8/19/21

ĐẬU TƯƠNG TƯ VÀ CÂY TƯƠNG TƯ (tiếp theo)

          

Đậu tương tư không phải sản vật của cây tương tư. Cây tương tư (2) thuộc họ đậu, loại thân mộc xanh quanh năm, cao khoảng từ 3 đến 7m, lá hình lưỡi liềm, mép phẳng và láng, có từ 5 đến 7 gân lá song song; thời kì ra hoa là từ tháng 5 đến tháng 7, hoa có 4 cánh, màu vàng nghệ, đài hoa hình chuông, trái dẹt và mỏng (đặc trưng của họ đậu), bên trong có khoảng từ 5 đến 7 hạt. Hạt của cây tương tư có màu nâu đậm. Điều đặc biệt chú ý là quả và hạt của cây tương tư rất độc, không thể ăn được. Nếu ăn phải, sẽ bị đau đầu, nôn mửa, đau bụng, tim đập nhanh, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong.

Tuy hạt của cây tương tư rất độc, nhưng cây tương tư lại luôn tượng trưng cho tình yêu chân thành của thanh niên nam nữ. Về truyền thuyết của cây tương tư, theo ghi chép trong Sưu thần kí 搜神記của Can Bảo 干寶 đời Tấn: tương truyền vào thời Chiến quốc, ở nước Tống có một chàng trai tên Hàn Bằng 韓憑, cưới người vợ họ Hà 何 cực kì xinh đẹp. Người vợ họ Hà bị vua nước Tống là Khang vương 康王 chiếm đoạt. Hàn Bằng oán hận, Khang vương liền phạt Hàn Bằng làm lao dịch trong thành. Hà thị lén gởi cho Hàn Bằng bức thư, không may bức thư lọt vào tay Khang vương, trong thư viết rằng:
Đại vũ liên liên há
Hà thuỷ khoan hựu thâm
Thái dương chiếu ngã tâm
大雨連連下
河水寬又深
太陽照我心
(Mưa lớn rơi mãi không dứt
Dòng sông rộng lại sâu
Mặt trời soi chiếu lòng thiếp)
Bức thơ ấy lúc bấy giờ không ai hiểu. Sau khi được một thủ hạ họ Tô 蘇 giải thích, Khang vương mới rõ, đại ý là: nước mắt không ngừng rơi, người sầu khổ; tình yêu giữa hai chúng ta bị cách ngăn, thề chết dưới ánh mặt trời.
Về sau Hàn Bằng tự tận, Hà thị cũng tự tận. Hà thị có để lại một bức thư xin Khang vương đem thi thể của mình hợp táng cùng Hàn Bằng. Khang vương lại cố ý ngăn cách mộ hai người ra. Nhưng trên mộ của hai người mỗi mộ đều mọc lên một cây, cây lớn rất nhanh, cành lá bên trên liền với nhau, rễ cây bên dưới cũng quấn lấy nhau, mọi người gọi là “cây tương tư”.
Trên toàn thế giới, cây tương tư có hơn 1200 loài. Trừ ở châu Âu và Nam cực ra, các châu khác đều có phân bố, trong đó ở Australia là nhiều nhất, khoảng hơn 800 loài, kế đến là châu Á với khoảng hơn 150 loài. Tại Trung Quốc, chỉ có loài “Tương tư Đài Loan”. Hiện tại cây tương tư trồng ở Trung Quốc đều từ nước ngoài đưa vào, đa phần sinh trưởng ở phía nam Trường giang, phân bố cũng rất rộng. Cành lá của cây tương tư rậm dày, nhìn như những đám mây màu xanh, hoa có màu vàng nghệ giống đám mây màu dưới ánh nắng chiều.
Thực ra cây tương tư không chỉ đẹp ở hình dáng bề ngoài, gỗ của nó rất cứng thường dùng để chế tạo các loại gia cụ, ván gỗ, cũng có thể làm giấy. Ngoài ra lá cây có thể làm thức ăn gia súc, rễ cây có thể làm thuốc nhuộm. Có thể thấy hiệu quả kinh tế và lợi ích sinh thái tập trung vào loại cây này.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- ĐẬU TƯƠNG TƯ (Tương tư đậu 相思豆): tức “Hải hồng đậu” 海紅豆, còn có những tên khác như “Khổng tước đậu” 孔雀豆, “Hồng đậu” 紅豆, danh pháp khoa học là Adenanthera pavonina.
(2)- CÂY TƯƠNG TƯ (tương tư thụ 相思樹): còn có những tên khác như “Đài Loan liễu” 臺灣柳, “Đài Loan tương tư thụ” 臺灣相思樹, “Tương tư tử” 相思子, “Dương quế hoa” 洋桂花, danh pháp khoa học là Acacia confusa Merr.


Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt
Tương tư hay Đài Loan tương tư, Keo tương tư, Cây sầu não, danh pháp khoa học là Acacia confusa.
Cây gỗ nhỏ thường xanh, có thân màu xám, nứt dọc. Lá chính là dạng cuống lá kép biến thái, các lá thực thụ đã bị tiêu biến. Phiến lá biến thái dạng lá dày, hình lá tre hoặc hơi cong lưỡi hái, dài 6-10cm, rộng 5-7mm, màu xanh thẫm, hai đầu thuôn nhọn dần, mép nguyên, gân biến thái là hệ gân song song.
Cụm hoa hình đầu ở nách của cuống dạng lá, thường xếp 2-3 cái một, mỗi cụm hoa to 7-8mm, có 23-25 hoa. Hoa nhỏ, đài có 5 lá đài hợp nhau thành hình chuông, tràng có 5 cánh hoa màu vàng nghệ, nhị nhiều, bầu dẹt có nhiều noãn. Quả dạng đậu mỏng, dài 4-5cm, rộng 1cm, chứa 4-5 hạt. Mùa hoa tháng 6-7, mùa quả tháng 7-9.


Dịch thuật : Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 15/12/2012


Dịch từ nguyên tác Trung văn
TƯƠNG TƯ ĐẬU DỮ TƯƠNG TƯ THỤ
相思豆與相思樹
Tác giả: Châu Mã Ân 周馬恩

No comments:

Post a Comment