9/11/23

Người nhìn thấy trăng thật

  Nguyễn Quang Thiều

Đêm nay ra đê chơi chúng mày nhé. Đêm nay trăng đẹp lắm. Tiếng các cô gái làng đi làm đồng về qua ngõ vọng vào. Sơn chợt tỉnh. "Đêm nay có trăng". Tiếng thì thào của ký ức vọng về từ đâu đó. Sơn dò dẫm bước ra ngoài sân. Anh từ từ ngửa mặt lên trời. Trước mắt anh mênh mông một màu tối đục. Đã ba năm nay anh không nhìn thấy gì. Một trận ốm làm mắt anh lòa đi rồi dần dần tối lại. Cũng gần ba năm trước, các bác sĩ chuyên khoa mắt thực hiện cuộc phẫu thuật mắt cho anh, họ đã thất bại. Anh bỏ dở sự nghiệp học hành trở về quê. Nhiều lúc anh nghĩ đến cái chết. Anh quên mọi vui thú, mọi gặp gỡ, mọi trò chuyện."Đêm nay có trăng". Câu nói đó như một tiếng gọi. Nó thì thầm dẫn anh ra khỏi nhà. Anh lần ra đê và xuống bến sông. Gió hạ về đêm mát rượi thổi tung tóc anh. Anh ngước mắt lên lần nữa. Trời trong mắt anh tối thẫm. Anh bước đi chuếnh choáng. Anh đã thấy mình ở rất gần sông bởi hơi nước mát rượi trong gió. Anh như nghe thấy tiếng sông chảy. Tiếng chảy dịu dàng làm tan đi những mệt mỏi, u buồn. Anh cởi áo, bước từng bước xuống dòng sông. Nước sông đêm chầm chậm dâng lên trong cơ thể anh. Anh nhoài người bơi. Từ trên đê thoang thoảng vọng lại tiếng cười của các cô gái đi chơi trăng, hóng gió. Cứ thế, anh như tan vào nước sông và thênh thang trôi. Ý nghĩ và da thịt anh như mê man trong nước mát rười rượi và sự tĩnh lặng mênh mang của trời đất đầy trăng.

- Ai thế này?
Một tiếng con gái thảng thốt làm Sơn giật tỉnh. Anh dừng lại, ngơ ngác. Xung quanh anh trời đất mờ đen. Anh lặng lẽ khỏa nước đi về phía tiếng người vừa cất lên.
- Ai thế này? Người ta đang tắm mà cứ sấn đến làm gì?
Sơn chợt hiểu. Có một cô gái đang tắm đêm. Anh vừa thấy xấu hổ vừa thấy cay đắng. Anh vội nói:
- Xin lỗi cô. Tôi... tôi không nhìn thấy. Tối quá.
- Trăng vằng vặc thế này mà bảo tối. Giọng cô gái đầy vẻ tức giận.
- Tôi... tôi, tôi bị... hỏng mắt.
Dòng sông chợt lặng phắc như không còn một giọt nước sau câu nói của Sơn.
- Tôi xin lỗi anh - Giọng cô gái rất khẽ - Tôi không biết.
Dòng sông lại lặng phắc sau câu nói của cô gái.
- Con gái mà lại tắm đêm một mình thế này, không sợ à?
- Tôi thích thế. Mà có gì phải sợ.
- Cô ở trên xóm Sóc à?
- Vâng.
- Lâu lắm tôi mới lại tắm sông, đã gần ba năm nay rồi, từ ngày mắt tôi bị hỏng.
Sau câu nói đó, hai người cùng im lặng. Họ nghe thấy tiếng những giọt nước chảy từ tóc họ xuống mặt sông.
- Trăng đẹp lắm phải không cô?
- Vâng. Cô gái đáp sau hồi im lặng rất lâu.
- Cô có thể kể cho tôi nghe trăng đêm nay đẹp như thế nào. Ba năm nay, tôi không được nhìn thấy ánh sáng, nhất là thấy trăng. Trước mắt tôi là màn đêm dằng dặc. Nhiều lúc tôi nghĩ lấy dao rạch mắt thì tôi có thể nhìn thấy ánh sáng...
- Anh đừng nói dại mồm - Cô gái vội kêu lên.
- Cô kể cho tôi nghe đi!
Cô gái lại im lặng rất lâu. Cuối cùng cô nói khẽ:
- Vâng, tôi sẽ kể cho anh, nhưng kể như thế nào nhỉ? Hôm nay là mười ba, sắp rằm rồi, trăng đêm nay...

