1/2/24

94 Tự Tình

Trời cho chín bốn (94) tuổi rồi, (*)
Bao ngày thơ thẩn với đời nữa đây?
Kể mình, như chuối chín cây.
Gió lay chuối rụng, biết ngày nào đâu!


Cửu tuần cũng chẳng dài lâu,
Âm dương thoắt cái… ngõ hầu giấc mơ!
Hồi nào, xanh tóc tuổi thơ,
Mà nay, thôi đã bạc phơ mái đầu!

Dập vùi bao cuộc bể dâu!
Bốn phương lạc cánh hải âu vô thường.
Đã từng cạn chén đau thương!
Kinh qua thành bại, máu xương trận tiền.

Núi sông, vẫn nặng ưu phiền!
Thẹn mình, chưa trọn lời nguyền sắt son!
Thôi thì… cung nguyệt đã tròn,
Con đường xuống núi, chẳng còn bao xa.

Cao tay nâng chén quan hà,
Tạ lòng tri kỷ, bạn xa bạn gần!
Một mai ở chốn phù vân,
Nhớ nhau, tìm lại đôi vần thơ xưa.

(*)  Ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 94 của TQB: 1/1/2024

Trần Quốc Bảo

1/1/24

Tết Tây Cảm Khái

 Khai Bút
Đầu Năm 2024 Dương Lịch:

Tết Tây Cảm Khái

Đầu năm mưa lác đác,
Quạ kéo về quang quác.
Thân bệ rạc lê la,
Miệng ba hoa toác hoác.
Ngày xơ xác tả tơi,
Tối rã rời phờ phạc.
Người hát xướng lu bù,
Mình ù ù cạc cạc!

Trần Văn Lương
Cali, 1/1/2024



Tết Tây Tự Trào

 

Tết ngồi nhơi hạt đác (1)

Mặc lũ gà quang quác

Thần xác vốn rề rà ;

Cửa nhà thì huếch hoác!

Khi ngơ ngác khật khừ ;

Lúc ngất ngư phờ phạc.

Xuân đánh bạc thử thời...

Rồi... không ngơi cà cạc! (2)

         -AiCơ-

    Melb, 1/1/2024

 (1) Hạt đác (Arenga pinnata) có màu trắng đục, to bằng đốt ngón tay cái.

(2) cà thẻ rút tiền.



Ngày giáp Tết ở quê nghèo

Người người bận đan đát
Gà, ngỗng kêu quác quác
Thơ thới buổi nông nhàn
Cửa nẻo mở toang hoác
Xơ xác thay cảnh nghèo
Eo sèo còn sát phạt
Mon men cổng nhà quan?
Lệ làng phải trình cạc (*)

Yên Nhiên
1/1/2024

(*) danh thiếp


KHAI BÚT ĐẦU NĂM 2024

Đầu năm thật là hên
Được khuyến khích ngợi khen, 
Niềm tự tin tuột dốc
Bèn lóc ngóc ngoi lên... 

Từ lâu, bất giác quên
Chữ nghĩa lẫn tuổi tên
Rất quen... sao chẳng nhớ?
Thiệt mắc cở, vô duyên! 

Nhờ anh Lương xướng thơ
Gợi ký ức xa mờ...
Càng thâm cơ lắt léo
Càng khéo chữa bệnh khờ. 

Biết ơn Thầy Trần Long
Mục Đố Chữ kỳ công
Đem phổ thông kiến thức
Đến gần mức tinh thông.

Cảm ơn ông đồ Bân
Gương tận tụy chuyên cần
Dịch thuật và nghiên cứu
Đáng khâm phục vô ngần.

Cảm ơn anh chồng già
Giỏi chịu đựng thứ tha
Chị vợ già lú lẫn
Giỏi lẩm cẩm kêu ca.

Ai Cơ

12/31/23

Nhờ khoa học, con người có thể trường thọ 120 tuổi trong tương lai ?

 RFI tiếng Việt -Thụy My Đăng ngày: 

Trong dịp bước sang năm mới, L’Express dành hồ sơ cho một tin vui về tiến bộ của y học. Đặt vấn đề « Liệu con người có thể sống đến 120 tuổi với sức khỏe tốt hay không ? », tuần báo điều tra về một cuộc cách mạng khoa học đang diễn ra.

