7/1/23

Nhịp Cầu

 


Trang blog mang tên ‘‘Thụ Nhân Bắc Một Nhịp Cầu’’ là muốn nối lại tình bạn Thụ
Nhân khắp bốn phương trời, mười phương Phật. Mỗi bài trong trang blog đều có ý
hướng này, trong số có mục Tạp Ghi. Ghi là ghi chép, tạp (雜) là tạp nhạp, chuyện lớn
chuyện nhỏ cũng có thể ghi chép lại.

Nguyễn Du có câu thơ :

Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Trong khuôn viên đại học, bắc ngang con dốc hoa đào và giảng đường Minh Thành là ‘‘dịp cầu nho nhỏ’’ màu đỏ, khiến lòng ta nao nao.

Ca dao cũng có bốn câu thơ lục bát :

Thương thương, nhớ nhớ, sầu sầu
Một ngày ba bận ra cầu đứng trông
Thấy người nam, bắc, tây, đông
Thấy người thiên hạ mà không thấy chàng.

Ngày nay, Thụ Nhân lưu lạc khắp đông, tây, nam, bắc. ‘‘Thụ Nhân Bắc Một Nhịp Cầu‘’ với ước mong gặp lại nhau mà không phải thấy người thiên hạ.

Trong ngôn ngữ ta, chữ ‘‘cầu’’ quen thuộc từ thuở nào mà không cần vay mượn chữ ‘‘kiều’’ (橋) của chữ hán. Tuy không phải là chữ ‘‘kiều’’ (cây cầu), chúng ta đều là những kiều dân (華僑) hải ngoại.

Nguyễn Du (阮攸) có câu thơ : 
Ngô Điếm kiều thông Tứ Thủy ba
吳店橋通泗水波 . 

Liễu Hạ Huệ mộ (柳下惠墓)

nghĩa là : ‘‘Dưới cầu Ngô Điếm sông Tứ chảy’’.

Thiết nghĩ mục Tạp Ghi nên mở rộng cho tất cả Thụ Nhân gần xa. Vì vậy, tôi mạo muộn đề nghị các bạn gửi bài tô điểm cho mục Tạp Ghi. Các bạn cũng có thể đưa ra vài ý nghĩ, chúng tôi sẽ viết lại và đăng trong trang blog ‘‘Thụ Nhân Bắc Một Nhịp Cầu’’. ‘‘Nhịp cầu nho nhỏ’’ làm ta chợt nhớ mấy câu thơ của nhà thơ thời Sơ Đường Vương Bột. 

Nguyên văn như sau :

思歸

長江悲已滯 ,
萬里念將歸 。
況屬高風晚 ,
山山黃葉飛 。

王勃 (650–676)

Tư quy

Trường Giang bi dĩ trệ,
Vạn lý niệm tương quy.
Huống thuộc cao phong vãn,
Sơn sơn hoàng diệp phi.

Vương Bột

Chúng tôi mạn phép chuyển ngữ, vẫn giữ nguyên thể ngũ ngôn tứ tuyệt như sau :

Nhớ chốn xưa

Niềm đau chìm đáy nước
Hải ngoại cùng mong ước
Lác đác lá thu rơi
Sơn khê sầu lướt mướt.

Lê Đình Thông

6/29/23

Tổng kết hoạt động của DUACT VN năm 2022


 

Thư Ngỏ - Kêu gọi Đồng hành và hỗ trợ DUACT trong những Chương trình Giáo dục, Từ thiện, Xã hội...

Anh chị em DUACT mến,

Qua tham khảo với Ban Giám Sự, DUACT sẽ phát động một đợt Gây Quỹ nhân mùa Lễ lớn ở 3 quốc gia:

July 1 : Canada Day
July 4 : US Independence Day
July 14 : France Bastille Day

Đợt gây quỹ kéo dài khoảng 1 tháng. Kế hoạch cụ thể cũng như lần Gây Quỹ mùa ThanksGiving trước.
Cảm tạ Ban Giám Sự luôn đồng hành, giúp đỡ, hỗ trợ...

Xin anh chị em vui lòng chuyển ngay đến các Diễn Đàn khoá, phân khoa, nhóm... các attachments đính kèm . Chân thành cảm ơn anh chị em rất nhiều.

CTH


 

6/28/23

Tạp Ghi và Phiếm Luận : Chữ AN

 Chữ AN

安 là YÊN, YÊN là Yên Ổn, Yên Bình mà ta thường nói thành Bình Yên, mà Bình Yên là do chữ Nho BÌNH AN 平安 mà ra. Theo "CHỮ NHO...  DỄ HỌC" thì AN thuộc dạng chữ Hội Ý, có diễn tiến của chữ viết như sau :


Ta thấy :
Chữ AN 安 có bộ MIÊN 宀 là cái nóc nhà có hai mái đàng hoàng ở phía trên, bên dưới là chữ NỮ 女 là cô con gái; với Hội ý là "Cô gái mà ngồi ở trong nhà thì sẽ không bị bắt nạt, là biểu thị của sự an toàn, yên ổn. Nên AN có nghĩa gốc là YÊN, và các nghĩa phát sinh như sau :

* AN 安 là Yên. Như : An Tâm 安心, An Nhàn 安閒, An Toàn 安全, An Thân 安身...
* AN 安 là Làm cho yên. Như : An Ủy 安慰 (An Ủi), An Dân 安民 là làm cho dân chúng sống được yên ổn.
* AN 安 là cảm thấy yên. Như : Tâm An 心安 là trong lòng yên ổn, không lo sợ; An Cư 安居 là Sống Yên ổn không lo lắng...
* AN 安 là không nguy hiểm. Như : Bình An 平安, Chuyển Nguy Vi An 轉危為安 là Xoay chuyển cho từ nguy hiểm đến an toàn. Ta còn có thành ngữ : CƯ AN TƯ NGUY 居安思危 Có nghĩa : Ở nơi An toàn luôn phải nghĩ đến lúc có Nguy hiểm, chớ không được ỷ y xem thường . Đây cũng là bốn chữ hiện diện trên phù hiệu của trường Võ Bị Thủ Đức để cảnh giác "Lúc cảm thấy an toàn nhất cũng phải đề phòng sự nguy hiểm đang rình rập đâu đây. Thành ngữ nầy có xuất xứ từ : Tả truyện 左傳: "Cư an tư nguy, tư tắc hữu bị, hữu bị vô hoạn 居安思危, 思則有備, 有備無患 (Tương Công thập nhất niên 襄公十一年). Có nghĩa : Đương lúc ở yên thì phải nghĩ đến lúc nguy cấp, nghĩ thì phải có phòng bị, mà có phòng bị thì sẽ không lo lắng.


