Hoàng Ngọc Nguyên
Tháng Giêng chẳng bao giờ là tháng ăn chơi ở nước Mỹ, nhất là tháng Giêng đầu tiên của một nhiệm kỳ tổng thống mới, một nhiệm kỳ Quốc Hội mới. Vừa vào năm mới người ta đã nghe những câu chuyện căng thẳng ở Washington. Giòn giã là chuyện súng đạn. Mệt mỏi là chuyện ngân sách. Chúng ta có thể biết thêm về Tổng thống Barack Obama – nay ông đã qua nhiệm kỳ mới, nhiệm kỳ cuối cùng, người ta nói ở ông tính chiến đấu sẽ cao hơn. Chúng ta cũng có thể theo dõi được đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện; liệu có thay đổi nào nơi đây sau khi người ta đã trải qua một cuộc bể dâu. Và cái Hiệp hội Súng đạn Quốc gia (NRA) này của Mỹ. Họ ba đầu sáu tay thế nào để đương cự sự phẫn nộ của cả một quần chúng sau biến cố bi thương tại trường tiểu học Sandy Hook, thị trấn Newtown, Connecticut, vào giữa tháng Chạp vừa qua với cái chết của 20 trẻ em lớp Một chỉ mới 6-7 tuổi? Không chừng chỉ nhờ một tháng này mà người dân có thể tính được đất nước của mình có đứng trước bờ vực chính trị hay không!
Hôm thứ Ba, ngày 8-1, đúng hai năm sau khi một thanh niên loạn trí bắn vào một đám đông tụ họp tại một bãi đậu xe trước một siêu thị tại thành phố Tucson, Arizona, để nghe bà dân biểu của mình, Gabrielle Giffords, mới tái đắc cử nói chuyện, gây cái chết cho sáu người (trong đó có một em bé chín tuổi), và bị thương đến 13 người, bà Giffords, nay là cựu dân biểu, cùng chồng là cựu phi hành gia Mark Kelly, thông báo thành lập tổ chức Người Mỹ Vận động cho Những giải pháp Có trách nhiệm (Americans for Responsible solutions) để mở ra một cuộc đối thoại tích cực, sâu rộng về luật lệ kiểm soát súng và nhằm gây quỹ ủng hộ những nỗ lực tăng cường việc kiểm soát này. Trong biến cố nói trên, bà Giffords bị bắn đạn xuyên qua đầu, may mắn còn sống được, nhưng một phần nào bà chịu phế tật, phải từ chức khỏi Hạ Viện. Nay ông bà thành lập ra tổ chức này, với ý đồ quyết liệt được nêu rõ: đối lại với ảnh hưởng của cuộc vận động ủng hộ chuyên mua bán súng đạn, và đứng sau những người lãnh đạo đủ dũng khí đấu tranh cho lẽ phải”.
Quốc Hội nhiệm kỳ mới 113 sẽ bắt đầu làm việc từ đầu tuần tới, và nghị trình của họ có đến gần một chục dự luật liên quan đến chuyện kiểm soát súng đạn. Hai bà dân biểu Dân Chủ Carolyn McCarthy và Diana DeGette đề nghị tăng cường kiểm tra lý lịch người mua súng, cấm việc bán đạn trên mạng, và cấm buôn bán những dây đạn hàng loạt cho súng tấn công. Tại Thượng Viện, bà Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ Dianne Feinstein đang đưa ra một dự luật ngăn cấm việc mua bán, chuyển nhượng, nhập và sản xuất cả hơn trăm loại súng, trong đó có một số súng bán tự động, súng tay, súng dài có thể gắn vào một băng đạn rời cũng như súng bán tự động và súng tay có băng đạn gắn liền có thể chứa hơn 10 dây đạn. Hai thượng nghị sĩ Dân Chủ khác, Frank Lautenberg và Chuck Schumer cũng đưa ra dự luật cấm bán dây đạn, đẩy mạnh việc kiểm tra lý lịch người mua súng và kiểm soát việc mua bán tại những cuộc triển lãm súng. Tổng thống Barack Obama đã hứa sẽ hành động đến nơi đến chốn nội trong tháng Giêng này, và ông đã cử Phó Tổng thống Joe Biden đứng đầu một nhóm đặc nhiệm đi thu thập ý kiến của dư luận về việc kiểm soát súng. Hôm thứ Năm, ông Biden sẽ có một cuộc họp với những nhóm chống chuyện tăng cường kiểm soát súng, trong đó sẽ có một đại diện của Hiệp hội Súng Quốc gia (NRA) tham dự!