Sơn từ từ ngước lên. Gió đêm như lòng sông thức dậy và khẽ rướn mình. Bầu trời mênh mang! Trăng như đang trôi miên man. Và hình như có những âm thanh như tiếng những chiếc chuông bạc, chuông vàng mỏng tang đang trôi bất tận không bờ bến. Sông như không còn đôi bờ đất nữa. Nước sông như dâng ngập cả đất trời hay đó là ánh trăng chảy giàn giụa xóa đi mọi giới hạn. Những lá cỏ bên bờ sông kia kìa. Chúng đang hắt những tia sáng trong vắt. Và xa hơn một chút là những vòm cây như những vòm ánh sáng xanh mơ màng và run rẩy. Và xa nữa là dãy núi. Dãy núi đang thiêm thiếp trong trăng. Cả dãy núi như bằng kim cương. Và xa nữa, xa nữa, những dải mây mỏng, ánh bạc, run rẩy và mơ hồ như đang trôi về xứ sở của thần thoại. Và gần lại, gần lại, dòng sông như một dòng ánh sáng chói lòa. Và trong dòng nước ấy có những con cá làm bằng pha lê...
Sơn như trôi đến bến bờ của xứ sở trăng. Anh đưa bàn tay về phía trước. Những ngón tay của anh run rẩy. Trước anh, một thế giới của ánh sáng lại từ từ mở ra bất tận.
- Thôi anh lên bờ đi kẻo lạnh. Mình tắm lâu quá rồi. Em phải về.
- Đừng - Sơn vội kêu. Anh vừa chợt thoát ra khỏi cơn mê ánh sáng. - Cám ơn em, anh cám ơn em...
- Về đi anh, lạnh lắm rồi đấy, ở dưới nước lâu ốm mất.
Cô gái nói và đi lên bờ.
- Nhà em ở ngay đây thôi. Anh trở lại bến nhà anh đi. Anh cứ đi dưới sông dễ hơn đi trên bờ.
- Anh muốn gặp lại em. Tối mai em có xuống sông không?
Im lặng.
- Anh muốn nghe em kể...
- Vâng. Em sẽ xuống bến.
Đêm hôm sau. Sơn lại ra sông và bơi về phía bến xóm cô gái.
- Anh đấy à?
Tiếng cô gái vang khẽ trên mặt sông.
- Anh đây.
- Mình lên bờ ngồi, kẻo ở lâu dưới nước lạnh đấy.
Sơn đi theo tiếng khỏa nước của cô gái lên bờ. Họ ngồi xuống bãi cát. Và sau một hồi im lặng, cô gái lại kể cho Sơn nghe tất cả. Rồi cứ thế, theo lời kể của cô, Sơn lại trôi mê man vào thế giới của ánh sáng. Và anh lại giật mình thoát ra khỏi cơn mê khi nghe thấy tiếng cô giục anh về.
- Tên em là gì?
- Đừng hỏi tên em. Chúng ta gặp nhau thế này là được rồi.
Và cứ thế, đêm đêm Sơn lại xuống sông và bơi về phía bến xóm cô gái. Họ lại ngồi bên nhau.
- Cuối tuần trăng rồi - Giọng cô gái thoáng buồn.
- Đêm nay trăng ở xa lắm...
Trăng cuối tháng buồn hơn. Dòng sông như chảy chậm hơn. Những con cá sông bơi chậm hơn. Và cây đôi bờ như thổn thức hơn. Mây như nặng hơn và gió như không muốn rướn mình nữa.
Đêm sau đó, Sơn lại gặp cô gái. Họ lại ngồi xuống bãi cát. Cô nói:
- Đêm nay em không kể cho anh nghe nữa. Mà anh hãy tự kể cho em nghe.
Cô gái đặt bàn tay mình lên tay anh, Sơn quay về phía cô. Anh như chợt thấy gương mặt cô hiện lên mỗi lúc một rõ.
- Anh kể đi, kể đi anh...
Tiếng cô gái thì thầm như từ trăng vọng xuống. Sơn ngước mắt lên. Và như từ đáy của bóng tối, vầng trăng lặng lẽ hiện lên và lặng lẽ tỏa sáng dần dần.
Khi Sơn dứt lời, cô gái ôm lấy cánh tay anh nói như thở:
- Anh ơi, anh nhìn đúng trăng rồi đấy, thật mà... Anh ơi!
Sơn đưa tay vuốt mái tóc cô gái:
- Em tên là gì? Sao em lại không cho anh biết tên?
- Đừng hỏi tên em. Nếu anh cứ muốn biết tên em, em sẽ không bao giờ gặp lại anh nữa. Anh hứa với em là không được hỏi tên em, anh nhé!
- Anh hứa.
Và rồi những đêm tiếp theo, cô gái ngồi nghe Sơn kể. Giọng anh rành mạch, mơ hồ, reo vui và buồn bã. Một đêm khi anh vừa dứt lời kể, anh nghe tiếng cô gái khóc. Cô cố kìm tiếng khóc nhưng Sơn vẫn nghe được.
- Làm sao em khóc? - Sơn hỏi hốt hoảng.
- Không... không... Ngày mai chúng ta không gặp được nhau nữa. Đêm mai gần sáng trăng mới lên.
- Nhưng anh không thể không gặp em được.
- Anh hãy nghe em nói đây. Anh hãy trở lại bệnh viện. Bác sĩ sẽ mổ mắt cho anh một lần nữa.
- Không còn hi vọng gì đâu - Giọng Sơn buồn bã.
- Nhất định lần này họ sẽ chữa khỏi mắt cho anh. Anh phải nghe em, đừng phụ lòng mong muốn của em. Anh hứa với em đi!
- Anh hứa.
Đêm ấy họ ở bên nhau rất lâu, im lặng. Cả hai cùng hướng về phía vầng trăng cuối tháng xa xăm. Gió vẫn thì thào đi qua họ.
- Anh về đi. Khuya rồi.
Cô gái nói và đứng dậy. Sơn đứng lên theo và bước lại gần cô gái. Anh thấy cô đang nhìn anh. Gương mặt cô đẹp như vầng trăng sau một lớp mây trắng mỏng. Anh thấy đôi mắt cô đẹp lạ lùng và thăm thẳm. Anh bước lại gần cô hơn nữa. Và anh thấy hơi thở cô nóng hổi phả vào một vùng đâu đó trên gương mặt anh thì cô nói:
- Về đi anh. Khuya lắm rồi. Em cầu chúc anh may mắn. Anh về đi...
Nói xong, cô vội quay người và bước đi như chạy về phía xóm cô dưới chân đê. Anh cảm thấy như cô đang vừa chạy vừa khóc. Các bác sĩ vui mừng khi ca mổ mắt lần thứ hai cho anh thành công. Trước ngày ra viện, họ hỏi anh trong suốt thời gian từ lần phẫu thuật trước đến lần phẫu thuật này anh đã điều trị bằng những loại thuốc nào. Khi anh trả lời họ rằng anh không hề dùng bất kỳ một loại thuốc gì thì họ không tin. Bác sĩ trưởng khoa nói với anh: "Phải có một loại thuốc rất tốt mới làm cho một số cơ quan chức năng của mắt anh hồi phục. Bởi thế ca mổ của chúng tôi mới thành công. Anh hãy nói cho chúng tôi biết để chúng tôi có thể áp dụng giúp những bệnh án như của anh". Anh im lặng hồi lâu và khẽ nói: "Chỉ có một người con gái. Người ấy đã mang đến cho tôi niềm khao khát nhìn thấy ánh sáng và đã cho tôi thấy vẻ đẹp thật của ánh sáng".
Anh trở về làng. Tin anh chữa khỏi mắt sau ba năm bị mù lan khắp vùng. Sau một ngày ở nhà tiếp bà con hàng xóm đến chúc mừng, anh vội đi tìm cô gái. Anh không có một thông tin gì về cô ngoài một chi tiết là cô thường xuống sông tắm vào những đêm trăng mùa hạ, nhưng khi hỏi thăm những người xóm bãi của cô gái, anh không dám nói cho họ biết chi tiết ấy. Cuối cùng, vì khao khát gặp cô gái và để được nhìn thấy cô, anh phải nói ra sự thật ấy về cô. Nghe anh nói xong, mọi người à lên một tiếng, nhưng sau đó họ nhìn nhau im lặng. Cuối cùng, một người già bước đến trước anh. Ông nhìn anh vừa ái ngại vừa thông cảm:
- Nó là con Nhung - ông nói khẽ.
- Bác làm ơn chỉ cho cháu nhà của Nhung - Sơn vội vã nói như sợ ông già biến mất.
- Nó bỏ nhà đi đâu mấy ngày nay rồi.
- Cô ấy đi đâu hả bác? Tại sao cô ấy lại bỏ đi?
- Không ai biết nó đi đâu. - Ông già thở dài - Và cũng không ai biết vì sao nó bỏ đi. Tội nghiệp con bé, nó bị mù từ thuở lọt lòng mẹ!

