11/12/23

Nhìn Lại Tài Tử Kim Vui - Điện ảnh miền Nam trước 1975

 


Khi nhắc về những mỹ nhân tuyệt sắc của nền điện ảnh miền Nam trước 1975, nhiều người không thể quên được tài tử Kim Vui, người được mệnh danh là một “Elizabeth Taylor của Việt Nam.”

Nếu nói về vẻ đẹp “bốc lửa” nhất của các minh tinh điện ảnh Sài Gòn thì người được cho là nóng bỏng nhất chính là tải tử điện ảnh Kim Vui, cũng là người phụ nữ Miền Nam Việt Nam đầu tiên mặc “bikini” xuất hiện trên màn ảnh lớn. Kim Vui đóng phim không nhiều. Cả sự nghiệp điện ảnh của cô chỉ xuất hiện trong một vài cuốn phim nên chưa có thể sánh với những minh tinh danh tiếng như Kiều Chinh, Thẩm Thuý Hằng, Thanh Nga hay Kim Cương. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Lâm, thì chỉ cần một vai nữ ca sĩ nhạc “Jazz” luỵ tình trong phim “Chân Trời Tím” xuất hiện bên cạnh Hùng Cường, tên tuổi của Kim Vui đã toả sáng rực rỡ.

Kim Vui đã đoạt giải nữ diễn viên 
xuất sắc nhất của giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 1970 của phủ Tổng thống tổ chức, và đích thân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã trao tặng Kim Vui tượng vàng trong đêm liên hoan trao giải tại dinh Độc Lập.

Kim Vui có một nhan sắc và thân hình quyến rũ và cũng được so sánh với cô đào khả ái người Ý là Sophia Loren. Giới ký giả Sài Gòn cũng gọi Kim Vui là “Người phụ nữ hấp dẫn nhất của Sài Gòn thập niên 60-70.”

Theo tác giả Lê Hồng Lâm ghi lại trong cuốn sách biên khảo 
mang tựa đề “Người Tình Không Chân Dung,” thì nghệ sĩ Kim Vui có tên khai sinh là Nguyệt Chiếu (tức mặt trăng toả sáng) – một cái tên rất hay và ý nghĩa. Vì cha mẹ cô sống với nhau không hạnh phúc nên gia đình lâm vào khó khăn và Kim Vui phải đi làm và bước chân vào lĩnh vực giải trí rất sớm. Từ khi cón nhỏ, Kim Vui bắt đầu theo học với cố nghệ sĩ Ngọc Đức, và Kim Vui cũng được học môn vũ “Ballet.” Sau đó Kim Vui được danh ca Minh Trang khuyến khích đi hát. Minh Trang cũng là người đặt cho cô nghệ danh là Kim Vui, với mong muốn là cuộc đời sẽ luôn gặp suôn sẻ, nhiều niềm vui. Tuy vậy, Kim Vui lại thừa nhận:

“Cuộc đời của tôi lại buồn nhiều hơn vui.” 

Vì học vũ “Ballet” từ nhỏ, rồi sau đó chuyển sang “Belly Dance” nên thời trẻ Kim Vui đã có được một vóc dáng gợi cảm và quyến rũ. Năm 17 tuổi, cô tham gia cuộc thi hát ở đài Pháp Á và sau đó được giám đốc là ông Hoàng Cao Tăng mời hợp tác với đài. Cô chính thức trở thành ca sĩ và nhanh chóng nổi tiếng.

Ngoài hát nhạc Việt. Kim Vui còn hát nhạc Anh, Pháp, Ý. Mỗi tối đi diễn ở 10-12 phòng trà khác nhau, tên tuổi Kim Vui nổi lên như một hiện tượng đợt sóng mới của tân nhạc.

Về giọng hát của Kim Vui, nhà văn Hồ Trường An nhận xét:
“Kim Vui có giọng tốt, làn hơi mượt mà, kỹ thuật già dặn, cách ngân nga tuyệt vời. Đó là một giọng hát trong trẻo, thanh tao.”Có lẽ trong hàng ngũ các nữ ca sĩ, các nữ kịch sĩ, các nữ minh tinh màn bạc, Kim Vui đẹp bốc lửa nhất và đa tài đa diện nhất.”

Nhà văn Hồ Trường An cũng nói về ngoại hình của cô như sau:
“Kim Vui mặc áo dài thì áo dài phải mang ơn chị, vì nhờ chị mà áo mới đạt được cái đẹp trong công việc nâng ngực bó eo người mặc, với lồng lộng những nét tròn mê hoặc. Kim Vui mặc áo đầm hở vai mầu đỏ, và mang găng đen dài quá khửu tay, trông chị bốc lửa như Rita Hayworth trong phim Gilda.”