Khó thể tưởng tượng được, người ta không biết trong trận đánh sắp tới giữa chính quyền và những người chủ trương tăng cường kiểm soát súng đạn một bên, và hội NRA này một bên, ai sẽ thắng ai. Chúng ta có thể nhớ lại rằng một tuần sau vụ nổ súng tại Sandy Hook, hai người cầm đầu NRA đã lên tiếng, cho rằng cây súng vô tội, chỉ có con người bị hoàn cảnh xã hội cho nên phạm tội, để đi đến kết luận để bảo vệ trẻ em tại các trường học, cần phải “quân sự hóa” học đường (tăng cường an ninh có vũ trang) đồng thời phải tạo điều kiện uốn nắn xã hội thế nào đó cho bớt người điên, người dữ, người ác. Quan điểm này, chúng ta đã nghe từ ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa Mitt Romney khi ông đang vận động tranh cử và không muốn làm phật lòng NRA. Hiện nay, tại Hạ Viện, hai dân biểu Cộng Hòa mới vào làng từ Texas và Kentucky cũng đưa ra một dự luật đầy hơi hướm của NRA. Họ đề nghị phải tăng cường canh gác tại các trường học ở Mỹ. Phí tổn ai chịu trong khi ngân sách liên bang, tiểu bang đều quá tải? Trong khi một lý lẽ bình thường ai cũng thấy: Bởi vì xã hội có quá nhiều người điên, người dữ, người ác, cho nên luật lệ cần đưa cây súng ra xa thay vì cho đến quá gần con người như hiện nay!
NRA mạnh vì nhiều lẽ. Người ta vin vào Đệ nhị Tu chánh án của Luật về Quyền Công dân (Bills of Rights) và việc bảo vệ hiến pháp! Người ta cũng nói bảo vệ nền văn hóa súng đạn truyền thống của nước Mỹ là gìn giữ những cái đẹp của “American values”! Người ta có bốn triệu thành viên trung kiên! Người ta có nhiều tiền nhiều bạc từ ngành kinh doanh súng đạn để sử dụng vào chuyện mua chuộc và lũng đoạn chính khách của cả hai đảng, nhất là phía đảng Cộng Hòa! Và cái mạnh nhất, nguy hiểm nhất chính là sự điên rồ, ngạo mạn, ngu xuẩn nơi một số ngưòi cầm đầu NRA, trong một số lý luận phổ biến của họ, mà nhiều nhà chính trị phải nói theo cho được việc!
Ai thắng ai, quả là chuyện vô cùng hệ trọng cho tiền đồ nước Mỹ! Đây đúng là một thách đố mới cho một đảng Cộng Hòa mà người ta nói đang rơi vào một cuộc khủng hoảng phức tạp, vừa do thiếu lãnh đạo, vừa do những khuynh hướng đối kháng trong đảng do sự nổi lên của một thế hệ chính khách mới thiếu sự trưởng thành.
Đảng Cộng Hòa sẽ đối đầu cuôc thách đố lịch sử này như thế nào, chỉ trong vài tuần tới ta cũng có thể thấy khi có cuộc tranh cãi về việc nâng lên mức nợ tối đa được phép của chính phủ.
Cho đến cuối tháng Chạp vửa qua, chính phủ đã đụng trần đối với mức nợ tối đa liên bang được phép vay để trang trải những chi tiêu của mình. Vì Quốc Hội chưa ra luật cho phép chính phủ vay mượn thêm, cho nên từ đầu năm đến nay, chính phủ chỉ sống “cầm hơi” nhờ những biện pháp đặc biệt. Hạ Viện chưa vội vàng hành động là vì đảng Cộng Hòa chiếm đa số ở viện dưới, và họ đang còn ấm ức về chuyện “vực thẳm tài chánh”, 0.6% những người giàu nhất (lợi tức trên $400.000 một năm) phải chịu tăng thuế suất, cho nên muốn ngâm lại chuyện này để phục hận.
