2/16/21

Khai Bút Đầu Năm Tân Sửu

HY VỌNG ...

người người đều chung cảnh ,
khổ nạn chừa ai đâu ?
chờ Xuân và đón Tết ,
cùng chung một nổi sầu !

tục lệ xưa vẫn nhớ
30 đón ông bà
hoa tươi và ngũ quả ...
đêm giao thừa lặng qua !

con không về thăm được
xót nỗi lòng mẹ cha
nhìn mâm cơm nguội lạnh ,
chỉ hai " con khỉ già " !

Xuân trời trong hoa lá ,
tiếng chim rộn ràng ca ...
gắng chờ thêm ít nữa ,
Xuân người sẽ đơm hoa

bích-ngọc
( mến tặng anh chị trong nhóm )

TẾT VỚI NHẤT !

 

Đúng vào chiều Thứ Sáu*

Lệnh “lockdown” nổ ra!

Thế là toi cái Tết

Sum họp của bao nhà!

 

Mùng Hai, trời vừa sáng

Chàng ngã bệnh hiểm nghèo!

Xe cứu thương đến gấp!

Chở vô Western Health!

 

Người bệnh thì mê lả...

Thân nhân không được thăm,

Ruột gan như lửa đốt,

Thảm thiết ngày đầu năm!

 

Mùng Ba, vẫn bằn bặt...

Từng phút dài thiên thu...

Mong chờ từng tin tức...

Gọi bệnh viện liên tu...

 

Mừng sao, chiều Mùng Bốn...

Chàng tỉnh táo, gọi về:

“Kết quả các xét nghiệm

Cho hay anh OK.”

 

Gặng hỏi thêm, mới rõ:

“Vì chén rượu tì tì

Khiến lá gan bộc phát

Hepatitis B !

 

Ai Cơ

2/12/21

EM LÀ AI?


( Để thay lời chúc xuân )

Theo luân vũ của tháng, năm, thời khắc
ngàn hoa đang từng bước mở vòng quay
Đóa nghinh tân ươm sắc nắng hây hây
mừng Xuân đến trên mọi miền đất nước.

Trong thành phố mang tên của xác ướp
Người vẫn nêu gương sống đẹp từng ngày
Dù nhiễu nhương, gian khổ đến hôm nay
Sài Gòn vẫn nồng nàn hương quá khứ.

Em, đóa sen của ngọc ngà thiếu nữ
thăng tiến trên băng hoại chốn thị thành
Hiếm hoi thay nghĩa cử của lòng thanh
mang từ ái ẩn trong hồn tịnh độ.

Sài Gòn từ lâu đã trở thành đồ cổ
Đường phố thay tên, người mấy lượt đổi, dời
Dù cao ốc, bin đinh nhan nhản dựng khắp nơi
cũng không đủ để Sài Gòn mặn mà thêm nhan sắc.

Em là ai, mà bàn tay cùng ánh mắt
mang hương xưa của nét đẹp Sài Gòn?!
Đôi tay Em mang dấu ấn sắt son
của từ ái và tình người trong cuộc sống.

Ơi cô gái bên dòng đời xao động
Em là Xuân hằng hữu chốn phù vân
Sài Gòn có Em đẹp hơn biết bao lần
những đèn đóm, màu mè trên phố phường thời xã nghĩa.

Xuân lại về. Hương xuân tràn muôn phía
Sài Gòn nhờ Em thắm mãi nét đoan trang
Trên tay Em lộc biếc nở hoa vàng
thành hạnh phúc thả vào đời oan nghiệt.

Xuân là Em, với dáng ngà diễm tuyệt
hiển hiện qua lối hành thiện giữa đời
Đẹp làm sao Nhân, Nghĩa, Lễ người ơi
thăng hoa giữa Sài Gòn khi Xuân đến!

HUY VĂN
( Trước thềm Tân Sửu 2021 )

Khai Bút Đầu Năm Tân Sửu - Bạn Đến Chúc Tết

Mùng Một Tết Ta, xin kính chúc quý anh chị một năm Tân Sửu hoàn toàn như ý.

Khai Bút Đầu Năm Tân Sửu:

Bạn Đến Chúc Tết

Khách qua nhà liến thoắng,
Chó lạ người, ăng ẳng.
Thằng húng hắng co ro,
Đứa vòng vo nhủng nhẳng.
Chuyện đời chẳng vấn vương,
Thù nước dường dai dẳng.
Rượu đắng cụng lai rai,
Vài chai bèn ủng oẳng.

