Image copyrightReutersImage captionMột nhóm di dân từ Đức tràn vào Đan Mạch
Đan Mạch đã đình chỉ tất cả các tuyến đường sắt liên kết với Đức sau khi cảnh sát chặn hàng trăm người nhập cư tại cửa khẩu.
Cảnh sát Đan Mạch cũng đóng cửa một đường cao tốc giữa hai nước khi một số người tỵ nạn đi bộ về phía bắc sau khi họ bị buộc phải xuống tàu. Những người này nói điểm đến của họ là Thụy Điển.
Trong bối cảnh EU đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư khổng lồ, Ủy ban châu Âu đề xuất rằng 120.000 người tỵ nạn bổ sung cần được san sẻ giữa các nước thành viên bằng cách áp dụng hạn ngạch bắt buộc.
Công ty đường sắt Đan Mạch DSB cho biết những chuyến tàu đến và đi từ Đức đã bị đình chỉ vô thời hạn vì buộc phải kiểm tra hộ chiếu bất thường.
Thụy Điển hứa hẹn
Hai đoàn tàu chở hơn 200 người di cư chạy đến Rodby, một cảng lớn trên đường biển đến Đức. Cảnh sát Đan Mạch nói nhiều di dân từ chối rời khỏi tàu vì họ không muốn đăng ký tại Đan Mạch.
Cảnh sát cũng đóng cửa một phần đường cao tốc E45 nối Đức và Đan Mạch sau khi khoảng 300 người di cư xuống tàu và đi bộ về phía Thụy Điển gần thị trấn biên giới Padborg.
Thụy Điển đã trở thành điểm đến hàng đầu cho những người tỵ nạn sau khi nước này hứa cấp giấy tờ cư trú cho tất cả những người tỵ nạn Syria.
Trong khi đó chính phủ trung hữu mới của Đan Mạch tuyên bố sẽ có những biện pháp khắt khe về nhập cảnh. Từ khi được bầu tháng 6/2015, chính phủ này đã có chính sách cắt trợ giúp cho người mới nhập cư và siết chặt luật cư trú.
Khoảng 3.000 người di cư đã vào Đan Mạch từ cuối tuần qua.
Thủ tướng Lars Lokke Rasmussen cho biết, Đan Mạch đang chịu áp lực khi người tỵ nạn đến đây nhằm qua Thụy Điển.
"Điều đó cho thấy những gì chúng ta đang đối mặt bây giờ không chỉ là vấn đề tỵ nạn mà còn là vấn đề di cư", ông nói.
Lượng người di cư chạy trốn xung đột và nghèo khó ở châu Phi và Trung Đông tràn vào châu Âu đã tăng đột biến trong vài tuần qua.
Image copyrightEPAImage captionChủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (trái) đưa ra đề xuất để 'giải quyết dứt điểm' khủng hoảng di dân‘Vấn đề nhân đạo và phẩm giá’
Đa phần trong số những người chạy trốn cuộc nội chiến ở Syria đã đi đường biển từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp, qua Macedonia và Serbia, sau đó đến Hungary để rồi tới Bắc Âu.
Hôm thứ Tư 9/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker công bố kế hoạch phản ứng ‘nhanh chóng, kiên quyết và toàn diện’ thông qua hạn ngạch bắt buộc.
Ông cho biết việc giải quyết cuộc khủng hoảng di dân là ‘vấn đề nhân đạo và phẩm giá’.
Các đề xuất của ông Juncker bao gồm:
- Các nước thành viên EU chấp nhận san sẻ 120.000 người tỵ nạn, dựa trên mở rộng kế hoạch tái định cư 40.000 người tỵ nạn đã được công bố tháng 5/2015 (cho dù các nước thực sự chỉ đồng ý nhận 32.000 người)
- Thiết lập hệ thống tái định cư để "ứng phó nhanh chóng với các tình huống khủng hoảng trong tương lai"
- Lập danh sách ‘các nước an toàn’ mà người di cư từ đó sẽ phải hồi hương
- Củng cố hệ thống tỵ nạn của toàn EU
- Xem xét lại Quy chế Dublin mà theo đó, di dân phải xin tỵ nạn tại nước EU đầu tiên mà họ nhập cảnh
- Quản lý tốt hơn biên giới bên ngoài và hình thành các kênh pháp lý tốt hơn cho việc nhập cư
"Tổng số người tỵ nạn mà EU cần tiếp nhận là 160.000 người. Tôi thực sự hy vọng lần này tất cả các thành viên sẽ tham gia vào chuyện này", ông Juncker tuyên bố với Nghị viện châu Âu.
Kế hoạch mới sẽ giúp tái định cư 60% những người đang ở Ý, Hy Lạp và Hungary đến Đức, Pháp và Tây Ban Nha.
Hạn ngạch phân bổ cho mỗi quốc gia phụ thuộc vào GDP, dân số, tỷ lệ thất nghiệp và đơn xin tỵ nạn đã được xử lý.
Những nước từ chối nhận người di cư có thể phải đối mặt với hình phạt tài chính.
Image copyrightAPImage captionNgười Pháp chào đón di dân
Nguồn: BBC
No comments:
Post a Comment