Từ sau lĩnh vực ca hát, Kim Vui bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực sân khấu và điện ảnh, tuy có hơi muộn. Ban đầu cô đóng một vài vai phụ trong những vở thoại kịch của đoàn kịch Kim Cương, nhưng không để lại nhiều ấn tượng. Đến cuối thập niên 1960, Kim Vui mới thử sức với lĩnh vực điện ảnh trong các bộ phim

“Thương Hận,” “Phản Bội,” “Cúi Mặt”… nhưng vẫn không để lại nhiều tiếng tăm. Một cơ may đến với Kim Vui khi cô được đạo diễn Lê Hoàng Hoa mời đóng vai chính trong phim “Chân Trời Tím” cùng với Hùng Cường. Có người nói rằng ban đầu đạo diễn đã mời Thẩm Thuý Hằng, nhưng người đẹp này từ chối vì không muốn đóng chung với một kép cải lương là Hùng Cường, nên Kim Vui được chọn để thay thế. Cũng từ bộ phim này, Hùng Cường và Kim Vui đều trở thành một hiện tượng mới rất rầm rộ trong làng điện ảnh Miền Nam đầu thập niên 1970.

Trong phim “Chân Trời Tím,” dù thời lượng của Kim Vui xuất hiện trong phim không nhiều bằng Hùng Cường, nhưng cô lại nhận được nhiều lời khen ngợi hơn do lối diễn xuất tự nhiên và chân thật. Một điều thú vị là Kim Vui và Hùng Cường từng là bạn học trường đạo từ thuở còn nhỏ. Phim “Chân Trời Tím” khởi chiếu năm 1970 và gây nên một cơn sốt với số vé vào cửa bán được rất hiếm có tại Miền Nam.

Tuy nhiên sau thành công với phim này, Kim Vui lại giã từ điện ảnh vì bận việc kinh doanh. Lúc đó cô phải lo lắng cho những người con đang tuổi ăn học nên không có thời gian quan tâm đến sự nghiệp riêng. Không như phần lớn ca sĩ hay minh tinh tài tử khác trong làng nghệ thuật, thu nhập chủ yếu từ ca hát và diễn xuất, thì Kim Vui rất giỏi trong việc kinh doanh. Vừa là mẹ đơn thân lo cho con, lại phải lo kinh doanh cho hãng thu thanh riêng mang tên Kim Vui và cả công việc ở nhà in. Cô đành từ chối các lời mời đóng phim. Ngoài ra, trong cùng năm 1971, Kim Vui lên xe hoa lần thứ 2 cùng với một người Mỹ tên là Robert E. Henry. Năm 1972, Kim Vui theo chồng sang sinh sống và kinh doanh ở đảo Guam; Ở đây thỉnh thoảng cô cũng đi hát ở một vài “Night Club” cho đỡ nhớ nghề, nhưng cũng chỉ là công việc văn nghệ cho vui.

Sau tháng 4 năm 1975, Kim Vui chuyển sang sinh sống tại Mỹ, rồi sang châu Phi kinh doanh, làm chủ một hãng xuất nhập cảng gỗ. Cô nói rằng phải bận rộn công việc kinh doanh như vậy vì muốn lo cho con cái thành đạt:
“Tôi kiếm được rất nhiều tiền nhưng cũng rất gian khổ. Đàn bà có lẽ không ai muốn làm như vậy cả, nhưng vì con cái thì khổ mấy tôi cũng không từ nan…”

(Kim Vui – Trích trong cuốn “Người Tình Không Chân Dung” – tác giả Lê Hồng Lâm)

11/10/23

Tiết Trọng Thu - Cúc Hoa

 




Cúc Hoa
Huyền Quang

菊 花

忘 身 忘 世 已 都 忘
坐 久 茫 然 一 塌 涼
歲 晚 山 中 無 歷 日
菊 花 開 處 即 重 陽

玄光禪師

Cúc Hoa

Vong thân vong thế dĩ đô vong
Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương
Tuế vãn sơn trung vô tích nhật
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương

Huyền Quang Thiền Sư (1)



Bản dịch của Trần Quốc Bảo

Cúc Hoa

Không thân không thế ấy không lường
Ngồi lạnh trầm tư giữa một giường
Trong núi năm cùng ngày chẳng biết
Cúc hoa nở, báo tiết Trùng dương (2)

Trần Quốc Bảo


(1) Huyền Quang là một Vị Cao Tăng (Thiền Sư). Sinh thời vào đời Nhà Trần (1225-1400) - Sư người làng Vạn-tải, đất Vũ-Ninh (nay là Gia-bình, Bắc-Ninh), lên 9 tuổi đã biết làm thơ văn. 19 tuổi đi tu. Sư Huyền Quang là Tổ thứ 3 của Phái Trúc-lâm ở nước ta.
(2) Trùng dương là ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch (còn gọi là Trùng cửu).
Năm nay, ngày Trùng dương, 9/9 ; nhằm (dương lịch) ngày 23 October 2023 mới vừa qua.

