1/30/13

Trăm Năm Nixon, 40 năm Hiệp Định

Hoàng Ngọc Nguyên

Richard Nixon

Người Việt chúng ta, nhất là những thế hệ nay đã sáu mươi trở lên, chẳng xa lạ gì với cố Tổng thống Richard Nixon. Ông đang được báo chí Mỹ nhắc đến vì ngày 9-1 tuần qua là ngày ông được trăm tuổi, nếu ông không qua đời cách đây 19 năm. Người ta sôi nổi bàn luận nên xem ông là một con ngưòi vĩ đại hay là một chính khách quỉ quyệt (crooked statesman). Cũng không ít người có ý kiến trước hiện trạng của đảng Cộng Hòa đang đi vào con đường quá khích bế tắc, có lẽ Nixon là một mẫu người “thăng bằng” thực tiễn mà đảng này đang thiếu. Trên thế giới này, trừ người Mỹ, người Việt Nam chúng ta có lẽ hiểu ông Nixon nhiều nhất, cho dù vào thời trước, chúng ta biết rất ít về ông. Hiện nay, có ai thắp nén hương nào tưởng nhớ tới ông chăng?

Richard Nixon là một phó tổng thống và tổng thống độc đáo nhất trong lịch sử cận đại của nước Mỹ. Có thể nói ông đã say mê đeo đuổi, gắn bó với chính trị như một nghiệp dĩ, nghiệp chướng để thoát ám ảnh của một thời tuổi trẻ bần cùng, thiếu thốn. Ông sinh ra ở Yorba Linda, California, vào năm 1913, nghịch cảnh đeo đuổi gia đình từ thời này qua thời khác. Ngay cả trong chuyện hôn nhân, ông cũng gặp khó khăn khi người ông theo đuổi sau mấy năm mới miễn cưỡng nhận lời cầu hôn của ông – khi đó ông đã là luật sư. Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu vào năm 1946, ông được 33 tuổi, khi ông đắc cử vào Hạ Viện Mỹ. Vào năm 1950, ông lại đắc cử vào Thượng Viện liên bang. Trong cả hai lần, ông đều đắc thắng vẻ vang từ một tư thế “ngựa ô” bất lợi, và trong cả hai lần ông đều gài được những đối thủ Dân Chủ có nhiều ưu thế của ông bằng cách chụp cho họ cái mũ là người có lập trường cấp tiến của Cộng Sản. Bà Helen Douglas, ứng cử viên Thượng Viện tranh chấp với ông, đã gọi ông là Tricky Dick (Dick mánh lới), mô tả ông là con người sẵn sàng làm bất cứ gì để đạt được mục tiêu của mình. Cái tên này đã theo đuổi cả cuộc đời của ông.

Khi ông Dwight Eisenhower ra tranh cử tổng thống cho đảng Cộng Hòa năm 1952, ông chấp nhận cho ông Nixon đứng phó một cách miễn cưỡng. Trong đảng Cộng Hòa người ta không ưa ông Nixon. Ngưòi ta tố ông lạm dụng tiền tranh cử mặc dù ông là người mạnh miệng tố tham nhũng trong chính quyền. Ngày 23-9-1952, Nixon phải lên đài đọc một bài diễn văn, sau này người ta gọi là “Checkers speech” (tên con chó người ta cho ông) để thanh minh ông chẳng lạm dụng ngân khoản này (ông kể lể gốc gác thanh bần trước đây và cuộc sống đạm bạc hiện nay của hai vợ chồng ông) và cũng chẳng giúp cho ai góp tiền cho ông có đặc quyền đặc lợi. Bài nói chuyện theo kiểu đối thoại này cực kỳ thành công, Eisenhower sau đó quyết định vẫn giữ ông trong liên danh của mình. Hai người đã chiến thắng vang dội năm đó. Năm 1956, Eisenhower cũng bị áp lực mạnh mẽ phải bỏ Nixon. Vào năm 1955, Eisenhower từng đề nghị thẳng ông Nixon đừng ra nữa và có thể làm bộ trưởng cho ông để năm 1960 hãy tranh cử tổng thống. Nixon phản ứng mạnh, lại được sự ủng hộ của cử tri trong vòng sơ bộ tại New Hampshire. Cuốí cùng, Eisenhower cũng giữ ông lại. Hai người cũng chiến thắng vẻ vang trong nhiệm kỳ thứ hai!
Ông Nixon được xem là một “phó tổng thống hiện đại” (a modern vice president), thích dấn thân làm việc, tham gia các phiên họp nội các, và có cơ hội chứng tỏ năng lực lãnh đạo. Eisenhower đã có nhiều dịp thử thách tài năng của Nixon – ông tổng thống này bị hai lần đột quị nhẹ, phải nghỉ làm việc cà một hai tháng mỗi lần, phải giao việc chính phủ cho Nixon điều hành. Nixon vừa cho thấy năng lực, vừa tỏ được sự trung thành, không tìm cách soán đoạt quyền bính cho nên về sau rất được Eisenhower tín nhiệm. Nixon đặc biệt thích thú lĩnh vực đối ngoại. Từ năm 1953, Nixon đã tới Saigon và Hà Nội để xem xét tình hình Đông Dương. Ông đã đi thăm các nước châu Phi, các nước Nam Mỹ - nổi tiếng với việc bước ra khỏi xe thách đố cả một đám đông biểu tình chống Mỹ ở Peru. Nhưng nổi tiếng nhất là chuyến đi thăm Liên Xô năm 1959, và cuộc “tranh cãi nhà bếp” (kitchen debate) về mức sống tiện nghi của giới lao động tại Mỹ với lãnh đạo Điện Cẩm Linh Nikita Khrushchev trong dịp đó.