Trang phục của Genworth R70 khi mặc vào sẽ mô phỏng tác động do lão hóa. Ảnh tư liệu chụp ngày 19/11/2014 tại Redwood City, California, Hoa Kỳ. ASSOCIATED PRESS - Lea Suzuki

Tái tạo tế bào để trẻ hóa cơ thể

Thần dược cải lão hoàn đồng là có thật, hàng triệu người trên thế giới đang sử dụng mà không biết. Đó là metformine, loại thuốc trị tiểu đường giá rẻ đã được phát hiện từ cả trăm năm trước, và ngày nay nhiều nhà nghiên cứu cho rằng còn có tác dụng làm chậm đi quá trình lão hóa.

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy ngoài tác động vào đường huyết, thuốc này còn giúp giảm bớt nguy cơ bệnh tim mạch, ung thư hay loạn trí. Tại phòng thí nghiệm, metformine kéo dài đời sống của loài trùn đất và chuột. Được thử nghiệm trong thời kỳ đại dịch trên các bệnh nhân bị Covid, thuốc này làm giảm 40 % nguy cơ trở thành dạng nặng và Covid kéo dài.

Tuy nhiên hiện các bác sĩ chỉ cho toa đối với bệnh nhân tiểu đường. Sau nhiều năm vận động hành lang, một nhóm nhà khoa học đã thuyết phục được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) cho phép tiếp tục thử nghiệm từ năm 2024, khoảng 3.000 người không bị tiểu đường từ 65 tới 79 tuổi sẽ dùng thuốc này trong 6 năm.

Một sự thay đổi quan trọng : thay vì tiếp tục chữa từng bệnh một của tuổi già, các nhà khoa học muốn trước tiên xử lý nguyên nhân chính là sự lão hóa. Ý tưởng hấp dẫn nhất là lập trình các tế bào để làm trẻ lại, viễn cảnh này sinh ra từ nỗ lực của giải Nobel Y học Shinya Yamanaka. Ông đã thành công trong việc đưa các tế bào da hay máu trở lại giai đoạn gần như các tế bào gốc được chuyên biệt hóa, khá giống như trong phôi thai.

Ước mơ thêm 40 năm tuổi thọ

Vấn đề không phải là việc phá kỷ lục của bà Jeanne Calment, người phụ nữ Pháp sống đến 122 tuổi 5 tháng và 14 ngày, mà giới khoa học có tham vọng giúp thêm nhiều người sống lâu hơn. Mức sống thọ hiện nay là 80 tuổi đối với nam và 85 tuổi với nữ, con người không thể sống quá 120 tuổi. Tuổi thọ như vậy đã tăng gấp đôi kể từ 1870, thời đó người ta chỉ sống đến khoảng 40 tuổi. Như vậy tại sao con người nay không thể sống thêm 35 đến 40 tuổi nữa ? Thống kê cho thấy một người 50 tuổi có trên 90 % cơ hội sống đến 70, nhưng chỉ phân nửa số người 70 tuổi có dịp đón sinh nhật thứ 90.

Từ 2013 đến nay, công nghệ sinh học trong lãnh vực kéo dài tuổi thọ đã huy động được gần 40 tỉ euro đầu tư, và riêng Altos Labs chuyên về tái tạo tế bào đã nhận được đến 3 tỉ đô la, số tiền khổng lồ chưa từng thấy. Nếu các đại gia nhiều tiền của không tiếc những món tiền lớn để được hưởng những phương thuốc mới vì cuộc sống là vô giá, thì các chuyên gia khuyên chúng ta trong khi chờ đợi được đại chúng hóa, nên tập 8 thói quen tốt : 150 phút tập luyện (hoặc 75 phút với cường độ cao) hàng tuần, ăn uống quân bình, không hút thuốc, ngủ 7 đến 9 giờ mỗi ngày, kiểm soát cân nặng, thường xuyên xem lại tỉ lệ cholestérol, đường và huyết áp.



