Showing posts with label Chi Phương. Show all posts
Showing posts with label Chi Phương. Show all posts

12/5/23

Thế Vận Hội Paris 2024 : Breaking, điệu nhảy đường phố trở thành môn thể thao thi đấu chính thức

Tại Thế Vận Hội Paris, diễn ra vào mùa hè 2024, lần đầu tiên Breaking, một điệu nhảy đường phố thuộc trào lưu văn hóa Hip Hop bắt nguồn từ Hoa Kỳ từ những năm 1970, được đưa vào danh sách bộ môn thi đấu chính thức.

Nghe:


Chưa đầy một năm nữa, thủ đô Paris của Pháp sẽ tổ chức Thế Vận Hội mùa hè Paris (26/07-11/08/2024), với lễ khai mạc trên sông Seine, các cuộc thi đấu bóng chuyền dưới chân tháp Eiffel và giới thiệu tới công chúng quan tâm đến thể thao một bộ môn mới : Breaking. Bắt nguồn từ khu ổ chuột Bronz ở New York vào những năm 1970, điệu nhảy Breaking là một trong 4  yếu tố cấu thành nền “văn hóa Hip Hop”, bên cạnh nhạc rap, graffiti (vẽ tranh đường phố), DJ (phối nhạc điện tử). Lúc đó, tại các buổi tiệc của khu phố, quy tụ nhiều người đến, chủ yếu là có nguồn gốc từ châu Phi hoặc châu Mỹ La Tinh, Breaking được cho là điệu nhảy để giải quyết tranh chấp của các băng đảng, thay vì dùng vũ lực. Họ thực hiện các điệu nhảy, đối đầu, thậm chí cầm dao hù dọa và nhảy để thách thức nhau nhưng không chạm vào nhau. “Đó là những điệu nhảy đối đầu một cách hòa bình”, như nhận định của Anne Nguyen, một vũ công chuyên nghiệp, là nhà sáng lập vũ đoàn Compagnie par Terre..




Video1:

Video2:

10/11/23

Xung đột Israel-Hamas - Tại sao Dải Gaza là tâm điểm của xung đột giữa Israel và Palestine ?

 RFI Tiếng Việt - Đăng ngày 9/10/2023. Chi Phương

Cuối tuần vừa qua, tổ chức Hamas (Phong trào kháng chiến Hồi giáo) đã bất ngờ tấn công Israel, phóng hàng ngàn tên lửa, các nhóm chiến binh đột nhập vào nhiều nơi sát gần dải Gaza. Theo thống kê sơ bộ, hàng trăm người Israel thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương và rất nhiều người bị bắt làm con tin. Đây là cuộc xung đột mới nhất giữa hai hai kẻ thù « không đội trời chung » từ hàng thập kỷ qua. 

Ảnh hinh họa

Kể từ khi nhóm phiến quân Hồi giáo Hamas vào năm 2007 kiểm soát được dải Gaza (Gaza) nhỏ bé với hơn 2 triệu dân sinh sống, nơi đây trở thành điểm xung đột quân sự đẫm máu giữa Israel và người Palestine.     

Hamas là gì ?
Hamas dịch từ tiếng Ả Rập có nghĩa là phong trào kháng chiến Hồi Giáo, được thành lập vào năm 1987 trong cuộc nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Israel ở Gaza và Cisjordanie (Bờ Tây Jordanie) – hai lãnh thổ “tị nạn” chủ yếu của người Hồi giáo Palestine.

Sau khi được thành lập, Hamas đã soạn ra Hiến Chương, tuyên bố rằng “Palestine được Thượng Đế ban tặng cho người Hồi giáo” và yêu cầu tất cả người Hồi giáo chống lại những kẻ thù “chiếm đoạt” những vùng đất đó. Hamas muốn xoá bỏ Israel và khôi phục Palestine thành một quốc gia Hồi giáo. Vào năm 2017, theo trang Sky News, có thông tin cho rằng Hamas đã sửa đổi Hiến Chương, chấp nhận Nhà nước Palestine nằm trong các biên giới đã tồn tại trước Chiến tranh Israel Sáu ngày năm 1967.