Trần Văn Lương
Mùng Một Tết Tân Sửu
Cali, 2/12/2021

Xin kính họa:

TỰ TRÀO

Chữ gà bươi viết thoắng,

Giọng vươn cao, thành... ẳng!

Ưa bắng nhắng lăng xăng

Ghét lằng nhằng lẳng nhẳng.

Sợ sầu đắng héo hon

Tránh lối mòn dăng dẳng.

Nói thẳng, đụng lung tung

Nổi sùng la oăng oẳng.

           -Ai Cơ-

     Mùng Hai Tết Tân Sửu

           Melbourne, Feb 13, 2021


Đọc xong bài thơ anh và các bài họa là trẹo quai hàm luôn.
Để đóng góp vào việc làm trẹo quai hàm, em xin họa Ngược Vận bài Ngũ Ngôn của anh
để khai bút:

Tết Tiễn Chân Cô Vít


Trâu đến la oăng oẳng,
Chuột về im dẳng dẳng.
Vắc-xin thắng khít khao,
Cô-vít nhào nhăng nhẳng.
Già trẻ chẳng lo lây,
Rủi may không ủng ẳng.
Năm rồi lắm đắng cay,
Nay bước dài thoăng thoắng.

Trần Bá Lộc, Michigan
Mùng Một Tết Tân Sửu

2/10/21

Mỹ- Covid-19 : Người Việt Quận Cam và cái Tết « nhà ai nấy ăn »

Thanh Phương RFI ngày 10.02.2020

Chợ Hoa Phước Lộc Thọ, Little Saigon, California, Hoa Kỳ, sáng 08/02/2021. © RFI

(Nghe phần âm thanh cuối bài)
Trong những ngày week-end cuối cùng trước Tết Tân Sửu, các cửa hàng, siêu thị ở khu vực trung tâm của Little Sagon, Quận Cam, California, tấp nập người mua sắm để chuẩn bị đón mừng năm mới, nhưng tuyệt đại đa số đều đeo khẩu trang nghiêm túc, và chiếc khẩu trang này như để nhắc nhở con virus corona gây bệnh Covid-19 vẫn luôn rình rập mọi người ở mọi nơi.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn rất nghiêm trọng ở Hoa Kỳ nói chung và ở bang California nói riêng, rất nhiều gia đình người Việt không dám quây quần đông đúc để ăn Tết như mọi năm, như gia đình của một vị khách mà chúng tôi gặp trước siêu thị Á Đông, trên đại lộ Bolsa :

« Người Việt ở tại khu vực này vẫn mua sắm như thường, nhưng không « sung » bằng năm ngoái. Những năm không có bệnh dịch thì rất vui. Nhưng năm nay, người Việt cũng cố mua sắm để có ngày Tết. Gia đình tôi ăn Tết một mình vì cái bệnh này thì mình phải chịu vậy thôi. Cái đó coi như là bổn phận của mỗi người, mình giữ gìn cho nhau. Anh thấy đó: chung quanh đây người Việt mình ai cũng mang mask và giữ khoảng cách » ;

Một phụ nữ, nghe giọng nói biết là người gốc Hoa, đứng bên cạnh shopping trolley (xe đẩy siêu thị ) chất đầy thực phẩm ngày Tết, cũng cho biết gia đình cũng ăn Tết theo kiểu « nhà ai nấy ăn », vì quá sợ Covid-19 :

« Chỉ ăn Tết giữa vợ chồng con cái thôi. Không có anh chị em gì hết. Sợ Covid quá ! Hồi xưa không đeo khẩu trang, bây giờ ai cũng đeo vì sợ bệnh mà. Anh cũng vậy, anh phỏng vấn tôi anh cũng đeo khẩu trang, cũng sợ vậy ! »


Cũng như mọi năm, Chợ Hoa trước thương xá Phước Lộc Thọ trên đại lộ Bolsa, mà nay còn có tên là đại lộ Trần Hưng Đạo, vẫn được mở để đón khách từ khắp nơi đến, nhưng đâu còn không khí tưng bừng, náo nhiệt của những ngày giáp Tết, đâu còn những cảnh người đi chen chân không lọt, đâu còn những hàng quán với đầy những món ăn hấp dẫn, đâu còn những tiếng trống múa lân dồn dập.

