5/11/21

Lời Hứa - 諾言

Tựa

Cuộc sống thiên hình vạn trạng, tôi thường có nhiều cảm xúc trước những sự vật thay đổi nhanh chóng của đời người. Trải nghiệm những sinh hoạt, hồi ức những chuyện xưa, giống như phấn hoa bay trong mùa thu, lượn theo cơn gió, luồn vào ý thức, rồi chuyển hóa thành những tư duy, những câu chuyện. Trước sự hoành hành của cơn đại dịch COVID, tôi viết bài "Sống Và Chết"; trước những tư tưởng ấu trĩ và mê muội của người đời, tôi viết bài "Bao Dung"; nghĩ đến vận mệnh gian truân của đất nước quê nhà, tôi viết bài "Chuyện Xưa Biết Bao Nhiêu?".....

Tôi viết với tấm lòng chân thành và mong ước hai điều, thứ nhất hy vọng các bạn có niềm vui dù là nho nhỏ khi đọc bài, thứ hai hy vọng các bạn tìm được sự thanh tịnh trong cõi hồng trần tục lụy và sự cảm thông với chúng sinh ngang ngạnh.

Giá trị của văn chương là nhằm giúp ích cho người đọc đồng thời khiến người viết trải lòng mình trước những thăng trầm trong cuộc sống. Trí óc tôi thường lóe sáng lên với những lời dạy của Thánh Hiền và tâm được an trú trong thanh tịnh với lời dạy của Đức Phật, cảm giác như đèn được bật sáng trong đêm tối; như tiếng chuông chùa văng vẳng bên tai trong lúc mê man; như khi đang vùi đầu bên bàn sách bỗng nhiên ngẩng đầu trông thấy núi non trước mắt.

Bấy lâu nay, khi ưu tư, tôi trốn vào bài viết; khi hoan hỉ, tôi thể hiện qua bài viết; khi phân vân bối rối, tôi tìm thầy trong bài viết; tôi ghi vội cảm nghĩ của mình khi nó thoáng hiện trong đầu. Nếu bài viết của tôi có đóng góp chút gì cho các bạn, đó là công đức của Chư Phật Bồ Tát và các bậc Thánh Hiền cùng sự quang minh và tuệ lực bẩm sinh của con người, văn tự chữ nghĩa cũng như bài viết của tôi chỉ là một phương tiện mà thôi.

Tôi thầm mong những cảm nghĩ không bị lệch lạc qua tuổi già, và cám ơn các bạn hữu duyên tuy xa mà gần chịu khó lắng nghe những lời tâm sự của tôi trong thời gian qua.

Gần đây, xem vở kịch ngắn "Cô Noãn" (*), tôi chợt nhớ lại một câu chuyện về hứa hẹn lâu năm về trước, cho nên viết bài "Lời Hứa", trình bày chút ít quan niệm và đạo lý của cuộc sống, tôi nguyện luôn luôn bồi đắp nhân cách, nâng cao trí thức, vượt qua khó khăn, tiếp tục nhẹ bước trên đường chánh đạo.


 Lời Hứa


Năm 1997, Dân chúng Hồng Kông hoang mang, tinh thần tán loạn, phong trào di dân bùng nổ dữ dội, vì nước Anh chuẩn bị chuyển giao để Trung Quốc tiếp quản quyền cai trị mảnh đất Hồng Kông. Lúc đó, dân chúng tẩu thoát bằng hai cách:

- Bỏ vốn đầu tư ra nước ngoài.

- Bằng con đường hôn nhân.

Mà hôn nhân là cách được người dân lựa chọn nhất, vì đám thường dân đâu có nhiều tiền để theo con đường đầu tư.

Một ông anh họ lập nghiệp lâu năm tại Hồng Kông, trong hoàn cảnh như vậy, nên đã đích thân đến Mỹ để bàn chuyện cùng người chị họ kế hoạch di dân, bằng cách làm đám cưới hữu danh vô thực giữa đứa con trai của ông anh họ và đứa con gái của người chị họ. Trên nguyên tắc, người chị họ đã đồng ý kế hoạch trên. Công việc tiến hành đến giai đoạn cuối thì người chị họ không biết vì lý do gì bỗng đổi ý hủy bỏ kế hoạch ban đầu.

Người anh họ bị cú sốc quá nặng, đâm ra oán hận và đoạn giao với người chị họ, từ đó đến nay hai bên vẫn chưa liên lạc với nhau, tình nghĩa anh em khó có thể hàn gắn trở lại.

Con người càng tin nhiều vào lời hứa bao nhiêu thì càng nhiều thất vọng oán hận bấy nhiêu khi bị thất hứa.


Gần đây, xem vở kịch ngắn "Cô Noãn", trình bày khá sâu sắc về ý nghĩa của lời hứa.


Tại một làng quê chất phác, Noãn và Hà đều trong lứa tuổi 14, 15. Noãn là con gái xinh đẹp duyên dáng, Hà thương Noãn từ bấy lâu nay.

