1/1/13

Trung Quốc sẽ trở thành « siêu thị của thế giới »

 

Một gian hàng bán sỉ đồ trang trí mùa Giáng sinh tại Vũ Hán, Hồ Bắc ngày 20/12/2012.

Một gian hàng bán sỉ đồ trang trí mùa Giáng sinh tại Vũ Hán, Hồ Bắc ngày 20/12/2012.

REUTERS/Stringer

Lê Phước

Trong số báo ra ngày cuối cùng của năm 2012, hôm nay nhật báo Le Monde dành chọn ra 13 sự kiện nổi bật cho năm 2013. Trong đó đáng chú ý nhất có lẽ là bài « Trung Quốc, siêu thị lớn của thế giới », nhận định về thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sự phát triển thần tốc trong thời gian vừa qua của nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Bởi thế khi các thị trường xuất khẩu lớn của Trung Quốc là các nước phát triển phương Tây lâm khủng hoảng, thì kinh tế Trung Quốc cũng bị vạ lây.

Vì thế, trong chính sách phát triển sắp tới, chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung hạn chế xuất khẩu và sẽ lái nền kinh tế về hướng thị trường tiêu thụ nội địa. Viễn ảnh thành công của chính sách này có vẻ tươi sáng bởi thị trường tiêu thụ của Trung Quốc rất nhiều tiềm năng.

Le Monde cho biết, mấy năm qua, Trung Quốc đã trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất của ngành ô tô, điện thoại di động, máy vi tính, mỹ thuật…Trung Quốc vẫn luôn là « công xưởng của thế giới », nhưng dần dần người Trung Quốc cũng bắt đầu biết tận dụng các sản phẩm do họ làm ra trên chính đất nước họ. Như trường hợp của hãng Apple : 15% lượng iPhone và iPad của hãng này sản xuất tại « công xưởng Trung Quốc » được tiêu thụ ở « thị trường Trung Quốc ».

Thị trường tiêu thụ Trung Quốc rất tiềm năng với số lượng khách hàng khổng lồ. Theo ước tính của giới chuyên gia, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc lên đến 475 triệu người, trong đó đa phần là dân thành thị. Ước tính, sức mua của họ tương đương với sức mua của tầng lớp trung lưu ở các nước phát triển. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu thành thị có khuynh hướng gia tăng, bởi lương tại Trung Quốc đã tăng nhiều, mà tốc độ đô thị hóa cũng rất cao, hiện đã vượt 50% tổng dân số. Trong khuynh hướng đó, một chuyên gia dự báo : «Sẽ có thêm nhiều người mua thêm hàng hóa. Các công ty bán sản phẩm đang đứng trước một cơ hội to lớn chưa từng thấy ».

Bàn về cách mua sắm, tờ báo cho biết, Trung Quốc cũng là một thị trường giao dịch mạng đầy tiềm năng. Người mua trên mạng tại Trung Quốc đã đạt 190 triệu người, tức đông nhất thế giới trong thị trường giao dịch mạng. Một số nhà cung cấp còn cho rằng, trong vòng 10 năm nữa, có đến 50% lượng bán lẻ tại Trung Quốc sẽ được thực hiện qua mạng.

Tóm lại, trong ngày tết dương lịch và trước thềm tết âm lịch, nhật báo Le Monde đã mang đến một tin đại hỉ cho Trung Quốc : với số dân trên 1,3 tỉ người và khoảng 475 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, Trung Quốc vừa là «công xưởng» vừa là «quảng thị của thế giới».

Hàn-Nhật : Cuộc chạy đua quyền lực mềm

Cũng trong loạt bài nhìn về năm 2013, Le Monde có bài nhận định về cuộc chạm trán trên chiến trường quyền lực mềm của hai đại gia Châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đầu tiên, tờ báo nhìn về thế mạnh văn hóa của Hàn Quốc. Minh chứng cho sự lớn mạnh này rõ ràng nhất có lẽ là cơn sốt điệu nhảy cưỡi ngựa Gangnam Style đang làm say mê giới trẻ Châu Á và cả ở phương tây trong đó có tuổi trẻ Pháp.

