7/21/22

Ngũ Cung Danube

Dòng Danube bên Đan viện Melk nước Áo (Österreich)*


Nước cuốn sông trôi đến hạ nguồn
Thành Vienne nhạc khúc dấu xuôi dòng
Cô tô réo rắt cung đàn nguyệt
Tuyết trắng còn nhung nhớ tiết đông.

Sóng nước trường giang điệu ngũ cung
Xàng xê cống líu xự cung thương
Dân ca nước Áo chìm trong nước
Nhạc điệu trăm năm điệu cổ phong

Thấp thoáng hò khoan tiếng nhạc sầu
Mozart sáng tác khúc mai sau
Thành Vienne vũ khúc xàng xê cống
Lặng lẽ chìm sâu nước cuốn mau.

Kỷ niệm năm nào nhớ chốn xưa
Năm nào tuyết trắng nhớ cơn mưa
Xàng xê cống líu còn vương vấn
Nhạc khúc thành Vienne mãi sớm trưa.

Pessac 20/07/2022
Lê Đình Thông

*Danube (tiếng Đức Donau)

Sông Danube chảy qua các nước theo thứ tự: Đức, Áo, Slovakia, Hungary, Croatia, Serbia, Bulgaria, România, Moldova và Ukraina.

Xem bản đồ: dòng chảy của Danube


* Đan Viện:  

Trong Giáo hội Công giáo, có hai loại hình tu trì sống theo cộng đoàn: tu hoạt động và tu chiêm niệm. 

Đan viện là nơi ở dành cho những ai tu theo lối chiêm niệm (contemplative). Họ được gọi là đan sĩ (dù là linh mục hay không linh mục). Họ sinh hoạt chủ yếu trong đan viện của mình với tinh thần “Ora et Labora” (cầu nguyện và lao động). Mỗi ngày các đan sĩ dành phần lớn thời gian đọc kinh chung và cầu nguyện theo phương pháp đặc thù.

Bài đọc thêm: 

Khác biệt giữa chủng viện, đan viện và tu viện, giữa linh mục triều và dòng


*Melk: TP bên sông Donau trong thung lũng Wachau.


Cám ơn anh Thông đã gửi lên một bài thơ và hình ảnh rất đẹp về dòng Danube trong tuyết trắng.

Nắng hạn làm người nhớ tuyết đông
Riêng tôi hoài niệm những đồi thông
Nhớ người chung bước trong sương lạnh
Người đã đi rồi, biệt núi sông!


Nhan Ánh-Xuân.

7/12/22

NHỮNG MÓN ĂN DÂN DÃ CỦA NGƯỜI TÂY NAM BỘ

Miền Tây là miền quê sông nước, nơi gắn liền với bao thế hệ. Khi đến với miền Tây, du khách sẽ không chỉ cảm nhận được sự thoải mái của không khí nơi đây mà còn bị ấn tượng bởi sự thân thiện của người dân bản địa. Nơi mảnh đất của sông nước này mới có những món ăn ngon giản dị như chính con người miền Tây mộc mạc.

Canh gà lá giang

Canh gà lá giang là món ăn phổ biến miền Tây, đây là món ăn rất dễ làm và rất được ưa chuộng ở nhiều nơi bởi vị chua chua ngọt ngọt của nó vừa lạ miệng lại vừa đậm đà. Không chỉ thơm ngon, vị chua dịu đặc trưng của lá giang mà còn giúp giải nhiệt cơ thể, khiến bữa ăn thêm thanh mát.

Cá kèo kho tộ


Cá kèo kho tộ được xem là món ăn đặc trưng của Nam Bộ. Thịt cá kèo săn chắc, béo ngậy quyện với vị cay nồng của tiêu, của ớt, thêm vị thơm của hành lá. Người ta vốn thích ăn cá kèo kho tộ ăn với cơm trắng bởi hương vị đậm đà của nó hòa cùng cái nóng hổi của cơm trắng làm bao thế hệ con người miền Tây nao lòng. Vị đắng của mật, vị béo của ruột cá và vị ngọt của thịt cá làm nên huơng vị đặc trưng của món ăn mà không lẫn vào đâu được.

Lẩu bông


Lẩu bông từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân vùng sông nước. Lẩu bông là sự kết hợp hài hòa của hơn chục loại rau miền Tây như bông súng, kèo nèo, điên điển, rau nhút, rau muống bào, cải tím, rau đắng… Lẩu bông thường gồm một đĩa cá lăng loại bự, thịt cá được xắt thành miếng mỏng. Nhúng miếng cá lăng giòn giòn ngọt ngọt trong nước lẩu lá giang chua chua khiến thực khách ăn một lần là nhớ nhung hoài.