Năm đó, một đoàn kịch đến từ đô thành, kép hát đẹp trai trong đoàn đã làm say mê trái tim của con gái trẻ đang tuổi dậy thì có nhiều mơ mộng về tình yêu, không bao lâu, Noãn và chàng kép hứa hẹn chuyện trăm năm. Thế rồi, chàng kép đẹp trai kia phải cùng đoàn hát lưu diễn đến một địa phương khác, chàng hứa với Noãn là nhất định về rước nàng lên đô thành. Tuy nhiên ba năm trôi qua, không thấy tăm hơi của chàng.

Bây giờ trở lại câu chuyện của Hà. Hà thấy bất nhẫn liền nói với Noãn:" Thôi em đừng chờ đợi nữa, hắn đã quên em rồi." Hà đồng thời cho Noãn biết là Hà thương Noãn, Hà hứa nhất định một lòng một dạ. Noãn thấy an ủi phần nào mặc dù bị người yêu phụ tình.

Một năm sau, trong kỳ tuyển sinh vào đại học đô thành, Hà được trúng tuyển. Đó là con đường công danh trải rộng trước sự khao khát của bao nhiêu thanh niên xóm làng. Hà phấn khởi báo tin mừng cho Noãn. Ngày lên đường, Hà nắm tay Noãn hứa rằng sẽ thường xuyên viết thư về cho Noãn, ban đầu thư từ qua lại rất nhiều, nhưng rồi giảm dần giảm dần qua thời gian, rồi cuối cùng cũng bặt tin âm tín.

Sau hai cuộc tình đoạn trường, Noãn ngả bệnh nằm bẹp mấy tháng trường. Trong thời gian đó, chàng câm ở cạnh nhà thường đến săn sóc rất tận tình, lo thuốc thang và giúp làm mọi việc lặt vặt trong nhà rất chu đáo. khi đã qua cơn bệnh, Noãn cảm được mối chân tình của chàng thanh niên câm kia, nên gởi thân cùng chàng.

10 năm thấm thoát trôi qua, Hà trở về làng cũ, tình cờ gặp lại cố nhân trên chiếc cầu từng ghi dấu nhiều ký ức ngày xưa, bồi hồi nhìn nàng và mường tượng bóng dáng yểu điệu ẻo lả ngày thơ, nay sắc diện hoàn toàn tương phản, Hà xót xa vô cùng.

Đối diện ngày xưa, trăm mối tơ lòng, như cuồng phong bão tố, dồn dập trong lòng. Noãn thấy Hà chỉ gật đầu cười gượng, không nói một lời, rồi tiếp tục lê bước. Nhìn bóng dáng gầy gò đi xa, Hà ôm mặt khóc nức nở, sự im lặng và chấp nhận của Noãn như trăm ngàn kim nhọn đâm xuyên và lương tâm của Hà.

Bao nhiêu lời hứa trước đó là bấy nhiêu sám hối ngày nay.


Vở kịch "Cô Noãn" nói lên ý nghĩa của hứa hẹn, mong chờ, thất vọng và oan trái của tình đời.

Hà và chàng kép thuộc cùng một hạng người, cả hai đều hứa với Noãn suốt đời: "Tôi nhất định về rước em." "Tôi nhất định cho em hạnh phúc"..... Lời hứa thường cho người nhiều mơ tưởng và hy vọng, nhưng nó cũng thường phai nhạt theo thời gian, cuối cùng lời hứa, ước mong, mộng tưởng tất cả sẽ như nước chảy qua cầu, tan theo năm tháng.

Chàng kép ra đi không trở về, Hà lạc bước trong chốn phồn hoa đô hội đều cho thấy lòng người dễ thay đổi. Chúng ta không phê phán người hứa hẹn, cũng như lúc chúng ta còn trẻ, thường dùng mọi cách để biểu lộ sự cuồng nhiệt và chân tâm đối với tình yêu, hứa hẹn là một trong những cách dễ dàng nhất và có hiệu lực nhất.

Cũng như người chị họ của tôi, lúc hứa với ông anh họ là lòng ngay tình thực, khi đó, chị chỉ nghĩ đến làm thế nào để giúp gia đình ông anh họ được qua Mỹ định cư, chớ chưa suy nghĩ tới vấn đề pháp lý và nhiều vấn đề khác có thể nảy sinh.

Vì vậy, người chị họ, chàng kép và Hà đều chưa ý thức được ý nghĩa và phân lượng của lời hứa, đối với họ lời hứa là lời thoát ra từ đáy lòng, nhưng cuối cùng tâm ý nhiệt thành trở nên xiềng xích, tội vạ và nghiệp chướng.

Nhìn theo sự trải nghiệm của lịch sử và kinh nghiệm của cuộc sống, điểm then chót của sự lỡ duyên và lỡ việc là thời gian và không gian. Vì lời hứa miệng không có quy chế của pháp luật và kiềm tỏa của đạo đức. Thời gian trôi qua, hoàn cảnh thay đổi, ý nghĩa và quan niệm giá trị của cuộc sống cũng thay đổi theo, dần dần người hứa hẹn quên lãng, im lặng; người tin lời hứa cũng im lặng, dằn lòng, không ai muốn nhắc đến chuyện đã qua, nhưng nội tâm đều hiểu rõ nhiều việc làm lúc trước là hoang đàng, mê muội, tổn thương đến người khác và làm mất nhân cách của mình.

