9/26/23

Giải trí cuối tuần - Xem phim "Cạo gió"

Cạo Gió


Cảm ơn anh K. chia sẻ phim truyện: Cạo Gió (刮痧).

Xin lược thuật câu chuyện như sau:

Một cụ già sinh sống tại Trung Quốc qua Mỹ sum họp với người nhà, một hôm ông cụ dùng cách thức y học cổ truyền trong dân gian cạo gió chữa bệnh cảm sốt cho cháu nội, thao tác cổ xưa lỗi thời ấy đã gây ra nhiều sự hiểu lầm của người ngoại quốc bao gồm bác sĩ bệnh viện, cơ quan giám sát quyền trẻ em, thậm chí các quan tòa và thẩm phán thực hiện quyền xét xử trong các vụ tranh tụng biện luận. Sự kiện đã mang cho gia đình đứa trẻ nhiều vấn đề hóc búa, phiền lụy, cha mẹ ruột bị truy tố về tội hành hạ ngược đãi trẻ con...nói sao cho xiết lý và lẽ.

Theo Đông Y, cạo gió là phương pháp chữa bệnh đã có từ lâu và lưu truyền trong dân gian như một bài thuốc thần kỳ, có hiệu quả đả thông kinh mạch, lưu thông khí huyết, giúp tăng cường hoạt động của hệ thống tuần hoàn.

Còn Tây y thì theo y học thực chứng, các phát biểu phải có nghiên cứu cụ thể. Vì vậy, họ cho rằng cạo gió là một việc làm phản khoa học, các vết đỏ bầm tím qua thao tác cạo gió là dấu vết của trận đòn roi, là bằng chứng của hành vi bạo lực ngược đãi.


Khác nhau ở một cái nhìn, đúng sai tốt xấu tâm mình sáng soi.

Sự kiện y học này khiến tôi liên tưởng đến một vấn đề tín ngưỡng. Trong xã hội hiện nay, còn rất nhiều người hiểu sai về Phật giáo, họ cho rằng Phật giáo là tiêu cực, yếm thế và dị đoan. Trong khi đó, Phật giáo là một tôn giáo lấy từ bi làm gốc, lấy nhẫn nhục làm hạnh, dùng tư bi hỷ xả kết duyên với chúng sinh.

Trong kinh Phật nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó được nghe, lòng tin khó phát”. Thật đúng như vậy! Phật giáo lưu truyền trên hai ngàn năm, đã ảnh hưởng rất sâu rộng trong văn hóa, tư tưởng của dân tộc. Vậy mà cho đến hôm nay, nhiều người vẫn còn xa lạ với Phật giáo. Thực trạng như vậy, không biết là nên buồn cho Phật pháp, hay buồn cho văn hóa nước nhà!

Phật giáo cũng như các tôn giáo khác đều khuyên người lánh ác hướng thiện, phá trừ mê muội. Là Phật tử quy y tam bảo, tôi luôn cảm thấy mình là người đi trên con đường chân chính, y giáo phụng hành. Nhưng với một số người khác, tôi là người đi vào con đường tiêu cực, bi quan, yếm thế, bất vấn thị phi. Những lời lẽ nghịch lý lắm lúc khiến tôi dở khóc dở cười, nên tôi luôn giữ thái độ im lặng trước sự đàm tiếu của thiên hạ, tôi thấy mình tin Phật là đúng, mà người khác chê cười tôi tin Phật cũng là đúng. Thanh giả tự thanh, trọc giả tự trọc, "Đạo bất đồng bất tương vi mưu"(道不同,不相為謀), tư tưởng, quan niệm khác nhau thì không cùng nhau bàn luận trao đổi được, hà tất biện bạch làm gì.

Đạo đời hai lối, mê giác chỉ là nhất niệm.


