8/9/23

Nửa Hồn Thương Đau




Năm 1975 tàn, tháng 4 tận, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, tọa lạc tại số 81 Trần Quốc Toản, tên cũ là Trương Minh Giảng, bao gồm các hội âm nhạc, điện ảnh, nhà văn, tổ chức một buổi sinh hoạt vào cuối năm 1975, quy tụ nhiều văn nghệ sĩ chế độ cũ. Cái đinh của lần gặp gỡ này là màn trình diễn ‘‘Nửa Hồn Thương Đau’’ của ca sĩ Thái Thanh, qua tiếng đàn dương cầm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Sau khi mất miền Nam, Thái Thanh còn ở tuổi tứ tuần, Nguyễn Ánh 9 mới ngoài 30. Thái Thanh thể hiện tuyệt vời ca khúc Nửa Hồn Thương Đau của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, điệu slow rock qua tiếng đàn dương cầm Nguyễn Ánh 9. Cử tọa là các văn nghệ sĩ của chế độ cũ đã vỗ tay rất lâu để tán thưởng.

Chiếc đàn piano à queue màu trắng dường như để tang cho một thời tự do đã qua. Chiếc màn rideau buông xõa, chia cắt nửa hồn quê hương đã mất.

Sau thời gian dài đằng đẵng chia cắt, phân ly, danh ca Thái Thanh đã mất ở tuồi 86. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời năm 76 tuổi. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương từ trần năm 62 tuổi. Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, tác giả Lệ Đá Xanh với mấy câu thơ :

‘‘Đôi khi anh muốn tin,
Ôi những người khóc lẻ loi một mình’’.

Nhà thơ mất năm 70 tuổi, sau 7 năm tù tội cải tạo qua nhiều trại giam núi rừng Việt Bắc.

Thực ra, Nửa Hồn Thương Đau là chặng đường gồm ba phách. Bản nhạc gây nhiều xúc cảm cho các văn nghệ sĩ miền Nam là phách thứ ba, vì tất cả đã mất quê hương.

Phách 1 : Nửa Hồn Thương Đau

Ca khúc viết xong năm 1970, sau 10 năm chia tay với ca sĩ Khánh Ngọc, sau vụ tai tiếng với nhạc sĩ Phạm Duy mà báo chí đặt tên là ‘‘ăn chè Nhà Bè’’.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương kể lại câu chuyện đã khiến ông sáng tác ‘‘Nửa Hồn Thương Đau’’ như sau :

‘‘Khi tôi nhận lời viết nhạc phim cho phim ‘‘Chân Trời Tím’’, Quốc Phong đã chi ngay tiền tác quyền. Trước sự điệu nghệ của bạn, tôi đã bắt tay vào việc sáng tác. Một buổi tối, Quốc Phong ghé lại ‘‘Đêm Màu Hồng’’ bảo là mọi chuyện đã xong, chỉ còn thiếu nhạc phim thôi. Quốc Phong gia hạn cho tôi hai ngày. May sao trên nóc chiếc piano có bài Lệ Đá Xanh của Cung Tiến, phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Tôi dùng ngay cái ‘‘coda’’ đó cho Nửa Hồn Thương Đau.

Phách 2 : Chân Trời Tím

‘‘Chân Trời Tím’’, bộ phim có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam. Cuốn phim do nhà văn Văn Quang viết truyện, đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện, Liên Ảnh Công Ty sản xuất năm 1971. Nhà văn Mai Thảo tóm tắt Chân Trời Tím như sau :

‘‘Chiến tranh làm thành những chia ly. Trong lửa đạn kín trùm, hạnh phúc chỉ là chốc lát. Theo tiếng gọi của nhiệm vụ và chí lớn, Phi lại lên đường. Mất Phi, từ đó đời Liên chỉ còn là tối đen địa ngục.’’

Phách 3 : Ất Mão (1975)

Cuối năm 1975, ca sĩ Thái Thanh trình diễn ‘‘Nửa Hồn Thương Đau’’ trước cử tọa là các văn nghệ sĩ chế độ cũ. Giọng ca nức nở, tiếng hát đau thương là sự kết hợp giữa tượng thanh (ca khúc) và tượng hình (điện ảnh). Trong số người nghe có nước mắt rơi cho phận người và phận mình. Sau ngày 30/4/1975, Đêm Màu Hồng mất đi màu hồng tươi vui, chỉ còn là ‘‘Chân Trời Tím’’ : ‘‘Ôi những người khóc lẻ loi một mình’’.