11/9/23

Điều nên biết về Cellular Phone

Điện thoại cầm tay (Mobil phone, Cellular phone) hiện nay là một vật dụng rất cần thiết của mọi giới từ quý vị con nít tới quý cụ bô lão tại bất cứ chỗ nào vào bất cứ lúc nào, ngay cả lúc đang lái xe rất nguy hiểm .Tuy nhiên rất ít ai biết rằng công ty điện thoại KHÔNG có ý định muốn giúp bạn để ngăn chặn sự thiệt hại một khi bạn lỡ đánh mất cái cellular phone của mình.
Đôi khi bạn tưởng mình chỉ cần biết cái Account Number hoặc cái SIM Number là đủ.
Nên biết rằng có thể công ty điện thoại CÓ cách ngăn chặn, nhưng họ GIẢ BỘ không biết NẾU bạn không khai báo được con số cần nhất là số đăng bộ (Serial Number) của cái điện thoại đã mất.

Lý do đơn giản là đằng nào thì họ cũng có lợi:

1. Dĩ nhiên là vì nhu cầu, bạn sẽ phải mua một cái phone khác và ghi danh vào một chương trình (Plan) khác chứ không thể xử dụng Plan cũ được và như vậy, hãng điện thoại sẽ có thêm tiền cho một account mới.

2. Họ không cần biết bạn xài hay kẻ cắp xài bởi vì căn cứ vào cái hợp đồng mà bạn đã ký với họ ngay khi nhận điện thoại thì bạn vẫn phải trả tiền cho đủ 24 tháng sau mới được THA, đó là chưa kể tới trường hợp kẻ gian xử dụng tối đa số phút và bạn sẽ là người trả tiền .

Phương cách đơn giản nhất để ngăn chặn kẻ gian không thể xử dụng cái điện thoại của bạn như sau:
- Mỗi máy điện thoại có một số đăng bộ (Serial Number) RIÊNG (khác với con số Account Number).
Bạn cần phải biết con số này (gồm 15 con số)
- Muốn biết con số này, bạn hãy dùng cellular phone của bạn, bấm vào 5 chữ số sau :
*#06# thì sẽ thấy một hàng gồm 15 con số sẽ hiện ra.
- Hãy ghi lại và giữ kỹ hàng số này để xử dụng khi cần.
- Hy vọng rằng bạn sẽ cẩn thận, nhưng nếu bị mất Cellular phone, bạn chỉ cần đưa số này cho người bán Cellular phone, họ sẽ BLOCK được kẻ gian ( dù kẻ gian có thể thay cái SIM Card mới ) cũng không thể dùng cái Cellular phone đã mất của bạn.

BN (Sưu tầm)

Đọc thêm:

Find Your Phone with IMEI Number:

IMEI number is a specific code every mobile device possesses. It is the International Mobile Equipment Identity of your device. Using IMEI code is the best way to find your lost Android phone without the help of any mobile tracker app. For that, you need the assistance of your network provider and law enforcement agencies.

· How you can find the IMEI number of your phone?

It’s simple.

IMEI Tracker is the best option if you want to find ways to track your lost phone with IMEI Number. IMEI number is written on the packaging of your device. If not there, you can find and secure your IMEI number beneath the mobile battery area. Just remove the battery and note the IMEI number written in the inner part of your mobile phone.

Another way to find a cell phone IMEI number is by dialing *#06# from your mobile phone and it will get displayed on your screen. Note it from there and secure it.

You can also find your Android phone IMEI number from the “About Phone” description from the Settings. For that follow this, Settings> About Phone> Status, and fetch the IMEI number from there.

· Find Your Lost Android Phone with IMEI Number:

Once you obtain your phone’s IMEI number, you secure its future. In case of theft, robbery, or misplacement, you can easily find your phone location by entering your IMEI number into any online IMEI search portal. Or, you can contact law enforcement agencies to help you locate your phone.

11/8/23

Mạng cáp quang dưới lòng Bắc Băng Dương : Nga mời Trung Quốc nhập cuộc

Nghe phầm âm thanh: 


Thế giới rồi đây sẽ sử dụng Internet của Trung Quốc ? Trong cuộc chiến về công nghệ với Hoa Kỳ, Trung Quốc được Nga hậu thuẫn để xây dựng hệ thống cáp quang dưới lòng Bắc Băng Dương, thực hiện tham vọng Con Đường Tơ Lụa Mới Digital. Trong thời đại công nghệ số và các hoạt động gián điệp phổ biến, để mở rộng ảnh hưởng và thay thế Mỹ làm chủ mạng internet toàn cầu trong thế kỷ 21, Bắc Kinh muốn kiểm soát « xa lộ thông tin » từ Bắc Cực.

