8/30/21

Ngày mai trăng sáng

Có phải là trăng đang ngẩn ngơ
Đang nhìn thấy rõ cảnh trần nhơ
Dẫy đầy nham hiểm nhiều gian xảo
Mây phủ che êm tối nhạt mờ.

Trăng của thuở nào đêm thật sáng
Nhìn trần gian rộn tiếng ca vang
Ngoài đồng lúa chín vàng trĩu hạt
Đất nước tình quê ngập ánh vàng.

Hình như tội lỗi từ tiền kiếp
Dân Việt luôn chịu khổ đọa đày
Tếng súng vừa tan thì cộng nghiệp
Xích xiềng kiềm kẹp đến hôm nay.

Trăng rằm tháng 7 mưa tơi tả
Hằng Nga khó rõ chuyện nhân gian
Tháng 7 cúng cô hồn xá tội
Viện Nam cô hồn sống ngập tràn.

Đường phố không bóng người lai vãng
Nhà nhà im cửa đóng then cài
Diêm Vương tuyển lính tràn lan dịch
Dân Nam cam chịu sống đọa đày.

Trong cảnh khó Cộng quyền thu lợi
Phạt vạ dân thu đủ thứ tiền
Trọng Phúc chống tham quyền cố vị
Mặc kệ dân tiền bỏ túi riêng.

Lốc xoáy phá nhà thêm mưa đá
Thiên tai cảnh cáo lũ cầm quyền
Hằng Nga ẩn mặt trong mưa bão
Cạn lời với lũ Cộng cuồng điên

Tổ tiên xưa làm gì nên tội
Mà dân Nam chịu khổ đọa đày
Tức nước vỡ bờ lời xưa nói
Trăng vàng tỏa ánh sáng ngày mai…

thylanthảo
30-8-21

8/28/21

Thước

Các bạn thân mến,

Niềm vui của tuổi già trước hết là được an nhàn, thanh tịnh. Thực vậy, khi ta đã dành cả tuổi trẻ cho học hành, chăm lo sự nghiệp; dành cả tuổi trung niên cho công việc, gia đình. Khi ta đã mệt nhoài với những năm tháng lao tác mưu sinh, thì chẳng niềm vui nào hơn là được nghỉ ngơi; được tự thưởng cho mình những phút giây nhàn nhã, vui với những ý thích của mình. Nhất là có những người bạn gọi là tri kỉ, đồng tuổi, đồng cảnh, đồng tư duy cùng hàn huyên, tâm sự…

Đọc sách Thánh Hiền và nghe lời dạy cổ nhân là một thành tựu của cuộc sống; chia sẻ cảm nghĩ và câu chuyện vui buồn trong sinh hoạt hằng ngày là một niềm vui của tuổi già.

Tôi xin chia sẻ một ý nghĩ thoáng hiện trong đầu lúc đọc sách vào một buổi sáng gần đây.

Thước

Sáng nay đọc sách thoáng thấy một cây thước trên kệ, chợt nghĩ tới hai câu nói về sự đo lường của Hoài Nam Tử: "Thái Sơn bất khả trượng xích, giang hải bất khả đẩu hộc"(太山不可丈尺,江海不可斗斛), có nghĩa là núi cao biển rộng không thể lấy cân lấy thước đo lường. Rồi lại liên tưởng đến hai câu ca dao: "sông sâu biển rộng dễ dò, có ai lấy thước mà đo lòng người", bởi vì lòng người dễ biến động, đổi trắng thay đen, không thể đo lường.

Trên đời có hai loại thước, một loại thước vật lý dùng để đo lường, một loại khác là thước trong lòng. Thước để đo lường thì không thay đổi, thước trong lòng thì thiên biến vạn hóa, thay đổi thường xuyên. Thế nên thước trong lòng tiềm ẩn nhiều triết lý nhân sinh.

Thuở trước tôi vừa mua chiếc xe mới, lái chưa tới ba ngày, thì một hôm vào siêu thị mua đồ, khi trở ra bãi đậu xe, phát hiện xe bị quẹt một lằn dài bên hông, lúc đó tôi cảm thấy đau lòng xót dạ. Mình dành dụm mấy năm trời mới mua được chiếc xe mới, chưa được ba ngày thì xe bị quẹt. Thương cho chiếc xe đau lòng xót dạ hết mấy ngày. Không bao lâu sau đó, ông anh họ đến mượn xe đi chơi, không may dọc đường xảy ra tai nạn, xe lao xuống dốc. Ông anh họ bò ra được khỏi xe, rà soát lại thì thấy quần áo bị rách đôi chút, thân thể chỉ bị xây xát sơ sài, không có gì nguy hiểm đến tánh mạng. Trong trường hợp này, xe coi như hư hoại hoàn toàn. Tôi lại không tiếc cho chiếc xe, chỉ vì người trong xe vô sự là mừng rồi.

