Nhạc sĩ Phạm Duy
Nhạc sĩ Phạm Duy vừa qua đời chiều ngày 27/01/2013 tại Sài Gòn. Ra đi ở tuổi 92, Phạm Duy được xem là một cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam. Với hơn 70 năm sự nghiệp, ông để lại một khối lượng đồ sộ cả nghìn tác phẩm ghi đậm dấu ấn của một nhạc sĩ dành trọn đời cho tình yêu âm nhạc.
Tác giả của « Nghìn Trùng Xa Cách » đã trút hơi thở cuối cùng vào chiều nay khoảng 14 giờ 45 tại bệnh viên 115 Sài Gòn vì tuổi cao sức yếu.
Nhạc sĩ Phạm Duy, tên thật là Phạm Duy Cẩn. Sinh ngày 05/10/1921 tại Hà Nội. Ông bắt đầu sáng tác vào năm 1942 với tác phẩm đầu tay là « Cô Hái Mơ ». Hai năm sau, ông gia nhập gánh hát Đức Huy và trong hành trình « hát rong » ấy, Phạm Duy đã đi khắp mọi miền đất nước, trước khi đi theo Việt Minh tham gia kháng chiến chống Pháp năm 1945. Sau đó, do không chịu được sự trói buộc với những sáng tác âm nhạc của mình, ông đã rời bỏ những người cộng sản để trở thành nghệ sĩ tự do cống hiến cho âm nhạc. Năm 1949, ông lập gia đình với ca sĩ Thái Hằng và có với bà 4 người con.
Hai năm sau, ông đưa gia đình vào Nam sinh sống. Đến năm 1953, nhạc sĩ Phạm Duy sang Pháp học về âm nhạc. Sau khi du học ở Pháp trở về, ông thành lập ban Hợp ca Thăng Long và đắm mình cho những sáng tác lãng mạn mang đậm chất Phạm Duy. Biến cố năm 1975 đã đưa nhạc sĩ Phạm Duy sang định cư tại Mỹ và đến năm 2005, ông trở lại Việt Nam cho đến ngày " Nghìn trùng xa cách" hôm nay.
Trong sự nghiệp trải dài hơn 70 năm, Phạm Duy để lại những trường ca « Con đường cái quan », « Mẹ Việt Nam » hay « Bầy chim bỏ xứ ». Trong số những bản nhạc được coi là xuyên thời gian của Phạm Duy, phải kể đến « Bên cầu biên giới », « Tình kỹ nữ », hay những lời tự tình với quê hương, dân tộc bản « Tình Ca », « Tiếng hò miền Nam » hay « Qua cầu gió bay ».
Nếu như các tác phẩm âm nhạc của Phạm Duy đau đáu một tình yêu thương quê hương đất nước con người Việt Nam, thì đó là bởi cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa này luôn gắn liền với những biến cố thăng trầm của đất nước và của một Phạm Duy luôn " vui buồn với nước non".
Trả lời ban Việt ngữ đài RFI, nhà thơ Đỗ Trung Quân, từ TP Hồ Chí Minh, chia sẻ cảm nghĩ của ông trước tin nhạc sĩ Phạm Duy vĩnh viễn ra đi.
No comments:
Post a Comment