12/19/11

Vaclav Havel : Biểu tượng của giá trị nhân bản chống độc tài toàn trị

Lễ tang cố Tổng thống Cộng hòa Séc Vaclav Havel tại lâu đài Praha, ngày 18/12/2011.

Lễ tang cố Tổng thống Cộng hòa Séc Vaclav Havel tại lâu đài Praha, ngày 18/12/2011.

REUTERS/David W Cerny

Mai Vân

Làng báo Pháp hôm nay 19/12/2011 nhất loạt vinh danh cố Tổng thống Séc Vaclav Havel qua đời hôm Chủ nhật, nêu lại trên nhiều trang dài những đóng góp của một gương mặt chính trị hiếm thấy trên hành tinh. Ông Havel mất rạng sáng ngày 18/12, trong giấc ngủ tại ngôi nhà cách Praha khoảng 100 cây số.

Khía cạnh được báo giới Pháp nêu bật là cuộc đấu tranh của ông chống chế độ toàn trị. Nhưng mỗi tờ báo nêu một tính cách riêng biệt về nhân vật mà tờ La Croix gọi là : "Vaclav Havel, gương mặt tự do" - tít lớn trang nhất, và nhắc lại là nhà ly khai, soạn giả kịch trở thành Tổng thống là hiện thân của một Châu Âu tin tưởng vào giá trị nhân bản và tự do của mình.

La Croix ca ngợi gương mặt tiêu biểu - cùng với Lech Walesa - của sự chiến thắng của các lý tưởng dân chủ trên các chế độ cộng sản Đông Âu cuối thập niên 1980. Ông đã kiên trì đeo đuổi chiến lược ly khai dựa trên các nguyên tắc nhân bản, không bạo động. Đối với La Croix, nhân vật có vóc dáng dấp, vẻ hiền hoà, với hàng ria mép cố hữu đã đi vào lịch sử từ năm 1989. Thời đó ông là nhân vật trọng yếu của cuộc "cách mạng nhung", qua đó Tiệp Khắc đã dẹp bỏ chế độ cộng sản. Tờ báo nhắc lại là ông đã làm cho người dân Tiệp thời đó đột nhiên nhìn thấy mình trong khát vọng tự do của giới ly khai.

Điểm cũng được La Croix khen ngợi là sự kiện ông Havel - đứng đầu Diễn đàn Công dân - đã biết hòa giải người Tiệp với nhau. Ông không kêu gọi tinh thần dân tộc như tại những nơi khác trong vùng, mà ông nói đến tính "chính trực", chống lại những lời dối trá cộng sản. Ông là một công dân dấn thân đấu tranh, hơn là một nhà chính trị. Trên sân khấu chính trị một nước Châu Âu, La Croix cho là ông Havel không phải là tả hay hữu mà là một nhà nhân bản. Và nhà ly khai đứng đầu một nhóm trí thức đã đột nhiên trở thành người đại diện của cả một dân tộc.

Tờ Le Figaro nói đến "sự ra đi của một anh hùng trong cuộc chiến chống chế độ toàn trị cộng sản". Ở trang trong tờ báo nhìn thấy ông là lương tâm đạo đức của Châu Âu hậu Cộng sản. Điểm mà Le Figaro nêu bật và cho là hiếm thấy nơi một lãnh đạo chính trị, là việc ông Havel vẫn trung thành với các lý tưởng của ông, một con người tự do, chính trực. Vì thế ông đã góp phần cho sự thành công trong giai đoạn chuyển tiếp của quốc gia ông.

Nhìn lại sự nghiệp của vị Tổng thống - nhà văn này, Le Figaro cho là tất cả tác phẩm của ông đều đượm tính khôi hài, thường khi phảng phất niềm tuyệt vọng, nhưng cho thấy rõ mong ước "nói lên sự thật", và đấu tranh để bảo vệ, gìn giữ phẩm chất con người mà chế độ Cộng sản chối bỏ.

Libération nhấn mạnh trên thời đấu tranh của ông, chạy hàng tựa màu trắng trên nền đen : "Nhà ly khai", bên dưới chân dung Vaclav Havel. Trong mắt Libération, ông Havel là một lãng tử đi lạc trong sân khấu chính trị. Trong bài xã luận, Libération nêu lên những điểm nơi người anh hùng cách mạng nhung mà tờ báo khâm phục : dù bị cầm tù, bị loại khỏi xã hội, phải chiụ sự cô đơn tột cùng, ông Havel vẫn là bằng chứng cụ thể là không nên tuyệt vọng về sự tự do tinh thần.

Một điểm khác mà Libération nhắc đến với thái độ khâm phục là thời ông lãnh đạo nước Tiệp, thời buổi cách mạng, chế độ chuyển tiếp sôi bỏng, thì ông Havel đã không màng đến những vụ xét xử, trả đũa. Không bao giờ ông thèm đọc số hàng nghìn phiếu theo dõi ông mà công an đã lập ra. Theo tờ báo, chính đây là những điều kiện giúp dân chủ bám rễ chắc chắn.

Libération còn nhắc lại nỗi xúc động trên thế giới, những lời ca ngợi ông Havel từ mọi nơi, dĩ nhiên là ngoại trừ những quốc gia còn chế độ toàn trị. Một từ ngữ đã được các lãnh đạo Châu Âu nhắc đi nhắc lại : « Biểu tượng ». Biểu tượng của các sự kiện năm 1989, biểu tượng của nước Cộng hoà Séc hiện đại. Châu Âu đã tỏ sự biết ơn đối với ông.

Thủ tướng Đức Merkel, từng sinh sống ở Đông Đức cho là không thể quên cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ của ông, cũng như tính nhân bản của ông. Người Đức, theo bà, rất biết ơn ông. Ngay cả Thủ tướng Anh, David Cameron cũng cho là "Châu Âu có món nợ sâu sắc đối với ông". Riêng Tổng thống Pháp gọi ông là "người Châu Âu dấn thân đấu tranh". Bên kia bờ Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Obama khâm phục sự đối kháng ôn hòacủa ông đã làm lung lay nền tảng của cả một đế chế, cho thấy sự trống rỗng của một hệ tư tưởng trấn áp và chứng minh rằng sự lãnh đạo của đạo đức mạnh hơn là vũ khí.

No comments:

Post a Comment