9/26/23

Giải trí cuối tuần - Xem phim "Cạo gió"

Cạo Gió


Cảm ơn anh K. chia sẻ phim truyện: Cạo Gió (刮痧).

Xin lược thuật câu chuyện như sau:

Một cụ già sinh sống tại Trung Quốc qua Mỹ sum họp với người nhà, một hôm ông cụ dùng cách thức y học cổ truyền trong dân gian cạo gió chữa bệnh cảm sốt cho cháu nội, thao tác cổ xưa lỗi thời ấy đã gây ra nhiều sự hiểu lầm của người ngoại quốc bao gồm bác sĩ bệnh viện, cơ quan giám sát quyền trẻ em, thậm chí các quan tòa và thẩm phán thực hiện quyền xét xử trong các vụ tranh tụng biện luận. Sự kiện đã mang cho gia đình đứa trẻ nhiều vấn đề hóc búa, phiền lụy, cha mẹ ruột bị truy tố về tội hành hạ ngược đãi trẻ con...nói sao cho xiết lý và lẽ.

Theo Đông Y, cạo gió là phương pháp chữa bệnh đã có từ lâu và lưu truyền trong dân gian như một bài thuốc thần kỳ, có hiệu quả đả thông kinh mạch, lưu thông khí huyết, giúp tăng cường hoạt động của hệ thống tuần hoàn.

Còn Tây y thì theo y học thực chứng, các phát biểu phải có nghiên cứu cụ thể. Vì vậy, họ cho rằng cạo gió là một việc làm phản khoa học, các vết đỏ bầm tím qua thao tác cạo gió là dấu vết của trận đòn roi, là bằng chứng của hành vi bạo lực ngược đãi.


Khác nhau ở một cái nhìn, đúng sai tốt xấu tâm mình sáng soi.

Sự kiện y học này khiến tôi liên tưởng đến một vấn đề tín ngưỡng. Trong xã hội hiện nay, còn rất nhiều người hiểu sai về Phật giáo, họ cho rằng Phật giáo là tiêu cực, yếm thế và dị đoan. Trong khi đó, Phật giáo là một tôn giáo lấy từ bi làm gốc, lấy nhẫn nhục làm hạnh, dùng tư bi hỷ xả kết duyên với chúng sinh.

Trong kinh Phật nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó được nghe, lòng tin khó phát”. Thật đúng như vậy! Phật giáo lưu truyền trên hai ngàn năm, đã ảnh hưởng rất sâu rộng trong văn hóa, tư tưởng của dân tộc. Vậy mà cho đến hôm nay, nhiều người vẫn còn xa lạ với Phật giáo. Thực trạng như vậy, không biết là nên buồn cho Phật pháp, hay buồn cho văn hóa nước nhà!

Phật giáo cũng như các tôn giáo khác đều khuyên người lánh ác hướng thiện, phá trừ mê muội. Là Phật tử quy y tam bảo, tôi luôn cảm thấy mình là người đi trên con đường chân chính, y giáo phụng hành. Nhưng với một số người khác, tôi là người đi vào con đường tiêu cực, bi quan, yếm thế, bất vấn thị phi. Những lời lẽ nghịch lý lắm lúc khiến tôi dở khóc dở cười, nên tôi luôn giữ thái độ im lặng trước sự đàm tiếu của thiên hạ, tôi thấy mình tin Phật là đúng, mà người khác chê cười tôi tin Phật cũng là đúng. Thanh giả tự thanh, trọc giả tự trọc, "Đạo bất đồng bất tương vi mưu"(道不同,不相為謀), tư tưởng, quan niệm khác nhau thì không cùng nhau bàn luận trao đổi được, hà tất biện bạch làm gì.

Đạo đời hai lối, mê giác chỉ là nhất niệm.


Phim truyện cạo gió cũng khiến tôi nghĩ đến triết lý cuộc sống :“Đừng lấy tiêu chuẩn của người khác ra hoạch định cuộc đời mình; đừng lấy tiêu chuẩn của chính mình để phán đoán người khác.”  

Mỗi người chúng ta, tùy theo hoàn cảnh sinh sống, truyền thống và thói quen—cấp tiến, bảo thủ, công giáo, phật giáo, xã hội—chúng ta nhìn chân lý và lý giải chân lý dưới một góc độ khác nhau. Nhìn một người đánh một người khác, kẻ thì cho đó là áp bức, kẻ thì cho đó là nghiệp duyên, kẻ thì cho đó là nhân quả, người thì nói là ý trời…

Vấn đề thường nảy sinh vì mỗi người thường cho là chỉ có cách lý giải của mình mới thật là chân lý, các lý giải khác là sai. Và thường đó là đầu mối của sự hiểu lầm, chia cách, tranh chấp và chiến tranh.


Vì vậy, không nên có cái nhìn hẹp hòi, chủ quan, như “thầy bói xem voi”. Mỗi người chúng ta là một cá thể riêng biệt tuyệt nhiên sẽ có nhiều góc nhìn khác nhau. nên chớ vội phán xét người khác khi chưa ở trong hoàn cảnh của họ. 


Cùng xem qua câu chuyện ngụ ngôn của hai con hổ, một con ở trong chuồng, một con nơi hoang dã. Hai con hổ đều cho rằng hoàn cảnh của bản thân mình không tốt, đôi bên đều ngưỡng mộ đối phương, thế là chúng quyết định thay đổi thân phận với nhau. Lúc mới bắt đầu, cả hai đều vô cùng vui vẻ, nhưng không lâu sau đó, hai con hổ đều không còn: 

Một con chết vì đói. Con hổ sống trong chuồng sau khi ra ngoài rừng núi, tuy hưởng được sự tự do thoải mái nhưng lại không có khả năng săn mồi để sinh sống.

Một con chết vì u sầu. Con hổ vào chuồng tuy không cần lo về miếng ăn mỗi ngày, nhưng lại mất đi sự tung tăng vẫy vùng nơi chốn sơn lâm.


Ngẫm nghĩ sự đời:

Có những lúc, mọi người nhắm mắt làm ngơ đối với hạnh phúc của chính bản thân mình, để rồi luôn để mắt đến hạnh phúc của những người khác. Thật ra, những gì mà mình đang có chính là những điều mà người khác phải ngưỡng vọng.

"Cái nhìn đa chiều", chúng ta sẽ có những nhận xét bao quát, tổng thể và biết suy nghĩ cho người khác, đem lại niềm hạnh phúc cho bản thân và mọi người xung quanh.

“Tầm nhìn bao dung”, chúng ta sẽ thấy mỗi một người đều vừa có điểm tốt vừa có điểm chưa tốt; dù còn khiếm khuyết nhưng vẫn có nhiều điều rất đáng trân trọng và đáng để ta học tập!


Đây chính là tiền đề để kết nối những mối quan hệ trở nên bền chặt và chân thành hơn.

Thực vậy, chuyện đời như một đồng tiền hai mặt, tương sinh tương hành:

"Bạn có thể phàn nàn vì hoa hồng có gai, hoặc bạn cũng có thể vui mừng vì gai có hoa hồng."


Trường K5

09-25-2023



Xem phim: Cạo gió

No comments:

Post a Comment