11/26/20

BÍ MẬT TRONG CHIẾC ÁO ẤM CŨ

Nguyễn Đặng Hà Anh

Sau những trận lũ liên tiếp, tài sản của vợ chồng Ông Bình chẳng còn gì hết. Mấy bao lúa và cái hũ đựng gạo cũng chẳng còn.
Vợ chồng ông nuôi được cặp heo và mấy chục con gà, trong đó có hơn mười con là gà trống thiến. Đây là tài sản lớn nhất của vợ chồng ông để bán và mua sắm trong dịp Tết đến. Nhưng lũ về cuốn trôi đi tất cả.

Đau xót là thấy heo, gà bị cuốn trôi nhưng hai vợ chồng chỉ biết khóc nhìn theo. May mà còn leo kịp lên nóc nhà, chứ không thì cũng bị trôi mất rồi.

Sau lũ, nhiều đoàn cứu trợ từ các vùng miền trên cả nước về nơi ông ở để hỗ trợ. Ngoài những thùng mì gói và một số nhu yếu phẩm, vợ chồng ông cũng nhận được số tiền ít ỏi đủ để sống tạm vài tuần.
Vợ ông đêm nào cũng khóc, vì những ngày tới hai vợ chồng già chẳng biết phải sống ra sao. Những lúc vậy ông Bình an ủi và nói : Còn giữ được cái mạng là may rồi. Thôi kệ, sống được ngày nào hay ngày đó. Có được bữa nào ăn bữa đó. Đói quá thì tui với bà đi nhặt ve chai. Vợ ông nói : Ve chai nó cũng trôi ra biển hết rồi, còn đâu nữa mà nhặt...!

Lời an ủi, vỗ về nhau của vợ chồng Ông Bình lọt thỏm giữa những đám bùn đỏ quạch, đặc sệt. Thứ duy nhất được để lại rất nhiều của thủy thần trong những ngày qua.
Buổi sáng, hai vợ chồng Ông Bình mới nấu một gói mì cho cả hai người. Ăn cầm hơi chứ chẳng dám ăn no. Đang ăn thì thằng Tư Đầu Bò chạy chiếc xe cà tàng vô, nó bảo : 
- Ông leo lên tui chở ra nhà văn hóa thôn để nhận áo quần cũ. Nãy tui ra thấy nhiều người tới để nhận lắm, tui cũng chọn được hai bộ vừa y. Nghe nói đó là áo quần của bà con ở trong Nam gửi ra, nói đồ cũ chớ nhìn mới lắm. Mặc chơi tết ngon lành à !
Ông Bình lật đật húp chút nước mì gói rồi leo lên xe cho thằng Tư Đầu Bò chở ra, hy vọng kiếm được vài bộ áo quần cũ cho hai vợ chồng.

Khi ra tới nơi, mọi người đã lựa đồ và về hết. Đống áo quần cũng không còn. Ngay góc của bậc thềm nhà văn hóa còn sót lại duy nhất chiếc áo ấm cũ mèm, và trước ngực có nhiều chỗ như bị gián gặm.
Anh cán bộ thôn nói với ông : 
- Bác ra trễ quá. Với lại đây là áo quần, nên thôn để cho bà con tự lựa chọn cho nó vừa mặc. Để chuyến sau có còn, con nói mấy chị lựa cho hai bác nghe.

Ông Bình gật đầu, nước mắt rơm rớm. Thằng Tư Đầu Bò giục : 
- Thôi cầm đại cái đó về mặc cho ấm cái đã. Leo lên tui chở về rồi tui còn đi giúp mấy người dọn nhà nữa.

Nói một chút về thằng Tư Đầu Bò. Hắn có tên là Trực. Ở nhà hắn thứ tư, nhưng ở đây gọi là thứ bốn, hồi trước gọi nó là Bốn Trực. Nó được ăn học đàng hoàng tử tế lắm. Rồi ra trường đi làm với một công việc đàng hoàng.
Nhưng số hắn gắn với cái tên, vì quá thẳng tính, trung thực và không chịu hùa theo ăn tạp, làm bậy nên xảy ra xung đột với đồng nghiệp. Một lần không kiềm chế được, hắn tẩn cho cái đám khốn nạn ấy phải nhập viện. Hắn bị đuổi việc, may mà không phải đi tù.
Hắn về quê chạy xe ba gác, mọi người bo hắn ngu, có công việc ngon lành mà không chịu nhịn nhục để giữ.
Rồi cái đám sâu bọ gọi hắn là đầu bò, ý là ngu như bò mới để mất việc. Có lẽ gọi Bốn Đầu Bò không thuận tai, nên họ sữa lại và cái tên Tư Đầu Bò từ đó mà ra.
Hắn là người tốt bụng, trong làng ai cần giúp đỡ là có mặt hắn ngay. Hắn có chữ, nên bà con ai không hiểu biết thủ tục hành chính, pháp luật là hắn tư vấn cặn kẽ lắm. Hắn được nhiều người thương, nhưng cũng lắm kẻ ghét và cay hắn lắm.

