12/11/23

NOEL 2023


 Muôn nhà xứ Mỹ đã trang hoàng,
Chuông thánh nhà thờ cũng đổ vang.
Tang tóc người gieo còn khắp chốn,
Bình an Chúa vẫn ngự trong hang.
Trung Đông khói lửa mờ nhân ảnh,
Thế giới loạn ly ảm nhật quang.
Nguyện Chúa hồng ân ban phép lạ,
Chuyển xoay Địa ngục hóa Thiên đàng !


Đỗ Chiêu Đức
12-08-2023


Phương Hà xin góp họa 

ĐÊM NOEL

Khi màn đêm phủ khuất hôn hoàng
Rộn rã khắp nơi chuông Thánh vang
Lấp lánh, rạng ngời sao giữa thế
Êm đềm ấm áp cảnh trong hang
Hồng ân tỏa xuống nơi trần tục
Đuốc tuệ bừng lên ánh diệu quang
Chúa đã giáng sinh cùng tiếng nhạc
Ngân nga thánh thót rộn muôn đàng.

Phương Hà
( 04/12/2023 )


Mừng sắp tới Giáng sinh

Giáng sinh muôn nét, vẻ huy hoàng

Chốn chốn phơi bày sự vẻ vang.

Thánh mẫu, lung linh trên chính điện,

Hài đồng, thấp thoáng giữa ng hang.

Tươi vui sau trước, nguồn tươi trẻ,

Rực rỡ trong ngoài, ánh điện quang.

Thiên hạ nối đuôi vào lễ tạ,

Dưới trời, đây thực chốn Thiên đàng.

         ​Danh Hữu

                          Paris, 4.12.2023



Noel rực rỡ đẹp huy hoàng
Mừng Giáng Sinh về Chúa vẻ vang
Thế giới Ki Tô gương Nguyệt Điện
Bê-Lem đất Thánh Máng Lừa Hang
Ngôi sao chiếu diệu Ngân Hà sáng
Đuốt tuệ ngời lên ánh điện quang
Cứu chuộc con chiên ngoan thập tự
Ngôi Lời thờ phượng vọng Thiên Đàng…

     Mai Xuân Thanh
Cựu Kim Sơn Vùng Vịnh
   December 03, 2023


BA BÀI HOẠ 

Thanh nhận ba bài họa thật hay
Câu thơ Xmas được trình bày 
Noel, giáng thế Hài Đồng, Chúa
Đức Mẹ Maria có phước tài 
Thánh Chúa Giáng Sinh, Ngài Christ 
Noel đêm Thánh Chúa Ngôi Hai
Bao ngàn năm Đấng Ki Tô giáo
Mững Chúa Giang Sinh miễn nạn tai 

Mai Xuân Thanh
   12/9/2023

K.7 NỘI-NGOẠI HỌP MẶT Ở CỦ CHI 27.11.2023


Video (có thể mở lớn) : 4:52' trên Youtube
Do Bui Tung Joseph thực hiện
chuyển lên : Nhà Thụ Nhân
Phổ biến : Chung Thế Hùng trên DĐ nhathunhan

12/10/23

Cáo phó


 


Phân Ưu:

Thành kính chia buồn cùng anh Khoát & Mỹ -Vân , nguyện cầu anh linh Bác
sớm siêu thăng về cõi an lạc
Thay mặt ACE TN
ngô bích-ngọc


Các TN: Lê Đình Thông, Thạch Lai Kim, Đinh Thị Thanh Mai, Huệ& Tấn Long, Dương Tấn Hải, Diệp  Châu & Trung, Nguyên Quốc, Trần Văn Nho, Nguyễn Minh Khôi, Hứa Huệ Sang, Thuy B,:..