Tác giả của câu thơ này, nhà thơ Thanh Tâm Tuyển cũng như nhiều văn nghệ sĩ quân đội còn phải lao đao trong các trại cải tạo Việt Bắc : ngoài Thanh Tâm Tuyền còn có

Tô Thùy Yên với câu thơ :

‘Vĩnh biệt ta, mời năm chế dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm, mặt xạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ.’’

hoặc Nguyễn Trung Cang qua tiếng hát :
‘‘Riêng ta nơi núi rừng về đêm càng nghe hồn băng giá
Câu ca hay khúc nhạc càng thêm sầu cho tình tan nát.’’


Tô Thùy Yên nói đến ‘‘rừng thiêng’’, Nguyễn Trung Cang đồng điệu với nốt nhạc buồn nơi ‘‘núi rừng’’. Sau 30/4/1975, cả miền Nam là ‘‘rừng thu từng biếc chen hồng’’, một màu sao vàng cờ đỏ.

Các văn nghệ sĩ Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyển Trung Cang, Phạm Đình Chương… đều là ‘‘mặt khuất chẳng thà lòng đau’’. Đề tưởng nhớ các văn nghệ sĩ ‘‘nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương’’ là mấy vần thơ mộc mạc sau đây :

‘Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay.’’ (Tô Thùy Yên)

Nghe tháng năm chôn vùi sau Ất Mão
Mà ngày nay đếm mãi cũng không cùng
Nhung nhớ mãi vần thơ không giả tạo
Và câu ca trôi dạt khắp nơi nơi.

‘Chân Trời Tím’’ hồn đau không nhung nhớ
‘‘Nửa Hồn’’ nay chất ngất những ‘‘Thương Đau’’
Nhớ Saigon, đường Lê Lợi muôn màu
Mấy tiệm sách vô ra toàn sĩ tử.


Ngày cuối tuần, tiệm bánh ở Brodard
Và Pagode ly trà thơm góc phố
Nắng chiều vàng thấp thoáng mấy hàng cây
Và Trường Luật đường Duy Tân ôn cố.

Ta khép lại mấy vần thơ nhung nhớ
Bao nhà thơ cải tạo mấy năm trường
Ta thắp nén tâm hương buồn vời vợi
Thơ còn đây mà hình bóng đã xa bay.

Lê Đình Thông


8/1/23

THẮM THOÁT NĂM MƯƠI NĂM

Một bài thơ trường thiên tả lại mối tình đầu của tác giả thời niên thiếu, trọ học  Cần Thơ. 


                                      Thắm thoát thời gian khéo hững hờ
                                      Bóng câu, cửa sổ, thoáng như mơ
                                      Năm mươi năm cũ tình đeo đẳng
                                      Còn ngỡ hôm nào, khi tuổi thơ....
                                       ........................................................
                               Năm mươi năm cũ tình chưa cũ
                               Còn nhớ không em tự thuở nào
                               Hai đứa tung tăng cùng đến lớp
                               Tan trường chung lối vẫn bên nhau.

                                       Em như Ngọc Nữ ngây thơ quá
                                       Đuổi bướm vờn hoa dại bên rào
                                       Anh thì ngờ nghệch nhìn ngơ ngác
                                       Chỉ cười khi thấy bướm bay cao.

                                 Phụng phịu dỗi hờn như trách móc
                                 Suốt buổi lặng thinh chẳng nói gì
                                 Anh ghẹo em cười ba bốn bận
                                 Khi nhìn " Hồ điệp mãn viên phi "....(1)
                                 .....................................................
                                        Lần lữa, thời gian êm ả trôi
                                        Em tròn mười sáu, anh thế thôi,
                                        Sáng chiều hai buổi Phan Thanh Giản
                                        Bốn lượt đi về vẫn có đôi.

                                   Xe đạp song song giữa nắng chiều
                                   Thướt tha trong gió nhẹ hiu hiu
                                   Phất phơ áo trắng bay theo gió
                                   Xao xuyến lòng anh tuổi chớm yêu !

