9/27/15

Lê Uyên lần đầu lên tiếng, mối quan hệ giữa em gái ruột và chồng

"Trong lòng em gái tôi, yêu thương chồng tôi vô cùng. Nhưng chồng tôi chỉ xem cô ấy như em gái, không đi xa hơn...", nghệ sĩ Lê Uyên chia sẻ.


Lê Uyên & Phương được xem là một cặp đôi huyền thoại của nhạc Việt. Họ xuất hiện trong làng nhạc Sài Gòn những năm đầu thập kỷ 1970 với một luồng gió mới: những ca khúc mang hơi hướng nổi loạn, triết lý nhưng đầy khắc khoải.
Ngoài âm nhạc, Lê Uyên & Phương còn được biết đến với một cuộc tình đẹp, thủy chung và bền bỉ. Chính tình yêu ấy đã khiến họ thăng hoa trong nghệ thuật.
Từng có thời điểm, tin đồn hôn nhân của họ tan vỡ mà người thứ 3 không ai khác là em gái ruột của Lê Uyên.
Sau gần 2 thập kỷ im lặng, lần đầu tiên Lê Uyên thẳng thắn đối diện với sự việc này, cùng câu chuyện về người đàn ông kế tiếp của cuộc đời cô, âm thầm đứng sau cái bóng quá khứ quá lớn của vợ…
Lê Uyên, Phương, chồng, em gái ruột, quan hệ, yêu, Đà Lạt
Hình ảnh hạnh phúc của cặp đôi Lê Uyên & Phương.

Cùng vượt qua cái bóng quá khứ
- Người ta chỉ biết đến Lê Uyên & Phương một đời nhân tình, tắm khát vọng yêu cuồng lên những bản nhạc cùng hát đến trọn đời. Nhưng, người ta chưa biết Lê Uyên đã sống và hát như thế nào, bao nhiêu năm trên sân khấu “không - Phương”?
Tôi tin vào tâm linh. Dù không còn người ôm đàn đứng cạnh hát cùng bằng xương bằng thịt, nhưng anh vẫn đâu đó để nhắc tôi từng câu hát và để tôi không nhìn thấy cái khoảng trống trên sân khấu, dù vô hình.
7 năm sau khi anh mất, tôi không quen ai, tôi không thích ai. 7 năm ấy, tôi buồn, tôi nhớ anh nhiều lắm.
Có những đêm, 2-3 giờ sáng tôi dậy thắp nhang cho anh và khóc, một mình. Có lẽ ở nơi xa, anh không muốn thấy tôi buồn như thế, vì cả đời anh, chẳng khi nào muốn tôi buồn thế cả.
- Và giờ, sau 16 năm, mọi thứ đã thế nào rồi, thưa cô?
Tôi vẫn trân trọng từng phút, nhớ và giữ từng kỷ niệm với anh.
Bàn thờ anh là một không gian tôn kính đặc biệt trong căn nhà tôi. Cạnh ngôi nhà tôi ở là một căn nhà gỗ làm riêng cho anh nằm trên hồ, trong khu vườn có 5 cây thông trên 100 năm tuổi, gợi nhớ về Đà Lạt.
Trong căn nhà ấy, có hai cây đàn, một violon và một guitar, có giấy bút cho anh viết nhạc, có bình trà cho anh uống… có tất cả những gì đã từng gắn với cuộc sống của anh, để hồn anh vẫn thanh thản cùng thông, cùng hồ như ở Đà Lạt, để anh vẫn sống với âm nhạc.
Những khi đi diễn xa, người đàn ông tiếp theo của đời tôi thay tôi hương khói cho anh. Đó là bổn phận, là điều chúng tôi cam kết, cùng tôn kính, trân trọng anh, khi tôi bước tiếp vào mối quan hệ mới này.
- Cô ơi, “người đàn ông kế tiếp” đã sống như thế nào suốt bao năm qua khi trong trái tim người bạn đời của ông ấy, là một khối quá khứ quá đẹp và quá đồ sộ vẫn còn nguyên hình...?
Nhiều người cũng nghĩ quá khứ sẽ đè nặng lên cuộc sống của tôi với người sau nhưng tôi không thấy thế. Anh tôn trọng tôi và tôn kính người đã khuất. Và tôi trân trọng những gì hiện tại anh đã dành cho tôi.
