3/5/21

NỘI CHIẾN CHƯA NGÃ NGŨ!

NỘI CHIẾN CHƯA NGÃ NGŨ!

Hoàng Ngọc Nguyên


Hội nghị Bảo thủ Hành động Chính trị (CPAC - Conservative Political Action Conference) năm nay đã được nhóm trong bốn ngày cuối tháng hai, địa điểm là Orlando, Florida, nay là quê nhà mới của Donald Trump, và diễn viên chính đương nhiên cũng là Trump. Nếu chẳng phải vì Trump thì chẳng có thời và địa này. Trump đang làm đủ mọi cách để cho mọi người hiểu rằng ông nay đang tìm cách trở lại cho dù tai tiếng đầy mình. Và ông muốn nhấn mạnh đảng Cộng Hòa vẫn là đảng của Trump, nằm trong tay Trump. Nhất là giữa khi người ta đang nhìn đến “di sản” của ông sau khi Tối cao Pháp viện đưa ra phán quyết bắt ông phải giao nộp hồ sơ thuế cho tòa án ở New York liên quan đến vụ án tham nhũng, lươn lẹo của Trump Organization.

Vòng Đai Xanh

3/4/21

Bao Dung

Lời Tựa

Vài tuần trước, bạn học cùng khóa Lý Nghiệp Minh khuyến khích tôi trình bày cảm nghĩ về bao dung. Bao dung là một đề tài rất hay, có ý nghĩa sâu xa khiến tôi suy nghĩ nhiều và từ đó hai chữ "bao dung" cứ lẩn quẩn trong đầu.

Gần đây, tôi đọc được một điển tích trong Sử Ký - "Quản Bào chi giao" (管鮑之交), câu chuyện xuất phát từ tình bạn tâm giao của Quản Trọng và Bào Thúc Nha, hai người bạn thân hiểu biết lẫn nhau, Quản Trọng tài ba lỗi lạc, nhưng không gặp thời, sống đời túng quẫn khó khăn, Bào Thúc Nha tận tình giúp đỡ, thậm chí sau này còn tiến cử Quản Trọng cho vua Tề đảm nhận chức vụ tể tướng. Lúc Quản Trọng lâm chung, vua Tề hỏi Quản Trọng: "Bào Thúc Nha có thể thay thế khanh tiếp nhận chức tể tướng không?" Mọi người đều nghĩ là đương nhiên, không ngờ Quản Trọng trả lời: "Không được, là vì Bào Thúc Nha có tánh thù hận tiểu nhân, không thể dung thứ kẻ xấu, nếu làm tể tướng, bất lợi cho Ngài cũng bất lợi cho Bào Thúc Nha."

Đọc Sử Ký, câu nói của Quản Trọng khiến tôi suy nghĩ rất lâu:

" Kỳ vi nhân hiếu thiện nhi ác ác dĩ thậm, kiến nhất ác chung thân bất vong, bất khả dĩ vi chính." (其為人好善而惡惡已甚, 見一惡終生不忘, 不可以為政). Có nghĩa là một người quá chấp về thiện ác, thấy một người xấu mà hận suốt đời, chắc chắn không bao dung được khuyết điểm và lỗi lầm của người khác, người như vậy không thể trị quốc làm đại sự.

Tôi liên tưởng đến hai câu: "Nước quá trong thì không có cá, người quá chấp thì vô tình".

Ý thức được một vài triết lý như vậy, tôi quyết định cầm bút viết bao dung. Luôn tiện kể thêm, tôi có một người quen tánh keo kiệt, thích so kè từng xu, vì vậy không ai thích y, tôi cũng thường cố ý tránh xa. Rồi một ngày, tôi tình cờ đọc được câu chuyện "hẻm sáu thước" (nội dung câu chuyện được viết trong bài văn dưới đây), tôi như chừng được mở lòng thoát trói, ý thức rằng khư khư câu chấp khuyết điểm của người khác là một điều không đạo đức, phiền não là lấy lỗi lầm của người khác để trừng phạt chính mình, nhận thấy như vậy, tôi thay đổi thái độ đối với người quen keo kiệt vừa kể trên, từ đáng ghét trở thành đáng thương hại, rồi từ từ chấp nhận khuyết điểm của người ấy.