Mọi năm, không chỉ có người Việt ở Quận Cam mà đồng hương từ các bang khác cũng tề tựu về đây. Nhưng đến Chợ Hoa Phước Lộc Thọ vào tối thứ năm, 04/02, chúng tôi ngỡ ngàng trước quang cảnh nơi đây, với khách hàng thưa thớt, người bán đứng ngóng người mua. Không khí bớt tiêu điều là nhờ lúc đó có một nhóm cô gái mặc áo dài kéo đến, tíu tít chụp hình cho nhau, tô điểm thêm một chút màu sắc ngày Tết truyền thống cho Chợ Hoa. Hoàng Chinh, một cô trong nhóm này, thổ lộ với RFI :

« Tâm trạng em rất buồn. Mọi khi đi ra đây rất vui vẻ, nhộn nhịp. Nhưng tụi em cố gắng giữ truyền thống, mặc áo dài để ra đây. Em nghĩ mình cũng phải nên giữ khoảng cách, đeo mask, tuân thủ những quy định của cơ quan y tế. Hồi đó đến giờ đâu có đeo mặt nạ khi đi ra ngoài, mình vẫn thích khoe môi son mà! Nhưng bây giờ đi đâu cũng che chắn”.

Những người đến Chợ Hoa Phước Lộc Thọ tối nay ít ra có cái lợi là do ít khách nên họ có thể thông thả chọn lựa, trả giá các chậu hoa Mai, hoa Đào cho ngày Tết. Đứng bên cạnh con gái cầm bó cành hoa Mai vừa mới mua, một phụ nữ, trên mặt đeo một chiếc khẩu trang cũng bằng vải in hoa, cho biết dù đang có đại dịch chồng bà vẫn cố giữ đúng mọi phong tục ngày Tết :

“Mình cũng đón Tết giống như người ta thôi, nhưng không có được như mấy năm trước. Mạnh gia đình này gia đình ấy ăn Tết, chứ không phải như mọi năm dồn lại một gia đình thật là lớn. Nhưng ông xã của em là người theo phong tục truyền thống, muốn là Tết vẫn phải có hoa Mai, hoa Đào, có mứt trong nhà để ăn Tết. Cuối tuần em cũng đi chợ, làm cải múi chua, thịt kho trứng, canh khổ qua, giò thủ, nem chua, đủ thứ hết, tại vì ông xã nói là Tết phải có những món đó.”

So với hôm thứ tư thì chợ Hoa cuối tuần đông hơn nhiều, nhưng quang cảnh vẫn khác xa một trời một vực so với mọi năm. Năm nay cũng không có các sinh hoạt tưng bừng để mừng Tết, như diễn hành trên đại lộ Bolsa, theo lời ông Bùi Phát, chủ tịch Ban đại diện Cộng đồng Người Việt Quốc gia Nam California :

“ Từ khoảng mùa hè năm 2020, gần như tất cả mọi sinh hoạt của các hội đoàn ở Nam Cali đều bị ngưng trệ. Mọi năm, cứ vào dịp Thansgiving, Christmas, nhất là vào dịp Tết, gần như tất cả các hội, kể cả các hội dân sự, cũng như các hội đoàn của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đều tổ chức những buổi tiệc tất niên,tân niên, nhưng nay các sinh hoạt này không còn nữa. Riêng đối với cộng đồng người Việt ở quận Cam này từ nhiều năm qua luôn có những hội chợ Tết rất lớn. Riêng cộng đồng chúng tôi thì vẫn tổ chức diễn hành Tết. Năm nay tất cả những chương trình ấy đều bị ngưng hết.”

Do không thể tổ chức được những chương trình văn nghệ quy mô trước thương xá Phước Lộc Thọ như mọi năm, đài Little Saigon TV cho phát hình trên mạng các chương trình đặc biệt cho những Ngày Tết, trong đó có cuộc thi Áo Dài Truyền Thống, Gói Bánh Chưng & Bày Mâm Ngũ Quả… để phục vụ cho bà con Quận Cam, cũng cho những đồng hương sống ở những bang khác. Cô Jenny Vo, người phụ trách các chương trình này cho biết:

“Đài Little Saigon nẩy ra ý là sẽ tổ chức các chương trình qua ứng dụng Zoom, trong đó có chương trình thi áo dài truyền thống. Năm nay là năm thứ 9 đài Little Saigon TV làm chương trình này. Tất cả các thí sinh sẽ tự thâu video giới thiệu bản thân, đi “catwalk” tại nhà của họ, rồi gởi đến dự thi. Chúng tôi rất là vui vì lần đầu tiên đài tổ chức như vậy, nhưng cũng đã nhận được 26 người dự thi, cả người lớn, lẫn trẻ em, rất là vui được sự ủng hộ của khán giả.