Thằng Tư Đầu Bò chở ông Bình về tới ngoài ngõ lớn thả ông xuống. Nó quay xe cái ào rồi chạy đi. Ông Bình lội bộ vô nhà. Cầm mỗi chiếc áo cũ mèm, ông Bình nói với vợ; tui ra trễ quá nên họ lấy hết rồi. Còn mỗi cái áo ni, chắc do cũ quá nên ai cũng chê tui cầm về. Có cái mặc ấm là mừng rồi.
Bà cầm chiếc áo xem cẩn thận rồi bảo : 
- Chỗ lủng mấy lỗ ni tui vá lại cho ông mặc nghe. Để tui vá xong rồi đem giặt luôn.
May là cái hộp kim khâu bà cầm theo được lúc nước lũ lên. Ở quê, cái hộp kim khâu được bỏ cùng với hộp quẹt, kẹp tóc và một số thứ linh tinh hàng ngày. Nhờ đó mà nó mới còn.
Bà xỏ chỉ rồi khâu áo, lạ là chổ lủng có vật gì đó mà bà không đâm kim qua được. Loay hoay một hồi bà bảo ông Bình xem trong đó có gì mà cứng vậy.
Ông Bình đưa tay bóp bóp rồi bảo :
- Bà cắt ra xem cái gì trong đó... 
Bà lật xem thì thấm một đường chỉ may rất kín, bà cắt đường chỉ ra thấy một miếng nhựa được bọc nilon rất cẩn thận. Trong đó có một miếng giấy được viết mấy dòng chữ, một miếng giấy cứng có tên của ai in trên đó.
Bà đưa cho ông, ông bảo : 
- Để tui cất chiều hỏi thằng Tư Đầu Bò xem đó là cái gì.

Chiều muộn, thằng Tư Đầu Bò ghé qua. Nó mang cho vợ chồng Ông Bình mấy cặp bánh chưng, đây là món quà của bà con ở Tây Nguyên gửi xuống cứu trợ vùng lũ mà nó vừa nhận được.
Ông Bình đưa cái thẻ nhựa, miếng giấy có ghi chữ và tấm bìa cứng nhỏ nhỏ nhờ nó đọc. Thằng Tư Đầu Bò vừa lướt qua mấy chữ thì tay hắn run lên. Hắn ấp úng, lóng ngóng làm vợ chồng Ông Bình cũng run theo, dù chẳng biết là gì.
Bất ngờ, nó ôm hai ông bà và nhảy cà tưng trong căn nhà trống hoác. Lại một lần nữa thằng Tư Đầu Bò làm hai vợ chồng ông hết lo thì đến ngơ ngác.
Sau một hồi nhảy nhót, nó dừng lại, trấn tĩnh và đọc cho vợ chồng Ông Bình nghe tờ giấy viết gì : 
- Nội dung được viết "Tôi xin lỗi vì đã mang một cái áo quá cũ này để ủng hộ. Vì nó quá cũ và xấu xí nên chắc ít ai chọn nó. Nhưng, nếu ai đã chọn nó chắc hẳn người đó rất khốn khó, nghèo khổ tận cùng. Vì thế, tôi để trong chiếc áo đó một chiếc thẻ ATM của tôi và cả danh thiếp. Người chọn chiếc áo này vui lòng gọi điện cho tôi để tôi nói cho mật khẩu để rút tiền. Toàn bộ số tiền một trăm triệu trong đó tôi tặng cho người đã chọn chiếc áo ấy. Trong trường hợp cần, cứ mang CMND ra ngân hàng và gọi cho tôi. Tôi sẽ làm thủ tục chuyển hết số tiền cho người đã chọn chiếc áo".
Đọc xong thằng Tư Đầu Bò khóc, vợ chồng Ông Bình cũng khóc. Họ khóc vì được gieo vào lòng hy vọng, dù chưa biết mọi thứ có như vậy không hay chỉ là một trò đùa tinh nghịch.
Đêm đó thằng Tư Đầu Bò ở lại cùng vợ chồng Ông Bình. Đêm trở nên dài vô tận, vì ai cũng mong trời sáng để chạy nhanh ra ngân hàng dưới phố huyện, để thằng Tư nạp cái card điện thoại và gọi cho người ta để xem có thực vậy không?

