Năm 1975 tàn, tháng 4 tận, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, tọa lạc tại số 81 Trần Quốc Toản, tên cũ là Trương Minh Giảng, bao gồm các hội âm nhạc, điện ảnh, nhà văn, tổ chức một buổi sinh hoạt vào cuối năm 1975, quy tụ nhiều văn nghệ sĩ chế độ cũ. Cái đinh của lần gặp gỡ này là màn trình diễn ‘‘Nửa Hồn Thương Đau’’ của ca sĩ Thái Thanh, qua tiếng đàn dương cầm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Sau khi mất miền Nam, Thái Thanh còn ở tuổi tứ tuần, Nguyễn Ánh 9 mới ngoài 30. Thái Thanh thể hiện tuyệt vời ca khúc Nửa Hồn Thương Đau của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, điệu slow rock qua tiếng đàn dương cầm Nguyễn Ánh 9. Cử tọa là các văn nghệ sĩ của chế độ cũ đã vỗ tay rất lâu để tán thưởng.
Chiếc đàn piano à queue màu trắng dường như để tang cho một thời tự do đã qua. Chiếc màn rideau buông xõa, chia cắt nửa hồn quê hương đã mất.
Sau thời gian dài đằng đẵng chia cắt, phân ly, danh ca Thái Thanh đã mất ở tuồi 86. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời năm 76 tuổi. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương từ trần năm 62 tuổi. Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, tác giả Lệ Đá Xanh với mấy câu thơ :
‘‘Đôi khi anh muốn tin,
Ôi những người khóc lẻ loi một mình’’.
Nhà thơ mất năm 70 tuổi, sau 7 năm tù tội cải tạo qua nhiều trại giam núi rừng Việt Bắc.
Thực ra, Nửa Hồn Thương Đau là chặng đường gồm ba phách. Bản nhạc gây nhiều xúc cảm cho các văn nghệ sĩ miền Nam là phách thứ ba, vì tất cả đã mất quê hương.
Phách 1 : Nửa Hồn Thương Đau
Ca khúc viết xong năm 1970, sau 10 năm chia tay với ca sĩ Khánh Ngọc, sau vụ tai tiếng với nhạc sĩ Phạm Duy mà báo chí đặt tên là ‘‘ăn chè Nhà Bè’’.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương kể lại câu chuyện đã khiến ông sáng tác ‘‘Nửa Hồn Thương Đau’’ như sau :
‘‘Khi tôi nhận lời viết nhạc phim cho phim ‘‘Chân Trời Tím’’, Quốc Phong đã chi ngay tiền tác quyền. Trước sự điệu nghệ của bạn, tôi đã bắt tay vào việc sáng tác. Một buổi tối, Quốc Phong ghé lại ‘‘Đêm Màu Hồng’’ bảo là mọi chuyện đã xong, chỉ còn thiếu nhạc phim thôi. Quốc Phong gia hạn cho tôi hai ngày. May sao trên nóc chiếc piano có bài Lệ Đá Xanh của Cung Tiến, phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Tôi dùng ngay cái ‘‘coda’’ đó cho Nửa Hồn Thương Đau.
Phách 2 : Chân Trời Tím
‘‘Chân Trời Tím’’, bộ phim có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam. Cuốn phim do nhà văn Văn Quang viết truyện, đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện, Liên Ảnh Công Ty sản xuất năm 1971. Nhà văn Mai Thảo tóm tắt Chân Trời Tím như sau :
‘‘Chiến tranh làm thành những chia ly. Trong lửa đạn kín trùm, hạnh phúc chỉ là chốc lát. Theo tiếng gọi của nhiệm vụ và chí lớn, Phi lại lên đường. Mất Phi, từ đó đời Liên chỉ còn là tối đen địa ngục.’’
Phách 3 : Ất Mão (1975)
Cuối năm 1975, ca sĩ Thái Thanh trình diễn ‘‘Nửa Hồn Thương Đau’’ trước cử tọa là các văn nghệ sĩ chế độ cũ. Giọng ca nức nở, tiếng hát đau thương là sự kết hợp giữa tượng thanh (ca khúc) và tượng hình (điện ảnh). Trong số người nghe có nước mắt rơi cho phận người và phận mình. Sau ngày 30/4/1975, Đêm Màu Hồng mất đi màu hồng tươi vui, chỉ còn là ‘‘Chân Trời Tím’’ : ‘‘Ôi những người khóc lẻ loi một mình’’.
Tác giả của câu thơ này, nhà thơ Thanh Tâm Tuyển cũng như nhiều văn nghệ sĩ quân đội còn phải lao đao trong các trại cải tạo Việt Bắc : ngoài Thanh Tâm Tuyền còn có
Tô Thùy Yên với câu thơ :
‘‘Vĩnh biệt ta, mời năm chế dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm, mặt xạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ.’’
hoặc Nguyễn Trung Cang qua tiếng hát :
‘‘Riêng ta nơi núi rừng về đêm càng nghe hồn băng giá
Câu ca hay khúc nhạc càng thêm sầu cho tình tan nát.’’
Tô Thùy Yên nói đến ‘‘rừng thiêng’’, Nguyễn Trung Cang đồng điệu với nốt nhạc buồn nơi ‘‘núi rừng’’. Sau 30/4/1975, cả miền Nam là ‘‘rừng thu từng biếc chen hồng’’, một màu sao vàng cờ đỏ.
Các văn nghệ sĩ Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyển Trung Cang, Phạm Đình Chương… đều là ‘‘mặt khuất chẳng thà lòng đau’’. Đề tưởng nhớ các văn nghệ sĩ ‘‘nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương’’ là mấy vần thơ mộc mạc sau đây :
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay.’’ (Tô Thùy Yên)
Nghe tháng năm chôn vùi sau Ất Mão
Mà ngày nay đếm mãi cũng không cùng
Nhung nhớ mãi vần thơ không giả tạo
Và câu ca trôi dạt khắp nơi nơi.
‘‘Chân Trời Tím’’ hồn đau không nhung nhớ
‘‘Nửa Hồn’’ nay chất ngất những ‘‘Thương Đau’’
Nhớ Saigon, đường Lê Lợi muôn màu
Mấy tiệm sách vô ra toàn sĩ tử.
Ngày cuối tuần, tiệm bánh ở Brodard
Và Pagode ly trà thơm góc phố
Nắng chiều vàng thấp thoáng mấy hàng cây
Và Trường Luật đường Duy Tân ôn cố.
Ta khép lại mấy vần thơ nhung nhớ
Bao nhà thơ cải tạo mấy năm trường
Ta thắp nén tâm hương buồn vời vợi
Thơ còn đây mà hình bóng đã xa bay.
Lê Đình Thông
No comments:
Post a Comment