12/6/23

Giai Thoại Văn Chương : HAI NHÂN CÁCH MỘT THI NHÂN


                                            Cày đồng đang buổi ban trưa,
                                           Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

Theo "Vân Khê Hữu Nghị 云溪友議 và Cựu Đường Thư 舊唐書 ghi chép lại : Khoảng năm Trinh Nguyên đời vua Đường Đức Tông (799), chàng thư sinh LÝ THÂN 李紳 lai kinh ứng thí đã làm hai bài thơ MẪN NÔNG 憫農 (Thương xót cho nhà nông) dâng lên cho Tập Hiền Điện Hiệu Thư Lang LỮ ÔN 呂温 để cầu tiến thân, rất được Lữ xem trọng. Hai bài thơ đó như sau :
                 其一               Kỳ Nhất
             春種一粒粟,     Xuân chủng nhất lạp túc,
             秋收萬顆子。     Thu thâu vạn khỏa tử.
             四海無閒田,     Tứ hải vô nhàn điền,
             農夫猶餓死。     Nông phu do ngạ tử !
   Có nghĩa :
                  Mùa xuân một hạt gieo trồng,
                  Đến thu thu hoạch muôn lần nhiều hơn.
                  Khắp nơi chẳng có ruộng hoang,
                  Nông dân đói chết vẫn còn khắp nơi !


                其二                    Kỳ Nhị
             鋤禾日當午,     Sừ hòa nhật đang ngọ,
             汗滴禾下土。     Hạn trích hòa hạ thổ.
             誰知盤中餐,     Thùy tri bàn trung xan,
             粒粒皆辛苦。     Lạp lạp giai tân khổ !
    Có nghĩa :
                  Cuốc cày giữa ngọ ban trưa,
                  Mồ hôi đổ xuống như mưa lúa trồng.
                  Ai người biết  cơm trong mâm,
                  Từng hạt từng hạt muôn phần đắng cay !

      Có học giả cho rằng bài ca dao sau đây của ta là bản phỏng dịch tuyệt vời của bài thơ MẪN NÔNG Kỳ Nhị nêu trên :

                  Cày đồng đang buổi ban trưa,
             Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
                    Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
             Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!

Qua hai bài thơ MẪN NÔNG nêu trên, ta thấy LÝ THÂN quả là một chàng trai có bầu nhiệt huyết, có hoài bão lo cho dân cho nước. Thấy được sự bất công của xã hội và cảm thông với đời sống khốn khó của nông dân, những người làm ra hạt lúa để nuôi sống nhân dân lại là những người bị chết đói nhiều nhất; Cho nên, phải biết trân trọng từng hạt thóc hạt gạo do nông dân cực khổ lắm, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới làm ra được, như hai câu ca dao đã nhắn nhủ :
                Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
             Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!!!

*****
Vào đời với bầu nhiệt huyết là thế, có ai ngờ rằng đến năm Nguyên Hòa Nguyên niên (806) khi Lý Thân đã thi đỗ Tiến sĩ ra làm quan, thì lại đâm ra ăn chơi trác táng, chạy theo đời sống xa hoa hưởng thụ, làm uy làm quyền, vô tình vô nghĩa. Trong Vân Khê Hữu Nghị 云溪友議 có chép lại rằng :
       
      Lý Thân khi chưa phát tích thường đến chơi nhà của một người trong họ tộc là Lý Nguyên Tướng. Vì Tướng lớn tuổi hơn, nên Thân thường gọi Tướng là "Thúc Thúc". Đến khi Thân phát tích thi đậu làm quan thì Tướng vì muốn lấy lòng Thân nên tự hạ mình xuống gọi Thân là "Huynh trưởng", tự xưng là "Tiểu đệ", nhưng Thân vẫn không vui dạ, bắt Tướng phải gọi mình bằng "Gia gia" và tự xưng là "Tôn tử"(cháu) thì mới vừa lòng. Lại một lần...
      Có người bạn họ Thôi cùng khoa Tiến sĩ với Lý Thân, nhưng chỉ là một Tuần Quan nhỏ ở Tuyên Châu Dịch Quán. Nghe Lý được thăng đến chức Tư Không, bèn khăn gói đến thăm. Khi vừa đến khách sạn, chẳng may người nhà và một thị dân tranh chấp ẩu đả nhau gây náo loạn. Lý Thân bèn xử cực hình cả hai và hạ lệnh bắt Thôi Tuần Quan trói lại mắng rằng :"Trước kia chúng ta đã từng quen biết, sao nhà ngươi đến đây mà chẳng đến bái kiến ta, còn để cho người nhà gây náo loạn là cớ làm sao ?!" Bèn hạ lệnh đánh hai mươi trượng và đày đi xứ khác, mặc cho người bạn hết lời xin lỗi giải thích cũng chẳng thèm nghe.
     Mọi người đều kháo nhau chê trách Lý Thân rằng : Người đáng bậc cha chú trong họ tộc thì kêu bằng cháu; bè bạn cũ đến thăm thì bị đánh đòn và đi đày. Dưới sự bạo hành và hà khắc của Lý Thân, một số dân chúng đã vượt qua sông Trường Giang mà đi xứ khác ở. 

