5/2/13

Huyền Thoại Chuyện Di Dân

HOÀNG NGỌC NGUYÊN

Sau môt tuần đầu tháng Tư sống xa xỉ trong những hoang tưởng có tính cách Cá Tháng Tư, bước vào tuần này, người ta đã phải trở về thực tế của “âm thanh và cuồng nộ” trên chính trường Washington. Tổng thống Obama hôm thứ Tư đã chuyển qua Quốc Hội dự thảo ngân sách 3.78 ngàn tỉ cho tài khóa 2014 với những khoản cắt trong hai chương trình An sinh Xã hội và Medicare, nhưng chưa gì mà người Cộng Hòa đã hăm he trước “Đừng gởi mất công. Chúng tôi không đọc đâu khi ông còn đòi tăng thuế”.

Cũng trong tuần này, hay trong vài tuần tới, chúng ta sẽ thấy sức mạnh của đồng tiền đến mức nào, khi phía Dân Chủ tại Thượng Viện muốn đẩy tới dự luật về chuyện tăng cường những biện pháp kiểm soát súng đạn, và phía Cộng Hòa ở viện này đang ra sức đẩy lùi, có Hiệp hội Súng Quốc gia NRA đàng sau tiếp sức. Tin giờ chót cho biết đã có thể có thỏa hiệp về việc kiểm tra “lý lịch” của người mua súng, nhưng đối với súng tấn công, ai cần thì vẫn có thể tự do mua, và để khỏi mất công, thì cứ mua súng có khả năng bắn một loạt cả trăm viên!
Tuy nhiên, ồn ào, xôn xao, sôi nổi nhất có lẽ là chuyện di dân, đến mức nhiều người hầu như bỏ ngoài tai những lời nói, cử chỉ và hành động có tính cách gây hấn, đe dọa, khủng bố từ Bình Nhưỡng, mặc dù đã có nhiều khuyến cáo điên hay không điên, người ta vẫn có thể làm những chuyện liều lĩnh, điên rồ. Sở dĩ chuyện di dân nổi lên thành “mục tiêu quốc gia” hàng đầu là vì hầu như mọi người đều nghĩ “It’s now or never”, bây giờ mà chẳng làm thì biết đến bao giờ, và đây là chuyện có thể đi tới trong vô vàn chuyện khác phải đứng yên một chỗ hay thậm chí còn đi lui.