                                           Ngây thơ nào biết đến tình ai
                                           Em vẫn vô tư rạng nét ngài
                                           Nhìn anh vẫn mỉm cười trong nắng
                                           Để mặc gió lùa tóc rối bay...

                                     Mười sáu em như nụ mai xanh
                                     Trong trắng trinh nguyên giấc mộng lành
                                     Đâu biết lòng anh đang rạo rực
                                     Mỗi chiều trong nắng gió mong manh.

                                            Từ đó anh thường hay ngẩn ngơ
                                           " Thi nhân Tiền Chiến " lẫn trong mơ
                                             Anh ngồi chép mãi thơ người khác
                                             Đâu biết chuyện mình cũng nên thơ.

                                     Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trong Lư....
                                     Đọc cả Đường thi lẫn Tống từ....
                                     Chép mãi trăm lần " Tình thứ nhất ,
                                      Đem cho em kèm với một lá thư... "(2)

                                              Một buổi chiều kia anh đánh bạo
                                              Kẹp thư trong sách tỏ tình... thân
                                              Thẹn thùa ba, bốn, năm  ngày tiếp
                                              Em chẳng nhìn anh lấy một lần !...

                                       Im lặng, khiến lòng anh thấp thỏm
                                       Hỏi thì...Em lại bẳng như không :
                                       " Thấy ghét ! ". Em làm anh bối rối,
                                       Nhưng " ghét " là... yêu đó, phải không ?
                                      ..........................................................

                                                Rồi những chiều xuân ta có nhau
                                                " Thầy Cầu " vườn biếc, lá lao xao
                                                " Ninh Kiều " gió lộng, bao lưu luyến
                                                " Nhẹ bước " Đàn Tiên ", những buổi nào !(3)

                                      Anh với em như Điệp với Lan
                                   " Thanh mai trúc mã " đẹp muôn vàn
                                      Võ vẽ thơ Đường anh đọc thấy
                                      Chuyện mình sao giống khúc " Trường Can "...(4)

                    Em bảo, em yêu thơ Thái Can
                    Thương người thiếu nữ khóc hoa lan
                    Ghét anh Hồ Dzếnh " Tình... dang dở "
                    Chê chàng Nguyễn Bính "... bước sang ngang "(5)

                                        Em muốn duyên ta kết Tấn Tần
                                        Muôn đời vạn kiếp mãi không phân
                                        Xinh như Ngọc Nữ Tiên Đồng ấy
                                        Sớm dạo vườn đào, tối sông Ngân...

                                                Tiếc thay anh chẳng phải Tiên Đồng
                                                Mơ mộng em anh khéo viển vông !
                                                Mười sáu yêu nhau chừng quá sớm
                                                Nên ngòi ly biệt đã khơi dòng...

                                        Ấy thế, tình ta sớm nhạt màu
                                        Người đời miệng tiếng lắm xôn xao
                                       " Hộ đối môn đăng " muôn kiếp vẫn
                                        Là rào ngăn cách kẻ yêu nhau !

                                                 Em là gái " Khuê môn bất xuất " !
                                                 Phận anh nghèo " Bạch diện thư sinh "
                                                 Thói đời đen bạc cho nên nỗi
                                                 Dang dở vì đâu một chữ tình ?!


                                         Mười bảy anh thi rớt Tú Tài
                                         Lên đường viễn xứ một thân trai
                                         Cầu thực tha phương trong khói lửa
                                         Lòng còn trĩu nặng bóng hình ai !....

                                                  Nỗi biệt ly nào chẳng xót xa
                                                  Tiễn đưa không một chén quan hà (6)
                                                  Nhìn nhau cố nén lòng không khóc
                                                  Không khóc mà sao mắt cứ nhòa...
                                                  ...........................................................

                                   Từ ấy, đường đời ai nấy đi
                                   Các thành gia thất các tương nghi (7)
                                   Chạnh lòng giây phút khi nghe trẻ
                                   Hát bài " Hồ điệp mãn viên phi " !

                                           Trải bao thế thái với nhân tình
                                           Dâu bể, nổi chìm, lắm đảo khuynh
                                           Mới hay " Tình... đẹp, khi...dang dở " 
                                           Trách chi Hồ Dzếnh thuở bình sinh !