Lại một lần nữa...

 Thi hào LƯU VŨ TÍCH 劉禹錫(772—842)khi bị biếm làm Thứ Sử đất Tô Châu (833), Lý Thân nghe tiếng và cũng mến mộ tài văn thơ của ông, bèn mời ông đến và thiết tiệc khoản đãi. Buổi tiệc thật xa hoa với đầy đủ các sơn hào hải vị, mỹ tửu quỳnh tương, dưa ngon trái ngọt. Các cô ca kỹ ăn mặc như các cung nữ và ca múa những điệu nhạc trong cung đình. Lưu Vũ Tích bàng hoàng ngỡ ngàng trước buổi tiệc qúa cao sang xa hoa nầy của tác giả hai bài thơ Mẫn Nông năm xưa. Trong khi dân chúng Tô Châu đang lâm vào cảnh lũ lụt đói kém khắp nơi, nên Ông đã xót xa mà viết bài thơ tứ tuyêt "Tặng Lý Tư Không Kỹ 贈李司空妓" (Tặng cô kỹ nữ của ông Tư Không họ Lý) với những lời lẽ chua chát mĩa mai như sau :
           
             高髻雲鬟宮樣妝,    Cao kế vân hoàn cung dạng trang,
                春風一曲杜韋娘。    Xuân phong nhất khúc Đỗ Vi Nương.
                司空見慣渾閒事,    Tư Không kiến quán hồn nhàn sự,
                斷盡蘇州刺史腸。    Đoạn tận Tô Châu Thứ Sử trường !
     Có nghĩa :
                   Tóc kết cung đình mây lướt trôi,
                  "Đỗ Vi Nương" khúc hát chơi vơi.
                   Tư Không quen mắt không cho lạ,
                   Thứ Sử Tô Châu ruột đứt rồi !

Ông đã ăn chơi quen thói, nên cho cảnh ăn chơi trác táng xa xỉ trước mắt là chuyện bình thường, là chuyện nhàn rỗi  (hồn nhàn sự), nhưng đối với tôi, đang lúc phải cầu xin triều đình mở kho lương thực để cứu tế dân tình đang trong cơn thiên tai lũ lụt, đói kém khắp nơi, thì cảnh ăn chơi sa đọa trước mắt qủa thật làm cho con người ta phải đau lòng đứt ruột ! Sao bây giờ ông lại vô tâm thế, ông đã quên mất khi xưa mình đã từng làm hai bài thơ MẪN NÔNG  rất hay, rất có tình người, rất có tính nhân bản hay sao ?!

TƯ KHÔNG KIẾN QUÁN hồn nhàn sự,  Đoạn tận Tô Châu Thứ Sử trường ! 