Vào giữa tháng Ba, báo chí Mỹ đều làm lớn chuyện là dân Mỹ ngày nay chẳng chịu sinh đẻ gì cả, phải chăng vì vậy mà chuyện di dân, hay nói rõ hơn, tiếp nhận di dân mới, để bù đắp thiếu hụt đang nổi lên? Trong bao lâu nay, người ta vẫn lo ngại là trái đất này sẽ không đủ người nữa, nhất là nguồn dân số dồi dào có tính truyền thống là Trung Quốc nay lại có chủ trương tiêu diệt nhân mãn. Người già rồi sẽ dần mai một, người trẻ lại không tăng kịp về số dân, môt phần vì sinh suất giảm, một phần vì những chuyện chiến tranh, nội loạn, khủng bố và tội ác xã hội đang có chiều hướng gia tăng ở khắp nơi, nơi tôn trọng “quyền có súng” cũng như nơi không dành cho người dân quyền văn minh đó. Cũng phải nói đến đối với giới trẻ ngày nay, quan niệm về gia đình và hôn nhân đang chuyển biến mạnh. Tình trạng hiếm muộn đúng là một vấn đề đặc biệt ở một số nước, như Nga, Nhật, Pháp, Đức, và Mỹ, đến mức có những nơi những người phụ nữ mang thai được xã hội “vinh danh” như “anh hùng nhân dân” bất kể nguồn gốc. Riêng ở Mỹ, vào khoảng giữa tháng Ba, trên tờ Wall Street Journal đã công bố một cuộc khảo sát cụ thể, nêu lên sự quan ngai nếu 79 triệu người trong thế hệ “baby boom” (sinh từ năm 1946 đến 1964) trong 15-20 năm nữa có mệnh hệ nào thì ai đây sẽ thay thế họ làm lịch sử, và từ nay đến đó, nếu không có đủ người trẻ đi làm, chăm sóc, nuôi dưỡng những người già vì dân số lao động bị hụt hẩng nặng, thì làm sao có ngân khoản cho những nhà dưỡng lão? Theo nghiên cứu này, mức sinh đẻ nơi phụ nữ Mỹ đã giảm từ 3.75% vào năm 1970 xuống chỉ còn 1.9% vào năm 2011 (có nghĩa là trung bình một phụ nữ có thể sinh được gần hai đứa con hiện nay trong suốt cả đời mình). Mức sinh suất đã giảm từ mức cao nhất 122.7 trên 1.000 người vào năm 1957 (vì vậy người ta gọi là thế hệ baby-boom) xuống mức thấp nhất vào năm 2011 là 62.5. Phải chăng vì mối đe dọa này mà nước Mỹ đang hối hả bàn chuyện tiếp nhận di dân “mới”? Những nước châu Âu da trắng cũng đang có cùng mối lo nghĩ này, nhưng rõ rệt họ không vội vã với những giải pháp mở cửa đón nhận người Hồi giáo, người da đen đang tìm cách xâm nhập từ những nước Bắc Phi, Trung Đông… vì họ muốn giữ được một mức độ ‘thuần chủng” nhất định. Vì vậy mà những cộng đồng thiểu số này đang đốt phá mấy khu lao động của chính mình ở Pháp, ở Đức, ở Anh…
Có lẽ chẳng nên đánh giá giới chính trị của Mỹ cao như thế khi cho rằng ho đang lo nghĩ chuyện “bách niên chi kế, mạc như thụ nhân”. Bởi vì chưa chắc những nhà dân cử của chúng ta có thì giờ để đọc báo, xem đài. Chuyện ngưòi ta không cần đọc báo và xem đài mà cũng biết là chuyện bầu cử thời nay mà không có đươc lá phiếu của ngưòi latino thì không xong. Và muốn có lá phiếu của ngưòi latino, thì phải tính đến 11.5 triệu ngưòi được gọi một cách lịch sự là “di dân không có đủ giấy tờ” (undocumented immigrants), hay trắng trợn hơn thì gọi là “di dân bất hợp pháp “ (illegal immigrants), và trắng trợn hơn nữa thì gọi là “di dân lậu” (trafficked immigrants), đang sống một cách hợp pháp ở nước Mỹ từ bao đời nay!
Đây chẳng phải là loại “chuyện lâu rồi mới kể”. Nước Mỹ đã ra đời đươc 237 năm, và có lẽ cũng có ngần ấy năm người ta đã vào nước Mỹ “không có giấy tờ”. Với bao nhiêu cơ hội đổi đời cho những người cơ cực từ các nơi khác, nhất là những người nông dân từ các nước La-tinh Trung Mỹ và Nam Mỹ, thì sá gì biên giới Mỹ-Mễ dài cả hai ba ngàn dặm chẳng mấy nơi có người canh gác. Vả lại, có một thời, Mỹ cũng chủ trương mở cửa để tiếp nhân lao động nông nghiệp cho những đồn điền, nông trại của họ. Lâu lâu, khi thấy số người đến quá đông so với nhu cầu và do đó đặt ra những vấn đề về an ninh, xã hội, giáo duc, y tế… cho nước Mỹ, thì giới công lực của Mỹ lại mạnh tay, cứng rắn hơn một tí trong vấn đề truy bắt, trục xuất những người không có giấy tờ. Tuy nhiên, trân trọng nước láng giềng ở phía nam, Mỹ vẫn có chủ trương vừa đánh vừa xoa, chẳng hạn như Tổng thống Ronald Reagan vào năm 1986 ban hành Đạo luật Cải cách và Kiểm soát Di dân (Immigration Reform and Control Act), vừa xác định trách nhiệm pháp lý cho những người chủ xí nghiệp mướn di dân bất hợp pháp, vừa mở ra “con đường trở thành công dân” cho hơn 3 triệu di dân bất hợp pháp, trong đó khá đông là giới nông dân (nộp phạt, nôp thuế hồi tố, nhận tội cư trú bất hợp pháp bấy lâu nay).

Bẳng đi một thời gian hơn 25 năm, người ta mới đặt lại vấn đề, một phần vì con số di dân bất hợp pháp lại tăng quá mức. Và một phần là vì những nhà chiến lược chính trị của cả hai đảng nay đều nhất trí ở một điểm: cử tri Latino đang quyết định chuyện thắng bại trong bầu cử ở Mỹ! Tính cách quyết định của lá phiếu Latino là môt điều thực ra người ta có thể thấy trước từ lâu, không phải chờ “nước đến chân mới nhảy”. Hiện nay, dân Latino chiếm 16% dân số nước Mỹ, cử tri Latino chiếm khoảng 10% tổng số người đi bỏ phiếu, vì nhiều người chưa biết mình được đi bầu. Sinh suất của người da trắng hay da vàng hay da đen có giảm thì cứ giảm, nhưng chắc chắn người Latino không giảm, bởi vì cứ một người được sinh ra trên nước Mỹ là “cộng đồng ta”có thêm một công dân hợp pháp! Chúng ta có lẽ chẳng phải chờ bao lâu nữa để chứng kiến những cuộc biểu tình mang những biểu ngữ đại khái như “Một Nước Mỹ Của Người Mễ”!

Làm sao để giành được lá phiếu Latino? Câu trả lời tưởng dễ nhất là người Latino muốn nhiều chuyện, nhưng nên nhớ đa số người latino ở Mỹ là người đến từ Mễ, và hiện nay trong số 11.5 triệu di dân bất hợp pháp cũng có đến 59% từ Mễ (6% từ El Salvador, 5% từ Guatemala). Ba tiểu bang được những di dân này chiếu cố nhất là Nevada (7.2%), California (6.8%) và Texas (6.7%). Dân số di dân bất hợp pháp này chiếm vào khoảng 3.7% tổng dân số nước Mỹ, nhưng họ tương đương với 5.2% dân số lao động của cả nước (so với chỉ có 3.8% vào năm 2000). Thế cho nên, để được người Latino ủng hộ, điều kiện ắt có hẳn phải là hợp pháp hóa những người không hợp pháp này.

