Showing posts with label Văn hóa-Xã hội. Show all posts
Showing posts with label Văn hóa-Xã hội. Show all posts

9/16/23

Trung Quốc : Mặc trang phục « làm tổn hại tinh thần dân tộc » có thể bị kết án.

RFI tiếng Việt, trích tạp chí đặc biệt - ngày 16.09.2023  

Nghe phần âm thanh:


Chính phủ Trung Quốc dự định sửa đổi luật an ninh công cộng : những bình luận, những bộ trang phục hay biểu tượng « làm suy yếu » hoặc có thể « làm tổn hại tinh thần dân tộc » có thể bị kết án hình sự. Theo đài France 24, nếu dự luật được Quốc Hội Trung Quốc thông qua, những ai vi phạm có thể sẽ bị giam giữ 2 tuần hoặc phải nộp khoản tiền phạt tương đương vài trăm đô la.

(Ảnh minh họa) - Hai người phụ nữ Trung Quốc trong trang phục truyền thống Kimono của Nhật Bản chụp ảnh lưu niệm tại công viên Yuyuantan ở Bắc Kinh, ngày 30/09/2019 nhân lễ hội hoa anh đào. AP - Andy Wong

Thông tín viên Stéphane Lagarde từ Trung Quốc gửi về bài tường trình :

« Rõ ràng, người dân Trung Quốc rất nhạy cảm và đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn có ý định tấn công bất cứ điều gì có thể « làm tổn thương tình cảm dân tộc ». Dự luật này, hiện đang được đưa lên trang web của Quốc Hội để lấy ý kiến ​​công chúng, đã gây ra rất nhiều phản ứng trên các mạng xã hội.

Các luật sư đặc biệt lo ngại về nguy cơ « chệch hướng, lạm dụng tùy tiện » do có một số điều mơ hồ. Theo các chuyên gia và bloggeur, dự luật này trên thực tế là nhằm kết tội hình sự bất cứ điều gì có thể gây tổn hại đến điều họ xem là « tình cảm của đất nước » hay « tinh thần dân tộc », những khái niệm vừa mơ hồ vừa mang tính bao quát rất rộng.

Trên tài khoản Twitter (được Reuters trích dẫn), Tong Zhiwei, chuyên gia luật hiến định tại Đại học Khoa học Chính trị Hoa Đông, đặt câu hỏi : Ai sẽ khẳng định điều gì thuộc về « tinh thần dân tộc Trung Quốc » ? Và theo những thủ tục gì ?

Năm ngoái, một người phụ nữ Trung Quốc mặc kimono (trang phục truyền thống Nhật Bản), đang đi trên đường thì bị cảnh sát bắt giữ. Cảnh sát Trung Quốc, giống như những người làm công tác kiểm duyệt, đôi khi không cập nhật các xu hướng thời trang.

Cách nay vài ngày, một số người Trung Quốc mặc trang phục nhà Đường bị ngăn vào một công viên ở thành phố Vũ Hán. Những nhân viên bảo vệ ở đó đã nhầm tưởng là những chiếc ô, dù cầm tay và trang phục của những người này là trang phục Nhật Bản, kiểu trang phục có thể xúc phạm tới « tinh thần dân tộc » Trung Quốc ».

Dự luật được đưa ra « lấy ý dân » đến hết ngày 30/09/2023, nhưng hiện giờ đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ công luận. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, được France 24 trích dẫn, cho biết chỉ trong một tuần, đã có tới 70.000 người đưa ra ý kiến, đa phần là phản đối dự luật. Một số phương tiện truyền thông Nhà nước bảo thủ, thậm chí còn yêu cầu chính phủ giải thích, điều mà nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Marc Lanteigne, tại Na Uy cho là khá hiếm xảy ra tại Trung Quốc.

Đây không phải lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc lợi dụng những điều mơ hồ để dễ bề kiểm duyệt. Thế nhưng, lần này theo ông Ho Ting “Bosco” Hung, chuyên gia về Trung Quốc tại Nhóm Nghiên cứu An ninh Quốc tế Verona (ITSS Verona), việc chính quyền « động chạm » đến trang phục - một khía cạnh thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày - khiến người dân lo sợ rằng, chẳng hạn, mặc những bộ quần áo nhập khẩu từ nước ngoài đến công sở sẽ bị quy tội. Ông Ho Ting “Bosco” Hung, nhắc lại : « Từ những năm 1980 đã có một kiểu thỏa hiệp quốc gia ngầm, theo đó Nhà nước không can thiệp vào cách ăn mặc của người dân ».

