Chuyện viết, trước đây còn ở trong nước, không bao giờ tôi nghĩ đến, nhưng khi qua ở nơi đây, một xứ sở văn minh, thấy cái gì cũng lạ cũng mới và cũng hơi kỳ. Cảm thấy như mình vừa tái sinh vào một kiếp người khác, do trước đây đã tạo được duyên lành. Trong những mối tạo duyên đó, tôi là người thích đọc truyện, nên giờ đây mình là người thích kể chuyện, tôi được luân hồi ngay ở kiếp này không cần phải chờ đợi sau cái chết!
Có nhiều khuynh hướng trong cách viết câu chuyện kể, do ảnh hưởng hoàn cảnh sống, do ảnh hưởng suy nghĩ cá nhân. Trước kia lúc bắt đầu viết, tôi dùng trí tưởng tượng khá nhiều, từ một hình ảnh trong đời thường tôi có thể kể ra một câu chuyện hẳn hoi có thứ tự lớp lang. Đa số chuyện dạo ấy, tôi kể về tình yêu vì cho rằng không có gì đẹp hơn loại tình cảm này ! Lẽ dĩ nhiên tình yêu trong trí tưởng được vẽ vời rất nhiều điều đẹp đẽ xúc động. Trong đời thường, làm chi có những mối tình đẹp như thế. Kể ra cũng có hơi ba xạo! Tuy nhiên, mẫu truyện nào cũng đều dựa vào một hình ảnh có thực đã thấy trong quá khứ hay hiện tại. Có chuyện tình bịa đặt hoàn toàn đọc lại thấy cảm động lắm, chẳng hạn như Tìm Trong Quá Khứ, khung cảnh là bệnh viện tâm thần Saint Anne (vì chỗ tôi làm việc gần bệnh viện này, thấy bệnh nhân đi dạo ra vô). Khi viết ra những câu chuyện tình lãng mạn, tôi nghe tuồng như mình tham dự trong đó, mình đang là diễn viên chính. Vậy mới ham viết!
Có điều, ngôn ngữ chữ viết ít khi bắt kịp với nhịp độ suy tưởng, luôn chậm chạp, trong khi dòng suy nghĩ luôn biến động theo cảm hứng. Tìm câu chữ thích hợp cho suy nghĩ, cho sáng tạo là điều không dễ dàng gì. Viết, luôn luôn là một hành trình đi tìm kiếm. Tìm kiếm cái gì, điều gì? Đó là một câu hỏi với tôi, tôi không biết giải đáp.
Nhưng bây giờ, bây giờ bộ não tôi không còn khả năng phong phú để tưởng tượng như thế. Giờ đây, trước căn bệnh mất trí nhớ có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với người lớn tuổi, tôi muốn xét lại mình xem còn nhớ hay quên chuyện này chuyện nọ. Mấy cái chuyện tôi kể lại đây đều dựa trên những điều có thực, và có lẽ… không xạo chút nào.
Tôi nhớ rõ dạo đó ở Paris, tại trung tâm giúp đỡ người tỵ nạn Đông Dương gồm Việt, Miên, Lào, tôi đang đứng lớ ngớ đọc thông cáo tìm việc, bỗng dưng một ông Tây đi ngang, gọi tôi vào văn phòng, và giới thiệu cho một nơi quen biết làm việc. Sau mới biết ông ấy là giám đốc của trung tâm. Nhờ vậy tôi có dịp tập sự. Tôi đi làm, buổi sáng đầu tiên đứng chờ chuyến xe tàu điện, cảm thấy hãnh diện chi lạ. Hãnh diện như cậu bé lần đầu đi đến trường trong đoạn văn của Thanh Tịnh “Tôi đi học”. Vì từ lúc lấy chồng, tôi bỏ việc không đi làm ở nhà chăm con, đến 75 chồng bị đi tù, vợ ngụy không có chỗ đứng trong xã hội cộng sản, nên chuyện đi làm là một ước mơ. Bây giờ sang đây, tôi đi làm, kiếm một ít tiền trang trải chi tiêu cho gia đình là thực hiện được mơ ước của mình.