Về sau tôi suy nghĩ, tại sao khi trước xe bị quẹt trầy thì đau xót, lúc sau xe bị tiêu hủy lại không đau lòng. Lý do là khi trước mình đo lường sự kiện bằng cây thước của chiếc xe, sau đó thì đo lường sự việc bằng cây thước của mạng sống. Cây thước trong lòng thay đổi, cảm nghĩ và nhận xét về sự việc cũng khác hẳn hoàn toàn.

Cuối năm 1978, tôi vượt biên tìm tự do, khi chiếc tàu lênh đênh ngoài khơi, mưa gió bão bùng, đói khát triền miên. Tôi thầm nguyện chỉ mong được đến bến bờ tự do, ngày hai bữa cơm là đủ thỏa mãn rồi. Sau khi định cư tại Mỹ, sinh hoạt ổn định, tôi bắt đầu lao vào cuộc sống, vì danh vì lợi. Cái ước nguyện đơn thuần của mình ngày nào đã tan theo mây khói. Thực vậy, nhu cầu thay đổi theo dục vọng và phẩm chất của con người, thước lòng thì thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh của cuộc sống.

Chúng ta thực sự cần rất ít, nhưng muốn thì rất nhiều.

Con người khổ vì dục vọng, dục vọng phát xuất từ sự thay đổi của thước lòng. Vì vậy, giữ cho thước lòng có chừng mực là bài học suốt đời của chúng ta.

Ngoài ra, con người thường cho rằng thước lòng của mình là thẳng, Vì vậy, họ đánh giá người khác bằng ý nghĩ của mình. Nói cách khác, nếu quan điểm của người khác giống với quan điểm của mình thì là đúng, ngược lại là sai.

Con của đi ngang, cũng nghĩ rằng nó đi thẳng.

Ếch ngồi đáy giếng, cũng nghĩ rằng nó thông hiểu cả thiên hạ.

Tuy nhiên, mỗi người đều có nếp sống, hoàn cảnh, tính cách và tư duy riêng biệt của mình. Vì vậy, trên đời không có tiêu chuẩn tuyệt đối về tốt xấu, đúng sai.

Ví dụ, tôi thích chay tịnh, nhưng khi dùng cơm với gia đình và bạn bè, tôi không thể yêu cầu mọi người phải ăn chay, làm như vậy họ sẽ cho tôi là quái đản và vô duyên. Mỗi người mỗi ý, đối với tôi, ăn chay là vệ sinh, tốt cho sức khỏe; đối với người khác, ăn mặn là dinh dưỡng, bổ sung năng lượng.

Không thể muốn người khác phải sống theo ý nghĩ và tiêu chuẩn của mình, chúng ta không thể lấy thước của mình đi đo lường lòng người khác, lấy tiêu chuẩn của mình đi đánh giá người khác.

Nào ai lấy thước mà đo lòng người. Lòng người khó đo, tuy nhiên, chúng ta có thể kiểm soát cây thước của mình, nhận thức được sự cố chấp, quá chủ quan của mình sẽ mang lại ảnh hưởng thế nào trong cuộc sống. Nếu suy nghĩ ra lẽ, chúng ta sẽ tự gánh lấy trách nhiệm, không trút lỗi cho người khác, đồng thời tránh được nhiều mâu thuẫn có thể xảy ra trong sinh hoạt hằng ngày.

Thánh Hiền nói: "Khoan dĩ đãi nhân, nghiêm dĩ luật kỷ" (寬以待人,嚴以律己), có nghĩa là khoan dung với người, nghiêm khắc với mình.

"Làm người phải sống thẳng ngay,
Đừng như con bướm đậu bay vô tình.
Sống sao thật với lòng mình,
Chân thành hòa thuận người người mến thương.
Hạnh phúc không tại viễn phương,
Thước lòng mở rộng con đường thênh thang"

Trường

08-18-2021

8/21/21

Chử Đồng Tử - Phật tử đầu tiên của Việt Nam

Chử Đồng Tử là một trong Tứ Bất Tử có ảnh hưởng sâu sắc trong văn hóa, tín ngưỡng Việt Nam và là Phật tử tại gia đầu tiên tại Việt Nam.

