Hoàng Ngọc Nguyên
Người bạn hiền từ Houston, Texas, có e-mail chia sẻ, câu hỏi ngắn nhưng rõ ràng có sự vui mừng, trong sáng: Phải chăng Mùa Xuân A Rập đã tới nước Nga? Trên tờ Washington Post vào ngày thứ ba, trước sự kiện người dân ở thủ đô Moscow và thành phố Petersburg đổ xuống đường vào đêm thứ ba để tỏ thái độ bất bình trước cuộc bầu cử Quốc Hội toàn quốc của nước Nga vào ngày chủ nhật vừa qua, người ta cũng đưa ra bài xã luận: Spring in the Russian air? Mùa xuân trong không khí nước Nga? Câu trả lời có thể là: Chưa đâu, nhưng thế nào cũng đến. Đó là qui luật tuần hoàn của vũ trụ. Và những dấu hiệu nó hẳn phải đến trong môt ngày gần hơn chúng ta tưởng đã có xa gần trong tầm mắt chúng ta, đúng là có thể cảm thấy được trong không khí chúng ta đang thở .
Theo một tường thuật tại chỗ từ bà Irina Kruchkova, một nhiếp ảnh gia của CNN, hàng ngàn người đã tập họp tại công trường Chistye Prudy đêm thứ ba để phản đối kết quả bầu cử Quốc Hội nước Nga. Bà nói: “Người ta thu nhận tin tức phần lớn là thông qua Internet, khá nhiều người chủ trương nhật ký trên mạng (bloggers), trung lưu, phần lớn trẻ tuổi, từ 20 đến 35 hay 40 tuổi. Con số người tham dự đông đảo, rất khác thường đối với những cuộc xuống đường phản kháng ở nơi này trong nhiều năm nay, có đến hơn 5.000 người. Người ta la lớn ‘Thật nhục nhã’, ‘Putin thằng ăn trộm’, ‘Putin cút đi’. Người ta cũng nói đảng của Putin, Nước Nga Đoàn kết (NNDK) giành được thắng lợi nhờ gian lận. Nhưng tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong tháng ba sắp đến nếu chúng ta ngồi khoanh tay”.
Điều chúng ta có thể hiểu được dễ dàng là đảng của Putin đã mất phiếu khá nặng, so với cuộc bầu cử trước đây vào năm 2007. Trong bầu cử cách đây bốn năm, đảng NNĐK được đến 310 trong tổng số 450 ghế trong Quốc Hội, tức hơn 2/3, đủ cho người cầm quyền làm mưa làm gió trên chính trường. Bốn năm trước, tình hình thuận lợi. Có thể bầu cử gian lận dễ hơn. Tình hình kinh tế cũng tốt đẹp hơn. Và còn một yếu tố nữa, quá trình “giác ngộ chính trị dân chủ” nơi người dân Nga bốn năm trước chắc chẳng bằng thời nay. Đó là qui luật “tiến hóa”, nhất là vì những chuyện xảy ra ở Nga và trên thế giới trong bốn năm qua có thể khiển cho người dân Nga nghe được nhiều hơn, thấy được nhiều hơn, cho nên trong đầu óc cũng làm việc nhiều hơn thay đổi nhiều hơn - nhất là ở giới trẻ. Năm nay, đảng của chính quyền chỉ được 238 ghế, tức mất cả 70 ghế, và ưu thế chỉ còn khoảng 53%. Một đa số mong manh.
Khi thấy con số ủng hộ đi xuống, Thủ tướng Vladimir Putin, người đã cai quản nước Nga từ năm 1999 đến nay là 12 năm, trong đó tám năm làm tổng thống, bốn năm tạm làm thủ tướng để tháng ba sang năm lại ra tranh cử tổng thống thay thế người mình nhờ làm tổng thống trong bốn năm qua là Dmitry Medvedev, cho rằng đó là chuyện bình thường trong dân chủ. Chuyện bất bình thường là sự ủng hộ sút giảm này đã xảy ra mặc dù ông Putin đã dùng tất cả những thủ đoạn mánh mung điều động lá phiếu thùng phiếu có thể có trong sách vở, cẩm nang của KGB, nơi chôn nhau cắt rốn của Putin, để có thể làm cho cuộc bầu cử có kết quả cho thấy “sự ưu việt” của đảng cầm quyển. Một bài báo trong ngày thứ ba của tờ New York Times (Voters Watch Polls in Russia, and Fraud Is what They See - Cử tri theo dõi bầu cử ở nước Nga, và gian lận là điều mà họ thấy) đã ghi lại những thủ đoạn sửa đổi kết quả bầu cử, bỏ phiếu thay cho dân, bỏ phiếu ma, tạo kết quả bầu cử theo ý của nhà chức trách, không phải theo ý dân. Điều đáng chú ý trong bài báo này là chính cử tri tò mò theo dõi và phát hiện những chuyện gian lận và nhờ những phương tiện truyền thông cá nhân hiện đại thời hiện đại thu hình, thu âm nhanh chóng cho nên đã ghi nhận một cách thuyết phục. Nơi nơi, chuyện sửa phiếu, ăn cắp phiếu, đổi thùng phiếu, nhét vào thùng những phiếu giả… xảy ra tràn lan, và người ta nói chuyện phanh phui gian lận từ những giới quan sát phương tây còn làm cho ông Putin bẻ mặt hơn cả chuyện mất ghế. Thắng bại trong bầu cử là chuyện thường, thế nhưng chuyện gian lận này, làm sao đây để bào chữa đây?
