Hoàng Ngọc Nguyên
Viet Tribune
Người ta vẫn xưng tụng nước Mỹ là “vùng đất của những cơ hội”, “đất nước của những ngưòi di dân”… Tất cả đều đúng cả, cho dù cơ hội ngày nay chắc chắn chẳng bì được với cơ hội ngày xưa, và người di dân ngày xưa chắc chắn cũng thoải mái hơn người di dân thời nay. Thế nhưng sau vụ đánh bom ở Boston, cũng là điều đáng giật mình nếu người ta suy nghĩ lẩn quẩn và tự hỏi phải chăng nước Mỹ cũng là một đất nước của những di dân mất nước. Cái điều này nếu có hẳn phải có những hệ lụy phức tạp mà anh em nhà Tsarnaev đã cho thấy.
Sau khi người anh Tamerlan Tsarnaev, 26 tuổi, bị bắn chết vào sáng thứ sáu, và người em Dzhokhar Tsarnaev, 19 tuổi, bị bắt vào buổi chiều cùng ngày, câu hỏi lớn nhất đương nhiên tại sao hai anh em nhà này đi làm chuyện khủng bố. Tuy nhiên, khi vụ đánh bom xảy ra vào ngày thứ hai 15-4, nhiều người đã nói còn ai trồng khoai đất này nữa? Chỉ còn hai tuần nữa tính từ ngày đó, al-Qaeda sẽ kỷ niệm hai năm ngày Osama Bin Laden bị hạ sát. Chẳng cần phải al-Qaeda mà những nhóm Hồi giáo cực đoan khác cùng “tôn chỉ” đều có thể muốn lợi dụng dịp này để chơi cho Mỹ biết mặt. Giả thuyết này càng có vẻ thêm mạnh mẽ khi có vụ nổ ở nhà máy phân ở Texas cùng những bức thư có tẩm chất độc gởi cho Tổng thống Barack Obama và một hai người khác trong ngày sau đó. May thay, chuyện nhà máy nổ chỉ là tai nạn kỹ nghệ, và mấy bức thư có tẩm chất ricin có lẽ là chuyện đùa dai. Bởi thế mà người em đang nằm trong nhà thương bị thương ở cổ không nói được phải “khai bút” (dùng bút để khai) là hai anh em hành động tự ý vì “bức xúc trước hai cuộc chiến chống Hồi giáo của Mỹ ở Iraq và Afghanistan”, họ chẳng thuộc tổ chức cực đoan nào, và chẳng ai quá khích xúi giục. Cả hai lời khai này đều rất khả nghi. Làm sao một hành động có tính cách “jihad” (tử vì đạo) có thể tự phát được. Mọi tin tức mà người ta đã tổng hợp được đều cho thấy người em này khó thể tin được.
Nay thủ phạm nhà chức trách đã có. Muốn tìm hiểu được động cơ của hai anh em nhà Tsarnaev một cách rõ ràng, ắt phải nhìn vào “thân thế” của hai người. Đúng là chuyện khá lạ lùng, chẳng phải bình thường, khi hai anh em ruột khác thế hệ mà cùng chung chí hướng, đã may mắn đến được nước Mỹ để tỵ nạn, nước Mỹ này vốn vô can trong chuyện người Chechen mất nước và người Chechen Hồi giáo bị đàn áp. Thế nhưng hai anh em chẳng lo tìm cách biến thành sự thật “giấc mơ nước Mỹ” mà lại cùng dấn thân vào một trận đánh “chống Mỹ cứu nước” đơn độc chỉ có hai người cùng “giấc mơ Hồi phục” (Hồi giáo phục quốc) với nhau. Và bởi vì bắt đầu của câu chuyện “Trầu Cau” Hồi giáo này về anh em nhà Tsarnaev là quê hương Chechnya của họ cùng với sự trôi giạt của gia đình từ nơi này qua nơi khác trong vùng Caucasus Trung Á bao la, cho nên chúng ta không khỏi liên tưởng đến tác phẩm “A Dirty War” (Cuộc chiến dơ bẩn) của nhà báo Nga Anna Politkovskaya - bà nay không còn ở với chúng ta nữa. Politkovskaya cũng là tác giả của “Putin’s Russia” (nước Nga của Putin), và chỉ hai cuốn sách đó cũng đủ cho bà bị kết án tử hình: chiều ngày 7-10-2006, một tên khủng bố (ắt làm việc cho cơ quan phản gián FSB của Putin) đã bắn bà chết ngay trước cửa thang máy của tòa nhà apartment nằm giữa trung tâm thủ đô Moscow.
