5/2/13

NHỮNG NỖI HẬN TRONG MÙA QUỐC HẬN

THỜI CUỘC TRONG TUẦN

Hoàng Ngọc Nguyên

image001image002image003

Ba tướng trong “Ngũ Hổ Tướng” của Miền Nam:

Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh

Tựa của cuốn sách và nội dung của nó vẫn luôn luôn ám ảnh tôi, mặc dù tôi đã đọc không ít những tác phẩm của người Mỹ viết về cuộc chiến tranh Việt Nam. Và mỗi năm, khi tháng tư trở lại trong dòng thời gian không ngừng trôi qua, câu hỏi đó lại càng thêm dằn vặt: “Why The North Won The Vietnam War”. Câu hỏi được đặt thành tựa của sách đương nhiên đã được các tác giả của sách này trả lời, nhưng những giải đáp đó của người Mỹ đương nhiên không phải là của người Việt chúng ta. Thậm chí, tuy là cuộc chiến trước hết và trên hết là của chúng ta, nhưng chúng ta không thấy có mình trong những giải đáp đó. Người ta nói đến sự “tất thắng” của cuộc chiến tranh “giành độc lập”, “chống ngoại xâm”, “thống nhất đất nước” của Miền Bắc, sự lạc lỏng, không mục tiêu rõ ràng của Mỹ trong cuộc chiến. Chúng ta chẳng ở đâu cả.

         Chúng ta có hiện diện rõ ràng hơn chăng trong cuộc chiến dù chúng ta đã ở Mỹ gần 40 năm rồi? Đó là câu hỏi đáng dằn vặt đối với những người còn nhậy cảm với “nguồn gốc” của mình. Còn bao nhiêu người được như thế, còn bao nhiêu người còn cảm thấy vẫn có một  Mùa Quốc Hận cho cộng đồng người Việt trên đất Mỹ, cho dù người Mỹ ở nơi này, nơi khác có thể không hiểu thấu điều này. Đúng là một ngày của nhiều mối hận cũ trở về ám ảnh đối với những lớp người đi trước, cho dù những thế hệ sau này, hay ngay cả những người thuộc thế hệ trước nhưng đã mắc bệnh chóng quên của người cao niên, rất khó hiểu hết những nỗi niềm đó. Lịch sử đang dần dần thay đổi cảnh trí. Một chương cũ đã khép lại từ 38 năm trước. Ngay cả cái chương sau đó cũng đã khép lại sau 15-16 năm thử thách: sự phơi bày thảm hại “sự ưu việt” của chủ nghĩa xã hội của Hà Nội. Cái hậu quả của nó chính là tầng lớp lãnh đạo mê muội ở Hà Nội ngày nay, là đất nước thoái hóa ngày nay, là xã hội sa đọa ngày nay. Lịch sử chỉ là chuyện thời gian mà thôi!

         Ngày Quốc Hận phải là ngày của những nỗi hận. Căm hận, thù hận, phẫn hận, uất hận với Miền Bắc đã gây nên cuộc chiến xâm lăng, mập mờ ngụy tạo nó như một cuộc nội chiến giữa hai miền hay dựng hiện trường giả của một cuộc “chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ”, để tước đoạt quyền tự quyết của người dân Miền Nam. Những mất mát, đau thương, chết chóc, ly tan không kể siết, nhưng điều không ít người đã quên là trong cuộc sống hữu hạn và vô thường này, bao nhiêu thế hệ người của Miền Nam, còn lại trong nước hay đang phải tha  hương, thực ra đều đã phải “chết dở” cho dù vẫn phải “sống dở” trong nhận thức đắng cay về sự hữu hạn, vô thường cùng cực của một cuộc sống mất lẽ sống.

         Mặc dù ngày nay chúng ta đã sống trên đất Mỹ, nhưng khi nghĩ lại người đồng minh năm xưa trong cuộc chiến, mấy ai không có ít nhiều cảm giác oán hận. Chính sự bỏ rơi Miền Nam của Mỹ bằng Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973 đã phần nào dẫn đến cái chết của Việt Nam Cộng Hòa hai năm ba tháng sau khi người ta ký hiệp định này. Chúng ta vì hoàn cảnh mà quên đi chuyện xưa, nào ai mang dòng máu Hồi giáo quá khích của những người Chechnya mất nước trong huyết quản! Thế nhưng khi nhìn đến những nỗi hận trong những ngày rày, làm sao trong đáy lòng không cảm thấy chút nào sự oán thán đó?