Biden cùng đối tác G20 lập tuyến vận chuyển thuỷ bộ nối trục Ấn-Âu

New Delhi, Ấn Độ (NV) – Tổng Thống Joe Biden và các đồng minh hôm Thứ Bảy, 9 Tháng Chín, công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm xây dựng tuyến đường vận chuyển hoả xa và đường biển kết nối Ấn Độ với Trung Đông và Châu Âu. 

Nỗ lực to lớn này, được công bố trong Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 năm 2023, nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường hợp tác chính trị trên quy mô toàn cầu.



Tổng Thống Joe Biden (giữa) được ông Narendra Modi (bìa phải), thủ tướng Ấn Độ, mời vào chỗ ngồi tại hội nghị G20. (Hình: EVAN VUCCI/POOL/AFP via Getty Images)


Tổng Thống Biden bày tỏ tầm quan trọng của dự án này, nói rằng: “Đây là một kế hoạch lớn. Đây thực sự là một sự kiện lớn,” theo AP.

Hành lang vận chuyển được đề xuất này, trải rộng trên nhiều quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Jordan, Israel và Liên Âu, sẵn sàng tăng cường thương mại, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển các nguồn năng lượng và cải thiện kết nối kỹ thuật số.

Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, nhấn mạnh dự án này là sự thể hiện “hiệu quả” của sức mạnh Mỹ, qua tầm nhìn của Tổng Thống Biden về “các khoản đầu tư sâu rộng” và hợp tác quốc tế hiệu quả.

Cố Vấn Sullivan nhấn mạnh tác động tích cực của cơ sở hạ tầng được cải thiện đối với tăng trưởng kinh tế, sự gắn kết khu vực và biến Trung Đông thành trung tâm hoạt động kinh tế, chống lại mối liên hệ lịch sử của khu vực này với những thách thức, xung đột và khủng hoảng.

Ông Narendra Modi, thủ tướng Ấn Độ, nhấn mạnh tăng cường kết nối là ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ, không chỉ nhằm thúc đẩy thương mại lẫn nhau mà còn xây dựng niềm tin lẫn nhau giữa các quốc gia. 