Thế nhưng chúng ta cũng chớ quên rằng chuyện dễ cũng có thể thành khó vào thời này. Vào năm 2007, Tổng thống George W. Bush muốn tỏ ra thức thời cũng đưa ra một đề nghị “ân xá’ tương tự, và ông Tổng thống Cộng Hòa này bị chính những người Cộng Hòa đánh suýt chết. Cho đến nay, ác cảm đối với vấn đề “ân xá cho người di dân lậu” vẫn còn rất nặng nề đối với người Cộng Hòa, và không chỉ riêng đối với người Cộng Hòa! Bởi vậy mà chúng ta thấy nhóm “Bát Nhân Bang” (Gang of Eight) (bốn thượng nghị sĩ Cộng Hòa, bốn thượng nghị sĩ Dân Chủ) khi đưa ra “kế hoạch cải tổ di dân một cách toàn diện” cứ nói lui nói tới “đề nghị của chúng tôi không phải là nhằm ân xá cho chúng”. Người ta cũng nói nước Mỹ đang bị nạn thất nghiệp dai dẳng, con số mới nhất là 7.6% trong tháng Ba. Nếu hợp pháp hóa 11.5 triệu người này, đương nhiên chính phủ và xã hội chịu thêm một gánh nặng khó vác, và nhiều người chưa chi đã lo ngại về chuyện cạnh tranh “bất chính” trên thị trường lao động khi những người mới đến dễ tính có thể phá giá ngay cả đồng lương tối thiểu hiện nay! Cũng có sự lo ngại về gánh nặng cho ngân sách về giáo dục, y tế, xã hội khi chính phủ phải lo cho hàng triệu công dân mới này. Rồi cũng có sự phản đối từ những người đang bảo lãnh cho thân nhân của họ đến nước Mỹ một cách hợp pháp vì họ sợ rằng phần của họ sẽ bị cắt giảm! Và đương nhiên, nếu Mỹ nay tỏ ra nhẹ tay với những người trước đây đã vượt biên bất hợp pháp để vào Mỹ, sẽ có hàng triệu người cảm thấy phấn khởi và xem không ra gì biên giới ngăn cách giữa hai nước, khi các tập đoàn ma túy có những địa đạo đủ tiện nghi điện nước và cả máy lạnh để đưa người từ Mễ vào Mỹ.

Bởi vậy mà “Bát Nhân Bang” cứ nói mãi tới chữ “comprehensive” (đầy đủ, toàn diện), trấn an “con đường công dân hóa cho di dân bất hợp pháp coi vậy chứ gian nan lắm” (đến 10 năm hơn không chừng) và đề cập đến cả chuyên tăng cường kiểm soát biên giới cùng ban hành một chế độ quota nhập lao động dựa theo nhu cầu của nước Mỹ, bảo đảm chỉ đưa vào Mỹ những người không có tay nghề để làm những việc mà người da trắng không (thèm) làm đồng thời tạo điều kiện cho Mỹ nhập lao dộng có trình độ mà hệ thống giáo dục, huấn luyện của Mỹ hiện nay chưa đào tạo đủ hay chưa có đủ người trong nước theo đuổi! Đương nhiên, chúng ta có thể có nhiều câu hỏi đặt ngược trở lại. Thiếu gì những người da trắng da vàng da đen không có tay nghề và cũng đang thất nghiệp. Họ có quyền kén chọn hay chăng, và tại sao không lo cho họ trước khi lo “bò trắng răng” - những người ở bên kia biên giới? Tại sao không lo cho những người tốt nghiệp đại học ở Mỹ không kiếm được công ăn việc làm? Tại sao không cải cách hệ thống giáo dục để có thể đáp ứng thỏa đáng hơn nhu cầu phát triển quốc gia?

Thực ra, người ta cũng biết có những câu hỏi như thế cho nên “Bát Nhân Bang” vẫn mãi chần chừ, ngay trong nội bộ chưa thỏa thuận được với nhau để đúc kết được văn bản, chưa nói chuyện đưa ra Ủy ban Pháp chế để thảo luận và trình ra trước Thượng Viện. Và Tổng thống Barack Obama tuy ngoài mặt tỏ ra nôn nóng nhưng trong lòng cũng có thể cảm thấy thoải mái để “wait and see”. Và Hạ Viện cũng khôn ngoan chẳng kém, đề ra đến cả ba lộ trình gian khổ cho những người bất hợp pháp muốn “được cứu chuộc”…

Người ta thận trọng là phải. Phiếu Latino đâu không thấy, vào những vòng sơ bộ, cử tri da trắng đánh rớt mình như chơi![HNN]

No comments:

Post a Comment