Truyền thuyết Chử Đồng Tử

Tương truyền Chử Đồng Tử sống cùng cha là Chử Cù Vân tại Chử Xá (huyện Văn Giang, Hưng Yên); có bản viết là Chử Vi Vân. Theo “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo dục). Chẳng may nhà cháy, mất hết của cải, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố phải thay nhau mà mặc. Lúc người cha lâm chung, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ chiếc khố lại cho bản thân. Thương cha nên Chử Đồng Tử liệm khố theo cha, mình thì chịu cảnh trần truồng khổ sở, kiếm sống bằng cách ban đêm câu cá, ban ngày dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền bán cá hoặc xin ăn.

Thời ấy Vua Hùng Vương thứ ba có cô con gái tên là Tiên Dung đến tuổi cập kê mà vẫn chỉ thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Vào một ngày đẹp trời, nàng cho thuyền dạo chơi dọc sông Hồng, lúc đó Chử Đồng Tử đang ngâm mình bắt cá dưới sông, nghe tiếng chuông trống, đàn sáo lại thấy nghi trượng, người hầu tấp nập, Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh.

Chử Đồng Tử và Tiên Dung - ảnh minh họa


Ngắm phong cảnh hữu tình, công chúa Tiên Dung cho dừng thuyền, sai thị nữ lên bờ quây màn tắm bên một khóm lau, chẳng ngờ lại đúng nơi chàng trai họ Chử giấu mình. Nước dội cát trôi, phút chốc nàng thấy lộ ra thân hình một chàng trai trẻ cũng không quần áo. Tr­ước ng­ười con gái có thân thể ngọc ngà, Chử sợ hãi định chạy trốn nhưng Tiên Dung ngẫm thấy là duyên trời định bèn nói: “Ta và chàng tình cờ gặp nhau thế này, âu cũng là nhân duyên do trời sắp đặt”, liền đó nàng truyền mang quần áo cho Chử Đồng Tử và cùng chàng làm lễ kết duyên ngay trên thuyền.

Vua Hùng nghe chuyện thì giận dữ vô cùng, không cho Tiên Dung về cung. Tiên Dung thấy vậy không dám về, ở lại cùng Chử Đồng Tử sống cuộc đời bình dị mà hạnh phúc. Họ mưu sinh bằng nghề chài lưới và trao đổi hàng hoá trên sông. Nơi ấy trở thành nơi đô hội, thuyền bè buôn bán tấp nập.

Một hôm có người bày cho cách ra ngoài buôn bán nhiều lãi, Tiên Dung khuyên chồng nghe theo. Chử Đồng Tử bèn theo khách buôn đi khắp ngược xuôi. Một hôm qua ngọn núi giữa biển tên Quỳnh Tiên (có bản ghi là Quỳnh Vi – tham khảo “Việt sử giai thoại” – Chuyện kể Chử Đồng Tử; đây là tên một ngọn núi chỉ có trong thần thoại), Chử Đồng Tử trèo lên am trên núi và gặp một đạo sĩ tên Phật Quang. Chàng bèn giao tiền cho khách buôn đi mua hàng, còn mình thì ở lại học phép thuật. Sau thuyền quay lại đón, Phật Quang tặng Chử Đồng Tử một cây gậy và một chiếc nón lá, dụ rằng đây là vật thần thông.

Về nhà, Chử Đồng Tử truyền mọi sự lại cho vợ. Tiên Dung giác ngộ bèn bỏ việc buôn bán, cùng chồng chu du tìm thầy học đạo. Một hôm tối trời, đã mệt mà không có hàng quán ven đường, hai vợ chồng dừng lại cắm gậy úp nón lên trên cùng nghỉ. Bỗng nửa đêm, chỗ đó nổi dậy thành quách, cung vàng điện ngọc sung túc, người hầu lính tráng la liệt. Sáng hôm sau, dân chúng quanh vùng kinh ngạc bèn dân hương hoa quả ngọt đến xin làm bầy tôi. Từ đấy chỗ đó phồn thịnh, sung túc như một nước riêng.