* AN 安 là đặt để. Như : An Trí 安置; An Táng 安葬...
* AN 安 là sắp xếp sẵn . Như : An Bài 安排; An Vị 安位 ...
* AN 安 là Nghi vấn tự. Như : An Năng 安能? là Làm sao có thể ?... An Tại 安在? là Ở đâu?... An Đắc 安得 ? Làm sao để có được ?...
Bài thơ thất ngôn cổ thi Tẩy Binh Mã 洗兵馬 (Rửa khí giới quân đội) của Thi Thánh Đỗ Phủ có 2 câu kết là :


安得壯士挽天河,          AN ĐẮC tráng sĩ vãn thiên hà;
淨洗甲兵長不用.          Tịnh tẩy giáp binh trường bất dụng.

Có nghĩa :
- Làm Sao Để Có Được một tráng sĩ kéo nước trên sông Ngân Hà xuống, để...
- Rửa sạch hết các giáp binh khí giới rồi vĩnh viễn không dùng tới nữa !

Hai câu thơ trên của Đỗ Phủ đã được danh tướng Đặng Dung 鄧 容 đời Trần của ta mượn ý trong bài thơ THUẬT HOÀI 述懷 rất nổi tiếng của ông là :


世事悠悠奈老何      Thế sự du du nại lão hà !
無窮天地入酣歌      Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
時來屠釣成功易      Thời lai đồ điếu thành công dị,
運去英雄飲恨多      Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
致主有懷扶地軸      Trí chúa hữu hoài phù địa trục,
洗兵無路挽天河      Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
國讎未報頭先白     Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
幾度龍泉戴月磨      Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma !

Có nghĩa :
Thế sự dằng dai đã lão rồi,
Đất trời say khước hát ca chơi.
Có thời câu cá thành công dễ,
Hết vận anh hùng nuốt hận thôi.
Giúp chúa những mong xoay đại cuộc,
Bãi binh còn muốn kéo sông trời.
Quốc thù chưa báo đầu đà bạc,
Mài mãi Long Tuyền dạ chẳng nguôi !

Hai câu 5 và 6 có nghĩa :
- Giúp chúa lòng những muốn xoay lại trục của trái đất (xoay lại đại cuộc),
- Muốn rửa sạch giáp binh (muốn chấm dứt chiến tranh) nhưng không có đường để kéo nước trên sông Ngân Hà xuống (ý nói Đành bất lực!).


 Sống trên đời, trước tiên là ai cũng muốn được yên thân, vì thân có yên thì tâm mới yên; Thân An tâm tắc An, mà TÂM AN thì LÝ ĐẮC. TÂM AN LÝ ĐẮC 心安理得 là thành ngữ chỉ : Lòng có yên, có bình thản, thì lý lẽ cũng sẽ vững vàng chắc chắn hơn ! Cho nên, gặp bất cứ việc gì trước tiên là phải giữ cho lòng được yên tĩnh rồi mới tính chuyện giải quyết sau.

     Chữ AN là YÊN, nghe như đơn giản, nhưng lại hiện diện trong tất cả các mặt của đời sống con người, kể cả những người bình dị, chất phác nhất, cho đến các hiền nhân quân tử, anh hùng hảo hán, chí đến những vua chúa đế vương... đều không thể xa rời chữ AN được !

      Người bình dân chất phác thì chỉ cầu mong cho có được một cuộc sống an bình yên vui, theo như câu nói của ông bà xưa để lại :

                  隨感而應, Tùy cảm nhi ứng,
                隨遇而安.   Tùy ngộ nhi AN.
Có nghĩa :
          - Tùy theo cái cảm xúc của mình mà ứng tiếng hành xử, và...
          - Tùy theo cái hoàn cảnh mà mình đang có để sống cho yên thân. Ý là ...

      Sống tự nhiên vui vẻ theo cảnh ngô trước mắt, không đòi hỏi cao xa, không ước mơ những điều qúa tầm tay với  của mình theo như câu thành ngữ :

                  安份守常   AN phận thủ thường,
Có nghĩa :
         - Phải biết sống yên ổn với cái thân phận vốn có của mình mà giữ lấy cái nếp sống bình thường nầy. 
          Ta gọi là AN PHẬN THỦ THƯỜNG chớ người Hoa gọi là AN PHẬN THỦ KỶ 安份守己. Đây là Tập quán Ngôn ngữ, là thói quen của mọi tiếng nói, Tuy có khác nhau một chữ nhưng tựu trung thì ý nghĩa cũng "xem-xem" như nhau mà thôi. AN PHẬN THỦ KỶ là giữ lấy cái thân phận của mình mà sống, và có như thế thì mới AN CƯ LẠC NGHIỆP 安居樂業 được !
        AN CƯ LẠC NGHIỆP là sống yên ổn và vui với cái nghề nghiệp vốn có của mình ! Không đứng núi nầy trông núi nọ, không so bì với người khác, không cầu mong có được những của hoạnh tài như cờ bạc, trúng đề, trúng số...             
                  
       Nếu biết sống AN CƯ LẠC NGHIỆP thì khi về già sẽ có cuộc sống AN NHÀN TỰ TẠI 安閒自在. AN NHÀN là Yên ổn nhàn nhã; TỰ TẠI là Tự do tự tại,không bị gò bó trói buộc gì cả ! Đây là đời sống của những người hưu trí thảnh thơi, không còn biết đến tranh danh đoạt lợi gì nữa cả ! Như đời sống của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vậy :

                    Một mai một cuốc một cần câu,
                    Thơ thẩn vào ra vui thú nào.
                    Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
                    Người khôn người đến chốn lao xao !...

       
"Đến chốn lao xao" là đến chỗ đông người, đến những nơi thị thành chợ búa đông đảo để bon chen, để tìm lợi danh tiền bạc như người đời thường nói :

                  鬧裡有錢,  Náo lí hữu tiền,
                  靜處安身。  Tịnh xứ an thân.
      Có nghĩa :
               - Ở nơi náo nhiệt nhộn nhịp thì có tiền, còn...
               - Ở nơi vắng vẻ yên tịnh thì được yên thân.