Trước khi đến với anh, tôi có nói với rằng: “Hãy đến với em bằng cả sự trân trọng anh Phương dù anh ấy không còn. Chứ đừng đến với em bằng tâm thế của một người đàn ông bình thường, với những ghen tuông, giận dữ với quá khứ”.
Anh đến với tôi và anh hiểu những trân trọng của tôi dành cho người chồng đã khuất của mình và anh cùng tôi trân trọng quá khứ ấy.
Mảnh đất chúng tôi đang ở, rất rộng, ngay trung tâm thành phố, nơi có ngôi nhà tưởng niệm anh Phương, là do anh mua.
Anh cùng tôi dựng lên ngôi nhà ấy, cùng tôi giữ cho anh Phương từng kỷ niệm nguyên vẹn, cùng lo cho tôi hát nhạc anh Phương đến khi nào tôi không còn hát được nữa.
9 năm, một quãng đường chưa dài cho một cuộc hôn nhân. Nhưng cũng không ngắn để kiểm chứng những gì mà chúng tôi đã cam kết với quá khứ của tôi. Chúng tôi cùng yêu quá khứ để trân trọng cuộc sống hiện tại.
- Vậy sẽ có 2 vấn đề ở đây với người đàn ông mới của cô: ông quá lớn để bao dung hay quá nhỏ để cam chịu?
Quá lớn! Một tình yêu quá lớn cùng sự tôn trọng quá lớn, đối với anh Phương và đối với tôi.
Một tình cảm quá lớn hay một người tình quá đẹp thì mọi thứ cũng đã là quá khứ. Nhưng người sau vẫn trân trọng tình cảm lớn ấy, để giúp tôi luôn hát được hay hơn những bản tình ca của người chồng quá cố, thì còn gì viên mãn hơn?
Lê Uyên, Phương, chồng, em gái ruột, quan hệ, yêu, Đà Lạt
Cuối năm ngoái, Lê Uyên đã có một liveshow dành tặng cho người chồng quá cố tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chết để được yêu-
Người ta chỉ biết về huyền thoại của một cuộc tình đẹp Lê Uyên & Phương. Nhưng phải chăng, trong bất cứ cuộc tình đẹp nào nó cũng phải thử thách bằng nghịch cảnh?
Đúng vậy. 15 tuổi, tôi yêu anh. Tôi, con của một gia đình thương gia khá giả và nề nếp ở khu người Hoa, Sài Gòn, được gia đình đưa lên Đà Lạt để học trường Tây nội trú.
Ở Đà Lạt, nhà tôi cách nhà anh đúng 1 căn. Lúc tôi mới lên, anh ghé qua nhà nhưng không gặp tôi. Anh hơn tôi 10 tuổi và trước khi đến với tôi, anh không có ý định lập gia đình.
Anh bị một u ở ngón tay, ngón chân, mà mọi người cứ nghĩ anh bị ung thư xương. Anh không muốn lập gia đình vì không muốn có những hệ lụy cho người ở lại vì anh lo anh chết sớm. Khi kiểm tra, thì chỉ là khối u bình thường.
Mấy ngày sau, trên đường ra phố, tôi thấy có một chàng trai ngồi trên tảng đá đầu con dốc nhìn tôi với ánh mắt rất lạ. Anh cất tiếng “chào cô”. Tôi nhớ mãi ánh mắt đó.
2 ngày sau, tôi cùng bạn học xem buổi hòa nhạc tại lữ quán Thanh niên gần nhà tôi. Khi tôi đến, buổi hòa nhạc rất đông, tầm 200 người, tôi vẫn cố gắng chen vào. Tôi giật mình, người con trai mình gặp hôm qua đang ngồi kéo violon say sưa.
Lúc đó, tôi cũng mới được biết anh là một người chơi nhạc nổi tiếng ở thành phố Đà Lạt. Rồi anh qua nhà làm quen. Chúng tôi gặp gỡ nhau thường xuyên hơn. Những tháng ngày yêu đương cứ thế được bắt đầu.
Bố mẹ biết câu chuyện của chúng tôi nên Tết năm đó không cho tôi học ở Đà Lạt nữa, quyết định bắt tôi quay về lại Sài Gòn, để xa anh.
- Cô đã làm gì, để bảo vệ tình cảm của mình?
Tôi tự tử. Tôi đã đi mua thuốc ngủ, chọn tối thứ 7 để uống, để quyết ra đi chứ không phải là dọa (vì ngày khác sẽ có người lên đánh thức dậy đi học). Chết còn hơn là sống mà không được yêu anh.