Thiện ác, thị phi, đẹp xấu, được mất, sống chết..... đều là hai mặt của một vấn đề. Dưới góc độ sâu rộng thì không có vấn đề đúng hay sai, chỉ có sự khác biệt của cách nhìn.

Đã là người, chúng ta đều có khuyết điểm, nếu không thì tại sao phải đến cõi đời này để trả nghiệp chịu khổ? Vì vậy, tôi tự suy xét, hổ thẹn và sám hối mỗi ngày, có lỗi thì phải sửa ngay. Bài viết của tôi chủ yếu là để cảnh giác chính mình, đồng thời muốn tìm hiểu về thế giới tâm linh của con người, rút lấy phần chân thiện mỹ để chia sẻ và khuyến khích lẫn nhau. Trong lúc viết bài hay nghĩ đến lời dạy của các bậc Thánh Hiền, tôi có cảm giác như thi hào Đào Uyên Minh nói: "Hái bông cúc trong vườn, ngẩng đầu bỗng thấy núi xanh cao ngất."

Chia sẻ bao dung là một niềm vui lớn, muôn ngàn lời nói, chan chứa trong lòng, để làm tựa.

3/1/21

Ngủ Đò

Trần Khiêm Đoàn

Năm 1971, trong một dịp vào Sài Gòn chấm thi tại trường Gia Long, tôi có dịp quen biết với một cặp vợ chồng người Nam, quê ở Cần Thơ. Vì biết là người Huế, lại đang dạy học ở vùng giới tuyến Đông Hà-Quảng Trị, nên anh chị đã dành cho tôi mối cảm tình đặc biệt của người lính văn phòng dành cho người lính đồn xa. Dù chưa ra Huế lần nào nhưng sự hiểu biết của cặp vợ chồng nầy về Huế khá sâu sắc và tỉ mỉ như cách nhìn của một nhà khảo cổ nhìn lại thời xa xưa qua sách vở. Một trong những mong ước của anh chị là một ngày nào đó được ra thăm Huế.

Tôi mời anh chị mùa Hè năm sau ra Huế ở lại với gia đình tôi chơi để làm một chuyến du lịch vùng đất có nhiều vui buồn đầy huyền thoại nầy.

Sau hơn một tuần chu du hết các thắng cảnh, lăng tẩm, chùa chiền, núi rừng, sông biển của Huế, hai ngày trước khi rời Huế về lại Cần Thơ, anh chồng kéo riêng tôi ra quán cà phê, nhìn trước nhìn sau để yên chí là không có tai vách mạch rừng rồi mới trầm giọng nói nhỏ vào tai tôi:

– Mình muốn cậu cho mình biết cái “dzụ” đó.

Tôi nhớn nhác chưa rõ chuyện gì, thì thào hỏi lại:

– Cái “dzụ” gì vậy anh?

Anh trả lời hơi lắp bắp:

– Thì, thì… cái “dzụ”… ngủ đò ấy mà!

– Tôi vỗ đùi cười ngặt nghẽo:

– Chuyện dễ ợt nằm trong lòng bàn tay, muốn lúc nào cũng đuợc mà anh làm tôi hết hồn.

ĐÔI ĐŨA

Khuyết Danh

Có người nói tình yêu giống như nước, mềm mại tươi tắn; cũng có người nói, tình yêu giống như rượu, càng lâu càng nồng; có người nói, tình yêu giống như một ngọn gió, đến đi không ai hay biết. Còn với tôi, tình yêu giống như một đôi đũa.

Đàn ông là một chiếc đũa, phụ nữ là chiếc còn lại, hai chiếc đũa nhờ duyên phận mà trở thành một đôi, từ đó luôn ở bên nhau, đó chính là tình yêu.

Một đôi đũa, phải đồng tâm hiệp lực, mới có thể gắp được những ngày tháng hạnh phúc. Đàn ông và phụ nữ, thiếu một chiếc cũng không được, một chiếc đũa chỉ có thể nếm được một chút nước chấm, mà vĩnh viễn không thể nắm bắt được mùi vị thực sự của cuộc sống.

