Showing posts with label Truyện ngắn. Show all posts
Showing posts with label Truyện ngắn. Show all posts

12/19/23

Thương về dĩ Vãng - Duyên nợ

Duyên nợ là lời nói của Cẩm về mối tình của anh với cô Ngô Thị Kim Liêng. Gia đình đặt tên là Liên, nhưng ông làm giấy khai sinh ở Mỹ Tho đánh vần sai thành Liêng. Là công dân Mỹ, chị vẫn lấy tên trong giấy khai sinh Việt Nam : Liêng, chỉ bỏ đi chữ Thị. Tôi hỏi Cẩm : “ Cẩm là dân Nam Định, chị Liên là người Mỹ Tho làm việc tại Tòa Hành Chánh Đà Lạt, do đâu mà hai người quen nhau”. Cẩm trả lời : “ Bạn thân của moi, chị Kim Thoa con ông Nhất Linh, giới thiệu”.

Trong bài Thiện Chí Nguyễn Tường Cẩm, anh Tạ Duy Phong, Chánh Trị Kinh Doanh, khóa I viết :“
………………

"Trang sử mới này được viết phần mở đầu bằng một cuộc du ngoạn chèo thuyền không có kế hoạch từ trước. Nghĩa là bất thình lình gặp nhau, rủ nhau, rồi cùng đi.


Tạ Duy Phong, Kim Thoa, Kim Liên,
Nguyễn Tường Cẩm, Trần Ngọc Phong

Đó là một sáng Chủ Nhật của năm Khái Luận. Khi tôi vừa leo lên chiếc xe Jeep mượn của tòa Tỉnh từ mấy hôm trước, thì gặp Trần Thiện Tường. Bèn rủ hắn ra phố uống cà phê.

Cà phê xong. Tường đề nghị quay về Đại Học Xá kiếm mấy Trự nào còn Xu rủ đi chơi cho hết ngày chủ nhật. Vào tới nơi thấy vắng teo. Nhưng lúc ra, hắn cũng ngoắc được hai cô và một cậu bên Sư Phạm Công Giáo mà hắn quen. Lúc vừa qua khỏi trường Bùi Thị Xuân thì gặp Nguyễn Tường Cẩm và chị Kim Thoa, ái nữ của nhà văn Nhất Linh. Thế là cả bọn bẩy người cùng phóng ra khu Hòa Bình, trước đó đã đón thêm một người Bạn Gái của chị Thoa. Trên xe, Cẩm đề nghị đi suối Đam Mê chèo thuyền chơi. Và hắn lại có dịp trổ tài Thiện Chí bằng cách quyên góp tiền bạc mua bánh mì Pinic, trái cây, nước ngọt ( nhưng hắn quên không thâu tiền của tôi ). Lúc ra tới phố, lại gặp thêm Trần Ngọc Phong và bốn người nữa. Được cái chiếc xe này thuộc loại long body, nên tổng cộng 13 người vẫn … ấm áp.


Cuộc đi chơi hôm đó thật là thoải mái vui vẻ. Và tôi lại có dịp thán phục cái tài “chèo thuyền“ rất nhà nghề của Cẩm Thiện Chí. Hèn chi báo Thế Giới Tự Do đăng khen ngợi tài ba của hắn ! Không biết hắn học được từ lúc nào mà … chèo giỏi quá ! Các Mợ ngồi trên đó đều phục lăn. Và tất nhiên có cả người bạn gái của chị Thoa. Tôi thấy hai người dọi đèn vào nhau lia lịa. Bèn nhủ thầm :” Phen này chắc là mày … hết đường sống như tụi tao rồi Nguyễn Tường Cẩm ơi ! “. 

*****

Tới lượt về thì một chuyện không may xẩy ra. Trời hơi âm u và hình như có tí mưa phùn rải rác. Tôi đã lái qua khỏi đoạn đường có thác Prenn ngoằn nghòe rồi. Nên cứ yên trí là về tới nơi bình an vô sự. Nào ngờ ! Vừa qua khỏi bót Cảnh Sát độ vài trăm thước trước khi vào thành phố, thì gặp một khúc đường chỉ hơi cong cong một chút thôi. Vậy mà bánh xe bị trơn tuột không tài nào điều khiển được nữa.

Phản ứng tự nhiên của tôi lúc đó là đạp thắng. Nhưng càng đạp, bánh xe càng chạy vòng tròn. Cuối cùng, chiếc xe bị quay đúng một vòng cộng thêm 180 độ, nghĩa là mũi xe lúc đó hướng thẳng về Sài Gòn rồi mới chịu ngừng. Và vì do sức ly tâm quá mạnh, tất cả 12 người đều bị … bay ra khỏi xe. Chỉ còn lại một mình tôi đang nắm chặt volant mà thôi. Cũng may là lúc đó chưa có một xe nào chạy qua lại.

Người bị nặng nhất là một em tên Vịnh bên sư phạm. Hai xương xườn và xương quai xanh bị gẫy. Anh em lúc đó vội vàng chặn xe lam đưa nàng vào bệnh viện ngay. Kế đó là chị Thoa. Chị bị văng vào gốc thông bên đường và đầu bị u lên một cục bằng quả mận Đà Lạt. Còn người bạn gái của chị Thoa thì cũng bị … sơ sơ chút xíu.

Mấy tuần lễ sau, tôi có dịp lại thăm chị Thoa. Và tình cờ tôi “ đọc lén “ được một đoạn trong cuốn “ Nhật Ký Đời Tôi : Ngô Thị Kim Liên “. Nguyên văn như sau : 

“ … Nhưng vì sẵn có thằng Chèo thuyền khá tài ba nó đang hốt hoảng, nó đang hùng hục xung phong tình nguyện lo lắng cho mình. Vả lại, nghĩ cho cùng mình thấy hắn cũng ngồ ngộ dễ thương !. Thấy hắn cũng tội nghiệp !. Cả ngày đôi con mắt hắn cứ vừa chớp vừa chèo, rồi lại vừa chèo vừa chớp về phía mình lia chia. Mà hình như chính mình cũng có chớp qua chớp lại với hắn … khá nhiều lần. Nhưng mình cam đoan với lòng mình là chỉ chớp vừa đủ tầm cho một mình hắn thấy. Chứ tuyệt nhiên mình không có chớp quá xa ra ngoài tiêu cự của ánh mắt hắn. Ngộ nhỡ hắn nom được, hắn sẽ hiểu nhầm lòng mình chưa có tí gì gọi là … xao xuyến với hắn !!!

Vậy thì nhân cơ hội này, mình … ngu gì mà không giả bộ đóng vai Công Chúa ! Xem cái thằng Thuyền Chài có duyên đó nó có chịu … Chẩy Ruột vì mình không ? Mình ngu gì mà không mở mắt hơi ti hí. Làm bộ rên la vừa đủ cho hắn nghe. Để thử xem hắn “Thương” mình đến cái … “Khúc” nào ? Để thử xem trái tim hắn có thực lòng cam kết sẽ Chung Thân đi ở đợ cho mình đến trọn đời hay không ? Đặng tối nay mình còn kịp chuẩn bị bắc một nhịp cầu cho hắn bước qua. Trước là có lý do chính đáng. Tối nay, hai đứa sẽ cùng nắm tay nhau đi thăm cái quả Mận của chị Thoa. Sau là lượt về chung với hắn ban đêm, mình sẽ cảm thấy được tự nhiên và … đỡ mắc cỡ hơn. Mỗi khi hắn tỏ ý muốn … Hun mình để đánh dấu cái Tình Yêu của hắn trao cho mình ngày đầu."

Trích tuyển tập truyện ngắn : Sinh viên xa nhà của Nguyễn Đức Quang (GC)

11/30/23

Nursing Home

Tôi chưa từng gặp những người không may mắn trong tuyển tập Những Mảnh Đời Không May Mắn. Cho nên tuyển tập này là những truyện tổng hợp của những bài viết lấy trên net của những tác giả như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, ông Chu Tất Tiến, các phóng viên của RFA, VOA, BBC, các bài của báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, các bài viết của nhiều tác giả trên net, các video tube của Phong Bụi …vv… 

Mục đích viết tuyển tập này để nhiều người may mắn chưa đọc hoặc xem các bài và video của các tác giả nói trên biết được cuộc đời không may mắn của nhiều người và quan tâm đến họ. Chân thành cám ơn tác giả những bài viết trên và các nhiếp ảnh gia. Xin tạ lỗi những sai sót vì không nêu tên tác giả trong bài viết. 

 Quang Già Cơ

************

Bấm vào Link để đọc:  Nursing Home

10/31/23

Mạn Đàm Phiếm luận - Tháng MA



Tháng 7 âm lịch vừa qua và tháng 10 dương lịch là "tháng ma" được lưu truyền xưa nay tại các nước Á Đông và Phương Tây.

Ngày trước, mỗi lần đến tháng 7 âm lịch, ba má tôi không cho tôi đi chơi vào ban đêm, lý do là: " đi đêm có ngày sẽ gặp ma." Vì âm phủ mở cửa thả hồn ma lên dương gian, nên rất dễ đụng đầu. Dù không gặp phải, tháng 7 âm phủ mở cửa toác hoác, cũng rất dễ đụng chạm.

Nhưng tại Hoa Kỳ, mỗi năm đến tháng 10 dương lịch, người ta nói nhiều chuyện về ma. Quảng cáo khắp nơi về ma quỷ yêu quái, thương xá trưng bày đủ kiểu quần áo mặt nạ của ma, dân chúng giăng kết màng nhện, treo sô kết tơ trước nhà, cố ý tạo một môi trường rùng rợn ma quái, thậm chí coi nhà mình như nhà ma để đón lễ.

Đêm cuối cùng của tháng 10, cha mẹ trang điểm con mình thành ma thành quỷ, rồi dẫn đi xin kẹo từng nhà. Có người còn nói: " Đêm tháng 10 phải thường xuyên ra ngoài, nếu may mắn sẽ có thể gặp được ma!"

Chuyện đời thay đổi nhanh chóng, ý niệm sợ ma không còn như xưa nữa. Trước đây nói đến ma, người ta sợ bỏ chạy; ngày nay nói đến ma, người ta lại tò mò thích nghe, thích tìm hiểu. Vì vậy, chuyện ma, sách ma, phim ma trở thành sản phẩm tiêu khiển thời thượng của con người.

Thực sự, ma quỷ có ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn hóa của dân tộc và sự an ninh của xã hội. Dân tộc tin có quỷ thần sẽ có một nền văn hóa phong phú, nhiều ý tưởng và sắc thái dồi dào; xã hội tin có ma quỷ thì tin có nhân quả, luân hồi và quả báo."Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo", làm tốt gặp tốt, làm xấu gặp xấu. Tin như vậy thì thiên hạ ít dám làm việc bất lương, xã hội tự nhiên tương đối an lành.