Về chương trình thi bánh tét, bánh chưng, mọi năm mình vẫn làm ở Phước Lộc Thọ, nhưng năm nay không thể dùng các sân khấu đó. Cho nên đài mới dời địa điểm thâu đến khu nhà cổ của bác sĩ Quỳnh Kiều. Rất là may mắn là gia đình bác sĩ đã ủng hộ và cho mình mượn location. Trước khi thâu thì mọi người đều bắt buộc phải test Covid một ngày trước hoặc là test tại chổ luôn, mọi người đều phải rửa tay, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội. Địa điểm thâu thì cũng rất thuận lợi, vì có sân vườn rất rộng, cho nên mình có thể thâu mà vẫn giữ được khoảng cách an toàn cho những người tham gia.

Hai chương trình này đã được phát sóng ngày 7/2 và hiện giờ vẫn được lưu trên trang Little Saigon TV Official để những người chưa được xem hôm 7/2 có thể xem lại. Khi làm “live” trên Facebook và Youtube thì có rất nhiều khán giả sống tại các bang xa của nước Mỹ rất là vui, vì cho dù năm nay có dịch Covid, nhưng họ cảm thấy ấm lòng khi được xem các chương trình này, giúp họ bớt nhớ quê nhà. Họ đã có những lời động viên và các anh chị em trong đài Little Saigon TV rất vui và hạnh phúc khi nhận được những lời động viên này.”

Nghe phần âm thanh:

Bài đọc thêm: 


2/7/21

CHUYỆN VỀ HỌ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.
Thăng Long thành

Nói về họ của người Việt Nam chúng ta tạm tóm tắt một vài đặc điểm chính như sau:

1. Tất cả các họ ở Việt Nam đều được tìm thấy ở Trung Hoa. Những họ cổ xưa như họ Trưng, Âu, Lạc, Dương, Vương, Triệu, Cù, Nông, Nùng, Đoàn, Lữ, Phụng, Chu hay Châu v.v. được tìm thấy ở miền trung du, thượng du Bắc Bộ và ở Guangdong (Quảng Đông), Guangxi (Quàng Tây), Yunnan (Vân Nam), Zhejiang (Chiết Giang), trên đảo Hainan (Hải Nam) xưa là Hợp Phố.


Những họ mà người Việt hiện mang chưa hẳn là họ gốc. Điều dễ hiểu là Việt Nam là quốc gia có nhiều chinh chiến, nội chiến, nổi loạn nên rất khó gìn giữ họ gốc của mình vì một lý do đặc biệt nào đó. Trong quá trình Nam Tiến có nhiều người Việt Nam mang họ Chế, họ Trà… của người Chăm hay họ Sơn, họ Thạch… của người Khmer. Lê Văn Khôi, dưỡng tử của tổng trấn Lê Văn Duyệt, gốc người Cao Bằng, tên thật là Bế Văn Khôi. Chắc chắn hậu duệ của Nguyễn Trãi và Cao Bá Quát thay tên, đổi họ sau khi có bản án tru di tam tộc năm 1442 và 1855 để được an thân.

2/5/21

Sương Sớm


Tĩnh mịch huyền ảo trời rạng đông
Uyên ương nhè nhẹ đưa làn sóng
Ai ơi biết được người tri kỷ
Làm sao tìm lại ngày thơ mộng

Ngô Văn Thành

Cảnh quá đẹp, như chừng đang đi vào một thế giới vô tranh vô cầu .... Bông sen, cành liễu, uyên ương, trời rạng sáng, nước trong veo, mặt hồ tĩnh mịch... cộng thêm bài thơ rất hay và cảm xúc lòng người.
Cảm ơn anh Thành mang cho diễn đàn nhiều niềm vui và khích động.
Hoài niệm cảnh cũ người xưa như anh Thành miêu tả trong thơ: "Ai ơi biết được người tri kỷ, làm sao tìm lại ngày thơ mộng." Tôi cũng xin đóng góp thêm cho diễn đàn một bài thơ thô thiển:

"Bao ngày xa trường vắng quê hương
Nửa đêm tỉnh giấc đầy nhớ thương
Thế giới nội tâm hằng mong ước
Tình bạn muôn thuở vẫn còn vương
Thắp nén soi sáng lòng yêu dấu
Tình huynh nghĩa đệ khắp bốn phương
Trân quý nâng niu tình duyên ấy
Mượn gió theo mây trổ vạn đường"
 
Lý Trinh Trường