       Nhưng trước khi muốn yên thân thì con người ta thường phải bươn chải để kiếm sống, để làm giàu, nên vẫn thích ở nơi thị thành náo nhiệt hơn. Vì ai cũng có tính háo thắng, cũng muốn tranh danh đoạt lợi, thậm chí tranh quyền đoạt vị, mưu cầu quan tước, và nếu thời cơ thuận lợi đưa đẩy còn có thể tranh bá đồ vương để thi thố tài năng AN BANG TẾ THẾ 安邦濟世.
      AN BANG TẾ THẾ hay TẾ THẾ AN BANG 濟世安邦 có xuất xứ từ "Cửu Thế Đồng Đường" của Vô Danh Thị đời nhà Nguyên 元·無名氏《九世同堂》:...Tế thế an bang sách, án lục thao tam lược thư 濟世安邦策,按六韜三略書。Có nghĩa :... cứu giúp người đời và làm cho nước nhà ổn định, theo sách nói về Lục Thao Tam Lược". Nên muốn AN BANG TẾ THẾ thì phải là người có tài thao lược, có tài trị nước an dân, phải là những bậc vua chúa ngày xưa hay là những Thủ Tướng, Tổng Thống, Chủ Tịch nước... của ngày hôm nay mới có tài AN BANG ĐỊNH QUỐC 安邦定國 là giúp cho đất nước được yên ổn vững vàng.

        Người có tài AN BANG ĐỊNH QUỐC cũng là người có tài làm cho người khác được AN CƯ LẠC NGHIỆP. Theo chương Công Dã Tràng trong sách Luận Ngữ 《論語·公冶長》, Khi Thầy Tử Lộ hỏi về chính sách an dân thì... Tử viết : "Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi 子曰:老者安之,朋友信之,少者怀之。" Có nghĩa : Khổng Tử nói rằng :"Người già thì được sống an nhàn, bạn bè thì tin tưởng nhau, còn trẻ nhỏ thì được quan tâm chăm sóc". Câu nói trên chứng tỏ chí hướng của Khổng Tử rất cao xa và rộng mở, luôn lấy Nhân Từ và Tín Nghĩa làm đầu; Đây cũng là mục tiêu phấn đấu tu dưỡng của người quân tử trong đạo Nho và cũng là chính sách nhân từ đòi hỏi phải có của các bậc vương hầu, là giai cấp thống trị ngày xưa. 
      
        Ta thấy câu nói trên đây của Khổng Tử đã hơn hai ngàn năm trước, nhưng có hơi hám của "Xã Hội Chủ Nghĩa" là :"...Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng... Người già và trẻ nhỏ không làm nhưng cũng được hưởng...". Nhưng, "Xã Hội Chủ Nghĩa" không làm được những điều đã nói. Trái lại, chính sách về "AN SINH XÃ HỘI" của Mỹ lại làm rất tốt vấn đề xã hội nầy. AN SINH 安生 là Sống một cách An Ổn Yên Lành. Trẻ nhỏ được hưởng chính sách giáo dục miễn phí cho 2 bậc Tiểu học và Trung học, còn có xe đưa đón và trợ cấp ăn trưa trong trường học nữa. Người già thì ngoài tiền hưu trí ra, còn có tiền An Sinh Xã Hội (Người có tài AN BANG ĐỊNH QUỐC cũng là người có tài làm cho người khác được AN CƯ LẠC NGHIỆP. Theo chương Công Dã Tràng trong sách Luận Ngữ 《論語·公冶長》, Khi Thầy Tử Lộ hỏi về chính sách an dân thì... Tử viết : "Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi 子曰:老者安之,朋友信之,少者怀之。" Có nghĩa : Khổng Tử nói rằng :"Người già thì được sống an nhàn, bạn bè thì tin tưởng nhau, còn trẻ nhỏ thì được quan tâm chăm sóc". Câu nói trên chứng tỏ chí hướng của Khổng Tử rất cao xa và rộng mở, luôn lấy Nhân Từ và Tín Nghĩa làm đầu; Đây cũng là mục tiêu phấn đấu tu dưỡng của người quân tử trong đạo Nho và cũng là chính sách nhân từ đòi hỏi phải có của các bậc vương hầu, là giai cấp thống trị ngày xưa. 

      Ta thấy câu nói trên đây của Khổng Tử đã hơn hai ngàn năm trước, nhưng có hơi hám của "Xã Hội Chủ Nghĩa" là :"...Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng... Người già và trẻ nhỏ không làm nhưng cũng được hưởng...". Nhưng, "Xã Hội Chủ Nghĩa" không làm được những điều đã nói. Trái lại, chính sách về "AN SINH XÃ HỘI" của Mỹ lại làm rất tốt vấn đề xã hội nầy. AN SINH 安生 là Sống một cách An Ổn Yên Lành. Trẻ nhỏ được hưởng chính sách giáo dục miễn phí cho 2 bậc Tiểu học và Trung học, còn có xe đưa đón và trợ cấp ăn trưa trong trường học nữa. Người già thì ngoài tiền hưu trí ra, còn có tiền An Sinh Xã Hội (SSI), tiền trợ cấp thực phẩm (Food stamps), tiền trợ cấp y phí (Medicare)...

      Tăng Quảng Hiền Văn có câu :

                  黃金未為貴,   Hoàng kim vị vi qúy,
                  安樂值錢多。   AN LẠC trị tiền đa.
Có nghĩa :
              - Vàng ròng chưa chắc đã là qúy giá, chớ...
              - Sự YÊN VUI mới đáng giá nhiều tiền... 
 Ý là :
          Có nhiều vàng nhiều tiền, giàu sang phú qúy chưa chắc đã là qúy giá; Sống yên vui hạnh phúc, không bệnh tật lo lắng mới đáng giá ngàn vàng. Vì thế, nên lại có câu khuyên ta rằng :


                 君子安貧,   Quân Tử An Bần,
                 達人知命。   Đạt nhân tri mệnh.
Có nghĩa :
            - Người quân tử sống yên thân với cái nghèo của mình, cũng như...
            - Người thành đạt thì nên biết mạng trời (mà không đòi hỏi gì thêm nữa!)), tiền trợ cấp thực phẩm (Food stamps), tiền trợ cấp y phí (Medicare)...