Năm 1960, ông ra tranh cử tổng thống, nhưng thua sít sao ứng cử viên đảng Dân Chủ là John F. Kennedy. Người ta kể lại ông đã chấp nhận thất bại trong một cách anh hùng, mã thượng. Hai năm sau, ông lại thất bại trong cuộc tranh cử chức thống đốc tiểu bang California, và ông cho rằng ông là nạn nhân của giới báo chí có thành kiến nặng nề với ông. Ông có một phát biểu khác đi vào lịch sử: “Quí vị đừng hòng có thể làm tình làm tội Nixon này nữa bởi vì, thưa quí vị, đây là cuộc họp báo cuối cùng của tôi.” (you won't have Nixon to kick around anymore, because, gentlemen, this is my last press conference). Nhưng Nixon chẳng ngồi yên được, và vào năm 1968, ông đã làm chuyện khó tưởng được: ra tranh cử tồng thống và chiến thắng trước đối thủ là Phó Tổng thống Hubert Humphrey. Ông chỉ hơn được ông H.H.H. khoảng 500.000 phiếu, nhưng dẫn xa về phiếu cử tri đoàn: Nixon 301, Humphrey 191, và George Wallace 46.

Nixon là ngưòi thực tiễn, háo thắng, quan tâm đến kết quả, và trong những năm sau đó của ông tại Nhà Trắng, ông đã có những thành tựu ngoạn mục hiếm có đối ngoại cũng như đối nội. Là một người Cộng Hòa nhưng quan tâm ủng hộ những chính sách xã hội, ông là tổng thống Cộng Hòa gần gũi nhất với những người Dân Chủ trong vòng 60 năm qua. Với nền ngoại giao bóng bàn và hai chuyến đi lịch sử đến Bắc Kinh vào tháng Hai năm 1972 và Moscow vào tháng Năm cùng năm đã mở ra một trật tự mới của thế giới và một sự chuyển biến thuận lợi cho cuộc Chiến tranh lạnh. Trong cuộc chiến tranh Yom Kippur ở Trung Đông vào tháng Mười năm 1973, Nixon đã thận trọng và chậm trễ trong quyết định giúp Do Thái chống lại Liên quân cả mười nước A-Rập, có Liên Xô, Cuba, Bắc Hàn… tiếp tay. Nhờ sự can thiệp của Mỹ, Do Thái lại ca khúc khải hoàn, và người ta nói một trận chiến tranh khu vực khủng khiếp đã tránh được.