Bonne Année

 

Cơn gió mùa đông lạnh buốt người ,
đau buồn năm cũ ...xin cho vơi
ngày mai , cùng đón chào năm mới ,
may mắn , an yên ...khắp nơi nơi
Ngô Bích Ngọc

Tân Xuân Khai Bút
Thấy gió đông phong lại nhớ người
Tình xưa nghĩa cũ chẳng hề vơi
Năm tàn tháng tận, qua năm mới
Viết vội vần thơ gửi khắp nơi.

LĐT 

Câu chuyện ngắn … cuối cùng

Trìu mến gửi về Hồng Hạnh

(Thay lời mở đầu : Blaise Pascal có nói: Le Moi est haïssable. Tạm dịch : Cái tôi đáng ghét. Thông thường tác giả khi nói về mình đều có khuynh hướng …tự đánh bóng chút đỉnh, không ít thì nhiều. Tôi cố gắng tránh lỗi lầm cổ điển này. Và câu chuyện tôi kể sau đây có thật 100%. Đọc xong, nếu quý vị tin thì may mắn cho tôi lắm. Bằng không, tôi bóp bụng chịu chứ biết thưa kiện cùng ai?)

Các cụ mình có dạy : Nhân sinh bát thập cổ lai hy. Xưa nay ít ai sống quá 80 tuổi. Vậy mà vợ tôi đã cà rịch cà tang vượt qua mức này nhưng dọc đường gió bụi vô tình lại móc ngoéo thêm trên vai một căn bệnh bất trị: Bệnh tiểu đường. Rầu thúi ruột. Hơn 40 năm rồi. Viết như vậy để mọi người thấy ngay sức khỏe của vợ tôi rất mong manh.

Tôi sợ vợ tôi té nên lúc nào cũng ở bên cạnh dìu bà ấy. Nhiều người thấy hai cụ già tóc bạc đi bên nhau, la lên: trông TÌNH TỨ QUÁ. Nhiều chiếc xe còn chạy chậm lại, kéo kính xuống và bóp còi: LÃNG MẠN GHÊ ! LÃNG MẠN GHÊ!!. Tôi chỉ còn biết giơ tay chào lại và cười như …MẾU. Tôi không nặng phần trình diễn như mọi người tưởng.. Tôi làm như vậy chỉ vì ….trên phương diện toán học cũng như vật lý học, bốn chân..vững hơn ..hai chân. Tình tứ gì đâu. Lãng mạn chỗ nào? Quá thực tế thì có. Vợ tôi mà té, gãy xương phải đi xe lăn là..đời tôi KHỐN NẠN !!!..

Còn tôi? Một cậu học sinh, ở tiểu học chuyên đá banh (1) trước sân Ga Dalat với trái tennis. Trụ gôn là hai cục gạch.“Cầu thủ “là những đứa trẻ lối xóm cùng tuổi. Lên trung học, đại học, “ngon lành “hơn, có giày dép, đai nịt đình huỳnh để tranh tài cùng các trường bạn. Sang Mỹ, tôi làm cho một hãng thuốc tây: the Upjohn Company (2). Đây là một công ty lớn có cả chục ngàn nhân viên. Nghiệp chướng chưa để tôi yên. Số là hãng tôi có lập 12 đội đá banh, gọi league để đấu với nhau. Tôi thuộc một thành viên trong league đó, tuy không giỏi hơn ai nhưng lâu lâu cũng làm bàn một vài trái đủ để đồng đội cũng biết mặt, biết tên.

Sức khoẻ tôi như đã tả trên tạm gọi là ổn nên tôi dùng để chăm sóc người vợ hiền, người vợ đã từng chung sống với nhau hơn 56 năm mà không một lần lớn tiếng (4). Chăm sóc cho vợ thật kỹ là hợp tình, hợp cảnh và hợp lý nhất rùi ! Thắc mắc làm chi cho mệt?

Chúng tôi vào một tiêm ăn trung bình gần khu Phúc Lôc Thọ. Vợ tôi có vẻ hơi mệt. Nhìn mặt tôi đoán chừng lượng đường nàng hơi thấp (3). Nhưng không nói ra sợ nàng lo.. Lát nữa về tôi sẽ thử máu cũng không trễ. Nhà gần mà!