                                   Năm mươi năm cũ, tình đeo đẳng
                                   Lòng vẫn tơ vương... chiếc áo dài !
                                   Mỗi lúc nắng chiều phơn phớt gió
                                   Bồi hồi lại nhớ...áo ai bay !

                                             Những lúc trà dư tửu hậu tan
                                             Chạnh niềm cô lữ, buổi xuân tàn
                                             Chiều nay chợt thấy lòng xao xuyến
                                             Ngậm ngùi đọc lại khúc " Trường Can "...

                                    " Mai Trúc "  ngày xưa đã dở dang
                                     Phương trời cách biệt vẫn băn khoăn
                                     " Thanh Mai " vẫn thắm như ngày trước ?
                                     " Trúc Mã " giờ đây...đã cỗi cằn !
                                      ......................................................

                                              Thắm thoát thời gian khéo hững hờ
                                              Bóng câu, cửa sổ, thoáng như mơ
                                              Năm mươi năm cũ... tình đeo đẳng
                                              Còn ngỡ hôm nào, khi tuổi thơ !!!
                                                                                              
                                                                                      
                                                                                   Đỗ Chiêu Đức



GHI CHÚ :

            (1) " Hồ điệp mãn viên phi " là : Bướm bay đầy vườn, tên một bài hát của các học sinh Tiểu học trường Hoa trước đây, giống như bài " Kìa con bướm vàng..." , của ta vậy.

             (2) Trích dở bài thơ " Một mối tình " của nhà thơ Xuân Diệu :

                             Anh có một tình yêu thứ nhất
                             Đem cho em kèm với một là thơ
                             Em không lấy và tình anh đã mất
                             Tình đã cho không lấy lại bao giờ !

            (3) " Vườn Thầy Cầu , Bến Ninh Kiều, Đàn Tiên " là những nơi để dạo chơi, giải trí, cắm trại... của thanh niên học sinh ở Cần Thơ hồi khoảng thập niên 50-60. Hiện nay, chỉ còn lại có Bến Ninh Kiều.

           (4) " Thanh Mai Trúc Mã " là thành ngữ điển tích xuất xứ từ bài thơ Ngũ Ngôn Cổ Phong của Lý Thái Bạch đời Đường. Bài thơ có tên là " Trường Can Hành ", trong đó có hai câu :

                           Lang kỵ TRÚC MÃ lai                  郎騎竹馬來,
                           Nhiễu sàng lộng THANH MAI       繞床弄青梅.

thường dùng để chỉ trai gái quen nhau từ thuở nhỏ, lớn lên yêu nhau hoặc thành chồng vợ với nhau. Sau này dùng rộng ra còn để chỉ VỢ CHỒNG và được nói gọn lại thành " MAI TRÚC" hay " TRÚC MAI ", như trong truyện Kiều của Nguyễn Du :

                               Một nhà sum họp TRÚC MAI
                          Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông !
      Hoặc :
                                 Tưởng rằng MAI TRÚC lại vầy
                            Ai hay vĩnh quyết là ngày đưa nhau !

          (5) Trích dở câu thơ nổi tiếng của nhà thơ HỒ DZẾNH : " Tình chỉ đẹp khi còn dang dở ". Mới yêu nhau, ai cũng chê câu nầy cả, cũng như đều chê tên tập thơ cũng là tựa của bài thơ nổi tiếng của thi sĩ NGUYỄN BÍNH là " Lỡ bước sang ngang ".

          (6) Lấy ý thơ trong truyện Kiều của Nguyễn Du :

                                       Tiễn đưa một chén quan hà
                                  Xuân đình thoắt đã dạo ra cao đình !

          (7) " Các thành gia thất các tương nghi 各成家室各相宜 " là Mỗi người đều thành gia lập thất và đều có một gia đình êm ấm cả !

Nồi Canh Chua Của Má

Đỗ Cường 


Ngày xưa nhà tôi nghèo lắm, đến bữa ăn gia đình thường quây quần bên mâm cơm đạm bạc, không có người ăn trước người ăn sau, bởi nếu như vậy thức ăn sẽ không đủ cả cho gia đình mười người con.

Anh em có một thông lệ ngầm là mỗi tháng phải nấu hai lần canh chua, đó là ngày Ba tôi lãnh lương và ngày anh em chúng tôi đề nghị.