Tôi làm việc tại một nơi bán nhiều sách báo, mỗi ngày những đợt giao sách báo mới. Mỗi khi cầm một cuốn sách, tôi chú ý cái đề tựa, tự hỏi không biết tác giả viết gì trong đó. Có khi mượn đem về nhà đọc. Tiếng Pháp không mấy rành, tôi luôn tra từ điển, ông Mai Trung Ngọc, nhà xuất bản Nam Á, là người cho tôi cuốn tự điển hữu ích đó khi mới đặt chân tới Paris. Tự điển Pháp-Việt không giải thích rõ ràng, dùng tự điển Larousse dễ hiểu hơn, lại học thêm nhiều chữ cùng gốc. Sách họ viết bên này khác hơn bên nhà trước đây, tác giả phân tích tâm lý nội tâm nhiều hơn. Tôi thích loại truyện như vậy. Trong những tờ báo phát hành ngày chủ nhật, có tờ Journal du Dimanche, dạo đó hay đăng những truyện ngắn, có nhiều truyện thú vị về cuộc sống đời thường. Đâu cần phải có những éo le gay cấn mới là truyện. Truyện không cần cốt chuyện, nếu viết hay là hay rồi.
Trên những chuyến tàu đi về, đoàn người làm việc tấp nập không ai chú ý ai vội vã đi vội vã về, tôi chú ý tới người mù với cây gậy ngắn huơ qua huơ lại trong không gian tìm lối đi, họ thành thạo biết trạm nào phải xuống, trạm nào phải lên để đổi tuyến xe. Tôi viết câu chuyện ngắn “Người mù trong thành phố Paris”. Và kết luận: Nghĩ đến những người trong nước có mắt nhìn mà phải sống cuộc đời thua xa người mù nơi này ! Truyện đăng ở một tờ báo nổi tiếng lúc bấy giờ, đó là tờ Phụ Nữ Diễn Đàn.
Ông Chử Bá Anh, chủ bút tờ Phụ Nữ Diễn Đàn ở Virginia Hoa Kỳ cho đăng những truyện ngắn đầu tay của tôi. Trước đó, tôi hỏi ông nên lấy bút hiệu như thế nào, lấy tên Nhà Tôi ghi là bà …, vì từ khi lấy chồng sinh con đẻ cái, tôi ăn theo chế độ của chồng, tên tôi mất hút từ lâu. Ông Chử nói mình viết thì lấy tên mình, cớ gì lấy tên chồng làm bút hiệu. Tôi nghe lời. Ông Chử chính là người khuyến khích tôi rất nhiều. Sau khi gửi đăng vài truyện, tôi nhận được tiền nhuận bút, mỗi trang 50 đô, vài truyện cũng được vài trăm. Số tiền này tôi trân trọng lắm, cất giữ không dám tiêu pha gì, xem như một món nữ trang quý không dám đeo vào người. Tiền này có giá trị cao, giá trị về tinh thần. Nó là những vé xe tàu đưa tôi đến những vùng đất xa lạ, trong đó một mình tôi tự do rong chơi.
Dạo ấy tờ báo PNDĐ được bán rất chạy ở Paris vì tin tức nhanh chóng về chính trị, lại có nhiều tiết mục, từ đàn ông tới bà già đều thích đọc. Nhiều người phải xin đặt mua báo trước tại nhà sách Nam Á, vì đến mua trễ không còn. Ông Chử là người có đầu óc tổ chức rất giỏi, không có tờ báo Việt ngữ nào viết tin nhanh bằng tờ PNDĐ. Hầu như các báo ở Cali đều lấy tin từ CBA News, có lần tôi nghe ông nói đến tương lai có “internet” mà lạ.
Lúc vợ chồng chúng tôi qua Hoa Kỳ lần đầu thăm con gái bên đó, ông đã cho đăng vài hàng chữ trên tờ báo địa phương cùng số phôn nhà con chúng tôi, vậy là các báo khác đăng theo. Hôm sau điện thoại reo không ngớt hỏi thăm. Con gái phải ghi tên vào giấy để nhớ người gọi tới. Ai cũng gửi lời mừng, có người tưởng nhà tôi chết trong tù (vì một truyện ngắn tôi tả cảnh đi thăm nuôi chồng, nhưng chồng lại chết trong tù). Chúng tôi không quen được chào đón thăm hỏi có vẻ ồn ào như vậy, và nhất là phải gọi cám ơn từng người quen có lòng nhớ mình. Nhưng ông Chử chứng tỏ qua điều này, cho thấy truyền thông (của ông) đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng. Vài năm sau, vì bị bệnh hen suyễn lâu ngày, lại ham mê công việc, ít chú ý về sức khỏe, ông đã mất trong đêm khuya trong căn phòng riêng của ông. Ra đi khi tuổi mới 67 là hơi sớm, (năm 1996). Chúng tôi buồn không ít. Nhờ ông chúng tôi gặp nhau, và nhờ ông tôi được làm quen với chữ nghĩa.