Chechnya là một nước đa số dân theo giáo phái Sunni của Hồi giáo dân số hiện nay chưa đến 1.3 triệu người, nằm trong Cộng hòa Liên bang Nga. Trước đây, Chechnya vẫn bị Nga hoàng từ đầu thế kỷ thứ 19 áp bức tàn tệ trong hơn cả thế kỷ, và rơi vào thân phận lưu đày tan tác hơn nữa dưới thời Liên Xô của Stalin. Khi Liên Xô tan rã, Chechnya muốn được độc lập như những nước khác nằm trong khối này, nhưng những ngưòi chủ mới của Điện Câm Linh dứt khoát không cho, dẫn đến cuộc chiến tranh Chechnya đầu tiên 1994-96 của Tổng thống Nga thời đó là Boris Yeltsin, và Chechnya “coi như” được độc lập tự phát trong 2-3 năm. Khi Putin lên làm thù tướng, cuôc chiến tranh Chechnya thứ hai lại bùng nổ, và quân đội Nga đàn áp tàn bạo thẳng tay để tiêu diệt lực lượng kháng chiến đòi độc lập. Putin vẫn thường lên án những hành động khủng bố đẫm máu nhằm vào thường dân của người Hồi giáo Chechen, nhưng đội quân của Putin với vũ khí hùng hậu, hiện đại, có cả không quân yểm trợ, cho nên ho đã kết thúc nhanh chóng cuộc chiến này bằng chuyện tàn sát. Như trong tác phẩm của bà Politkovskaya viết, khi quân Nga thấy có một nhóm kháng chiến quân của địch ở trong một dãy phố, thì ngưòi ta giải quyết rất chóng vánh: cho phi cơ đánh bom, pháo binh rót đạn xuống và đốt cháy hết cả khu nhà, bất kề thường dân có thể bị mắc kẹt bên trong. Bắt được tình nghi, quân Nga bắt chước Tào Tháo thường bắn chết cho xong chuyện. Những trại giam, toàn là những chuyện tra tấn, hãm hiếp, giết hại ngay cả thiếu niên… Bà Politkovskaya viết “Tôi hỗ thẹn vì sự phi nhân đó giữa người và người”. Ở trận chiến đầu tiên, có đến 100.000 thường dân bị chết. Ở trận thứ hai, ước tính cũng có đến 75.000 người. Con số thấp là do người Chechen đã tìm cách thoát ra khỏi nước, tỵ nạn phần lớn ở các nước châu Âu cùng các nước nhỏ nằm trong vùng Caucasus. Người Chechen ở Mỹ có chưa đến 1.000 người! Cuộc chiến tàn bạo này và mối căm thù người Nga nằm sâu trong đầu của nhiều người Chechen, và đương nhiên họ chỉ nhìn một phía, nghĩa la không thấy những vụ nổ bom, đánh bom của khủng bố Chechen vào thường dân Nga! Cho đến nay, trong vùng rừng núi, lực lượng kháng chiền chống Nga vẫn còn hoạt động du kích! Và anh em Tsarnaev hẳn phải nghe những thiên anh hùng ca của kháng chiến quân này!
Anh em nhà Tsarnaev không được sinh ra và lớn lên ở Chechnya. Người anh sinh năm 1986 ở Kyrgyzstan (cũng có người nói ở Grozny, thủ đô của Chechnya), người em 1994 tai Dagestan. Gia đình của họ đã di cư đến Kazakhstan rồi Cộng hòa Kyrgyzstan có lẽ trước khi Tamerlan được sinh ra, đến năm 2001 mới di cư một lần nữa đến Dagestan. Năm 2002, người cha Anzor Tsdarnaev, người mẹ Zubeidat Tsarnaeva, cùng con trai út là Dzhokhar Tsarnaev, đi đến Mỹ và xin ở lại “tỵ nạn”. Tamerlan và hai ngưòi em gái ở lại Kazakhstan sống với một người chú, người cô. Đến tháng bảy năm 2003, Tamerlan mới đến Mỹ với hai người em gái với hộ chiếu của nước Kyrgyzstan. Theo CNN, Tamerlan từng nói với một tờ báo địa phương phỏng vấn anh ta khi anh ta đoạt một giải quyền Anh của địa phương vào năm 2004 anh ta là người sinh quán là Chechnya, đến Mỹ với ước mong đổi đời và thấy rằng ở Mỹ con người có nhiều cơ hội hơn là ở Nga. Có tin là năm 2006 anh ta ghi tên học kế toán ở trường cao đẳng, nhưng học hành dở dang và bỏ ngang. Cuối cùng anh ta đi theo nghiệp võ. Cũng có tin là vào năm 2009 anh ta bị bắt vì bị một người bạn gái tố cáo là bị anh ta mạnh tay, mạnh chân. Sau khi xử anh ta được trắng án.
Cũng trong thời gian này, người ta nói anh ta thay đổi tâm tính, ngày càng mê tín trong những quan điểm về tôn giáo, đi theo một khuynh hướng Hồi giáo cực đoan và nói năng ngày càng quá khích. Vào năm 2010, anh ta kết hôn với một thiếu nữ Mỹ tên Katharine Russell; dưới áp lực của anh ta, cô cũng bỏ học, cải đạo Hồi giáo, thay trang phục đầu người đều che kín, mặc dù cô thuộc về một gia đình thượng lưu trong giai tầng trung cấp và cha cô là một bác sĩ khoa cấp cứu. Cô phải đi làm đến 70-80 giờ một tuần chăm sóc ngưòi già ở nhà, đề đứa con của hai ngưòi, nay được hai tuổi, ở nhà cho anh ta chăm sóc. Bây giờ, người ta cũng nói Tamerlan áp dụng luật gia đình Hồi giáo với bà vợ Mỹ này, điều lạ lùng là cô tuân phục dễ dàng chuyện ức hiếp này.