Phim truyện cạo gió cũng khiến tôi nghĩ đến triết lý cuộc sống :“Đừng lấy tiêu chuẩn của người khác ra hoạch định cuộc đời mình; đừng lấy tiêu chuẩn của chính mình để phán đoán người khác.”  

Mỗi người chúng ta, tùy theo hoàn cảnh sinh sống, truyền thống và thói quen—cấp tiến, bảo thủ, công giáo, phật giáo, xã hội—chúng ta nhìn chân lý và lý giải chân lý dưới một góc độ khác nhau. Nhìn một người đánh một người khác, kẻ thì cho đó là áp bức, kẻ thì cho đó là nghiệp duyên, kẻ thì cho đó là nhân quả, người thì nói là ý trời…

Vấn đề thường nảy sinh vì mỗi người thường cho là chỉ có cách lý giải của mình mới thật là chân lý, các lý giải khác là sai. Và thường đó là đầu mối của sự hiểu lầm, chia cách, tranh chấp và chiến tranh.


Vì vậy, không nên có cái nhìn hẹp hòi, chủ quan, như “thầy bói xem voi”. Mỗi người chúng ta là một cá thể riêng biệt tuyệt nhiên sẽ có nhiều góc nhìn khác nhau. nên chớ vội phán xét người khác khi chưa ở trong hoàn cảnh của họ. 


Cùng xem qua câu chuyện ngụ ngôn của hai con hổ, một con ở trong chuồng, một con nơi hoang dã. Hai con hổ đều cho rằng hoàn cảnh của bản thân mình không tốt, đôi bên đều ngưỡng mộ đối phương, thế là chúng quyết định thay đổi thân phận với nhau. Lúc mới bắt đầu, cả hai đều vô cùng vui vẻ, nhưng không lâu sau đó, hai con hổ đều không còn: 

Một con chết vì đói. Con hổ sống trong chuồng sau khi ra ngoài rừng núi, tuy hưởng được sự tự do thoải mái nhưng lại không có khả năng săn mồi để sinh sống.

Một con chết vì u sầu. Con hổ vào chuồng tuy không cần lo về miếng ăn mỗi ngày, nhưng lại mất đi sự tung tăng vẫy vùng nơi chốn sơn lâm.


Ngẫm nghĩ sự đời:

Có những lúc, mọi người nhắm mắt làm ngơ đối với hạnh phúc của chính bản thân mình, để rồi luôn để mắt đến hạnh phúc của những người khác. Thật ra, những gì mà mình đang có chính là những điều mà người khác phải ngưỡng vọng.

"Cái nhìn đa chiều", chúng ta sẽ có những nhận xét bao quát, tổng thể và biết suy nghĩ cho người khác, đem lại niềm hạnh phúc cho bản thân và mọi người xung quanh.

“Tầm nhìn bao dung”, chúng ta sẽ thấy mỗi một người đều vừa có điểm tốt vừa có điểm chưa tốt; dù còn khiếm khuyết nhưng vẫn có nhiều điều rất đáng trân trọng và đáng để ta học tập!


Đây chính là tiền đề để kết nối những mối quan hệ trở nên bền chặt và chân thành hơn.

Thực vậy, chuyện đời như một đồng tiền hai mặt, tương sinh tương hành:

"Bạn có thể phàn nàn vì hoa hồng có gai, hoặc bạn cũng có thể vui mừng vì gai có hoa hồng."


Trường K5

09-25-2023



Xem phim: Cạo gió

HỆ QUẢ CHUYẾN ĐI HÀ NỘI CỦA JOE BIDEN NGÀY 10-11/09/2013 XÉT VỀ LUẬT QUỐC TẾ

 

Ngày 11/09, tổng thống Joe Biden ăn kem tại phố Trường Tiền

Ngày 10/09/2023, chuyên cơ Air Force One chở tổng thống Joe Biden đáp xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội). Mục đích chuyến công du được công bố chính thức là ‘‘rất đặc biệt’’, kỷ niệm 10 năm hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện (2013-2023). Tuy nhiên, thành phần tháp tùng cho thấy thực chất chuyến viếng thăm :

- ngoại trưởng Antony Blinken.
- cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan.