      Tăng Quảng Hiền Văn có câu :

                  黃金未為貴,   Hoàng kim vị vi qúy,
                  安樂值錢多。   AN LẠC trị tiền đa.
Có nghĩa :
              - Vàng ròng chưa chắc đã là qúy giá, chớ...
              - Sự YÊN VUI mới đáng giá nhiều tiền... 
 Ý là :
          Có nhiều vàng nhiều tiền, giàu sang phú qúy chưa chắc đã là qúy giá; Sống yên vui hạnh phúc, không bệnh tật lo lắng mới đáng giá ngàn vàng. Vì thế, nên lại có câu khuyên ta rằng :

                 君子安貧,   Quân Tử An Bần,
                 達人知命。   Đạt nhân tri mệnh.
Có nghĩa :
            - Người quân tử sống yên thân với cái nghèo của mình, cũng như...
            - Người thành đạt thì nên biết mạng trời (mà không đòi hỏi gì thêm nữa!)

        Câu nói trên đây có xuất xứ từ bài "Đằng Vương Các Tự 滕王閣序" nổi tiếng của người đứng đầu "Sơ Đường Tứ Kiệt" là Vương Bột 王勃. Câu ĐẠT NHÂN TRI MỆNH 達人知命 còn có nghĩa là : Người thông tình đạt lý là người hiểu rõ mệnh trời, nên không oán trách và đòi hỏi gì thêm nữa mà phải biết yên thân, như câu :

               富貴定要安本分,  Phú qúy định yếu an bổn phận,
               貧窮不必枉思量。  Bần cùng bất tất uổng tư lương.
Có nghĩa :
        - Đã giàu sang phú qúy rồi thì nên yên với cái phước phần vốn có của mình đi; Còn bần cùng nghèo khổ thì cũng phải biết thân biết phận của mình mà đừng có lo buồn nghĩ ngợi làm gì cho vô ích !
       Nói thì nói thế, chớ nghèo khổ thì ai mà chịu chấp nhận bao giờ; phải "tận nhân lực 盡人力" rồi mới "tri thiên mệnh 知天命" chớ. Tức là : Phải cố gắng làm hết sức mình rồi mới biết mệnh trời ra sao !
     Nói chung, 
         Chữ AN là YÊN; nhưng cũng tùy theo năng lực và khả năng mà YÊN ở mức độ nào. Nếu người tài trí bình thường thì cứ AN PHẬN THỦ THƯỜNG mà sống đời sống AN CƯ LẠC NGHIỆP hay AN BẦN LẠC ĐẠO; còn nếu có chí lớn để giúp đời hoặc làm nên sự nghiệp lớn để TẾ THẾ AN BANG hay lớn hơn nữa là AN BANG ĐỊNH QUỐC thì cứ mặc tình mà thi thố tài năng để tạo phước cho muôn người.

       Trở lại với chữ AN là Nghi Vấn Tự. Ta có AN NĂNG 安能 ? Có nghĩa là : Làm sao đươc? Làm sao có thể ? Mời nghe một giai thoại về "Liễn Khống" rất thú vị sau đây :

       Đời nhà Minh, đất Giang nam có bốn người tài tử nổi tiếng được xưng tụng là GIANG NAM TỨ ĐẠI TÀI TỬ 江南四大才子; đứng đầu nổi tiếng nhất là Đường Bá Hổ 唐伯虎, kế đến là Chúc Chi Sơn 祝枝山, Văn Trưng Minh 文徵明 và Châu Văn Tân 周文賓. Ta chỉ nhắc đến thư pháp của Chúc Chi Sơn dưới đây thôi. Truyện kể...


Chúc Chi Sơn 祝枝山 (1460 - 1526), tên là DOÃN MINH, tự là HY TRIẾT, vì bàn tay phải dư ra một ngón nên mới có biệt hiệu là CHI CHỈ SANH 枝指生 (nghĩa là : Ngón tay mọc thêm ), gọi mãi thành CHI SANH, rồi gọi trại thành CHI SƠN và chết tên luôn là CHÚC CHI SƠN 祝枝山. Ông người xứ Trường Châu tỉnh Giang Tô (Tô Châu). Xuất thân từ một gia đình danh nho vọng tộc, rất giỏi về thư pháp, ông viết được nhiều kiểu chữ và viết rất đẹp, nhất là chữ Thảo. Người đương thời thường xưng tụng : Họa thì có Đường Bá Hổ, Thư pháp thì có Chúc Chi Sơn....

       Có một lần, ông đến thăm Đường Bá Hổ ở Hàng Châu, nhưng lại ở trọ nhà của Châu Văn Tân, nấn ná lần lừa mà đã đến giao thừa lúc nào không hay. Dân chúng ở Hàng Châu có tục lệ là chỉ dán liễn KHỐNG không có chữ, lấy ý là : suốt năm được Bình An Vô Sự. Trong cơn tửu hứng cuối năm, Chúc Chi Sơn cười bảo rằng : Họ muốn bình an vô sự, năm nay ta phải cho họ "hữu sự" mới được !. Bèn bảo gia đồng của mình chuẩn bị mực viết và mượn thêm một thư đồng của Châu Văn Tân để xách lồng đèn dẫn đường....
      
        Sau khi cúng Giao thừa, mọi nhà đều đóng cửa đi ngủ, nhà nào cũng dán sẵn một đôi liễn đỏ không có chữ gì cả. Khi đến một nhà lớn xây mặt về hướng đông, thư đồng bảo rằng đây là nhà của một đại thiện nhân (nhà hảo tâm hay làm việc thiện) ở địa phương, Chúc bèn dừng lại, viết đôi câu đối sau : 

              向陽門第春常在,   Hướng dương môn đệ xuân thường tại,       
              積善人家樂有餘.   Tích thiện nhân gia lạc hữu dư.                 
Có nghĩa :
         - Nhà xây về hướng mặt trời, nên mùa Xuân thường ngự nơi đó.
         - Người trong nhà hay làm việc thiện, nên niềm vui luôn có thừa. 

         Khi đến một căn nhà nhỏ, nhưng cũng khá khang trang, thư đồng bảo rằng :
     - Lúc ban chiều, khi người chồng đi làm xa về, vợ lục lọi trong tay nải, thấy không có đem tiền gì về ăn Tết cả, nên không cho ăn cơm đoàn viên chiều 30 Tết, đến khi phát hiện trong túi quần của chồng có đến mấy chiếc nhẫn vàng, chị vợ mới dịu giọng cho ăn cơm và thân cận, bây giờ thì họ đã ngủ yên rồi ! Chúc Chi Sơn bèn cả cười và cất bút đề rằng :

               Nang nội vô tiền, hưu tưởng ẩm thực nam nữ ,
               囊 内 無 錢, 休 想 飲 食 男 女. 
               Đại trung hữu vật, tiện thành sài mễ phu thê.
               袋 中 有 物,便 成 柴 米 夫 妻.
 Có nghĩa :
             - Túi xách không tiền, đừng hòng gái trai ăn uống,
             - Trong lưng có bạc, mới mong chồng vợ cháo cơm .