Tổng Thống Joe Biden (hàng đầu, trái) cùng ông Narendra Modi, thủ tướng Ấn Độ, dẫn đầu đoàn lãnh đạo G20 đến đài tưởng niệm cố Thủ Tướng Mahatma Gandhi ở Raj Ghat, New Dehli. (Hình: -/PIB/AFP via Getty Images)

Tuyến hành lang hoả xa và vận tải đường biển, cùng sự cung cấp kết nối kỹ thuật số được dàn trải trên khắp các khu vực địa lý rộng lớn, thúc đẩy thương mại. Dự án này cũng sẽ là giải pháp thay thế cho các sáng kiến cơ sở hạ tầng rộng lớn được Trung Quốc đưa ra trước đây trong kế hoạch “Một vành đai, một con đường.”

Trong khi chi tiết chi phí và tài chính của dự án vẫn chưa được tiết lộ, Thái Tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia đã đề cập đến con số $20 tỷ trong một thông báo, tuy nhiên hiện không rõ liệu khoản ngân quỹ này có áp dụng riêng cho cam kết của Ả Rập Saudi hay không.

Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, mô tả dự án hoả xa và vận tải biển là “cây cầu xanh và kỹ thuật số xuyên lục địa và các nền văn minh”, bao gồm các dây cáp để truyền cả điện và dữ liệu. Bà cũng tiết lộ “Hành lang xuyên châu Phi” kết nối cảng Lobito của Angola với các khu vực không giáp biển của Cộng Hòa Congo và Zambia.

Ông Amos Hochstein, điều phối viên về cơ sở hạ tầng toàn cầu và an ninh năng lượng của Tổng Thống  Biden, đã vạch ra một mốc thời gian dự kiến cho dự án. Trong 60 ngày tới, các nhóm làm việc sẽ xây dựng một kế hoạch toàn diện và đặt ra các mốc thời gian.

Giai đoạn đầu tiên sẽ liên quan đến việc xác định các khu vực cần đầu tư và kết nối cơ sở hạ tầng vật chất giữa các quốc gia. Ông Hochstein hy vọng rằng những kế hoạch này có thể được thực hiện trong năm tới, tiến tới tài trợ và xây dựng.

Cố Vấn Sullivan giải thích rằng nguồn gốc của dự án bắt đầu từ chuyến thăm của ông Biden tới Saudi Arabia vào Tháng Bảy, 2022, tại đó tổng thống nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nhập kinh tế khu vực.

Các cuộc trò chuyện với các đối tác trong khu vực đã bắt đầu vào Tháng Giêng và các đánh giá chi tiết về cơ sở hạ tầng hoả xa hiện có đã được tiến hành vào mùa Xuân. Sau đó, các cuộc đàm phán và hợp tác giữa các quốc gia đã lên đến đỉnh điểm khi công bố dự án.

Lãnh đạo khối G20 trong giây phút tưởng niệm cố Thủ Tướng Mahatma Gandhi. (Hình: -/PIB/AFP via Getty Images)

Mặc dù dự án hoả xa và vận tải biển không phải là tiền đề cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và Ả Rập Saudi, nhưng có sức nặng địa chính trị đáng kể. 

Tất cả các quốc gia tham gia đều nhấn mạnh sự tập trung vào kết quả thiết thực, phát triển kinh tế và cải thiện khả năng kết nối để mang lại lợi ích cho người dân của họ. Sự tham gia của Israel và Jordan đã được đặc biệt chú ý như một khía cạnh quan trọng của sáng kiến.

Tổng Thống Biden tận dụng hội nghị thượng đỉnh G20 như một cơ hội để vận động tăng cường đầu tư vào giảm thiểu biến đổi khí hậu và nhấn mạnh những tác động bất lợi toàn cầu của cuộc chiến của Nga ở Ukraine, dẫn đến giá lương thực và năng lượng tăng cao, cũng như lãi suất nợ cao hơn đối với nhiều quốc gia. (MPL) [kn]

 

9/7/23

Chính phủ Mỹ đang điều tra smartphone đột phá của Trung Quốc

By , CNN Business
Updated 11:17 PM EDT, Wed September 6, 2023

Chính phủ Hoa Kỳ đang tìm kiếm thêm thông tin về Huawei Mate 60 Pro, điện thoại thông minh Trung Quốc được trang bị chip tiên tiến.


Thiết bị hàng đầu mới, được cho là bao gồm bộ xử lý 5G Kiri9000 mới được phát triển dành riêng cho nhà sản xuất Trung Quốc Huawei, gần đây đã gây sốc cho các chuyên gia trong ngành, những người không hiểu làm thế nào công ty có được công nghệ để tạo ra một con chip như vậy sau những nỗ lực sâu rộng của Hoa Kỳ nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ chip nước ngoài.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Ba rằng Hoa Kỳ cần “thêm thông tin về chính xác đặc điểm và thành phần của nó” để xác định xem các bên có bỏ qua các hạn chế của Mỹ đối với xuất khẩu chất bán dẫn để tạo ra chip mới hay không.

Năm 2019, chính phủ đã cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và thiết bị cho Huawei và hạn chế các nhà sản xuất chip quốc tế sử dụng công nghệ do Mỹ sản xuất hợp tác với Huawei. Chính phủ trích dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia, chẳng hạn như khả năng xảy ra các cuộc tấn công mạng hoặc hoạt động gián điệp từ chính phủ Trung Quốc. Việc sử dụng chip 5G được sản xuất theo yêu cầu sẽ là một tiêu chuẩn quan trọng đối với Huawei khi hãng này đang phải vật lộn với tác động của các lệnh hạn chế của Mỹ đối với hoạt động kinh doanh thiết bị của mình.