         Thế nhưng không có nỗi hận nào lớn hơn so với nỗi ân hận đối với chính mình. Đó là vấn đề tư cách. Vấn đề liêm sỉ. Vấn đê tự trọng. Vấn đề nghiêm chỉnh. Tiên trách kỷ. Tại sao chúng ta lại để xảy ra kết cuộc đó? Có những gì chúng ta đã không biết cho nên để xảy ra cớ sự? Có những gì chúng ta đã không làm cho nên đưa đến kết cuộc bi thảm đó? Có những gì chúng ta biết phải làm nhưng đã không làm, hay đã không làm vì không biết? Chúng ta đã làm hết sức chưa hay chúng ta đã để xảy ra những thiếu sót chết người, chẳng hạn như sự đoàn kết và hình thành một mặt trận quốc gia? Phải chăng có thể nói tại vì chúng ta đã “khoán trắng” cho “ngũ hổ tướng” (Đại tướng “niên trưởng” Dương Văn Minh, Đại tướng Nguyễn Khánh, Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên, Trung tướng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Trung tướng Thủ tướng Trần Thiện Khiêm) làm hỏng, làm bại hoại cả cuộc chiến đấu chống cộng, nay than trách nỗi gì? Giới dân sự đã không một ai đủ bản lĩnh, đảm lược để chen vào được việc lãnh đạo cuộc chiến, bây giờ nói năng nỗi gì? Tất cả đảng phái chính trị, tôn giáo, tầng lớp trí thức… đều quá mơ màng, thụ động, vô tâm, như thế nước đến chân làm sao nhảy được?

         Khi nhìn vào những nỗi ân hận này, chúng ta phải tự hỏi: Đã biết người Cộng Sản là không tin được và muốn tiêu diệt chúng ta, tại sao chúng ta vẫn ngồi vào bàn hội nghị và ký vào hiệp định Paris? Đã biết đồng minh Mỹ là người chẳng có thể nương tựa được về lâu về dài, tại sao chúng ta vẫn hoàn toàn dựa vào họ trong việc lãnh đạo cuộc chiến cho đến ngày cuối cùng? Tại sao chúng ta biết cuộc chiến càng kéo dài chúng ta càng bị bất lợi và đến gần vực thẳm, thế nhưng chính trị ở Saigon vẫn cứ như thể thời gian vể phe với chúng ta? Bao nhiêu năm thúc bách, giới lãnh đạo (ngũ hổ tướng) chúng ta vẫn không nhận thức nổi cần phài có một đường lối chiến tranh chủ động “dựa trên sức mình là chính”.

Người Việt Quốc Gia và người Việt Cộng Sản biết nhau quá từ lâu – có lẽ ngay từ những năm 1945-46, không phải đợi tới Hiệp định Genève năm 1954. Có những người dị mộng nhưng có thể đồng sàng. Nhưng đây tuyệt nhiên không phải là trường hợp của những người Quốc Gia và người Cộng Sản. Nếu họ đồng sàng, sẽ chẳng ai dám nhắm mắt vì sợ bị hại. Người Cộng Sản từ khi ra đời đã không mơ hồ về điều đó. Đối với người Quốc Gia, người Cộng Sản đã nói: “lòng hận thù ngất trời” như trong bài “quốc ca” của “Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miến Nam”. Không ít người Quốc Gia, tuy nhiên, đã tỏ ra ngây thơ. Và cũng không ít người từng tưởng rằng mình có thể là người không Quốc Gia không Cộng Sản (đứng giữa, lực lượng thứ ba) đương nhiên còn ngây thơ hơn nữa và do đó bị lợi dụng một cách thảm hại.

Người Cộng Sản chẳng ngây thơ! Ngay từ đầu họ đã xác định mục tiêu (chuyên chính vô sản), hoạch định chiến lược, ấn định kế hoạch tiêu diệt tất cả những phe phái Quốc Gia và chế độ Quốc Gia, với niềm tin kiên định “kháng chiến trường kỳ, nhất định thắng lợi” qua những trường hợp lịch sử Cách mạng Tháng Mười của Liên Xô, chiến thắng của Mao Trạch Đông tại Hoa Lục, và chính chiến thắng Điện Biên Phủ của họ. Người Cộng Sản Việt Nam còn có một niềm cuồng tín về “sứ mệnh lịch sử” của mình đối với cuộc cách mạng vô sản trên toàn thế giới. Họ muốn là “lá cờ đầu”, là “ngọn đuốc soi đường” – như lời thơ của Tố Hữu (Nếu thế kỷ chọn ta là ngọn đuốc; Vinh quang thay cho người lính đi đầu)! Với một sự lãnh đạo nhất thể và ổn cố trong suốt 30 năm (1945-75), họ đã giữ được những mục tiêu, theo đuổi được chiến lược và thực hiện kế hoạch nhuộm đỏ toàn bộ đất nước của mình.