Nhiều nhà bình luận nay nói rằng những thành tựu lớn lao của ông quan trọng hơn những sự thất bại của ông xét về mặt lịch sử. Ngay cả ông Obama cũng có thể ganh tỵ với thành tích đối nội của Nixon. Ông ủng hộ Đạo luật Khí Sạch và Hành động Khẳng định (nâng đỡ đối với người thiểu số). Ông hình thành Cơ quan Bảo vệ Môi trường EPA và Tổng ủy Y tế và An toàn Nghề nghiệp. Ông tranh đấu tăng cường cho phúc lợi An sinh Xã hội. Ông từng đề nghị cải cách y tế buộc giới chủ nhân phải mua bảo hiểm cho nhân viên của mình. Ông từng đưa ra những biện pháp kiểm soát tiền lương và giá để ổn định kinh tế cho giới trung lưu. Ông có những chính sách xã hội phóng khoáng đến mức những người Cộng Hoà ngày nay vẫn xem ông là RINO (Republican in name only) - chỉ Cộng Hòa trên danh nghĩa. Nhưng Nixon biết chắc những chính sách của ông đươc dân chúng ủng hộ. Trong nhiệm kỳ đầu, khi phải lựa chọn giữa những người Cộng Hòa bảo thủ và người dân, quyết định của ông là rõ ràng, vì ông nhắm đến lá phiếu của những cử tri Dân Chủ vào năm 1972. Chính sự tự tin có tính thực dụng đó đã làm cho người Cộng Hòa bảo thủ lạnh nhạt và bỏ rơi ông trong vụ Watergate!
Watergate là một sai lầm làm tiêu tan sự nghiệp của ông, chỉ vì ông muốn bảo đảm thắng cử trong nhiệm kỳ nhì, và chiến thắng một cách lịch sử, hiển hách. Chính vì mục tiêu đó, ông đã có chính sách ve vãn cử tri Dân Chủ trong nhiệm kỳ đầu, nhưng qua nhiệm kỳ hai có thể ông ta trở lại với đường lối chính thống của đảng Cộng Hòa. Cũng vì mục tiêu bầu cử, từ tháng Chín năm 1969 ông đã để cho Cố vấn An ninh Quốc gia Henry A. Kissinger tiến hành chuyện mật đàm với Hà Nội để tìm cách đạt thỏa thuận chấm dứt chiến tranh, rút quân, đưa tù binh Mỹ về với kỳ hạn là năm bầu cử 1972. Và vì mục tiêu đó, ông tìm cách triệt hạ đối thủ trong bầu cử, và do đó dễ dãi tán đồng kế hoạch xâm nhập vào trụ sở của Ủy ban Toàn quốc của đảng Dân Chủ ở Watergate, Washington, D.C., vào tháng Sáu năm 1972 để tìm kiếm những bí mật về các ứng cử viên Dân Chủ. Đương nhiên, khi công chuyện đổ bể, ông phải tìm cách che đậy, và càng che đậy, càng đổ bể. Đó là điều đáng tiếc cho ông bởi vì vào lúc dó ông đã dư sức đè bẹp ứng cử viên George MacGovern.

Đúng là nghiệp chướng đã kết thúc sự nghiệp của Nixon, con người có những giấc mơ vĩ đại hơn người nhưng lại chết vì những hành vi nhỏ mọn, tầm thường. Với chúng ta, vẫn có sự phân vân, nếu không có vụ Watergate, ông Nixon không phải từ chức vào tháng Tám năm 1974, liệu ông có cứu được Miền Nam của chúng ta hay không. Sau này, ông Nixon và Kissinger đều nói nhiều lần tình thế vạn nan, cực kỳ bất lợi cho Miền Nam trong những năm 1972-75, khi dân chúng, truyền thông và Quốc Hội… chẳng còn ai muốn Mỹ dính líu đến cuộc chiến tranh lâu dài và tổn thất nặng nề ở Miền Nam. Quân viện đã bị cắt đến hơn 80%. Cho dù Nixon có còn chăng nữa, chưa chắc ông dám ra lệnh cho máy bay Mỹ oanh tạc miền bắc để ngăn chận cuộc tấn công vào mùa xuân năm 1975.

Vào tháng Mười năm 1968, Nixon đã từng nhờ người nhắn với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đừng sớm nhận lời tham dự hòa đàm, vì Nixon không muốn cho ứng cử viên Dân Chủ Humphrey được lợi thế. Nhưng Nixon quên rất nhanh chuyện “ơn nghĩa” đó. Ngay trong năm đầu tiên vào Nhà Trắng, ông tiến hành chuyện rút gần 600.000 quân Mỹ khỏi Miền Nam trong vòng chưa đến bốn năm, để một khoàng trống to lớn buộc quân Miền Nam phải đảm nhận, với ba đợt thử thách khủng khiếp: 1970 tại Cao Miên, 1971 tại Hạ Lào và 1972 với Cổ Thành Quảng Trị và An Lộc. Ngoài kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh sát quân này, ông còn mở mật đàm với Hà Nội, chưa bao giờ thực sự tính đến lợi ích sống còn của đồng minh Miền Nam. Khi Hà Nội thấy ông rút quân như thế, mật đàm như thế, họ tất hiểu ông xem trọng đồng minh đến thế nào.
Miền Nam đã cảnh giác chưa đủ và quá muộn với Nixon. Ngày 27-1-1973, hiệp định hòa bình Paris được ký kết. Một tuần sau, chúng ta đón Tết Quí Sửu trong một nỗi bồn chồn, hoang mang. Bốn mươi năm sau, chúng ta đón Tết Quý Tỵ và không khỏi nhớ lại chuyện ngày xưa. Tâm trạng mất mát, tuyệt vọng dường như lớn hơn bao giờ cả![HNN]

No comments:

Post a Comment