Mỗi lần nghe Ba tôi nói với Má: “Bà ơi mai nấu canh chua nghe bà” dường như đêm đó tôi không ngủ được, thử hỏi một thằng con trai còn non và chưa xanh vừa tròn mười lăm tuổi… ngày mai xách giỏ lẽo đẽo đi chợ với Má, thì ôi thôi “còn có danh gì với núi sông“ nữa.

Vào chợ, Má lựa chọn tỉ mỉ, cá phải là cá còn sống, rau phải tươi ngon, trái me không được già hay non quá, khóm mua nguyên trái vừa chín tới, bạc hà mới cắt phải còn mủ, lấy móng tay bấm vào phải xốp…

Việc mua nguyên liệu, Má đã cẩn thận, thì công đoạn nấu nồi canh chua còn công phu hơn nữa, để cạo lớp nhớt trên mình con cá Hú (Ú) phải là nước sôi vừa “reo” sau đó chà xát với muối tránh mùi tanh, cá cắt ra từng khứa bằng nhau để vào rỗ cho ráo nước không được để trên dĩa cá đọng nước sẽ không ngon, trái me cạo sạch và dằm me bên ngoài lấy nước chua tuyệt đối không dằm me trong nồi canh chua, khóm và các rau khác xắt ra đều để thứ tự trong rỗ…

Khi nghe tiếng xe đi làm về của Ba tôi ngoài cửa, Má tôi mới bắt đầu nấu nồi canh chua, Má nói nồi canh chua không được nấu sớm hay trễ quá sẽ mất đi mùi vị của nồi canh chua, giống như trái cây chín tới khi ăn mới cảm nhận được cái ngon của nó.

Tôi không quên được tiếng húp xì sụp, những giọt mồ hôi chảy dài của anh em tôi bên mâm cơm bởi vị ngon của tô canh chua.

”Bà nấu ngon quá“ Ba tôi khen.
Nhìn chồng và các con ăn, tôi thấy gương mặt Má tôi hạnh phúc và mãn nguyện.

Có lần Má tôi hỏi:
“Theo con nguyên liệu nào quan trọng nhất của nồi canh chua?”.
Tôi liền đáp: “Cá, me, bạc hà phải không Má“.
Má từ tốn nói: “Nếu chỉ có cá, me, bạc hà là nguyên liệu chính để quyết định nồi canh chua ngon, theo Má như vậy thì chưa đủ, con thử nghĩ nếu canh chua thiếu chút ớt hay hành, ngò, giá … thì hương vị của canh chua như thế nào?. Tuy những nguyên liệu đó không sánh được với nguyên liệu khác, nhưng nó là yếu tố quan trọng làm kết dính những mùi vị khác để hình thành nồi canh chua ngon.”

Những điều Má tôi nói, giúp tôi hiểu ra được nhiều vấn đề trong đó có việc học của tôi, trong lớp tôi chỉ giỏi toán, lý, hóa, sinh ngữ còn những môn khác tôi không cho là quan trọng.

Từ dạo đó tôi ít đi chơi chăm học hơn những môn kém, đi học về tôi phụ giúp Má nhiều hơn và việc học của tôi tiến bộ.
Tôi nghĩ “Trong cuộc sống có những vật bình thường ở cạnh mình, mình không gìn giữ, trân trọng khi mình cần nó đã thất lạc hay bị mất đi làm mình tiếc nuối khôn nguôi.”

Ba năm sau!

Vào một chiều mưa muộn, Má tôi đã bỏ anh em tôi ra đi mãi mãi!

Tạo hóa rất công bằng và oan nghiệt, tạo hóa ban tặng cho tôi một người Mẹ để tôi sống trong yêu thương, giận hờn, vòi vĩnh và tạo hóa đòi lại người Mẹ của tôi, chưa cho anh em tôi đủ trưởng thành để được báo hiếu.

Từ ngày Má mất, gia đình tôi ít tiếng đùa vui, anh em tự chăm sóc cho nhau, đi học về tôi nấu nướng chính cho gia đình. Riêng ba tôi tóc bạc nhiều, ít nói và trầm mặc.

Có những lần tôi chợt thức giấc nửa đêm thấy Ba ngồi ngoài sân nhìn vào cõi xa xăm, tôi biết Ba tôi đang nhớ Má lắm, Ba thật cô đơn như chết nửa tâm hồn.