Một luật sư nói đến lực lượng « cảnh sát đạo đức », liên hệ đến những vụ việc đau lòng tại Iran hoặc Afghanistan, liên quan đến những quy định khắc nghiệt về trang phục của phụ nữ Hồi giáo.

8/30/23

RẰM THÁNG BẢY

 

Rằm tháng 7 là ngày 15/7 Âm lịch, là một ngày lễ quan trọng của Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ngày này có nhiều tên gọi khác nhau, như Lễ Vu Lan, Lễ Xá Tội Vong Nhân, Lễ Cúng Cô Hồn, hay Tiết Trung Nguyên.
    
Theo lịch dương, rằm tháng 7 năm 2023 sẽ rơi vào thứ tư, ngày 30/8/2023.

 


   

Giao Mùa

Hôm nay đang độ giao mùa
Vu Lan tháng bảy cũng vừa tròn trăng
Biết người có nhớ ta chăng
Riêng ta thờ thẫn nhìn trăng nhớ người
Trăng Xanh (*) tỏa ánh sáng ngời
Thiếu người chung ngắm nên đời mất vui!
Hỏi người tri kỷ xa xôi
Trên kia có thấy là tôi đang buồn?
Tôi đang ngăn giọt sầu tuôn
Để ai nhẹ bước trên đường vãng sanh
Ngắm trăng nhớ khoảng trời xanh
Nhớ thời cắp sách chúng mình tung tăng
Đêm về cùng ngắm vầng trăng
Bên hồ tâm sự, bao lần cười vui...

Trăng ơi ngày ấy xa rồi
Sao ta cứ mãi nhớ người tri âm?

Nhan Ánh Xuân
Cali 31/08/2023
(*) Blue Moon.



Từ đời thượng cổ, Rằm Tháng Bảy là ngày Lễ Tế Tổ 祭祖節, cúng tế ông bà vì đã bắt đầu mùa thu hoạch; Và vì tháng bảy là tháng bắt đầu cho giữa năm về sau nên được gọi là TRUNG NGUYÊN TIẾT 中元節; Ta gọi là Tiết Trung Nguyên. Theo thuyết TAM NGUYÊN 三元 của Đạo Giáo bắt nguồn từ đời Đông Hán là : Thiên quan thượng nguyên tứ phước, Địa quan trung nguyên xá tội, Thủy quan hạ nguyên giải ách 天官上元賜福,地官中元赦罪,水官下元解厄. Có nghĩa : Thượng Nguyên (Rằm tháng giêng) tế các quan trên trời nhờ ban phước lộc; Trung Nguyên (Rằm tháng bảy) tế các quan dưới đất mong được xá tội; Hạ Nguyên (Rằm tháng mười) tế các quan dưới nước cầu xin giải hết mọi tai ách. Sau đời Hán khi Phật giáo đã du nhập và được tryền bá rộng rãi trong dân gian rồi, thì gọi ngày Rằm Tháng Bảy là ngày VU LAN BỒN TIẾT 盂蘭盆節, ta gọi là ngày Lễ Vu Lan, ngày xá tội vong nhân là tha tội cho người chết, nên mới có tục lệ cúng Cô hồn Ngạ qủy 孤魂野鬼, là các hồn phách cô đơn và những con ma đói.

Theo Kinh Chu Dịch, thì số 7 là con số của biến hóa phục sinh : "Phản phúc kỳ đạo, thất nhựt lai phục, thiên hành dã 反覆其道,七日來複,天行也。Có nghĩa : Cái đạo ngược xuôi tuần hoàn, trong bảy ngày sẽ trở lại, đó là vận hành của trời". Nên số 7 là số DƯƠNG, khí dương của trời đất tiêu hao và mất đi thì trong 7 ngày sẽ tái sinh có lại. Đó là sự tuần hoàn của ÂM DƯƠNG TIÊU TRƯỞNG 陰陽消長. Số 7 còn có sắc thái thần bí riêng mình như : Trên trời thì có THẤT TINH 七星, con người thì có THẤT TÌNH 七情, Cơ thể thì có THẤT KHIẾU 七竅, đến âm nhạc cũng có THẤT ÂM 七音, màu sắc cũng có THẤT SẮC 七色 (7 màu)... Nên theo Đạo giáo thì Tiết Trung Nguyên là ngày 14 (7+7) tháng 7, còn Tiết Vu Lan Bồn là ngày 15 (rằm) tháng 7.