Ảnh minh họa: Nhờ dịch vụ của công ty Pháp, các tài của Công ty Vận tải Bắc cực được kết nối dọc theo Đường Biển Bắc. © AFP/Orange Business Services

Vì sao Bắc Cực trở thành một mặt trận trong cuộc chiến công nghệ digital Mỹ -Trung ? Bắc Kinh tính toán những gì và đã được Nga hậu thuẫn như thế nào ? RFI tiếng Việt mời chuyên gia về hệ thống cáp quang dưới lòng biển, Michael Delaunay, giảng dậy tại đại học Versailles - Saint Quentin en Yvelines trả lời các câu hỏi trên. Các công trình nghiên cứu của giáo sư Delaunay tập trung vào Bắc Cực và ông là tác giả bài tham luận mang tựa đề : Con Đường Tơ Lụa Kỹ Thuật Số, công cụ để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng, kể cả tại Bắc Cực. Bài viết đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Quốc Tế - Tập 51, số 1/2020.
..........

Đọc bài viết trên RFI tiếng Việt:

11/7/23

Mỹ lẳng lặng chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho Đài-loan

Bản tiếng Anh:  https://www.bbc.com/news/world-asia-67282107

November 05, 2023

By Rupert Wingfield-Hayes

BBC News, Taiwan

Dịch và bổ sung cước chú: Phạm Văn Bân, Fàn Wénbīn范文彬, November 06, 2023


Đài Loan dưới thời Tổng thống Thái Anh Văn đã lên tiếng nhiều hơn về liên minh với Mỹ

Gần đây, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký khoản tài trợ $80 triệu đô-la cho Đài-loan để mua thiết bị quân sự của Mỹ thì Trung quốc nói họ “lấy làm tiếc và phản đối” những gì Washington đã làm.

 

Đối với người quan sát ngẫu nhiên, khoản tài trợ này không có vẻ là một khoản tiền quá lớn. Nó tốn ít hơn giá của một chiếc máy bay chiến đấu tân tiến. Đài-loan đã đặt mua thiết bị quân sự của Mỹ trị giá hơn 14 tỷ USD. Liệu $80 triệu đô-la khốn khổ này có quan trọng hơn không?

 

Trong khi sự giận dữ là phản ứng đương nhiên của Bắc-kinh đối với bất cứ hỗ trợ quân sự nào dành cho Đài-loan, nhưng lần này có điều gì đó khác biệt.

 

$80 triệu đô-la không phải là một khoản cho vay. Nó là tiền của những người nộp thuế ở Mỹ. Đây là lần đầu tiên sau hơn 40 năm, Mỹ dùng tiền riêng để gửi vũ khí đến một nước mà Mỹ không chính thức công nhận. Chuyện này đang xảy ra theo một chương trình gọi là tài trợ quân sự ngoại quốc (foreign military finance/FMF).

 

Kể từ khi Nga xâm lăng Ukraine vào năm ngoái, FMF đã được dùng để gửi khoảng 4 tỷ USDviện trợ quân sự cho Kyiv. FMF đã được dùng để gửi thêm hàng tỷ USD đô-la cho Afghanistan, Iraq, Israel và Egypt, v.v. Nhưng cho đến nay FMF chỉ được trao cho các nước hoặc tổ chức được Mỹ công nhận. Đài-loan thì Mỹ không công nhận.

 

Sau khi Mỹ chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài-loan sang Trung quốc vào năm 1979, Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho hòn đảo này theo các điều khoản của Taiwan Relations Act/Đạo luật Quan hệ Đài-loan. [1] Điểm then chốt là bán vừa đủ vũ khí để Đài-loan có thể tự vệ trước cuộc tấn công có thể xảy ra của Trung quốc, nhưng không quá nhiều đến nỗi tạo ra bất ổn cho mối quan hệ giữa Washington và Bắc-kinh. Trong nhiều thập niên, Mỹ đã dựa vào điều gọi là sự mơ hồ về chiến lược này/strategic ambiguity để giao dịch buôn bán với Trung quốc, đồng thời vẫn là đồng minh trung thành nhất của Đài-loan.


Nhưng trong thập niên qua, cán cân quân sự dọc Eo biển Đài-loan đã nghiêng hẳn về phía có lợi cho Trung quốc. Công thức cũ không còn hiệu quả nữa. Washington khẳng định mạnh mẽ rằng chính sách của họ không thay đổi, nhưng theo những cách quan trọng thì có. Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhanh chóng bác bỏ ý nghĩ cho rằng FMF có ngụ ý công nhận Đài-loan. Nhưng tại Đài-bắc, rõ ràng là Mỹ đang tái xác định mối quan hệ với hòn đảo này, đặc biệt là do Washington đang thúc đẩy Đài-loan tái vũ trang một cách khẩn cấp.

 

Và Đài-loan, quốc gia không thể so nổi với Trung quốc, cần sự giúp đỡ.

