1/8/13

Liều Lĩnh Trên Bờ Vực

Hoàng Ngọc Nguyên

Mùa Giáng Sinh đã trôi qua trong tâm trạng không bình thường của nhiều người. Những tĩnh từ như bất định, thất vọng, tuyệt vọng… là những hình dung từ khá chính xác. Trong một mùa người ta vẫn mong mỏi sự an bình này, chắc chắn có một câu hỏi chập chờn trong giấc ngủ của nhiều người: làm sao chúng ta có thể sống yên tâm trong xã hội này, đất nước này, vào thời này?

Đến ngày 01-01-2013 này, tức thứ Ba tuần tới, nếu Tổng thống Obama và Quốc Hội không đạt được thỏa hiệp về làm sao tránh khỏi “vực thẳm ngân sách”, những biện pháp tăng thuế hàng loạt (do sự hết hiệu lực của những biện pháp giảm thuế tắc trách và phiêu lưu của cựu Tổng thống George W. Bush trong hai năm 2001 và 2003) và cắt giảm chi tiêu ngân sách đồng khắp đang chực chờ sẵn sẽ tức thời có hiệu lực, mà hậu quả ai cũng dư sức thấy là nạn kinh tế suy thoái sẽ trở lại và nạn thất nghiệp sẽ trầm trọng hơn. Trước mắt, khi người ta tính cắt giảm chi tiêu lên đến 110 tỉ trên các khoản ngân sách khác nhau, hàng trăm ngàn công chức có thể phải bị nghỉ việc tức thì ngay từ đầu tháng. Và cuối tháng Giêng này, nhiều người thất nghiệp sẽ không còn được trợ cấp tháng, người có công ăn việc làm sẽ mang những chi phiếu lương bị xén một phần nhỏ vì thuế lương bổng sẽ lên lại mức cũ…

Sự tìm kiếm giải pháp đã bắt đầu ngay từ ngày 16-11, nhưng sau một tháng rưỡi, dường như hai bên chẳng nhúc nhích mấy về lập trường căn bản của mình: Tổng thống Obama và phía Dân Chủ tại Thượng Viện vẫn muốn gia hạn việc giảm thuế cho thành phần có lợi tức thấp (98%) nhưng nhất quyết phải tăng thuế suất cho 2% lớp trên; phía Cộng Hòa tại Hạ Viện không tạo được sự thỏa hiệp ngay trong nội bộ bởi vì một số phần tử vẫn khăng khăng nhất quyết không tăng thuế dưới bất cứ hình thức nào, cho nên chính ông John Boehner, chủ tịch Hạ Viện, thất bại trong toan tính đưa ra một dự luật của viện dưới để biểu quyết về việc tăng thuế và giảm chi. Sự chia rẽ, khủng hoảng trong đảng Cộng Hòa đã làm cho ông Boehner phải thối lui, và vì thế quả bóng được giao lại trên phần sân Thượng Viện, nơi Dân Chủ đang nắm đa số. Đến ngày thứ Năm 27-12, Thượng Viện mới tái nhóm. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa rõ những ông bà thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ sẽ đưa ra đề nghị gì, và họ có đưa ra hay không nếu không nắm được sự đồng tình của phía Cộng Hòa ở cả hai viện! Cuối cùng, để cứu vãn tình hình, đưa ra những biện pháp mua thì giờ, những người lãnh đạo đất nước sẽ làm gì đây? Đúng là chẳng ai biết, những người từng lạc quan ắt phải rất thất vọng trước hiện tình, những người bi quan càng có thêm lý do để tuyệt vọng.