Dạo ấy, Nhà Tôi bị động viên ra trường Thủ Đức, có sự vụ lệnh đổi lên dạy trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Ông Chử biết tin ra tận phi trường Liên Khương đón anh ấy về trường Văn Học, vô lớp dạy ngay không kịp về nhà thay áo quần dân sự. Lúc ấy, tôi đang ở Huế, bà Dì tôi là một nữ tu từ Pháp về dạy tại trường Couvent des Oiseaux, bà gọi tôi lên Đà Lạt để học phân khoa Chính Trị Kinh Doanh mới mở tại Viện Đại Học. Sau đó tôi gặp ông Chử, và ông nhờ tôi dạy Anh văn cho lớp đệ thất đệ lục trường Văn Học của ông. Tôi nhận lời ông, và gặp gỡ anh ấy, nhà tôi. Một người từ Sài Gòn lên, một người từ Huế vô, hai người gặp nhau tại một thành phố đẹp mộng mơ, yêu nhau là đúng số mệnh rồi.
Bà Dì tôi là người có đầu óc cấp tiến khá đặc biệt. Đó là “Mẹ Marie Thành”, sau này Bà phiên âm tên Marie thành chữ Mai, Thành là tên một vị nữ thánh tử đạo VN. Tại sao tên thánh của các nữ tu VN luôn lấy tên các vị thánh người nước ngoài mà không lấy tên vị thánh nước mình. Một cải cách của bà, bà tỏ ra một người có tinh thần ái quốc dân tộc, luôn tìm hướng đi mới cho giáo hội VN. Bà có nhiều tài năng trên nhiều lãnh vực, đi nhiều nơi trên thế giới, có tài thuyết giảng và thuyết phục người khác nghe lời mình, và nhất là có tài mở hầu bao của các hội dòng giàu có phương Tây giúp đỡ cho dân nghèo VN. Cuộc đời của Dì tôi là cả một hành trình vừa tu hành vừa hoạt động xã hội đáng ngưỡng mộ, bà mất ngày 14/01/2019. Đó là một phụ nữ có lý tưởng, lý tưởng từ lúc còn là cô giáo Bùi Thị Như-Kha của trường Đồng Khánh ngày xưa, mang nặng trong lòng quyết tâm phục vụ xã hội. Bà đi tu để hiến dâng mình cho mục đích lý tưởng ấy.
Trong chủ đích gọi tôi vào ở nội trú trong trường Couvent des Oiseaux để đi học đại học, bà mong muốn tôi có cơ hội tiếp xúc với dòng tu, mong sau này có thể theo chân bà. Tôi được học riêng thêm Pháp ngữ tại đây, và được bà chỉ dẫn cũng như khuyên bảo đôi điều quy tắc của của nhà dòng. Tuy nhiên ý muốn cải tạo tôi thành nữ tu của bà bị thất bại hoàn toàn. Mỗi người chọn con đường mình đi. Thế mà, sau này mới đây, tôi có một giấc mơ với hồi kết hẳn hoi : Tôi trở về chốn ấy, xin bà Bề Trên dòng tu này cho tôi ở lại làm vệc vĩnh viễn không ra ngoài xã hội nữa. Nhưng quá muộn rồi.
Nhà dòng “Notre Dame de Langbiang” (Dòng Đức Bà Lâm Viên) xây dựng ngôi trường Couvent des Oiseaux tại Đà Lạt chiếm cứ cả một ngọn đồi thông bên cạnh suối Cam- Ly (ngọn đồi này do một cựu học sinh tặng cho nhà dòng, đó là Nam Phương Hoàng Hậu) sau này có thêm trường Regina Mundi tại 228 Công Lý Sàigon (bị CSVN đổi tên là Lê thị Hồng Gấm). Cả hai ngôi trường Pháp ngữ này đào tạo các nữ sinh từ cấp tiểu học lên cấp trung học. Trong số nữ sinh thời ấy ở Đà Lạt, tôi nhận biết có cô bé Tuấn Anh, con gái của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (cô rất giống bố), Geneviève NHT, con gái của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch của “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”. Hai ông bố là đối thủ chính trị, nhưng có hai cô con gái học chung một trường. Hầu như con gái của các tướng lãnh cao cấp, hay của doanh thương giàu có miền Nam đều gửi con vào học tại trường này. Với sự giáo dục nghiêm ngặt của các nữ tu trí thức ở Pháp về, phụ huynh yên tâm hy vọng con mình được học nhiều điều hay đẹp, không những học chữ mà còn học cả nhân cách tốt.