        Bài thơ trên của Thi Hào Lưu Vũ Tích còn hình thành một thành ngữ vẫn thông dụng cho đến hiện nay. Đó là bốn chữ "TƯ KHÔNG KIẾN QUÁN 司空見慣", nghĩa đen là : Quan Tư Không nhìn đã quen rồi; nghĩa bóng thường dùng để chỉ : Chuyện gì đó rất bình thường, không có gì là lạ cả; không làm cho ai đó phải trầm trồ hay ngạc nhiên gì cả ! Chuyện gì đó dù có lạ, có hiếm cở nào đi nữa, nhưng khi đã nhìn thấy nhiều lần rồi thì đều là "Tư Không Kiến Quán", là "Chuyện thường ngày ở huyện !".

      Lại một lần khi Lý Thân đang làm Tiết Độ Sứ ở đất Hoài Nam, lúc đó Tam nguyên Trương Hựu Tân 張又新 (một đối thủ chính trị từng hại cho Lý Thân suýt chút nữa thì bị chém đầu) bị bãi quan về quê, khi đi ngang qua địa phận của Lý Thân lại bị đắm thuyền, chết mất hai đứa con, lại sợ bị Lý Thân trả thù. Đau khổ, rối rắm và lo lắng vô cùng bèn hạ mình xuống nước viết một bức thư trần tình thật dài tạ lỗi với Lý Thân. Lý tỏ ra rất đồng tình và cảm thông cho nỗi bất hạnh của Trương, chẳng những bỏ qua những hiềm khích cũ, mà còn mời Trương đến nhà để thiết tiệc khoản đãi. Hai người cùng thù tạc như là bạn tâm giao lâu ngày vừa găp lại, nên uống đến say mèm... Chợt... 
      Trương Hựu Tân như tỉnh hẵn rượu ra vì trông thấy một ca kỹ mà Lý Thân vừa cho ra hát để giúp vui trong bữa tiệc... Thì ra đó là người yêu cũ hai mươi năm trước của Trương Hựu Tân khi ông đang làm quan ở đất Quảng Lăng, hai người yêu nhau nhưng chẳng thành quyến thuộc. Nay lại gặp mặt nhau trong hoàn cảnh trớ trêu nầy, bốn mắt nhìn nhau mà nói chẳng nên lời. Thừa lúc Lý Thân vào trong rửa mặt thay áo, Trương Hựu Tân bèn dùng ngón tay chấm vào rượu tức cảnh một bài tứ tuyệt viết lên mặt bàn như sau :

              雲雨分飛二十年,   Vân vũ phân phi nhị thập niên, 
              當時求夢不曾眠。   Đương thời cầu mộng bất tằng miên.
              今來頭白重相見,   Kim lai đầu bạch trùng tương kiến,
              還上襄王玳瑁筵。   Hoàn thướng Tương Vương đại mạo diên !
   Có nghĩa :
                   Mây mưa cách biệt hai mươi năm,
                   Chưa mộng hằng mơ thổn thức lòng.
                   Đầu bạc hôm nay còn gặp lại,
                   Tương Vương tiệc rượu hết còn mong !

      Lý Thân thay áo xong ra uống tiếp, thấy Trương Hựu Tân lộ vẻ âu sầu, bèn lệnh cho ca kỹ hát để giúp vui. Nàng ca kỹ bèn cất tiếng ngâm và hát bài thơ TẶNG QUẢNG LĂNG KỸ 贈廣陵妓 nói trên khiến cho Trương Hựu Tân và nàng cả hai cùng rơi lệ. Lý Thân hỏi biết chuyện, nên sau tiệc rượu, bèn cho người khiêng kiệu đưa nàng ca kỹ theo Trương Hựu Tân về để cùng nhau đoàn tụ.
Qủa là một nghĩa cử cao đẹp của một thi nhân. Chẳng những không trả thù, mà còn giúp cho kẻ thù cũ được tròn mộng uyên ương. Lý Thân là như thế đó !

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ LÝ THÂN :

     LÝ THÂN 李紳(772-846)tự là Công Thùy 公垂, người đất Hào Châu (An Huy), sau dời về Nhuận Châu, Vô Tích (Giang Tô). Con của Ô Trình Lệnh Lý Ngộ, là thi nhân, làm quan cao đến chức Tể Tướng.