Cứ thế, họ đi hết dãy nầy đến dãy khác.....

        Khi đi đến một tòa nhà cao cửa rộng, sơn son thếp vàng, thư đồng bảo Chúc Chi Sơn đừng viết liễn ở cửa nầy, vì đây là nhà của một ác bá nổi tiếng của xứ nầy, Chúc bảo thế thì càng cần phải viết, thấy có 2 lớp cửa, cửa lớn ở ngoài dán đôi liễn trống thếp vàng, Chúc bèn viết đôi câu đối như vầy :

            明日逢春,好不晦氣,   Minh nhật phùng xuân, hảo bất hối khí,   
            终年倒運,少有馀财.   Chung niên đảo vận, thiểu hữu dư tài.    
Có nghĩa :
            Ngày mai đón xuân, chẳng xui xẻo lắm sao,
            Suốt năm lận đận, ít có tiền tài dư dã. 

          Cửa trong , nhỏ hơn, dán đôi liễn trống màu đỏ, Chúc bèn viết :

                 此地 安能 居住,    Thử địa  an năng  cư trú,             
                 其人 好不 悲傷.    Kỳ nhân  hảo bất  bi thương.      
Có nghĩa :
              - Nơi nầy làm sao mà ở được !
              - Người ở đây sao khỏi buồn thương !

      Viết xong, ông lại ký tên đàng hoàng là : Tô Châu Giải Nguyên Chúc Chi Sơn thư. làm cho 2 đứa thư đồng đều hoảng sợ, lo lắng...... 

      Sáng sớm hôm sau, Mùng Một Tết, Cả thành Hàng Châu xôn xao hẵn lên, vì tất cả liễn khống đều đã được ai đó viết chữ lên....Dĩ nhiên, có người rất hoan hỉ, vui vẻ vì những lời chúc Tết tốt đẹp ở trên đó, như Nhà Hảo tâm làm việc thiện kia vậy, có người cũng lỡ khóc lỡ cười như 2 vợ chồng nhà nghèo nọ, nhưng...cũng có người giận dữ và thưa lên Quan Phủ, như nhà Ác bá kia... Chúc Chi Sơn đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng đi hầu quan từ sáng sớm, nên khi được mời là ông lập tức đến ngay. Quan Phủ kính trọng ông vì ông là một Giải Nguyên, lại là Tài Tử nổi tiếng của xứ Giang Nam, nên chỉ hỏi ông, vì sao viết những lời xui xẻo, xấu xa cho nhà ác bá kia?. Ông cười và trả lời rằng : Đó toàn là những lời chúc tốt đẹp cả mà !. Tên Ác bá cải lại rằng : Ông có chắc là những lời tốt đẹp không ?. Chúc bảo : Thư pháp của ta, một chữ giá đáng ngàn vàng (Nhất tự trị thiên kim  一字值千金), ông không trả công cho ta còn thưa gởi lôi thôi !. Tên Ác bá cải : Nếu quả thực là những lời tốt đẹp, ta sẽ sẵn sàng trả cho ông một ngàn lượng bạc, bằng ngược lại thì ông tính sao đây?. Chúc đáp là mình sẽ chịu mọi hình phạt do quan xử. Được lời của hai bên, Quan Phủ bèn cho sai nha đến nhà của tên Ác bá gở hai đôi liễn xuống, mang đến công đường. Tên Ác bá dương dương tự đắc, phen nầy cho nhà ngươi hết chạy tội, còn Quan Phủ thì lo ra mặt, vì thấy đôi câu đối xấu quá, không biết phải xử sao cho phải. Chỉ có Chúc Chi Sơn là tươi cười giải thích rằng : Vì suốt đêm bận viết liễn, nên khi viết đến nhà của tên Ác bá ông đã quên chưa kịp chấm câu, và ông bèn mượn cây bút trên bàn của Quan Phủ, chấm lại đôi câu đối như sau :

Câu 1:
            Minh nhựt phùng xuân hảo,  bất hối khí,   明日逢春好, 不晦氣,
            Chung niên đảo vận thiểu,  hữu dư tài.     终年倒運少, 有馀财.
Có nghĩa :
            Ngày mai đón xuân tốt đẹp, không có gì xui xẻo,
            Suốt năm vận xui rất ít, có tiền bạc dư dã.

Câu 2 :
            Thử địa an,  năng cư trú,
            Kỳ nhân hảo,  bất bi thương.
 Có nghĩa :
            Nơi đây yên lành, có thể ở được,
            Người ở đây tốt, không có chuyện buồn thương.

      Kết quả như thế nào thì chắc các Bạn cũng đoán được rồi... Chỉ biết là sau đó, Chúc Chi Sơn về lại nhà của Châu Văn Tân, mời cả Đường Bá Hổ cùng đến, anh em cùng Ăn Tết và cùng nhậu...mút mùa cũng không hết một ngàn lượng bạc...


AN 安 là Yên ổn; KHANG 康 là Mạnh khỏe; THỊNH 盛 là có nhiều và đầy đủ, VƯỢNG 旺 là Dồi dào rực rỡ; nên AN KHANH THỊNH VƯỢNG 安康盛旺 là vừa Mạnh khỏe yên vui, lại vừa Phát đạt dồi dào đầy đủ. Vì thế mà ai cũng ao ước và ai cũng chúc nhau trong dịp đầu xuân, vì ai cũng muốn cho gia đình mình và thân nhân bè bạn, tất cả mọi người đều được : AN KHANG THỊNH VƯỢNG 安康盛旺 !

Mong ước lắm thay !

Đỗ Chiêu Đức

MỤC SƯ CARTER

 Hoàng Ngọc Nguyên

Những người Việt này đang sống tại Mỹ, không bao giờ quên Tổng thống Carter.

Cựu Tổng thống Jimmy Carter, nay đã xấp xỉ 100 tuổi, là tổng thống Mỹ trường thọ nhất, nay đang sống trong một nhà an dưỡng cuối cùng (hospice).


