có người Latino (Texas và Florida) muốn dằn mặt người da đen mà quay qua ông Trump. Hay cả những người già, “em biết tin ai bây giờ”, thôi thì... Ôn Biden tuy hơn ông Trump hơn 4 triệu phiếu, nhưng nếu tuổi già khó ngủ, nhắm mắt suy nghĩ vẩn vơ, ông phải thấy sợ và thương bà phó của mình, nếu mình có mệnh hệ nào...Còn những bậc thức giả (tức thực sự tỉnh thức) đương nhiên mối lo cho nền dân chủ Mỹ vẫn canh cánh bên lòng vì chẳng có gì có thể gọi là ánh sáng cuối đường hầm.

Câu chuyện đã yên đâu! Nào ai dám sớm hân hoan, lạc quan cho rằng dân chủ Mỹ cuối cùng đã lên tiếng với một cuộc bầu cử mà người dân nô nức đi bầu trong an toàn và chính xác hiếm có. Bởi vì chúng ta đang chứng kiến ngay từ Nhà Trắng những động thái thiếu và đủ. Thiếu văn minh, thiếu văn hóa, Thiếu giáo dục. Đủ ngang ngược, đủ vô tâm, đủ bất nhân. Bất kể liêm sĩ chính trị ở một người mà văn hóa, văn minh, giáo dục, ngay thực và sĩ khí có khả năng định đoạt vận nước. Tóm tắt, ông là người thua cuộc trong một cuộc chơi dân chủ. Nhưng chính là vì tính ngang ngược của bạo chúa Caligula mà ông vẫn tin mình là “con trời”, có khả năng đảo ngược những kết quả bầu cử dân chủ. “God’s son” thì muốn gì chẳng được. Ông từng nói thế với bao phụ nữ, và nay nói thế với “my fellow compatriots”. Chẳng ai ưa những chữ ông ưa dùng để chỉ những người lính bất hạnh: “losers”, “suckers”. Người ta đã nằm xuống, thế mà ông còn gọi là “thứ bại cuộc”, “kẻ dại khờ...”.

Ngày thứ sáu 13-11, có kết quả đếm phiếu ở hai tiểu bang cuối cùng: Biden thắng ở Georgia (28 năm, lần đầu tiên tiểu bang này chuyển qua màu xanh Dân Chủ), và Trump thắng ở North Carolina. Kết quả chung cuộc: Biden thắng Trump với tỷ số Trump đã thắng bà Clinton bốn năm trước: 306-232. Cái khác là năm 2016, “Crooked Hillary” (Hillary gian xảo) đã nhanh chóng chúc mừng Trump. Năm nay, Trump nói bị gian lận đến 2.7 triệu phiếu cho nên quyết tâm đi tìm đến cùng. Người ta nghĩ ngay đến số tiền thuế Trump đã nộp bốn năm trước: 750 đô-la!

Hôm nay ngày 13-11, 10 ngày đã qua đi, nhưng Trump vẫn chưa lên tiếng chính thức lần nào với quần chúng Mỹ và đối thủ của mình. Ông ta im lặng. Bỏ rơi đại dịch COVID-19. Bỏ rơi nền kinh tế đang chao đảo, lâm vào tình trạng bế tắc vì gánh nặng đại dịch đè lên. Ông ta im lặng để khỏi phải chống chế và để dồn sức vào toan tính phá hoại, hủy bỏ kết quả bầu cử. Cho dù phải bạo loạn. Bởi vì ông đã có hàng loạt các nhà “dân cử” Cộng Hòa như Mitch McConnell, Lindsey Graham... xúm xít dưới ghế. Nhưng ta có thể vẫn mong đợi và tin tưởng chỉ trong tháng 11 này, tức trong vòng hai tuần nữa, Trump sẽ lẳng lặng rút về Mar-a-Lego. Không phải ông ta là người có “dignity” hay “civility”. Nếu có, ông đã có cung cách "sạch" hơn. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đếm phiếu tuyệt vọng, những khẳng định của giới hữu trách, hữu quyền về sự an toàn và chính xác trong bầu cử Mỹ, Trump sẽ thấy ông ta ngày càng bị cô lập, soi gương chẳng giống ai.

Nhiều người nay đang kính cẩn nói “chúng con cảm ơn Cô”. Cô đây là Cô-Vy. Sự thật thì không có cô, chưa chắc ông Trump phải đả phá bầu cử kết quả. Nhưng thay vì ông phải lo lắng cho cô, ông lại bỏ luống. Và còn tim cách phá cô bằng cách cổ vũ những chuyện ngu xuẩn: không đeo mạng, không cách ly, uống thuốc tẩy trùng cho “sạch đường ruột”, và bỏ rơi cả bác sĩ Anthony Fauci và bà bác sĩ Deborah Birx và cả nhóm đặc nhiệm phong tỏa CôVy. Cho nên cô ra tay là phải. Và chúng ta đã phải trả giá quá đắt.

Cho đến nay, tính ra đã có 10.6 triệu ca nhiễm ở Mỹ, gần 250.000 người chết. Con số trung bình từ đầu (tháng ba) đến nay là 41.000/ngày; số người chết khoảng 1.000 người/ngày. Nhưng trong mười ngày qua, kể từ 3-11, con số trung bình là 123.270. Số người chết/ngày: 1.060! Như thế mà Trump dám nói đây là những con số giả. Người già chết vì tới số, không phải vì cô. Còn người trẻ bị nhiễm cảm cúm trong mùa này cũng là chuyện bình thường. Muốn cho kinh tế trỗi dậy thì phải chịu hy sinh. Bịt tai không hề nghe tiếng kêu cứu từ nhà thương, không chỉ từ nạn nhân mà cả bác sĩ, y tá đang bị cô lập, tràn ngập, hãi hùng, khủng hoảng...