Lý Thân đậu tiến sĩ năm Nguyên Hòa nguyên niên đời Đường (806), được bổ về làm Chưởng Thư Ký cho Triết Tây Quan Sát Sứ Lý Ky. Năm sau Lý Ky mưu phản, ông can gián, nhưng không nghe, lại nhốt ông vào ngục. Lý Ky mưu phản thất bại, ông được thả và được triệu về kinh thăng chức Hiệu Thư Lang rồi Quốc Tử Trợ Giáo. Đời Đường Mục Tông lại được thăng Hàn Lâm Học Sĩ, cùng với Lý Đức Dũ và Nguyên Chẩn xưng là TAM TUẤN 三俊 (Ba người Tuấn Kiệt). Khi Đường Kính Tông tức vị, ông bị Lý Phùng Kiết, Trương Hựu Tân hãm hại, bị biếm làm Đoan Châu Tư Mã. Đầu những năm Đại Hòa đời Văn Tông (827), ông chuyển nhậm Từ Châu rồi Thọ Châu Thứ Sử. Sau thăng lên các chức vụ quan trọng như Triết Đông Quan Sát Sứ, rồi Hà Nam Doãn và Tuyên Võ Tiết Độ Sứ. Đường Võ Tông năm Hội Xương thứ 2 (842), về triều nhậm chức Trung Thư Thị Lang, đồng Trung Thư Môn Hạ Bình Chương Sự, Tể Tướng. Hai năm sau lại bị chuyển về làm Hoài Nam Tiết Độ Sứ, không lâu thời mất, hưởng thọ 75 tuổi.

Lý Thân cùng với Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị giao du xướng họa rất thân mật, họ đều là thành viên của việc vận động và đề xướng ra lối thơ Tân Nhạc Phủ. Ông sáng tác 20 bài Nhạc Phủ Tân Đề (đã thất truyền). Tác phẩm nổi tiếng để đời của ông là 《Mẫn Nông nhị thủ 憫農二首》nói về đời sống cơ cực vất vả của nông dân, rất được mọi người tán thưởng và thuộc lòng. Trứ tác thì có《Truy Tích Du Thi 追昔遊詩》trong Toàn Đường Thi thu tập lại được bốn quyển.

Đỗ Chiêu Đức

12/5/23

Thế Vận Hội Paris 2024 : Breaking, điệu nhảy đường phố trở thành môn thể thao thi đấu chính thức

Tại Thế Vận Hội Paris, diễn ra vào mùa hè 2024, lần đầu tiên Breaking, một điệu nhảy đường phố thuộc trào lưu văn hóa Hip Hop bắt nguồn từ Hoa Kỳ từ những năm 1970, được đưa vào danh sách bộ môn thi đấu chính thức.

Nghe:


Chưa đầy một năm nữa, thủ đô Paris của Pháp sẽ tổ chức Thế Vận Hội mùa hè Paris (26/07-11/08/2024), với lễ khai mạc trên sông Seine, các cuộc thi đấu bóng chuyền dưới chân tháp Eiffel và giới thiệu tới công chúng quan tâm đến thể thao một bộ môn mới : Breaking. Bắt nguồn từ khu ổ chuột Bronz ở New York vào những năm 1970, điệu nhảy Breaking là một trong 4  yếu tố cấu thành nền “văn hóa Hip Hop”, bên cạnh nhạc rap, graffiti (vẽ tranh đường phố), DJ (phối nhạc điện tử). Lúc đó, tại các buổi tiệc của khu phố, quy tụ nhiều người đến, chủ yếu là có nguồn gốc từ châu Phi hoặc châu Mỹ La Tinh, Breaking được cho là điệu nhảy để giải quyết tranh chấp của các băng đảng, thay vì dùng vũ lực. Họ thực hiện các điệu nhảy, đối đầu, thậm chí cầm dao hù dọa và nhảy để thách thức nhau nhưng không chạm vào nhau. “Đó là những điệu nhảy đối đầu một cách hòa bình”, như nhận định của Anne Nguyen, một vũ công chuyên nghiệp, là nhà sáng lập vũ đoàn Compagnie par Terre..