Tuy bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin không có mặt, nhưng hai lãnh vực ngoại giao và quốc phòng thường đi đôi với nhau.

Về phía Việt Nam có trưởng ban đối ngoại trung ương Lê Hoài Trung. Đây là chức vụ trong trung ương đảng đặc trách về ngoại giao. Không có chính quyền.

Tổng thống Joe Biden có tinh thần thực dụng. Điều 4 Hiến pháp 2013 quy định ‘‘đảng cộng sản Việt Nam (…) là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội’’. Vì vậy, trước cuộc họp chính thức, Mỹ đã yêu cẩu tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có lời mời chính thức Hoa Kỳ. Phiên họp diễn ra tại trụ sở đảng cộng sản Việt Nam và Hoa Kỳ tuy ‘‘rất đặc biệt’’, nhưng lại rất mau chóng, vì nội dung đã được hai bên chuẩn bị từ trước. Báo chí nước ngoài nói đến ‘‘đối tác chiến lược mở rộng’’ (partenariat stratégique étendu) trong khi văn bản chính thức nói đến ‘‘đối tác chiến lược toàn diện mang tính lịch sử’’ (partenariat stratégique global historique). 

Trong cuộc họp báo ngày 12/09/2023, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã bác bỏ đối tác vừa ký kết giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Thiết tường cũng nên ghi nhận chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng chỉ khoản đãi phái đoàn Hoa Kỷ trong bữa tiệc ngày 11/09, mang tính tượng trưng.

Về địa lý chính trị, Tập Cận Bình đã sai lầm khi đưa ra đường lưỡi bò, còn gọi là đuờng chín đoạn. Hai nước đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc dùng biển Đông để chuyển vận dầu hỏa và các nguyên vật liệu. Biển Đông có bốn phương :

- Đài Loan (phương bắc) : ngày 16/11/1993, cựu TT George H.W. Bush đến Đài Loan. 
Ngày 29/01/2010, bô quốc phòng Hoa Kỷ quyết định bán vũ khí cho Đài Loan. Ngày 16/03/2018, tổng thống Donald Trump ký ‘‘Luật Lữ hành Đài Loan’’ cho phép quan hệ ngoai giao cấp cao giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.

- Phi Luật Tân (phương tây) : ngày 02/02/2023 tại Manila, bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin cho biết Mỹ hiện có 9 căn cứ hải quân tại Phi Luật Tân. Trước đó, ngày 12/07/2014, Tòa Trọng tài Quốc tế xử Phi Luật Tân thắng Trung Quốc về vụ kiện đường lưỡi bò.

- Indonesia (phương nam) : từ ngày 31/08/2023, Indonesia và Hoa Kỷ tập trận chung mang tên ‘‘Super Garuda Shield’’.

- Việt Nam (phương đông) : với văn bản ký kết ngày 10/09/2023 bao gồm cả lãnh vực quân sự đã vô hiệu hóa đường lưỡi bỏ của Tập Cận Bình.

Ngày 05/09/2023, trưởng ban đối ngoại đạng cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu sang Việt Nam thuyết phúc tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vô hiệu hóa chuyến viếng thăm của tổng thống Joe Biden.

x

x x

Chiếc kem mà tổng thống Joe Biden nhấm nháp tại Hà Nội ngày 11/09/2023 đã làm nguội lạnh tham vọng bá quyền của Trung Quốc.

Lê Đình Thông

Qua chuyến thăm của TT Biden, Việt Nam và Mỹ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn ( RFI tiếng Việt ngày 25.09.2023)

Nghe

9/22/23

Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ nói Nga 'dừng chiến tranh' thì Ukraine không phải lên tiếng

 BBC - 21.09.2023


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong cuộc họp cấp bộ trưởng về cuộc khủng hoảng ở Ukraine tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, ngày 20/9/2023

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xuất hiện trực tiếp tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án cuộc xâm lược của Moscow. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, Vassily Nebenzia đã phản đối ông Zelensky phát biểu khi ở đầu cuộc họp.

