Các bạn thân mến,
Niềm vui của tuổi già trước hết là được an nhàn, thanh tịnh. Thực vậy, khi ta đã dành cả tuổi trẻ cho học hành, chăm lo sự nghiệp; dành cả tuổi trung niên cho công việc, gia đình. Khi ta đã mệt nhoài với những năm tháng lao tác mưu sinh, thì chẳng niềm vui nào hơn là được nghỉ ngơi; được tự thưởng cho mình những phút giây nhàn nhã, vui với những ý thích của mình. Nhất là có những người bạn gọi là tri kỉ, đồng tuổi, đồng cảnh, đồng tư duy cùng hàn huyên, tâm sự…
Đọc sách Thánh Hiền và nghe lời dạy cổ nhân là một thành tựu của cuộc sống; chia sẻ cảm nghĩ và câu chuyện vui buồn trong sinh hoạt hằng ngày là một niềm vui của tuổi già.
Tôi xin chia sẻ một ý nghĩ thoáng hiện trong đầu lúc đọc sách vào một buổi sáng gần đây.
Thước
Sáng nay đọc sách thoáng thấy một cây thước trên kệ, chợt nghĩ tới hai câu nói về sự đo lường của Hoài Nam Tử: "Thái Sơn bất khả trượng xích, giang hải bất khả đẩu hộc"(太山不可丈尺,江海不可斗斛), có nghĩa là núi cao biển rộng không thể lấy cân lấy thước đo lường. Rồi lại liên tưởng đến hai câu ca dao: "sông sâu biển rộng dễ dò, có ai lấy thước mà đo lòng người", bởi vì lòng người dễ biến động, đổi trắng thay đen, không thể đo lường.
Trên đời có hai loại thước, một loại thước vật lý dùng để đo lường, một loại khác là thước trong lòng. Thước để đo lường thì không thay đổi, thước trong lòng thì thiên biến vạn hóa, thay đổi thường xuyên. Thế nên thước trong lòng tiềm ẩn nhiều triết lý nhân sinh.
Thuở trước tôi vừa mua chiếc xe mới, lái chưa tới ba ngày, thì một hôm vào siêu thị mua đồ, khi trở ra bãi đậu xe, phát hiện xe bị quẹt một lằn dài bên hông, lúc đó tôi cảm thấy đau lòng xót dạ. Mình dành dụm mấy năm trời mới mua được chiếc xe mới, chưa được ba ngày thì xe bị quẹt. Thương cho chiếc xe đau lòng xót dạ hết mấy ngày. Không bao lâu sau đó, ông anh họ đến mượn xe đi chơi, không may dọc đường xảy ra tai nạn, xe lao xuống dốc. Ông anh họ bò ra được khỏi xe, rà soát lại thì thấy quần áo bị rách đôi chút, thân thể chỉ bị xây xát sơ sài, không có gì nguy hiểm đến tánh mạng. Trong trường hợp này, xe coi như hư hoại hoàn toàn. Tôi lại không tiếc cho chiếc xe, chỉ vì người trong xe vô sự là mừng rồi.
Về sau tôi suy nghĩ, tại sao khi trước xe bị quẹt trầy thì đau xót, lúc sau xe bị tiêu hủy lại không đau lòng. Lý do là khi trước mình đo lường sự kiện bằng cây thước của chiếc xe, sau đó thì đo lường sự việc bằng cây thước của mạng sống. Cây thước trong lòng thay đổi, cảm nghĩ và nhận xét về sự việc cũng khác hẳn hoàn toàn.
Cuối năm 1978, tôi vượt biên tìm tự do, khi chiếc tàu lênh đênh ngoài khơi, mưa gió bão bùng, đói khát triền miên. Tôi thầm nguyện chỉ mong được đến bến bờ tự do, ngày hai bữa cơm là đủ thỏa mãn rồi. Sau khi định cư tại Mỹ, sinh hoạt ổn định, tôi bắt đầu lao vào cuộc sống, vì danh vì lợi. Cái ước nguyện đơn thuần của mình ngày nào đã tan theo mây khói. Thực vậy, nhu cầu thay đổi theo dục vọng và phẩm chất của con người, thước lòng thì thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh của cuộc sống.
Chúng ta thực sự cần rất ít, nhưng muốn thì rất nhiều.
Con người khổ vì dục vọng, dục vọng phát xuất từ sự thay đổi của thước lòng. Vì vậy, giữ cho thước lòng có chừng mực là bài học suốt đời của chúng ta.
Ngoài ra, con người thường cho rằng thước lòng của mình là thẳng, Vì vậy, họ đánh giá người khác bằng ý nghĩ của mình. Nói cách khác, nếu quan điểm của người khác giống với quan điểm của mình thì là đúng, ngược lại là sai.
Con của đi ngang, cũng nghĩ rằng nó đi thẳng.
Ếch ngồi đáy giếng, cũng nghĩ rằng nó thông hiểu cả thiên hạ.
Tuy nhiên, mỗi người đều có nếp sống, hoàn cảnh, tính cách và tư duy riêng biệt của mình. Vì vậy, trên đời không có tiêu chuẩn tuyệt đối về tốt xấu, đúng sai.
Ví dụ, tôi thích chay tịnh, nhưng khi dùng cơm với gia đình và bạn bè, tôi không thể yêu cầu mọi người phải ăn chay, làm như vậy họ sẽ cho tôi là quái đản và vô duyên. Mỗi người mỗi ý, đối với tôi, ăn chay là vệ sinh, tốt cho sức khỏe; đối với người khác, ăn mặn là dinh dưỡng, bổ sung năng lượng.
Không thể muốn người khác phải sống theo ý nghĩ và tiêu chuẩn của mình, chúng ta không thể lấy thước của mình đi đo lường lòng người khác, lấy tiêu chuẩn của mình đi đánh giá người khác.
Nào ai lấy thước mà đo lòng người. Lòng người khó đo, tuy nhiên, chúng ta có thể kiểm soát cây thước của mình, nhận thức được sự cố chấp, quá chủ quan của mình sẽ mang lại ảnh hưởng thế nào trong cuộc sống. Nếu suy nghĩ ra lẽ, chúng ta sẽ tự gánh lấy trách nhiệm, không trút lỗi cho người khác, đồng thời tránh được nhiều mâu thuẫn có thể xảy ra trong sinh hoạt hằng ngày.
Thánh Hiền nói: "Khoan dĩ đãi nhân, nghiêm dĩ luật kỷ" (寬以待人,嚴以律己), có nghĩa là khoan dung với người, nghiêm khắc với mình.
"Làm người phải sống thẳng ngay,
Đừng như con bướm đậu bay vô tình.
Sống sao thật với lòng mình,
Chân thành hòa thuận người người mến thương.
Hạnh phúc không tại viễn phương,
Thước lòng mở rộng con đường thênh thang"
Trường
08-18-2021
No comments:
Post a Comment