Người Quốc Gia do hấp thụ một nền văn hóa giáo dục nhân bản để cao những giá trị tự do dân chủ và đa dạng đã không kiên định được trong lập trường của mình. Cho đến những ngày gần tàn của cuộc chiến tranh miền bắc xâm lăng miền nam, vẫn còn nhiều người Quốc Gia mơ màng có thể “sống chung hòa bình” với phía bên kia nếu những ảnh hưởng ngoại bang trên hai miền được cắt đứt. Thực tế hơn, ngưòi ta cũng có thể nói “Không thể chơi được với người Cộng Sản”, nhưng bằng cách nào có thề tồn tại để có thể không chơi được với người Cộng Sản, câu hỏi này chằng có được câu trả lời nghiêm chỉnh, không phài chỉ từ những người “ có trách nhiệm”, mà từ cả một đất nước!

Thật ra, các đảng phái chính trị Quốc Gia ở miền nam chẳng phải quá không tưởng và ảo tưởng hay nhìn quá gần (thiển cận) để không nhận thức nổi đúng là Quốc Gia và Cộng Sản là “không đội trời chung”, và cuộc xung đột này thực sự không bao giờ dứt vì tính chất “một mất một còn” của nó. Chúng ta cũng không được quên yếu tố kinh tế trong cuộc chiến tranh của miền bắc nhằm vào mục đích “giải phóng” miền nam. Không lấy được miền nam, nền kinh tế ở miền bắc càng lụn bại đi vào con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa, lún sâu vào sự nghèo nàn, lạc hậu, đói rách do dân đông, lương thực sản xuất không đủ, kinh tế nông nghiệp không lên nổi vì thời tiết và thiên tai thường trực, kỹ nghệ không có cơ sở để phát triển, và người lao động vừa thiếu kỹ năng vừa không có động lực… Một số nhân vật lãnh đạo ở Mỹ, như Bộ trưởng Quốc phòng Robert MacNamara của thời Tổng thống John Kennedy và Lyndon Johnson chẳng hạn, có thể mơ hồ, thậm chí ngu xuẩn khi viết sách tỏ bày sự nuối tiếc những cơ hội hòa đàm bị bỏ lỡ vào những năm đầu của thập niên 60, nhưng người Việt sống dưới chế độ ở miền nam không được phép mơ hồ và ngu xuẩn như thế.

Cộng Sản chưa bao giờ có trong ý nghĩ của họ, đừng nói đến chuyện viết ra, chuyện ‘chung sống hòa bình”; họ bao giờ cũng tập trung vào mục tiêu tiêu diệt kẻ thù. Ngay cả khi ngoài miệng nói chuyện hiệp thương giữa hai miền để thống nhất đất nước, trong đầu họ cũng chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài bằng bất cứ mọi giá, với sách lược dùng thời gian để làm kiệt quệ sức đề kháng của địch. Trong khi đó người Quốc Gia ở miền nam quá “hiền lành” hoặc quá tự tin ở sự an toàn, ổn cố của chế độ với sự che chở của Mỹ cho nên chẳng những không có sách lược nào để tiêu diệt địch trước khi địch tiêu diệt mình, mà còn chẳng có sách lược lâu dài nào tự bảo vệ, chống trả sự xâm lược khởi đầu dưới dạng chiến tranh nổi dậy ở miến nam, sau đó là công khai đưa người đưa vũ khí đi vào miền nam thông qua đường mòn Hồ Chí Minh.

Người ta vẫn nói “Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Người Quốc Gia ở miền nam chẳng xa lạ gì kẻ thù Cộng Sản. Người Cộng Sản vay mượn phần lớn triết lý cách mạng, triết lý chiến tranh từ Cộng Sản phương bắc. Tất cả đều là học trò của Mao Trạch Đông hơn là Karl Marx hay Lenin. Những ý niệm về chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân của Hà Nội đều vay mượn từ chủ nghĩa Mao, từ sách lược chiến tranh du kích đến lấy nông thôn bao vây thành thị cũng chẳng phải là tư tưởng sáng giá của những nhà lý thuyết của Cộng Sản Việt Nam. Hoàn cảnh của Việt Nam có khác hoàn cảnh của Trung Quốc. Trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, kẻ thù của Cộng Sản Việt Nam là quân Pháp. Nhưng Việt Minh có một nguồn yểm trợ to lớn từ bên ngoài chính là Trung Cộng - giống như một “hậu phương lớn”. Mặt khác, vì sai lầm chiến lược chết người của giới chỉ huy quân sự của Pháp mà Pháp thua trận Điện Biên Phủ. Và tình hình chính trị ở nước Pháp buộc họ phải rút lui. Trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, Miền Bắc tiến hành chuyện đánh chiếm miền nam, Cộng Sản Hà Nội có thể không tiên liệu đầy đủ mức độ can thiệp của Mỹ, nhưng cuối cùng họ vẫn tin rằng thời gian sẽ đứng về phía của họ, một khi họ chẳng ngại sự hy sinh xương máu bất kể của người dân cùng được quân viện những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất từ Liên Xô, Trung Cộng… để cầm giữ cho quân Mỹ viễn chinh bị sa lầy ở miền nam đến mức xã hội Mỹ bắt đầu hốt hoảng và chính trường Washington phải can thiệp.