8 giờ sáng, mẹ tôi lên hỏi tôi một việc gì đó. Gọi không thấy tôi trả lời, thấy cửa khóa bên trong nên cho người leo qua cửa sổ vào phòng, đưa tôi đến bệnh viện súc ruột.
Tỉnh lại, tôi không chịu ăn uống, mẹ xuống giọng hỏi tôi giờ muốn điều gì. Tôi trả lời “Con muốn anh Lộc” (tên thật của anh Phương).
Gia đình chiều tôi bằng cách gọi anh sang. Cho gặp như thế là để tôi ăn uống nhưng vẫn cấm đoán, vẫn bắt tôi về Sài Gòn.
Tôi quyết làm biện pháp mạnh hơn, đó là bỏ nhà đi cùng người mình yêu. Chúng tôi bỏ nhà xuống Bảo Lộc. 2 đứa sống với nhau một tuần.
Tôi tập nấu nướng, đi chợ, chăm sóc anh. Anh đứng đắn, không vượt quá giới hạn gì trong suốt một tuần lễ sống chung.
Về tới nhà, mẹ tôi rất hoảng, tiếp tục thỏa hiệp với tôi rằng, muốn gì cũng được. Nhưng là muốn vậy thôi, lại vẫn ngăn cấm.
Và tôi làm biện pháp mạnh hơn nữa, để bảo vệ tình yêu của mình, là phải có con với anh để gia đình tôi đồng ý cho chúng tôi cưới. Mà không chỉ là để tạo áp lực cho gia đình mà để anh thấy, tôi yêu anh đến mức nào.
Hai tháng sau tôi có thai. Gia đình đưa tôi đi khám, tôi nghĩ mọi thứ như vậy sẽ như ý mình. Nhưng không, mẹ tôi kiên quyết bắt tôi đi phá thai và về lại Sài Gòn.
Lần này, mẹ tôi mạnh tay lắm. Bà nói : “Nếu con không chịu thì thằng Lộc phải ở tù vì con đang tuổi vị thành niên”. Tôi sợ thực sự mà đáng sợ hơn, tính mẹ tôi đã nói là làm.
Tôi phát hiện ra một điểm yếu của mẹ, là mẹ rất chịu nghe ba tôi. Có những điều không ai thuyết phục được mẹ thì chỉ có ba mới thuyết phục được. Tôi đã cầu cứu ba chuyện này. Ba tôi ủng hộ vì ba tôi thương anh hiền lành, có học lại tài hoa.
Ba cũng nhỏ nhẹ với mẹ: “Chúng đã thương yêu nhau đến thế thì cho chúng đến với nhau vì nhỡ có chuyện gì thì mình lại mất đi một đứa con”.
Tôi sung sướng thông báo với anh về Sài Gòn làm lễ cưới ngay. Anh đi mượn tiền, đủ để sắm hai cái nhẫn cưới nhỏ, tức tốc về Sài Gòn. Cưới xong, chúng tôi quay lại Đà Lạt.
- Có khi nào ba mẹ cấm cô là vì nhà người yêu quá nghèo?
Đó không phải lý do. Lý do là tôi còn quá nhỏ, cần học hành và sợ tôi khổ.
Nếu nói về gia thế thì nhà anh cũng ghê gớm lắm. Anh là con của người con gái thứ 9 của vua Thành Thái, là công chúa Phương Nhi, còn bố anh là một công tử bỏ xứ đi bụi đời.
Anh nghèo, tôi càng thương anh hơn. Tôi nhớ, trong một lần biểu diễn trong club, nóng quá, anh cởi cái áo vest ra. Anh say sưa kéo và quay lưng lại, tôi nhìn thấy cái quần của anh có 2 miếng vá to bằng hai bàn tay.
Hình ảnh đó làm tôi thực sự thương và muốn bù đắp cho cuộc sống của anh, tặng anh cả cuộc đời mình.
- Trong 3 giai đoạn cô gây áp lực cho gia đình, chịu nhiều đau đớn đến như thế, người đàn ông của cô ở đâu và đã làm được gì cho cô?
Anh không làm được gì hết. Anh đau. Chỉ có biết đau thôi nhưng không bao giờ tuyệt vọng, để lại thành một niềm đau lộng lẫy trong các ca khúc viết cho tôi.
Lê Uyên, Phương, chồng, em gái ruột, quan hệ, yêu, Đà Lạt
Lê Uyên lần đầu thừa nhận chỉ có em gái ruột cô thích "ông xã" mình.