Video1:

Video2:

11/30/23

Tự Tha Cho Mình Là Trí Tuệ Lớn Nhất Trong Cuộc Sống

Trong đời sống, thỉnh thoảng tôi cảm thấy trống vắng, hay khi thấy có nỗi buồn vô cớ, tôi đều tìm đến những mẫu chuyện hay những bài viết của Trang tử, Lão Tử, Tông Đông pha ... Mong tìm được một tia sáng soi rọi cho bước đi của mình trong cuộc sống đầy cam go, thăng trầm.

Gần đây, đọc được bài tản văn của Tông Đông pha "Ký Du Tùng Phong Đình" (記遊松風亭). Bài viết vỏn vẹn chưa tới 100 chữ, nhưng hàm chứa triết lý thâm sâu, rất thiết thực cho đời sống. Nguyên văn như sau:


Dư thường ngụ cư Huệ Châu Gia Hữu tự, tung bộ Tùng phong Đình hạ, túc lực bì phạp, tư dục tựu lâm chỉ tức. Vọng đình vũ thượng tại mộc mạc, ý vị thị như hà đắc đáo? lương cửu hốt viết: "Thử gian hữu thâm ma hiết bất đắc xứ," do thị như quải câu chi ngư, hốt đắc giải thoát. Nhược nhân ngộ thử, tuy binh trận tương tiếp, cổ thanh như lôi đình, tiến tắc tử địch, thoái tắc tử pháp, đương thâm ma thời dã bất phương thục hiết.

余嘗寓居惠州嘉祐寺, 縱步松風亭下, 足力疲乏,思欲就林止息. 望亭宇尚在木末, 意謂是如何得到? 良久忽曰:"此間有甚麼歇不得處, "由是如掛鉤之魚,忽得解脫.若人悟此, 雖兵陣相接, 鼓聲如雷霆, 進則死敵, 退則死法, 當甚麼時也不妨熟歇.

Dịch sát văn:

Tôi từng trọ tại chùa Gia Hữu ở Huệ Châu, một lần dạo chơi để đến Tùng phong Đình. Đi một hồi chân tự thấy mỏi, mong đến rừng núi nghỉ ngơi. Nhìn ra xa thấy mái đình vẫn còn xa tít ở trên cao, thầm nghĩ phải làm cách nào mới có thể đến được nơi dừng chân. Suy nghĩ khá lâu, bỗng bừng tỉnh: "Tại sao không nghỉ lại tại nơi đây?" Ý nghĩ vừa thoáng qua thì cảm thấy như cá cắn câu được gỡ móc. Nếu chúng ta hiểu được lý này, thì dù trong lúc giao tranh khốc liệt, trống chiêng vang trời, tiến tới thì sẽ chết vì chiến đấu với địch; lùi lại thì sẽ chết vì phạm quân luật. Ngay trong tình huống nguy ngập, cũng chẳng sao, vẫn có thể thong thả mà nghỉ ngơi.

Dịch thoát ý

Tôi từng trọ tại chùa Gia Hữu ở Huệ Châu, nơi đây cảnh chùa trang nghiêm, sơn thủy hữu tình. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường hay du sơn ngoạn thủy. Phía sau chùa là một rừng núi có những đường mòn chạy xuyên xuất nhiều nơi, một trong những điểm tôi thường đến viếng là Tùng Phong Đình. Mái đình cong cong nằm chót vót trên cao, ngự tọa trên lối đi, ý chừng như đang chờ đón khách bộ hành và mời gọi khách dừng chân trên bước đường đăng trình. Một hôm như mọi lần, tôi thả bộ rong chơi, vô tình đi vào lối đi cũ, là đường để dẫn đến Tùng Phong Đình. Đi chưa được bao lâu, chận tự thấy mỏi, ngước nhìn lên cao, Tùng Phong Đình như đang đứng đợi và vẫy chào tôi. Tôi cố gắng bước nhanh lên, thầm mong sớm tới được Tùng Phong Đình, là điểm để dừng chân. Tôi cố gắng leo mãi leo mãi, chân tôi như hết lực, ngước nhìn lên thì Tùng Phong Đình vẫn còn xa tít ở trên cao.

