Anh Vũ (RFI)
Đăng ngày 30-09-2015 Sửa đổi ngày 30-09-2015 13:16
Trụ sở Thượng viện Nga tại Mátxcơva. Ảnh chụp ngày 30/09/2015.REUTERS/Maxim Shemetov
Hãng tin Reuters dẫn nguồn của các hãng thông tấn Nga đưa tin hôm nay, 30/09/2015, Thượng viện Nga đã cho phép triển khai quân đội Nga tại Syria theo đề nghị của Tổng thống Vladimir Putin. Cùng lúc Bachar al Assad kêu gọi Matxcova tăng viện quân sự.
Sáng nay, Kremlin đã ra thông cáo cho biết, Tổng thống Putin đã đề nghị Thượng viện Nga « cho phép được triển khai một lực lượng quân đội ra bên bên ngoài lãnh thổ Nga ». Chỉ ít giờ sau đó, đề nghị của Kremlin đã được các Thượng nghị sĩ nhất trí thông qua. Tuy nhiên, theo Chánh Văn phòng phủ Tổng thống Serguei Ivanov được hãng tin Nga RIA trích dẫn, quyết định của Thượng viện chỉ cho phép triển khai không quân, không liên quan đến lục quân.
Matxcơva từ vài tháng nay đã gia tăng hiện diện quân sự tại Syria và không giấu diếm ý đồ hậu thuẫn cho chế độ của Bachar al-Assad.
Vẫn theo Chánh Văn phòng Kremlin, ngay sau khi Thượng viện Nga bật đèn xanh cho việc triển khai quân tham chiến tại Syria, Tổng thống Bachar al Assad đã đề nghị Matxcơva hỗ trợ quân sự. Ông Ivanov thông báo với các nhà báo : « Tổng thống Syria đã đề nghị chính phủ chúng tôi hỗ trợ quân sự ». Ông cho biết thêm là Matxcơva sẽ hành động phù hợp với « các chuẩn mực của luật pháp quốc tế ».
Bị cô lập trên bình diện quốc tế kể từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraina năm 2014, trong vài tháng gần đây Kremlin liên tiếp có các động thái chứng tỏ Nga sẽ đóng một vai trò không thể bỏ qua trên bàn cờ Trung Đông và đặc biệt là Syria, nhất là khi liên minh phương Tây ngày càng tỏ ra bất lực trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Syria. Gần đây, giới quan sát đã ghi nhận sự gia tăng hiện diện quân sự của Nga tại Syria.
Trên diễn đàn khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, hôm 28/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi thành lập liên minh rộng rãi chống lại tổ chức thánh chiến IS và nhấn mạnh rằng không hợp tác với Bachar al-Assad sẽ là một « sai lầm lớn ».
Trong khi đó Tổng thống Barack Obama, mặc dù chấp nhận hợp tác với Nga hay Iran để trong cuộc chiến chống IS nhưng không chấp nhận Bachar al-Assad mà ông Obama gọi là « bạo chúa » tại vị ở Syria. Quan điểm trên của Tổng thống Mỹ cũng được các nước Pháp, Ả Rập Xê Út chia sẻ.
No comments:
Post a Comment