12/31/11

Chuyện của một người tù làm lại cuộc đời


Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - Hai bàn tay đặt trên bàn, các ngón xòe ra trước mặt, vỗ nhẹ vào nhau, Tùng Nguyễn cố ngăn những giọt nước mắt đang chực chờ nơi khóe mắt, “Em không ngờ em được đi về.Em không ngờ chị.” Tùng nói, miệng cười, cái đầu lắc lắc như vẫn không thể tin được sự thật.

Tùng Nguyễn, người vừa ra tù sau 18 năm, đang ấp ủ nhiều ước mơ giúp đỡ cho cộng đồng, cho những thanh thiếu niên đang và đã lầm lỡ như Tùng ngày xưa. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Tùng là một người may mắn. Mang bản án 25 năm đến chung thân vì tội giết người cấp độ 1, Tùng được Thống Ðốc Jerry Brown ký lệnh tha ngay lập tức sau mới có 18 năm thi hành án.
Thời gian 18 năm trong tù, đã dài hơn thời gian 16 năm Tùng sống ở ngoài đời trước đó. Như nhiều thiếu niên khác, đường vào tù của Tùng là qua băng đảng, và hành động giết người là của người khác trong băng đảng mà Tùng phải chịu trách nhiệm liên đới.
Suốt 5 giờ đồng hồ, tại tòa soạn báo Người Việt, Tùng Nguyễn kể lại câu chuyện của mình, vừa như một sự đồng cảm, chia sẻ và cũng là gợi lên một bài học cho những người đang bước trên con đường như Tùng đã từng qua.
16 tuổi và bản án “giết người cấp độ 1”
Năm nay 34 tuổi, nhưng Tùng Nguyễn có cách nói chuyện và biểu lộ cảm xúc khác với những người đàn ông cùng tuổi. Bên ngoài vẻ “bụi bặm” do lăn lộn trong tù, ở Tùng dường như vẫn còn sót lại chút ngây ngô, hồn nhiên, dễ xúc động của tuổi 16, tuổi Tùng để lại bên ngoài cánh cửa nhà tù, từ 18 năm trước.
“Em theo ba mẹ sang Mỹ lúc khoảng 14, 15 tuổi. Biết gia đình nghèo, ba mẹ vừa nhận tiền trợ cấp, vừa phải đi lượm lon. Nên em cũng biết suy nghĩ là phải cố gắng học và phụ giúp ba mẹ.” Tùng quay ngược thời gian để bắt đầu câu chuyện.
Tuy nhiên, lúc vào trường, thấy bạn bè có cái này cái kia mà mình không có được vì bố mẹ không có tiền, Tùng nghĩ, “Tự mình đi tìm cho mình.”
Thế là Tùng theo bạn bè đi cắp vặt trong những khu shopping. Thú vui phá phách cùng chúng bạn tự lúc nào cứ lôi cuốn Tùng, “em tệ đi lúc nào em cũng không biết luôn.” Rồi Tùng đánh lộn, bị đuổi học.
“Cách xử sự của nhà trường làm cho em có một lối nhìn khác. Từ đó em bất mãn, em không 'care' nữa.” Tùng kể tiếp bằng giọng thật trầm và thật buồn.
Gia đình phải dọn nhà, chuyển chỗ ở để tìm trường học khác cho Tùng, mà không hề hay biết “ba drop em ở cổng trước, thì em chạy ra cổng sau trốn đi chơi mất tiêu.”
Ở nơi mới, Tùng làm quen với hai người bạn trai lớn tuổi hơn Tùng. Họ đưa Tùng đi chơi, những quán cà phê, “chỉ làm cái này cái kia.”
Cho đến một ngày năm 1993, Tùng xin ba mẹ theo họ đi chơi nhân tuần nghỉ Spring Break.
Ðêm đó, lúc đang ngủ, Tùng được người bạn đánh thức để “đi xử mấy thằng này vì nó hăm dọa tao.”
Rút theo con dao có sẵn trong bếp để thủ, “phòng khi tụi kia có dao có súng,” Tùng theo mọi người đến một motel ở gần góc đường Beach và Garden Grove, “nơi phe kia đang ở.”
Tùng làm nhiệm vụ khống chế một người ngay cửa của motel. Hai người bạn của Tùng vào bên trong. Sau một hồi nghe họ cãi vã, Tùng nghe tiếng hai người bạn mình, người này hỏi người kia, “Sao mày đâm nó?”
“Khi đó trong đầu em kêu lên 'Oh my God,' sao lại đâm? Em chỉ muốn rời khỏi nơi đó ngay lập tức, nhưng em không thể đi được.” Tùng nhớ lại. Tùng không muốn bị mang tiếng là “đồ bỏ anh em, đồ chết nhát.”
Xe của bọn Tùng vừa rời khỏi motel chưa đầy 10 phút đã bị cảnh sát chặn bắt.
“Lúc về đến trạm cảnh sát Garden Grove, em chỉ nghĩ rằng cao lắm là ăn cái tội đâm người ta do thằng bạn gây ra thôi chứ không biết điều gì đã xảy ra.” Tùng tiếp tục.
Tuy nhiên, cậu học trò 16 tuổi khi đó thực sự chết điếng khi nghe cảnh sát cho biết người thanh niên Việt Nam bị bạn Tùng đâm vào đùi đã chết do đứt động mạch và mất máu.
