6/5/20

Cái Nhà Là Nhà Của Ta




Cái Nhà Là Nhà Của Ta

Thuở nhỏ, tôi là sói con sinh hoạt trong bầy Sóc Sơn ở Hà Nội. Ngày chủ nhật, bầy sói họp hành, lúc thì ở Viện Bảo Tàng sau Nhà Hát Lớn Hà Nội, có lúc là Văn Miếu, Voi Phục, Láng, Gò Đống Đa v.v. Mỗi khi họp bầy, chúng tôi đứng thành vòng tròn, hát đuổi (canon) nhau bài ‘‘Cái Nhà Là Nhà Của Ta’’ :
Cái nhà là nhà của ta
Công khó ông cha lập ra
Cháu con phải gìn giữ lấy
Muôn năm với nước non nhà.
Câu thứ hai tình cờ có tên ‘‘cha Lập’’ thì hẳn câu đầu phải là cái Nhà Thụ Nhân. Tôi ngẫm nghĩ mãi trong đầu, mạn phép sửa lại chút đỉnh cho hợp tình hợp cảnh :
Cái nhà là nhà Thụ Nhân
Công khó Đức Ông nhiều ân
Cháu con ta gìn giữ lấy
Muôn năm mái ấm đỡ đần.
Đến khi khôn lớn, tôi mới biết tác giả ca khúc hướng đạo này là cha Nguyễn Văn Thích (1891-1978). Ngài là một Trưởng Hướng Đạo kỳ cựu, năm 1953 là tổng tuyên úy Hướng Đạo Toàn Quốc.