 

Vương Định-vũ/Wang Ting-yu,[2] một nhà lập pháp của đảng cầm quyền có quan hệ mật thiết với Tổng thống Đài-loan Thái Anh-văn, và với các lãnh đạo Quốc hội Mỹ, nói: “Mỹ đang nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết cần phải cải tiến năng lực quân sự của chúng tôi. Họ đang gửi một thông điệp rõ ràng về chiến lược đến Bắc-kinh rằng chúng tôi sát cánh cùng với nhau.”

 

Ông nói rằng $80 triệu đô-la chỉ là phần nổi của một tảng băng rất lớn, và lưu ý rằng vào tháng Bảy (July), Tổng thống Biden đã dùng quyền tùy nghi để phê duyệt việc bán các dịch vụ và thiết bị quân sự trị giá 500 triệu đô-la cho Đài-loan. Ông Vương nói Đài-loan đang chuẩn bị gửi hai tiểu đoàn bộ binh tới Mỹ để được huấn luyện, lần đầu tiên điều này xảy ra kể từ thập niên 1970s.

 

Nhưng điều then chốt là tiền, theo ông thì khởi đầu có thể lên tới 10 tỷ triệu đô-la trong 5 năm tới.

 

Lại Di-trung/I-Chung Lai,[3] chủ tịch Hội Viễn-cảnh Cơ-kim [4], một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Đài-bắc, nói rằng các thỏa thuận liên quan đến thiết bị quân sự có thể mất tới 10 năm. “Nhưng với FMF, Mỹ đang gửi vũ khí trực tiếp từ kho của Mỹ và đó là tiền của Mỹ - vì vậy chúng tôi không cần phải trải qua toàn bộ diễn trình phê chuẩn.”

 

Điều này rất quan trọng căn cứ vào một Quốc hội bị chia rẽ đã trì hoãn hàng tỷ đô-la viện trợ cho Ukraine, mặc dù Đài-loan rõ ràng nhận được nhiều ủng hộ của lưỡng đảng hơn. Nhưng cuộc chiến tại Gaza chắc chắn sẽ hạn chế nguồn cung cấp vũ khí của Mỹ cho Đài-bắc, cũng như cuộc chiến ở Ukraine. Tổng thống Biden đang tìm kiếm viện trợ chiến tranh cho Ukraine và Israel, trong đó bao gồm cả nhiều tiền hơn cho Đài-loan.

 

Hỏi Bộ Quốc phòng tại Đài-bắc tiền Mỹ sẽ được dùng vào mục đích gì, và câu trả lời là một nụ cười hiểu-biết và đôi môi mím thật chặt.

 

Nhưng Dr. Lại nói rằng có thể đưa ra những phỏng đoán có căn cứ: Hỏa tiễn phòng không Javelin và Stinger - hai vũ khí hiệu quả rất cao mà các lực lượng có thể học cách dùng một cách nhanh chóng.

 

Ông nói: “Chúng tôi không có đủ hỏa tiễn và chúng tôi cần rất nhiều. Tại Ukraine, Stingers đã dùng cạn rất nhanh và cách Ukraine dùng chúng cho thấy chúng tôi cần gấp 10 lần số lượng mà chúng tôi hiện có.

Đài-loan, một đảo tự trị, đối diện nguy cơ bị Trung quốc sáp nhập

Đánh giá của các người quan sát lâu năm rất thẳng thắn: hòn đảo này thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với một cuộc tấn công của Trung quốc.

 

Danh sách của các vấn đề rất dài. Quân đội Đài-loan có hàng trăm xe tăng chiến đấu cũ kỹ, nhưng lại có quá ít hệ thống hỏa tiễn hạng nhẹ tân tiến. Cơ cấu chỉ huy, chiến thuật và học thuyết quân đội của nước này đã không được cập nhật trong nửa thế kỷ qua. Nhiều đơn vị tiền tuyến chỉ có 60% nhân lực lẽ ra phải có. Các hoạt động phản gián của Đài-loan ở Trung quốc được cho là không tồn tại và hệ thống trưng binh của nước này bị hỏng bét.

 

Năm 2013, Đài-loan đã giảm nghĩa vụ quân sự từ một năm xuống chỉ còn 4 tháng, trước khi khôi phục lại thành 12 tháng, một động thái sẽ có hiệu lực vào năm tới. Nhưng có các thách thức lớn hơn. Những thanh niên đã trải qua gọi đùa là “trại nghỉ hè.”

 

Một người mới tốt nghiệp nói: “Không có huấn luyện thường xuyên. Chúng tôi đến trường bắn khoảng hai tuần một lần và dùng những khẩu súng cũ từ thập niên 1970s. Chúng tôi quả đã bắn vào các mục tiêu. Nhưng không có hướng dẫn thích đáng về cách nhắm bắn như thế nào, vì vậy mọi người cứ bắn trượt. Chúng tôi không tập luyện gì cả. Cuối cùng có bài thi về thể lực, nhưng chúng tôi không chuẩn bị gì cho cuộc thi này.”