Theo lời Tùng, khi đó, vì Tùng mới 16 tuổi, Tùng được đưa vào tạm giam ở Juvenile Hall, nơi dành cho trẻ vị thành niên, nhưng lại phải “đi tòa người lớn.”
Tùng kể tiếp, “Em còn nhớ ngày mà bồi thẩm đoàn đọc bản luận tội, em ngồi mà nước mắt cứ rớt, chỉ khóc thôi chứ không biết làm gì hết. Em khóc mà cũng không biết là mình khóc. Em bị chết lặng luôn.”
Một người bạn của Tùng bị kết án chung thân không được xét tha (life without parole), Tùng và người bạn còn lại bị án 25 năm đến chung thân. Ðiều này có nghĩa là Tùng mang bản án chung thân, và nếu được xét thả sớm cũng phải ở tù tối thiểu là 25 năm.
Hy vọng kế tiếp của Tùng là được đi tù C.Y.A, tù dành cho trẻ vị thành niên, đến 25 tuổi sẽ được về nhà. Nhưng điều oái oăm là cũng ngày hôm đó, Tùng đã đánh “một thằng Korean vì nó nói nói bậy, xúc phạm đến mẹ em.”
Vì điều này, Tùng bị đưa thẳng lên “tù lớn” với bản án không đổi là 25 năm đến chung thân, kèm theo đó là bị đưa luôn vào nhà tù trong tình trạng “canh phòng tối đa” dành cho những người tội nặng nhất. Tùng nói kèm theo cái lắc đầu và tiếng thở dài.
Cứu mình, cứu người
Tùng nằm tù ở San Quentin, nhà tù khét tiếng của California. Cuộc sống thường nhật của một người tù cứ sáng mở mắt ra, nếu không đi làm, đi học, thì cứ việc ra sân ngồi tán dóc, “xạo qua xạo lại,” cho đến hết giờ thì lại bị nhốt vào phòng, cứ đều đều trôi qua từ khi Tùng 16 tuổi mãi cho đến... 12 năm sau.
“Một buổi em ngồi ngoài yard nhìn mọi người, em chợt nghĩ wow, nếu mình không thay đổi, mình cứ ngày này qua tháng khác như vậy hoài, rồi mình sẽ chết trong tù, không có ích lợi gì hết. Em nghĩ nếu muốn đi về thì phải làm cái gì khác đi.” Nghĩ vậy và Tùng tự mình bắt đầu thay đổi cuộc đời mình.
Tùng mượn sách của những người đến trường để tự học lấy bằng tốt nghiệp high school, rồi Tùng tự học đánh piano, guitar, học đánh máy, vi tính, và lấy luôn bằng Associate 2 năm từ trong tù.
Tùng tâm sự, “Em làm cho cuộc sống mình trở nên bận rộn, từ lúc họ mở cửa cho ra đến tối em mới trở lại về phòng. Càng học, em càng thấy mình có nhiều năng khiếu. Em đi đàn trong nhà thờ, phụ làm việc trong những văn phòng trong đó.”
“Càng học, càng tìm hiểu, con người em dường như càng lúc càng trở nên cởi mở, hoạt bát hơn.” Tùng tự nhận xét.
Một hôm, có một nhóm thiện nguyện viên bên ngoài tới trình diễn văn nghệ cho tù. Tùng được giao sắp xếp chỗ, giữ trật tự cho buổi diễn.
Văn nghệ đang diễn ra, bỗng hai băng đảng trong tù cự nự, xông vào đánh nhau. Gác tù rần rần chạy tới, đám văn nghệ sĩ hoảng loạn.
Tùng và nhóm trật tự bắt đầu dọn đường, bảo vệ cho nhóm 50 người thường dân này ra ngoài an toàn.
Câu chuyện qua đi, Tùng cũng quên. “Chuyện rất là bình thường, em không nhớ gì hết,” Tùng kể.
Nhưng tới khi Tùng ra gặp Hội Ðồng Tha Sớm Board of Parole, người chỉ huy nhóm gác hôm đó tự động đưa cho mỗi người trong nhóm trật tự một bức thư do chính tay ông viết, đề nghị cho được tạm tha do hành động của họ trong đêm văn nghệ.
Với bức thư đó, Hội Ðồng bỏ phiếu chấp thuận cho Tùng được tha sớm, và định ngày thả Tùng là tháng 8 năm 2023.
Tha còn sớm hơn nữa
Nếu ngày “tha sớm” của Tùng là năm 2023, vậy tại sao năm nay 2011 Tùng đã ngồi trong tòa soạn Người Việt?
Ðề nghị tha sớm của Hội Ðồng được chuyển lên cho Thống Ðốc Jerry Brown phê duyệt. Tại đây, sau khi xét hồ sơ của Tùng, không những ông đồng ý cho tha sớm, ông còn dời ngày tha lên tới “ngay lập tức.” Thống Ðốc Brown cho rằng “ở tuổi 16, Tùng đã bị lôi kéo vào các hành động tội phạm của người lớn.”
Lệnh tha ngay lập tức được báo lại cho Tùng vào ngày 1 tháng 4, 2010. Ngày Cá Tháng Tư. “Em nghe, không tin được, gần xỉu luôn,” Tùng cười, nhớ lại. “Hôm đó ngày Cá Tháng Tư, em vẫn cứ tưởng người ta giỡn, cho tới khi em ra khỏi tù.”