Sau một đêm thao thức rồi trời cũng sáng. Đây là lần đầu tiên ở một miền quê, mà bình minh không được đánh thức bởi tiếng gáy của những chú gà trống. Vì làm gì còn gà đâu mà gáy, gà bị trôi và chết hết rồi !
Thằng Tư chở ông Bình phóng ào ào trên con đường còn đầy bùn, đất. Ra phố huyện, nó nạp cái card và gọi ngay cho số điện thoại trên danh thiếp. Giọng người đàn ông bên kia như còn ngái ngủ trả lời nó : 
- Alo... 
Thằng Tư Đầu Bò run run nói : 
- Dạ có phải ông là... 
Nghe thằng Tư nói xong giọng người đàn ông bên kia như tỉnh ra, giọng sảng khoái đầy phấn khích. Có lẽ người đàn ông đó thấy cách làm từ thiện của mình đã có kết quả. Phương trình do ông ta tạo ra đã có người giải, và cái nghiệm của phương trình này là thú vị nhất của "trò chơi toán học".
Thằng Tư chuyển máy cho ông Bình, ông Bình cứ nấc nghẹn chứ chẳng nói được gì ngoài mấy từ : Tui... tui cảm ơn rồi khóc.

Ra tới ngân hàng, vô chỗ có cái máy rút tiền thằng Tư nhập mật khẩu kiểm tra và đúng y như người đàn ông kia nói. Nhưng vốn thật thà và hơi sợ, nên nó không dám rút một đồng nào. Nó bảo Ông Bình : 
- Hay là chờ người ta chuyển hẳn qua cho ông đi, chớ rút kiểu ni cũng dễ phạm tội lắm. Ông Bình gật đầu.
Như đoán được ý của người may mắn, người đàn ông kia chủ động bảo ông Bình đợi ở ngân hàng, cho ông ta tên họ, địa chỉ đầy đủ và ông ta cũng ra ngân hàng làm thủ tục chuyển tiền cho ông.

Câu chuyện của Ông Bình được loan tin nhanh khắp cả phố huyện. Nhiều người chúc mừng vợ chồng ông, nhưng cũng có vài người lẩm bẩm; biết vậy hôm đó lấy cái áo đó rồi.
Chiếc ô tô bóng lộn đỗ lại bên đường, hai người đàn ông trên xe bước xuống đi qua con mương nhỏ họ vô nhà ông Bình. Ông Bình nhìn kĩ thì ra là thằng Tư Đầu Bò và một người đàn ông lạ.
Thằng Tư giới thiệu; đây là Chú Thiện ở Sàigòn mới ra. Chú Thiện là người đã chọn cách ủng hộ theo cái kiểu "giải phương trình" vừa rồi. Sau nhiều lần nói chuyện, lần này Chú Thiện về để tận mắt chứng kiến và tìm cách giúp đỡ những gia đình bị thiệt hại nặng.
Trước mắt, chú thuê thằng Tư làm người khảo sát tại chỗ và trả lương đầy đủ. Sau đó là chọn cách hỗ trợ thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của những người cần.
Thằng Tư ghé tai ông Bình khoe; sắp tới Chú Thiện sẽ mở công ty chế biến nông sản ở đây, và cho nó một chân quản lý. Ông Bình nhìn thằng Tư Đầu Bò cười vui lắm. Ông Bình nghĩ người tốt bụng, thành thật như thằng Tư, trước sau gì cũng có người giúp. Ông Trời luôn có mắt mà.

Nắng chiếu những tia yếu ớt cuối ngày lên một miền quê vừa trải qua những cơn lũ hung tàn. Đâu đó vang lên vài tiếng chó sủa. Khói bếp lại bay lên từ những ngôi nhà mới dựng lại tạm bợ, dù còn nhiều thiếu thốn. Và đâu đó, tiếng hát xa xa lại vang vọng trong chiều, như trả lại cho miền quê nơi đây sự yên bình vốn có.
Tiếng hát thắp lên niềm tin, tình yêu và làm tăng những điều tốt đẹp đã lan tỏa trong những ngày khốn khó vừa qua. Giúp người dân nơi dải đất hẹp của Miền Trung này bắt tay vào việc cải tạo, và xây dựng lại mọi thứ.
Dẫu còn nhiều lắm khó khăn, nhưng với tình yêu dành cho quê hương, nơi sinh ra và trưởng thành cộng với sự cần cù vốn có. Với sự đùm bọc, chia sẻ, yêu thương đồng loại chảy mãi trong huyết mạch của người Việt. Chẳng bao lâu nữa, màu xanh lại phú kín những cánh đồng, thôn xóm, xua đi màu đục ngầu kinh hoàng của cơn lũ vừa qua...!

No comments:

Post a Comment