Thầm nghĩ bao giờ mới đến chỗ để nghỉ ngơi cho được. Phân vân bối rối khá lâu, bỗng bừng tỉnh, chân đã mỏi, tại sao mình không nghỉ lại tại nơi đây? Ý nghĩ vừa thoáng qua như một dòng nước tịnh thủy giải thoát cho ý nghĩ cưỡng cầu là muốn đến cho được Tùng Phong Đình. Đây cũng là tâm thái tích cực của Tô Đông Pha, cách giải quyết của ông khi đương đầu với khó khăn trở ngại trong cuộc sống.

"Tự tha cho mình là trí tuệ lớn nhất của đời người," đó là cảm ngộ của tôi qua bài Tùng Phong Đình của Tô Đông Pha.

Thật vậy, con người thường hay đấu sức với chính mình. Nói đúng hơn là chống chọi với tâm thức của mình, suy nghĩ lo toan quá nhiều, tự tạo nhiều áp lực và buồn phiền cho cuộc sống.

Hồi còn đi làm tại High Tech, tôi có một người bạn rất giỏi, rất chăm chỉ trong công việc. Chẳng bao lâu, ông được cất nhắc lên làm giám đốc với số tuổi chưa đầy 40, dưới tay còn có hơn 20 nhân viên. Ngoài việc sắp đặt việc làm, quản lý nhân sự, ông còn phải hội họp nội bộ và giao lưu với khách hàng. Mỗi ngày làm việc hơn 10 tiếng, nhiều khi làm cả thứ Bảy, thậm chí Chủ Nhật. Chúng tôi thỉnh thoảng mới gặp nhau trong giờ ăn trưa, gặp nhau chỉ vỏn vẹn vài ba câu ngắn ngủi. Thấy người bạn lúc nào cũng trong trạng thái bộn bề, căng thẳng trong công việc, tôi thường nói với ông bạn câu: "cấp hành vô thiện bộ (急行無善步), có nghĩa là vội vã thì dễ vấp ngã.

Tôi là người tương đối nhàn hạ thong thả, mỗi lần gặp ông bạn tôi đều cảm thấy không khí hơi ngột ngạt, và cảm giác dường như ông bạn lúc nào cũng đang trong trạng thái khởi động, sẵn sàng tuyên chiến với thế giới.

Một hôm, tôi muốn tìm vui khuây khỏa nơi sân banh của hãng, khi vào sân chơi, lạ thay hôm đó vắng tanh. Tại một góc sân xa đằng kia, như có một người đang trầm ngâm, tôi đến gần, hóa ra là người bạn mà tôi đề cập ở bên trên; tay cầm điếu thuốc và hình như chẳng hề để ý, đếm xỉa gì đến sự hiện diện của tôi.

Tôi mở lời chào anh, nhìn lên, anh vụng về đáp trả lời chào của tôi, tôi đoán là anh đang có sự cố gì đây.

Trao đổi qua lại với anh, tôi mới biết là anh đang bị khủng hoảng bởi việc làm của hãng: gần đây anh bị khách hàng khiếu nại liên tục, cấp trên biết được nên khiển trách anh, và đáng nói hơn là anh có một thuộc cấp đắc lực nhất xin thôi việc. Anh đang hứng chịu một áp lực quá nặng nề.

Tôi rất đồng cảm và thông hiểu với anh bạn, vỗ vai, tôi nói với anh: "sinh hoạt của anh quá căng thẳng, anh nên buông xả bớt cho nhẹ gánh." Thương quá, tôi ôm choàng lấy anh, siết nhẹ. Người của anh bỗng rung lên, anh lắc nhẹ, thổn thức. Tôi quay đầu nhìn lại, ôi chao! nước mắt anh giàn giụa, hai dòng lệ tuôn trào, vô tình lời an ủi của tôi trở thành giọt nước làm tràn ly đầy. Quen nhau 10 năm, lần đầu tiên tôi thấy ông bạn của tôi xúc động đến như vậy.

Mỗi khi chúng ta tiếp trận với thế giới bên ngoài, thế giới bên ngoài tựa như chiến trường của mình, bất luận thắng hay bại, chúng ta cũng phải trả giá rất đắt. Thật vậy, xưa nay, không cuộc chiến nào có kẻ thắng.

Tương tự Tô Đông Pha khư khư cứ muốn lên đến tận Tùng Phong Đình rồi mới chịu nghỉ chân, thế thì Tùng Phong Đình sẽ trở thành một mục tiêu, một đích đến thách thức mà ông muốn chinh phục cho bằng được, ông tất nhiên phải cố gắng leo lên để đạt đến cái đích đó trong khi ông đã kiệt sức. "Tại sao mình không dừng bước, nghỉ chân tại điểm đứng này?" Sự chuyển hóa ý niệm này như ngọn đuốc sáng xua tan bóng tối phiền não. Vì biết thay đổi góc nhìn, Tô Đông Pha đã hòa giải với thế giới, với sự chấp trước của mình. Thực ra, hòa giải với thế giới tức là hòa giải với chính mình, nói cách khác, mình là thế giới; thế giới cũng là chính mình. Khi ta đã đồng hóa với thế giới thì đâu còn có đối tượng đối nghịch.

Cố gắng phấn đấu để cuộc sống được hạnh phúc mỹ mãn đương nhiên quan trọng, nhưng không nên vì thế mà đánh mất sự an lạc nhàn nhã. Buông xả không phải là mất đi; dừng lại không phải là trốn tránh lùi bước.

Đời người như cuộc chạy bộ đường dài, nhiều người ngã gục giữa đường vì không biết điều tiết, lúc nào nên chạy nhanh, lúc nào phải chạy chậm, lúc nào phải tạm dừng để uống nước nạp thêm năng lượng; cũng như khi cầm lái một chiếc xe, phải biết tùy thuộc vào địa hình địa thế mà gia giảm tốc độ.

Nho gia có câu: “Quân tử phùng thời nhi tiến, bất thời nhi thoái” (君子逢時而進,不時而退). Quân tử gặp thời cơ thuận lợi thì cố gắng tiến tới mục tiêu, nếu chưa hội đủ nhân duyên thì phải biết đặt mình trong tư thế chờ đợi, nuôi dưỡng động lực, chuẩn bị hành trang cho cơ duyên khác.

Nhà Phật nói:"Tùy duyên bất biến" (隨緣不變).

Tùy Duyên là tùy hoàn cảnh, phương tiện mà thay đổi các chi tiết cho thích hợp với cuộc sống.

Bất biến là luôn giữ tâm thanh tịnh, như bất động trước mọi biến động thuận nghịch, thăng trầm vốn dĩ của cuộc đời.

Lão tử nói: "Thượng thiện nhược thủy"(上善若水).

Thiện là tốt, đặc tính tốt nhất của nước là âm thuần chi nhuận vạn vật nhưng không tranh giành so đo; đặc tính quan trọng khác của nước là tùy duyên và lình động, nước tuôn chảy và tồn tại khắp nơi, trên cao là mây, rơi xuống là mưa, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, chỗ nào cũng tự tại thoải mái.

Thích Đạo Nho tam giáo tuy ba là một, đã gặp nhau trong tư tưởng: Tùy ngộ nhi an, tùy duyên tự tại. (随遇而安, 随缘自在)

Phải chăng đó cũng là ẩn ý của Tô Đông Pha trong bài Tùng phong Đình:

"Tha cho mình (không chấp trước) là trí tuệ lớn nhất trong cuộc sống."

Trường
11-29-2023