Hôm sáng thứ ba ở châu Âu, bà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lên tiếng. Bà kêu gọi phải có một cuộc điều tra đầy đủ về những chuyện “bất thường” trong cuộc bầu cử này, bà nói có những lý do để người ta “thực sự lo ngại” về cuộc bỏ phiếu. Bà lên tiếng tại hội nghị của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu nhóm tại nước Lithuana láng giềng của Nga. Tổ chức này cũng sẽ bàn đến một báo cáo của một nhóm theo dõi bầu cử ở Nga đang nêu ra nhiều trường hợp vi phạm và cố tình “phá hoại” sự trung thực của bầu cử. CNN kể lại, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov theo dõi, bà Clinton nói với nhóm này rằng nước Mỹ có những “lo ngại nghiêm chỉnh về cách tiến hành bầu cử”. “Người dân Nga, như người dân ở khắp nơi, xứng đáng quyền được có tiếng nói, quyền sử dụng lá phiếu của mình. .. Và điều đó có nghĩa họ đáng được hưởng những cuộc bầu cử tự do, công bằng, minh bạch, xứng đáng có những người lãnh đạo phải trả lời cho họ”.
Tháng ba năm tới, ông Putin sẽ ra tranh cử tổng thống trở lại, và người ta nhắm ông sẽ làm tổng thống cho đến năm 2020 - với một nước Nga vừa lạc hậu vừa có vẻ côn đồ (cronyism) vô liêm sỉ về mặt chính trị (có chế độ độc tài nào không côn đồ, không vô liêm sỉ?). Như vậy, ông sẽ cai trị nước Nga ít nhất là 20 năm nữa, chưa nói đến trường hợp hoặc ông sửa hiến pháp để làm thêm bốn năm nữa, hoặc chẳng cần sửa, cứ làm mửng cũ, xuống làm thủ tướng bốn năm mà cứ như làm vua, và trở lạị làm tổng thống tám năm - vị chi ông có thể ở trên ngôi báu 32 năm. Cái di sản chính trị hỗn hợp của chế độ phong kiền của Nga hoàng cùng của chế độ cộng sản Stalinist đã dọn sẵn tất cả cho Putin.
Như vậy có thế nào mong đợi mùa xuân dân chủ sẽ đến với Nga – như đã và đang đến với một số không ít các nước A Rập? Không lẽ dân Nga lạc hậu hơn dân A Rập? Tại những nước phi dân chủ, trấn áp tự do và nhân quyền, dân quyền đã thành cái nếp, sự thay đổi thường tùy thuộc vào “tình huống cách mạng” - tức là khi người dân không thể chịu đựng hơn được nữa. Người dân vùng dậy cũng tùy thuộc hai tình huống. Hoặc là sự sụp đổ kinh tế-xã hội, sự nghèo đói cùng khổ của người dân trở nên mâu thuẫn đối kháng với giai cấp độc tài thống trị chuyên chính. Hoặc là sự nhận thức của một tầng lớp dân chúng ở thành thị về sự thối nát sa đọa của những ngưòi thống trị và sự cần thiết và đáng có của một đời sống chính trị dân chủ và tự do. Đối với nước Nga, càng ngày dân chủ dường như càng có sức hấp dẫn không cưỡng được – khi người ta nhìn qua châu Âu, nhìn qua Mỹ và thấy người dân ở những nơi đó đang sống như thế nào. Và sự giả hiệu của chế dộ Putin ngày ngày đập vào mắt mọi người như một thách thức, như một thôi thúc.
Và bởi vậy người ta lại nhìn về Việt Nam với sự mong đợi. Nền kinh tế Viêt Nam bấp bênh, dễ vỡ hơn kinh tế nước Nga. Sự tham nhũng, đạo tặc, tập đoàn ở Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào đã từng là nước Cộng Sản. Sự bất bình đẳng, phân hóa giai cấp, vô trách nhiệm về mặt an lạc xã hội ở Việt Nam trầm trọng hơn ở những nước này. Ở Việt Nam trong chừng mực nào đó cũng đã có những người thấy phải thay đổi. Nếu những người ở Mỹ về nước trong dịp Giáng Sinh, trong dịp Tết, hay trong bất cứ dịp nào giỗ cha cúng mẹ, thay vì kéo nhau ăn chơi phè phỡn dưới chiêu bài hội cựu này hội cựu nọ, mà tìm cách nắm tay truyền hơi ấm cho những người đang nhìn ra ngoài để tìm kiếm sự ủng hộ cho công cuộc đấu tranh mình theo đuổi trong nước, thì mùa xuân rồi cũng sẽ lan tới Viêt Nam sớm hơn ta tưởng.
No comments:
Post a Comment