Tóm lại, tháng 7 là tháng bắt đầu thu hoạch nông phẩm; Người nông dân ngày xưa tin tưởng vào việc nông phẩm bội thu là do thần linh tổ tiên phù hộ, nên mới nhân dịp đầu Thu dùng những nông phẩm mới thu hoạch được hiến dâng lên để cúng tế ông bà tổ tiên cầu mong cho năm sau lại được mùa bội thu; Vì thế mà hình thành ngày Rằm Tháng Bảy là ngày LỄ TẾ TỔ. Đến đời Đông Hán theo thuyết "TAM NGUYÊN" của Đạo Giáo nên mới gọi TIẾT TRUNG NGUYÊN; Kịp đến khi Phật Giáo hòa nhập vào dòng tín ngưỡng của dân gian, thì ngày Rằm tháng bảy mới được gọi là LỄ VU LAN BỒN. Ba cái tục lệ tín ngưỡng nầy truyền đến đời Đường thì hợp nhất lại vào ngày Rằm Tháng Bảy : Dân gian thì cúng tế ông bà tổ tiên; Đạo giáo thì cúng tế các Địa Quan, các thần linh dưới đất để cầu xá tội; Phật Giáo thì cúng cô hồn ngạ qủy, xá tội vong nhân. Nói chung, tất cả mục đích cuối cùng đều xoay quanh hiếu đạo và nhớ đến cha mẹ ông bà tiên tổ mà ăn ở cho phải đạo làm người.
Đến tháng bảy thì mọi người đều muốn trở thành hiếu tử, ai cũng tỏ ra hiếu kính đối với ông bà cha mẹ như bài thơ "Trung Nguyên Tiết 中元節" của Tống Học Nghĩa 宋學義 sau đây :

草木升溫金漫坡, Thảo mộc thăng ôn Kim Mạn Pha,
借籌祭祖賞山河。 Tá trù tế tổ thưởng sơn hà.
百思不解紅塵事, Bách tư bất giải hồng trần sự,
一到中元孝子多。 Nhất đáo Trung Nguyên hiếu tử đa !
Có nghĩa :
Kim Mạn lên gò ấm cỏ hoa,
Trên cao cúng Tổ ngắm sơn hà.
Nghĩ hoài không hiểu đời sao lạ...
Hễ đến Trung Nguyên hiếu tử đa !









Leo lên gò Kim Mạn nhiều hoa cỏ, mượn cớ để cúng mả cho Tổ Tiên mà nhìn ngắm cảnh núi sông; Nghĩ hoài cũng không sao hiểu được chuyện trên đời nầy, hễ cứ đến Tết Trung Nguyên thì ai cũng tỏ ra mình là người con có hiếu cả !

Thường các lễ hội cúng bái cầu đảo đều diễn ra ở bên ngoài các Đạo Quán 道觀 (là Chùa của các đạo sĩ tu luyện) với các tục lệ như thả đèn trời, thả đèn hoa đăng dưới nước... cùng với các nghi thức Tế Địa Quan của các Đạo Trưởng như trong bài thơ "Trung Nguyên Nhật tặng Trương Tôn Sư 中元日贈張尊師" của Lệnh Hồ Sở 令孤楚 như sau :
         
               偶來人世值中元,    Ngẫu lai nhân thế trực Trung Nguyên,
               不獻玄都永日閒。    Bất hiến Huyền Đô vĩnh nhật nhàn.
               寂寂焚香在仙觀,    Tịch tịch phần hương tại tiên quán,
               知師遙禮玉京山。    Tri sư dao lễ Ngọc Kinh san.
   Có nghĩa :
               Nhân gian nhằm lễ Trung Nguyên,
               Huyền Đô tạm gác lặng yên cả ngày.
               Khói hương đạo quán không ai,
               Biết thầy đã lễ tận đài Ngọc Kinh.
 