Người bồi bàn thấy khách mới vào bèn mang tờ thực đơn tới. Tôi gạt đi, cười: tôi thuộc rồi.

• Cho tôi một đĩa bún tôm thịt nướng. và một tô bún bò Đà Nẵng.

• Chắc ông muốn nói “ bún bò Huế

• Xin lỗi tôi nói nhầm.. Bún bò Huế.

Khổ quá, tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi cuộc di tản kinh hoàng năm 75. Nếu tôi không nhanh chân, chạy vào được đến Đà Nẵng thì đã bị mấy bố Việt Cộng vồ được ở Huế và gửi đi học tập cải tạo ..: Mút mùa Lệ Thủy “. Lúc đó hết …ti toe.

Thức ăn được mang ra. Tôi nói:

Em cứ từ từ mà ăn. Không gấp. Mình chẳng có hẹn với ai.

Tôi nếm thử nước dùng, đang suýt soa vì tương ớt quá cay thì bỗng có một bà khoảng trên dưới 50 tuổi lại chào. Bà có thân hình gọn gàng, tóc tai chải chuốt, ăn mặc đúng mode. Phải nói ngay bà không đẹp nhưng dễ nhìn và chiếm được cảm tình của người đối diện..

• Con kính chào hai bác.

• Dạ chào bà, tôi đáp

• Con ngồi chiếc bàn ngay đằng sau hai bác.

• – ???

• – Và con vô tình thấy hết, từ đầu chí cuối.. Con thấy bác xuống xe, đi vòng ra sau mở cửa cho bác gái xuống, dìu bác gái vào tiệm, bác chọn bàn này.. .

• Nghe đến đây tôi cảm thấy thực sự không thoải mái vì có làm gì nên tội đâu để bị theo dõi.

• – ????

• – Bác cẩn thận lau muỗng, đũa bằng giấy napkin.

• Nghe đến đây, tôi hết bình tĩnh định đứng dậy phản đối thì bà ta giơ tay ra hiệu: –

• Xin cho con được nói tiếp.

• – Ba con làm giống hệt bác trai, chiều Mẹ con hết mình.

• Tôi bỗng ân hận, hơi nóng nảy bèn đổi thái độ và cách ưng hô

• Thế hai bác đâu rồi?? Hai bác có khoẻ không, con?

• Giọng cô gái lạc hẳn đi : Ba má con mất hết rồi.

À, ra thế! Bây giờ thì chính tôi lạc giọng’

• Hai bác xin chia buồn cùng cháu.

• Mấy giây nặng nề trôi qua.

• Con đến xin bác một hân hạnh:

• ????

• Con xin được trả tiền cho bữa ăn này!

Tôi … nhẩy nhổm lên:

– Ấy chết! Ai lại làm như vậy? Hai bác không quen con, không biết con là ai lại nhận tiền của con. Rất tiếc bác không nhận được.

– Con NĂN NỈ

Tôi cứng rắn, lắc đầu:-

Cũng không được.!!

Nhưng con đã trả tiền rồi.

Nói xong cô gái lạ lễ phép chào chúng tôi trở lại bàn và nhẹ nhàng cầm sắc ra về. Đến cửa cô còn quay lại, ra dấu chào.

Vợ chồng chúng tôi bối rối nhìn nhau. Bây giờ phải tính sao? Không dám dứng dậy ra về vì sợ nhà hàng gọi cảnh sát thưa chúng tôi ăn quịt.

Tôi quyết định chớp nhoáng: Coi như không có chuyện gì xày ra. Và ra quày tính tiền thanh toán hóa đơn.

Bà chủ tươi cười: Hai bác khỏi phải trả vì bà ban nãy đã trả rồi.

Chúng tôi cám ơn và ra về. Khi ngồi trong xe, tôi nói với vợ tôi:”Mình sẽ lấy trọn số tiền này cho người nghèo. Và anh sẽ viết lại câu chuyện này tặng Em. Không thêm không bớt. Đây là câu chuyện cuối cùng trong đời anh. Anh sẽ gác kiếm, à quên gác bút không viết nữa. MỆT RÙI!!.