Hiện nay, tổ chức Hamas do Ismail Haniyeh lãnh đạo, kiểm soát và quản lý dải Gaza. Tổ chức này bị Israel và hầu hết các nước phương Tây như Mỹ, Canada và các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu coi là khủng bố. Tuy nhiên một số nước khác như Iran công nhận Hamas là chính quyền hợp pháp tại Gaza. Theo trang Wall Street Journal, Iran cũng được cho là nước đã hỗ trợ Hamas trong cuộc tấn công quy mô lớn và công phu của tổ chức này vào Israel cuối tuần vừa qua.

Theo một số chuyên gia, Iran muốn hỗ trợ xung đột để ngăn Ả Rập Xê Út xích gần lại Israel.

Dải Gaza là khu vực như thế nào ?
Dải Gaza dài 40 km và rộng khoảng 14 km, được bao quanh bởi Israel, Ai Cập và biển Địa Trung Hải. Vùng đất này từng nằm dưới sự cai trị của đế chế Ottoman và sau đó là đế quốc Anh. Dải Gaza đã trở thành nơi tị nạn của hơn 200 000 người Palestine, phải rời bỏ quê hương sau Chiến tranh Ả Rập – Israel năm 1948. Ai Cập cai trị Gaza cho tới khi khu vực này rơi vào tay của Israel trong cuộc Chiến 6 ngày 1967. Năm 2005, Israel rút quân khỏi Gaza, từ bỏ các khu định cư cho người Israel.

Trong khoảng một thập kỷ, cho đến năm 2006, dải Gaza nằm dưới sự quản lý của cơ quan quyền lực Palestine, cơ quan này cũng quản lý Bờ Tây Jordanie. Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) với nòng cốt là phong trào Fatah, đã chi phối mạnh mẽ cơ quan quyền lực Palestine và đã ký một thỏa thuận hòa bình với Israel.

Tháng Giêng năm 2006, Hamas chiếm được đa số trong cuộc bầu cử lập pháp. Vốn không thừa nhận sự tổn tại của Nhà nước Do Thái và chống Israel cực đoan, Hamas đã xung đột với Fatah. Và đến năm 2007, Hamas rút sang Gaza. Israel ban hành lệnh phong tỏa, với lý do “bảo vệ người dân của mình”.

Kể từ đó, các cuộc đối đầu đẫm máu đã xảy ra giữa Israel và Hamas ở Gaza. Trong khi Hamas kiểm soát an ninh ở Gaza, nguồn tài trợ cho y tế, năng lượng và các dịch vụ khác chủ yếu đến từ Liên Hiệp Quốc và các nước ngoài, trực tiếp hoặc thông qua chính quyền Palestine.

Tại sao Hamas lại tổ chức cuộc tấn công có quy mô lớn vào Israel cuối tuần vừa qua ?

Theo trang The Guardian, hiện vẫn chưa rõ lý do chính xác, nhưng có thể nói rằng tình trạng bạo lực đã gia tăng từ nhiều tháng qua giữa quân đội cũng như người Israel và người Palestine ở Bờ Tây.

Tuần trước, một số người Do Thái đã đến cầu nguyện bên trong Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem, vốn được gọi là một trong ba nơi linh thiêng nhất của người theo đạo Hồi (sau Mecca và Medina ở Ả Rập Xê Út). Nhưng trong đạo Do Thái đây cũng là một địa điểm linh thiêng. Những người Hồi giáo cho rằng hành động cầu nguyện là khiêu khích. Hamas gọi chiến dịch tấn công hiện tại là trận « Mưa bão al-Aqsa ».

Ngoài ra, việc bị Ai Cập và Israel phong toả trong gần 16 năm đã khiến kinh tế của dải Gaza kiệt quệ, người dân khốn đốn.

Hamas và Israel đã 4 lần gây chiến, nguồn căn của các cuộc xung đột là do đâu ?