Ngọc Kinh Sơn là tên của núi Huyền Đô nằm trong dãy núi Côn Luân. Theo Đạo Giáo tương truyền đây là nơi của những người đắc đạo thành tiên ở, là nơi giáp ranh với Thiên đình trên trời.
 
Việt Nam ta không có lệ thả đèn trời, nhưng trong dân gian lại có tục Thắp Đèn Trời, có nghĩa là khi thắp nhang cúng xong thì để yên các ngọn đèn và hương hoa ở ngoài trời cho đến sáng, như câu ca dao Nam Bộ sau đây :

                     Mỗi năm mỗi thắp đèn trời,
                 Cầu cho cha mẹ sống đời với con !

Đây cũng là cách đơn giản chân thành biểu hiện tấm lòng của người con hiếu thảo đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. 

Tết TRUNG NGUYÊN truyền sang đến Việt Nam ta thì không còn mang sắc thái của Đạo giáo nữa mà hoàn toàn thiên về các nghi thức cúng bái cầu an của Phật Giáo; đặc biệt là đối với cha mẹ thì đây là mùa "Vu Lan Báo Hiếu"; chữ Nho gọi là VU LAN BỒN 盂蘭盆 : Còn gọi là VU LAN BỒN HỘI 盂蘭盆會 hay VU LAN THẮNG HỘI 盂蘭勝會. Căn cứ theo ghi chép của "Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh 佛说盂蘭盆经",Vu Lan Bồn 盂蘭盆 là(ullambana)Tiếng Phạn là उल्लम्बन,Nghĩa gốc của VU LAN là "Treo Ngược", BỒN là "Cái Chậu", nên VU LAN BỒN 盂蘭盆 là: Cái Chậu dùng để đựng đầy ngũ qủa bách vị để cúng dường Phật Đà và Tăng Lữ để cùng cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh bị treo ngược dưới địa ngục Âm Phủ được siêu sinh hóa kiếp.

VU LAN BỒN theo PHẬT GIÁO 佛教 là ngày rằm tháng 7 Âm lịch, ngày xá tội vong nhân, thí thực cho cô hồn ngạ quỷ, nhưng theo ĐẠO GIÁO 道教 ngày rằm tháng 7 gọi là Tiết Trung Nguyên, là ngày đản sinh của Địa Quan Đại Đế 地官大帝, nên có lệ tế đất đai và cúng bái người chết, còn theo NHO GIÁO 儒教 thì là mùa thu hoạch, nên con cháu cúng tế ông bà tổ tiên. Kết hợp Tam Giáo và các tục lệ dân gian lại, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là hoạt động của các chùa chiền trong lễ hội Vu Lan với sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ 目犍連救母.
  
Mục-Kiền-Liên (tiếng Pali : Moggallāna; Tạng ngữ: མོའུ་འགལ་གྱི་བུ་, Hán tự : 目犍連; tên Latinh hóa : Maudgalyayana, Mahāmoggallāna hay Mahamaudgalyayana) hay gọi tắt là Mục-Liên (目連) (Sinh khoảng năm 568 - mất khoảng năm 484 trước Công nguyên ở nước Magadha, nay thuộc miền Bắc Ấn Độ) là một vị Tỳ-kheo của Phật giáo trong thời kỳ Phật Thích-Ca Mâu-Ni tại thế. Cùng với tôn giả Xá-Lợi-Phất 舍利弗, Mục-Kiền-Liên là một trong 2 đệ tử hàng đầu của Phật Thích-Ca. Ông đã đắc quả A-la-hán và trở nên nổi tiếng là bậc "Thần thông đệ nhất" (Manda Galỳayana) trong hàng Thanh văn đệ tử của Đức Phật.

Theo truyền thuyết Phật giáo Bắc Tông, Mục-Kiền-Liên được cho là đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông qua đó biết mẹ mình đang lâm kiếp ngạ quỷ; ông hỏi Phật Tổ về cách cứu mẹ.
Phật dạy rằng:
“Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó ”
Theo lời Phật, mẹ ngài được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp 盂蘭盆法 ).
Từ đó ngày lễ VU LAN ra đời.