Người ta có thể xem sự khủng hoảng bế tắc hiện nay dưới góc cạnh “quan điểm, lập trường” có tính nguyên tắc của hai đảng: phía Dân Chủ nhìn thấy vấn đề là thuế, phía Cộng Hòa là chi tiêu ngân sách. Những người Dân Chủ “đấu tranh giai cấp” qua thuế, những người Cộng Hòa bảo vệ giai cấp cũng bằng thuế. Người Dân Chủ cho rằng số thu ngân sách hiện nay còn thấp (khi so với giá trị Tổng sản lượng Quốc nội – GDP), trong khi những khoản chi cho xã hội cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện nay là bình thường, không thể bỏ được vì còn có tính cách tăng cường số cầu trong xã hội, tạo nguồn “kich thích kinh tế”, bởi thế mà có sự thiếu hụt ngân sách. Muốn ngân sách thăng bằng, vừa phải tăng thu từ giới có lợi tức cao, đồng thời giảm chi bằng cách hợp lý hóa, tránh thất thoát, lạm dụng chi tiêu. Người Cộng Hòa thì vẫn chủ trương thu nhỏ lại chính phủ liên bang, giảm chi ngân sách, nhất là về mặt phúc lợi xã hội, chỉ bảo vệ ngân sách an ninh, quốc phòng, do đó có thể giảm thu và không phải tăng thuế. Đến 95% những dân biểu và thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa đã ký một lời thề “Không tăng thuế” với tổ chức vận động chính trị “Americans for Tax Reform” của ông Grover Norquist. Nhân vật hoạt đầu chính trị số 1 của Mỹ!

Câu hỏi đặt ra là có phải vì lời thề “Không tăng thuế” này mà những vị dân cử của đảng Cộng Hòa đã không thể thỏa hiệp được với những người Dân Chủ lần này cho dù ý muốn của ngưòi dân đã rõ qua cuộc bầu cử tổng thống vừa qua cũng như những cuộc thăm dò dư luận gần đây? Lời thề đó chỉ có một phần, mà phần lớn có thể là một sự chuyển hướng xáo trộn đột ngột nơi phía Cộng Hòa.

Trước hết, như những ngưòi quan sát chính trị đã ghi nhận, sau cuộc bầu cử này, trong nội bộ của đảng này đang có sự phân hóa: không ít người muốn có những cải cách hướng về ngưòi dân để đảng Cộng Hòa có thể được sự ủng hộ rộng rãi hơn, mạnh mẽ hơn trong quần chúng, nhưng cũng không ít người cho rằng đây chính là lúc phải củng cố đường lối bảo thủ, như trong quyết định của Thượng nghị sĩ Jim Mint rời khỏi Thượng Viện (người ta ghi nhận sự suy yếu của phong trào Tea Party bảo thủ của ông ta qua cuộc bầu cử vào tháng 11 vừa qua). Ông Boehner đã muốn dung hòa cả hai đường lối, khi đưa ra đề nghị có thể tăng thuế cho những người có lợi tức trên 1 triệu Mỹ kim (đối lại với yêu cầu đã được điều chỉnh của ông Obama tăng từ $250.000 lên $400.000), đồng thời tăng thu bằng cách hủy bỏ những khoản đặc miễn thuế vô nguyên tắc bấy lâu nay, đồng thời giảm chi ngân sách lên cả 1.200 tỷ, nhưng vấp ngay sự chống đối của những người không muốn tăng thuế, “ngay cả với tỷ lệ 10-1” (thu thuế thêm 1 đồng, phải cắt chi 10 đồng). Theo một giải thích của một nhà phân tích chính trị trên tờ Washington Post, chẳng phải vì có một số dân biểu Cộng Hòa “điếc không sợ súng”, nhưng mà là vì họ quá an toàn: đơn vị bầu cử của những người này đi theo khuynh hướng bảo thủ tài chánh, bảo thủ xã hội của đảng Cộng Hòa quá vững chắc, cho nên họ chẳng sợ gì, chẳng cần ai, mà còn phải cố thể hiện “chí hướng” của cử tri đặc thù của đơn vị của mình.

