Melissa Hogenboom
Loài lưỡng cư lớn nhất thế giới này thật là đặc biệt. Chúng là những gì còn sót lại từ thời khủng long, và các con đực là "sư phụ về hang" - bậc thầy về việc dùng hang, tổ - và có tiếng kêu như tiếng trẻ em khóc. Hiện chúng đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Không mấy khi ta nghe thấy có loài động vật nào được gọi là "sư phụ về hang". Nhưng kỳ giông khổng lồ Trung Quốc thì đúng là thế thật.
Chúng có những cái hang nuôi con dưới nước, thường là các hốc lớn dưới các tảng đá hay trong các khe, rãnh, nơi chúng để vài con cái chui vào đẻ các ổ trứng. Rồi "sư phụ về hang" sau đó sẽ canh gác và trông nom chỗ trứng trong vòng hơn một tháng, cho tới khi trứng nở.
Kỳ giông khổng lồ Trung Quốc là loài lưỡng cư lớn nhất còn lại trên thế giới. Chúng có thể dài tới 1,8m, chiều dài mà không phải con người ai cũng đạt được. Chúng cũng rất nặng, tới 50kg.
Thế nhưng nòng nọc khi mới nở từ trứng kỳ giông ra chỉ dài 3cm.
"Hãy tưởng tượng một con sa giông trong hồ cảnh ở vườn nhà bạn phát triển tới kích cỡ đó," Andrew Cunningham từ Hội Động vật học London, Anh quốc, nói. "Trông giống như là thấy một người trưởng thành bằng xương, bằng thịt vậy."
Chúng đã là nguồn cảm hứng cho rất nhiều sự tích, huyền thoại trong văn hóa Trung Quốc. Biểu tượng nổi tiếng Âm - Dương được cho là khởi nguồn từ hai con kỳ giông khổng lồ Trung Quốc quyện vào nhau.
Kỳ giông còn được gọi là "oa oa ngư", tức "cá hài nhi" do chúng khi tức giận có tiếng kêu giống như tiếng trẻ con khóc.
Chúng cũng thuộc về một giống cổ đại. Họ nhà kỳ giông, tên khoa học là Cryptobranchidae, tồn tại từ 170 triệu năm về trước.
Các con kỳ giông khổng lồ hiện đại thường được gọi là "hóa thạch sống" bởi chúng trông rất giống với các loài họ hàng cổ xưa. Chúng hầu như không thay đổi gì kể từ thời khủng long bạo chúa Tyrannosaurus rex tới nay, theo lời Cunningham.
Những con vật kỳ diệu này đang ngày càng trở nên hiếm hoi trong đời sống hoang dã. Kể từ thập niên 1950 tới nay, số lượng kỳ giông khổng lồ Trung Quốc đã giảm đi nhanh chóng. Hiện chúng được liệt vào danh sách các loài bị đe dọa nghiêm trọng, Danh sách Đỏ của Hội Bảo vệ Đời sống Hoang dã Quốc tế.
Ngành công nghiệp chăn nuôi kỳ giông ngày càng phát triển là lý do chính cho tình trạng trên, dẫu cho ngành này mới chỉ xuất hiện chừng một thập niên trở lại.
Kỳ giông được cho là rất ngon, bất chấp việc chúng thuộc nhóm động vật cần bảo vệ. Hơn nữa, kích cỡ to lớn khiến chúng là nguồn cung cấp thực phẩm rất hấp dẫn.
Do đó, kỳ giông trong đời sống hoang dã thường bị bắt đem về nuôi. Những kẻ săn bắt trộm kiếm được rất nhiều tiền từ việc này.
Càng bị săn bắt khỏi đời sống hoang dã, số lượng kỳ giông càng giảm mạnh một cách nhanh chóng bởi các kỳ giông non cần mất nhiều năm mới đạt được độ trưởng thành để giao phối, sinh sản.
Khi chúng còn nhiều thì việc săn bắt còn dễ dàng, theo Cunningham. Nhưng khi số lượng giảm nhiều thì người ta lại dùng các biện pháp tàn khốc hơn để săn bắt, như dùng tới thuốc nổ, giật điện, thuốc trừ sâu v.v... khiến hủy hoại hầu hết các sinh vật sinh sống ở đoạn sông có kỳ giông.
Đáng tiếc là các biện pháp trừng phạt đối với các đối tượng bị bắt về tội phạm này lại rất thấp, theo lời Cunningham. "Thậm chí còn có trường hợp cơ quan bảo vệ môi trường thực ra lại đi mua [kỳ giông] từ những kẻ săn bắt trộm rồi đem bán cho các trại chăn nuôi."
Bệnh dịch truyền nhiễm lan nhanh chóng tại các trang trại đó, đe dọa tới kỳ giông hoang dã. Nếu hai nhóm kỳ giông phối giống với nhau thì đó sẽ đem tai ương tới cho các kỳ giông hoang dã bởi những con được nuôi trong trang trại thường có xu hướng mắc bệnh bẩm sinh nhiều hơn.
Một cuộc điều tra gần đây cho thấy nếu số lượng kỳ giông tiếp tục bị đe dọa theo xu hướng hiện nay thì loài này sẽ sớm tuyệt chủng khỏi đời sống hoang dã.
Nhưng tin tốt là nhờ xác định được các mối đe dọa, nên các nhà bảo tồn thiên nhiên nói họ đang quyết tâm bảo vệ loài động vật này.
Đóng cửa các trang trại là điều không khả thi, theo lời Cunningham. "Ngành này quá lớn mạnh, và chính quyền Trung Quốc từ cấp trung ương, tỉnh tới địa phương đều đã đầu tư quá nhiều tiền vào nó."
Thay vào đó, ông nói các trang trại cần phải được quản lý tốt hơn. Chẳng hạn như các con kỳ giông bị đánh bắt sẽ không được thả lại vào đời sống tự nhiên.
Trước đây, chính quyền đã khuyến khích việc thả kỳ giông bị bắt nhằm nỗ lực tăng số lượng loài này trong đời sống tự nhiên. Thế nhưng việc đó gây hại nhiều hơn lợi, theo lời Cunningham.
Các con vật được thả ra thì không được kiểm tra về dịch bệnh, cho nên chúng có thể làm lây lan bệnh ra cho các con khác. Chúng cũng không được theo dõi để đánh giá xem liệu nỗ lực làm tăng dân số cho loài này có đem lại kết quả gì hay không.
Do đó, Cunningham và các đồng nghiệp của ông khuyến cáo các con kỳ giông hoang dã bị đánh bắt cần phải được giữ riêng biệt. Chúng cần phải được gắn microchips nhằm phân biệt với các con hoàn toàn hoang dã.
"Đây là một trong những loài động vật đặc biệt nhất trên hành tinh," Cunningham nói. "Trung Quốc cần phải học cách nâng niu loài vật này. Chỉ có vậy thì kỳ giông mới có tương lai."
Bản gốc tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Earth.
No comments:
Post a Comment