Trong khi Phật giáo thí thực cho các cô hồn ngạ qủy bằng ngũ cốc rau củ qua quả, thì Đạo giáo lại cúng bằng "tam sên", đọc trại của từ TAM SANH 三牲 là Heo, Gà, Cá. Nhớ hồi nhỏ khi thấy mấy ông thợ mộc động thổ cất nhà thường cúng "tam sên" bằng : Một miếng thịt ba rọi luộc, một qủa trứng gà và một con khô mực (hay một con tôm luộc) để tượng trưng cho TAM SANH; Còn ở các Đạo quán thì lại cúng rất linh đình với : Một con heo quay, một con gà luộc và một con cá rán; Các Đạo quán lớn cúng bằng NGŨ SANH 五牲 thì thêm một con bò và một con dê thui nữa ! Ta hãy nghe bài thơ "Trung Nguyên Tiết Hữu Cảm 中元節有感" của Vương Khải Thái 王凱泰 đời Thanh thì sẽ rõ :

道場普渡妥幽魂, Đạo tràng phổ độ thỏa u hồn,
原有盂蘭古意存。 Nguyên hữu Vu Lan cổ ý tồn.
卻怪紅箋貼門首, Khước quái hồng tiên thiếp môn thủ,
肉山酒海慶中元。 Nhục sơn tửu hải khánh Trung Nguyên !
Có nghĩa :
Đạo tràng phổ độ u hồn,
Vu Lan cổ ý trường tồn mãi đây.
Lạ thay giấy đỏ dán đầy,
Núi thịt biển rượu mừng ngày Trung Nguyên !
   







Lượm lặt trên mạng, kể lể cho vui lúc trà dư tửu hậu. Chúc cho tất cả mọi người đều có được một mùa Lễ VU LAN BÁO HIẾU có ý nghĩa, vui vẻ và... hiếu thuận với cha mẹ cũng như được con cháu hiếu thuận với mình !

Đỗ Chiêu Đức

7/14/23

CÁCH SỐNG CỦA NGƯỜI BẮC ÂU

Posted by GLN

"Cơm không thể không ăn, nhưng không nhất thiết phải ăn quá ngon. Tiền không thể không có, nhưng không nhất thiết phải có quá nhiều" - đó là quan niệm của người Bắc Âu.


Đan Mạch - Thiên đường cho người dân và doanh nghiệp.
Thụy Điển - Thành công mỹ mãn với chế độ người lao động chỉ làm 6h/ngày.
Phần Lan - Nền giáo dục "không giống ai", cấm thi cử, bài tập nhưng học sinh vẫn giỏi giang…

Điểm chung của các quốc gia này là gì? Đó là tất cả đều đến từ một cùng khu vực trên thế giới - Bắc Âu.

Từ xa xưa, nơi đây là chỗ ở của những kẻ chinh phục vĩ đại mang tên Viking. Trải qua thời kỳ chiến tranh loạn lạc với vai trò những đất nước trung lập, giờ đây các quốc gia Bắc Âu đang có những chuẩn mực khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ:
- Tăng trưởng kinh tế cao,
- Chỉ số phát triển con người cao,
- Người dân hạnh phúc nhất nhì thế giới…

Vậy, những xứ "thiên đường" ấy đã làm cách nào để vươn đến như ngày nay?
Tất cả nằm ở cách sống của con người nơi đây! Hãy thử tìm hiểu.
Không cần nhà lầu, xe hơi, tiền bạc chất đống... mà vẫn hạnh phúc. Người Bắc Âu sống tự nhiên, đơn giản mà hạnh phúc. Nếu để ý một chút, bạn sẽ nhận thấy, các quốc gia ở Bắc Âu:
- Không hề có nhà cao tầng,
- Người dân ăn mặc rất mộc mạc,
- Đi những chiếc xe cũ kỹ,
- Và ăn những món ăn đơn giản.

Sau 7 giờ tối, gần như trên đường rất yên ắng, không có cuộc sống “xa hoa” vào ban đêm, không có những dịch vụ cao cấp lãng phí kích thích sự thỏa mãn tiêu cực con người.

Có một cụm từ mà người Bắc Âu hay nhắc đến là: “Chất lượng cuộc sống”.