Hà Mai Kim

Mùa Giáng sinh 2023

• (1) Người Mỹ gọi là soccer.

• (2) Hãng này bào chế ra Linconcin, Depo Provera v v

• Mấy cụ Thầy chích chắc còn nhớ

• (3)Lượng đường khoảng 100-125 mcg/ml thì tốt

• (4) Không một lần lớn tiếng : ĐÚNG nhưng nhỏ tiếng thì hơi nhiều, Thét rồi cũng quen….

12/30/23

The Little Nyonya 小娘惹 (Tiểu Nương Nha)

Mấy tuần trước (Dec-10-2023), anh K. có chia sẻ bộ phim truyện "The Little Nyonya 小娘惹". Đây là món quà bất ngờ và quý giá đối với tôi trong dịp lễ Giáng Sinh này. 

Tôi học được một từ mới "Nương Nha”, là phiên âm của Hán tự "娘惹", tiếng Malaysia là "Nyonya", là hậu duệ của người Trung Hoa nhập cư ở vùng Nam Dương thuở trước, nay là các nước Malaysia, Singapore và Indonesia. Nói cho đúng "Nyonya" dùng để chỉ phụ nữ còn "Baba" là đàn ông. 


Khi xưa, "Nyonya" thường là người đàn bà giúp việc cho các nhà giàu và trong dinh thự của hoàng gia. Từ ngữ "Nyonya" khiến tôi nghĩ đến cụm từ "ô-sin" của tiếng Nhật," "lọ lem" của Việt ngữ, "nô tỳ" của Trung văn.


Cũng như chuyện tình của những cô gái lọ lem khác, phim truyện "Tiểu Nương Nha" (小娘惹) nói về con đường tình yêu éo le, số phận hẩm hiu và sự cố gắng truy tầm hạnh phúc của hai mẹ con "Nyonya": Cúc Hương và Nguyệt Nương. Thực vậy, phấn đấu trong cuộc sống khó khăn vẫn là bài học suốt đời của chúng ta. 


Từ xưa đến nay, người ta luôn cho rằng một tình yêu trọn vẹn phải là kết tinh bằng một hôn lễ cho hai đối tượng về chung một mái ấm. Dù rằng lắm khi giữa chàng và nàng là cả một thế giới đầy những khác biệt tương phản, nhưng truyện cổ tích vẫn cho họ sánh duyên với nhau. Thế mới có chuyện Sọ Dừa cưới cô út xinh đẹp, Thạch Sanh lấy công chúa, cô Tấm trở thành hoàng hậu; hoặc là câu truyện "đôi giày thủy tinh" và mối tình cô gái "Cinderella" của Tây phương.


Ai cũng đã từng trải qua một tuổi thơ êm đềm với những câu truyện cổ tích đầy thơ mộng, một thế giới trong đó mọi người đều ước mơ và khao khát. Truyện thay mặt nhân dân thực thi công lý trừng trị kẻ ác và mang hạnh phúc đến cho những người lương thiện. Cho nên truyện cổ tích thường có kết cục đầy nhân văn và hướng chúng ta đến gần với Chân Thiện Mỹ.


Thoát ra ngoài thế giới của cổ tích để trở lại với đời thường. Trong thời đại ngày nay, giả sử một cô gái xuất thân từ hoàn cảnh như cô bé lọ lem, thì liệu những chàng trai giỏi giang thành đạt có để mắt tới nàng không? Nói cách khác, trong đời thường, liệu bạch mã hoàng tử có sẵn sàng cưới lọ lem làm vợ?


Thử đặt hai người đó cạnh nhau, chúng ta sẽ có ngay câu trả lời, thật đáng tiếc, họ sinh ra không phải để dành cho nhau! Đó là một thực tế phũ phàng. Tại sao?Lý do là, khi thế giới của cô gái - tạm gọi là Lọ Lem, chỉ quanh quẩn trong không gian nhỏ bé của ngôi nhà chật chội, quanh năm chỉ loay hoay với những công việc vặt vãnh trong xó bếp; trái lại thế giới của chàng trai kia - một thiếu gia - là cả một bầu trời mơ ước, kể cả một tương lai huy hoàng với những người cùng đẳng cấp. Dù muốn hay không, chắc chắn cả đời của chàng trai chẳng có chút nhân duyên nào để gặp gỡ cô gái. Nếu may mắn được gặp nhau thì cũng chỉ là “vô duyên đối diện bất tương phùng”. Rõ ràng, họ như hai con người đến từ hai thế giới khác nhau và chẳng có điểm chung nào để có thể cùng “nắm tay nhau thật chặt, giữ tay nhau thật lâu”, cùng nhau đi suốt đoạn đường đời. 