Những bước chân đầu tiên ngoài nhà tù
Thoát khỏi bản án của kẻ giết người, Tùng ra khỏi San Quentin để vào tù của Sở Di Trú tại San Francisco. “Chờ ngày trục xuất về Việt Nam,” Tùng kể, vì khi bị bắt Tùng chưa có quốc tịch Mỹ. Tùng bị giam trong thời hạn 90 ngày để chờ Việt Nam nhận về.
Ðã chuẩn bị sẵn tinh thần ở tù tiếp 3 tháng nữa để rồi sau đó được hưởng không khí tự do, nhưng chỉ mới 13 ngày sau, Tùng được mời lên và được thông báo sẽ được thả ngay. Họ nói, “Thống đốc đã ký lệnh thả ông thì chúng tôi không có lý do gì tiếp tục giữ ông ở lại tù INS. Hãy gọi gia đình lên chở về.”
“Em lại bị sốc. Trời đất ơi!” Tùng cười rất tươi.
Gia đình Tùng cũng không thể ngờ tin này. Mẹ Tùng kể lại với báo Người Việt, “Tôi đang đi làm ở hãng, nghe điện thoại của con gái tôi báo rằng thằng Tùng được thả, tôi nhảy lên, hét lên và xin nghỉ việc về nhà để cùng thằng út đi đón nó liền.”
Bà nói lại một cách xúc động, “Tôi từng nghĩ con mình không có ngày về. Bởi những người có án chung thân thì sự ân xá, tha ra sao mà xa xăm quá!”
Còn ba Tùng, ngay trong ngày nhận tin Tùng được ra tù, ông đã “xuống tóc” để cảm ơn trời đất.
“18 năm, em không thể nào ngờ được giây phút đó.” Tùng đưa tay lên quẹt nhanh những giọt nước mắt.
Nếu suốt một tuần đầu Tùng không thể nào ngủ được bởi em cứ như sống lơ lửng giữa không trung, thì cũng suốt tuần lễ đó mẹ Tùng không thể nào ăn được.
“Tôi đứng trong bếp nhìn ra sân, nơi Tùng và ba nó ngồi nói chuyện, mà cứ tưởng như trong mơ.” Mẹ Tùng nói.
Tùng chia sẻ cảm xúc của một người mà thời gian tù dài hơn tuổi anh từng sống ngoài đời: “Em giống như đi trên 'air' đó. Em ngủ không được. Tuần đầu tiên là không ngủ. Mấy tuần sau khoảng 3, 4 giờ sáng mới ngủ. Chỉ nằm vậy thôi, không nghĩ gì. Im lặng em không ngủ được, tắt đèn em ngủ không được. Vì bao nhiêu năm nay em ngủ trong tù nó ồn, nó sáng, và em 'feel' được cái ngộp.”
“Bây giờ ra đây cứ đến những chỗ đông, hay khi ngủ mở mắt ra thấy tối hù là em thấy ngộp, thấy muốn bị ói,” Tùng nói tiếp.
Cũng trong tuần đầu Tùng không ăn được, “Mẹ kêu ăn cái gì cũng không ăn được, đi tiệm cũng không ăn được.”
Tùng giải thích lý do có thể khiến người khác chùng lòng, “Vì ngày xưa đến giờ em không có được sự chọn lựa, em không được chọn, người ta đưa đến và em lấy, vậy thôi. Cho nên giờ kêu em chọn, em không làm được. Mười mấy năm trời em không có cái đó cho nên...”
Vào tiệm phở, người ta đưa “menu” ra, Tùng chỉ biết chỉ đại vào một món. Khi tô phở được mang ra, Tùng nhìn tô phở, và “Em xin người ta cái nĩa, em ăn phở bằng nĩa, vì lâu rồi lâu không cầm đũa được.” Tùng lại cười, nụ cười xao xác.
Tùng cảm thấy có rất nhiều điều xa lạ, sợ hãi với thế giới bên ngoài, mà điều Tùng sợ nhất, lại là “sợ người ta.”
Tùng tâm sự, “Em vô tù lúc em 16 tuổi, rồi nó 'stop right there' em đâu còn biết gì nữa. Em lớn lên trong tù, giờ ra đây, em phải 'reconnect' lại từ lúc em 16 tuổi, nhiều khi tính tình em có khác, nhưng những hiểu biết về mọi thứ xung quanh hình như cũng là một đứa 16, 17 tuổi.”
“Không bao giờ em đi đến chỗ đông người một mình. Chỉ một lần duy nhất em đón xe bus đi thử, đi một mình. Nhưng vừa lên xe, em cảm thấy ngộp và cảm thấy tủi thân. Thế là em xuống xe liền ở trạm kế.” Tùng kể.
Ra tù, Tùng ấp ủ nhiều ước mơ, những ước mơ mà những người đã ở tù lâu, mười mấy hai mươi năm trở lên đều có, đó là muốn làm điều gì đó giúp cho những người khác tránh giẫm vô bước chân mình đã bước qua.
Bơ vơ không việc làm
Sau những cảm xúc sung sướng của những ngày đầu tiên ra tù, điều mà những người như Tùng phải đối diện một cách khắc nghiệt nhất chính là đi tìm việc làm.
Tùng cho biết bao nhiêu đơn xin việc gửi đi đều không thấy trả lời. Có ai dám mạnh dạn nhận một người mới ra tù vào làm việc không?
Trong một lúc tình cờ, Tùng đọc báo thấy một tiệm dry clean cần người giúp. “Em gọi đến xin, nói rằng em từng học nghề này nhưng chưa bao giờ đi làm.”
Ông Nguyên Vũ chủ tiệm gọi Tùng đến thử việc. Cũng trong ngày thử việc đầu tiên đó, Tùng đã nói cho người chủ biết mình vừa mới ra tù.
“Rất là may mắn, ảnh nói ảnh không quan tâm, miễn là em làm được việc,” Tùng kể.
Ông Nguyên Vũ nói với báo Người Việt một cách đơn giản, “Thực tình tôi chỉ cần người biết làm việc, chứ không quan tâm đến quá khứ của họ.”