Đất nước Thụy điển thì có câu châm ngôn: “Tiền là thứ có thể để dành được còn thời gian thì không để dành được. Bạn sử dụng thời gian như thế nào thì nó sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của bạn”.
Nếu có ai hỏi một người Bắc Âu xem giữa 2 sự lựa chọn: Cuộc sống đầy đủ nhà cao cửa rộng, tiền bạc và xe hơi sang trọng. So với cuộc sống có đầy đủ vợ chồng, con cái thì chọn phương án nào, anh ta có lẽ sẽ thiên về phương án thứ hai. Bởi lẽ, thứ mà người Bắc Âu muốn chính là “Phẩm chất”, chứ không phải là “Vật chất” trong cuộc sống.
“Nhanh một chút, nhanh một chút!”.
Không, người Bắc Âu không làm vậy. Họ lựa chọn sống: “Chậm một chút!”, nhưng vẫn có thể tìm được hạnh phúc thực sự từ cách sống này.

Những con người "Biết Sống" nhất thế giới của vùng Bắc Âu này, bí quyết ở sự: "Đơn giản".

Bắc Âu nằm ở vùng khí hậu khắc nghiệt nhất của thế giới. Môi trường thiên nhiên hà khắc ở đây đã khiến cho thói quen tiết kiệm đã trở thành điều tất nhiên ở xứ này.
“Cơm không thể không ăn, nhưng không nhất thiết phải ăn quá ngon. Tiền không thể không có, nhưng không nhất thiết phải có quá nhiều".

Cuộc sống đơn giản của người Bắc Âu rất dễ để nhận ra, nếu bạn chịu khó để ý một chút, ví dụ:
- Trong cách ăn mặc, không cần phải diêm dúa, bạn sẽ thấy những người phụ nữ 70 - 80 tuổi Bắc Âu thường mặc áo khoác vàng nhạt kết hợp chân váy, đi giày nữ tính, khăn trùm đầu. Nhìn họ vừa nữ tính vừa trang nghiêm nhưng cũng không mất đi vẻ cuốn hút.
- Nếu nhà ai đó mới sinh em bé thì không cần phải tiệc tùng cầu kỳ, những nhà hàng xóm hay bạn bè đều sẽ mang những bộ quần áo cũ đã được giặt thơm tho đến cho em bé sử dụng. Điều này đã trở thành một truyền thồng tốt đẹp lâu đời của con người xứ Bắc Âu.
- Bắc Âu không cần những đại lộ to rộng. Những con đường ở các quốc gia Bắc Âu thường hẹp hơn đường ở các quốc gia phát triền khác, phần lớn nó không phải những con đường thẳng mà là những ngõ, hẻm.
- Không cần phải khoe của. Người dân nơi đây không cần những siêu xe, mà chủ yếu sử dụng những loại xe ô tô cá nhân cỡ nhỏ. Thậm chí, rất nhiều người trong số họ đạp xe đạp đi làm.
- Bảo vệ môi trường đối với người Bắc Âu đã không còn là một cụm từ theo "mốt" mà là một sự “cao thượng”, một việc tất nhiên cần làm.
- Để hưởng đặc quyền hạnh phúc, họ đã làm việc năng suất nhất nhì thế giới như thế này đây! Công việc chính thức của một người Bắc Âu khá nhẹ nhàng, ‘ngắn gọn’.
- Về thời gian làm việc. Trong thời gian rảnh, dù có thể chọn làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập, nhưng họ lại không làm vậy. Người Bắc Âu chọn thưởng thức tách cà phê cùng bạn bè hoặc đơn giản là ngồi đọc sách. Đến đây, đừng nghĩ rằng, người Bắc Âu suốt ngày chỉ biết uống cà phê.
Điều kiện tiên quyết để họ được hưởng một cuộc sống an nhàn như trên chính là do thái độ nghiêm túc, hiệu suất rất cao mà họ đạt được khi làm việc.
“Đừng suy xét đến thu nhập, trước tiên hãy hỏi mình thích gì, công việc mình phải thích thì mới làm tốt được nó” - đây là quan niệm của người Bắc Âu. Vì thế, công việc đối với họ không phải là một sự: “đau khổ, giày vò”. Họ đơn giản là làm hết sức và rất tốt công việc mình thực sự yêu, được trả lương rất cao và từ đó sống hạnh phúc.
Để nâng cao hiệu suất, người Bắc Âu nghĩ mọi cách để sáng tạo và rút ngắn thời gian làm việc. Nghe giống như đặc điểm của những kẻ: 'lười nhưng thiên tài’
mà Bill Gates phải cất công tìm kiếm về cho Microsoft.
Đúng!
Và đấy là điều mà mọi người dân Bắc Âu đều thấm nhuần chứ không chỉ một vài kẻ ‘lười nhưng thiên tài’ nào đó.

