9/4/15

Trung Quốc : « Mùa Hè đen » và « vũ khí mới » của Tập Cận Bình

Chủ tịch Trung Quốc phô trương vũ khí mới. Với tên lửa mới, oanh tạc cơ mới, Tập Cận Bình muốn cân bằng sức mạnh quân sự với Mỹ. Trên đây là nhận định của Le Figaro về cuộc diễn binh của Trung Quốc gọi là ghi dấu « chiến thắng » Nhật Bản. Tuy nhiên, tham vọng của chủ tịch Trung Quốc gặp phải sự do dự của lục quân vì để cân bằng sức mạnh với Mỹ ở Thái Bình dương, ông Tập Cận Bình phải hy sinh lục quân, cắt giảm quân số trong bối cảnh chính sách bài trừ tham nhũng trong quân đội đang dây ra xáo trộn trong hàng ngũ. Tăng cường hải quân còn làm các nước chung quanh lo lắng hơn trước tham vọng biển đảo càng ngày càng lộ rõ của Bắc Kinh.

Trong loạt bài phân tích tình hình chính trị và kinh tế 6 nước lớn trên Les Echos, Trung Quốc được xem là đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Chủ tịch Tập cận Bình có thể an tâm vì đã thành công phô trương gân bắp cho dù đại đa số các nhà lãnh đạo thế giới từ chối tham dự lễ duyệt binh ngày 03/09. Thủ tướng Nhật Bản cũng như tổng thống Đài Loan không thể tham gia vào buổi lễ mà Bắc Kinh gọi là « toàn quốc kháng chiến chống Nhật dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản » trong khi thực tế lịch sử ghi nhận cuộc chiến tranh vệ quốc này là do thống chế Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Dân Quốc chỉ huy như Le Monde cùng ngày cũng nhấn mạnh.

Với cái nhìn chính trị, Les Echos cho rằng Tập Cận Bình cần khoe vũ khí để xoa bớt phần nào những biến cố trong mùa « hè đen » : từ vụ nổ hóa chất ở Thiên Tân cho đến thị trường chứng khoán Thượng Hải lao dốc. Hình ảnh của chế độ độc đoán hoàn toàn kiểm soát tình hình đã bị sứt mẻ. Biểu dương sức mạnh quân đội kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa là liều thuốc mà ông Tập Cận Bình phải sử dụng để duy trì ổn định xã hội, ưu tiên mới của Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế đình trệ và một tháng 8 nhiều hung tin.

Vấn đề là những biện pháp che giấu thông tin, chế biến thống kê cố ý làm công luận tin vào tỷ lệ tăng trưởng 7% nhưng thực tế thấp hơn. Hình ảnh và uy tín của Trung Quốc đã bị tác hại mà còn có nguy cơ làm cho Bắc Kinh phải lãnh trách nhiệm nếu kinh tế thế giới bị trì trệ trong tương lai. Chưa chi mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2015 này sẽ thấp hơn mức dự kiến.

Thế mà theo Les Echos, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định tỷ lệ tăng trưởng là 7% vì nếu dưới ngưỡng này, nạn thất nghiệp sẽ tăng vọt. Cho nên, ngoài lo âu vì nạn tham nhũng, chế độ Bắc Kinh còn bận tâm đối phó với bất ổn xã hội. Trong những tháng tới đây, sẽ có nhiều công ty phá sản, sẽ có nhiều địa phương nợ nần chồng chất thêm. (RFI)

No comments:

Post a Comment