Tháng năm dần qua, anh em tôi ra đời làm việc, người thành đạt, người công chức, người giáo viên cuộc sống ổn định.
Riêng tôi, hành trang ra đời là nồi canh chua của Má, cái nồi canh chua dân miền Nam ai cũng nấu được, chỉ khác nhau sự nêm nếm, tùy theo khẩu vị mọi người khi ăn xong chỉ khen ngon hay dở mà thôi.

Nồi canh chua của Má cũng dung dị như bao nồi canh chua khác. Nhưng với tôi nồi canh chua của Má lại có tính triết lý dạy cho tôi biết vận dụng trong cuộc sống và ngộ ra được nhiều điều.

Ở công ty, tôi biết coi trọng chị nấu bếp, anh lái xe, người bảo vệ… Tôi không coi tôi là một khúc cá, me và bạc hà để quyết định nồi canh chua, chính họ - ngò, ớt, hành… là những nguyên liệu quan trọng kết dính để phát triển công ty, và tôi đã thành công.

Với con tôi, tôi là người cha, người bạn, người thầy và cả là người em nữa.
Mọi người tin tôi không? “Bố ơiiiiiii tắm con”
“ Yes Sirrrrrr “ !!!

Được Má chỉ dẫn phương thức nấu nhưng tôi chưa bao giờ nấu được nồi canh chua ngon như Má tôi.
Nhân ngày họp mặt, anh em đề nghị tôi nấu nồi canh chua, tôi tận dụng mọi kỹ năng của mình để hoàn thành nồi canh chua thật to đãi các anh em.

Đang ăn cơm, tôi thấy mọi người ăn trầm ngâm và đăm chiêu, đến khi đứa em út thốt lên một câu “Ăn canh chua làm em nhớ Má!“, từng đôi đũa để chầm chậm xuống bàn, mọi người từ từ đứng dậy không nói với nhau lời nào, tôi biết anh em đang hoài niệm lại ngày Má còn sống bên tuổi ấu thơ của chúng tôi.

Nồi canh chua của tôi nhạt nhẽo!

Nồi canh chua tôi nấu dư thừa của người có tiền, còn Má tôi phải đi từ đầu chợ đến cuối chợ trả giá, mua con cá vừa phải, xin thêm người bán cọng ngò trái ớt … vì túi tiền eo hẹp.

Nồi canh chua, tôi nấu nhanh chóng vì có người giúp việc.

Nồi canh chua của Má tự tay làm có pha mồ hôi và nước mắt vì khói củi cay xè.

Canh chua của tôi vừa ăn có nhạc du dương, còn canh chua của Má chỉ có mồ hôi và tiếng xì xụp, đũa muỗng lanh canh của mười đứa con đang đói.

Canh chua của Má tràn ngập thương yêu có sự đợi chờ chồng và các con về trong hạnh phúc đầy mãn nguyện, còn canh chua của tôi thì mau chóng, no nê và thừa thải.

Má tôi luôn luôn là người ăn sau cùng, có lần nghe thằng Út nói lại với tôi:
“Má mút lại những cái xương cá của anh em mình đó anh!”
Em hỏi Má, Má quay đi chỗ khác và nói
“Tụi con ăn phí quá!”

Đây là bài học có lẽ tôi không bao giờ quên cho đến khi xuôi tay nhắm mắt.

Nếu tôi được một điều ước, tôi sẽ ước Má tôi sống lại để anh em tôi được phụng dưỡng Má, dù tạo hóa có lấy đi bao nhiêu tuổi thọ của tôi cho điều ước đó tôi cũng vui vẻ chấp nhận, mãi được ôm Má vào lòng và gọi hai tiếng: “Má Ơi”.


Nghe : Tài Nguyễn đọc

7/28/23

NẮNG !


Xướng:

Nắng

Suốt mấy tháng nay nắng sát ta,
Hè đang rực rỡ thói thường mà.
Bỗng thương Đồng Đế người đen đúa,
Chợt mát Hà Đông dáng ngọc ngà.
Hoàng Thị ngày xưa oi mái tóc,
Ây-Si (AC) hiện đại mát làn da.*
Tha hương khí hậu nhiều thay đổi,
Cố quốc chiều hè nhớ chuyện xa !...

Đỗ Chiêu Đức 
 07-20-2023

Ây-Si (AC) là Air Conditioning, là Máy lạnh.