Thủ tướng Albania Edi Rama, với tư cách là chủ tịch của phiên họp căng thẳng này, đã đáp trả bằng lời lẽ châm biếm nhằm vào Moscow, nước từ lâu đã nói rằng cuộc xâm lược không phải là chiến tranh mà chỉ là "chiến dịch quân sự đặc biệt".

“Tôi muốn đảm bảo với các đồng sự người Nga của chúng ta và toàn thể mọi người ở đây rằng đây không phải là một chiến dịch đặc biệt của chủ tịch Albania,”
Rama, người nổi tiếng với sự hài hước sắc sảo, nói trong tiếng cười thầm lặng khắp khán phòng.

“Có một giải pháp cho vấn đề này,” Rama tiếp tục, nói thẳng với ông Nebenzia: “Nếu ông đồng tình thì, ông dừng chiến tranh và Tổng thống Zelensky sẽ không phát biểu gì.”

Nebenzia không đồng ý. Ông tiếp tục nói rằng phiên họp là một màn kịch và chỉ trích Rama, cho rằng những gì ông Rama nói là những tuyên bố mang tính chính trị hơn là đóng vai trò một người giám sát quy trình một cách trung lập.

Sau phiên họp, Zelensky cảm ơn Rama trên mạng xã hội, nói rằng cầu thủ người Albania, vừa là một nghệ sĩ kiêm cựu cầu thủ bóng rổ, đã "cho thế giới thấy cách hành xử đúng đắn với Nga, những lời dối trá và đạo đức giả của quốc gia này."

Để tìm cách biện minh cho cuộc xâm lược của mình, Moscow đã nói rằng tham vọng của Ukraine muốn hội nhập với Phương Tây - bao gồm cả Nato - là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga, một tuyên bố mà Kyiv và các đồng minh phủ nhận và cho là một tiền đề vô căn cứ để khai chiến.

Khi phát biểu sau cuộc cuộc đối đáp căng thẳng, ông Zelensky yêu cầu tước quyền phủ quyết của Nga với tư cách là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, như một hình phạt vì tấn công Ukraine.

Xuất hiện trong phòng họp sau khi Zelensky rời đi, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov biện minh cho việc Moscow sử dụng quyền phủ quyết và nói đó là hợp pháp, cáo buộc Kyiv và phương Tây chỉ tuân theo các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc năm 1945 một cách có chọn lọc để phục vụ cho ý chí của họ.



Thủ Tướng Albany Edi Rama* kể chuyện vui về Putin:

*Edi Rama (sinh ngày 4 tháng 7 năm 1964) là một chính trị gia, nghệ sĩ, nhà văn và cựu cầu thủ bóng rổ người Albania, người đã trở thành Thủ tướng thứ 42 của Albania kể từ năm 2013. Rama cũng là Chủ tịch Đảng Xã hội Albania từ năm 2005.

“Tôi không biết bạn có nghe nói rằng Nga đang nghĩ đến việc thống nhất các múi giờ hay không. Bởi vì họ có sự chênh lệch 9 giờ giữa đầu này và đầu kia của đất nước."

Thủ tướng đến gặp Putin và nói: 'Thưa ngài Tổng thống, chúng tôi có một vấn đề. Gia đình tôi đang đi nghỉ hè, tôi gọi điện để chúc họ ngủ ngon, nhưng họ đã ở giữa buổi sáng và họ đang ở bãi biển. Tôi đã gọi cho Olaf Scholz để chúc mừng ngày kỷ niệm của anh ấy và anh ấy nói: Đó là ngày mai. Tôi gọi cho Tập Cận Bình vào ngày đầu năm mới và ông ấy nói: Vẫn là năm cũ.