Tờ báo cho biết, chính sách quyền lực mềm của Hàn Quốc bắt đầu được đẩy mạnh dưới thời Tổng thống Kim Dae Jung (tại nhiệm 1998-2003). Sau cuộc khủng hoảng kinh tế tại Châu Á năm 1997, ông này đã lấy các sản phẩm văn hóa làm một trong những trọng tâm của chính sách phục hồi. Chính sách này bắt đầu từ ngành điện ảnh với hàng loạt các phim truyền hình được ra đời và đã thành công vang dội ở Châu Á, thu hút cả người Nhật Bản.

Lĩnh vực âm nhạc của Hàn Quốc cũng rất phát triển, nhất là thể loại nhạc pop của nước này (gọi là K-pop). Một nhà nghiên cứu âm nhạc tại Seoul nhận định, người Hàn Quốc đã lấy lại kiểu nhạc pop của Nhật Bản (gọi là J-pop) vốn nổi tiếng vào thập niên 90, rồi cách tân theo kiểu Hàn Quốc và đặc biệt là biết làm marketing trên các trang mạng xã hội và trên YouTube với sự hỗ trợ của nhà nước. Và kết quả là K-pop bắt đầu nổi đình nổi đám đến mức tạo cơn sốt như Gangnam Style hiện tại.

Chưa hết, trong lĩnh vực du lịch, Hàn Quốc cũng có nhiều thành công. Năm 2012, chỉ riêng thành phố Seoul cũng đã đón đến 8 triệu du khách trong đó đa phần là người Trung Quốc và người Nhật. Đây là một con số mà Hàn Quốc trước kia chưa từng đạt được.

Trong xu hướng đó, liệu Seoul có vượt Tokyo trong lĩnh vực quyền lực mềm hay không ?

Một chuyên gia trả lời : rất khó khẳng định dứt khoát được. Nên nhớ rằng, truyện tranh Hàn Quốc vẫn còn chưa nổi tiếng chứ truyện tranh Nhật Bản thì thu hút cả trẻ em và người lớn ở khắp nơi. Còn trong ngành ẩm thực, thì Seoul vẫn còn thua xa Tokyo bởi Tokyo vẫn là thành phố ẩm thực nổi tiếng thế giới. Le Monde cho biết, ngay cả tuổi trẻ Hàn Quốc tại Seoul, phong cách thời thượng của họ hiện tại là đi ăn nhà hàng Nhật Bản với thức uống ưa thích là rượu sake.

Các nước phát triển mất thế trong đào tạo đại học

Nhìn vào lĩnh vực giáo dục, Le Monde có bài cho hay, vào năm 2013, Châu Á sẽ vượt qua phương Tây trong vai trò « lò sản xuất sinh viên ».

Theo tờ báo, các nước mới nổi thuộc G20 và nằm ngoài Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Châu Âu (OECD) như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Cộng hòa Nam Phi, Ả Rập Xê Út, Achentina, Brazil, Hàn Quốc và Nga, năm tới sẽ đào tạo đến 78 triệu sinh viên trong khi con số này chỉ có 71 triệu sinh viên ở các nước hiện được xem là đầu tàu giáo dục đại học như Đức, Úc, Canada, Mỹ, Pháp, Ý, Nhật, Mehicô, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài các bài viết trên, loạt 13 bài nhìn về năm 2013 còn đề cập đến tương lai năng lượng của Mỹ, hậu quả của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp, sự tấn công của báo mạng đối với báo giấy, tương lai thu hút đầu tư của các nước Châu Phi, hay chuyện điện thoại thông minh (smartphone) sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường...

Đại dịch thế kỷ đang lùi bước ?

Nhật báo Công Giáo La Croix số ra cuối năm cũng dành nhiều bài nhìn về tương lai năm 2013 với dòng tựa lớn chạy trên trang nhất : « 2012-2013 : Những năm khó khăn và những nguyên nhân để hi vọng ».

Tờ báo bàn về một số hồ sơ liên quan đến kinh tế, anh ninh, y tế và nhân đạo, trong đó lướt qua những khó khăn và cũng đưa ra những cơ sở để tiếp tục hy vọng tiến lên vào năm mới.