 

Anh mô tả một hệ thống trong đó các chỉ huy quân đội cấp cao nhìn những thanh niên này với thái độ hoàn toàn thờ ơ và không hề quan tâm đến việc huấn luyện họ, một phần vì họ sẽ chỉ ở đó trong một thời gian ngắn.

 

Tại Washington có cảm giác mạnh mẽ rằng Đài-loan đang sắp hết thời gian để cải tổ và xây dựng lại quân đội. Vì vậy, Mỹ cũng đang bắt đầu tái huấn luyện quân đội Đài-loan.

 

Trong nhiều thập niên, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của hòn đảo này tin tưởng rất nhiều rằng việc xâm chiếm hòn đảo này là cực kỳ khó khăn và nguy hiểm đối với Trung quốc. Giống như Anh, Đài-loan ưu tiên phát triển lực lượng hải quân và không quân - thay vì cho bộ binh.

 

Dr. Lại nói: “Quan điểm là giao chiến với chúng ở Eo biển Đài-loan và tiêu diệt chúng trên bãi biển. Vì vậy, chúng tôi đầu tư rất nhiều nguồn lực vào việc phòng thủ trên không và trên biển”.

Ưu điểm lớn nhất của Đài-loan là hòn đảo có địa hình đồi núi

Nhưng hiện nay Trung quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và lực lượng không quân vượt trội hơn rất nhiều. Một cuộc thao diễn trò-chơi-chiến-tranh do một tổ chức nghiên cứu tiến hành năm ngoái tìm thấy rằng trong một cuộc xung đột với Trung quốc, lực lượng hải quân và không quân của Đài-loan sẽ bị xóa sổ trong vòng 96 giờ đầu tiên của trận chiến.

 

Dưới áp lực mạnh mẽ từ Washington, Đài-bắc đang chuyển sang chiến lược “fortress Taiwan/pháo đài Đài-loan” để sẽ khiến cho hòn đảo này trở nên vô cùng khó khăn để Trung quốc chinh phục.

 

Trọng tâm sẽ chuyển sang lực lượng trên đất liền, bộ binh và pháo binh - đẩy lùi cuộc xâm lăng trên các bãi biển, và, nếu cần thiết, giao chiến với Quân đội Giải phóng Nhân dân (People's Liberation Army/PLA) tại các thị trấn và thành phố, và từ các căn cứ nằm sâu trong vùng núi phủ đầy rừng rậm của hòn đảo. Nhưng điều này đặt lại trách nhiệm bảo vệ Đài-loan cho một quân đội đã lỗi thời của nước này.

 

Dr. Lại nói: “Sau khi Mỹ cắt đứt quan hệ vào năm 1979, quân đội của chúng tôi gần như bị cô lập hoàn toàn. Vì vậy, họ bị mắc kẹt trong học thuyết quân sự của Mỹ vào thời Chiến tranh Việt Nam.”

 

Điều này không làm cho Đài-bắc hay Washington lo lắng mãi cho đến gần đây. Qua hai thập niên 1990s và 2000s, các công ty Đài-loan và Mỹ đã xây dựng nhà máy trên khắp Trung quốc. Bắc-kinh vận động hành lang để gia nhập World Trade Organization/Tổ chức Thương mại Thế giới - và đã làm được. Thế giới đón nhận kinh tế Trung quốc, và Mỹ nghĩ rằng thương mại và đầu tư sẽ bảo đảm hòa bình ở Eo biển Đài-loan.

 

Nhưng sự nổi lên của Tập Cận-bình, và chủ trương chủ nghĩa dân tộc của ông, và việc Nga xâm lăng Ukraine đã phá hủy hoàn toàn  những giả sử thoải mái đó.

 

Đối với Đài-loan, những bài học từ cuộc xâm lăng tại Ukraine đã gây sốc. Pháo binh đã khống chế trận địa - pháo binh có tốc độ bắn rất cao và độ chính xác khủng khiếp. Các nhóm lính người Ukraine biết rằng họ phải dời đi sau khi bắn một loạt đạn pháo - nếu không trong vòng vài phút, “hỏa lực phản công” của Nga sẽ trút xuống vị trí của họ như mưa.

 

Nhưng nhiều binh sĩ pháo binh của Đài-loan được trang bị với các loại súng thời Chiến tranh Việt Nam hoặc ngay cả thời Thế chiến II. Súng được nạp đạn theo cách thủ công, di chuyển khó khăn và chậm. Chúng sẽ dễ bị tấn công. 


Điểm dễ bị tổn thương của Đài-loan là đang buộc Washington phải hành động. Đó là lý do tại sao lực lượng trên-mặt-đất của Đài-loan được phái đến Mỹ để được huấn luyện và các huấn luyện viên của Mỹ cũng đến Đài-bắc để phối hợp với thủy quân lục chiến và lực lượng đặc biệt của Đài-loan.