Canh chua cá lóc

Canh chua cá lóc- đệ nhất đặc sản miền Tây là món ăn được nhiều người ưa thích bởi vị chua ngọt tự nhiên của nó. Cá lóc khi chín có màu trắng, thịt dẻo, chắc, ít xương,mùi vị thơm, ngon, béo và ngọt mà ít có thứ cá nào sánh kịp. Người ăn có thể thưởng thức bằng cách cho một ít rau, bún và miếng thịt cá lóc, chan nước canh vào chén. Ai thích ăn cay có thể thêm lát ớt xiêm xanh cay nồng giúp ngon miệng hơn.


Lẩu tôm

Lẩu tôm được chế biến từ những nguyên liệu đơn giản nhưng khi kết hợp với nhau lại có thể tạo nên món lẩu chua cay, thơm ngon vô cùng hấp dẫn. Vị ngọt béo của thịt tôm càng xanh, rau bông thanh mát hoà quyện với nước lẩu đậm đà khiến thực khách muốn ăn hoài mà không thấy ngán. Nếm một chút nước lẩu, bạn sẽ cảm nhận ngay được vị thanh ngọt từ xương, vị chua chua, cay nồng của sả ớt vô cùng kích thích vị giác.

Theo: Dân Việt - Blog Lưu Khâm Hưng

Chuyện Sài gòn xưa.


Danh Nguyễn
(Diễn Đàn QGHC Úc châu)

Thuở ấy hầu hết phụ nữ ở miền Nam thường được mệnh danh là “Nội trợ”. Riêng ba má tôi có tới mười hai đứa con, vì vậy má tôi xin vào Sở vệ sinh để làm việc “hốt rác”. Do đó má tôi cũng là công chức.

Tuy là quét đường nhưng má tôi hài lòng vì được lãnh cả lương con. Má tôi cũng có đôi ba “chữ nghĩa” nên khi các năm có bầu cữ, má tôi lại được đặc cách “gác thùng phiếu”, có lãnh tiền để mua thêm sữa cho con v.v.

Buổi chiều hôm đó gia đình quây quần bên mâm cơm thì má tôi đưa cho ba tôi xem trát đòi hầu tòa, vì trong lúc de xe rác bất cẩn, đã cán lên xe Honđa của một viên đại úy cảnh sát, làm ngã xe và đè gẫy chân anh ấy. Buổi cơm chiều đó cả nhà tôi buồn rượi và lo âu, ăn không thấy ngon.

Mấy tuần sau, vào ngày má tôi nghỉ làm để đi hầu toà. Khi về đến nhà má tôi cười tươi rồi giục chị tôi dọn cơm ra ăn, trước buổi cơm má tôi nói:
Quan tòa xử má không có tội gì hết!.
Bà nói tiếp:
Ổng toà nói với anh cảnh sát: anh là sỉ quan cảnh sát là công chức, bà H đây cũng là công chức. Bà ấy thì đang thi hành công vụ, anh thì đang nghỉ phép. Xe của bà ấy do nhà nước cấp không đủ phương tiện an toàn, không máy móc, không kính chiếu hậu, vì thế bà H không có tội và không phải bồi thường thuốc men cho anh, anh phải tự lo.

Cả nhà tôi mừng rỡ, vỡ òa. Má tôi nói tiếp: Sau phiên xử, anh đại úy cảnh sát chân đang bó bột, chống nạng tới nắm tay má nói: “Con xin lỗi dì H, con không muốn làm khó dì, con cần phiên tòa này để không phải ra tòa án binh vì tội “hủy hoại thân thể”.

Nghĩ lại thật đáng phục cho công chức ngày xưa, từ quan toà đến viên đại úy cảnh sát: công tâm, rạch ròi và nhân bản…

7/11/22

Tiễn Bạn

(Bùi ngùi đưa tiễn Phạm Mạnh Tiến,
người bạn quen biết nhau từ một thuở
xa xưa ở Viện Đại Học Dalat)

Được tin dữ từ bạn thân cho biết
Tiến ra đi, chợt khôn xiết bàng hoàng,
Vừa đau buồn vừa hụt hẫng hoang mang,
Sao lại mất dễ dàng như thế được.

Tiến ơi Tiến, sao đành tâm đi trước,
Bạn xưa giờ chẳng còn được bao nhiêu,
Phía bên kia, nay càng lúc càng nhiều,
Bên này với chợ chiều so chẳng khác.