Dưới quan niệm cổ truyền, người ta xem những hồn ma như là "huynh đệ" của mình. Vì vậy, theo tập tục truyền thống của dân tộc Á Đông, rằm tháng 7 âm lịch là ngày Địa Ngục mở cửa thả hồn ma, mà chúng ta gọi là "huynh đệ" (好兄弟). Vì hồn ma bị hành hình đói khát quanh năm, nên ở dương gian vào ngày này, người ta thường bày biện nhiều thức ăn, mời anh em ăn một bữa hả hê. Nghi thức này gọi là "cúng cô hồn" (祭祀亡魂). Rồi đốt tiền giấy cứu tế, đồng thời mời sư sãi tụng kinh siêu độ, mong anh em bất hạnh đọa vào "ác đạo" sớm được siêu thoát, gọi là "phổ độ" (中元普度).

Theo quan điểm của Phật giáo, rằm tháng 7 âm lịch là lễ "Vu Lan" (盂蘭盆), Vu Lan là Phạn ngữ dịch âm, nghĩa là "giải đảo huyền" (解倒懸). Đảo huyền là chỉ thú vật bị treo ngược để chuẩn bị đem bán hoặc dùng làm vật cúng tế. Giải đảo huyền tức là giải cứu các loại súc vật. Ngày hôm đó, chúng ta chân thành lễ Phật, cúng dường tăng ni, dùng công đức này để cứu ác đạo chúng sinh được thoát khổ. Theo Kinh Vu Lan, rằm tháng 7 âm lịch cũng là ngày Bồ Tát Mục Kiền Liên xuống Địa Ngục cứu mẹ.

Tổng hợp những điểm nói trên, chúng ta thấy rằng rằm tháng 7 đúng là một ngày "hiếu đạo". Cúng dường tam bảo (Phật Pháp Tăng), hiếu kính cha mẹ, phổ độ quỷ thần, cứu giúp thú vật cũng đều xuất phát từ một chữ "hiếu".

Nói về Halloween tại các nước Tây Phương, theo truyền thuyết thì trong ngày này tất cả linh hồn đều trở lên thế gian. Người ta ăn mặc trang phục giống như ma để đồng hóa với các “anh em” của mình. Xưa kia còn có người để trái cây và thức ăn tại trước cửa hay sân sau để chiêu đãi hồn ma, không biết từ bao giờ diễn biến thành cách thức cho kẹo. Đốt đèn bí rợ trước cửa trong đêm tối là soi sáng đường về cho hồn ma, chúc “anh em” thượng lộ bình an.

Tất cả nghi thức trong ngày Halloween - mặc áo ma, cho bánh kẹo, đốt đèn bí rợ đều hàm chứa ý nghĩa "từ bi". Ngày cuối cùng của tháng 10 thực sự là một ngày "tình thương". Cúng tế hay cầu nguyện cho linh hồn đều biểu lộ tình thương trân quý của con người.

Theo Phật giáo, ma quỷ cũng là chúng sinh, họ cần tình thương và lòng từ bi, chứ không phải sợ sệt và xa lánh. Sau khi chết, con người đi vào luân hồi, không nhất thiết trở thành ma. Theo Kinh Lăng Nghiêm (楞嚴經):

Người có 7 phần tình dục, 3 phần trí tuệ, sau khi chết, trở thành thú vật.
Người có 9 phần tình dục, 1 phần trí tuệ, sau khi chết, trở thành ma quỷ.
Người hoàn toàn sống trong tình dục, sau khi chết sẽ đọa vào Địa Ngục.

Tham sân si là cội nguồn của tam ác đạo.

Vì vậy, ma quỷ là một tấm gương để chúng ta soi xét. Bởi người đời chìm đắm trong danh lợi quyền thế, say mê trong hồng trần tình dục, rằm tháng 7 và cuối tháng 10 là lúc để chúng ta tạm dừng lại và quay đầu nhìn lại tấm gương này, soi sáng khuôn mặt và nội tâm của mình. Nếu vẫn còn mang nặng tình dục, sân si giận hờn, thì đã cận kề ác đạo ma quỷ.

Trong Kinh Phật có kể nhiều chuyện về ma hầu đánh thức và cảnh giác lòng người.

"Kinh Luật Dị Tướng" (經律異相) có kể: Một người chết rồi, linh hồn trở về dùng roi đánh xác của mình, người bên cạnh thấy vậy liền hỏi: "Người này đã chết rồi, tại sao còn đánh đập xác của nó?"

Ma trả lời: "Nó là thân xác của tôi lúc trước, khi còn sống thì làm nhiều việc ác _ lường gạt trộm cắp, xúc phạm đàn bà, bất hiếu cha mẹ, không có từ bi, không trọng nhân nghĩa, keo kiệt không chịu bố thí. Sau khi chết, khiến tôi đọa vào âm giới làm ma quỷ, đau khổ vô cùng. Cái xác này quá tội lỗi và thối tha, cho nên đánh nó để bớt giận."

Vì vậy, tháng 7 âm lịch trở thành tháng ma, không phải là ma quỷ khiến cho người ta sợ hãi, mà là chúng ta phải biết sống với thái độ nghiêm cẩn và giữ giới điều. Nếu chúng ta có lòng sợ sệt và bất an là đi ngược lại ý nghĩa của Phật giáo, không đúng với tinh thần từ bi của nhà Phật.

Thực sự, tháng 7 cũng như tháng 10 là tháng rất tốt để chúng ta hồi tâm tỉnh thức. Chuyện ma quỷ đã ngầm chứa những chân lý của cuộc sống. Nhân ngày này, chúng ta tìm lại sự thanh tịnh và trí tuệ.

Tâm sáng tất Thiên Đàng, tăm tối tất Địa Ngục.

Mở rộng lòng từ bi, buông bỏ tham sân si là ngọn đuốc soi sáng và dìu dắt chúng ta đến con đường tu hành quang minh và tươi sáng.

Lý Trinh Trường tại tư thất
08-31-2023


10/15/23

ĐẬU PHỤ NƯỚNG

Nhà văn Quyên Di

Mỗi lần nhắc đến đậu phụ là tôi lại thấy xấu hổ đỏ cả mặt, cái xấu hổ của kẻ dốt mà cứ tưởng mình thông. “Đậu phụ,” mà bà con miền Nam kêu là “đậu hủ,” và ngay cả lối gọi “tofu” của người Mỹ đều là cách phiên âm hai chữ 豆腐.
Dốt là như thế này:
Bao nhiêu chục năm, cứ thấy ai gọi món đó là “đậu hủ” thì tôi lại cười thầm trong lòng. Tôi không dám cười ngoài mặt vì giữ lịch sự. “Phải gọi là “đậu hũ” chứ! Bà con miền Nam, miền Trung mình phát âm trật lất!”


Hoá ra là mình trật lất chứ không phải bà con mình trật lất. Tra chữ Hán mới biết “hủ” (腐) có nghĩa là cũ, là hư, là rữa nát. Cái món “đậu hủ” làm bằng đậu nành, phải đợi khi đậu rữa nát ra, lên men thì mới làm thành đậu phụ/đậu hủ/tofu/豆腐 được. Bố tôi là đông y sĩ, giỏi chữ nho, nhưng khi tôi còn bé, ông chỉ mới dạy tôi cây hoa dành dành gọi là sơn chi, cây hoa giun gọi là sử quân, hạt hoa giun gọi là sử quân tử thôi. Bố chưa dạy đến cái chữ “đậu hủ” này.

9/11/23

Người nhìn thấy trăng thật

  Nguyễn Quang Thiều

Đêm nay ra đê chơi chúng mày nhé. Đêm nay trăng đẹp lắm. Tiếng các cô gái làng đi làm đồng về qua ngõ vọng vào. Sơn chợt tỉnh. "Đêm nay có trăng". Tiếng thì thào của ký ức vọng về từ đâu đó. Sơn dò dẫm bước ra ngoài sân. Anh từ từ ngửa mặt lên trời. Trước mắt anh mênh mông một màu tối đục. Đã ba năm nay anh không nhìn thấy gì. Một trận ốm làm mắt anh lòa đi rồi dần dần tối lại. Cũng gần ba năm trước, các bác sĩ chuyên khoa mắt thực hiện cuộc phẫu thuật mắt cho anh, họ đã thất bại. Anh bỏ dở sự nghiệp học hành trở về quê. Nhiều lúc anh nghĩ đến cái chết. Anh quên mọi vui thú, mọi gặp gỡ, mọi trò chuyện."Đêm nay có trăng". Câu nói đó như một tiếng gọi. Nó thì thầm dẫn anh ra khỏi nhà. Anh lần ra đê và xuống bến sông. Gió hạ về đêm mát rượi thổi tung tóc anh. Anh ngước mắt lên lần nữa. Trời trong mắt anh tối thẫm. Anh bước đi chuếnh choáng. Anh đã thấy mình ở rất gần sông bởi hơi nước mát rượi trong gió. Anh như nghe thấy tiếng sông chảy. Tiếng chảy dịu dàng làm tan đi những mệt mỏi, u buồn. Anh cởi áo, bước từng bước xuống dòng sông. Nước sông đêm chầm chậm dâng lên trong cơ thể anh. Anh nhoài người bơi. Từ trên đê thoang thoảng vọng lại tiếng cười của các cô gái đi chơi trăng, hóng gió. Cứ thế, anh như tan vào nước sông và thênh thang trôi. Ý nghĩ và da thịt anh như mê man trong nước mát rười rượi và sự tĩnh lặng mênh mang của trời đất đầy trăng.

- Ai thế này?
Một tiếng con gái thảng thốt làm Sơn giật tỉnh. Anh dừng lại, ngơ ngác. Xung quanh anh trời đất mờ đen. Anh lặng lẽ khỏa nước đi về phía tiếng người vừa cất lên.
- Ai thế này? Người ta đang tắm mà cứ sấn đến làm gì?
Sơn chợt hiểu. Có một cô gái đang tắm đêm. Anh vừa thấy xấu hổ vừa thấy cay đắng. Anh vội nói:
- Xin lỗi cô. Tôi... tôi không nhìn thấy. Tối quá.
- Trăng vằng vặc thế này mà bảo tối. Giọng cô gái đầy vẻ tức giận.
- Tôi... tôi, tôi bị... hỏng mắt.
Dòng sông chợt lặng phắc như không còn một giọt nước sau câu nói của Sơn.
- Tôi xin lỗi anh - Giọng cô gái rất khẽ - Tôi không biết.
Dòng sông lại lặng phắc sau câu nói của cô gái.
- Con gái mà lại tắm đêm một mình thế này, không sợ à?
- Tôi thích thế. Mà có gì phải sợ.
- Cô ở trên xóm Sóc à?
- Vâng.
- Lâu lắm tôi mới lại tắm sông, đã gần ba năm nay rồi, từ ngày mắt tôi bị hỏng.
Sau câu nói đó, hai người cùng im lặng. Họ nghe thấy tiếng những giọt nước chảy từ tóc họ xuống mặt sông.
- Trăng đẹp lắm phải không cô?
- Vâng. Cô gái đáp sau hồi im lặng rất lâu.
- Cô có thể kể cho tôi nghe trăng đêm nay đẹp như thế nào. Ba năm nay, tôi không được nhìn thấy ánh sáng, nhất là thấy trăng. Trước mắt tôi là màn đêm dằng dặc. Nhiều lúc tôi nghĩ lấy dao rạch mắt thì tôi có thể nhìn thấy ánh sáng...
- Anh đừng nói dại mồm - Cô gái vội kêu lên.
- Cô kể cho tôi nghe đi!
Cô gái lại im lặng rất lâu. Cuối cùng cô nói khẽ:
- Vâng, tôi sẽ kể cho anh, nhưng kể như thế nào nhỉ? Hôm nay là mười ba, sắp rằm rồi, trăng đêm nay...

Sơn từ từ ngước lên. Gió đêm như lòng sông thức dậy và khẽ rướn mình. Bầu trời mênh mang! Trăng như đang trôi miên man. Và hình như có những âm thanh như tiếng những chiếc chuông bạc, chuông vàng mỏng tang đang trôi bất tận không bờ bến. Sông như không còn đôi bờ đất nữa. Nước sông như dâng ngập cả đất trời hay đó là ánh trăng chảy giàn giụa xóa đi mọi giới hạn. Những lá cỏ bên bờ sông kia kìa. Chúng đang hắt những tia sáng trong vắt. Và xa hơn một chút là những vòm cây như những vòm ánh sáng xanh mơ màng và run rẩy. Và xa nữa là dãy núi. Dãy núi đang thiêm thiếp trong trăng. Cả dãy núi như bằng kim cương. Và xa nữa, xa nữa, những dải mây mỏng, ánh bạc, run rẩy và mơ hồ như đang trôi về xứ sở của thần thoại. Và gần lại, gần lại, dòng sông như một dòng ánh sáng chói lòa. Và trong dòng nước ấy có những con cá làm bằng pha lê...
Sơn như trôi đến bến bờ của xứ sở trăng. Anh đưa bàn tay về phía trước. Những ngón tay của anh run rẩy. Trước anh, một thế giới của ánh sáng lại từ từ mở ra bất tận.
- Thôi anh lên bờ đi kẻo lạnh. Mình tắm lâu quá rồi. Em phải về.
- Đừng - Sơn vội kêu. Anh vừa chợt thoát ra khỏi cơn mê ánh sáng. - Cám ơn em, anh cám ơn em...
- Về đi anh, lạnh lắm rồi đấy, ở dưới nước lâu ốm mất.
Cô gái nói và đi lên bờ.
- Nhà em ở ngay đây thôi. Anh trở lại bến nhà anh đi. Anh cứ đi dưới sông dễ hơn đi trên bờ.
- Anh muốn gặp lại em. Tối mai em có xuống sông không?
Im lặng.
- Anh muốn nghe em kể...
- Vâng. Em sẽ xuống bến.
Đêm hôm sau. Sơn lại ra sông và bơi về phía bến xóm cô gái.
- Anh đấy à?
Tiếng cô gái vang khẽ trên mặt sông.
- Anh đây.
- Mình lên bờ ngồi, kẻo ở lâu dưới nước lạnh đấy.
Sơn đi theo tiếng khỏa nước của cô gái lên bờ. Họ ngồi xuống bãi cát. Và sau một hồi im lặng, cô gái lại kể cho Sơn nghe tất cả. Rồi cứ thế, theo lời kể của cô, Sơn lại trôi mê man vào thế giới của ánh sáng. Và anh lại giật mình thoát ra khỏi cơn mê khi nghe thấy tiếng cô giục anh về.
- Tên em là gì?
- Đừng hỏi tên em. Chúng ta gặp nhau thế này là được rồi.
Và cứ thế, đêm đêm Sơn lại xuống sông và bơi về phía bến xóm cô gái. Họ lại ngồi bên nhau.
- Cuối tuần trăng rồi - Giọng cô gái thoáng buồn.
- Đêm nay trăng ở xa lắm...
Trăng cuối tháng buồn hơn. Dòng sông như chảy chậm hơn. Những con cá sông bơi chậm hơn. Và cây đôi bờ như thổn thức hơn. Mây như nặng hơn và gió như không muốn rướn mình nữa.
Đêm sau đó, Sơn lại gặp cô gái. Họ lại ngồi xuống bãi cát. Cô nói:
- Đêm nay em không kể cho anh nghe nữa. Mà anh hãy tự kể cho em nghe.
Cô gái đặt bàn tay mình lên tay anh, Sơn quay về phía cô. Anh như chợt thấy gương mặt cô hiện lên mỗi lúc một rõ.
- Anh kể đi, kể đi anh...
Tiếng cô gái thì thầm như từ trăng vọng xuống. Sơn ngước mắt lên. Và như từ đáy của bóng tối, vầng trăng lặng lẽ hiện lên và lặng lẽ tỏa sáng dần dần.
Khi Sơn dứt lời, cô gái ôm lấy cánh tay anh nói như thở:
- Anh ơi, anh nhìn đúng trăng rồi đấy, thật mà... Anh ơi!
Sơn đưa tay vuốt mái tóc cô gái:
- Em tên là gì? Sao em lại không cho anh biết tên?
- Đừng hỏi tên em. Nếu anh cứ muốn biết tên em, em sẽ không bao giờ gặp lại anh nữa. Anh hứa với em là không được hỏi tên em, anh nhé!
- Anh hứa.
Và rồi những đêm tiếp theo, cô gái ngồi nghe Sơn kể. Giọng anh rành mạch, mơ hồ, reo vui và buồn bã. Một đêm khi anh vừa dứt lời kể, anh nghe tiếng cô gái khóc. Cô cố kìm tiếng khóc nhưng Sơn vẫn nghe được.
- Làm sao em khóc? - Sơn hỏi hốt hoảng.
- Không... không... Ngày mai chúng ta không gặp được nhau nữa. Đêm mai gần sáng trăng mới lên.
- Nhưng anh không thể không gặp em được.
- Anh hãy nghe em nói đây. Anh hãy trở lại bệnh viện. Bác sĩ sẽ mổ mắt cho anh một lần nữa.
- Không còn hi vọng gì đâu - Giọng Sơn buồn bã.
- Nhất định lần này họ sẽ chữa khỏi mắt cho anh. Anh phải nghe em, đừng phụ lòng mong muốn của em. Anh hứa với em đi!
- Anh hứa.
Đêm ấy họ ở bên nhau rất lâu, im lặng. Cả hai cùng hướng về phía vầng trăng cuối tháng xa xăm. Gió vẫn thì thào đi qua họ.
- Anh về đi. Khuya rồi.
Cô gái nói và đứng dậy. Sơn đứng lên theo và bước lại gần cô gái. Anh thấy cô đang nhìn anh. Gương mặt cô đẹp như vầng trăng sau một lớp mây trắng mỏng. Anh thấy đôi mắt cô đẹp lạ lùng và thăm thẳm. Anh bước lại gần cô hơn nữa. Và anh thấy hơi thở cô nóng hổi phả vào một vùng đâu đó trên gương mặt anh thì cô nói:
- Về đi anh. Khuya lắm rồi. Em cầu chúc anh may mắn. Anh về đi...
Nói xong, cô vội quay người và bước đi như chạy về phía xóm cô dưới chân đê. Anh cảm thấy như cô đang vừa chạy vừa khóc. Các bác sĩ vui mừng khi ca mổ mắt lần thứ hai cho anh thành công. Trước ngày ra viện, họ hỏi anh trong suốt thời gian từ lần phẫu thuật trước đến lần phẫu thuật này anh đã điều trị bằng những loại thuốc nào. Khi anh trả lời họ rằng anh không hề dùng bất kỳ một loại thuốc gì thì họ không tin. Bác sĩ trưởng khoa nói với anh: "Phải có một loại thuốc rất tốt mới làm cho một số cơ quan chức năng của mắt anh hồi phục. Bởi thế ca mổ của chúng tôi mới thành công. Anh hãy nói cho chúng tôi biết để chúng tôi có thể áp dụng giúp những bệnh án như của anh". Anh im lặng hồi lâu và khẽ nói: "Chỉ có một người con gái. Người ấy đã mang đến cho tôi niềm khao khát nhìn thấy ánh sáng và đã cho tôi thấy vẻ đẹp thật của ánh sáng".
Anh trở về làng. Tin anh chữa khỏi mắt sau ba năm bị mù lan khắp vùng. Sau một ngày ở nhà tiếp bà con hàng xóm đến chúc mừng, anh vội đi tìm cô gái. Anh không có một thông tin gì về cô ngoài một chi tiết là cô thường xuống sông tắm vào những đêm trăng mùa hạ, nhưng khi hỏi thăm những người xóm bãi của cô gái, anh không dám nói cho họ biết chi tiết ấy. Cuối cùng, vì khao khát gặp cô gái và để được nhìn thấy cô, anh phải nói ra sự thật ấy về cô. Nghe anh nói xong, mọi người à lên một tiếng, nhưng sau đó họ nhìn nhau im lặng. Cuối cùng, một người già bước đến trước anh. Ông nhìn anh vừa ái ngại vừa thông cảm:
- Nó là con Nhung - ông nói khẽ.
- Bác làm ơn chỉ cho cháu nhà của Nhung - Sơn vội vã nói như sợ ông già biến mất.
- Nó bỏ nhà đi đâu mấy ngày nay rồi.
- Cô ấy đi đâu hả bác? Tại sao cô ấy lại bỏ đi?
- Không ai biết nó đi đâu. - Ông già thở dài - Và cũng không ai biết vì sao nó bỏ đi. Tội nghiệp con bé, nó bị mù từ thuở lọt lòng mẹ!

8/18/23

Câu chuyện dòng sông

 1.


Với tôi, mùa hè năm nay đã chấm dứt, dù cái nóng cháy da rát mặt vẫn dai dẳng kéo dài. Đầu tháng 8, tôi chính thức trở thành một người cha có con đi học xa nhà. Dù rất không muốn, nhưng vợ chồng tôi cũng phải nén lòng để Ý Vy đi Houston theo học tại Rice University. Vì tương lai của con, đó là điều chúng tôi đem ra để tự an ủi lẫn nhau. Điều làm chúng tôi an lòng hơn nữa, là Ý Vy sẽ ở với dì ruột của mình, nhà cách trường khỏang 20 phút lái xe và chỉ phải vượt qua một xa lộ là tới. Sẩy mẹ bú dì. Thôi thì cũng là một cách để vơi bớt nỗi buồn của căn nhà từ nay vắng đi một đứa con.

Hôm chính thức hòan tất việc tái tân trang “hộ khẩu văn chương” của tôi, hai bố con đã bùi ngùi nhìn nhau. Sau một mùa hè bận rộn líck kích với đủ mọi thứ lỉnh kỉnh của việc “sửa nhà, dọn nhà”, chúng tôi còn một tuần lễ thảnh thơi trước ngày Ý Vy lên đường. Và tất nhiên, chúng tôi không phí phạm chút nào thời gian của một tuần lễ thảnh thơi ấy.

Con gái hiểu rằng, sau tuần lễ này, căn nhà đầy ắp kỷ niệm của 10 năm qua sẽ trở thành “quán trọ”. Con ra đi, con sẽ trở về, nhưng chỉ như người ở trọ. Căn phòng của con vẫn sẽ là của con, nguyên vẹn như ngày con rời nhà lần đầu tiên, nhưng những ngày xưa ấy, con đã biết sẽ không bao giờ trở lại.

Như bao đứa con khác của những người cha, người mẹ, con phải lên đường để bắt đầu cuộc hành trình làm người. Cuộc sống của con đang mở ra trước mặt. Sau lưng con chỉ có kỷ niệm, và tuổi trẻ thì chưa biết trân quý kỷ niệm. Thế nên, con chỉ có một hướng nhìn phía trước.

Như bao người cha của quá khứ, của hiện tại và của tương lai, tôi phải tiễn con lên đường và chúc phúc cho nó. Hãy hòan tất những ước vọng đời mình. Hãy học biết chấp nhận đau khổ, thất bại. Hãy tập cho cứng lòng với những cuộc chia tay. Cuộc chia tay hôm nay chỉ là một bài tập vỡ lòng chuẩn bị cho những cuộc chia tay trong tương lai. Những cuộc chia tay không một ai tránh khỏi. Những cuộc chia tay đứt ruột xé lòng.

Từ những cuộc chia tay, người ta thấy được những gì? Chắc không chỉ là giọt nước mắt lau vội, vòng tay ôm vội vã hay ánh mắt dõi theo cho đến khi người thân yêu đã khuất bóng.

Đêm trước ngày đưa con gái đi học xa, đến giờ ngủ, như thường lệ tôi đưa con vào phòng ngủ. Khi con đã nằm xuống, tôi kéo tấm chăn mỏng mùa hè đắp lên ngực con, cúi hôn lên trán và thì thầm câu chúc quen thuộc của 18 năm nay “good night!”. Trong ánh sáng leo lét của bóng đèn ngủ cuối phòng, tôi đứng đó nhìn giường con, rất lâu. Sau đêm nay, chiếc giường sẽ trống vắng. Cảm giác trong tôi bỗng hụt hẫng, thứ cảm giác tôi chưa từng biết tới bao giờ. Kể từ ngày mai, liệu tôi có chịu đựng được căn nhà này thiếu đi bóng dáng nhỏ nhắn của đứa con gái đầu lòng?

2.

Đêm đó, tôi đọc lại “Câu chuyện dòng sông” của Hermann Hesse qua bản dịch tuyệt vời của Phùng Khánh, Phùng Thăng, quyển sách gối đầu giường của tôi từ những ngày còn cắp sách đến trường.

“ . . . Tất Đạt bước vào phòng khi cha đang ngồi trên một tấm đệm. Chàng tiến đến sau lưng cha và đứng lặng cho đến khi cha biết có chàng.
– Con đấy ư, Tất Đạt? Ông hỏi. Cứ nói lên cho cha nghe những gì con đang nghĩ.
– Thưa cha, nếu cha cho phép, con đến thưa cha rằng con muốn rời nhà ngày mai, để đi theo những người khổ hạnh. Con muốn trở thành một vị Sa Môn. Con tin rằng cha sẽ không ngăn cản.
Người hiền triết Bà La Môn lặng im rất lâu, lâu quá đến nỗi khi những vì sao đã lạc qua song cửa nhỏ và chuyển hướng, sự im lặng trong gian phòng mới được đánh tan. Người con đứng lặng, hai vòng tay khép chặt. Người cha cũng bất động ngồi trên chiếc thảm. Những ngôi sao băng qua nền trời. Rồi ông bảo:
– Không lẽ cha, một người tu đạo lại thốt lời giận dữ hùng hổ, nhưng cha rất bất bình. Cha không muốn con lặp lại lời xin ấy một lần nữa.
Bậc hiền nhân từ từ đứng lên. Tất Đạt vẫn khoanh tay đứng lặng.
– Tại sao còn đợi đấy? Cha chàng hỏi.
– Cha cũng hiểu tại sao rồi. Chàng đáp.
Người cha rời phòng, bất mãn và đi nằm.
Khi đã một giờ trôi qua không ngủ được, vị hiền nhân đứng dậy, đi bách bộ ra khỏi nhà. Ông nhìn qua cửa sổ nhỏ và thấy Tất Đạt vẫn đứng khoanh tay bất động. Ông có thể thấy chiếc áo nhạt của chàng thấp thoáng. Tâm hồn bất an, người cha trở về giường nằm. Một giờ nữa lại trôi qua, ông không ngủ được, lại trở dậy đi bách bộ, ra khỏi nhà và thấy trăng đã lên. Ông nhìn qua cửa sổ. Tất Đạt còn đứng đấy bất động, vòng tay vẫn khép; mảnh trăng chiếu sáng trên chân chàng. Người cha đi ngủ, lòng xao xuyến.
Một giờ sau ông trở ra và hai giờ sau ra lại, nhìn qua cửa sổ thấy Tất Đạt vẫn còn đứng đó trong ánh trăng, trong ánh sao, trong đêm tối. Ông yên lặng trở lại hàng giờ, và vẫn thấy Tất Đạt đứng đấy bất động. Lòng ông tràn ngập giận, lo, sợ và buồn.
Vào giờ cuối đêm, trước bình minh, người cha trở lại, đi vào phòng và thấy đứa con niên thiếu vẫn còn đứng.
Ông trông thấy dáng chàng cao xa lạ với mình. Ông gọi:
– Này Tất Đạt, sao con còn đợi kia?
– Cha đã biết tại sao.
– Con có đợi được đến mai, trưa, chiều hay không?
– Con sẽ đứng và đợi.
– Con sẽ mệt mỏi, Tất Đạt?
– Con không mệt mỏi.
– Con sẽ buồn ngủ, Tất Đạt?
– Con sẽ không buồn ngủ.
– Con sẽ chết, Tất Đạt?
– Con sẽ chết.
– Và con thà chết còn hơn là nghe lời cha con?
– Con luôn luôn nghe lời cha.
– Vậy thì con hãy bỏ ý định của con đi?
– Con sẽ làm những gì cha dạy bảo.
Ánh sáng đầu tiên của ngày lan vào phòng. Người Bà La Môn trông thấy hai đầu gối của Tất Đạt run nhẹ, nhưng gương mặt chàng bình thản, đôi mắt nhìn vô tận. Người cha nhận ra rằng Tất Đạt không thể ở lại với mình lâu hơn – rằng Tất Đạt sắp rời bỏ mình. Ông đặt tay lên vai Tất Đạt và bảo:
– Con sẽ đi vào rừng làm thầy Sa Môn. Nếu con tìm thấy hạnh phúc trong rừng sâu, hãy trở về và chỉ lại cho ta. Nếu con thấy đấy chỉ là ảo tưởng, hãy trở về, và chúng ta sẽ lại cúng tế các thần linh. Bây giờ hãy hôn mẹ con và thưa lại cho mẹ hay nơi con đến. Còn ta đã đến giờ ra sông làm lễ thánh tẩy. . .” (trích “Câu chuyện dòng sông” của Hermann Hess, bản dịch Phùng Khánh, Phùng Thăng).

3.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy với tâm trạng bình thản hơn là tôi mong đợi. Gia đình tôi chuẩn bị lên đường cho cuộc hành trình 12 tiếng đồng hồ lái xe. Đường tuy xa nhưng chẳng phải là vô tận. Rồi đây, con đường xuyên bang Wichita-Houston sẽ trở thành quen thuộc. Tôi phải tập cho quen với những đổi thay của đời sống.

Nhưng ở tuổi này mà còn phải tập tành như thế thì thật là tội nghiệp cho vợ chồng già chúng tôi.

T.Vấn



Sách nói : Câu chuyện dòng sông

8/1/23

Nồi Canh Chua Của Má

Đỗ Cường 


Ngày xưa nhà tôi nghèo lắm, đến bữa ăn gia đình thường quây quần bên mâm cơm đạm bạc, không có người ăn trước người ăn sau, bởi nếu như vậy thức ăn sẽ không đủ cả cho gia đình mười người con.

Anh em có một thông lệ ngầm là mỗi tháng phải nấu hai lần canh chua, đó là ngày Ba tôi lãnh lương và ngày anh em chúng tôi đề nghị.

Mỗi lần nghe Ba tôi nói với Má: “Bà ơi mai nấu canh chua nghe bà” dường như đêm đó tôi không ngủ được, thử hỏi một thằng con trai còn non và chưa xanh vừa tròn mười lăm tuổi… ngày mai xách giỏ lẽo đẽo đi chợ với Má, thì ôi thôi “còn có danh gì với núi sông“ nữa.

Vào chợ, Má lựa chọn tỉ mỉ, cá phải là cá còn sống, rau phải tươi ngon, trái me không được già hay non quá, khóm mua nguyên trái vừa chín tới, bạc hà mới cắt phải còn mủ, lấy móng tay bấm vào phải xốp…

Việc mua nguyên liệu, Má đã cẩn thận, thì công đoạn nấu nồi canh chua còn công phu hơn nữa, để cạo lớp nhớt trên mình con cá Hú (Ú) phải là nước sôi vừa “reo” sau đó chà xát với muối tránh mùi tanh, cá cắt ra từng khứa bằng nhau để vào rỗ cho ráo nước không được để trên dĩa cá đọng nước sẽ không ngon, trái me cạo sạch và dằm me bên ngoài lấy nước chua tuyệt đối không dằm me trong nồi canh chua, khóm và các rau khác xắt ra đều để thứ tự trong rỗ…

Khi nghe tiếng xe đi làm về của Ba tôi ngoài cửa, Má tôi mới bắt đầu nấu nồi canh chua, Má nói nồi canh chua không được nấu sớm hay trễ quá sẽ mất đi mùi vị của nồi canh chua, giống như trái cây chín tới khi ăn mới cảm nhận được cái ngon của nó.

Tôi không quên được tiếng húp xì sụp, những giọt mồ hôi chảy dài của anh em tôi bên mâm cơm bởi vị ngon của tô canh chua.

”Bà nấu ngon quá“ Ba tôi khen.
Nhìn chồng và các con ăn, tôi thấy gương mặt Má tôi hạnh phúc và mãn nguyện.

Có lần Má tôi hỏi:
“Theo con nguyên liệu nào quan trọng nhất của nồi canh chua?”.
Tôi liền đáp: “Cá, me, bạc hà phải không Má“.
Má từ tốn nói: “Nếu chỉ có cá, me, bạc hà là nguyên liệu chính để quyết định nồi canh chua ngon, theo Má như vậy thì chưa đủ, con thử nghĩ nếu canh chua thiếu chút ớt hay hành, ngò, giá … thì hương vị của canh chua như thế nào?. Tuy những nguyên liệu đó không sánh được với nguyên liệu khác, nhưng nó là yếu tố quan trọng làm kết dính những mùi vị khác để hình thành nồi canh chua ngon.”

Những điều Má tôi nói, giúp tôi hiểu ra được nhiều vấn đề trong đó có việc học của tôi, trong lớp tôi chỉ giỏi toán, lý, hóa, sinh ngữ còn những môn khác tôi không cho là quan trọng.

Từ dạo đó tôi ít đi chơi chăm học hơn những môn kém, đi học về tôi phụ giúp Má nhiều hơn và việc học của tôi tiến bộ.
Tôi nghĩ “Trong cuộc sống có những vật bình thường ở cạnh mình, mình không gìn giữ, trân trọng khi mình cần nó đã thất lạc hay bị mất đi làm mình tiếc nuối khôn nguôi.”

Ba năm sau!

Vào một chiều mưa muộn, Má tôi đã bỏ anh em tôi ra đi mãi mãi!

Tạo hóa rất công bằng và oan nghiệt, tạo hóa ban tặng cho tôi một người Mẹ để tôi sống trong yêu thương, giận hờn, vòi vĩnh và tạo hóa đòi lại người Mẹ của tôi, chưa cho anh em tôi đủ trưởng thành để được báo hiếu.

Từ ngày Má mất, gia đình tôi ít tiếng đùa vui, anh em tự chăm sóc cho nhau, đi học về tôi nấu nướng chính cho gia đình. Riêng ba tôi tóc bạc nhiều, ít nói và trầm mặc.

Có những lần tôi chợt thức giấc nửa đêm thấy Ba ngồi ngoài sân nhìn vào cõi xa xăm, tôi biết Ba tôi đang nhớ Má lắm, Ba thật cô đơn như chết nửa tâm hồn.

Tháng năm dần qua, anh em tôi ra đời làm việc, người thành đạt, người công chức, người giáo viên cuộc sống ổn định.
Riêng tôi, hành trang ra đời là nồi canh chua của Má, cái nồi canh chua dân miền Nam ai cũng nấu được, chỉ khác nhau sự nêm nếm, tùy theo khẩu vị mọi người khi ăn xong chỉ khen ngon hay dở mà thôi.

Nồi canh chua của Má cũng dung dị như bao nồi canh chua khác. Nhưng với tôi nồi canh chua của Má lại có tính triết lý dạy cho tôi biết vận dụng trong cuộc sống và ngộ ra được nhiều điều.

Ở công ty, tôi biết coi trọng chị nấu bếp, anh lái xe, người bảo vệ… Tôi không coi tôi là một khúc cá, me và bạc hà để quyết định nồi canh chua, chính họ - ngò, ớt, hành… là những nguyên liệu quan trọng kết dính để phát triển công ty, và tôi đã thành công.

Với con tôi, tôi là người cha, người bạn, người thầy và cả là người em nữa.
Mọi người tin tôi không? “Bố ơiiiiiii tắm con”
“ Yes Sirrrrrr “ !!!

Được Má chỉ dẫn phương thức nấu nhưng tôi chưa bao giờ nấu được nồi canh chua ngon như Má tôi.
Nhân ngày họp mặt, anh em đề nghị tôi nấu nồi canh chua, tôi tận dụng mọi kỹ năng của mình để hoàn thành nồi canh chua thật to đãi các anh em.

Đang ăn cơm, tôi thấy mọi người ăn trầm ngâm và đăm chiêu, đến khi đứa em út thốt lên một câu “Ăn canh chua làm em nhớ Má!“, từng đôi đũa để chầm chậm xuống bàn, mọi người từ từ đứng dậy không nói với nhau lời nào, tôi biết anh em đang hoài niệm lại ngày Má còn sống bên tuổi ấu thơ của chúng tôi.

Nồi canh chua của tôi nhạt nhẽo!

Nồi canh chua tôi nấu dư thừa của người có tiền, còn Má tôi phải đi từ đầu chợ đến cuối chợ trả giá, mua con cá vừa phải, xin thêm người bán cọng ngò trái ớt … vì túi tiền eo hẹp.

Nồi canh chua, tôi nấu nhanh chóng vì có người giúp việc.

Nồi canh chua của Má tự tay làm có pha mồ hôi và nước mắt vì khói củi cay xè.

Canh chua của tôi vừa ăn có nhạc du dương, còn canh chua của Má chỉ có mồ hôi và tiếng xì xụp, đũa muỗng lanh canh của mười đứa con đang đói.

Canh chua của Má tràn ngập thương yêu có sự đợi chờ chồng và các con về trong hạnh phúc đầy mãn nguyện, còn canh chua của tôi thì mau chóng, no nê và thừa thải.

Má tôi luôn luôn là người ăn sau cùng, có lần nghe thằng Út nói lại với tôi:
“Má mút lại những cái xương cá của anh em mình đó anh!”
Em hỏi Má, Má quay đi chỗ khác và nói
“Tụi con ăn phí quá!”

Đây là bài học có lẽ tôi không bao giờ quên cho đến khi xuôi tay nhắm mắt.

Nếu tôi được một điều ước, tôi sẽ ước Má tôi sống lại để anh em tôi được phụng dưỡng Má, dù tạo hóa có lấy đi bao nhiêu tuổi thọ của tôi cho điều ước đó tôi cũng vui vẻ chấp nhận, mãi được ôm Má vào lòng và gọi hai tiếng: “Má Ơi”.


Nghe : Tài Nguyễn đọc

7/24/23

Lối Xưa Xe Ngựa

Trần Mộng Tú

Mẹ tôi kể, cuối năm 1943, ảnh hưởng đảo chính Nhật, gia đình tôi phải tạm tản cư từ Hà Nội ra ngoài thành phố; lúc đó mẹ tôi đang có mang tôi sắp tới ngày sanh, mẹ được chở trên một chiếc xe bò có lót rơm, vào Hà Đông thì tôi được sanh ra trên xe bò, nên trong giấy khai sanh, nơi sanh là Hà Đông (đáng nhẽ tôi phải được đặt tên là Rơm mới đúng.)

Ảnh: Diễn Đàn Thế Kỷ
Trong gia đình, các anh chị em tôi đều được đi xe tay, xe kéo, đến nhà thương (lúc đó chưa gọi là bệnh viện) ra đời ở Hà Nội, duy chỉ có mình tôi được sanh trên xe rơm do hai con bò chở. Như vậy xe bò là phương tiện di chuyển đầu tiên tôi được dùng. Về sau mẹ lại kể, vào năm 1946 vẫn loạn lạc, gia đình tôi chạy từ Hà Nội về Thái Bình; lúc đó, cô út mới 5 tháng, còn đỏ hỏn, tôi mới hai tuổi, mẹ tôi phải thuê người gánh tôi và cô út trong hai cái thúng. Còn anh chị tôi thì một người mẹ dắt, một người bố dắt. Phương tiện di chuyển thứ hai của tôi là được gánh bằng thúng.

Tôi lớn lên ở Hà Nội, Hải Phòng, trưởng thành ở Sài Gòn, những chiếc xe kế tiếp tôi được đi là: xe đạp, bus, xích lô đạp, taxi, xe đò, xe lam, xe thổ mộ, xe gắn máy (chỉ ngồi sau lưng tài xế) và phà. Mỗi phương tiện di chuyển này đều để lại trong tôi một ký ức ngọt ngào.

Thuở mới lên mười tập xe đạp với bạn, đầu gối, khuỷu tay lúc nào cũng rớm máu, sây sát vẫn hẹn hò tập nữa, chưa đi giỏi đã chở nhau, ngã lên ngã xuống. Chao ôi, là hạnh phúc!

Xe bus tôi đi ở thời gian trung học, lúc nào cũng bị dồn vào một góc xe, không nhìn thấy trạm xuống. Nhưng đi trên xe bus tôi học được nhiều điều qua những nét mặt của từng người. Nét mặt, nụ cười hồn nhiên của học trò, nét băn khoăn của giới công, tư chức, nét mệt mỏi của những người lao động. Tất cả chen chúc, hối hả lên, hối hả xuống. Tôi hay ngoái cổ nhìn theo những cái lưng vừa được thả xuống lề đường. Có cái lưng lấm tấm, có cái lưng ướt đẫm mồ hôi.

Tôi cũng thích di chuyển bằng xích lô đạp lắm, thong thả và thoáng. Nắng quá có mui kéo lên, mưa có cánh gà thả xuống. Xích lô đạp không bí và ngột ngạt mùi xăng như taxi. Taxi ở Sài Gòn hồi đó là những chiếc xe nhỏ, cũ, của hãng Renaul, lúc nào cũng ngộp mùi xăng.

Tôi nhớ lại, có lần các cô học trò mới lớn, ngồi nói chuyện “người chồng lý tưởng” với nhau. Mỗi người chọn một ông chồng tiêu chuẩn đẹp trai, con nhà gia giáo, hoặc “phải có danh gì với núi sông.” Tôi nói một cách hồn nhiên: “Tao xí ông xích lô đạp, để chở tao mỗi ngày.” Cả nhóm bạn cười ầm lên: “Nhỏ này ngu, cứ có tiền là có xích lô đi, việc gì phải lấy anh phu xe.”

Sau thấy anh xích lô ở trong ngõ gần nhà, có hai vợ, anh đi làm về, uống rượu, và đánh cả hai bà vợ quá xá, tôi đâm hoảng, không dám tuyên bố dại dột nữa. Không dại dột mơ ông xích lô hay đánh vợ, nhưng khi trưởng thành đã đi làm, vẫn thích đi xích lô đạp. Nhà tôi ở Thị Nghè, văn phòng hãng thông tấn Associated Press ở lầu 4, trong khu thương xá Eden. Ông xích lô tháng của tôi ở Thủ Đức, sáng sáng ông lên đón tôi, thả tôi xuống Nguyễn Huệ, ông đi kiếm khách nguyên ngày, chiều về ghé đón. Có hôm tôi đi chơi với “bồ” thì ông về xe không.

Xích lô máy tôi sợ lắm, đi thử một, hai lần rồi. Bay nón, bay tóc, bay áo, và có thể bay luôn cả linh hồn xuống đường.

Thuở bắt đầu có hẹn hò, đưa đón, thích nhất được ngồi sau Vespa hay xe Honda của các chàng. Ngồi mà không dám ngồi sát, hai chân về một phía, khi mặc robe còn phải hai chân để chồng lên nhau; nếu chưa thân lắm, phải giữ một khoảng cách với cái lưng đằng trước, không dám ngồi thật sát, nên có khi suýt ngã mỗi lần xe quẹo hay xe ngừng.

Những con đường Sài Gòn ngày đó không chen chúc quá đáng, có những đường đôi khi còn vắng bóng xe, thỉnh thoảng mới có xích lô đạp đi vào như đường Cường Để, Đồn Đất. Mọi người, mọi vật thong thả, đám mây trên cao cũng thong dong trôi.

Xe lam, thỉnh thoảng chờ taxi hay xích lô đạp mãi không được, cũng trèo lên xe lam. Xe lam không cần đến bến, không có bảng đậu như xe bus, miễn mình biết đường đó có xe lam chạy, cứ chờ xe đi qua, vẫy tay xe còn chỗ sẽ ngừng lại cho lên, muốn xuống, cứ ơi ới kêu tốp tốp, là được thả xuống. Nhưng đi xe lam chẳng thấy nên thơ tí nào cả.

Xe thổ mộ thì tuyệt vời, không phải ở đâu cũng có. Sài Gòn không có xe thổ mộ đã lâu lắm rồi. Tôi nhớ chỉ một hai năm đầu vào Nam thấy xe thổ mộ đưa các bà đi chợ. Sau này mỗi lần từ Sài Gòn xuống Bình Dương, tôi được đi xe thổ mộ từ bến xe đò Bình Dương về nhà dì tôi ở đường Châu văn Tiếp, quá miếu tử trận một chút. Tiếng vó ngựa gõ lóc cóc trên đường nghe hay lắm, lúc đó chẳng biết diễn tả thế nào, âm thanh khô và dứt khoát, xe đi dọc bờ sông Bình Dương (do sông Bé chẩy qua tỉnh), đường xá rộng, xe ít, người thưa, gió từ sông thổi lên, chiếc xe lắc nhẹ như đưa võng, thỉnh thoảng nghe tiếng roi của người xà ích quất nhẹ vào mông ngựa. Cái cảm giác cô gái tỉnh thành được về quê chơi, cái gì cũng thấy hay, cũng lạ tai, lạ mắt, cũng đẹp. Xe đưa về đến sát hàng rào nhà dì tôi, nhìn thấy cái giếng nước trong sân mới phải nhẩy xuống. Thời niên thiếu quê nhà, chao ơi, làm sao tả!

Tôi cũng thích được đi qua phà. Một người bạn thân của anh tôi, hồi đó hay cho tôi qua phà Thủ Thiêm chơi. Những hôm trời mưa lâm râm qua phà trên sông Sài Gòn thấy mênh mông, buồn và đẹp làm sao! Mới lớn mà, anh hơn tôi đến bảy, tám tuổi. Chắc anh cũng còn nhớ mãi kỷ niệm những lần dắt tay một cô bé qua phà. Rồi những dịp hè, (trước 1963 đường sá còn yên ổn) chị em tôi được cha mẹ cho đi xuống tận Bạc Liêu, nơi cô chú tôi ở, phải qua hai cái bắc: bắc Mỹ Thuận và bắc CầnThơ.

Tôi yêu cái không khí nhộn nhịp, khi xe đò đậu lại, chờ sang phà. Tiếng rao của các hàng quà bánh, hình ảnh của những người bán hàng, khăn rằn vắt vai, hay nón lá đội đầu; những thúng, những rổ đựng: ổi xá lị, ốc gạo, mía ghim, xoài, cóc, thơm v.v, sao mà đẹp thế! Sau năm 1963 cha mẹ chúng tôi không cho con đi xe đò xa nữa, vì đường sá bắt đầu bất an. Bây giờ, ngồi đây, nhớ lại cái cảnh đất nước thái hòa đó vẫn ứa nước mắt.

Nhưng chuyến về Việt Nam vừa qua, cho tôi một cái nhìn về giao thông hoàn toàn đổi khác. Trước tiên Sài Gòn là nơi dân quê cả ba miền tụ về kiếm sống. Càng đông người, càng nhiều việc, người tăng thì xe cộ tăng theo, gần như 90% gia đình có xe gắn máy, gia đình năm người, thì cũng phải cần đến ba cái xe gắn máy, để sáng ra đi làm, mỗi người về một hướng.

Trước khi lên xe gắn máy, ai cũng cần có kính râm, khẩu trang, nón sắt, găng tay, nếu phụ nữ mặc áo ngắn tay thì găng lên đến cùi chỏ, em bé đi theo còn có một tấm voan trùm đầu che bụi. Người Sài Gòn gọi đó là “võ trang đến tận răng”. Dân số Sài Gòn hiện nay theo thống kê chính thức là 8.5 triệu, nhưng người ta cộng thêm số người chưa kiểm soát được có thể lên đến 10 triệu.

Chỉ cần tưởng tượng hai phần ba số người đó, sáng sáng túa ra đường bằng những chiếc xe gắn máy. Tiếng nổ của xe, rung cả mặt trời vừa thức, khói từ những ống bô bay ra làm ô nhiễm đám mây đầu tiên vừa nhìn thấy, và con người phải đón nhận ngay tiếng động đó vào đầu, đám khói đó vào phổi như bắt đầu của một ngày dài.

Nếu đứng trên một sân thượng nhìn xuống đường phố, Sài Gòn và Hà Nội không khác nhau mấy, cái khác biệt chỉ là tỷ lệ ngắn, dài, rộng, hẹp, còn cả hai đều giống như từng con kinh khổng lồ chở theo nó một đám rác rất ngoạn mục. Những hình tròn của nón sắt nhìn từ trên cao xuống như những cái lá lục bình to đủ màu, những càng xe như những khúc củi cong, bập bềnh trôi, người xếp lớp như châu chấu, muốn chồng lên nhau, chân tay ngọ ngoạy, cả bốn hướng đâm sầm vào nhau.

Trên cái khối sắt có hai càng đó, một con châu chấu ốm yếu chở năm con heo bó chặt trong rọ, hai con rọ ôm đằng trước, ba con rọ nằm đằng sau; hay châu chấu chở nguyên cái tủ lạnh nhỏ còn trong thùng, một tay cầm ghi, một tay ngược ra sau lưng đỡ; hoặc châu chấu chở một lúc bốn vòng hoa tang, xếp theo chiều dài của hai bên xe, không nhìn thấy thân mình đâu cả, chỉ thấy hoa tang lừng lững đi, như đi vào nghĩa trang; có khi châu chấu chở nguyên một gian hàng bán bát đĩa Bát Tràng, thúng trước, rọ sau, chẳng bao giờ rơi vỡ; châu chấu còn chở một cửa hiệu bán quần áo, với gọng, với móc che kín mít thân mình, chỉ thấy những miếng vải xanh đỏ, bay bay, lạ và đẹp lắm!

Kinh hoàng hơn nữa, châu chấu bố, châu chấu mẹ, châu chấu con và ngay cả châu chấu sơ sinh, tổng cộng năm mạng chở nhau trên cái khung sắt đó, mẹ châu chấu bình thản cho con bú trong khi cái khung sắt cứ nhúc nhích.

Giữa cái con kinh chở đám rác bập bềnh đó, chợt xuất hiện một cái xe hơi, cái xe của ai nhỉ? Xe hiệu Ferrari hay Lamborghini (giá trung bình từ 198 ngàn đến 320 ngàn Mỹ kim; nhập vào Việt Nam đánh thuế gấp ba lần). Cái xe hơi hào nhoáng đó thản nhiên nhúc nhích quay đầu quẹo chữ U giữa dòng xe gắn máy.

Bỗng tất tả ở đâu đến một bà áo cánh vá, quần đen ống thấp, ống cao, hai bàn chân nứt nẻ trong đôi dép nhựa bẩn thỉu, gánh một đôi quang mỗi bên vài bó rau, hai, ba nải chuối, mấy củ hành, bà cũng thản nhiên đứng nhúc nhích cản trước chiếc xe hơi, bà muốn qua đường. Bà đâu có biết xe của ai, mang nhãn hiệu gì, bao nhiêu tiền? Cản trở của xe tải hay xe hơi hào nhoáng đối với bà cũng như nhau, bà chỉ cần băng qua bên kia đường bán mấy nải chuối, hình như có một người đang gọi mua.

Băng qua đường là cả một nghệ thuật, du khách không có kinh nghiệm, không dám sang đường một mình. Phần nhiều ở ngã tư không có đèn xanh, đèn đỏ và nếu có chẳng thấy ai tuân theo luật giao thông. Xe không bao giờ ngưng lại cho người đi bộ. Người sang đường phải tự hiểu: bước xuống, băng sang, đi chậm, nhưng không rụt rè, cố nhìn vào mặt người lái cái xe như đang muốn tông vào mình, thực sự, khi hai người nhìn thấy nhau, người lái xe sẽ nhường cho mình bước thêm một bước, rồi nhích được một bước, khách bộ hành phải nhìn kế tiếp vào cái xe vừa chạy tới; cứ thế, vừa bước vài bước vừa nhìn. Không rụt rè, không chạy, và nhất là không được hốt hoảng chạy ngược lại lề đường.

Xe phun khói tự nhiên, nhúc nhích rất chậm, nhất là vào giờ “tan tầm” Bạn có nhìn thấy đàn tầm trong cái nong nhúc nhích bao giờ chưa? Nếu chưa, thì chịu khó về Hà Đông ở miền Bắc nhìn đi, cái con kinh xe cộ này, giống như cái nong tầm vậy: đông đúc, lúc nhúc và nhúc nhích rất chậm. Nhưng những chiếc xe nhúc nhích rất chậm đó, thực sự nó đang chở trên nó những con người tất bật lăn xả vào xã hội, giành giựt từng mảnh đời sống hàng ngày.

Đó là một bức tranh nhìn xuống từ một căn nhà bảy từng, chiều ngang ba thước, chiều sâu sáu, bảy thước. Những ngôi nhà như thế này, rất nhiều ở Hà Nội và Sài Gòn, vì giá đất rất cao, được tính bằng vàng. Người Việt ở hải ngoại không cách nào hiểu được tại sao mỗi mét vuông đất giá đến năm sáu cây vàng. (Mỗi cây khoảng 2 ngàn Mỹ kim).

Vì xe luôn luôn kẹt cứng, nên không chạy nhanh được, không có tai nạn xe gắn máy khủng khiếp xảy ra trong thành phố giữa ban ngày, chỉ có sây sát, cọ xước. Tai nạn khủng khiếp chỉ xẩy ra ở ngoài quốc lộ, đường đi xuyên tỉnh, nơi tài xế có thể chạy quá tốc độ. Ban đêm, khi mọi người đã đi ngủ, xe gắn máy kiếm cơm ban ngày đã được cất vào nhà, hoặc khóa lại, nằm trên lề đường, trước các khách sạn, là lúc các con ông lớn, các con đại gia mang xe gắn máy “hàng xịn” ra đua. Lúc đó tai nạn sẽ xảy ra, sống chết chỉ là trò chơi tìm cảm giác mạnh của các quý tử.

Sài Gòn hay Hà Nội bây giờ không còn ai nói đến chữ “thong thả” nữa. Cái tất bật của họ khác với cái tất bật của Âu, Mỹ. Người Âu, Mỹ chọn cái tất bật, trong khi họ có thể chậm lại. Người Việt bây giờ bị cuốn vào tất bật, không ra được nữa rồi. Chậm lại có nghĩa là thất bại, là bỏ cuộc.

Nhưng những chiếc xe trong thành phố vẫn nhúc nhích rất chậm, chở trên nó một đàn châu chấu ùa ra từ một cánh đồng vô tận, vết chân của nó cào xuống mặt đường, sẽ để lại những dấu tích vào những trang ký sử sau này.

6/20/23

CỐ TIN CHUYỆN KHÔNG THỂ TIN NỔI - Một Nụ Cười

 


Vào dịp cuối năm 1984, một buổi họp mặt các cựu tù nhân chính trị được tổ chức ở San Diego.

Xướng ngôn viên của buổi lễ cho biết :
“Khi tôi xướng tên trại nào, nếu quý anh là trại viên của trại đó, xin đứng dậy và tự giới thiệu tên của mình để các anh em khác được biết”.

Nhiều trại cải tạo ở miền Bắc được lần lượt xướng tên như “Phong Quang”, “Yên Báy”, “Vĩnh Phú”, “Thanh Cẩm”, “Lý Bá Sơ”, “Nam Hà”, “Phú Sơn” v.v Trại nào cũng có năm bảy anh đứng dậy và giới thiệu tên của mình.

Khi xướng tên trại Nam Hà, tôi đứng dậy và có thêm bốn anh nữa , trong đó có một anh, tự giới thiệu tên của mình là Lê Trung Đạo. Tôi lẫm nhẫm Lê Trung Đạo, Lê Trung Đạo…sao tên nghe quen quá, hình như anh ấy ở chung đội với tôi thì phải. Khi phần giới thiệu các anh em trại Nam Hà chấm dứt, tôi đi đến bàn của anh Đạo, đứng đối diện và nhìn kỹ anh ấy. Tôi nhận ra anh Đạo ngay. Tôi ôm chầm lấy anh, và anh ấy cũng ôm tôi trìu mến.
Tôi thì thầm bên tai Đạo
“Em còn nhớ anh không? ”
Đạo trả lời ngay:
“Anh Uyển, mà sao em có thể quên được, thật vui mừng được gặp lại anh. Em trông chờ ngày này đã lâu lắm rồi!”

Khi cùng sống trong cảnh đọa đày nơi trại Nam Hà, phân trại C, tôi và Đạo nằm gần nhau. Ra đồng, bắt được con cua, con cá, tôi và Đạo cùng chia sẻ với nhau. Đạo là một Thiếu Úy Cảnh Sát Đặc Biệt, mới ra trường, không biết làm Trưởng G hay H gì đó..mà bị đày ra cải tạo ở miền Bắc.Anh còn quá trẻ, khoảng 24, 25 tuổi. Tôi xem anh như một người em của tôi và tôi rất quý mến anh. Đạo chưa lập gia đình. Anh chỉ còn một mẹ già đang sống ở Vĩnh long. Vì vậy, từ ngày bị đưa ra Bắc, Đạo chưa bao giờ nhận được quà của thân nhân từ trong Nam gởi cho anh. Anh sống hiền hòa, vui tính, nên anh em trong đội ai cũng mến anh. Đạo xem tôi như một người anh trong gia đình.

Anh tâm sự với tôi :
“Đời em chẳng còn gì nữa, chỉ có một người mẹ, mà từ ngày bị đày ra Bắc, đã trên 5 năm rồi em chẳng có tin tức gì của mẹ em. Không biết bà còn sống hay đã ra người thiên cổ”

Đạo nắm tay tôi và cảm động nói:
“Giờ đây em chỉ có anh là người duy nhất thương mến em, cho em chút an ủi để sống qua ngày!”
Như có một động lực nào thúc đẩy, Đạo tâm sự với tôi :
“Anh ạ, mình phải sống chứ anh, mà muốn sống, dù là cuộc sống thấp nhất, cũng phải có một ước mơ gì đó để mà mộng tưởng, để tiếp sức cho mình. Các anh em ở đây , dĩ nhiên ai cũng mơ ước sớm được trở về với gia đình. Ngoài xã hội thì kẻ này mơ trúng số, kẻ kia mơ nhà cửa , ruộng vườn v.v. Nhưng sống nơi địa ngục trần gian này, anh em mình mơ ước điều gì đây?

Tất cả đều nằm ngoài tầm tay của mình. Em chợt nhớ lại một câu chuyện cổ tích của Pháp, tựa đề là “Un Peu De Soleil Dans L’eau Froide” kể lại câu chuyện một ông lão nghèo khổ, sống cô đơn một mình trong căn lều nhỏ bé, trống trước, trống sau. Bổng một bà tiên hiện ra và cho ông một điều ước. Bà tiên cứ nghĩ, thế nào ông lão nghèo nàn này cũng sẽ ao ước có một căn nhà, hoặc ao ước có nhiều tiền bạc..v..v. Nhưng bà tiên vô cùng ngạc nhiên, khi ông lão nghèo khổ ấy chỉ xin “Một Nụ Cười”

Đạo như chợt tỉnh, ông lão bất hạnh trong câu chuyện cổ tích, đã chỉ cho Đạo một mơ ước, mà dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể đạt được, đó là một nụ cười. Không cần phải là nụ cười của giai nhân, mà chỉ cần một nụ cười thân ái của ai đó, chân thành trao cho anh, vì yêu mến anh, có thế thôi.

Cuộc sống tù đày cứ kéo dài triền miên trong đói khổ, vô vọng. Nhưng khi nghĩ đến một nụ cười, Đạo thấy tâm hồn mình có chút an ủi, nhẹ nhàng. Hằng ngày , Đạo ước mơ nhận được nụ cười. Đêm đêm Đạo cũng ước mong trong giấc mơ, anh sẽ gặp được một nụ cười. Nhưng buồn thay, những giấc mơ đến với Đạo chỉ là những cơn ác mộng mà thôi.
Nhưng thật kỳ diệu, từ ngày Đạo ôm ấp ước mơ có được một nụ cười, anh thấy cuộc đời của anh có chút ý nghĩa, vì dù sao anh cũng có một ước mơ, để mà thương, mà nhớ, mà mong chờ.

Một hôm, đội được dẫn đi gặt lúa, khi đi ngang qua cổng cơ quan, Đạo thấy nhiều chiếc áo vàng đứng ở đó. Nhìn lướt qua, Đạo chợt thấy một nữ cán bộ nhìn anh mỉm cười. Anh không tin ở mắt mình, anh nghĩ rằng có thể cô ta cười vu vơ gì đó, chứ đâu phải cười với anh. Anh quay lại nhìn một lần nữa, vẫn thấy cô ta nhìn anh và mỉm cười.

Từ ngày ấy, mỗi khi đội đi ngang qua cỗng cơ quan, Đạo đều bắt gặp nụ cười của người nữ cán bộ dành cho anh. Vì vậy khi đi lao động, Đạo luôn luôn đi cuối hàng để dễ đón nhận nụ cười của cô nữ cán bộ. Đạo cũng cười đáp lễ với cô ta. Đạo bắt đầu thấy cuộc đời của mình, có một chút gì thi vị, đáng sống. Khi ăn, khi ngủ, nụ cười đó luôn luôn theo anh, cho anh niềm an ủi, và chút lạc quan để sống. Anh em trong đội đều biết mối tình mắt nhìn mắt và trao đổi nụ cười của Đạo và cô nữ cán bộ.

Không những Đạo nhớ đến nụ cười, anh còn nhớ đến đôi mắt như muốn nói với anh muôn ngàn lời, anh nhớ đến người con gái ấy. Ban đầu anh nghĩ rằng cứ giã bộ vui vẻ cho qua ngày. Nhưng trong tâm trí anh, luôn luôn nhớ đến cô gái ấy và anh nhận ra rằng anh đã yêu cô ta. Đạo nhớ lại ngày xưa Elvis Presley đã hát một bài hát nỗi tiếng là bài Don’t Gamble With Love nay thật đúng như trường hợp của Đạo. Bây giờ Đạo không còncho rằng lao động là khổ sai nữa, mà anh trông chờ mỗi buổi sáng được đi ngang qua cỗng cơ quan, để đón nhận nụ cười của người nữ cán bộ.

Một buổi chiều khi đi lao động về,nghe các anh em Công Giáo tập hát bài “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”, Đạo mới biết, đêm nay là đêm Noel. Khi cửa phòng giam đóng lại, anh em Công Giáo vội vã thiết trí một ngôi sao Giáng Sinh và hàng chữ “Mừng Chúa Giáng Sinh” ở vách tường cuối phòng. Họ nắm tay nhau ca hát, đọc kinh, cầu nguyện. Đạo nằm mơ màng, lơ đãng nhìn về cuối phòng, chung quanh hàng chữ “Mừng Chúa Giáng Sinh”, Đạo tưởng tượng như có những bóng đèn màu chớp sáng. Anh mơ hồ nghe như có tiếng nhạc bài Silent Night dịu dàng thoảng đi trong gió…Anh thiếp đi trong giấc ngủ yên lành.
Vào một buổi sáng chúa nhật, chúng tôi được gọi ra sân để nhận quà của thân nhân từ trong Nam gởi ra. Thường thì 80 đến 90 phần trăm anh em đều nhận được quà. Riêng Đạo thì chưa bao giờ nhận được quà của thân nhân. Nhưng thật bất ngờ, hôm nay cán bộ lại kêu tên Đạo lên nhận quà, ai cũng ngạc nhiên và mừng cho Đạo. Anh nhận một gói quà bình thường, nhưng cách gói quà , khác với những gói quà từ trong Nam gởi ra. Đạo sững sốt nhận gói quà, đem về phòng, cẩn thận mở ra. Một mãnh giấy nhỏ nằm trên những gói đồ ăn, anh đọc vội hàng chữ :
“Trìu mến gửi anh Đạo
– Em : Kim Chi”.
Với mấy chữ ngắn gọn đó, Đạo biết ai gởi cho anh món quà tình nghĩa này. Anh ôm gói quà vào lòng. Anh không ngờ người nữ cán bộ có nụ cười dễ thương đó, lại dám liều lĩnh gởi quà cho anh. Hai hàng nuớc mắt chảy dài xuống má, đây là những giọt nước mắt hạnh phúc mà từ lâu anh không hề có.

Trại Nam hà, Phân trại C, nơi chúng tôi đang ở, phía sau là con đường làng. Trại chỉ ngăn cách với bên ngoài bởi những bụi tre thấp và hàng rào kẽm gai. Dân chúng đi ở ngoài, chúng tôi có thể thấy họ. Thường vào buổi chiều, sau khi ăn cơm xong , chúng tôi hay ra ngồi chơi ở sân sau đó, nhìn người qua lại. Một hôm, chúng tôi thấy cô cán bộ Chi đi lui, đi tới ở ngoài hàng rào, rồi thình lình quăng vào trong một cái gói nhỏ. Chúng tôi biết cô ấy gởi gì đó cho Đạo, chúng tôi mang vào cho anh. Đạo không biết Chi gởi gì cho anh, nhưng anh cảm động lắm. Anh em hiếu kỳ đứng quanh giường của của Đạo, để xem cô Chi đã gởi gì cho anh: đó là một gói xôi và một con gà vàng rộm. Đối với tù nhân, đói triền miên như chúng tôi, thì gói xôi gà này là cao lương mỹ vị bậc nhất trên thế gian này. Đạo rất hào phóng, anh chia đều xôi, gà cho tất cả 32 anh em trong đội, mỗi người được một muỗng xôi và chút ít thịt gà. Có người ăn ngay, nhưng cũng có vài anh em để đó, hít hít mùi thịt gà cho đỡ thèm.

Đạo thấy thương Chi quá, vì yêu anh, nàng đã gan liều làm những việc như vậy, vì nếu bị phát giác, nàng ở tù như chơi. Đạo càng thương Chi khi nghĩ đến tương lai : một cán bộ công an yêu một sĩ quan cảnh sát ngụy..thì đời nào có thể sum họp được. Anh thở dài !
Vào một sáng chúa nhật, một anh trật tự đến phòng chúng tôi, bảo anh Đạo chuẩn bị ra có người thăm nuôi. Chúng tôi rất ngạc nhiên, vì từ bao năm nay, Đạo thuộc diện con mồ côi, chưa hề có ai gởi quà cho Đạo, nói gì đến chuyện thăm nuôi.Thế mà hôm nay, lại có người thân nào đó đến thăm Đạo. Chúng tôi mừng cho Đạo. Khoảng 9 giờ sáng, anh được cán bộ dẫn ra nhà thăm nuôi. Chúng tôi hồi hộp chờ Đạo trở vào để xem anh nhận được những quà gì của thân nhân đem đến.

Nhưng chúng tôi chờ mãi…đã ba , bốn giờ chiều rồi, vẫn chưa thấy Đạo trở vô trại. Thường một trại viên được gặp mặt thân nhân khoảng 15, 20 phút, tối đa là nửa giờ. Thế mà , Đạo ra nhà thăm nuôi đã hơn bốn, năm tiếng rồi mà chưa thấy vô. Chúng tôi bắt đầu lo lắng cho Đạo, không biết chuyện gì đã xảy ra cho anh, lành hay dữ. Và từ đó, chúng tôi không còn biết tin tức gì về Đạo nữa.
Hôm nay gặp lại Đạo, tôi đem chuyện ấy ra hỏi Đạo, anh đã kể cho tôi nghe câu chuyện sau đây:

“ Anh nhớ không, ngày chúa nhật hôm đó, em được dẫn ra nhà thăm nuôi, nói là có thân nhân đến thăm. Em vô cùng ngạc nhiên vì em đâu có thân nhân nào từ trong Nam có thể ra thăm em.
Bước vào nhà thăm nuôi, em thấy Chi và một ông Thượng Tá công an ngồi ở đó.
Chi vội vã đứng lên giới thiệu :
“Đây là cậu Du của Chi, đang công tác ở tỉnh Thái Bình, em nhờ cậu ấy đến thăm anh.”
Đạo bối rối nhìn Chi, nhìn ánh mắt, nụ cười của Chi. Chi mặc đồ công an, trên cổ áo có đeo quân hàm Thiếu Úy.
Chi biết Đạo ngỡ ngàng, thắc mắc nên cô nói ngay :
“Anh đừng lo, em bảo anh làm gì thì cứ làm theo, chớ có hỏi han gì hết”.

Chi dẫn Đạo vào một căn nhà ở gần nhà thăm nuôi, nhà không có ai cả. Chi bảo tôi cởi bộ áo quần tù ra, và mặc ngay bộ đồ công an đã để sẵn ở đó; ngoài áo quần, có cả nón, cặp da và giấy chứng nhận đi công tác miền Nam. Tôi như trên trời rớt xuống, nhưng không có thì giờ để hỏi Chi, việc gì đang xảy đến cho tôi. Khi tôi đã mặc xong bộ đồ công an, Chi nhìn tôi mỉm cươì , rồi kéo tôi ra ngỏ, bảo tôi leo lên một chiếc xe Jeep nhà binh đậu sẵn ở đó....,và chạy ra ga xe lửa Phủ Lý.

Chi bảo tôi cứ ngồi trên xe, Chi vào mua vé xe lửa đi về Sàigòn. Khi đưa tôi lên xe lửa, Chi ân cần căn dặn:
“Không nên về nhà, cũng đừng liên lạc với mẹ, mà tìm một người bà con nào đó ở tỉnh khác xin trú ngụ vài ngày, rồi tìm đường vượt biên. Tốt nhất là đi đường bộ qua ngã Campuchia”.
Chi đưa cho tôi một gói giấy và nói:
“Đây là ít tiền để anh tiêu dùng, nhớ là phải vượt biên ngay nhé!”.
Chi cầm tay tôi và chân thành nói :
“Em là vợ của anh, anh đừng quên em!”.
Tôi ôm Chi vào lòng, nước mắt ràn rụa. Chi cũng khóc trên vai tôi. Xe lửa từ từ lăn bánh, hình ảnh Chi cô đơn đứng một mình trên sân ga, nhỏ dần, nhỏ dần.. Tôi thấy nhiều lần Chi đưa tay lên lau nước mắt. Trong tim tôi, mối tình mà Chi dành cho tôi quá sâu đậm, đã chiếm trọn cuộc đời tôi.
Tôi vỗ vỗ vào trái tim của mình :
“Đạo, Đạo, mày phải sống xứng đáng để đền ơn đáp nghĩa cho Chi nghe chưa”
Khi xe lửa dừng lại ở ga Bình triệu, Sàigòn, tôi không về nhà tôi ở Vĩnh Long, mà đến nhà dì tôi ở Cần Thơ xin trú ngụ.
Chồng của dì tôi là một Đại úy Công Binh Việt nam Cộng Hòa, trước năm 1975, ông phục vụ ở Tiểu Đoàn 24 Công Binh Kiến tạo, mới được trả tự do. Gia đình dì, dượng tôi đang âm thầm chuẩn bị vượt biên. Dì, dượng tôi vui vẻ chấp thuận cho tôi cùng đi theo. Tôi đã đưa gói tiền mà Chi trao cho tôi, cho dì tôi để bà tiêu dùng.

Mở gói ra xem, dì bảo tôi :
“Tiền đâu mà cháu có nhiều vậy?”
Tôi trả lời ngay :
“Của vợ con cho đó!”

Vào một đêm tối trời, ghe máy chở cả nhà ra cữa biển Đại Ngãi, vì tàu lớn đang đậu ở đó. Sau 3 ngày và 4 đêm, tàu của chúng tôi đã đến hải phận Thái Lan, được tàu tuần duyên của Thái Lan đưa về trại Sikiew. Trong cuộc phỏng vấn thanh lọc, nhân viên Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc hỏi tôi rất ít. Tôi nghĩ là họ có đầy đủ hồ sơ cá nhân của ngành Cảnh Sát Đặc Biệt. Họ chỉ hỏi tôi là làm Trưởng G hay Trưởng H, tôi trả lời. Người nhân viên đó lấy trong tập hồ sơ ra một tấm ảnh, anh nhìn tôi rồi gật đầu.Thế là tôi vượt qua cuộc thanh lọc. Mấy tháng sau, họ chuyển tôi qua trại Pulau Bidong ở Mã Lai, để chờ chuyến bay đi định cư ở Mỹ.

Tôi mau chóng gởi thư cho má tôi ở Vĩnh Long, báo tin tôi đã bình yên đến trại Pulau Bidong ở Mã Lai, đang chờ chuyến bay để đi định cư ở Mỹ. Khoảng 2 tuần sau, tôi vui mừng nhận được thư hồi âm của má tôi, và một bất ngờ thú vị đến với tôi là có cả thư của Chi nữa!
Má tôi đã viết cho tôi :
“Đạo con, má rất vui mừng nhận được tin con đã đến nơi bình yên. Má cho con biết là Chi đang ở đây với má. Chi đã kể cho má nghe hết mọi chuyện. Má rất hạnh phúc có được một con dâu hiếu thảo như Chi, má mừng cho con”
Đạo run run mở thư của Chi ra đọc:
“ Anh Đạo yêu quí của em, nghe anh đã đến đảo và đang chờ chuyến bay để đi Mỹ, má và em mừng quá anh ơi. Khi anh đi về Nam chưa đầy một tháng, họ đuổi em ra khỏi ngành công an. Em đã về Vĩnh Long ở với má, em thay anh phụng dưỡng, săn sóc má, anh yên tâm ! “


Với lời lẽ chân tình, mộc mạc, tôi uống từng chữ, từng lời trong bức thư ngắn gọn của Chi, tôi áp bức thư vào ngực và đi vào giấc ngủ.

Năm 1982, tôi được đi định cư ở Mỹ. Khi có thẻ xanh, tôi đã làm hồ sơ bảo lãnh Chi. Trong thời gian ở với má tôi ở Vĩnh Long, không biết Chi hỏi thủ tục bảo lãnh ở đâu mà nàng ra Thái Bình, nhờ người cậu Thượng Tá Công An của nàng, làm một giấy hôn thú của tôi và Chi, có đầy đủ chữ ký và khuôn dấu đỏ xác nhận của chính quyền địa phương.

Năm 1987 khi tôi được nhập quốc tịch Mỹ, tôi đã bổ túc hồ sơ bảo lãnh. Chi đã nhanh chóng được phỏng vấn. Lúc này, những trường hợp gian dối chưa xảy ra nhiều, nên việc chấp thuận cho chồng bảo lãnh vợ tương đối dễ dàng nếu có đầy đủ giấy tờ chứng minh.
Vào một ngày se lạnh ở miền Nam Cali, tôi và vài bạn bè thân quen đến đón Chi ở phi trường Los Angeles. Tôi ôm Chi vào lòng, vì quá cảm động, tôi chỉ thốt lên được một tiếng “Em!” Chi cũng vậy, nàng thổn thức trên vai tôi “Anh!”. Chỉ 2 tiếng “Anh” “Em”, nhưng đã gói trọn cuộc tình mà chúng tôi nghĩ là không bao giờ có thể sum họp được. Tạ ơn Trời Đất !
Đạo xây qua người đàn bà ngồi bên cạnh anh, và giới thiệu với tôi : “Thưa anh, đây là Chi, vợ em” Chi bẽn lẽn cúi đầu, che dấu nụ cười đã đem lại sức sống và hạnh phúc cho Đạo.

Tôi đã được nghe, được biết nhiều mối tình ly kỳ, éo le lắm. Nhưng nếu nói đến một mối tình thật lãng mạn, mà người con gái đã dám hy sinh sự nghiệp và cả tính mạng mình cho người yêu, thì không thể không nói đến mối tình của nàng Kim Chi và chàng Trung Đạo.

Wednesday, January 6, 2021
MỘT NỤ CƯỜI (BỬU UYỂN )

Nghe đọc truyện : Một Nụ Cười