Cha Thích là con cụ Thượng thư Nguyễn Văn Mại (1858-1945), đỗ thủ khoa kỳ thi Hương. Thân mẫu là cụ Thân Thị Vỹ (1862-1946), con cháu cụ Thượng thư Thân Trọng Huề.
Thuở thiếu thời, cậu Thích học trường La San (Huế). Ngày 29/06/1911, cậu chịu phép thánh tẩy, thân phụ biết được dùng roi gậy đánh đứa con bất hiếu. Nhân lễ mừng thất tuần, em gái cha Thích là bà Thiếu Hải có vần thơ kể  lại chuyện cũ như sau :
Trong nhà dùi, gậy, ba toong,
Rút ra đánh hết, chẳng còn cái mô!
Chị em, ai nấy sững sờ,
Lính tráng, vú bõ, không ai rờ đến cơm…
Cụ Thượng Nguyễn Văn Lại muốn con kết duyên với con gái cụ Thượng Nguyễn Hữu Bài. Tài liệu chép rằng ‘‘vào một đêm thanh vắng tháng 9-1917, thầy giáo Giuse Maria Nguyễn Văn Thích cải trang làm cô gái đội nón lá, mặc áo dài tha thướt ra đi, trực chỉ đến Tiểu chủng viện An Ninh tại Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị. Một trường hợp chưa từng có: muốn được nhận vào Tiểu chủng viện thường là 12 đến 14 tuổi, nhưng thầy Thích đã 26 tuổi thì phải làm sao đây? May mắn là Đức cha Lý (Allys) biết rõ hoàn cảnh nên nhận ngay người chủng sinh rất độc đáo nầy, vừa học tiếng Latinh và chương trình đào tạo linh mục, vừa được mời làm giáo sư Pháp văn, Hán văn, Quốc văn cho chủng sinh. 6 năm sau, ngài được thụ phong linh mục (18-12-1926).
Từ 1958, cha là giáo sư Đại Học Đà Lạt, Huế, Saigon.
Từ năm 1959, cha dạy Hán văn và Triết Đông tại Viện Hán Học Huế.
Linh mục Nguyễn Văn Thích là tác giả “Sảng Đình Thi tập” gồm 153 bài thơ Việt văn, Hán văn và Pháp văn. Thơ của cha rất đa dạng, từ những câu vè 4 chữ, những câu thơ lục bát, tứ tuyệt và thơ Đường, đến những bài Thánh ca, Thánh thi ca tụng Đức Mẹ. Biệt hiệu Sảng Đình ( ) của cha :
- Sảng : là sáng, đẹp ;
- Đình : (Thiên) Đình.  
Cha Thích có biệt tài về cổ họa, ngày nay còn giữ lại bức tự họa “Trầm ngâm chiếc bóng dựa bên tường”, “Đức Từ Mẫu” (Mater Misericordiae).
Về âm nhạc, cha Thích sử dụng thành thạo các nhạc khí dân tộc như đàn nhị, đàn cò, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn tì bà và một số nhạc cụ Tây phương.
Cha Thích làm giáo sư lâu năm, dạy đại học nhiều nơi, lương bổng cao, nhưng ngài không giữ lại chút gì cho mình. Khi nhắm mắt lìa đời, ngài chỉ còn vài bộ áo đã sờn vai.
Bao nhiêu năm làm giáo sư, cha vẫn đi một chiếc xe đạp duy nhất. Một hôm, cha đạp xe đạp đến dạy học tại Đại chủng viện Kim Long, tình cờ bắt gặp một người đàn ông áo quần xơ xác đang chặt trộm buồng chuối của chủng viện. Thấy cha, ông ấy hoảng hốt toan bỏ chạy. Cha ôn tồn gọi người đó lại, móc túi đưa thêm ít tiền rồi nói: “Bác có muốn ăn chuối non nầy thì phải thêm cái gì để nấu ăn chứ. Bác cầm lấy chút tiền nầy mua tôm tép gì thêm vào cho đủ vị”. Vừa nói, cha vừa đưa tiền rồi đi vào dạy học.
Một chuyện khác làm rúng động thành phố Huế: Năm 1950, một bác sĩ tổ chức hội chợ từ thiện, với sự cộng tác của cha Thích. Giữa mấy gian hàng bày trò chơi lại có một sòng bạc thu hút nhiều khách. Cha Thích phản đối: “Cờ bạc không thể đi đôi với việc từ thiện”. Trưởng ban tổ chức không chịu nghe, cha Thích liền lấy micro khuyến cáo dẹp sòng bạc đó. Bác sĩ tổ chức giật micro trong tay cha. Trong lúc giằng co, bác sĩ tát vào má cha. Hồn nhiên và khiêm tốn, cha liền đưa má kia và nói: “Còn má này nữa, xin ngài hãy đánh cho đỡ giận”. Mọi người vây quanh đều sửng sốt, ngỡ ngàng. Có người đã thốt lên: “Phải là một đấng thánh mới làm được như vậy!” Cuối cùng, ông trưởng ban tổ chức đã cúi đầu xin lỗi cha.
Ngày 10-12-1978, linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích với tuổi 87, giã từ trần thế để về cõi trường sinh, về với Thiên Chúa, Đấng mà cha đã hiến thân phục vụ đến trọn đời.’’
v
Và sau đây là những lời tự thuật của Đức Ông Nguyễn Văn Lập, đọc được trên trang nhà của Tòa Tổng Giám Mục Huế :
‘‘Trong thời gian tôi đi du học, làng quê tôi vẫn bình thường. Mẹ tôi chỉ mong có ngày tôi làm linh mục rồi về thăm làng. Ngoài lần về quê sau ngày thụ phong linh mục, phải đợi đến khi tôi đi du học về mới có dịp đôi ba lần trở về làng. Có một lần tôi về Vạn Kim cùng với Đức Cha Urrutia Thi, nhờ một viên sĩ quan người Pháp dùng xe jeep chở chúng tôi. Những chuyến về quê như vậy rất khó khăn và nguy hiểm vì là trong thời chiến. Viên sĩ quan này có người anh làm linh mục mà tôi được quen biết trong thời gian học ở Pháp.
‘‘Mẹ và cha tôi đều qua đời khi tôi còn ở bên Pháp. Phải sáu, bảy tháng sau tôi mới được tin về cái chết của mẹ và cha tôi. Hồi đó thư từ rất khó khăn. Khi còn sống, cứ mỗi buổi chiều mẹ tôi ra ngã ba đón con về, như một thói quen, đến nỗi các chị tôi phải ra đón về. Có lẽ mẹ tôi chết một phần vì nhớ con. Ba bà chị và chú em cũng đã qua đời. Các cháu của tôi đều đã vô Nam, sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt tại vùng quê tôi và tại Quảng Trị nói chung.