Ngôi trường này trước đây được xem là nơi đào tạo con cái gia đình quý tộc, hiện nay lại trở thành nơi dành cho con cái dân tộc thiểu số, tức dân tộc miền núi rừng Tây Nguyên!
Sau khi gặp mặt Nhà Tôi tại khung trường Văn Học một thời gian, chúng tôi “hẹn hò”. Hẹn hò hoài cũng ái ngại cho phần con gái, vì nghe nói anh ấy đã cho de vài cô rồi. Tôi đòi “ra công khai” (cụm chữ này tôi chôm được của cô Nông Thị Xuân, bồ của ông Hồ Chí Minh, sau khi cô sinh được một cậu con trai, cô Xuân “đòi ra công khai” nhưng không được ông Hồ bằng lòng, sai bộ trưởng công an Trần Quốc Hoàn giết cô và quẳng xác ra đường, phao tin cô bị xe cán chết. Đòi hỏi công khai được gia đình bên anh ấy chấp nhận lo chuyện cưới hỏi. Anh ấy đưa tôi về Sài Gòn, bảo đến thăm ông bà cụ thân sinh anh, lại cẩn thận dặn dò: em nên mặc áo dài có cổ, đừng mặc áo dài không cổ như kiều bà Ngô Đình Nhu . Biết gia đình anh nền nếp cổ xưa, tôi chọn chiếc áo dài lụa màu xanh lá chuối non có cổ. Hôm ấy anh nói một câu, tôi nhớ mãi đến bây giờ, nghe sao mà tình tứ quá: Em như cốm xanh. Vâng, là cốm xanh ngày ấy, còn ngày hôm nay là cơm nguội khô cắn vào gãy cả răng!
Ôi thời trẻ trung, tình yêu sao mà đẹp đến thế . Nhà Tôi là người dạy môn toán, (một thứ khoa học dựa trên các con số) lại là người tính tình khá mơ mộng, thích làm thơ. Lúc quen nhau, anh đọc cho tôi nghe những vần thơ tình anh làm ngày trước, và kể thêm khi dạy cùng ông thầy Vũ Khắc Khoan ở Trường Sơn (Sài Gòn), thầy đề nghị lăng- xê thơ anh trên báo, nhưng anh lắc đầu, điều quan trọng nhất của anh là kiếm tiền giúp gia đình bố mẹ và các em. Vậy mà sau khi lấy tôi về làm vợ, chẳng bao giờ anh làm nổi thêm một câu thơ nào đọc cho tôi nghe. Tôi có hơi ân hận vì mình đã hủy diệt nguồn thi hứng của anh ấy!
Trở lại câu chuyện đang kể.
Sau khi ông Chử mất, không có ai đủ khả năng điều hành tờ báo, nên đình bản luôn. Người phối ngẫu của ông là nữ sĩ Vi Khuê, bà có nhiều tác phẩm thơ danh tiếng, thơ của bà đẹp, trang nhã dịu dàng. Nữ sĩ đúng là một mẫu người của thơ và mộng. Nghe kể lại mối tình của hai ông bà cũng đẹp như thơ. Xưa ở Huế, bà làm xướng ngôn viên đài phát thanh, ông nghe giọng đọc của bà mỗi ngày mà mê, mê tiếng và mê luôn người, nên rước bà làm vợ. Qua định cư ở Virginia, hai ông bà cùng nhau sinh hoạt tích cực trong lãnh vực văn hóa và giáo dục, được nhiều người quý trọng, trong đó có tờ báo PNDĐ rất thành công. Sau khi ông mất, bà Vi Khuê thỉnh thoảng liên lạc với tôi qua điện thoại. Sau này bà bị mất trí nhớ nhiều, nên cũng vắng. Bà ra đi năm 2018.