Huawei đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

“Tôi nghĩ phản ứng ở Trung Quốc dường như là một sự phấn khích lớn vì Huawei, công ty đã từng cạnh tranh vị trí thương hiệu điện thoại thông minh số một trên toàn thế giới, được cho là đang cố gắng quay trở lại thị trường điện thoại thông minh bằng silicon do Trung Quốc sản xuất. và chắc chắn đã giao dịch theo câu thần chú 'Made In China',” David McQueen, giám đốc công ty nghiên cứu thị trường ABI Research, nói với CNN.

Tuy nhiên, ông cho biết việc ra mắt cũng đặt ra câu hỏi xung quanh việc làm thế nào Huawei có thể ra mắt điện thoại khi hãng này đã trải qua 4 năm chịu sự hạn chế của Mỹ cấm truy cập công nghệ 5G.

Ông nói: “Mặc dù việc truy cập vào 5G cho chipset là một chuyện, nhưng tôi không chắc làm thế nào công ty có thể quản lý được tất cả các thành phần khác cần cho điện thoại thông minh 5G, chẳng hạn như bộ khuếch đại công suất, công tắc và bộ lọc”.

Khi Huawei trình làng điện thoại thông minh Mate 60 Pro vào cuối tháng trước, hãng không đưa nhiều thông tin về chip trên trang sản phẩm trên trang web của mình , ngoài ra nó hứa hẹn mang lại trải nghiệm liên lạc tốt hơn và kết nối mạng ổn định hơn. Nhưng tuần trước, công ty tư vấn TechInsights đã phân tích Mate 60 để có cái nhìn cận cảnh hơn về con chip, dường như là bộ xử lý 7 nanomet do Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn Trung Quốc (SMIC) sản xuất.

SMIC, một công ty thuộc sở hữu nhà nước một phần của Trung Quốc, đã nằm trong danh sách hạn chế xuất khẩu do chính phủ Mỹ đưa ra vài năm trước.

Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan nói thêm rằng Hoa Kỳ “nên tiếp tục thực hiện một loạt các hạn chế về công nghệ ‘sân nhỏ, hàng rào cao’, tập trung vào các mối lo ngại về an ninh quốc gia… bất kể kết quả ra sao”.

9/5/23

BRICS mở rộng : Một liên minh thống lĩnh thị trường nguyên nhiên liệu ?

Minh Anh - RFI

Ngày 24/08/2023, kết thúc thượng đỉnh lần thứ 15 tại Johannesburg, Nam Phi, nhóm BRICS – gồm năm nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – thông báo đón thêm sáu thành viên mới. Một số nhà quan sát cho rằng BRICS mở rộng còn đồng nghĩa với việc thúc đẩy tiến trình phi đô la hóa và hình thành một liên minh thống trị thị trường dầu khí, nguyên nhiên liệu.


Nghe phần âm thanh:




Kể từ ngày 01/01/2024, BRICS sẽ trở thành BRICS+, khi có thêm sáu thành viên mới là Achentina, Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ethiopia và Iran. Hầu hết giới chuyên gia đều có chung một nhận xét : Đây là một thắng lợi của Nga và nhất là của Trung Quốc.

Đây là hai nước quyết tâm mở rộng nhóm nhiều nhất. Với Bắc Kinh, sự mở rộng này đồng nghĩa với khả năng gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc với nhóm các nước phương Nam. Về phần Matxcơva, sự mở rộng này có thể hạn chế phần nào thế cô lập của Nga trên trường quốc tế vì cuộc chiến xâm lược Ukraina.

Sự kiện cũng cho thấy ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong nhóm. Ấn Độ và Brazil lo sợ tầm ảnh hưởng của mình sẽ bị tan biến. New Dehli – đối thủ cạnh tranh của Bắc Kinh – cũng có tham vọng trở thành một trong những đầu tầu của những nước đang phát triển.

Một sự mở rộng quá nhanh và quá lớn có nguy cơ biến « BRICS thành một diễn đàn chống phương Tây để phục vụ trước hết các lợi ích của Trung Quốc và Nga », theo như lời một quan chức ngoại giao Ấn Độ được nhật báo Pháp Le Monde dẫn lại.

Raoul Delcorde, đại sứ danh dự của Bỉ, trả lời nhật báo kinh tế L’Echo (Bỉ) nhận định « Trung Quốc có thể ép buộc được các nước còn lại vì chỉ riêng nước này đã đóng góp đến 70% GDP của toàn bộ nhóm BRICS ».

Thay đổi trật tự thế giới

Dù vậy, giữa các nước đều có chung một mẫu số : Cùng phản đối một trật tự kinh tế thế giới do phương Tây thiết lập và mong muốn hướng đến một thế giới đa cực. Mở rộng cửa đón các thành viên mới cho phép củng cố hơn nữa vai trò thay thế của BRICS trên bình diện địa chính trị, trước các định chế quốc tế do phương Tây thống trị.

Nhà kinh tế học Jean-Joseph Boillot, cố vấn cho Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (IRIS), trả lời RFI Pháp ngữ, nhắc lại BRICS được thành lập năm 2009, sau khi cơn bão khủng hoảng tài chính của Mỹ quét qua, đẩy nhiều nước đang phát triển và nước nghèo lâm vào cảnh khốn khó trong vòng 5-10 năm liên tiếp.