        Carter thể hiện thay đổi người Mỹ muốn tìm - Lịch sử Hoa Kỳ giai đoạn Chiến tranh VN chấm dứt với Tổng thống Gerald Ford (1974-76). Giai đoạn mới mở ra với Tổng thống Jimmy Carter. Sự lựa chọn ông có thể nói một phần là do người Mỹ muốn để lại đàng sau một quá khứ không có gì hay ho: thất bại trong cuộc chiến “bảo vệ tiền đồn” và có một ông tổng thống quá “tricky”. Jimmy Carter, thống đốc của tiểu bang Georgia là một khuôn mặt khá mới lạ trong đảng Dân Chủ. Ông chẳng có gốc rễ chính trị gì tại Washington. Thế nhưng ông được chọn làm ứng cử viên của đảng trong bầu cử tổng thống năm 1976, và thắng Tổng thống đương nhiệm Gerald Ford trong đường tơ kẽ tóc (297/240). Georgia là một tiểu bang Cộng Hòa bảo thủ, nhưng Carter là một nhân vật Dân Chủ cấp tiến. Ông từng ở trong ngành tiềm thủy đỉnh của Hải quân Hoa Kỳ. Sau khi trở lại đời sống dân sự, ông hoạt động trong ngành trồng đậu của gia đình. Sau đó ông tham gia hoạt động chính trị, chống phân biệt chủng tộc, ủng hộ phong trào dân quyền, và tích cực vận động cho đảng Dân Chủ. Một tác giả Mỹ viết như sau về ông: “Khi ông quyết định ra tranh cử tổng thống, bên ngoài tiểu bang chẳng ai biết ông là ai. Hầu hết mọi người đều cười khi nghe ông ra. Mẹ của ông cũng cười. Nhưng Jimmy Carter đã nhất quyết. Nói năng nhẹ nhàng và giọng điệu như người giảng đạo, Carter nói với người dân Mỹ:”Tôi sẽ không dối gạt bà con”. Và quả thật, ông chưa hề nói dối”. 

Khi đắc cử, xa lạ với Washington, ông đem theo bạn bè ở Georgia đến thủ đô giúp ông. Đó là một quyết định cho thấy ông chưa hiểu chính trị Mỹ. Ông rất cần có bên cạnh những người am hiểu chính trị Washington để họ có thể nói cho ông biết những vấn đề ưu tiên là gì, và làm sao có những quan hệ với chính giới để có thể đạt được những mục tiêu này. Nhưng ông vốn chủ trương: làm những gì đúng thì làm, không nhất thiết phải theo những mục tiêu chính trị. Cho nên một trong những quyết định đầu tiên của ông khi nhậm chức là tổng ân xá cho những người trốn lính vì chiến tranh VN. Hàng trăm ngàn người Mỹ có cơ hội trở lai đất nước và định cư chính thức trở lại. 


Đồng thời, ông tìm cách cứu giúp những thuyền nhân VN đang không có chỗ nương tựa. Đó là những năm cao điểm của phong trào vượt biên vượt biển, hàng trăm ngàn người đã mạo hiểm trong số phận thuyền nhân, và người ta nói ít nhất cũng một nửa số người đã bỏ mình giữa biển cả mênh mông, làm mồi cho cá mập. Từ năm 1978, ông đã có ý kiến chấp nhận những thuyền nhân đang ở những đảo tạm trú và muốn đến nước Mỹ, nhất là những người có thân nhân hiện đang ở Mỹ. Ông cũng ra lệnh cho các tàu biển của Hải quân Mỹ cứu vớt những người vượt biên đang lênh đênh trên biển cả vùi dập. Năm 1978, giữa khi các nhà lãnh đạo thế giới đang họp hội nghị để thảo luận về những chuyện sống còn của đất nước của họ, Carter đã đưa ra một vấn đề làm người ta nín lặng: cái chết của những người vượt biên trên biển cả và nghĩa vụ của những nước phương tây phải cứu vớt họ. Ông thông báo Mỹ sẽ gia tăng gấp đôi số người tỵ nạn hàng tháng sẽ được nhận vào Mỹ, từ 7.000 lên đến 14.000 (khoảng 168.000 người một năm). Quyết định này nhằm thúc đẩy các nước khác phải có thái độ tích cực tương tự. Chẳng phải dân Mỹ ai cũng ủng hộ chuyện này. Thăm dò của CBS và báo New York Times cho thấy đến 62% người Mỹ không đồng tính với chuyện mở cửa cho người tỵ nạn. Thăm dò Gallup chỉ ra 57% người Mỹ chống lại chủ trương nới lỏng chính sách di dân cho người tỵ nạn từ Đông Nam Á (người Việt, Lào và Campuchia). 


Chính những bước khởi đầu đó đã dẫn đến những chương trình về sau này, như đoàn tụ gia đình, Ra đi có trật tự (ODP), HO (dành cho những người thuộc chế độ Saigon đã bị “cải tạo” hơn 3 năm). Cũng chính ông Carter là người cho thuyền Mỹ đến đón những người Cuba muốn đến Mỹ tỵ nạn nhưng bị Fidel Castro gom trên đảo nhưng không đưa đến Mỹ. .. Ông nhấn mạnh nước Mỹ là một đất nước của người tị nạn (a nation of refugees), trách nhiệm của những người lãnh đạo là mở cửa. Suy cho cùng, những thuyền nhân VN bị mất nước, hay những người Cuba tỵ nạn vì mất nước, trong cả hai trường hợp, Mỹ phải chịu một phần trách nhiệm về sự mất nước này ở một mức độ nào đó. 

 

Vào tháng sáu năm 2023, trong những ngày của Carter tại nhà “tạm cư” (hospice - trong khi chờ đợi những giây phút cuối của đời), một số nhà viết sử đã nói rằng ông Carter thất bại trong tái tranh cử năm 1980 vì nhiều lý do, trong đó có thái độ của ông đối với người tị nạn mà ông quyết tâm ủng hộ, trong khi nhiều người Mỹ da trắng bảo thủ phía Cộng Hòa (nhánh Quyền Tôn giáo - Religious Right) vẫn chống đối. Tuy nhiên, tờ New York Times trong một bài điều tra còn tiết lộ chính Tổng thống Reagan, vào năm 1980 khi còn là một ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, đã âm mưu cùng với một chính khách cơ hội có tiếng là John B. Connally (từng là thống đốc Texas và đi cùng xe với Tổng thống Kennedy và bà kennedy nên tai bay vạ gió ông bị thương trong vụ tổng thống bị bắn chết ngày 21-11-1963), bí mật đề nghị với Iran khoan thả những người Mỹ đang bị chinh quyền cách mạng của Khomeini tại Tehran bắt giữ từ tháng chín năm 1979, để cho Carter mất điểm với ngay cả cử tri Dân Chủ.  Iran giữ lời, chỉ tha con tin Mỹ sau khi Reagan đắc cử và nhậm chức vào ngày 20-1-1981. Đáp lại công trạng của Iran giúp lật đổ Carter, Reagan sau này bán vũ khí cho Iran, dùng tiền đó cho loạn quân Contras tại Nicaragua mua vũ khí! Ông Reagan ủng hộ loạn quân này! Tổng thống Carter (1924) nay đã 100 tuổi ta, hẳn phải cảm thấy an ủi phần nào khi đọc những dòng này trong những giờ phút cô quạnh hiện nay!