Kể từ khi Israel rút quân khỏi dải Gaza, đây là cuộc chiến thứ năm giữa Hamas và Israel. Bốn cuộc chiến trước đó xảy ra vào những năm 2008, 2012, 2014 và 2021. Cuộc xung đột đẫm máu nhất là năm 2014, kéo dài 7 tuần, khiến hơn 2000 người Palestine và 74 người Israel (trong đó 68 người là binh sĩ) thiệt mạng.

Cũng giống như nhiều nước ở Trung Đông, Hamas phẫn nộ với việc thành lập nước Israel năm 1948, sau Đệ Nhị Thế Chiến, vốn được nhiều nước phương Tây ủng hộ. Theo trang Skynews, Hamas và các nhóm Palestine khác cho rằng lãnh thổ của họ bị đánh cắp, và người Palestine là chủ sở hữu, người chiếm đóng hợp pháp.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Israel cho rằng khu vực này là quê hương tổ tiên của người Do Thái, vốn đã bị lưu đày sau cuộc xâm lược của Đế quốc Babylon hơn 2.500 năm trước.

Vào ngày 29/11/ 1947, Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết, khuyến nghị phân chia lãnh thổ của người Israel, từng là thuộc địa của Anh Quốc thành khu vực cho Nhà nước Do Thái, các nước Ả Rập và khu vực Thánh địa tách biệt. Tuy nhiên bạo lực đã nổ ra ngay lập tức giữa phe Do Thái và phe Ả Rập. Israel được tuyên bố độc lập ngày 14/05/1948 thì ngay hôm sau các quốc gia láng giềng Ả Rập đã tham chiến. Cuối cùng Israel đã chiếm được một nửa lãnh thổ mà Liên Hiệp Quốc vốn chia cho các Nhà nước Ả Rập.

Theo Sky News, tại khu vực Bờ Tây mà Israel đã chiếm được, nhiều khu vực định cư của người Do Thái được xây dựng khiến Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc từng lên án Israel « vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế ».

Cuộc xung đột đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng từ hàng thập kỷ qua, cả người Palestine lẫn người Do Thái. Ai là bên vi phạm nhân quyền ?

Hamas đã bị cáo buộc vi phạm quyền con người ở Gaza qua các vụ hành quyết, tra tấn, bắt cóc. Tổ chức từng có liên hệ với phong trào Huynh đệ Hồi giáo, cũng bị cáo buộc bởi các tổ chức nhân quyền vì hạn chế quyền tự do ngôn luận, hội họp.

Vào năm 2022, chính quyền Hamas ở Gaza đã hành quyết 5 người Palestine vì bị cáo buộc làm gián điệp cho Israel. Nhiều tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông đã cung cấp bằng chứng về việc Hamas bắn tên lửa vào các khu đông dân cư, sử dụng người dân làm bia đỡ đạn.

Tuy nhiên, Israel cũng bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Tổ chức Amnesty International đã cáo buộc Israel « áp bức » người dân Palestine, phân biệt chủng tộc, cả ở Israel và các vùng đã chiếm đóng. Amnesty International đã cáo buộc Israel « chiếm giữ đất đai, tài sản, gây thương tích nghiêm trọng » đối với người Hồi giáo Palestine.

2/10/23

ChatGPT và cuộc đại chiến Trí tuệ nhân tạo giữa Microsoft và Google


Hình ảnh minh họa ChatGPT và cuộc đọ sức giữa Google và Microsoft. © canva

Trước sự xuất hiện của ChatGPT, khuấy đảo người dùng mạng trên toàn cầu, các gã khổng lồ công nghệ như Google và Microsoft đã lao vào cuộc đua Trí tuệ nhân tạo, tránh bị tụt lại phía sau. RFI xin giới thiệu bài phân tích về chủ đề này đăng trên báo Pháp Le Figaro ngày 07/02/2023.

Trong tuần vừa qua, một cuộc đọ sức truyền thông đã xảy ra giữa Google và Microsoft. 