Quân đội Đài-loan phần lớn không thể so nổi với Trung quốc

Nhưng William Chung, một nghiên cứu gia tại Institute for National Defence and Security Research/Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia tại Đài-bắc, nói rằng Đài-loan vẫn không thể hy vọng tự mình ngăn chặn được Trung quốc. Đây là bài học khác từ cuộc chiến ở Ukraine.

 

Ông nói: “Cộng đồng quốc tế phải quyết định liệu Đài-loan có quan trọng hay không. Nếu G7 hoặc NATO nghĩ rằng Đài-loan quan trọng cho ích lợi của họ thì chúng ta phải quốc tế hóa tình hình Đài-loan - bởi vì đó là điều sẽ khiến Trung quốc phải suy nghĩ kỹ về cái giá phải trả.”

 

Dr. Chung nói rằng động thái của Trung quốc đã vô tình giúp Đài-loan làm được điều đó. Ông nói: “Trung quốc đang cho thấy họ theo chủ nghĩa bành trướng tại South China Sea và East China Sea. Và chúng ta có thể thấy kết quả tại Nhật, nơi ngân sách quân sự hiện đang tăng gấp đôi.”

Ông nói kết quả là việc định hình lại các liên minh trong khu vực - cho dù đó là hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Mỹ, Nhật và Nam Hàn, tầm quan trọng ngày càng tăng của các liên minh quân sự như Quad (Nhật, Mỹ, Úc và Ấn-độ) và Aukus (Anh, Mỹ và Úc) đang chạy đua chế tạo tàu ngầm thế hệ tiếp theo chạy-bằng-năng-lượng-hạch-nhân, hay mối tương quan chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Philippines.

 

Ông nói: “Trung quốc đang cố gắng thay đổi hiện trạng trên toàn khu vực. [Và điều đó] có nghĩa là an ninh Đài-loan được kết nối với  Biển Đông và Biển Hoa Đông. Điều đó có nghĩa là chúng tôi không còn bị cô lập nữa.”

 

Hiện đang có cuộc tranh luận gay gắt ở Washington về việc Mỹ nên hỗ trợ Đài-loan đến mức nào. Nhiều quan sát gia Trung quốc lâu-năm nói rằng bất cứ cam kết công khai nào từ phía Mỹ đều sẽ khiêu khích Bắc-kinh hơn là răn đe. Nhưng Washington cũng biết rằng Đài-loan không thể hy vọng tự vệ một mình.

 

Như một quan sát gia Trung quốc lâu-năm nói: “Chúng ta cần giữ im lặng trước toàn bộ vấn đề của sự mơ hồ về chiến lược, trong khi chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho Đài-loan”.



Chú thích:

[1] Đạo luật Quan hệ Đài Loan/Taiwan Relations Act/TRA, ban hành ngày April 10, 1979, là một đạo luật của Quốc hội Mỹ. Kể từ khi chính thức công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, TRA xác định mối quan hệ chính thức về mặt thực chất nhưng phi-ngoại-giao giữa Mỹ và Đài-loan.
TRA yêu cầu Mỹ phải có chính sách “cung cấp cho Đài-loan vũ khí có tính chất phòng thủ,” và “duy trì khả năng của Mỹ để chống lại bất cứ biện pháp sử dụng vũ lực hoặc các hình thức ép buộc nào khác có thể gây nguy hiểm cho an ninh, hoặc hệ thống kinh tế hoặc xã hội của dân Đài-loan.”

[2] Vương Định-vũ/Wang Ting-yu 王定宇 Chính trị gia Đài Loan. một nhà lập pháp của đảng cầm quyền có quan hệ mật thiết với Tổng thống Đài-loan Thái Anh-văn, và với các lãnh đạo Quốc hội Mỹ,

[3] Lại Di-trung/I-Chung Lai.賴怡忠 . Chủ tịch Viễn-cảnh Cơ-kim Hội, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Đài-bắc.

[4] Viễn-cảnh Cơ-kim Hội:[Yuǎnjǐng jījīn huì] 遠景基金會.

11/3/23

Đừng Cười Tôi Nghe Nhạc "Sến"

 Dạo:

    Theo dòng nhạc "sến" ngân nga,

Ngậm ngùi nhớ đến quê nhà năm nao.

 

Cóc cuối tuần:

 

  Đừng Cười Tôi

                   Nghe Nhạc "Sến"

                          (Cho người, cho ta, cho người ta)

 

Này người hỡi, đừng mỉm cười châm biếm,

Khi nhìn tôi nghe nhạc "sến" say sưa,

Gửi hồn về những ngày tháng xa xưa,

Lúc đất nước ta chưa thành địa ngục.