Nhớ thuở trước dưới mái trường Đà lạt,
Cùng sách đèn nên quen mặt biết tên.
Tốt nghiệp xong, mỗi đứa lạc mỗi miền,
May mắn lại gần nhau trên đất lạ.

Dù kiếm sống tháng năm dài vất vả,
Nghe gọi đàn, vội tong tả tìm nhau,
Đứa dẫn đầu, đứa lục tục theo sau,
Để cùng tạm quên nỗi sầu xa xứ.

Hoặc chia sẻ khó khăn đời lữ thứ,
Hoặc ồn ào nhắc lại thuở đầu xanh,
Hoặc giúp nhau lo văn nghệ tập tành,
Hoặc lẩm cẩm học hành thêm chữ Hán.

Chỗ làm việc may không xa hàng quán,
Nên thường hay rủ bạn đến ăn trưa,
Cùng lăng nhăng vớ vẩn chuyện nắng mưa,
Hay xới mảnh đời xưa hâm nóng lại.

Thầm mong mỏi sẽ thế này mãi mãi,
Để còn hoài được đi lại vui chơi,
Nhưng than ôi, người tính chẳng bằng trời,
Định mệnh đó vẫn muôn đời rắc rối.

Một ngày cuối tháng Năm đang rảnh rỗi
Thì bỗng dưng được Tiến gọi đến nhà,
Để cùng nhau tán gẫu chuyện gần xa,
Nào ai biết đây chính là lần cuối!

Hôm sau lúc trời chưa xua bóng tối,
Nhận điện thư Tiến gởi, dạ bồi hồi.
Có lẽ nào bức tranh Tiến vẽ tôi, (1)
Là kỷ niệm Tiến cuối đời để lại?

x

x x

Con cái Tiến đều công thành danh toại,
Tiến ra đi, bớt lo ngại ít nhiều.
Chỉ còn người Tiến trọn kiếp thương yêu,
Phải gánh chịu cảnh xế chiều cô quạnh,

Sẽ dai dẳng những tháng ngày đơn lạnh,
Với tuổi trời, ắt lúc mạnh lúc đau,
Chẳng còn người để hủ hỉ cùng nhau,
Nhìn cảnh cũ nỗi sầu càng thê thiết.

Những bạn bè quen biết,
Chợt nhận ra, phút từ biệt xót xa,
Sẽ không còn, dù thương nhớ thiết tha,
Gặp lại đứa bạn tài hoa đã khuất.

Nhớ giọng nói, tiếng cười cùng ánh mắt,
Nhớ dáng đi, nhớ khuôn mặt hiền từ,
Nhớ tiếng kèn, nhớ "Một Thoáng Suy Tư", (2)
Nhớ nét vẽ, nhớ dòng thơ lãng mạn.

x

x x

Nhìn di ảnh cùng khăn tang ảm đạm,
Thêm đau lòng bè bạn đến đưa chân.
Biết làm sao nói trong chỉ một lần
Mà gói trọn hết ân tình xưa cũ.

Kẻ thanh thản, nợ trần nay đã giũ,
Người âu sầu héo rũ, lệ mềm tay.
Chẳng tìm đâu lại được những tháng ngày,
Vui họp mặt cùng say sưa cười nói.

Cuộc sinh tử, làm người ai tránh khỏi,
Nhưng chỉ hiềm Tiến quá vội Tiến ơi,
Cuộc đời vừa đến lúc được thảnh thơi,
Sao lặng lẽ về trời qua ngõ tắt?

Lòng muốn nghĩ Tiến vẫn còn chưa mất,
Chỉ nhất thời tạm vắng mặt mà thôi.
Nhưng khi bình tâm lại, bỗng than ôi,
Tiến thật đã bỏ nơi này vĩnh viễn.

Cánh buồm đà tách bến,
Ngậm ngùi vĩnh biệt Tiến từ đây.

Trần Văn Lương
Cali, 7/2022



Ghi chú:

(1) Rạng 30/5 (mấy tiếng sau khi họp mặt ở nhà Tiến),
chúng tôi nhận được bức họa mà Tiến viết là vừa "vẽ bạn xưa"
xong kèm theo mấy dòng ghi phía dưới:

"Tìm trong nét vẽ bạn xưa,
Thiên thu vóc dáng thì nhân hỏi người?"


pmt










(2) "Một Thoáng Suy Tư" là một tiết mục đặc biệt Tiến

dựng lên để chia sẻ những cảm nghĩ cùng ưu tư của mình với

mọi người trong các diễn đàn Thụ Nhân nhiều năm về trước.