Hôn nhân chúng tôi chưa bao giờ đổ vỡ
- Như thế nào để từ một cặp đôi si tình ở phố núi, lại có thể trở thành cặp đôi âm nhạc lẫy lừng nhất nhạc Việt Lê Uyên & Phương, thưa cô?
Một ông thầy giáo nghèo viết nhạc như một sở thích và một cô nhân tình trẻ yêu anh giáo ấy hết mình, cất tiếng hát bay xa đều do số mệnh.
Khi gặp, anh viết tặng tôi bài “Tình khúc cho em”, tôi cảm được ngay, rồi anh tập cho tôi hát. Anh chỉ cho tôi cách hát và nhắc tôi một điều để rồi tôi nhớ mãi: “Phải hát hết lòng. Hát trung thực với chính mình. Thích thì hát, không thì thôi, không hát giả bộ”.
Anh viết tới đâu, tôi hát tới đó. Chúng tôi yêu, viết và hát hồn nhiên, để phục vụ cho tình yêu, cho đời sống thường nhật, mà không bao giờ nghĩ rằng chúng tôi thành Lê Uyên & Phương sau này.
Cho đến một ngày mùa Xuân 1970, nhà thơ Đỗ Quý Toàn từ Sài Gòn lên Đà Lạt họp với anh em hướng đạo. Người thân của anh cho ông Toàn nghe một băng cassette mà chúng tôi thu tại nhà.
Ông Toàn giật mình nói với người thân rằng làm sao thu xếp để ông Toàn gặp anh vào ngày hôm sau. Lần gặp ấy, ông Toàn nói với anh: “Bất cứ lúc nào anh xuống Sài Gòn thì gặp tôi”.
Trong kỳ nghỉ Tết, chúng tôi về Sài Gòn và gặp lại ông nhà thơ. Ông giới thiệu chúng tôi cho nhà báo Đỗ Ngọc Yến, một người hoạt động phong trào văn nghệ sinh viên. Ông Yến tổ chức cho chúng tôi buổi biểu diễn đầu tiên tại trường Quốc gia âm nhạc.
Chúng tôi hát 3 bài liên tiếp, say sưa với cây đàn guitar thì được ủng hộ nhiệt tình mà không hiểu sao mình được ủng hộ như thế.
Rồi chúng tôi biểu diễn các show cho sinh viên Văn khoa, Luật khoa, Sư Phạm, Y Khoa… đâu đâu sinh viên cũng đông nghẹt. Rồi tới Đài truyền hình, rồi cà phê Con nai vàng của nhạc sĩ Cung Tiến.
19 ngày liên tiếp, chúng tôi bước vào sân khấu biểu diễn mà không nghĩ mình đã đứng ở đấy, đã thuộc về nó. Và hình ảnh của chúng tôi sau đó cũng xuất hiện khá nhiều trên các mặt báo.
Chuyến biểu diễn sau đó đem đến cho chúng tôi hợp đồng biểu diễn cho 5 phòng trà Sài Gòn, mỗi đêm hát thù lao là 5000 đồng cho mỗi điểm biểu diễn 3 bài (lương giáo viên của anh hồi đó là 5,6 ngàn/tháng) trong 4 năm.
- Xuống Sài Gòn, ông giáo nghèo đó nhìn ra cuộc sống bon chen phố thị là một “vũng lầy” và trong lòng lo sợ “tình này tình rồi thay”. Chuyện gì xảy ra giữa hai người làm ông sợ đến thế, cô có thể chia sẻ không?
Ở Sài Gòn, anh lại nhớ Đà Lạt, luôn muốn quay về. Đà Lạt thuộc về anh. Cuộc sống bon chen, anh lo sợ nó làm vẩn đục những tình cảm trong trẻo. Những đổi thay dù nhỏ, xảy ra giữa chúng tôi, thì không.
Anh sợ đời sống phố thị với những sự không chân thật như sợ một đám cháy, mà nó có thể bén lửa lên mình và người mình yêu bất cứ lúc nào.
- Và có phải điều lo sợ đó đã xảy ra khi hai người qua Mỹ định cư? Cuộc sống bên đó đã thực sự làm cho “tình rồi thay”, như một số mặt báo đã viết về một sự tan vỡ giữa hai người?