Chẳng thể không nhắc đến Utah của mình. Ngày 12-11, con số nhiễm vọt lên mức chưa từng có: 3.919 ca. Tổng cộng: 146.000 ca và 701 người chết. Con số trung bình hàng ngày trong tám tháng qua là 572, nhưng con số trung bình hai tuần đầu là xấp xỉ 2.400. Nhiều người vẫn chưa hiểu được sự cần thiết của đeo mạng, cách ly và không tụ họp đông đúc. Bởi thế, đêm 9-11, đúng chín giờ rưỡi tối, ông Herbert, nay sẽ rời khỏi chức vụ thống đốc vào tháng giêng sang năm cho nên bớt sợ khối quần chúng Cộng Hòa theo Trump, ban bố tình trạng khẩn trương với bốn biện pháp khẩn cấp: phải đeo mạng, phải cách ly, cấm tụ họp, cấm học sinh và sinh viên chơi bóng trong sân trường, và tất cả trong lứa tuổi 15-24 đều phải thử nghiệm COVID-19. Ông Herbert nhấn mạnh tình trạng ngặt nghèo của các bệnh viện, bác sĩ và điều dưỡng. Và cả sự bế tắc của những người mang những chứng bệnh khác nhưng nay không dám đi bệnh viện...

Hai thống đốc của Utah, một cũ, một mới, đều quả cảm. Ông Herbert nhấn mạnh người dân Utah cần phải nghĩ đến người khác, nhất là người già – là một đặc tính nhân bản. Đây không phải là lúc cãi cọ về chuyện đeo mạng hay cách ly có ích hay không. Đừng trông đợivaccine. Có hãy hay. Chưa có: Phải đeo mạng! Phải cách ly. Còn Thomas Cox, tân cử. Ông mạnh dạn bác bỏ chuyện bầu cử gian lận, vốn là một đề tài thích thú của nhiều người, cứ nói “chính mắt tôi trông thấy” Ông công khai lên tiếng kêu gọi ứng xử có văn hóa (civility) - đừng lạm dụng facebook, chỉ phơi bày nhân dạng của mình - và “chuyển giao quyền hành êm thắm”.

Tuy nhiên, cố vấn kinh tế tối cao của Trump, Peter Navarro, một kinh tế gia vốn chủ trương đánh thuế tận mạng trên hàng Trung Quốc mà không biết chính người mua hàng sẽ lãnh đủ, đã gợi ý chính quyền Trump đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ hai! Thế nhưng ông ta không nói nổi Trump sẽ lãnh đạo thế nào nền kinh tế hiện nay khi kinh tế đang bị đại dịch chuyển hóa: thất nghiệp còn cao, tỷ lệ không dưới 7%, số người thất nghiệp cả 11 triệu người, là vì nhiều ngành không thể khôi phục nổi; du lịch, dịch vụ, bán lẻ... Phải suy nghĩ cách chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đan kết chặt chẽ với những vấn đề về bình đẳng xã hội và trợ cấp an sinh xã hội. Nhưng chắc chắn tuyệt đối trong đầu, ông Trump cũng không màng, không nghĩ đến.

Người ta đang đặt câu hỏi Trump rồi đây sẽ làm gì?

Tiếp tục hoat động chính trị? Còn lâu. Trumpism có thể còn, nhưng Trump không phải là người có đầu óc để làm chính trị một khi đảng Cộng Hòa phải chuyển hướng.

Tiếp tục làm ăn? Còn lâu. Kinh doanh của Trump đang có xu hướng sập tiệm.

Vui thú điền viên? Còn lâu. Trump đương nhiên muốn “Nếu anh còn trẻ như năm cũ, Ép mấy em vào ..” Nhưng không được.

Vậy thì Trump chỉ còn mỗi một chuyện: Ra tòa trước 5-6 vụ đang chờ sẵn!

Đây chính là viễn ảnh, ám ảnh lớn nhất của Trump từ mấy tháng qua khiến cho bất cứ hành động, lời nói nào của Trump cũng mang tính tuyệt vọng. Người ta đang tính rằng ông sẽ quậy chơi vài tuần, rồi ra lệnh đại xá hết cho con, dâu, rễ, rồi từ chức để phản đối “bâầu cử gian lận”, Mike Pence lên thay, và sẽ đại xá cho ông chủ cũ của mình (như Ford trước đây đã làm với Nixon năm 1974). Trước khi rút lui vào ngày 20-1-2021.

Cứ chờ xem.

Nhưng với người viết, nay đã đến lúc ca bài “tạm biệt”.

Sự thật, viết lách là một sứ mạng “đổi đời” không bao giờ hoàn thành.

Sự thật, mình phải biết lúc nào rút lui, trước khi đột ngột biến mất khỏi thế gian.

Sự thật, đây là một thankless job, hay đúng hơn, thankless task.

Sự thật, đây cũng là niềm vui sống bao lâu nay vì lý tưởng, vì lương tâm, cho nên bạn cũng nhiều, thù cũng lắm.

Ce n’est qu’un au revoir, mes frères ce n’est qu’un au revoir...

No comments:

Post a Comment