BRICS cho rằng, bất chấp quy mô diện tích, dân số và kinh tế, nhóm này đã không được đại diện đầy đủ trong các định chế quốc tế. Chuyên gia kinh tế Jean-Joseph Boillot, cố vấn cho Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (IRIS), trả lời RFI Pháp ngữ, giải thích vì sao dù có những khác biệt lớn về trọng lượng kinh tế nhưng nhiều nước vẫn được chọn để tham giam BRICS:

« Điều cốt lõi ở đây là vì những nước này bị gạt ra khỏi các định chế quốc tế lớn. Năm nước thành viên của BRICS chiếm khoảng 15% phiếu bầu ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong khi cả năm nước gộp lại có đến gần 3,5 tỷ dân và chiếm gần 25% GDP của toàn cầu. Đây là ý tưởng chính dẫn đến việc hình thành BRICS.

Từ quan điểm này, Ả Rập Xê Út là cường quốc thứ chín trên thế giới và trên phương diện GDP tính theo đầu người, Ả Rập Xê Út cũng không xa mấy các nước châu Âu, nhưng trên bình diện chính trị, vai trò và quyền phủ quyết trong các tổ chức quốc tế lớn là không có. Do vậy, việc bày tỏ nguyện vọng tham gia nhóm BRICS còn nhằm mục đích làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới. »

Nhưng BRICS có thêm thành viên mới không chỉ là mở rộng câu lạc bộ, mà đây còn là một liên minh mở rộng cho phép vạch lại mô hình tài trợ phát triển của các nước mới trỗi dậy, thống trị các thị trường dầu khí và nguyên liệu thiết yếu trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Các vương quốc Ả Rập : Những ông chủ ngân hàng mới

Và trong tầm nhìn này, Trung Quốc sẽ là bên hưởng lợi trước tiên. Trang mạng La Tribune (25/08/2023) nhận định việc mở rộng nhóm cho phép Trung Quốc tăng tốc dự án Những Con đường Tơ lụa Mới (BRI), được khởi động từ năm 2013, liên quan đến gần 70 nước, đông đến khoảng 4,4 tỷ dân, và chiếm đến khoảng 40% GDP toàn cầu, nhưng bị đình trệ vì đại dịch Covid-19.

Như vậy, BRICS có thể huy động thêm được nguồn vốn cho ngân hàng phát triển của nhóm – New Development Bank (NDB), được thành lập năm 2014 – để có thể tài trợ các dự án đầu tư cho các nước mới trỗi dậy mà không cần các khoản vay có điều kiện từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB).

Kinh tế gia Alexandre Kateb, chủ tịch Văn phòng tư vấn The Multipolarity Report, trên đài truyền hình tư nhân BFMTV, nhấn mạnh việc mở rộng BRICS cũng có nghĩa là phi đô la hóa:

« Đúng là phi đô la hóa và phát triển một đồng tiền trao đổi thay thế như nhân dân tệ chẳng hạn sẽ đi cùng với việc mở rộng nhóm. Ở đây thật sự có một lô-gic kết nối hai khía cạnh này với nhau. Theo tôi, điều này thể hiện rõ qua việc kết nạp hai nước Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, bởi vì đây là những nước có thể tài trợ cho một hệ thống tài chính mới dựa trên đồng tiền của BRICS hay một đơn vị tiền tệ dự trữ nào đó mà đồng tiền này được ấn định theo bản vị vàng hay dầu hỏa. »

Về điểm này, nhà nghiên cứu thuộc IRIS, trên đài RFI lưu ý thêm rằng « ngân hàng NDB của BRICS vốn đang thiếu nguồn tài chính, bỗng nhiên có thêm hai chủ ngân hàng, giờ có thể cấp vốn cho các nước phương Nam nào có nhu cầu. Cho đến hiện tại, Trung Quốc là bên giữ vai trò này, tất cả các nước đều tỏ ra nghi ngại về ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc ở trong nhóm. Do vậy, sự có mặt của hai nước Ả Rập là một sự tái cân bằng khá thú vị. »

Liên minh BRICS và OPEC+ để thống lĩnh thị trường dầu lửa

Trong bối cảnh này, Nhà Trắng ra sức ngăn cản nhiều nước tham gia BRICS, khi cam kết giải ngân « khoảng 50 tỷ đô la tiền vay cho các nước có thu nhập trung bình và các nước nghèo », đồng thời mời gọi các nước đồng minh và đối tác tham gia đóng góp để nâng tổng số tiền hỗ trợ có sẵn là 200 tỷ đô la.

Liệu rằng Mỹ có thể cạnh tranh với Trung Quốc ? Câu trả lời là Khó, vì giới quan sát cảnh báo thêm rằng đại đa số các nước thành viên khối OPEC Mở rộng, nhóm các nước khai thác và xuất khẩu dầu hỏa, cũng sẽ sớm gia nhập nhóm BRICS. Sự hội nhập này sẽ mang lại cho nhóm một vị thế vượt trội trên các thị trường dầu khí.

La Tribune ước tính tổ chức OPEC+ được hội nhập vào BRICS có thể sẽ chiếm đến hơn 60% sản lượng khai thác và 40% khả năng tinh lọc vàng đen của thế giới. Trung Quốc và Ấn Độ là những khách hàng quan trọng của các nước Vùng Vịnh. Việc bảo đảm nguồn cung dầu khí là mang tính sống còn cho nền kinh tế Trung Quốc, vốn dĩ một phần lớn nhập khẩu là để đáp ứng các nhu cầu trong nước.