Trong thực tế, hoàng tử khó lòng xe duyên với lọ lem. Tất nhiên có một ngoại lệ, đó là khi cô ấy thoát khỏi thân phận một lọ lem đáng thương và tỏa sáng như một nàng công chúa để xứng đôi với hoàng tử của đời mình.


Vì vậy, truyện tình cô gái lọ lem đã truyền cảm hứng và làm nền cho sự ra đời của bộ phim truyện "Tiểu Nương Nha." Với chủ đề nói lên sự phấn đấu của hai mẹ con "Nyonya" - Cúc Hương và Nguyệt Hương về quá trình vượt khó và không ngừng tự vươn lên sau mỗi thất bại, cố gắng để làm nên một cuộc đời theo ý nguyện của chính mình. Chứ không như cổ tích có ông Bụt bà Tiên dùng phép màu để thay đổi số phận túng quẫn của họ.


Tuổi thơ của mọi người thường gắn liền với những câu chuyện cổ tích và những câu chuyện ấy luôn đi cùng với sự trưởng thành qua những tháng ngày của chúng ta.


"Tiểu Nương Nha" không chỉ là câu chuyện đầy xúc động về tình yêu, còn là niềm hy vọng của thế hệ trẻ về một xã hội tiến bộ, văn minh, bình đẳng trong cuộc hôn nhân dựa trên nền tảng tình yêu chân chính chứ không phải sự so bì của địa vị hay giai cấp mà người xưa thường ví von là "môn đăng hộ đối"(門登户對).


Nói đến "môn đăng hộ đối", người ta thường liên tưởng đến thời phong kiến xa xưa, khi mà hôn nhân đặt nặng trên sự căn bằng tỷ đối giữa gia đình bên nam và bên nữ phải tương xứng với nhau về giai cấp, tài sản, địa vị xã hội ...


Một số người không đồng tình với quan điểm này bởi họ cho rằng: "Đến Lọ Lem còn lấy được hoàng tử" hay "Rất nhiều thiên kim tiểu thư nhà giàu vẫn sánh duyên cùng những chàng trai khố rách áo ôm, con nhà nghèo đó thôi?"


Tuy nhiên, tình yêu và hôn nhân chỉ mới là trang đầu của cuốn trường thiên tiểu thuyết lắm hồi nhiều chương đầy hỷ nộ ái ố, bi hoan ly hợp. Người ta yêu nhau bởi giác quan, nhưng sống với nhau phải nhờ những tố chất cân bằng dựa trên: thân thế, gia cảnh, kinh tế, học thức, tính nết,  chí hướng … Trong hôn nhân không chỉ là trăng sao trên trời huyền diệu, hoa thơm trong vườn Lộc Uyển, mà còn là gạo dầu mắm muối của đời sống thực tế. Hôn nhân nhất định phải nhìn vào hoàn cảnh gia đình. Bởi vậy ngày xưa hôn nhân được xây dựng trên nền tảng "Môn đăng hộ đối".


Trong truyện cổ tích, chưa bao giờ người ta nhắc tới việc sau khi kết hôn với hoàng tử, Lọ Lem sống có thực sự hạnh phúc hay không? Cũng không ai đưa ra hình ảnh cụ thể về việc một thiên kim tiểu thư nhà giàu có thực sự hòa hợp với một ông chồng xuất thân từ gia đình nghèo khó hay không?


Vì thế, "môn đăng hộ đối" chưa hẳn hoàn toàn không có giá trị. Nó không những là lăng kính để chọn lựa tình yêu, mà còn có chỗ đứng trong xã hội ngày nay, lắm khi nó còn vượt ra khỏi ranh giới hôn nhân, phổ cập trong giao tiếp xã hội ngày nay.