Có lần muốn thử nghiệm sự mất mát, sự ra đi vĩnh viễn của một người, tôi cầm điện thoại gọi vào số máy của ông Chử bên đó. Tiếng chuông reo lên liên hồi, từng chập… không còn bắt máy a-lô như mọi lần. Tiếng chuông reo vào khoảng không trống vắng. Một người đã ra đi, không còn tiếng nói, không còn có mặt. Tôi lấy bút đỏ gạch bỏ một hàng chữ số trong cuốn sổ điện thoại. Từ đó đến nay, đến hiện tại, biết bao người quen đã đi ra khỏi đời sống này, tôi đã gạch bỏ nhiều lần số điện thoại cùng với tên của họ. Biết bao giờ thì số điện thoại của tôi bị gạch bỏ như thế?
Ngày đó, ông Mai Trung Ngọc chủ nhà xuất bản Nam Á-Paris bảo tôi gom góp hết các truyện ngắn, đánh máy lại cho vào disquette đưa cho ông in thành sách. Thật là may mắn. Ông là một người hào phóng, hứa trả cho tác giả một số tiền mà tôi không ngờ, 20.000 franc, (viết chữ là hai chục ngàn franc). Một số tiền hơn gấp 4 lần tháng lương tôi đi làm bấy giờ. Tôi tự hỏi mình có thật là nhà văn hay chưa? Có tác phẩm được nhà xuất bản in ra và trả tiền cao như vậy thì đủ biết, cần chi phải giả vờ khiêm tốn ! Sau khi in sách xong, ông MTN tổ chức cho tôi Ra Mắt Sách, rất nhiều thân hữu tham dự. Thật tình mà nói, ông ấy có ý tốt muốn giúp chúng tôi, chứ với người viết khác, ông không hào phóng như thế. Nay ông đã mất sau cơn đột quỵ đau tim, một cái chết bất ngờ nhanh chóng và không chút đau đớn. Trong tang lễ ông chủ nhà xuất bản sách Nam Á Paris, người em trai đọc vài lời tiễn biệt anh, có nhắc đến tên tôi như là một khai phá của nhà xuất bản. Giống y chang một nhạc sĩ đã khám phá được một giọng ca. Tôi ngồi nghe mà lòng ngậm ngùi.
Sau này, tôi ao ước truyện của mình được đăng ở các báo có tính cách văn chương như Văn Học (Nguyễn Mộng Giác), Hợp Lưu ( Khánh Trường), Văn (Nguyễn Xuân Hoàng). Được đăng trên các báo này có lẽ có giá trị hơn. Tôi không biết có hơn chăng, nhưng phải bỏ tiền mua báo ủng hộ hằng năm, để báo sống mà đăng bài cho mình. Nay Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng đã vào thiên thu.
Paris bấy giờ có nhiều sinh hoạt về văn nghệ rất vui, tôi luôn tham dự vì được làm quen giới văn nghệ sĩ. Giới này là những người hoạt động trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật, gồm có ca sĩ hay ca hát tài tử nói chung. Người ca hát rất được hân hoan chào đón tôn trọng trong những đám đông họp mặt, nhìn họ đứng dưới ánh đèn sân khấu trông rất hay, và sau khi hát, họ cúi đầu nhận những tràng vỗ tay rào rào. So với họ, thì người viết văn tụt giá lắm. Không phải ai cũng là độc giả mình, không phải ai cũng biết mình, không phải ai cũng khen mình viết hay. Do đó tôi cũng muốn chuyển sang lãnh vực hát ca cho vui, khi mình hát xong, được nghe tiếng vỗ tay rào rào phía dưới. Dự tính mua dàn máy Ka-ra-ô-kê đem về nhà hát theo, nhưng tiếc thay ông nhà tôi không mấy ưa loại hát ca này. Vả lại mở máy tập hát, e rằng hàng xóm láng giềng đưa đơn kiện cũng mệt, xứ sở này khó lắm, việc chi cũng bị thưa kiện. Nhớ trước đây, một cô láng giềng xinh đẹp người Trung Hoa được anh chồng mua cho một chiếc piano ở nhà đàn cho đỡ buồn, cô hay đàn những bản nhạc tôi ưa thích, nhưng sau đó bị các nhà hàng xóm trên lầu dưới lầu cùng ký tên trong đơn khởi kiện tới cảnh sát. Tôi không ký. Cô than thở nói tiếng Pháp chữ được chữ mất, rằng người Pháp ở đây không thích nghe nhạc. Tôi khuyên cô nên mua một cái villa để chơi đàn.