Chuyện đời vốn dĩ không có tuyệt đối đúng và sai, người ta thường nói: "trẻ người non dạ", tuổi trẻ hay bồng bột, làm việc theo cảm tính, tuy nhiên, tuổi tác tăng theo dòng thời gian, khi chúng ta không còn cái cớ: "Còn Trẻ", thì nên cẩn thận và tránh nói: " Tôi nhất định sẽ....." không thực hiện được lời hứa nhiều lúc mang đến cho người sự tổn thương suốt đời, đồng thời tạo cho mình sự hối hận không sao bù đắp.

Theo tôi nghĩ, hứa hẹn tốt nhất là như chàng câm trong vở kịch, không cần lời nói, khi cần, họ sẽ giúp; khi khổ, họ sẽ bên cạnh, không có ý đồ mưu toan, không có lợi hại thiệt hơn, âm thầm mà làm theo chân tâm của mình.

Nhà Phật nói: "Thân khẩu ý" làm mười nghiệp, trong đó thân có ba, ý có ba, mà khẩu (miệng) thì có bốn nghiệp.

Khuôn mặt con người, nếu lấy sống mũi làm đường phân cách, một nửa bên trái, một nửa bên phải, hai bên đối xứng, điều hòa, cân đối, chế ngự với nhau, không có chuyên nhất độc đoạn, duy có cái miệng không được can gián, điều tiết nên rất dễ tạo nghiệp. 

Trong Tịnh Tư Ngữ có câu: "Lời nhiều không bằng lời ít, lời ít không bằng lời tốt", lời tốt không phải là tiếng nói nghe êm tai, mà là phải thận trọng lời nói.

Khổng Tử nói: "Nhân vô tín nhi bất lập"(人無信而不立), có nghĩa là làm người mà không có thành tín thì không có thể an thân lập nghiệp, nói một cách khác, lời hứa phải đi đôi với thực hành.

Huỳnh Hoa Cương 72 liệt sĩ vì thực hiện lời nguyền với tổ quốc, với dân tộc, nên đã từ biệt vợ con, hiến trọn thân xác và nhiệt huyết của mình; Mẹ Teresa vì thực hiện lời hứa yêu người nghèo, nên đã từ bỏ giai tầng quý tộc tại Nam Tư Lạp phu (Yugoslavia), hiến thân suốt đời để phục vụ người nghèo nhất trong những người nghèo (The poorest of the poor) tại Calcutta, Ấn Độ.

Tổ quốc và nhân dân ghi ơn 72 liệt sĩ; Mẹ Teresa được phong hạng "Thánh" sau khi từ trần, sự tích thiêng liêng của họ luôn luôn để lại dòng sử xanh của người đời.

Chúng ta muốn làm như bậc quân tử "Nhất nặc thiên kim" (一諾千金), một lời hứa nặng ngàn vàng, tất nhiên không phải là chuyện dễ, nhưng nếu chúng ta bằng lòng học tập bồi dưỡng sự tôn trọng, nghĩ ngợi thêm cho tha nhân, chắc chắn không phải là quá khó khăn, ít ra, chúng ta tránh hành sự như tiểu nhân, khinh lời bạc tín, nói một đường, làm một nẻo.

Không hứa bừa bãi sẽ không phụ lòng người; không dễ tin lời hứa nên người không phụ ta. Cùng khuyến khích!

Trường

05-08-2021


Chú thích:  (TLK)
(*)Cô Noãn: Noãn là phim điện ảnh Trung Quốc 2003 đạo diễn bởi Hoắc Kiến Khởi. Phim đoạt giải thưởng Grand Prix tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo lần thứ 16. Phim chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Mạc Ngôn (Giải Nobel Văn Học 2012): Bạch cẩu thu thiên giá (白狗秋千架). Vì đại dịch SARS 2002-2003 tác phẩm đã bị bỏ lỡ kế hoạch ra mắt tại Liên hoan phim Venice vào tháng 9 năm 2003. 

Nội dung truyện phim: Noãn là một bộ phim nông thôn, Bộ phim kể về Lâm Tỉnh Hà, một thanh niên, người đã sống 10 năm ở thành phố lớn. Khi trở về nhà, anh ta gặp được tình yêu thời thơ ấu của mình, Noãn. Nhiều năm trước, Noãn và Lâm Tỉnh Hà đã từng học cùng trường. Noãn, cô gái nổi tiếng nhất trong trường học, đã yêu một anh chàng nhào lộn trên dây (Acrobat) từ một đoàn kịch....

Sau 10 năm, anh ta cuối cùng đã trở về, tuy nhiên, Noãn đã kết hôn với một người câm.

No comments:

Post a Comment