Từ đó, họ sẽ có nhiều thời gian hơn cho nghỉ ngơi hay cho cho gia đình. Và chìa khóa tận cùng cho mọi hạnh phúc ở Bắc Âu là 2 chữ: “Gia đình"
Trong cuộc sống của người Bắc Âu, gia đình rất quan trọng. Chỉ cần vừa có kỳ nghỉ là một gia đình Bắc Âu sẽ cùng nhau tận hưởng những ngày vui đùa, cùng tắm biển, tắm nắng, trượt tuyết, cưỡi ngựa…

Trong gia đình, người chồng sẽ sẵn sàng hủy bỏ những buổi gặp gỡ ăn uống với bạn bè sau giờ làm để dành thời gian cho vợ con. Điều đầu tiên sau khi tan làm trở về nhà mà họ làm là trò chuyện, vui đùa, nấu ăn cùng vợ, con mình.

Cho dù ai đó có muốn làm thêm thì họ cũng phải chọn thời gian để tránh ảnh hưởng đến gia đình mình. Ví dụ, người chồng sẽ chọn đi làm tăng ca vào lúc 3 giờ sáng bởi vì như vậy thì buổi sáng vẫn còn người vợ ở nhà dùng bữa sáng cùng các con. Như thế, người chồng sẽ chỉ bị mất khoảng 1 tiếng đồng hồ không thể cùng ăn sáng gia đình. Làm thêm giờ vào buổi sáng sớm, nghe thì có vẻ khó tin, nhưng điều này lại cho các ông bố có thêm thời gian vào buổi tối ăn tối cùng gia đình mình.

Điều cuối cùng, đối với người đàn ông Bắc Âu, gia đình và con cái không phải là nền tảng giúp người đàn ông tìm kiếm sự thành công nữa, mà chính là phần quan trọng nhất trong chất lượng cuộc sống của họ. Với họ, khoảnh khắc có lẽ là hạnh phúc nhất trong ngày chính là khi đứa trẻ của mình leo lên đầu, ôm lấy cổ bố chúng, hôn một cái và thủ thỉ nói: “Chúc cha ngủ ngon nhé!".
Đấy mới là cách đầu tư thông minh nhất nếu bạn muốn có cuộc sống hạnh phúc!

 

Người Bắc Âu đi xe đạp rất nhiều.



6/22/23

4 PHONG VỊ BÁNH BÁ TRẠNG, MÓN ĂN NGÀY TẾT ĐOAN NGỌ CỦA NGƯỜI HOA CHỢ LỚN

Bánh ú bá trạng là loại bánh nổi tiếng của người Hoa ở Chợ Lớn. Loại bánh này chỉ được gói bán vào dịp Tết Đoan Ngọ hàng năm. Ý nghĩa của loại bánh này cũng giống như món bánh ú tro của người Việt . Bánh bá trạng có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau nhưng thường sẽ có hình tam giác tương tự như bánh ú tro và được gói bằng lá tre.


Bánh ú bá trạng - tinh hoa ẩm thực người Hoa vào dịp Tết Đoan Ngọ. Nhưng không phải cùng khẩu vị đâu nhé, họ sẽ chia ra theo từng vùng địa lý để chiếc bánh đúng với xực phàn của mình.

Có thể khác nhau về hình dạng nhưng bánh ú bá trạng đều được làm từ nếp dẻo và đậu phộng bên ngoài, trong nhân có trứng muối, đậu xanh, hạt điều, thịt heo và một số nguyên liệu khác.

Nhân bánh ú bá trạng rất đa dạng và ngày càng được biến tấu với nhiều nguyên liệu khác nhau tùy theo sở thích.

Vỏ ngoài của bánh sẽ là nếp và đậu được tuyển chọn từng hạt căng tròn. Nếp và đậu đều được ngâm qua một đêm cùng với các vị thảo dược cho ngấm và mềm trước khi làm bánh. Khi ăn, ngoài vị bùi của đậu bạn còn cảm nhận được vị mặn của thuốc bắc và mùi thơm thảo dược.