Tôi dẹp mộng ước hát ca, đành ngồi âm thầm một mình mà viết độc thoại tình ca. Thực ra, trong thâm tâm, tôi luôn mơ ước trong đời mình có một cây đàn piano trong nhà, chí ít cũng một cây guitar, vừa đàn vừa hát những bản nhạc yêu thích. Ước mơ được ca hát không thành tựu. Không được chuyện này tôi xoay qua chuyện khác, đó là đi học vẽ, nhưng rồi cũng dở dang. Tôi có máu nghệ sĩ, nhưng nghệ sĩ dỏm, vì chẳng món nào học đến nơi đến chốn cho ra hồn. Nghệ sĩ thực thụ, cần phải có đam mê, tận hiến cuộc sống cho đam mê đó. Viết văn cũng vậy, dâng cả đời mình cho chữ nghĩa mới được gọi là nhà văn đúng nghĩa.
Bốn tập truyện ngắn với tên tác giả TTDT, nằm im lìm trên kệ sách nhà, không hiểu sao, đã nhiều năm nay tôi không mở ra đọc lại. Một lần tôi can đảm lấy xem, ngạc nhiên như đọc truyện của một ai khác viết, không phải là mình (kể chuyện tào lao vậy mà cũng in luôn đến 4 tập). Nhìn thấy tủ sách các loại, ngẫm buồn cho thế sự văn minh hiện đại. Các nhà bán sách Việt ngữ hầu như đều đóng cửa dẹp tiệm, ở Paris hay ở Cali đều không còn thấy nữa, không tìm thấy nữa. Anh Phạm Xuân Hy, tác giả chuyên về dịch thuật Liêu Trai Chí Dị, là người yêu chuộng sách vở, lưu trữ sách rất trang trọng. Anh gọi tôi đề nghị tặng một số sách báo cũ, nhưng tôi cám ơn anh, và từ chối vì tủ sách chật cứng dù đã đem tặng thư viện của GXVN khá nhiều. Không biết rồi anh tặng sách cho ai. Những cuốn sách muôn năm cũ / biết để đâu bây giờ ? Đúng là lâm vào cái thế lưỡng nan : Bỏ sách thì thương, mà vương sách thì tội. Tội nghiệp cho cái thân phận sách báo. Hơn nữa, sách nó nặng lắm, cầm vài cuốn thấy oải rồi. Thế hệ đọc sách không còn nữa. Giờ đây, ai cũng lo dọn dẹp nhà cửa cho gọn ghẽ, chuẩn bị cho tâm an để làm một chuyến viễn du không bao giờ trở lại.
Trong các chuyến tàu mê- trô dưới lòng đất Paris, tôi vẫn thấy nhiều phụ nữ cầm sách trên tay đọc chăm chú. Họ là người Pháp đọc sách tiếng Pháp, không phải người Việt đọc sách Việt. Dân cư người Việt di tản ít ỏi, lại phải hội nhập với dòng đời nơi đây, ra đường phải nói tiếng bản địa. Thế hệ người Việt nói tiếng Việt dần dà không còn chỗ đứng. Chúng ta nay còm cõi, già cỗi, tay chân bắt đầu run rẩy, cầm cuốn sách lâu thấy mỏi rồi, mắt lại kém, lem nhem. Những buổi Ra Mắt Sách là những buổi chợ chiều. Những cuốn sách thật tiếng Việt trước đây chọn nơi này làm đất tạm dung, nay thật sự chẳng còn nơi nào để dung thân.
Thế nhưng tại quê nhà, với khối dân số trên 90 triệu người, sách vẫn còn chỗ đứng, người đọc vẫn còn nhiều. Có chị bạn nói nên in sách ở Việtnam, có thể được phổ biến rộng rãi hơn nhiều. Một nhà thơ chỗ quen biết cũng hỏi tôi, nếu muốn, sẽ giới thiệu nhà xuất bản. Việc in ấn trong nước bây giờ với kỹ thuật tân tiến đẹp và giá rẻ. Nhưng tôi ái ngại. Từ lâu rồi, tôi không còn liên lạc với quê nhà. Xa cách quá, không vì xa cách bởi không gian mà xa cách bởi muôn vàn khác biệt. Tôi đang sống với cộng đồng nơi đây, không sống với với cộng đồng tại Việt Nam.
Xin hẹn một ngày đẹp trời, tôi sẽ viết tiếp câu chuyện, hy vọng đường đời còn tiếp diễn …./.
Trần Thị Diệu Tâm