Ông Alexandre Kateb nhận định, việc nhiều nước khai thác và xuất khẩu dầu hỏa gia nhập BRICS cho thấy rõ một mục tiêu chiến lược khác : Giảm bớt sự phụ thuộc vào đô la trong việc niêm yết giá dầu trên thị trường thế giới.

« Đây thực sự là chất xúc tác cho sự chuyển đổi này và vai trò của nhân dân tệ trong việc thanh toán các hợp đồng dầu mỏ. Quá trình đã được bắt đầu với việc Ả Rập Xê Út ký một thỏa thuận với Trung Quốc để thanh toán những hợp đồng xuất khẩu dầu lửa bằng nhân dân tệ. Rồi chuyển giao hàng khí hóa lỏng đầu tiên của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đến Trung Quốc cũng được trả bằng đồng nhân dân tệ.

Hơn nữa, chính hãng Total của Pháp là bên đưa ra sáng kiến giao dịch này. Và ngày nay chúng ta thấy rõ là có cả một phong trào nhằm thiết lập các giao dịch trong một khuôn khổ đa phương, nơi xuất phải cho ý tưởng về một loại tiền dự trữ cho BRICS, một loại đơn vị tiền tệ trao đổi đóng vai trò như là một đơn vị thanh toán cho tất cả các hoạt động giao dịch này và như vậy cũng sẽ cho phép gộp những nước khác mắc nợ Trung Quốc, cung cấp tài chính cho họ mà không dùng đến đồng đô la, như trường hợp của Achentina hiện nay ».

Châu Âu và sự phụ thuộc vào BRICS trong tương lai ?

Cuối cùng, trong lĩnh vực nguyên liệu, mức độ tập trung còn quan trọng hơn và trở nên mang tính chiến lược cho nhiều nước mới trỗi dậy muốn tận dụng quá trình chuyển đổi năng lượng để có thể tự mình phát triển các chuỗi công nghiệp thế giới và hưởng lợi các chuỗi giá trị cao như kế hoạch IRA của tổng thống Mỹ Biden trị giá 370 tỷ đô la, hay của kế hoạch của Liên Hiệp Châu Âu, 750 tỷ euro.

Những nước muốn tham gia, hay đã là thành viên, đều là những quốc gia giầu khoảng sản, nhất là những nguồn đất hiếm như nickel, cobalt, platine hay palladium… Trọng lượng của những nước này (Nga, Indonesia, Cộng hòa Congo, Nam Phi, hay Trung Quốc…) trong lĩnh vực dầu khí và nguyên nhiên liệu, cũng như trữ lượng của chúng có khả năng thúc đẩy sự hội tụ lợi ích giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nhóm BRICS trong tương lai.

Điều này có nguy cơ làm thay đổi cấu hình hiện tại của thị trường quốc tế và các chuỗi cung ứng. Đó cũng là những gì đã xảy ra cho dầu lửa và khí đốt khi chiến tranh Nga – Ukraina nổ ra, qua việc phát triển khai thác mỏ tại lục địa châu Phi.

Nếu như Hoa Kỳ vẫn có thể trông cậy vào nguồn khai thác và sản xuất dầu khí ở trong nước và trong một chừng mực nào đó là các loại nguyên liệu hiếm từ Canada, rõ ràng là việc BRICS mở rộng nhưng dưới sự ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc có thể làm suy yếu Liên Hiệp Châu Âu. Khu vực này có nguy cơ bị lệ thuộc nhiều vào nguồn cung dầu lửa từ nhiều nước thành viên tương lai của BRICS, chủ yếu ở vùng Trung – Cận Đông và châu Phi.

9/2/23

Trăng Rằm

 

Giao Mùa

Hôm nay đang độ giao mùa
Vu Lan tháng bảy cũng vừa tròn trăng
Biết người có nhớ ta chăng
Riêng ta thơ thẩn nhìn trăng nhớ người
Trăng Xanh (*) tỏa ánh sáng ngời
Thiếu người chung ngắm nên đời mất vui!
Hỏi người tri kỷ xa xôi
Trên kia có thấy là tôi đang buồn?
Tôi đang ngăn giọt sầu tuôn
Để ai nhẹ bước trên đường vãng sanh
Ngắm trăng nhớ khoảng trời xanh
Nhớ thời cắp sách chúng mình tung tăng
Đêm về cùng ngắm vầng trăng
Bên hồ tâm sự, bao lần cười vui...

Trăng ơi ngày ấy xa rồi
Sao ta cứ mãi nhớ người tri âm?

Nhan Ánh Xuân
Cali 31/08/2023
(*) Blue Moon.


Trung Thu trăng sáng gặp mùa
Nhớ cha nhớ mẹ giao mùa tròn trăng
Trăng tròn nửa gánh có chăng
Ngắm vầng trăng sáng tròn trăng nhớ người
Ánh trăng xanh buốt sáng ngời
Trời Tây độc ẩm xá gì niềm vui
Trường xưa bạn cũ xa xôi
Trăng càng vời sáng riêng ta lặng buồn
Sương khuya tí tách rơi buông
Cuộc đời hiu quạnh nỗi buồn vãng sanh
Lâm Viên hồ nước xanh xanh
Thụ Nhân Phù Đổng có mình tung tăng
Trăng tròn trăng khuyết ngắm trăng
Hằng Nga ngẫm nghĩ mấy lần xướng vui.