Một đôi đũa, nhất định phải có một chiếc làm điểm tựa. Người phương Tây cảm thấy rất khó khi dùng đũa, tại sao vậy? Là bởi vì họ không biết cách cầm đôi đũa sao cho cân bằng. Muốn dùng đũa gắp thức ăn lên mà không bị rơi, thì một trong hai chiếc phải chịu ở dưới thấp hơn, làm điểm tựa để tiếp thêm sức cho chiếc kia kẹp lấy thức ăn.



Sử dụng sức ở ngón tay chỉ là tiểu xảo nhỏ mà thôi. Quả thực, trong tình yêu luôn luôn cần một chút “tiểu xảo”, nhưng sự hòa hợp bên trong giữa hai tâm hồn mới là điều cốt yếu nhất, tình cảm thực sự mới là thứ quan trọng số một!

Để đôi đũa phát huy tác dụng thì luôn cần hai chiếc đũa phối hợp nhịp nhàng. Có người thắc mắc, nếu chức năng của đôi đũa chỉ là gắp thức ăn thôi, vậy sao không thiết kế một đôi đũa liền một đầu cho dễ thao tác?

Nhưng không, nếu đôi đũa mà liền nhau, thì nó lại trở thành một cái kẹp. Nó cũng có thể gắp được, nhưng khả năng của nó chỉ có hạn, không thể gắp được những thứ quá lớn.

Còn đôi đũa thì rất tự do, nó rất linh hoạt, có thể mở rộng miệng như một chú sư tử, thâu nạp hết thảy những thứ tốt vào bên trong. Đó chính là sức mạnh của tình yêu.

Vậy nên, xin đừng quên rằng, một đôi đũa lúc nào cũng phải thật cân bằng, một chiếc làm điểm tựa, còn chiếc kia cần có không gian tự do, không gian ấy càng lớn, thì gắp được càng nhiều, chỉ cần người kia vẫn là một chiếc trong đôi đũa.

BÂNG KHUÂNG NỖI NHỚ


Thơ Xuân buồn

BÂNG KHUÂNG NỖI NHỚ

Xuân lại về, tha hương sầu viễn xứ.
Miền đất cũ : niềm tâm sự nhớ nhung.
Đời quân ngũ biết nói mấy cho cùng,
Người nằm lại trải mấy Xuân hờn tủi.

Rừng vắng, đồi hoang cô đơn thui thủi.
Một thuở nào tình đồng đội bên nhau.
Từ chốn xa đốt nén hương nguyện cầu,
Để nhớ mãi tình đậm sâu chiến hữu.

Không biết Anh đã về miền vĩnh cửu,
Hay hương linh còn ẩn náu chốn xưa ?
Chờ mai nở, đoán Xuân đến hay chưa,
Để mong đợi cánh thư từ hậu tuyến.

Hoài niệm cũ vẫn vấn vương hoà quyện,
Của một thời trong cuộc chiến cùng nhau.
Nay Xuân đến mái tóc thêm bạc màu,
Vẫn nhớ : ngọn đỉnh sầu Anh nằm lại.

Bài hát cũ gợi nỗi buồn tê tái,
Nhiều đứa con: Xuân mãi mãi không về.
Vì nợ Nước, chưa vẹn được câu thề,
Nỗi oan khuất, tráng sĩ hề: uất nghẹn!

Nay tất cả chỉ còn là kỷ niệm,
Của một thời chinh chiến đã trôi qua.
Cố tìm quên…nỗi nhớ chẳng phôi pha,
Chung rượu nồng, uống mình Ta thấy nhạt.

Thời gian dài, kiếp tha hương lưu lạc.
Mỗi đầu năm nghe câu hát mừng Xuân,
Nhắc đời lính lại thấy lòng lâng lâng
Một nỗi nhớ bâng khuâng ngày tháng cũ.

Hàn Sĩ Phan, Florida mùa Xuân 2021