Cho đến ngày anh qua đời, tôi và anh vẫn một lòng một dạ yêu thương nhau, chưa từng mang cho nhau một thương tổn gì, chưa từng để cho một người thứ 3 chen vào.
Sang Mỹ, anh sống những ngày rất rỗng, rất sốc và nhớ Đà Lạt. Anh gần như mất hết cảm hứng sáng tác.
Thương anh, tôi mở một quán nhạc để chúng tôi đàn hát lại, thỏa đam mê mỗi tối. Và rồi một hôm, khi chuẩn bị dọn dẹp quán sau buổi diễn, có một băng giang hồ gây lộn và bắn nhau ngay trong quán tôi.
Đứa con nhỏ của tôi đang đứng ngay ở cửa. Tôi biết rằng, đạn có thể bay vào người con tôi bất cứ lúc nào. Thế là tôi, bằng bản năng của một người mẹ, xông ra đưa con vào trong. Một viên đạn đã trúng vào tôi, thủng ruột.
Tôi được cứu sống. Nhưng phải mổ lấy viên đạn và phải điều trị rất lâu. Tôi phải nghỉ hát trong nhiều năm liền. Những khi đó, anh vẫn ở bên cạnh chăm sóc, lo lắng, yêu thương như bao năm anh đã yêu.
Có lẽ vì lý do vắng bóng đó, mà những tin đồn tan vỡ mọc lên. Hôn nhân chúng tôi chưa bao giờ tan vỡ.
- Nhưng một người nhạc sĩ vốn được sống và bao bọc bằng âm nhạc, khi mất hứng sáng tác thì việc thay đổi trong tình cảm không phải là không có lý?
Mất cảm hứng với sáng tác đâu có nghĩa mất cảm hứng với vợ mình? Từng ngày đi qua, anh cứ sợ định mệnh cướp tôi đi. Anh day dứt và thương nhưng anh không làm gì hơn được.
Tôi cũng không yêu cầu anh phải làm gì, có yêu thương là có tất cả với tôi rồi. Lúc đó, nếu tôi có chết thì tôi cũng có thể mỉm cười vì mình đã được yêu cho đến giây cuối cùng. Và anh cũng thế, không chỉ đến khi anh qua đời.
- Nhưng có một sự thật là ngày nhạc sĩ Lê Uyên Phương qua đời, trong đám tang ấy có 2 người phụ nữ đội khăn xô, là cô và em gái ruột của cô. Cô gái ấy, là tâm điểm của mọi đồn đại rằng, đó chính là bóng hồng tiếp theo trong trái tim của chồng cô?
Đúng, có 2 phụ nữ đội khăn tang. Cô em bất hạnh trong gia đình tôi, người khờ khạo, chậm chạp và không có một người đàn ông nào trong đời. Tôi rất thương em tôi và em tôi cũng thương tôi.
Đứa con đầu của tôi do em gái tôi một tay nuôi dưỡng như một người mẹ để chúng tôi đi hát hàng đêm. Khi tôi qua Mỹ sinh đứa tiếp theo, cũng một tay cô ấy chăm sóc, nhất là thời điểm tôi bị trúng đạn. Các con gọi em tôi là má.
Khi anh chết, tôi để em tôi đội khăn tang, như một người thân gắn bó, như một tình cảm lớn của em dành cho anh, tôi phải trân trọng.
Chúng tôi có đứa con đầu năm tôi 16 tuổi. Hơn 10 năm sau tôi mới có đứa thứ 2, nhu cầu xác thịt không nhiều.
Anh lại là người ốm yếu, và cũng là một người đàn ông đạo đức. Anh không đủ sức và không cạn tình để bỏ người tri kỷ đi theo một người thứ 3 đâu.
- Có thể về phía chồng cô thì không có nhưng điều đó đâu có loại trừ việc em cô yêu chồng cô khi gần nhau nhiều năm như thế?
Cái này tôi khẳng định là có. Trong lòng em gái tôi, yêu thương chồng tôi vô cùng. Nhưng chồng tôi chỉ xem cô ấy như em gái, không đi xa hơn.
Nhưng tôi không ghen. Hoàn toàn không vì tôi hiểu anh.
Hy sinh cho người mình yêu đâu có tội gì?
- Suốt buổi trò chuyện, thấy cô cả một đời lo cho chồng, bao bọc cho chồng, bảo vệ cho chồng. Sự hy sinh của cô cho chồng có còn vẹn nguyên sau những đổi thay của đời sống không, thưa cô?