 

Tôi xui xẻo, Trời không ban cho phúc

Được học hành, thành "trí thức" như ai,

Nên xin người đừng dè bỉu chê bai,

Hãy cho phép tôi dông dài giây lát.

                      x

                 x        x       

Có gì "sến" trong trăm ngàn khúc hát,

Mà từng lời bát ngát đượm tình quê,

Và từng câu luôn nhắc nhở tôi về

Một nơi chốn đà muôn bề xa cách?

 

Có gì "sến" với mối tình trong sạch

Của chàng trai đang cắp sách đến trường.

Thoáng nhìn ai mà lòng dạ vấn vương,

Giờ tan học trên đường về lẽo đẽo?

 

Có gì "sến" khi hè vừa bén nẻo,

Đám học trò buồn héo hắt chia tay,

Đứa thị thành, đứa trôi giạt chân mây,

Năm tới biết ai còn quay trở lại?

 

Có gì "sến" chuyện những người con gái,

Kẻ đưa đò, kẻ náu tại rừng sâu,

Trót yêu nên phải mang nặng khối sầu,

Chết hay sống vẫn buồn đau duyên số?

 

Có gì "sến" trong muôn vàn cảnh khổ,

Lớp nhớ về một thành phố mưa bay,

Lớp đêm dài cùng chim sắt rẽ mây,

Lớp men lối biệt ly đầy cay đắng?

 

Có gì "sến" trên sân ga quạnh vắng,

Những chiều buồn gội nắng đợi người xưa,

Nhưng qua rồi chẳng biết mấy mùa mưa,

Mà bóng dáng ai kia chưa về được?

 

Có gì "sến" khi vì lòng yêu nước

Vạn chàng trai phải cất bước lên đường,

Bỏ phố phường, gác lại chuyện yêu đương,

Sẵn sàng đổ máu xương nơi tiền tuyến?

 

Có gì "sến" khi những người lính chiến,

Phải đương đầu nguy hiểm chốn rừng sâu,

Mắt đăm đăm nhìn ánh lửa hỏa châu,

Miệng lẩm bẩm không ngừng câu đoàn tụ?

 

Có gì "sến" với người theo đội ngũ

Lội bùn dơ, lam lũ khắp chiến trường,

Nhưng đêm ngày vẫn nghĩ tới người thương

Quay quắt nhớ màu sương nơi quê cũ?

 

Có gì "sến" với cảnh người chinh phụ,

Năm canh khuya mất ngủ nhớ thương chồng,

Miệt mài ngồi đan áo ở bên song,

Cho chồng được ấm lòng khi giữ nước?

                      x

                 x        x       

Người ơi chẳng bao giờ tìm lại được,

Thời vàng son của ngày trước Bảy Lăm,

Với hàng ngàn ca khúc của Miền Nam

Mà nhựa sống còn miên man tuôn chảy.

 

Người có thấy những bài ca ngày ấy,

Lời nhiều khi không bóng bảy văn chương,

Nhưng chính là hình ảnh của quê hương,

Thuở chưa chịu cảnh đoạn trường khốn khó?

 

Quê hương đó, là nỗi buồn phượng đỏ,

Là nhịp đàn khúc tân cổ giao duyên,

Là bước chân ngoài phố lúc nửa đêm,

Là nhức nhối triền miên nơi gác trọ,

 

Là ánh mắt mãi trông chờ đầu ngõ,

Là tiếng chuông, tiếng gió, tiếng nguyện cầu,

Là cành sim tim tím chốn rừng sâu,

Là chiếc bóng cây cầu đà gãy đổ,

 

Là day dứt nhìn cơn mưa tỉnh nhỏ,

Là nỗi vui vườn Tao Ngộ cuối tuần,

Là poncho, là mưa nắng hành quân

Là hạnh phúc của những lần đi phép...

 

Dù số mệnh Miền Nam giờ đã khép,

Những bài ca, hình ảnh đẹp tuyệt vời,

Những cung sầu, những xúc cảm đầy vơi,

Những tình tự... sẽ muôn đời tồn tại.

                      x

                 x        x       

Người nếu nghĩ mình thượng lưu quý phái,

Hãy ngủ yên thoải mái giữa tháp ngà,

Mặc sức dùng kiến thức nhạc bao la

Để tán tụng những bài ca "sang cả".

 

Và nếu muốn, cứ âm thầm hể hả

Mỉa mai tôi dốt đặc chả biết gì,

Nhưng xin người hãy tạm ngoảnh mặt đi,

Hé mở chút tâm từ bi hỷ xả,

 

Cho tôi được, trong nắng chiều tơi tả,

Mắt mơ màng mà tấc dạ tái tê,

Tạm quên đi bước lữ thứ ê chề,

Nghe nhạc "sến" để nhớ về quê cũ.

                Trần Văn Lương

                  Cali, 11/2023