Bằng cách tự học, tự tìm hiểu, Tùng Nguyễn đã đưa được mình ra khỏi tù, sau 18 năm. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Nếu hỏi tôi có nghĩ gì khi nhận Tùng không thì thực là tôi không nghĩ gì hết, tôi coi Tùng như em mình. Thanh niên mà, ai không từng có những lầm lỡ. Và người đời thường trông vào lỗi lầm đó để nhìn họ bằng con mắt khác,” ông Nguyên nói tiếp.
Có lẽ, ông Nguyên cũng như cửa tiệm gia đình anh đã không thể ngờ rằng, thái độ tin tưởng chấp nhận một người như Tùng vào làm việc, có ý nghĩa lớn lao với Tùng như thế nào.
“Tụi em chẳng khác gì những người thuộc tận cùng xã hội. Em chỉ cảm thấy có lại được sự tự tin là do những người như anh Nguyên mang lại.” Tùng nói một cách xúc động.
Hiện tại, Tùng Nguyễn đang ấp ủ nhiều ước mơ, được đi học đại học, được tham gia vào những dự án giúp đỡ cho những người tù chung thân có được ngày tạm tha (parole date), được chia sẻ những kinh nghiệm cay đắng của mình cho những thanh thiếu niên sẽ, đang, đã bước vào con đường như Tùng.
Tùng nhắc lại lời mình nói với người “parole officer”: “Em nói với ổng, bây giờ em không chỉ sống cho một mình em mà em sống cho cả người đã chết trong vụ án của em, dù em không phải là người làm ảnh chết. Ảnh chết khi mới 19 tuổi thôi, mất hết tương lai, mất tất cả những gì ảnh chưa kịp có. Khi đó em cũng không còn gì, cũng mất hết.”
Ngừng lại vài giây, Tùng nói tiếp, “Nhưng bây giờ, em được ra ngoài, em sống cho cả ảnh, bởi cái gì em có ngày hôm nay ảnh không có, ba mẹ ảnh không có.”
––-
Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com

No comments:

Post a Comment