Phim truyện "Tiểu Nương Nha" hàm chứa nhiều triết lý nhân sinh, sự phấn đấu và nghị lực trong cuộc sống đầy thách thức và khó khăn, đồng thời cũng dựng nên câu chuyện tình yêu đầy xúc động với những cảnh bi hài của hai mẹ con Cúc Hương và Nguyệt Nương.


Trong tập thứ 34 (tập cuối), Nguyệt Nương trước lúc lâm chung, có lời trăng trối rất có giá trị với con gái của mình: "Người mà mình yêu chưa hẳn họ có yêu mình; người mà yêu mình cũng chưa hẳn mình có yêu họ. Tuy nhiên, con cần có quyết định theo sự hướng dẫn của lương tâm." (你愛的人,不一定對你好;對你好的人,不一定是你所愛,但是你還是要做出你認為是對的決擇). Thực vậy, mỗi người mình gặp gỡ trong đời đều có nhân duyên:


- Người thích mình cho mình ấm áp và dũng khí.

- Người mình thích cho mình biết tình thương và kính mến.

- Người mình không thích dạy mình sự bao dung và tôn trọng.

- Người không thích mình để mình tự kiểm thảo và  trưởng thành.


Nguyệt Nương, một cô gái tài hoa, thông tuệ, duyên dáng và tình tứ nhưng số phận lại bạc bẽo, nhiều gian truân. Nguyệt Nương đã gặp một chàng trai mà cô yêu thương say đắm, nhưng hồi kết của mối tình này lại không có kết cục hạnh phúc mà chúng ta thường thấy trong các câu truyện cổ tích.


Thân phận mong manh, đáng thương của Cúc Hương và Nguyệt Nương phải chăng là ấn chứng của câu nói "tự cổ hồng nhan đa bạc mệnh", xưa nay, bạc phận cứ đeo bám và song hành cùng kiều nữ giai nhân. 


Chợt nghĩ đến cuộc đời của Thúy Kiều trong "Đoạn Trường Tân Thanh", một cô gái có tài, có sắc, có hiếu... dồi dào cả 3, mà phải sống một cuộc đời lận đận, cam go, đầy giông tố, phải trải qua hầu hết những khổ đau bất hạnh của con người trần thế. Có thể nói, ai cũng có thể tìm thấy một phần đời của mình trong những cảnh ngộ khác nhau của thân phận Thúy Kiều.


Nhân dịp thưởng thức phim truyền, đồng thời cảm thương cho kiếp hồng nhan bạc mệnh của Thúy Kiều, Cúc Hương và Nguyệt Nương. Tôi muốn mượn mấy vần thơ trong phần kết truyện Kiều của Nguyễn Du:


“Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Có đâu thiên vị người nào

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.”


"Tiểu Nương Nha" đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực phim truyền hình về vai trò chuyển tải đạo lý nhân sinh. Cuộc sống vốn dĩ chẳng dễ dàng, câu chuyện về sự cố gắng và nghị lực của con người trước cuộc sống đầy phong ba thử thách luôn khiến chúng ta cảm thấy động lòng.


Mặc dù xây dựng dựa trên nền tảng của một câu truyện cổ tích, nhưng "Tiểu Nương Nha" kết hợp với một số thực trạng xã hội, đã lột xác từ những truyện cổ tích có phần giống như thần thoại truyền thuyết và trở thành một bức tranh sống động, đa sắc đa màu về cuộc sống và tình yêu, đồng thời đi sát với cuộc đời cụ thể của chúng ta. Nhiều tình tiết hấp dẫn ly kỳ lôi cuốn khán giả theo sát sự diễn biến của câu chuyện qua từng giây từng phút, bộ phim này xứng đáng để bạn dành thời gian thưởng lãm. Còn bạn, đã sẵn sàng tham gia vào hành trình đầy bi thương và rồi lại hy vọng cho một ngày mai tươi sáng?


Trường K5

12-29-2023



Phim truyền hình : Tiểu Nương Nha (phụ đề tiếng Anh)