Chưa đầy 24 giờ, hai trong số những tập đoàn lớn nhất thế giới về công nghệ đã tổ chức họp báo, tiết lộ các tính năng mới về sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo (AI). Trên thực tế, hiếm khi mà hai bên có một cuộc đối đầu quyết liệt trong cùng một thị trường. (Lần cuối cùng đó là từ năm 2010, khi hai bên xảy ra tranh cãi liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ trên điện thoại Window Phone). Tuy nhiên, thành công toàn cầu của ứng dụng robot hỏi đáp trực tuyến ChatGPT với công nghệ Trí tuệ nhân tạo đa ngôn ngữ, có khả năng tạo ra một văn bản giống như là do con người viết ra, đã châm ngòi cho cuộc cạnh tranh giữa hai tập đoàn. Giám đốc điều hành của Microsoft Satya Nadella đã khẳng định với các nhà phân tích rằng: “Chúng tôi sẽ là những người dẫn đầu trong kỷ nguyên AI mới này”. Về phần mình, ông chủ của Google, Sundar Pichai đáp lại “Chúng tôi là những người đi đầu trong việc phát triển Trí tuệ nhân tạo”.

Cuộc họp báo đầu tiên diễn ra vào sáng thứ Ba (07/02) ở Seattle, trụ sở của Microsoft. Nếu như các phương tiện truyền thông được mời đến dự vào tuần trước, tập đoàn Hoa Kỳ đã chính thức hoá sự kiện này từ thứ Hai khi đăng một bức ảnh giám đốc điều hành Satya Nadella đứng cạnh cùng với đứa con cưng mới của Thung lũng Silicon : Sam Altman – lãnh đạo của OpenAI. Microsoft đã đầu tư gần 10 tỷ đô la trong vòng 3 năm vào công ty phát minh ra ứng dụng ChatGPT. Ứng dụng này sử dụng những siêu máy tính để cho chạy các chương trình máy học chuyên sâu. Sự liên kết này có thể là tấm vé giúp Microsoft giành thắng lợi trong quá trình phát triển của công nghệ thông tin.

Một ngày sau cuộc họp báo của Microsoft, vào chiều thứ Tư tuần này, đến lượt Google tổ chức họp báo từ Paris và được truyền tải toàn cầu từ Youtube. Trong phần mô tả sự kiện này, Google khẳng định: “Chúng tôi đang định hình lại cách mà mọi người tìm kiếm thông tin, khám phá và tương tác với thông tin, bằng cách khiến cho việc tìm kiếm của mọi người trở nên tự nhiên hơn và trực quan hơn bao giờ hết.”

Dường như Google không muốn để Microsoft tận dụng thời cơ. Tối thứ Hai, tập đoàn California đă đăng một thông cáo tiết lộ một số thông tin của cuộc họp báo sắp diễn ra vào thứ Tư. Thông tin chính đó là Google đã phát triển một ứng dụng Bard, đáp trả ChatGPT và cũng như Microsoft Bing, Google cũng sẽ phát triển máy tìm kiếm của mình.


Sắp tới, người dùng Internet có thể đặt những câu hỏi phức tạp cho Google và Bing, (ví dụ như : Tôi có thể nấu món gì cho một đứa bé 18 tháng, chỉ muốn ăn đồ ăn có màu cam ? Những bài tập thể lực nào cho người mới bắt đầu và không cần dụng cụ ở nhà để có thể giảm mỡ bụng ?...) Những câu trả lời sẽ được đưa ra dưới dạng tổng hợp và chi tiết, và có thể bỏ lại đằng sau những chuỗi dài các đường link dẫn vào các trang mạng để đào sâu chủ đề.