‘‘Tôi trở về Việt Nam năm 1947 và bắt đầu dạy học tại trường Providence (Thiên Hựu). Thực ra khi gửi tôi đi du học, Bề trên đã có ý định để sau này tôi về điều hành trường, nhưng tôi chưa bao giờ làm Giám đốc của Providence. Không riêng gì tôi mà các cha khác của Giáo phận Huế đi du học về đều có một lộ trình như nhau là dạy học ở Providence, bởi trường này là của Giáo phận Huế, kể cả Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, sau này làm Giám mục.
‘‘Tôi là Giám đốc Công Giáo Tiến Hành đầu tiên. Có lẽ việc bổ nhiệm cũng đã thông qua Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhưng để Tòa Thánh bổ nhiệm cho có uy tín hơn. Còn tôi cũng chẳng có khi nào liên lạc với Tòa Thánh, nên cũng không rõ mình trực thuộc Bộ nào. Bổ nhiệm mà không có văn bản. Một ngày đẹp trời, tôi được Đức Giám mục Địa phận Huế cho biết tôi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám đốc CGTH Việt Nam. Do đó, khi Hội Đồng Giám mục Việt Nam muốn tôi lên Đà Lạt làm Viện trưởng Viện Đại học Đà Lạt thì lại phải xin phép Tòa Thánh. Tòa Thánh cũng trả lời cho Đức Cha Ngô Đình Thục là Tòa Thánh chấp thuận.
“Tôi đang làm Giám đốc CGTHVN thì được Hội đồng Giám mục Việt Nam mời về làm Viện trưởng Viện Đại học Đà Lạt. Đức Cha Ngô Đình Thục loan tin này cho tôi. Ngài đã báo cáo với La Mã và đã được Thánh Bộ Truyền Giáo chấp thuận. Đức Cha Thục là niên trưởng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đứng tên Viện trưởng và chịu trách nhiệm về Viện Đại học Đà Lạt. Cha Giuse Trần Văn Thiện khi đó là Giám đốc Ký túc xá Sinh viên, nhưng vì Viện trưởng không thường xuyên có mặt ở Đà Lạt nên ngài đã điều hành mọi công việc của Viện và do vậy, nhiều người đã lầm tưởng cha Thiện là Viện trưởng. Trong tư thế như vậy của Đức Cha Thục, chắc chắn đề nghị này là do ngài đề xướng và các Giám mục khác cũng đồng ý. Tôi không loại bỏ khả năng ý kiến này cũng được Tổng Thống Ngô Đình Diệm đồng ý, bởi nếu Tổng Thống không đồng ý thì cũng khó lòng.
‘‘Tôi được Chúa ban cho khả năng quen biết nhiều, nhưng không hề theo một ai vì ý hướng chính trị. Riêng với gia đình họ Ngô, Đức Cha Thục luôn đối xử với tôi trong tình cha con.
‘‘Trên Đà Lạt có nhiều vị xứng đáng hơn tôi để giữ chức Viện trưởng, như các cha Lê Văn Lý, Hoàng Quốc Trương. Tôi hiểu là tôi sẽ phải điều khiển Viện không bằng luật pháp mà bằng tình thương. Chỉ lấy tình thương mà đối xử với sinh viên. Cho nên trong suốt thời gian tôi làm Viện trưởng, tôi không hề phạt một anh sinh viên nào, tôi chỉ làm hết sức để giáo dục sinh viên.
‘‘Khi về nhận chức Viện trưởng Viện Đại học Đà Lạt, anh em đề nghị tôi mời anh Vũ Khắc Khoan lên giảng dạy tại trường Văn Khoa của Viện. Nhớ lại kỷ niệm năm xưa gặp anh sang sảng ngâm ‘‘Thăng Long Thành Hoài Cổ’’ ở Văn Miếu Hà Nội, tôi đồng ý ngay. Anh Khoan vốn tính tình phóng khoáng, nghệ sĩ, đã thẳng thắn nói với tôi: “Thưa cha, anh em bảo tôi lên đây cộng tác với cha, tôi cũng thích, nhưng tôi là người hơi bê bối, không biết cha có chịu không?” Tôi trả lời: “Bản thân anh làm sao cũng được, xin anh để mọi bê bối ngoài cổng và mời anh vào dạy”.
‘‘Buổi hầu chuyện cuối cùng của tôi với Cha Simon Nguyễn Văn Lập là vào ngày 11/1/2001, đúng một năm sau ngày từ chức chính xứ Giáo xứ Bình Triệu (11/1/2000), trong không khí rộn rã của những ngày tất niên, chờ đón năm mới. Vài ngày sau, Cha cho một nữ tu thuộc Tu Hội Bác Ái đem sang tặng tôi một chiếc bánh chưng Như Lan, loại hảo hạng, và một tấm thiệp với lời cầu chúc bằng nét chữ không còn tròn vành. Đến cuối năm, ngày 19/12/2001, Chúa gọi Cha về mang theo nguyện ước đã hơn một lần ngài thổ lộ cho tôi, rằng ngài ao ước một ngày không xa, Viện Đại học Đà Lạt được trao trả lại cho Giáo Hội, rằng Thụ Nhân bốn phương tung cánh về lại tổ ấm, cách riêng Lê Đình Thông về làm Viện trưởng để nối nghiệp Thụ Nhân.’’
Năm 2002, có người đọc bút ký này, suy diễn là tôi muốn về Việt Nam làm viện trưởng. Tôi bị hàm oan mà không hề lên tiếng. Từ khi sang Pháp, tôi chưa về Việt Nam lần nào. Nay trắng đen đã rõ ràng, tôi trích nguyên văn ý kiến của Đức Ông Nguyễn Văn Lập, do ông Vũ Sinh Hiên ghi lại. Tất cả đều là sự thật và do người khác ghi lại.
v

Câu hát năm xưa của cha Thích vẫn còn văng vẳng trong tâm trí tôi. Cha viết ‘‘cái nhà’’ là mang dáng dấp của tây học :
‘‘la maison’’, ‘‘la’’ -> giống cái, dịch sang tiếng ta là ‘‘cái’’, rất chân phương mà thấm thía, vì cái nhà có nghĩa là nhà người mẹ nuôi nấng ta.
Đức Ông Nguyễn Văn Lập không nói ‘‘cái nhà’’, mà là nhà Thụ Nhân, nhà của cha Lập.
Lúc là sói con, tôi ở trong ‘‘cái nhà’’ của ba mẹ tôi. Đến khi tôi tập tễnh bước vào Nhà Thụ Nhân là ấp ủ tỉnh thương của người cha, nợ nần tình đồng môn của bạn bè.

Cách ngôn rừng của sói con là thật thà. Tôi mạn phép in tấm hình cũ hồi nhỏ tôi là sói con để nói rằng những lời viết ra đây đều là thật thà, ngay thẳng.

Lê Đình Thông


No comments:

Post a Comment