LĐT

Cảm tác

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên” (*)
Kỷ niệm xưa ánh trăng chợt khuấy
Da diết buồn theo sắc trăng xanh
Huyền diệu lắm nhưng nào cảm nhận
Dõi bóng xa một thuở không đành
Nên tình mãi vẫn hoài lận đận
Bao năm qua giờ đã xa xăm
Nhưng khó xóa ban đầu dấu ấn.

Trăng ơi xin hỏi trăng có thấu
Tình thơ vương vấn đến bao giờ ?

Võ Thành Xuân

Cali 01/09/2023

(*) Thơ Thế Lữ




GIAO MÙA

Thơ gieo trong tiết giao mùa
Đêm rằm sao sáng vui đùa cùng trăng
Bạn hiền có nhớ hay chăng
Với nhau mình ngắm sao băng … nhớ người
Trăng sao đua ánh rạng ngời
Người đi xa lắm, xa rồi…ai vui
Người về cõi ấy xa xôi
Còn tôi cõi tạm ngăn rơi giọt buồn
Biết vô thường lệ cứ tuôn
Sao ai cắt cớ chia đường tử sanh!
Một mình ngồi ngắm trời xanh
Nhớ thương ngày tháng bọn mình tung tăng.
Giờ đây cũng có vầng trăng
Bạn đà bỏ cuộc ai cùng đùa vui.

Bao nhiêu kỷ niệm xa rồi
Trăng nào soi được bóng người tri âm?

Thanh Tuyền

9/1/23

Sao Mây Lại Ghé

 Dạo:

        Mây ơi ghé đến làm chi,

Có mang lại được chút gì ngày xưa?

 

Cóc cuối tuần:

 

           Sao Mây Lại Ghé

 

Ngây ngất nhìn mây, thoáng ngật ngầy,

Hỏi mây sao lại ghé về đây,

Tưởng còn đang lất lây ngàn dặm,

Thăm thẳm chân trời bóng nhạn bay.

 

Mây kia chẳng biết đến từ đâu,

Rỉ rả lời Ngâu quặn mái đầu,

Ngỡ thấy lại con tàu dĩ vãng,

Vội vàng quýnh quáng hỏi vài câu.

                      x

                  x      x

Có phải mây từ xóm đạo xưa,

Mang về đây tiếng mẹ ru trưa,

Dỗ dành con lúc chưa mềm giấc,

Gà gật theo từng nhịp võng đưa?

 

Mây có dây dưa ở cánh đồng

Ngắm hoa cùng bướm rực trời không,

Rồi mang hình ảnh bồng lai đó

Đến kẻ đang vò võ ngóng trông?

 

Có lông bông lạc tới thôn nghèo,

Thích thú nhìn bầy trẻ choắt cheo,

Hí hửng leo trèo đeo nhánh ổi,

Cuối cùng la lối té lăn queo?

 

Mây có theo nhau viếng cổng trường,

Nơi xưa có đứa tập yêu đương,

Ẩm ương tuổi tác chưa tròn tá,

Mà đã nhì nhằng nhớ với thương?

 

Có tìm đường ghé đến công viên,

Lặng xót xa giùm gã thiếu niên,

Cắm cúi ngày đêm xây ảo mộng,

Để rồi ôm thất vọng triền miên?

 

Mây có thấu cho nỗi chán chường

Đang dần chia cách cặp uyên ương,

Tiếng chì tiếng bấc thường vang vọng,

Khiến mộng chung đôi chết giữa đường?

 

Có lang thang cặp bến đò ngang,

Để thấy lại đôi mắt bẽ bàng

Hụt hẫng của chàng trai bé nhỏ

Khi tình đầu sớm bỏ đi hoang?

 

Và có rẽ sang nóc giáo đường

Bên lề con dốc nhỏ mù sương,

Dừng nghe Chúa thở dài khe khẽ

Thương kẻ nợ tình trót vấn vương?

 

Lừng khừng hỏi nốt tại vì sao

Mây cứ lang bang tự thuở nào,

Có biết từ lâu bao kỷ niệm

Trong khăn tẩn liệm vẫn kêu gào?

                     x

                  x      x

Hỏi mãi mây sao chẳng trả lời,

Vẫn theo làn gió nhởn nhơ chơi,

Vẫn bên đời phất phơ ngang dọc,

Bỏ mặc trần gian khóc với cười.

 

Tần Lĩnh mây trời quyện khói sương,

Người xưa buồn chẳng thấy quê hương.

Ngày nay e cũng chừng không khác,

Ngơ ngác nhìn mây khách đoạn trường.

 

Mây dường như cũng chỉ là mây,

Cũng vẫn vô tình tựa cỏ cây,

Nên chẳng hề hay nơi viễn xứ,

Gót chân lữ thứ lệ vương đầy.

 

Quắt quay quay quắt bước xa nhà,

Trông ngóng màu mây cũ thiết tha.

Nhưng nếu đà phôi pha quá khứ,

Thì xin mây chớ ghé về qua.

           Trần Văn Lương

               Cali, 8/2023