Chử Đồng Tử là phật tử đầu tiên tại Việt Nam

Nguồn:https://phatgiao.org.vn/ 

8/20/21

Còn Có Nhớ Mây Bay

Dạo:

Hết rồi ngày tháng thơ ngây,
Cùng ai đứng ngắm mây bay cuối trời.

Cóc cuối tuần:

Còn Có Nhớ Mây Bay

Loang loáng bóng chiều bay,
Nắng trườn lọt kẽ tay,
Sầu lay nhay dấm dẳng,
Lòng trống vắng chờ say.

Rượu thấm giọng cay cay,
Men xông tái mặt mày,
Chân không giày tím lạnh,
Hồn xếp cánh thôi bay.

x

x x

8/19/21

ĐẬU TƯƠNG TƯ VÀ CÂY TƯƠNG TƯ (tiếp theo)

          

Đậu tương tư không phải sản vật của cây tương tư. Cây tương tư (2) thuộc họ đậu, loại thân mộc xanh quanh năm, cao khoảng từ 3 đến 7m, lá hình lưỡi liềm, mép phẳng và láng, có từ 5 đến 7 gân lá song song; thời kì ra hoa là từ tháng 5 đến tháng 7, hoa có 4 cánh, màu vàng nghệ, đài hoa hình chuông, trái dẹt và mỏng (đặc trưng của họ đậu), bên trong có khoảng từ 5 đến 7 hạt. Hạt của cây tương tư có màu nâu đậm. Điều đặc biệt chú ý là quả và hạt của cây tương tư rất độc, không thể ăn được. Nếu ăn phải, sẽ bị đau đầu, nôn mửa, đau bụng, tim đập nhanh, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong.

Tuy hạt của cây tương tư rất độc, nhưng cây tương tư lại luôn tượng trưng cho tình yêu chân thành của thanh niên nam nữ. Về truyền thuyết của cây tương tư, theo ghi chép trong Sưu thần kí 搜神記của Can Bảo 干寶 đời Tấn: tương truyền vào thời Chiến quốc, ở nước Tống có một chàng trai tên Hàn Bằng 韓憑, cưới người vợ họ Hà 何 cực kì xinh đẹp. Người vợ họ Hà bị vua nước Tống là Khang vương 康王 chiếm đoạt. Hàn Bằng oán hận, Khang vương liền phạt Hàn Bằng làm lao dịch trong thành. Hà thị lén gởi cho Hàn Bằng bức thư, không may bức thư lọt vào tay Khang vương, trong thư viết rằng:
Đại vũ liên liên há
Hà thuỷ khoan hựu thâm
Thái dương chiếu ngã tâm
大雨連連下
河水寬又深
太陽照我心
(Mưa lớn rơi mãi không dứt
Dòng sông rộng lại sâu
Mặt trời soi chiếu lòng thiếp)
Bức thơ ấy lúc bấy giờ không ai hiểu. Sau khi được một thủ hạ họ Tô 蘇 giải thích, Khang vương mới rõ, đại ý là: nước mắt không ngừng rơi, người sầu khổ; tình yêu giữa hai chúng ta bị cách ngăn, thề chết dưới ánh mặt trời.
Về sau Hàn Bằng tự tận, Hà thị cũng tự tận. Hà thị có để lại một bức thư xin Khang vương đem thi thể của mình hợp táng cùng Hàn Bằng. Khang vương lại cố ý ngăn cách mộ hai người ra. Nhưng trên mộ của hai người mỗi mộ đều mọc lên một cây, cây lớn rất nhanh, cành lá bên trên liền với nhau, rễ cây bên dưới cũng quấn lấy nhau, mọi người gọi là “cây tương tư”.
Trên toàn thế giới, cây tương tư có hơn 1200 loài. Trừ ở châu Âu và Nam cực ra, các châu khác đều có phân bố, trong đó ở Australia là nhiều nhất, khoảng hơn 800 loài, kế đến là châu Á với khoảng hơn 150 loài. Tại Trung Quốc, chỉ có loài “Tương tư Đài Loan”. Hiện tại cây tương tư trồng ở Trung Quốc đều từ nước ngoài đưa vào, đa phần sinh trưởng ở phía nam Trường giang, phân bố cũng rất rộng. Cành lá của cây tương tư rậm dày, nhìn như những đám mây màu xanh, hoa có màu vàng nghệ giống đám mây màu dưới ánh nắng chiều.
Thực ra cây tương tư không chỉ đẹp ở hình dáng bề ngoài, gỗ của nó rất cứng thường dùng để chế tạo các loại gia cụ, ván gỗ, cũng có thể làm giấy. Ngoài ra lá cây có thể làm thức ăn gia súc, rễ cây có thể làm thuốc nhuộm. Có thể thấy hiệu quả kinh tế và lợi ích sinh thái tập trung vào loại cây này.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- ĐẬU TƯƠNG TƯ (Tương tư đậu 相思豆): tức “Hải hồng đậu” 海紅豆, còn có những tên khác như “Khổng tước đậu” 孔雀豆, “Hồng đậu” 紅豆, danh pháp khoa học là Adenanthera pavonina.
(2)- CÂY TƯƠNG TƯ (tương tư thụ 相思樹): còn có những tên khác như “Đài Loan liễu” 臺灣柳, “Đài Loan tương tư thụ” 臺灣相思樹, “Tương tư tử” 相思子, “Dương quế hoa” 洋桂花, danh pháp khoa học là Acacia confusa Merr.


Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt
Tương tư hay Đài Loan tương tư, Keo tương tư, Cây sầu não, danh pháp khoa học là Acacia confusa.
Cây gỗ nhỏ thường xanh, có thân màu xám, nứt dọc. Lá chính là dạng cuống lá kép biến thái, các lá thực thụ đã bị tiêu biến. Phiến lá biến thái dạng lá dày, hình lá tre hoặc hơi cong lưỡi hái, dài 6-10cm, rộng 5-7mm, màu xanh thẫm, hai đầu thuôn nhọn dần, mép nguyên, gân biến thái là hệ gân song song.
Cụm hoa hình đầu ở nách của cuống dạng lá, thường xếp 2-3 cái một, mỗi cụm hoa to 7-8mm, có 23-25 hoa. Hoa nhỏ, đài có 5 lá đài hợp nhau thành hình chuông, tràng có 5 cánh hoa màu vàng nghệ, nhị nhiều, bầu dẹt có nhiều noãn. Quả dạng đậu mỏng, dài 4-5cm, rộng 1cm, chứa 4-5 hạt. Mùa hoa tháng 6-7, mùa quả tháng 7-9.


Dịch thuật : Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 15/12/2012


Dịch từ nguyên tác Trung văn
TƯƠNG TƯ ĐẬU DỮ TƯƠNG TƯ THỤ
相思豆與相思樹
Tác giả: Châu Mã Ân 周馬恩

8/18/21

ĐẬU TƯƠNG TƯ VÀ CÂY TƯƠNG TƯ


Đậu tương tư (1) là lễ vật mang ý nghĩa tình yêu, tình thân đặc sắc của Trung Quốc. Đậu còn có một tên khác là đậu “Khổng tước” 孔雀, hạt đậu có hình trái tim, toàn bộ sắc đỏ, màu không phai, lại rất cứng không gì sánh bằng, ngụ ý đồng lòng, hoặc tâm với tâm gắn kết, và cũng là vật môi giới tốt nhất giữa bạn bè thân hữu biểu thị sự quyến luyến nhớ nhung. Một số địa phương miền nam Trung Quốc chọn đậu tương tư làm lễ vật đầu tiên, tặng cho trẻ em để biểu thị ý nghĩa bình yên, trừ tà. Những đôi nam nữ thanh niên chưa kết hôn tặng cho nhau đậu tương tư biểu thị sự yêu thương. Những đôi nam nữ đã kết hôn xem đậu tương tư tượng trưng cho thiên trường địa cửu. Người thân tặng cho nhau đậu tương tư biểu hiện sự nhớ nhung. Mỗi khi gặp lễ tình nhân, đậu tương tư càng là một lễ vật quý báu, nó là một sự lựa chọn không thể nào khác ngoài hoa hồng.

Đậu tương tư cũng còn được gọi là “Hồng đậu” 紅豆, dùng làm tín vật tình yêu của những đôi nam nữ. Đặc tính của nó là rắn chắc như kim cương, sắc đỏ tươi như huyết không phai, hình dáng tựa trái tim, không bị sâu mọt. Trong Nam Châu kí 南州记 gọi là “Hải hồng đậu” 海紅豆, trong Bản thảo 本草 gọi là “Tương tư tử” 相思子. 
Với bài Tương tư 相思, Vương Duy 王维 viết rằng:

Hồng đậu sinh nam quốc
Xuân lai phát kỉ chi
Nguyện quân đa thái hiệt
Thử vật tối tương tư.
紅豆生南國
春來發幾枝
願君多采擷
此物最相思