Và Putin nói: 'Vâng, điều đó cũng đã xảy ra với tôi. Tôi đã gọi điện cho gia đình Prigozhin để bày tỏ lời chia buồn về sự mất mát của họ, nhưng máy bay vẫn chưa cất cánh.'**

Khán giả trong video có thể nghe thấy tiếng cười. Bản thân Rama ngả người ra sau câu nói cuối cùng và cười sảng khoái.😃😃😃

**Người đứng đầu đội lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin, chết trong một vụ tai nạn máy bay vào tháng 8, khoảng hai tháng sau cuộc nổi dậy thất bại của ông . Điều này làm dấy lên suy đoán rằng chiếc máy bay có thể bị bắn hạ theo lệnh của Putin.

Tiếc Nuối Gì Không

Dạo:

      Một đời cách bến xa sông,

Có hề tiếc nuối gì không, hỡi người?

  

Cóc cuối tuần:

 

  Tiếc Nuối Gì Không

 

Tháng tám, mắt chiều cay,

Khật khùng giấc tỉnh say.

Ngày loay hoay đợi chết,

Đêm mỏi mệt mong ngày.

 

Nhẹ khảy đứt dây đàn,

Gục đầu, khẽ thở than,

Đò ngang đà bặt chuyến,

Vĩnh viễn biệt hồng nhan.

 

Gió bám chặt cành đơn,

Cố bày lẽ thiệt hơn.

Lá hờn nên lặng lẽ,

Mặc gió kể nguồn cơn.

 

Mây chớn chở đen sì,

Lấp dần nẻo biệt ly.

Người đi không trở lại,

Day dứt mãi làm chi.

 

Ti tỉ tiếng hoàng hôn,

Chuông tong tả gọi hồn,

Dập dồn kinh thúc hối,

Người lạc lối cô thôn.

 

Lổm chổm ánh trăng rằm,

Lối về cũ lạnh căm.

Xăm xăm tìm ảo vọng,

Lầm lỡ mộng trăm năm.

 

Dăm ước muốn xa vời,

Chỉ còn vạt nắng vơi.

Cơ trời, đâu dám trách,

Dù lách chách không ngơi.

 

Dòng nhạc thuở xa xôi,

Theo người chịu nổi trôi,

Ỉ ôi từng nốt lẻ,

Dằn vặt kẻ đơn côi.

 

Cằn cỗi giọng ca khàn,

Cũng bày đặt khóc than,

Lội càn qua vũng nhớ,

Nức nở chuyện lìa tan.

 

Tình mắc cạn ngu ngơ,

Quanh chăn gối vật vờ.

Câu thơ quèn lạc vận,

Còn vớ vẩn ươm mơ.

 

Mộng vỡ đã chương phình,

Người xưa vẫn lặng thinh,

Mặc mình ai sám hối,

Sớm tối nhẵn lời kinh.

 

Luýnh quýnh ngọn đèn chong,

Rụt rè tuổi xế đông,

Hỏi người trong giấc cuối

Có tiếc nuối gì không.


Trần Văn Lương
Cali, 9/2023

9/16/23

Trung Quốc : Mặc trang phục « làm tổn hại tinh thần dân tộc » có thể bị kết án.

RFI tiếng Việt, trích tạp chí đặc biệt - ngày 16.09.2023  

Nghe phần âm thanh:


Chính phủ Trung Quốc dự định sửa đổi luật an ninh công cộng : những bình luận, những bộ trang phục hay biểu tượng « làm suy yếu » hoặc có thể « làm tổn hại tinh thần dân tộc » có thể bị kết án hình sự. Theo đài France 24, nếu dự luật được Quốc Hội Trung Quốc thông qua, những ai vi phạm có thể sẽ bị giam giữ 2 tuần hoặc phải nộp khoản tiền phạt tương đương vài trăm đô la.

