10/21/15

Canada rút chiến đấu cơ khỏi Syria, Iraq

 

Image copyrightEPAImage captionTân thủ tướng Canada Trudeau nói Tổng thống Obama hiểu được cam kết của ông về việc chấm dứt sứ mệnh giao tranh

Tân thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố sẽ rút chiến đấu cơ Canada khỏi lực lượng liên quân không kích chống Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria.

Ông đã thông báo quyết định này cho Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vài giờ sau khi Đảng Tự do Canada do ông lãnh đạo vừa thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội.

Là một phần của chiến dịch tranh cử, ông Trudeau cam kết sẽ rút các tiêm kích ném bom CF-18 đang được triển khai tại khu vực này đến tháng 3/2016.

Ông chưa ấn định thời gian cho việc này.

Đảng Tự do Canada của ông Trudeau lên nắm quyền sau cuộc bầu cử hôm thứ Hai 19/10, chấm dứt gần một thập niên cầm quyền của đảng Bảo thủ do ông Stephen Harper lãnh đạo.

Ông Trudeau, từng là giáo viên trung học, là con trai cả của cố Thủ tướng Pierre Trudeau.

Chiến đấu cơ và người tỵ nạn

Trong cuộc trò chuyện điện thoại đầu tiên với Tổng thống Hoa Kỳ ở cương vị thủ tướng Canada, ông Trudeau thông báo với ông Obama rằng ông sẽ thực hiện lời hứa khi tranh cử về việc rút chiến đấu cơ.

"Tôi cam kết rằng chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia cuộc chiến chống IS một cách có trách nhiệm và hiểu được vai trò quan trọng của Canada trong cuộc chiến này. Nhưng ông ấy (Barack Obama) hiểu được cam kết của tôi về việc chấm dứt sứ mệnh giao tranh", ông Trudeau nói với các phóng viên tại Ottawa hôm thứ Ba 20/10.

Tuy nhiên, ông cho biết sẽ tiếp tục duy trì lực lượng huấn luyện quân sự của Canada ở miền bắc Iraq, hãng AFP đưa tin.

Ông Trudeau cũng tuyên bố sẽ tiếp nhận 25.000 người tỵ nạn Syria vào cuối năm nay - điều trước đây đã bị người tiền nhiệm Stephen Harper, vốn cứng rắn hơn về vấn đề này, bác bỏ.

Ông cũng nói rằng Tổng thống Obama đã "trêu tôi vì tóc chưa có sợi bạc nhưng ông ấy nói rằng tôi sẽ sớm bạc đầu thôi".

Image copyrightGettyImage captionÔng Trudeau tuyên bố sẽ tiếp nhận thêm nhiều người tỵ nạn Syria

Ông Trudeau được trông đợi sẽ cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là về vấn đề môi trường.

Trong chiến dịch bầu cử dài 11 tuần, Đảng Tự do cho biết sẽ:

  • Cắt giảm thuế thu nhập cho tầng lớp trung lưu và tăng thuế này với những người giàu
  • Chịu thâm hụt trong ba năm để đầu tư vào cơ sở hạ tầng
  • Làm nhiều hơn để giải quyết vấn đề môi trường liên quan đến dự án đường ống dẫn dầu Keystone gây tranh cãi
  • Tiếp nhận thêm nhiều người tỵ nạn Syria, và rút khỏi các cuộc không kích của liên quân chống IS trong lúc vẫn thúc đẩy huấn luyện cho lực lượng Iraq
  • Hợp pháp hóa việc mua bán cần sa

"Giai đoạn không mặn mà trong chống biến đổi khí hậu đã qua", ông Trudeau cho biết hôm thứ Ba 20/10, khi đề cập về quyết định rút Canada ra khỏi Nghị định thư Kyoto của ông Harper năm 2011. Canada là quốc gia đầu tiên làm như vậy.

Image copyrightAFPImage captionÔng Trudeau cam kết thiết lập mục tiêu giảm lượng khí thải carbon

Tuyên bố hôm thứ Ba 20/10 của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama mong muốn hợp tác về chính sách khí hậu với ông Trudeau, người cam kết thiết lập mục tiêu giảm lượng khí thải carbon.

Quan hệ giữa hai nước cũng có khả năng được cải thiện theo kế hoạch triển khai dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL mang dầu từ Canada sang Hoa Kỳ. Tổng thống Obama đã miễn cưỡng trước đề nghị này khiến ông Harper tức giận vì cho là dự án sẽ tạo việc làm cho người Canada.

Ông Trudeau, người ủng hộ dự án, cho biết ông sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ để giải quyết một số quan ngại về môi trường.

Phát biểu trước những người ủng hộ, ông Trudeau xóa tan những nghi ngại rằng dưới sự điều hành của Đảng Bảo thủ "Canada đã đánh mất tiếng nói cảm thông và mang tính xây dựng trên thế giới trong mười năm qua”.

Nhưng, ông tiếp tục, “Thay mặt 35 triệu dân Canada, chúng tôi đã trở lại”.

Đảng Tự Do của ông khởi đầu chiến dịch tranh cử ở vị trí thứ ba, nhưng đã giành được đa số ghế sau kỳ bầu cử.

Hiến pháp Canada không quy định khung thời gian bắt buộc để chuyển giao quyền lực và dự kiến ông Trudeau sẽ tuyên thệ nhậm chức trong một vài tuần tới.

No comments:

Post a Comment