Trong lĩnh vực y tế, tờ báo cho biết, cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ đã có những bước tiến đáng kể. Trong năm 2011, có đến 8 triệu người mang virus HIV được tiếp cận thuốc điều trị, tức tăng 20% so với năm 2010. Trong hai năm qua, tại vùng có nhiều người nhiễm HIV nhất thế giới là vùng Châu Phi nam Sahara, lượng người nhiễm HIV được tiếp cận thuốc điều trị đã tăng đến 59%. Ở 25 nước có thu nhập thấp và trung bình, số ca nhiễm HIV mới đã giảm đi phân nửa.

Tuy nhiên, về số người chết do HIV, năm ngoái trên thế giới có đến 1,7 triệu bệnh nhân AIDS tử vong. Hiện tại, các chuyên gia ước tính, có khoảng 6,8 triệu người nhiễm HIV không được tiếp cận thuốc điều trị cần thiết.

Dù vậy, các nhà hoạt động chống lại căn bệnh này tỏ ra lạc quan, vì sắp tới nguồn đóng góp cho quỹ phòng chống AIDS trên thế giới có thể sẽ tăng bởi lẽ rằng, các nhà hảo tâm đóng góp từ từ cũng sẽ hiểu được rằng : có nhiều bệnh nhân tiếp cận thuốc chừng nào, thì nguy cơ đại dịch lây lang sẽ giảm đi chừng ấy. Tức là việc đóng góp không chỉ giúp cho các bệnh nhân có thuốc điều trị, mà vượt lên lợi ích cá nhân còn có lợi ích cộng đồng nữa, bởi khi bệnh nhân được điều trị tốt thì việc lây nhiễm đương nhiên sẽ bị hạn chế.

Thị trường iPad, iPhone tiếp tục sôi động

Trong loạt bài dự báo cho năm 2013, nhật báo Le Figaro có bài cho biết, năm tới thị trường máy tính bảng và smartphone sẽ tiếp tục sôi động.

Năm 2012, máy tính bảng đã thắng lớn. Le Figaro dự báo, năm 2013, chiến thắng này sẽ tiếp tục được khẳng định. Ước tính, năm tới trên một thị trường của khoảng 170 triệu chiếc, máy tính bảng của Apple dự tính sẽ chiếm đến 100 triệu trong đó phân nửa là iPad Mini.

« Cuộc chiến » kích thước máy tính bảng sẽ tiếp tục trong năm mới. Samsung sẽ đưa ra thị trường một loại máy tính bảng Galaxy Note có màn hình 6,3 inch, tức gần với các máy tính bảng 7 inch Nexus hay của Kindle Fire. Hãng Apple thì vẫn trung thành với màn hình 10 inch. Sắp tới, Apple sẽ tung ra một phiên bản iPad mới nhẹ hơn, mỏng hơn.

Đến với điện thoại thông minh, năm 2013 thị trường này cũng sẽ tiếp tục phát triển, smartphone sẽ tiếp tục được sử dụng để lên mạng nhiều hơn máy vi tính. Samsung, Apple sẽ tiếp tục thống lĩnh và cạnh tranh. Tờ báo cho biết, năm mới các nhà sản xuất smartphone sẽ tăng cường tập trung cho điện thoại thông minh giá rẻ.

Tin tặc sẽ tiếp tục hoành hành

Tờ báo cho rằng, ngành kinh doanh điện thoại thông minh và máy tính bảng phát triển rầm rộ, sẽ khiến cho các tin tặc ra sức phát triển những chương trình để đánh cắp thông tin và dữ liệu cá nhân và khai thác chúng để trục lợi. Chưa hết, hoạt động này trong năm tới có thể sẽ tập trung vào việc lấy cắp dữ liệu ngân hàng của nạn nhân để tiến hành các giao dịch trên mạng.

Các loại virus nguy hiểm như Stuxnet, Flame hay Gauss đã tấn công các chính phủ, cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp mang tính chiến lược. Năm tới, tờ báo nhận định, các loại virus này sẽ tấn công vào dữ liệu của các cá nhân, các quan chức cao cấp của các nước. Đặc biệt, năm 2013, chiến tranh mạng sẽ đóng vai trò quan trọng trong xung đột giữa các quốc gia.(RFI mục Điểm báo)

No comments:

Post a Comment