Carter thừa kế một nền kinh tế đang suy yếu. Trong nhiệm kỳ của ông, lạm phát vượt mức 10%, lãi suất cho vay đến gần 20%. Tăng trưởng kinh tế nặng nề cùng với lạm phát tệ hại hơn làm cho suy thoái kéo dài, bắt đầu có từ thời Nixon. Carter cố thăng bằng ngân sách liên bang nhưng không thành (như tất cả những tổng thống khác từ thời Eisenhower). Nhiều vấn đề kinh tế của Mỹ xuất phát từ chi phí dầu hỏa OPEC gia tăng. Tổng thống Carter đã tăng ngân sách để nghiên cứu tìm kiếm một nguồn năng lượng thay thế. Ông cho thành lập một cơ quan chính phủ mới, cấp nội các, có tên là Bộ Năng lượng để thúc đẩy những nỗ lực này. Nhiều người Mỹ xem năng lượng hạt nhân như là một giải pháp cho những vấn đề năng lượng của đất nước. Những người chống đối lý luận rằng sự thất bại của nhà máy năng lượng hạt nhân sẽ có hậu quả tai hại không lường. Sự lo sợ của họ đã càng tăng khi một nhà máy tại Three Mile Island, Penn., bị hỏng, thả ra những chất liệu phóng xạ vào không gian.

Cao điểm của chính quyền Carter là khi ông đích thân vận động cho một thỏa hiệp hòa bình giữa Do Thái và Ai Cập. Sự xung đột giữa hai nước này đã có từ ngày Do Thái được thành lập vào năm 1948 và bị phong tỏa bởi những nước láng giềng A-Rập thù nghịch. Căng thẳng giữa Do Thái và Ai Cập đã gia tăng từ cuộc Chiến Sáu Ngày năm 1967, trong cuộc chiến này Do Thái đã chiếm đóng bán đảo Sinai, một vùng sa mạc thuộc Ai Cập. Tuy nhiên, vào năm 1978, lãnh tụ của hai nước đồng ý gặp nhau trên đất nước của nhau. Đó là một bước chuyển biến lớn trong quan hệ Do Thái-Ả Rập; hầu hết các nước A-Rập đều không chịu nhìn nhận ngay cả sự hiện hữu của Do Thái. Tổng thống Carter hy vọng có thể lợi dụng được cơ hội này để tạo được một chuyển biến. Ông mời cả hai bên đến Camp David và đích thân bàn bạc với cả hai bên để có một thỏa thuận. Kể từ đó, Hoa Kỳ đã tham dự tích cực trong thương thảo hòa bình của vùng này.

Carter còn đạt được một vài thành công khác về ngoại giao. Ông đã đúc kết một hiệp định vũ khí với Liên Xô. Carter chủ trương vận động cho nhân quyền là nền tảng của chính sách đối ngoại. Ông thương thảo một hiệp ước giữa Hoa Kỳ và Panama nhằm trao trả lại cho Panama quyền kiểm soát vùng kênh đào và sau đó Thượng Viện Mỹ đã thông qua hiệp định này. Tuy nhiên, Carter cũng bị một vài thất bại lớn. Khi Liên Xô xâm lăng Afghanistan vì tưởng từ đó có thể mở ra ảnh hưởng trong vùng Nam Á-Trung Đông, những nỗ lực của Carter là vô hiệu trong việc ép Liên Xô rút lui. Carter cũng lúng túng ở Nicaragua, nơi ban đầu ông tỏ ra thân thiện với chính quyền Sandinista cách mạng, nhưng rồi lại chống lại họ khi chính quyền này liên kết chặt chẽ với Liên Xô và Cuba. 


Khủng hoảng tệ nhất cho Carter là khi Iran trở thành nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, giáo chủ Ayatollah Khomeini lên cầm quyền, và người xuống đường đã tấn công vào sứ quán Hoa Kỳ tại Tehran, bắt giữ khoảng 70 người Mỹ (nhân viên ngoại giao và thường dân) ngày 4-11-1979 để đáp lại chuyện Mỹ trước đây ủng hộ và nay cho nhà vua Iran độc tài tỵ nạn chính trị. Sau khi thất bại trong âm mưu giải cứu, Carter quyết định chọn phương cách thương lượng để bảo vệ an toàn cho các con tin. Bởi vậy, mãi đến 444 ngày sau, tức đúng vào ngày tổng thống mới Ronald Reagan nhậm chức và Carter ra đi, con tin mới được phóng thích.

        Giới bình luận chính trị theo dõi cuộc bầu cử tổng thống năm 1980 đã sớm nhất trí rằng Tổng thống Jimmy Carter không có cách gì có thể tiếp tục ở lại Tòa Bạch Ốc bốn năm nữa. Ngay cả trong đảng Dân Chủ của ông, lẽ ra người ta phải ủng hộ một tổng thống đương nhiệm, thế nhưng người ra phá ông chính là em út của cố Tổng thống John F. Kennedy, tức Ted Kennedy (Hiện nay (2023), con trai của cố Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy, tức cháu gọi JFK bằng bác ruột, cũng ra tranh cử với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden). Trong cuộc “nội chiến” này của đảng Dân Chủ, Kennedy, vốn nổi tiếng một phần là vì ông là em út của cố Tổng thống JFK, một phần là nhờ “tai nạn Chappaquiddick” 10 năm trước đó ông lái xe giữa đêm rớt xuống cầu làm tử thương một phụ nữ ngồi trên xe, chỉ được 1/3 số phiếu trong vòng sơ bộ của đảng Dân Chủ, nhưng điều này cũng cho thấy Carter không được lòng cử tri Dân Chủ và quan hệ cũng không hay với những người lãnh đạo đảng của ông.