Người Hoa ở Chợ Lớn - Sài Gòn sẽ thường ăn bánh bá trạng theo khẩu vị của vùng: Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam, Phước Kiến, Nyonya, Kee.

Khẩu vị bánh bá trạng Quảng Đông



Bánh bá trạng của người gốc Hoa Quảng Đông ở Chợ Lớn nguyên liệu thường có đậu xanh cả hạt hoặc đậu xanh nghiền. Cách gói thường là dạng gói dài ít hình chóp nón như bánh ú.

Phần nhân bao gồm nếp (nêm muối, dầu tỏi), mỡ heo, thịt nạc, đậu xanh, lạp xưởng. Hương vị của bánh này thơm ngon và nếp tơi không dính. Bánh bá trạng của người Quảng Đông theo truyền thống chiếc bánh được gói đều 5 góc. Nhưng người gốc Quảng ở Chợ Lớn bây giờ họ thường gói gần giống hình vuông theo kiểu bánh chưng của người Việt.

Bánh bá trạng Phước Kiến


Bánh bá trạng của người Phước Kiến nhân và bánh có màu thẫm do ngũ vị hương, nước tương. Bánh có vị thơm ngon đậm đà.

Bánh bá trạng của người Phước Kiến thường có thêm bào ngư. Tất cả từ nhân đến nếp đều được xào lên trước khi luộc, hấp bánh.

Phần nhân bao gồm: Nếp rang sơ với ngũ vị hương và nước tương, thịt bụng heo, hạt dẻ, lòng đỏ trứng muối, tôm khô, không có đậu xanh và đậu phộng như bánh của người Quảng Đông. Hương vị của bánh bá trạng Phước Kiến thơm ngon riêng biệt, vị ngọt của nấm, hạt, cùng vị thơm của ngũ vị hương, nước tương.

Bánh bá trạng Tiều Châu


Đặc trưng của bánh bá trạng người Tiều là nhân bánh có cả mặn, ngọt hòa vào nhau. Bánh ú của người Tiều Châu và Phước Kiến thường được gói theo hình dạng 4 góc.

Nhân bao gồm: Nếp, nấm đông cô, thịt bụng, tôm khô, đậu đỏ hoặc hạt sen, mỡ chài, khoai môn. Hương vị bánh thơm ngon do sự pha trộn giữa nhân mặn, ngọt khiến bánh mềm và bùi hơn.

Bánh bá trạng Hải Nam


Bánh bá trạng Hải Nam với đặc trưng bề ngoài là loại bánh to nhất trong các loại bánh bá trạng.

Nhân bánh bao gồm: Nếp xào với tiêu đen, nước tương, thịt bụng, mỡ, hạt dẻ, nấm. Mỗi vùng có đặc điểm về văn hóa cũng như ẩm thực khác nhau nên cách gói bánh cũng khác nhau, nhưng tựu chung lại nguyên liệu chính vẫn là nếp, nấm đông cô, thịt heo hoặc mỡ heo.
Hương vị của bánh bá trạng Hải Nam thơm, ngọt hơn khi dùng với đường cọ.

Ở TP.HCM, nếu bạn muốn ăn bánh bá trạng size nhỏ làm nóng sẵn thì có thể ghé các cửa hàng bánh của người Hoa trên các con đường: 575 Nguyễn Trãi, Q.5 với hương vị Phước Kiến, 1133/44A đường Ba Tháng Hai, Q.11 theo kiểu truyền thống Triều Châu, NH Dim Tu Tac, NH Ngân Đình, NH Li Bai - theo phong vị Quảng Đông...

Ảnh: Quang Minh, Đại Phát, Tatlerasia
Theo: Thời Trang Trẻ
Nguồn :  Blog Lưu Khâm Hưng


Tài Liệu đọc thêm: Bánh Ú
Video Clip: Bánh Bá Trạng

Ca dao dân gian:
Tháng giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.
Tháng tư đong đậu nấu chè,
Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm.
Tháng sáu buôn nhãn bán trăm,
Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân.
Tháng tám chơi đèn kéo quân,
Trở về tháng chín chung chân buôn hồng.
Tháng mười buôn thóc bán bông,
Tháng một, tháng chạp nên công hoàn toàn.