Một sự kiện nổi bật của sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt đó là sự ra đời của quán Cà Phê Văn Nghệ T2. Quán T2 là quán cà phê văn nghệ đầu tiên của sinh viên ở Việt Nam. Hai người thành lập quán T2 là Nguyễn Lập Chí và Nguyễn Tường Cẩm.
Tuần đầu, lên sân khấu quán T2 chỉ là những tay văn nghệ hát hay không bằng hay hát, đánh trống như gõ thùng, gảy đàn từng tưng. Sau đó, quán đông khách hơn, văn nghệ khá hơn. Ca sĩ thì có Kha Tư Giáo, Dương Ngô Đông, Trần Ngọc Phong, Lưu Văn Dân … Đàn, trống có Trần Văn Chung, Trần Văn Lưu. Đặc biệt có tay đàn cổ điển Cao Hoàng của Văn Khoa làm không khí quán T2 thêm đa dạng và trí thức.
Chỉ một tháng sau, sân khấu T2 có diễn kịch. Diễn viên Lưu Văn Dân, Nguyễn Lập Chí và diễn viên nữ Nguyễn Thị Thiên Nhiên diễn những vở hài kịch của Nguyễn Lập Chí. Ca sĩ, đàn sĩ, kịch sĩ là sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt. Chỉ có hai ca sĩ thượng đẳng không phải là sinh viên đó là Lê Uyên và Phương. Vợ chồng ca sĩ này thường tới quán T2 “ thực tập “ để sau đó về Sài Gòn và trở thành đôi song ca nổi tiếng.
Những tháng sau, quán T2 tiếp đón các phái đoàn sinh viên từ các nơi đến thăm viếng Đại Học Đà Lạt, các văn nghệ sĩ, du khách. Các nghệ sĩ lớn như Pham Duy, Trịnh Công Sơn, Miên Đức Thắng, Bùi Thiện, Đoàn Chính … đã trình diễn trên sân khấu quán T2. Quán T2 đã mở đầu cho các quán văn nghệ của sinh viên ở Sài Gòn như quán Văn ở Văn Khoa nơi mà Khánh Ly hát.
Cẩm kể về việc thành lập Quán T2 : “ Đến số báo thứ tám của tờ báo Diễn Đàn Sinh Viên, anh Nguyễn Văn Bôn bị bạo bệnh (đau màng óc) đột ngột từ trần. Tờ báo không có người phụ trách trình bầy. Tôi mời Nguyễn Lập Chí cộng tác. Được Chí nhận lời tiếp tay. Tôi mang stencil đến phòng của Chí để nhờ thực hiện. Trong lúc bàn chuyện phiếm về các sinh hoạt của Viện Đại Học, tôi đề nghị với Chí “ Chúng ta nhẩy ra hoạt động văn nghệ bằng cách mở quán cà phê có sân khấu trình diễn văn nghệ.” Đúng ý, nên Chí hưởng ứng ngay.
Rồi hai đứa bàn chuyện tài chánh. Khi đó, tôi có 5.000 đồng tiền để dành. Chí có cái nhẫn kim cương nếu đem bán hoặc đem cầm cũng có trên 10.000 đồng. Dụng cụ âm nhạc, Chí có đầy đủ và sẽ về Saigon mang lên Dalat. Bà chủ nhà nơi tôi thuê mới xây xong căn nhà mới bên cạnh. Định ngăn nhiều phòng cho sinh viên thuê. Nên có thể thuê mở quán cà phê trước khi cho các sinh viên thuê … Rồi bàn tên quán. Tôi đề nghị tên QUÁN SINH VIÊN cũng như tờ báo Diễn Đàn Sinh Viên để mọi người nhất là chính quyền biết : đây là những sinh hoạt của sinh viên. Không phải lo xin giấy phép mở quán và đóng thuế. Chí đồng ý và bổ túc thêm chữ T2 cho có thêm nhiều ý nghĩa cùng tên tờ báo “ Tí Ti “ do Chí thực hiện. Chúng tôi đi tìm bà chủ nhà để hỏi thuê. Bà chủ nhà rất vui tính và quý mến chúng tôi. Riêng cá nhân tôi, ông bà chủ nhà coi như con, giúp đỡ tôi thường xuyên mọi thứ. Nên khi hỏi thuê nhà để mở quán cà phê, bà ta chịu liền. Tự động giảm giá từ 4.000 đồng như dự trù xuống còn 2.500 đồng / một tháng kể cả điện nước. Và còn nói : ” Nếu không lo đủ chi phí, sẽ giảm xuống 2.000 đồng”.