Kính Họa Vận : NẮNG HÈ - THU

Cái nắng đầu Thu nóng quá ta 
Che dù thoăn thoắt dạo quanh mà…!
Tóc thề chải chuốt màu đen mượt 
Thiếu nữ “chỉn chu” vóc dáng ngà
Hơi nóng hanh hè khô mái tóc 
Mồ hôi cuối hạ mát làn da
Cô đơn lẻ bạn chân hài bước 
Hiu quạnh hồng nhan sợ cách xa…!

      MAI XUÂN THANH 
San Francisco, July 27, 2023



NẮNG

Đi đâu nắng cũng sát theo ta
Tạo bóng kề bên thật mặn mà
Nhảy nhót, lung linh vờn tóc mượt
Dấu yêu, mơn trớn đậu vai ngà
Đem làn hơi ấm xua tan rét
Rịn giọt mồ hôi thấm mát da
Những lúc bầu trời mây phủ kín
Một mình đếm bước quãng đường xa.

Sông Thu
( 27/07/2023 )

MT xin góp họa theo bài xướng của chị Sông Thu 

Nắng Hạ 
Dạo bộ trên đường nắng bám ta 
Hè đang rực rỡ vậy thôi mà 
Tung tăng múa nhảy khi chiều ngã 
Lả lướt đùa chơi lúc bóng ngà 
Gió để hoa vàng thơm mái tóc 
Mây chuyền hạ trắng ửng làn da 
Tâm hồn dịu vợi say trời đất 
Mỗi bước thiền hành tránh nghĩ xa 
              Minh Thúy Thành Nội 
                 Tháng 7/27/2023 


xin góp họa cùng chị:

NẮNG HÈ

Nắng hè đeo đuổi đốt thiêu ta
Đã có ô che, ấy vậy mà…
Người chẳng rượu đào đi tợ xỉn
Mắt hoa môi đỏ ngó ra ngà
Hằng trưa lặm lội khô cong xác
Suốt bữa lượn lờ thẫm thẫm da
Nghe cuốc than hè hao …thuốc thuốc…
Não lòng ngán ngẩm cái quan xa…

CAO BỒI GIÀ
27-07-2023

WORLD CUP NỮ 2023

 Đã qua một tuần "FIFA Women's World Cup" khai mạc (07-20-2023); Nhiều trận đấu sôi nổi đã diễn ra, nhưng lại chưa thấy có bài thơ nào "khen ngợi" "chê bai" gì cả. Xin mạn phép có một bài Xướng sau đây. Kính mời tất cả Thầy Cô Thân Hữu Đồng môn ... Vị nào có nhã hứng xin cùng họa cho vui !

XƯỚNG :


      Ngày xưa World Cup chỉ nam thôi,
      World Cup ngày nay nữ cũng chơi.
      Bậm trợn húi cua còn chạy nữa,
      Dịu dàng thục nữ mất đi rồi !
      Chọc khe áp sát khung thành địch,
      Cản phá đội đầu cướp bóng người.
      Nhất nhất như nam không nhượng bộ,
      Khiến toàn thế giới mãi mê coi !
                                    Đỗ Chiêu Đức 
                                     07-27-2023 


Kính Họa Vận : WORLD CUP

World Cup thanh niên khỏe thế thôi…!
Xưa thời vận động chỉ “Nam” chơi…!
Nào ngờ “thục nữ” hăng say chạy 
Lầm tưởng thuyền quyên đắm đuối rồi 
Áp sát, chọc khe, ngăn bóng địch 
Tranh giành cản cẳng húc vai người 
Đàn bà đứng giữa không nao núng 
Khán giả đông vui mãi miết coi…!

          MAI XUÂN THANH 
San Francisco, July 27, 2023

BÓNG ĐÁ NỮ

Nam đá, nữ nhi cũng đá thôi
Sợ gì vóc nhỏ lại không chơi !
Dẻo dai, bền bỉ nào thua sút
Khéo léo, khôn ngoan hẳn vượt rồi
Gắng sức, khả năng đâu kém bạn
Quyết tâm, thành tích trội hơn người
Tranh tài phái đẹp càng gay cấn
Thiên hạ toàn cầu thỏa mắt coi !

Phương Hà
( 28/07/2023 )