Ngày 22/4/1975, cả nhà chúng tôi được bảo lãnh qua Mỹ, nhưng anh kiên quyết không đi, anh muốn ở lại để sống với mọi đổi thay của thời cuộc. Tôi với anh như hình với bóng, anh đi thì tôi đi, anh ở thì tôi ở. 4 năm, khi thấy cần đi, chúng tôi đi.
4 năm ấy, chúng tôi không hát, không đàn nhưng anh vẫn sáng tác
Lúc đó, tôi ra chợ buôn vải vóc. Tôi làm và muốn chồng tôi ngồi yên đó, để tôi lo cho cuộc sống gia đình được tốt, không phải lo toan gì cả. Tôi để anh tập trung thời gian để sáng tác. Tôi phải trả anh về cho âm nhạc.
Tôi không muốn cái đời sống vốn đang thay đổi kia tác động đến anh làm anh tổn thương. Tôi không thể nhìn cảnh người đàn ông ốm yếu của đời tôi phải ra giữa chợ đời, để rồi làm bay mất những nốt nhạc tặng cho đời.
- Cô tự mang gánh nặng cho mình, thì có làm cho người đàn ông ấy phát huy được bổn phận của người đàn ông không cô? Cô hy sinh, không lẽ chồng cô chỉ ngồi yên thế?
Nói thật là lúc đó tôi không thấy khổ. Công việc buôn bán bận rộn, về nhà được thấy những bản nhạc và nụ cười hiền của anh, mọi vất vả cũng tan biến hết rồi. Không lẽ cứ ngồi tưởng tượng ra khổ sở để giày vò nhau?
Nếu anh có xông ra đi làm, tôi cũng không cho anh làm đâu. Không nên bắt người khác làm những công việc mà sức khỏe của họ không cho phép. Vậy thì cứ ở nhà cho tôi. Và sống vui dùm tôi. Thế là đủ. Chuyện gì tôi cũng lo được.
Mỗi người có một kiểu người đàn ông thực sự trong đời mình. Người đàn ông của tôi tặng tôi một tình yêu lớn, là đủ.
Mình không vì chồng được thì mình vì ai được? Vì chồng, cũng là vì mình mà? Hy sinh cho tình yêu thì đâu có tội gì?
- Hy sinh đồng ý là bản chất phụ nữ Việt nhưng ta không nên cổ xúy cho điều đó... !
Em thấy tôi vẫn cười, vẫn nhắc về chúng tôi đẹp như thế đến hôm nay và có thể nhiều năm sau nữa, em sẽ thấy rằng, chúng tôi đã gạt ra ngoài hết những hơn thua đối sánh, nghi kỵ với cuộc đời.
Khi mình đi đến xét nét, nghi kỵ thì có còn là yêu nhau nữa không? Có còn thương nhau nữa không? Sống cho nhau mà cũng phải xét nét, nghi kỵ thì đâu còn là sống cho nhau nữa?
- Với người chồng hiện tại, cô có áp dụng cách sống này không hay chỉ có một Phương trong đời được thế thôi?
Dù chồng là hai người, nhưng tôi chỉ có một. Tôi đang làm những gì tốt nhất cho anh, như đã từng làm cho anh Phương trước đây. Và chúng tôi rất hạnh phúc.
Anh cũng trải qua nhiều mất mát trong đời sống riêng tư trước đây nên sự bình yên về sau là điều anh cần. Anh cần thì tôi mang bình yên đến.
Anh cho tôi được hồn nhiên sống, yên bình sống và yên bình hát nhạc anh Phương. Dù thời gian có đi ngang đầu, làm cho tóc chúng tôi bạc, làm cho đời chúng tôi qua, chúng tôi vẫn hồn nhiên như thế.
Hạnh phúc trọn vẹn hay không là cho đến cuối đời, em có cười thỏa mãn với cuộc sống của em không?
Chúng tôi đã vượt qua mọi ngọt bùi, mất mát và chúng tôi tin, dù tôi hay anh, vẫn là người mỉm cười nụ cười cuối cùng với nhau, khi một trong hai lìa xa cõi đời.
Cảm ơn cô về cuộc trò chuyện!




















































































































No comments:

Post a Comment