(Ảnh minh họa) - Hai người phụ nữ Trung Quốc trong trang phục truyền thống Kimono của Nhật Bản chụp ảnh lưu niệm tại công viên Yuyuantan ở Bắc Kinh, ngày 30/09/2019 nhân lễ hội hoa anh đào. AP - Andy Wong

Thông tín viên Stéphane Lagarde từ Trung Quốc gửi về bài tường trình :

« Rõ ràng, người dân Trung Quốc rất nhạy cảm và đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn có ý định tấn công bất cứ điều gì có thể « làm tổn thương tình cảm dân tộc ». Dự luật này, hiện đang được đưa lên trang web của Quốc Hội để lấy ý kiến ​​công chúng, đã gây ra rất nhiều phản ứng trên các mạng xã hội.

Các luật sư đặc biệt lo ngại về nguy cơ « chệch hướng, lạm dụng tùy tiện » do có một số điều mơ hồ. Theo các chuyên gia và bloggeur, dự luật này trên thực tế là nhằm kết tội hình sự bất cứ điều gì có thể gây tổn hại đến điều họ xem là « tình cảm của đất nước » hay « tinh thần dân tộc », những khái niệm vừa mơ hồ vừa mang tính bao quát rất rộng.

Trên tài khoản Twitter (được Reuters trích dẫn), Tong Zhiwei, chuyên gia luật hiến định tại Đại học Khoa học Chính trị Hoa Đông, đặt câu hỏi : Ai sẽ khẳng định điều gì thuộc về « tinh thần dân tộc Trung Quốc » ? Và theo những thủ tục gì ?

Năm ngoái, một người phụ nữ Trung Quốc mặc kimono (trang phục truyền thống Nhật Bản), đang đi trên đường thì bị cảnh sát bắt giữ. Cảnh sát Trung Quốc, giống như những người làm công tác kiểm duyệt, đôi khi không cập nhật các xu hướng thời trang.

Cách nay vài ngày, một số người Trung Quốc mặc trang phục nhà Đường bị ngăn vào một công viên ở thành phố Vũ Hán. Những nhân viên bảo vệ ở đó đã nhầm tưởng là những chiếc ô, dù cầm tay và trang phục của những người này là trang phục Nhật Bản, kiểu trang phục có thể xúc phạm tới « tinh thần dân tộc » Trung Quốc ».

Dự luật được đưa ra « lấy ý dân » đến hết ngày 30/09/2023, nhưng hiện giờ đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ công luận. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, được France 24 trích dẫn, cho biết chỉ trong một tuần, đã có tới 70.000 người đưa ra ý kiến, đa phần là phản đối dự luật. Một số phương tiện truyền thông Nhà nước bảo thủ, thậm chí còn yêu cầu chính phủ giải thích, điều mà nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Marc Lanteigne, tại Na Uy cho là khá hiếm xảy ra tại Trung Quốc.

Đây không phải lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc lợi dụng những điều mơ hồ để dễ bề kiểm duyệt. Thế nhưng, lần này theo ông Ho Ting “Bosco” Hung, chuyên gia về Trung Quốc tại Nhóm Nghiên cứu An ninh Quốc tế Verona (ITSS Verona), việc chính quyền « động chạm » đến trang phục - một khía cạnh thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày - khiến người dân lo sợ rằng, chẳng hạn, mặc những bộ quần áo nhập khẩu từ nước ngoài đến công sở sẽ bị quy tội. Ông Ho Ting “Bosco” Hung, nhắc lại : « Từ những năm 1980 đã có một kiểu thỏa hiệp quốc gia ngầm, theo đó Nhà nước không can thiệp vào cách ăn mặc của người dân ».

Một luật sư nói đến lực lượng « cảnh sát đạo đức », liên hệ đến những vụ việc đau lòng tại Iran hoặc Afghanistan, liên quan đến những quy định khắc nghiệt về trang phục của phụ nữ Hồi giáo.