Nhưng càng đến gần “giờ phút của tử thần”, người ta càng thấy nổi lên một điều: ý muốn thách đố liều lĩnh của phía Cộng Hòa đối với ông Obama. Cứ nhảy xuống vực thẳm tài chánh đi, để coi ai chết cho biết. Chắc chắn phải chết là người dân, nhưng who cares? Tại những nước bên châu Âu, bên Trung Đông, người ta chết hà rầm, cách này hay cách khác. Huống chi, nếu dồn người dân vào con đường tử, họ phản ứng, nổi loạn, phong trào Tea party có thể mạnh trở lại, có phải chết cho ông Obama và đảng Dân Chủ trong nhiệm kỳ tới hay chăng? Nói rằng người dân sẽ bất mãn đảng Cộng Hòa nhiều nhất có thể đúng. Nhưng đây là trách nhiệm “tập thể”, chẳng phải của riêng ai. Trong khi đó, tuy ban đầu người ta có thể ít trách cứ ông Obama, nhưng trước sự tan hoang, đổ vỡ ngày càng tăng về sau này, người ta có thể chỉ nhìn thấy ông bởi vì ông là tổng thống, người chịu trách nhiệm điều hành hàng ngày việc nước. Nói sao đi nữa, người phải gánh hậu quả của việc nhảy xuống bờ vực chính là ông Obama, và tất nhiên, tình thế sẽ khó khăn thập bội trước những vấn đề ngân sách, tăng trưởng, thất nghiệp… Ông Obama chớ dễ ngươi!

Ông Obama hẳn hiểu điều đó! Người ta nói sau Giáng Sinh, sân khấu chính trị tại Thượng Viện sẽ tưng bừng cho dù chỉ còn năm ngày nữa là hết năm. Có tin nói có thể sẽ có thỏa hiệp sau năm mới trong ý hướng hạn chế những tác động bất ưng. Quốc Hội sẽ bỏ phiếu để hạ thấp thuế suất thay những mức thuế cao có hiệu lực từ đầu tháng Giêng khi những biện pháp giảm thuế của ông Bush hết hiệu lực, nhưng những mức thuế suất cao nhất (cho người giàu) vẫn không đổi. Người ta có thể hiệu chỉnh một biện pháp Hạ Viện thông qua hồi tháng Bảy gia hạn việc giảm thuế của ông Bush cho mọi thành phần, tái lập những mức thuế suất cao cho lớp giàu, gia hạn trợ cấp thất nghiệp, cùng bỏ đi vài biện pháp cắt giảm công chi được đề cập trong “vực thẳm tài chánh”. Hoặc người ta sẽ trở lại một biện pháp của Thưọng Viện mà những người Dân Chủ ở đây thông qua hồi tháng Bảy, là gia hạn mức thuế hiện nay cho những gia đình có lợi tức dưới $250.000. Nhưng biện pháp có tính cách tăng thu hay tăng thuế này, theo hiến pháp, chỉ được xuất phát từ Hạ Viện. Thượng nghị sĩ trưởng khối Dân chủ đa số Harry Reid cũng có thể lấy một dự luật tăng thu khác từ Hạ Viện và làm lại như một biện pháp thuế và công chi để giải quyết những vấn đề của vực thẳm tài chánh.

Làm gì đi nữa, người ta sẽ chẳng có thì giờ để bàn bạc, và kết quả nếu may mắn mà có cũng chỉ là những chuyện ngắn hạn, vá víu nhất thời. Một tác giả kỳ cựu trên tờ Washington Post, ông E. J. Dionne, đã chẳng ngại viết: “Qua bờ vực tài chánh này, chúng ta mới thấy rùng mình khi nhận ra nguyên cả hệ thống chính trị lưỡng đảng tâm thần của chúng ta đang đứng trước bờ vực tự sát.”
Còn gì đúng hơn nữa khi tâm thần và tự sát là những vấn đề nhức nhối nhất của xã hội Mỹ ngày nay![HNN]

No comments:

Post a Comment