Theo giới bình luận chính trị và lịch sử, đến cuối thập niên 70, nhiều người đã thấy mỏi mệt vì những xung đột trong thập niên qua. Nhiều người cảm thấy không thoải mái và có thái độ phê phán nghiêm khắc nhằm vào những người lãnh đạo chính trị. Jimmy Carter đã tạo sự bất bình – và làm nhiều người thấy khó chịu – khi ông than phiền trong một bài diễn văn là người dân đang bị cuốn hút vào một cuộc “khủng hoảng niềm tin”. “Đó là một cuộc khủng hoảng đánh ngay vào con tim và linh hồn của ý chí dân tộc. Chúng ta có thể thấy cuộc khủng hoảng này thể hiện nơi sự nghi ngờ đang nổi lên về ý nghĩa của cuộc sống của chúng ta và trong sự mất đoàn kết và thiếu mục tiêu của một dân tộc. Sự suy đồi niềm tin vào tương lai đang đe dọa tiêu hủy kết cấu chính trị và xã hội của đất nước”. Người ta gọi đó là một “diễn văn dằn vặt” (Malaise speech), trong khi người dân lại cảm thấy ông chỉ nêu bật sự bế tắc của chính ông và không chỉ ra lối thoát nào cho đất nước. 


Bởi vậy mới có sự đồng tình của cử tri quay qua Reagan để tìm một thử nghiệm mới. Reagan tranh cử với các chủ điểm gia tăng chi phí quốc phòng, thực hiện chính sách kinh tế dựa trên nguồn cung, và thực hiện một ngân sách thăng bằng. Carter chỉ trích Reagan là một phần tử cực đoan khuynh hữu nguy hiểm, và cảnh báo Reagan sẽ cắt Medicare và An sinh Xã hội. 


Tuy nhiên, cử tri Mỹ xem chừng chỉ bỏ phiếu cho người họ lựa chọn thay vì cân nhắc hay tính toán xem người đó nghĩ gì trong đầu. Người dân đã nói rõ sự chọn lựa của mình: Reagan được 489 phiếu cử tri đoàn và 50.8% phiếu phổ thông, trong khi Carter chỉ được 41% phiếu phổ thông và 49 phiếu cử tri đoàn. Đảng Cộng Hòa cũng giành được thế đa số tại Thượng Viện - lần đầu tiên kể từ năm 1952. Chủ nghĩa bảo thủ nay đã có thể bừng dậy!



Giông bão

Ngày Đoan Ngọ , bà xã Ngọc Mai và tôi có hẹn lúc 17:30 đi ăn cùng các người bạn trong nhóm „ẩm thực“ định kỳ đã ngưng hoạt động từ khi có Covid đến nay.  Nhóm định họp trở lại tại một Restaurant Tàu coi như mừng tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5.

Vừa mới de xe ra khỏi Garage, đột nhiên hai điện thoại cầm tay  báo động cùng lúc .

"Tin khẩn, tin khẩn, xin lưu ý mọi người ở yên trong nhà, hạn chế việc đi lại, một cơn bão sẽ quét qua  Thành phố trong thời gian ngắn sắp tới"

Tiếp theo,  bầu trời bắt đầu âm u, gió bắt đầu thổi mạnh.

Cho xe chạy trở lại garage, vừa mới vào nhà là cơn bão ùa tới. Gió càng dữ dội hơn, mưa bắt đầu trút xuống như  thác lũ. Cây cối ngả nghiêng, sấm sét ầm ỳ, đùng đùng, gió ào ào.

Tôi lật đật buông mấy tấm rèm cuốn (rollos) xuống thì những hạt mưa đá, theo mưa đập và cửa sổ nghe ầm ầm. Cũng may mà chưa đi  khỏi nhà, nếu ở trên đường đi thì trong hoàn cảnh này không biết chuyện gì sẽ xày ra!

Ở Đức nhiều năm mới thấy trường hợp "ông trời nổi cơn thịnh nộ" như vậy!

Gần một tiếng sau cơn giông bão mới dần dần dịu xuống.

Kéo Rllos lên từ từ. Quan sát cảnh vật, bên ngoài xác xơ. Những chậu hoa kiểng của Ngọc Mai tan tác lá cành.

- Em Tư, giày của em bị gió thổi bay đàng kia kìa.

- Em đâu có giày nào màu đen đâu!.

Chợt  thấy ông hàng xóm kế bên vào sân nhặt chiếc "giày" giơ lên cao. Thì ra đó là miếng ngói từ trên mái nhà trốc rơi xuống.

- Tôi sẽ chụp hình và gửi cho ban quản lý, báo cáo hư hại cho hãng bảo hiếm. Người hàng xóm bên kia đường nhìn thấy mái nhà bị trốc ngói nên điện thoại báo cho tôi biết." Anh ta nói.

Hai vợ chồng cảm ơn người hàng xóm trẻ, anh này lúc nào cũng năng nỗ.

Sau  cơn mưa trời lại sáng, sau cơn bão ...

là tiếng ồn ào của những người hàng xóm tụ họp bên kia đường bàn tán về cơn bão, kiểm kê lại thiệt hại, xem lại ô tô bị lủng nhiều ít...

Kiểm điểm sơ khởi. Mọi người cho biết những chiếc ô-tô đậu bên lề đường lãnh đủ. Xe nào cũng bị nhưng hạt mưa đá giội làm móp nhiều chỗ hoặc lủng lỗ. Nhiều nhà, tầng hầm bị ngập nước. Cây cối bị trốc gốc, lá cành vung vãi khắp nơi ...

Tôi xem lại các Rollo nhà ta thì thấy 3 trong số 4 chiếc về hướng mưa bị thủng nhiều lỗ do mưa đá giội lên. Nhận được điện thoại các em cháu hỏi thăm thì tụi nó cũng bị thiệt hại cũng khá nặng. Đường sá trong phố ngập nước, nhiều tầng hầm bị nước tràn vào. chiếc Mercedes đứa em mới mua đậu ngoài cũng bị nhiều chỗ móp...

Lỡ mất bữa tiệc, nhưng hãy còn may mắn! Vì chưa ra khỏi nhà. Ở Đức trên 40 năm mới thấy cảnh giông bão lớn như vậy ở TP nầy, một TP được xem là nơi yên bình hơn các nơi khác.

 

Báo cáo viên tập sự. TLK