Nguy cơ máy tìm kiếm Google bị soán ngôi

Nếu như phải đánh giá mức độ mạnh mẽ của tính năng này, thì đây có thể là cuộc cách mạng đối với cách thức mà người dùng Internet tìm kiếm trên Internet và có thể sắp xếp lại quân bài chủ đạo của thị trường này, vốn đã bị Google thống trị trong hai thập kỷ qua. Về phần mình Microsoft dường như đã sẵn sàng. Vào thứ Sáu, phiên bản Bing mới đã được đưa vào hoạt động, trước khi bị gỡ xuống chỉ sau vài phút.




Cỗ máy tìm kiếm này không phải là sản phẩm duy nhất sẽ được trang bị những tính năng mới liên quan đến Trí tuệ nhân tạo. Microsoft đã thông báo vào tuần trước về một thay đổi trong nền tảng trao đổi thông tin, họp trực tuyến Teams. Vào cuối mỗi cuộc họp trực tuyến, Teams sẽ tự động cắt video và tạo ra một bản tóm tắt về những quyết định được đưa ra, đồng thời đề xuất mỗi người tham gia vào cuộc họp xem lại những điểm quan trọng của cuộc họp. (Ví dụ như khi nào thì tên của họ được nhắc đến, khi nào thì tài liệu được chia sẻ, khi nào thì phải vắng mặt.) Tính năng này có thể giúp tiết kiệm được quỹ thời gian quý báu.

Google cũng đã chuẩn bị sẵn nhiều thông báo về các tính năng mới, ít nhất là khoảng 20 thông báo, theo như thông tin từ New York Times. Ví dụ như việc tạo những sản phẩm hình ảnh hoặc trang trí làm đẹp cho các video trên Youtube, hay là thử quần áo trực tuyến, hỗ trợ lập trình các ứng dụng Android, tự động tạo một video từ nhiều video khác. Phần lớn các kế hoạch này sẽ được công bố vào tháng Năm tới, trong cuộc hội nghị hàng năm của Google I/O. Các tính năng này là câu trả lời đối với cảnh báo đỏ mà giám đốc điều hành của Google, ông Sundar Pichai đã đưa ra, để đối phó với sức mạnh của Chat GPT.

Vào năm 2016, ông Pichai, vốn đã định hướng những đầu tư của Google vào nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo, không thể để tập đoàn của mình bị tụt lại phía sau. OpenAI đã phát minh ra ứng dụng Dall-E, một Trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo ra các hình ảnh từ một văn bản và Google đã sở hữu Imagen (có tính năng tương tự). Nếu như OpenAi đã tạo ra bản mẫu của ngôn ngữ tự nhiên GPT thì Google cũng đã nghiên cứu từ nhiều năm nay trên ứng dụng LaMDA. Hai ứng dụng này trên thực tế lại dựa trên một sự phát hiện được công bố bởi các nhà nghiên cứu của Google. Hôm thứ Hai vừa qua, ông Pichai nhắc lại rằng “dự án nghiên cứu Transformer của chúng tôi, bài đăng tham chiếu được đăng vào năm 2017 là những nền tảng của nhiều ứng dụng Trí tuệ nhân tạo sử dụng mà mọi người bắt đầu thấy ngày nay”.

Sản phẩm Trí tuệ nhân tạo vẫn rủi ro


Google chưa từng mở cửa cho bên thứ ba đối với ứng dụng LamMDA hay Imagen bởi vì những công cụ này vẫn chưa hoàn hảo. Trong một bài đăng vào năm 2021, các kỹ sư của tập đoàn nhấn mạnh rằng các mô hình máy học (machine learning) không suy luận và có thể viết sai và không có khả năng trích nguồn. Vì vậy không đưa những công cụ này vào tay của người dùng là điều khẩn cấp, vì gây rủi ro đối với danh tiếng của Google. Thế nhưng sự đam mê mang tính toàn cầu đối với ChatGPT từ tháng 11 năm ngoái cũng như áp lực từ các cổ đông đã thúc đẩy tập đoàn Google phải xem lại lập trường của mình.