(Dịch nghĩa: Hồng đậu sinh ở nam quốc
Mùa xuân đến mọc ra mấy cành
Xin anh hái cho thật nhiều
Vì hạt đậu đó gợi nhớ đến nhau nhiều nhất)

Dịch thơ : Hải Đà

Nước nam sinh đậu đỏ
Xuân về nở cành xinh
Chàng ơi hái nhiều nhé
Nhớ nhau tha thiết tình

Thi nhân mượn hồng đậu ở nam quốc để bộc lộ tình cảm quyến luyến đối với bạn. Chu Di Tôn 朱彝尊 đời Thanh trong bài Hoài Uông tiến sĩ Dục 懷汪進士煜cũng đã viết:
An sàng hồng đậu để
Nhật nhật toạ tương tư
安床紅豆底
日日坐相思
(Kê giường dưới cây hồng đậu
Ngày ngày ngồi nhớ đến nhau)
       Thời Đường rất thường dùng để tượng trưng cho tình yêu hoặc tương tư.

Tương truyền vào thời Hán ở vùng Mân Việt 閩越 có một chàng trai bị cưỡng bức đi lính chốn biên cương, người vợ ngày ngày trông ngóng. Về sau những người cùng đi với chàng trở về, duy chỉ có chàng là không về, người vợ càng đau buồn, suốt ngày đứng dưới gốc cây ở cổng làng, sáng trông chiều ngóng, khóc lóc thảm thiết, khóc đến nỗi ra máu mà mất. Trên cây bỗng dưng kết trái, hạt của nó nửa đỏ nửa đen, tươi láng. Mọi người nhìn thấy cho là những giọt huyết lệ của người vợ kiên trinh hoá thành, và gọi đó là “Hồng đậu”, cũng còn gọi là “Tương tư tử”.
Một truyền thuyết khác, vào thời cổ có một chàng trai đi lính, người vợ sớm chiều đứng dưới một gốc cây lớn trên núi cao trông ngóng. Nhân vì nhớ chồng nơi biên cương, cô khóc dưới gốc cây. Nước mắt sau khi chảy cạn, đã hoá thành những hạt đỏ như huyết, những hạt đó mọc rễ nảy mầm, lớn thành cây, kết đầy những trái. Ngày lại qua ngày, xuân đi thu đến, trái của cây đã chín, dần biến thành hạt màu đỏ có hình trái tim đẹp nhất trên trái đất này, đó là đậu tương tư.
Hạt đậu tương tư đường kính 8, 9 mm, 1 cân khoảng 1700 hạt. Đậu có hình trái tim, ngoại hình sát biên lại có một đường rãnh hình trái tim màu nhạt hơn, nên có tên là “tâm tâm tương ấn” 心心相印. Màu sắc của đậu tương tư đỏ tươi, lại bóng láng, tượng trưng cho “tình yêu chân thật thuần khiết”, hạt đậu không bị mục, không bị sâu mọt, không vỡ, không nát nên cũng được gọi là “thiên trường địa cửu, kiên trinh bất biến” 天長地久堅貞不變. Cây sinh trưởng nơi vách núi cao, hấp thụ linh khí của trời đất, là sự kết tinh thần diệu của trời đất. Vài nơi ở Trung Quốc như Vân Nam 雲南, Hải Nam 海南có loại đậu tương tư này. Còn loại đậu tương tư ở phía nam Trường giang và những nơi khác, có thể là do nguyên nhân khí hậu, hạt không chỉ nhỏ hơn mà còn có đầu màu đen. Loại đậu tương tư có đầu màu đen này được gọi là “giọt lệ của tình nhân” (tình nhân đích nhãn lệ - 情人的眼淚).
Trong dân gian, loại hồng đậu tương tư cũng giống như ngọc, nó là thần vật cát tường có linh tính: khi yêu nhau, tặng chuỗi đậu tương tư đã qua nguyện ước, tình yêu sẽ được thuận lợi; khi kết hôn, cổ tay hoặc trên cổ cô dâu đeo chuỗi đậu tương tư tượng trưng cho đôi nam nữ gắn bó với nhau đến đầu bạc răng long; sau khi kết hôn, dưới gối của đôi vợ chồng để 6 hạt đã qua nguyện ước, vợ chồng luôn đồng lòng, trăm năm hoà hợp.

                                                                                               (xem tiếp theo)