Miền nam có thể thừa biết chiến lược của miền bắc là “cùi không sợ lở”, dựa vào sự viện trợ vũ khí hùng hậu của Liên Xô và Trung Cộng cùng nguồn nhân lực vô hạn, bao nhiêu thế hệ thanh niên thiếu nữ của miền bắc đều bị nướng cho chiến trường, phải hy sinh vì “đại cuộc” bất kể sự tan tác thê lương trong xã hội. Đối lại, miền nam phải làm thế nào. Nhân lực huy động được tới đâu? Vũ khí làm sao có đủ sức để đương cự? Chiến lược nào có thể làm nản lòng kẻ thù? Có đủ năng lực để tập trung sức đánh một trận sống mái, không cho đối phương kéo dài cuộc chiến hay chăng? Nếu phải tính chuyện lâu dài, làm sao nuôi dưỡng lực lượng, đủ người, đủ khí giới, đủ khả năng kiểm soát tình hình về lâu về dài để chứng tỏ được sức bền bỉ của mình hầu làm thối chí địch quân? Có nên giới hạn cuộc chiến trong địa phận phía nam, hay phải nhất quyết mở rộng chiến địa ra miền bắc để thoát khỏi thế bị trói tay, buộc chân?

Rõ ràng có những câu hỏi chiến lược rất sống còn mà miền nam phải tìm ra lời giải đáp thích hợp với những điều kiện, hoàn cảnh thực tế, và phải xem những lởi giải đáp này là kim chỉ nam, là cẩm nang hành động. Những người lãnh đạo miền nam qua các thời kỳ cần phải bận tâm hàng đầu với những câu hỏi sống còn này và do đó phải ra sức tập họp những hàng ngũ phe phái Quốc Gia lại thành một mặt trận chung đề đi tìm lời giải đáp. Thời gian quả là yếu tố sống còn trong cuộc chiến đấu chống sự xâm lăng của Cộng Sản mà Miền Nam không được hoang phí, có nghĩa là thiếu tập trung cho cuộc chiến đấu mà để phân tâm, mất thì giờ vào những chuyện phân hóa, chia rẽ, tranh giành quyền lực nội bộ.

Nay nhìn lại cả 20 năm chúng ta từng có để hành động, từ 1955 đến 1975, đúng là trong bao thời kỳ của Việt Nam Cộng Hòa, người Việt Quốc Gia không bao giờ đủ cảnh giác trước những câu hỏi sống còn của mình, và thời gian cứ bị hoang phí từ năm này qua năm khác. Trong suốt những năm của Đệ nhất Cộng hòa, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã chẳng đưa những câu hỏi này ra trước quốc dân. Trong những năm Đệ nhị Cộng hòa, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cứ để mặc cho chương trình “Việt Nam hóa chiến tranh” của Tổng thống Nixon đưa đất nước tới đâu thì tới, trong khi Mỹ đang “Việt Nam hóa chiến tranh” chỉ để rút lui khi còn kịp.

Và gần bốn năm giữa hai nến Đệ nhất Cộng hòa và Đệ nhị Cộng hòa (từ tháng 11/1963 đến tháng 9/1967) đúng là một thời gian hoang phí khủng khiếp như một anh nhà giàu bạt mạng nên khó tránh được sự phá sản, khi những người lãnh đạo miền nam hầu như bỏ lửng chuyện chống cộng một cách có sách lược để chống nhau một cách hỗn loạn. May mà có Mỹ đổ quân cứu vãn tình hình trong những năm đó. Nhưng sự lệ thuộc vào Mỹ một cách vô trách nhiệm đúng là cuối cùng có cái giá của nó – cái giá quá đắt không bao giờ chuộc được nữa.

No comments:

Post a Comment