Google muốn lập lại vị trí trung tâm của mình trong giới công nghệ và chỉ ra rằng tập đoàn vẫn an toàn, không bị tụt lại phía sau : người dùng Internet phải thấy được những ứng dụng cụ thể của các Trí tuệ nhân tạo này càng sớm càng tốt. Trong thư điện tử được gửi đi vào thứ Hai, ông Sundar Pichai đã kêu gọi nhân viên của Google thử nghiệm robot đối thoại trực tuyến Bard và đưa ra phản hồi để cải thiện ứng dụng này. Ông Pichai tuyên bố : “Hãy nhìn vào điều này như là một cuộc thi viết lập trình ‘marathon’ – hackathon, trong nội bộ. Các bộ phận đã được tổ chức lại để có thể cho ra mắt nhanh chóng các tính năng táo bạo. Tuy nhiên, Google không muốn mạo hiểm hành động vội vàng : Bard chỉ được cho ra mắt với người dụng mạng khi nào mà ứng dụng này an toàn và đáng tin cậy.

Cuộc đua Trí tuệ nhân tạo không chỉ liên quan đến Google và Microsoft. Nhà nghiên cứu Yann LeCun, giám đốc ngiên cứu Trí tuệ nhân tạo ở Meta (công ty mẹ của Facebook), đã nhấn mạnh rằng “ChatGPT không phải là một phát minh đáng kinh ngạc, mới mẻ, sáng tạo và độc đáo, vượt trên tất cả những ứng dụng khác” và các tập đoàn khác, bao gồm Meta đã sở hữu những công nghệ tương tự. Bằng chứng là tại Trung Quốc, vào thứ Ba, gã khổng lồ của Trung Quốc, với cỗ máy tìm kiếm Baidu đã thông báo hoàn thiện giai đoạn thử nghiệm Ernie Bot, một ứng dụng tương tự như ChatGPT. Ernie Bot dựa trên mô hình máy học Ernie mà Baidu đã làm việc từ 2019. Công cụ này sẽ được áp dụng trong nhiều sản phẩm của tập đoàn trong thời gian sắp tới. Thông báo này đã khiến cổ phiếu của Baidu tăng 15% và mang lại lợi nhuận cho các công ty công nghệ Trung Quốc khác cũng đang nghiên cứu về AI.

Đầu tư vào AI tăng mạnh

Tại phương Tây, Trí tuệ nhân tạo là cụm từ xuất hiện ở mọi nơi. Theo thống kê của Bloomberg, cụm từ này đã được nhắc đến 200 lần tại các cuộc hội nghị phân tích gần đây nhất của 15 doanh nghiệp công nghệ lớn nhất tại Hoa Kỳ. Tức là gấp 3 lần kể từ đầu năm 2022. Giống như là khi cơn sốt về cụm từ metavers – đa vũ trụ hay Web3, dự trù sẽ có vô số thông báo được đưa ra trong năù 2023 này. Các quỹ đầu tư đã được kích hoạt. Từ tháng Giêng, gần 700 triệu đô la đã được đầu tư vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo, trong đó có OpenAI, so với 900 triệu đô la cho cả năm 2022.

Các tập đoàn lớn trang bị vũ khí cho mình bằng việc mua cổ phần trong các công ty khởi nghiệp hứa hẹn. Nếu như Microsoft gần như là kết hôn với OpenAI, thì Google đã đầu tư gần 300 triệu đô la vào công ty Anthropic hồi cuối năm ngoái và sở hữu 10 %. Công ty này được thành lập bởi các nhà nghiên cứu từng làm việc ở OpenAI, đã tạo ra một mẫu ngôn ngữ của riêng mình – Claude. Năm gã khổng lồ công nghệ GAFAM - Google, Apple, Facebook (Meta), Amazon và Microsoft cũng sẽ xem xét kỹ các công ty khởi nghiệp, phát minh ra các ứng dụng mới cụ thể cho các Trí tuệ nhân tạo mới. Google cũng như Open AI sẽ cho phép bên thứ ba, sử dụng công nghệ của họ với điều kiện phải trả phí. Các công nghệ mới có thể sẽ sớm xuất hiện.

Đề Tài liên quan: