6/20/22

Ước mơ của ba tôi

TRIỀU PHONG

Cha là bóng mát giữa trời,
Cha là điểm tựa bên đời của con
(Ca dao)

Từng là nhân viên sở Mỹ tại Saigon, ba tôi đã làm việc cho các hãng Thomas B. Bourne Associates, Inc. (Engineers and Architects), Pope Evans and Robbins International, LTD., Hydrotechnic Corporation từ năm 1961 và đến năm 1972 thì xoay qua làm cho chính phủ VNCH tại Tân Sơn Nhất với chức kỹ sư công chánh.

Sau “cơn hồng thủy” của đất nước, ông nộp đơn xin đi làm ở Sở Nhà Đất vào năm 1976. Trưa một hôm, khi tôi đang ngồi nơi chiếc bàn kê chỗ tấm thổ, đọc cuốn Doctor Zhivago bằng bản dịch tiếng Việt vừa mua được ở chợ trời sách Đặng Thị Nhu thì ba tôi về tới. Bước vô nhà ông cởi vội chiếc áo sơ mi trắng và quăng bản khai “Sơ Yếu Lý Lịch” mà tuần trước ông đưa cho phường để xác nhận đặng nộp đơn xin đi làm, và la lớn:

– Mình nhờ nó chứng nhận là mình có hộ khẩu ở đây chứ đâu phải để nó phê lung tung thế này thì làm sao đi làm được?

Tò mò, tôi đưa tay kéo lá đơn về phía mình và cầm lên xem thì thấy phường ghi như sau “đương sự có nhiều năm làm cho Mỹ, đề nghị cơ quan có trách nhiệm xem xét lại.”

Chiều hôm đó, bác Hai; anh của ba tôi, ở nhà kế bên kêu tôi đến khi ông thấy tôi đi ngang và hỏi:

– Tao nghe cô Út mày nói ba mày mới bị phường phê xấu lắm phải không? Mà sao tụi nó biết ba mày đi làm cho Mỹ vậy?

Tôi đáp:

– Dạ, hôm bữa lúc ba con điền “Sơ Yếu Lý Lịch” con cũng nói ba con đừng khai vụ đi làm cho Mỹ. Ổng bảo không sao, ổng làm các hãng dân sự mà thôi nên chẳng có gì đâu. Hơn nữa khai thế thì Sở Nhà Đất mới biết là ổng có kinh nghiệm nó mới nhận!

Bác Hai tôi chắt lưỡi, ngó qua ngó lại ra đường như xem có ai đi qua không đoạn trợn mắt hét nho nhỏ:

– Trời ơi, ba mày ngu tổ mẹ! Người ta còn giấu thấy bà mà ba mày tự nhiên khai ra…

Tuy vậy sau đó ba tôi cũng nộp cầu may, nhưng đơn xin việc ngày ấy của ông “bặt vô âm tín” như viên đá liệng xuống sông vì Sở Nhà Đất chẳng gọi ông đi làm bao giờ!

Không được cho đi làm, ba tôi nảy ra ý mở tổ hợp làm chao trong thời điểm đất nước thiếu thốn mọi bề tại nhà ông bà nội tôi. Ông tận dụng đất trống của gia đình để thu mua lại các hũ chao xài rồi của mấy người mua bán ve chai.

Ngày ngày trẻ con trong xóm tụ tập tới vừa phụ rửa sạch mấy hủ chao cũ rồi phơi khô vừa cười nói râm ran để kiếm thêm chút tiền cho gia đình. Nhà nội tôi trở nên ồn ào suốt ngày vì tiếng con nít, tiếng mua bán ngã giá của bạn hàng ve chai.

Căn nhà thờ im ắng thuở nào giờ nhìn đâu cũng thấy đủ thứ thập vật vô giá trị. Mỗi buổi chiều tôi về trên nhà nội để phụ ba tôi lau các hũ chao vuông, nhỏ, bằng miểng này hay sắp xếp cho ngăn nắp, trật tự, lúc chao đã vào hũ. Ba tôi làm bản kẽm vẽ hình một con chim Hải Âu đang xoải cánh tung bay làm huy hiệu (logo) rồi mang đi in ra cả ngàn tấm nhãn “Chao Hải Âu” đoạn dán trên từng hủ một. Tất cả mọi công đoạn đều làm bằng tay theo cách thủ công. Bên cạnh đó ông còn phải vất vả lo chạy chọt, quà cáp biếu xén cho nhân viên ở phường để xin giấy phép cho cơ sở sản xuất Chao Hải Âu của ông hoạt động.

Sau nhiều lần lên xuống ra vô ở phường, đi ngõ sau tới nhà các quan chức có trách nhiệm cấp giấy tờ để “bôi trơn” cuối cùng ông cũng đạt được điều ông mong muốn. Hôm nhìn ông hí hửng cầm tấm “giấy phép” cho phép cơ sở hoạt động về với nét mặt rạng rỡ lúc vô nhà tôi cũng vui lây vì như thế thì nhà tôi sẽ có được một công việc làm ăn đỡ phải đói khổ thiếu thốn.

Nhưng công việc làm ăn này trở nên khó khăn không bao lâu sau đó vì phường đề nghị ba tôi cung cấp chao cho mấy hợp tác xã của phường theo giá quốc doanh do nhà nước ấn định và tiền thanh toán thì lại quá chậm khiến cho tổ hợp chao của ông thường bị hụt vốn.

Ngân sách khó khăn khiến nhiều đêm ba tôi không chợp mắt được. Có những buổi tối trong bóng đêm dày đặc, nằm kế bên tôi nghe ông thở dài thậm thượt khi lo âu tính toán, xoay sở làm sao cho ngày mai có tiền để cơ sở tiếp tục sản xuất.

Gần một năm hoạt động, tổ hợp của ba tôi cuối cùng phải đóng cửa lúc cán bộ phường đề nghị đưa vào biên chế thành hợp tác xã sản xuất chao cho phường. Vì vào thời gian này Cộng sản Việt Nam đang áp dụng chính sách “hợp tác hoá” để quản lý. Do đó với biên chế này ba tôi sẽ trở thành chủ nhiệm nhưng thực ra thì ông chỉ là một công nhân không hơn không kém dưới sự quản lý của chính quyền địa phương!

“Lại giở trò ăn cướp” – ba tôi bảo thế, nên ông không đồng ý và dẹp cơ sở sản xuất chao Hải Âu này với lý do làm ăn thua lỗ. Việc làm này của ba tôi bị xem như là một sự bất tuân, một thái độ bất hợp tác với chính quyền mới vì vậy ông trở thành một cái gai dưới mắt họ.

Đang “đầu tắt mặt tối” bận bịu làm ăn nuôi gia đình, bỗng dưng lâm cảnh ngồi không khiến ông quẩn chí. Hết đi ra lại đi vào ông không biết làm sao để có tiền sinh sống. Hằng ngày nhìn “đám trẻ thơ quàng khăn đỏ” đi quét đường trong khói bụi mịt mờ hoặc đi lượm giấy cho “kế hoạch nhỏ” ông thở dài ngao ngán cho đất nước này vì rồi ra ông không biết nó sẽ đi về đâu? Tương lai mấy đứa trẻ kia sẽ như thế nào?Một hôm bác Lựa, cũng là một kỹ sư công chánh giỏi, từng làm chung hãng và là bạn thân với ba tôi ngày xưa, đến rủ ba tôi đi Sông Mao mua bò về bán. Ông muốn hợp tác với ba tôi vì nhà nội tôi có đất rộng có thể chứa được bò khi mang về.

Thế là sau khi tính toán, hai ông kỹ sư ngày nào giờ lên đường trở thành hai tay “lái bò!” Vào một bữa tối khoảng mấy tuần sau đó ba tôi và bác Lựa trở về với chiếc xe cam nhông chở mười tám con bò. Phải vất vả, cực nhọc đến gần nửa đêm chúng tôi mới đưa được chúng ra sau vườn.

Lúc này tôi đang học lớp 11 và trong gần cả tháng trời chờ bán đàn bò, chiều nào đi học về tôi cũng phải đạp xe đạp sang cầu Bình Lợi cắt cỏ hoặc tới mấy vựa mía thu gom ngọn mía về cho bò ăn với tâm trạng u uẩn phiền muộn vì ngôi trường Taberd cổ kính tôi theo học bao năm vừa bị nhà nước “giải thể” và đuổi bọn học trò chúng tôi sang các trường khác.

Còn đàn bò của ba tôi rất phá. Chỉ nội tuần đầu tiên chúng đã ăn sạch mọi thứ lá cây trong vườn. Khu vườn được chăm sóc chu đáo trước kia nay xơ xác đến tội nghiệp. Tuy vậy ba tôi vẫn không màng và tiếc nuối, ông nói:

– Kệ nó, vườn tược gì nữa thời buổi này. Người ta bây giờ còn không ra gì huống hồ cỏ cây. Làm sao để có cơm gạo ăn là phước rồi!

Và đàn bò đó ba tôi với bác Lựa bán lời được gấp đôi. Mừng quá hai ông lại thu xếp đi chuyến thứ hai. Nhưng chỉ ít ngày hôm sau, hai người tiu nghỉu về không vì “Cách Mạng” vừa ra lệnh “cấm không cho gia súc xuất xã để ngăn ngừa bệnh tật!” Lệnh mới này thực ra chỉ là một lý do của chính sách “ngăn sông, cấm chợ” mà thôi tuy nhiên nó đã làm hai ông tiếp tục “thất nghiệp” và kẹt lại một con bò đã mua đợt trước mà hai ông không chở về được do xe đã chật!

Từ đó hai ông hằng tháng phải gửi tiền ra trả cho người giữ hộ. Sau cùng bác Lựa bỏ con bò đó, không trả tiền cho người kia nữa. Ông giao cho ba tôi tùy quyền quyết định nếu còn muốn giữ con bò này. Độ nửa năm “ăn không ngồi rồi” một hôm ba tôi bỗng nhiên muốn ra Song Mao đem con bò nọ về bởi dù sao giá trị của nó cũng cỡ năm chỉ vàng tại thành phố. Theo ông đó cũng là một món tiền khá lớn trong thời buổi ấy. Ông bảo ông có cách khi má tôi hỏi “làm thế nào ông có thể mang về được?”

Thế là ba tôi đi Song Mao, khoảng hơn tháng sau ông trở về gầy nhom đen đúa với một nhánh cây trên tay và con bò. Thì ra ông đã dẫn con bò đi bộ như những người chăn bò nhà quê thả bò đi ăn men theo lề đường vậy thôi. Cứ ngày đi đêm nghỉ ven đường ông đã đưa con bò về tới nhà như nhằm chứng minh cho chúng tôi biết rằng bằng quyết tâm thì bất cứ điều gì ông đều làm được.

Ngoài ra, ba tôi muốn mang con bò này về vì nó là con bò cái mà ông cho là tốt. Với con bò này ông sẽ cho lai giống với bò Bombay để mong có những con bò to, tốt tướng trong tương lai bởi hiện ở đây có phong trào nuôi bò lấy sữa tươi bán vì sữa hộp đã vô cùng khan hiếm.

Người ta nói nuôi bò hay heo cũng phải có thời và số ba tôi chắc là không có thời vì sau hai lần con bò cái của ông đều đẻ ra hai con bò đực. Giá mỗi con bò đực con này chỉ khoảng một chỉ vàng y thôi nên sau cùng ông đành bán con bò cái kia để lấy vốn làm việc khác. Lúc qua tay người chủ mới thì nó đẻ liền mấy lứa toàn là bò cái và giá một con bò cái con gấp hai ba lần bò đực do đó người chủ kia lời to!

Cứ vậy mà ba tôi xoay trở làm đủ thứ nghề để nuôi gia đình sau này như ông đã chế tạo ra một máy xay bo bo đặt tại nhà cho má tôi xay gia công khi chính phủ bán loại thực phẩm của loài động vật nhai lại này cho người dân. Đây là thực phẩm của Liên Xô viện trợ!

Giữa thời buổi “gạo châu, củi quế” ấy muốn nấu cho mềm bo bo thì phải tốn rất nhiều chất đốt nên máy nghiền bo bo của ba tôi nhằm để nấu nhanh, đỡ tốn củi hơn đã tỏ ra rất hữu ích vì vậy gia đình tôi cũng kiếm được một số tiền để lây lất. Vào những ngày có điện, người dân quanh vùng mang bao, vác bị bo bo đến nên nhà tôi lúc nào cũng nườm nượp người ra kẻ vào nhộn nhịp vô cùng.

Giai đoạn này kinh tế Việt Nam vô vàn khó khăn do đang bị Mỹ cấm vận sau khi Miền Nam rơi vào tay cộng sản giờ lại bị thế giới cô lập vì xâm lăng Cambodia nữa khiến đời sống dân chúng càng thêm khốn đốn.

Trước tình trạng ấy chính phủ Pháp đã viện trợ bột mì cứu đói cho Việt Nam tạo ra nhiều “nghề mới” như người ta thấy những tổ hợp gia công mì sợi, lò bánh mì thùng phuy mọc lên nhan nhản khắp phố phường từ nguyên liệu chính là bột mì kia. Ba tôi tuy là dân “kỹ thuật” nhưng lại là người có đầu óc về kinh tế nên ông chụp lấy thời cơ rất nhanh, như trước 1975 ông là người thứ hai nuôi cút khi phong trào nuôi chim này bùng nổ.

Bây giờ ông cũng mở một lò làm bánh mì và hàng ngày lúc thì đứng cân đong bột mì cho thợ cái, khi lại ghi chép sổ sách, xem số lượng bao nhiêu ổ bánh mì được sản xuất cho mỗi “mẻ,” bao nhiêu ổ bánh được bán cho bạn hàng mang đi tiêu thụ xong rồi lại tất bật đi tìm mua bột mì để về sản xuất tiếp…

Ông quần quật suốt ngày. Nghề làm bánh mì thì lắm nhiêu khê và cực nhọc nhưng dù sao thì ba tôi cũng kiếm được tiền nuôi gia đình cho tới khi Pháp hết viện trợ bột mì mới chấm dứt.

Tuy nhiên trước thảm trạng đất nước suy sụp do hiểu biết dốt nát nhưng tự kiêu của lãnh đạo chính phủ, phân biệt đối xử đối với thành phần cũ của chế độ VNCH, đàn áp tôn giáo, ngược đãi, o ép dân lành, dân chúng bắt đầu đổ xô nhau bỏ nước ra đi và ba tôi đã quyết định tìm đường cho tôi vượt biển.

Nhiều lần trong đêm hôm tăm tối ông không ngủ, âm thầm đưa tôi ra những điểm hẹn hay đến bến xe xa tít ngoài Xa Cảng Miền Tây hoặc có các ngày ông đã bỏ ăn để chạy đôn chạy đáo kiếm chỗ cho tôi lên đường bất kể nắng mưa nhưng số tôi “nặng bóng vía” bởi đi vài bận không lọt lại tù tội, tiền mất tật mang!

Ngày tôi bị giam ở Đồng Phú xa xăm, ba tôi tay xách nách mang, lặn lội thân già băng rừng lội suối, vượt hàng trăm cây số để “thăm nuôi” tôi. Giữa núi rừng hai cha con đã nghẹn ngào gặp lại, tôi không nói được tiếng nào khi thấy ba tôi bấy giờ ốm đen và gầy gò đi nhiều.

Còn ông thì cầm lấy bàn tay đầy ghẻ mủ của tôi mà nước mắt lưng tròng. Xung quanh hai cha con tôi, hàng trăm người dân Sài Gòn cũng nức nở, khóc thút thít khi thấy vợ chồng hay anh em họ cũng cùng cảnh ngộ như tôi. Tàn tạ, thê lương bao trùm ngôi nhà thăm nuôi. Sau nửa tiếng gặp mặt, tù nhân được lệnh trở vào.

Lúc đứng nơi cổng chờ nhập trại, nhìn người thân lếch thếch trên con đường đầy bụi đỏ, lũ lượt leo lên xe đò trở lại Sài Gòn chúng tôi nghe cay đắng bờ môi, thương thân nhân mình vất vả, cực nhọc suốt đêm ngày để đến đây nhưng chỉ được nhìn nhau trong phút chốc rồi lại chia tay.

Lòng tôi ngổn ngang, nghĩ bụng “không biết kẻ ở tù và người nuôi tù, ai khổ hơn ai? Rõ là đoạn trường ai có qua cầu mới hay!” Đôi khi trong bữa cơm, ăn miếng thịt hay miếng cá mà gia đình gửi lên tôi lại nghẹn lòng vì biết đó là tất cả những thứ gì ngon nhất mà gia đình đã hy sinh, dành dụm, cho mình!

Cứ thế, từ cuối 1978 tới 1988, tôi đã sống gần sáu năm trong các trại tạm giam, trại cưỡng bức lao động hơn là ở ngoài xã hội vì mỗi lần được thả về ba tôi lại “bày keo khác” với ước mong duy nhất là cho tôi được sống đời tự do nhưng rồi lại thất bại. Đối với tôi ngày đó, mười năm ấy như một giấc ngủ trưa bởi mơ ước tự do luôn nung nấu, cháy bỏng trong lòng!

Khoảng thời gian này vì lo cho tôi đi vượt biên mà gia đình tôi đã trở nên khó khăn, mất hết của cải, lâm cảnh tán gia bại sản đến độ ba tôi phải đi buôn gạo đường dài từ Miền Tây về Sài Gòn nhưng cứ sau dăm ba chuyến thành công thì ba tôi lại bị “đám ma quỷ” ở trạm kiểm soát kinh tế Tân Hương lấy sạch mọi thứ, khiến ông mất cả “chì lẫn chài!”

Trong một lần sau khi được tha về nhà, tôi và ba tôi đã có bữa nhịn đói vì không còn tiền mua gạo. Quá túng quẫn, hai cha con tôi đành phải tìm một số đồ nghề sửa xe đạp có sẵn trong nhà để đi sửa dạo.

Từ tờ mờ sáng một hôm chúng tôi đã đạp xe đạp chở theo đồ nghề ra tới Quận Năm tức Chợ Lớn cũ để tìm chỗ. Chạy loanh quanh một đổi hai cha con tôi quyết định dừng lại và đặt thùng đồ nghề với ống bơm gần một cây dầu to trên đường Hải Thượng Lãn Ông để hành nghề.

Khi trời sáng thì có hai vợ chồng người trung niên tới bày hàng bán cà phê kế bên. Lúc dọn bàn ghế, thấy hai cha con tôi ngồi xớ rớ gần đấy, chị bước sang ngó ba tôi hỏi:

– Chú sửa xe ở đây hả?
– Dạ. Ba tôi nói nhỏ.

Chị lắc đầu bảo:

– Không được đâu. Chỗ này là chỗ mà bà chủ nhà cho ông thiếu tá mới đi cải tạo về ngồi rồi.

Nói xong chị xoay người đưa tay chỉ ngôi nhà sau lưng và chợt reo lên khi quay lại:

– A, vừa nhắc Tào Tháo là có Tào Tháo ngay. Kìa, ông thiếu tá tới kìa!

Chúng tôi nhìn qua, thì thấy một người đàn ông ốm đen, cao dong dỏng, tuổi cũng trạc bằng ba tôi đạp chiếc xe đạp cũ mèm trờ đến. Khi thấy chị bán cà phê và ông ta thầm thì to nhỏ, hai cha con tôi liền lật đật dẹp đồ nghề ngay. Lúc ông ta bước lại gần, ba tôi vội đứng lên, hai tay xoa vào nhau, miệng ríu rít:

– Xin lỗi anh, tui tưởng chỗ này không có ai nên…

Ông thiếu tá xua tay ngắt lời:

– Dạ, không có sao anh. Cũng xin lỗi anh bởi tui được bà chủ nhà kia giúp cho làm trước nhà cũng được hai ba tháng nay rồi, mong anh thông cảm. Đâu anh và cháu chạy qua thử bên chỗ bưu điện Quận Năm phía kia coi sao? Hình như tôi thấy bên ấy còn chỗ trống thì phải.

Đứng cạnh bên nghe ông kỹ sư và ông thiếu tá một thời nói chuyện và đối xử với nhau tôi thật lòng cảm khái. Đúng là dân trí thức ngày xưa có khác chớ không như dân tình bấy giờ!


Thế là hai cha con tôi rời đi, nhưng cuối cùng chẳng kiếm được nơi nào có thể đặt đồ nghề để sửa, hai cha con tôi đành thất thểu đạp xe về luôn trong đói lả mệt nhoài. Hôm ấy hai cha con tôi phải ăn khoai lang đào sau vườn nhà trừ cơm. Cả đêm tôi không ngủ được vì bụng cứ cồn cào và kêu ùng ục rất khó chịu!

Rồi nhờ một cơ duyên, ông lại quay sang nghề bán gió đá tức là bình dưỡng khí O2 và bình Acetylen C2H2 cho các thợ hàn và những cơ sở sửa chữa xe hơi từ thành phố xuống tới Long An, Mộc Hóa… Nhờ vậy mà tôi lại có tiền để tiếp tục ra đi!

Còn cha gót đỏ như son,
Đến khi cha chết, gót con đen sì.
(Ca dao)

Trong kỳ vượt biên lần thứ mười chín vào cuối Tháng Mười 1988 tại Bà Rịa, Vũng Tàu, ghe tôi đã chết máy lúc đụng cơn bão số 12 sau đêm ra khơi và trôi suốt hai mươi sáu ngày. Cuối cùng khi sắp đến giàn khoan dầu của Tây Đức trong hải phận Mã Lai thì chúng tôi bị “đội lưới hoàng khơi” của công an tỉnh Tiền Giang đang đánh cá lậu trong vùng biển này bắt lại và lôi suốt tuần lễ về tới Việt Nam.

Tháng Ba 1989 do các trại tị nạn vùng Đông Nam Á đóng cửa, không cấp quy chế tị nạn tự động cho thuyền nhân nữa mà buộc họ phải qua tiến trình thanh lọc để xác định tư cách tị nạn nên chính phủ cộng sản Hà Nội không còn xem tội vượt biên là phản quốc, một tội thuộc về chính trị nữa, mà chỉ còn là tội hình sự nhẹ. Do đó người bị bắt bởi vượt biên chỉ bị giam giữ ba tháng và đóng phạt hai trăm ngàn là được thả ra. Tôi vì “phạm tội” nhiều lần nên bị nhốt lâu hơn vài tháng mới được tha về.

Lúc này má tôi đã làm áp lực dữ dội, quyết không cho ba tôi đưa tôi đi nữa bởi thời thế quá bất lợi, hơn nữa bà tin là tôi “không có số xuất ngoại!” Nhưng hai cha con tôi thì vẫn cứ mãi ấm ức, ông nghĩ là ông đi làm cho Mỹ còn giấy tờ đầy đủ và với những giấy tờ này tôi có thể vượt qua thanh lọc nếu tới đảo. Trưa một hôm, ông gọi tôi đến và nói bằng một gương mặt nghiêm trọng:

– Con sợ đi biển chưa? Nếu con nói con sợ biển rồi thì thôi ba không nói nữa còn nếu như con không sợ thì cứ đi, ba không ngại đi nuôi tù đâu. Chứ ba nghĩ con có ở lại đây thì cuộc đời con sẽ chẳng ra gì vì với lý lịch này con không thể làm được gì cả, chỉ lang bang cả đời cho tới chết thôi. Ba không cam tâm con sống như vậy ở xứ sở này!

Đó là những lời tâm huyết mà ba tôi đã nói với tôi, vậy là tôi lại lên đường và sau gần mười một năm bị kẹt ở trại tị nạn cuối cùng tôi cũng đến được Mỹ. Hơn một năm sau, tôi vội vã trở về thăm cha mẹ già và không khỏi nghẹn lòng lúc thấy nhà cửa xập xệ, dậu đổ bìm leo theo năm tháng, tường phủ rêu phong và ông bà thì đói khổ, thiếu ăn, bệnh hoạn không có tiền thuốc thang.


Tất cả gia tài đã vì tôi mà “đội nón ra đi” khiến tôi không thể nào trở lại trường học mà phải cố gắng làm lụng để phụng dưỡng, báo đáp ân sâu nghĩa trọng cho cha mẹ lúc bóng xế chiều tà.

Đầu năm 2017, ba tôi qua đời và sáu tháng sau má tôi cũng theo ông. Chỉ tới lúc đó tôi mới thật sự cảm thấy đời mình có một lỗ hổng thật to vì nỗi mất mát lớn lao khi vắng cả cha lẫn mẹ bởi bao năm qua dù ở xa và không sống cùng ông bà nhưng lúc nào tôi cũng cảm thấy ấm áp và an toàn do mỗi khi có điều gì hệ trọng tôi liền nghĩ ngay tới ba má tôi và gọi điện thoại về Việt Nam để xin ý kiến.



Bây giờ hồi tưởng lại những gì ba má tôi đã làm, đã âm thầm chịu đựng, đã vất vả hy sinh cho tôi khiến lòng tôi se sắt, bùi ngùi rơi nước mắt. Đôi khi trong bữa ăn, nhìn cơm canh thịt cá ê hề tôi lại nhớ tới ba tôi.

Nhớ tới các ngày hai cha con đói ăn thiếu uống mà tự dưng cổ họng như mắc nghẹn, nuốt chẳng trôi miếng thức ăn vừa đưa vào miệng mà không biết tỏ tường cùng ai. Cạnh bên, thằng con trai tôi cứ vô tư vừa ăn uống vừa cười nói trong đầy đủ.

Nhìn con sống sung sướng, vui vẻ, tương lai sáng lạn trong đất nước giàu có tôi bỗng cảm thấy thương cha vô vàn. Cám ơn ba má! Cám ơn ba đã bất chấp, hy sinh tất cả, cam tâm sống cuộc đời tăm tối cơ cực để cho con và gia đình con được hạnh phúc, được sống an lành bình yên chốn này!

Viết để tưởng niệm ba tôi nhân mùa Father’s Day.


Ohio, ngày 12 tháng 06 năm 2022

No comments:

Post a Comment