Hôm thứ tư, CNN đưa tin một người gốc Armenia cũng cải đạo Hồi có tên là Misha đã hoàn toàn “tẩy não” Tamerlan. Theo lời một người được trích dẫn, “Misha đã làm cho Tamerlan xa lánh mọi người và chìm vào cuộc sống tôn giáo riêng tư”. Anh ta một ngày cầu nguyện đến năm lần. Nghe lời Misha, Tamerlan cũng bỏ quyền Anh và âm nhạc, “những thứ làm hại đời sống tâm linh của ngưòi Hồi giáo”. Ít nhất có vài chuyện khiến người ta có thể kết luận về động cơ của vụ đánh bom ngày 15-4. Vào đầu năm 2011, tức cách đây hai năm, tình báo Nga FSB đã yêu cầu Mỹ hợp tác để điều tra về hoạt động của Tamerlan. Người ta nghi anh ta dính líu với một tổ chức Hồi giáo quá khích và có thể sẽ đi Nga hay Chechnya để hoạt động. FBI đã thẩm vấn anh ta cùng gia đình và xem xét những giấy tờ, hồ sơ đi lại của anh ta. Sau đó, FBI đã yêu cầu phía Nga cung cấp thêm tin tức, nhưng FSB lờ đi. Đến tháng chín năm đó, có một vụ án ba người bị đâm chết ở Massachusetts –một người trong đó là bạn thân của Tamerlan. Đến bây giờ FBI mới nghi Tamerlan có thể là thủ phạm! Tháng giêng năm 2012, mặc dù đã có vợ và con còn nhỏ, Tamerlan đi Nga trong sáu tháng. Anh ta làm gì trong thời gian đó, chẳng ai biết được! Có điều ở Dagestan, người ta nói anh ta đúng là người quá khích! Sau khi anh ta về, thái độ chống Mỹ của anh càng ác liệt: trong hai ba lần gặp gỡ của người Hồi giáo, anh ta đứng lên phản đối khi cộng đồng người Hồi giáo muốn tham gia những ngày Lễ Độc Lập hay Lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ và vinh danh những người Mỹ như Martin Luther King…
Đây là chuyện khùng bố. Khủng bố thường nhằm mục đích gây kinh hoàng, sợ hãi, bất an nơi dân chúng và phơi bày sự bất lực của người cầm quyền. Nhưng khủng bố mặt khác còn phản ảnh sự tuyệt vọng, bất lực, sự sẵn sàng chết, sự thù hận của người khủng bố. Nhưng đây còn là chuyện khủng bố của người Hồi giáo quá khích. Những tín điều như của al-Qaeda coi người Mỹ, người da trắng, đạo Thiên Chúa, nền văn minh phương tây là “mối hân truyền kiếp”. Tác già Peter Lance đã gọi đó là “Mối hận ngàn năm phải trả”. Một người viết nữ bà Brigitte Gabriel, vốn là một người A-Rập Thiên Chúa giáo, đã cảnh cáo: “Trừ phi chúng ta nghiêm chỉnh tin những lời họ nói và tìm cách đối phó, ngưòi ta sẽ thành công…bởi vì cái tâm lý oán hận không nguôi này”.
Đương nhiên, chúng ta cũng có thể nhìn đến những yếu tố như sự vỡ mộng của “Giấc mơ nước Mỹ” nếu đặt sự chuyển biến tâm lý của Tamerlan trong bối cảnh nước Mỹ đang đi vào suy thoái và hai cuộc chiến bế tắc dưới thời Tồng thống George W. Bush. Cũng có thể là nỗi “sầu lữ thứ”, “hờn vong quốc” của người cha, cùng sự chia lìa của cha mẹ (ly dị từ năm 2009) và trở lại Dagestan của họ (sau khi người mẹ bị truy tố về tội ăn cắp hàng trong chợ) đã làm cho hai anh em càng cảm thấy thêm lạc loài. Nhưng chính sự oán hận nước Mỹ đã làm cho Hồi giáo không “cất đầu lên được” mới khiến cho người anh nghĩ rằng cần cho ngưòi em một cơ hội phục vụ “Ơn Trên” như mình, không còn thấy mình đã ích kỷ lôi cuốn người em non dại, dật dờ đi vào chỗ chết.
Hiện giờ, một điều người ta có thể biết là góa phụ cô đơn Katharine Russell đang mắc một nỗi u sầu muôn đời, và khi ru con trên chiếc võng kẽo kẹt, chắc cô khó lòng ngăn được dòng nước mắt chảy dài trên má khi ca lên bài Trầu Cau của Phan Huỳnh Điểu:
Ngày xưa có hai anh em nhà kia
Cùng yêu thương ở cùng nhau bỗng đâu chia lìa
Vì hai ngưòi cùng mơ làm chiến sĩ đặt bom
Nhưng ngưòi anh được sớm lên bàn thờ…
No comments:
Post a Comment