Bàn xong kế hoạch, chúng tôi vào gặp Cha Viện Trưởng xin ý kiến và nhờ Cha tiếp tay hỗ trợ. Chúng tôi cũng trình bầy cho Cha rõ mục đích mở quán không phải để kiếm ăn mà là tạo sinh hoạt văn nghệ cho sinh viên. Nghe điều đó, Cha rất hài lòng và sẵn sàng hỗ trợ : kể cả tiền thuê nhà nếu không đủ chi phí. Cha móc túi ủng hộ trước 3.000 đồng để “ Khai trương “, để mọi sinh viên được giải khát miễn phí trong ba ngày liên tiếp. Cha cũng cho mượn đàn trống và các dụng cụ âm nhạc (đàn điện…) để làm phương tiện hoạt động.
Quán Sinh Viên T2 được thành lập trong một phút bốc đồng của hai thằng thích hoạt động với sự ham vui của bà chủ nhà. Thêm vào đó là tình yêu thương bao la của Cha Viện Trưởng đối với các sinh viên.
Mở quán không mục đích kinh doanh kiếm lời. Mà chỉ để làm phương tiện hoạt động. Nên chúng tôi không lạm dụng xin tiền của Cha. Cũng không lợi dụng móc tiền của các bạn vì giá rất bình dân. Cũng không lợi dụng các buổi trình diễn của các văn nghệ sỹ như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy …. để tăng giá đặc biệt. Quán tiếp đón tất cả mọi người đến tham dự dù có tiền giải khát hay không. Đó là ý nghĩa của chữ T2 . Chính vì thế, mọi người đều quý mến và ủng hộ Quán.
Mặc dù liên hệ đến tiền bạc, nhưng chưa bao giờ có sự bất đồng ý kiến giữa Chí và tôi. Chúng tôi tự lo đủ chi phí, không phải làm phiền đến Cha. Nếu dư dả thì tu bổ, sắm sửa thêm cho đầy đủ tiện nghi. Quán mỗi ngày một đông, không đủ chỗ ngồi cho khách. Bà chủ nhà sửa sang lại nơi tôi đang ở (tôi rời sang phòng khác) và mở thêm thông căn phòng phía sau cho chúng tôi dời quán sang rộng thêm được 30 chỗ ngồi thay vì địa điểm cũ chỉ chứa được 120 chỗ ngồi….Vậy mà bà chủ vẫn không tính thêm tiền mướn. Còn địa điểm cũ bên cạnh trở thành văn phòng HỘI THANH NIÊN THIỆN CHÍ DALAT cũng do tôi thành lập.
Mỗi dịp Giáng Sinh, Cha Lập tặng 1.000 đồng để nhờ bà chủ nhà nấu cháo gà hay làm bánh mỳ thịt cho sinh viên ăn miễn phí vào đêm Giáng Sinh. Hoặc trong những dịp các phái đoàn đến thăm Viện Đại Học và đến Quán T2 sinh hoạt với sinh viên. Những khi ấy đều giải khát miễn phí vì Cha đã yểm trợ 500 hay 1.000 đồng tùy theo số người đến tham dự. Như Vậy Quán T2 được mở ra không phải chỉ có Chí và Cẩm, mà còn phải kể thêm Cha Lập Viện Trưởng.
Nỗi khó khăn của Quán T2 là tình hình biến động, nhất là từ tết Mậu Thân 1968. Thị Xã Dalat giới nghiêm hàng đêm nên Quán phải đóng cửa. Chúng tôi cũng như các bạn mục đích lên Dalat học và thi đậu, chứ không không phải để mở quán cà phê để kiếm sống. Do đó, mùa thi phải đóng cửa chỉ mở hai đêm cuối tuần. Nếu đóng cửa hoài chắc không đủ tiền để trả thuê cửa tiệm. Chắc chắn chúng tôi phải chạy lên Viện Đại Học tìm Cha Lập để cầu cứu bởi lúc nào Ngài cũng sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi cũng như các sinh viên trong mọi trường hợp khó khăn. Tốt nghiệp xong, tôi cũng như đa số các bạn cùng khóa đủ tuổi phải lên đường nhập ngũ Khóa 9 – 68 ở Quang Trung và Thủ Đức.
Vì quá hoạt động không đủ thì giờ học nên Chí thi rớt. Trốn ở lại Dalat để tránh né động viên. Không thể tự điều khiển Quán T2 cùng với sự chán nản thi rớt. Nên Chí tự động dẹp Quán và hoàn trả lại Viện Đại Học những gì Cha đã cho mượn.
Tuy Quán T2 đã bị dẹp nhưng những kỷ niệm tuyệt đẹp của thời dĩ vãng vẫn còn sống mãi trong chúng ta .
”Trích "Tuyển tập truyện ngắn - Sinh viên Xa nhà" của Nguyễn Đức Quang (GC)