Tuy nhiên, đây là chuyện không nên, bởi vì là chuyện quá bình thường. Chính phủ khi ngân khố hết tiền thì phải vay mượn thêm. Chính phủ chi tiêu gì thì có trong kế hoạch đã được Quốc Hội chuẩn chi, thông qua ngân sách, như vậy chẳng có gì mới mà phải xem xét, dòm ngó. Từ cả trăm năm nay, xin Quốc Hội nâng mức nợ tối đa chỉ là một thủ tục lịch sự cho đẹp mặt nhau. Chỉ có gần đây, phía Cộng Hòa mới đem chuyện chơi này mà làm như thật để gây khó dễ. Và bởi vậy, người ta lại có dịp nhìn một lần nữa sự chia rẽ trong đảng Cộng Hòa.
Ông John Boehner, chủ tịch Hạ Viện, người vừa hoàn hồn sau khi được bầu lại chức chủ tịch trong nhiệm kỳ này, muốn lên gân một tí để xây dựng khí thế mới, nên kêu gọi đảng đoàn kết một lòng, nhất quyết đòi ông Obama nếu muốn tăng nợ 1 đồng thì phải chịu cắt giảm chi tiêu 1 đồng. Người ta muốn lợi dụng cơ hội này để thực hiện chuyện hằng ấp ủ là cắt chi tiêu của chính phủ và “cải tổ các chế độ quyền phúc lợi”, cho dù như những nhà phân tích chính trị vẫn chỉ ra, những người Cộng Hòa chưa bao giờ nói cụ thể là phải cắt ở đâu, cải tổ phúc lợi như thế nào. Sự mơ hồ này có ý đồ của nó: nói cụ thể thì đụng chạm đến quyền lợi của người dân, của cử tri, cho nên họ cứ buộc ông Obama đi tới, nhưng không nói cắt Medicare hay Medicaid hay An sinh Xã hội (Social Security) ở những khoản nào. Một số dân biểu Cộng Hòa đã lên tiếng: “Cần để cho chính phủ đóng cửa toàn bộ, hay ngưng hoạt động một số nơi vì hết tiền, cho ông Obama tởn!”
Tuy nhiên, cũng có ý ngược lại trong đảng từ không ít dân biểu. Chúng ta nên nhớ đến 85 người Cộng Hòa ủng hộ giải pháp bờ vực vào ngày đầu năm. Nay họ nhìn thấy sự va chạm mới này chẳng đi đến đâu. Và lại vô đạo làm mất lòng dân! Chính phủ mà phải ngưng hoạt động thì chết ai? Và người dân sẽ qui trách cho ai khi họ biết chuyện quá rõ! Làm sao bắt quân đội, cảnh sát, lính cứu hỏa, nhân viên y tế, thầy cô dạy học… nghỉ việc, cho dù là tạm thời, vì cái tính khí của đảng Cộng Hòa? Vả lại, cứ xem sự cương quyết của ông Obama, nhất định không chịu móc nối giữa chuyện mức nợ và cắt ngân sách, thì người ta hiểu ông rất tin tưởng ông lại chiến thắng keo này. Và ông có lý của ông. Cho dù ông không cần dùng quyền hành pháp để tự động gia tăng mức nợ không cần sự cho phép của lập pháp, ông Boehner sẽ khó kiếm đủ phiếu để ngăn chận chuyện tăng mức nợ.
Hạ Viện không được việc là một trong những kết luận của ông Steven Rattner, một nhà cố vấn tài chánh cho kỹ nghệ xe hơi, sau khi nghiên cứu hoạt động của Hạ Viện khóa 112 và thấy kết quả hoạt động của họ chưa được 1/3 mức trung bình của 32 khóa Quốc Hội trước dó. Sự tắc trách, liều lĩnh của những người Cộng Hòa được nêu bật, và ông Rattner có nhận định rất nguy hiểm: Phải chăng những người Cộng Hòa dân cử thấy ý đảng lớn hơn lòng dân?
Khi nghe ông nói thế, chúng ta trở lại với ám ảnh của một bờ vực đang mở ra cho hệ thống chính trị dân chủ lưỡng đảng của Mỹ. Và bởi vậy phải cố chờ cho hết tháng này để tính xem liệu có thể ăn ngon ngủ yên được hay không![HNN]
No comments:
Post a Comment