1/3/16

JAN 3 Pháp bồi thường nạn nhân khủng bố như thế nào? - Thu Hằng (RFI)

Được thành lập theo đạo luật ngày 09/09/1986, sau loạt khủng bố tại thủ đô Paris, “Quỹ Bảo lãnh các nạn nhân vì hành vi khủng bố và tội phạm khác” (Le Fonds de garantie des victimes des actes de terrorisme et d’autres infractions - FGTI) có nhiệm vụ thực hiện công việc này. Mục đích trước tiên là thể hiện tinh thần tương ái của nhà nước đối với các nạn nhân của khủng bố, dù mang bất kỳ quốc tịch nào. Sau đó, quỹ cũng bồi thường các nạn nhân của những loại hình tội phạm khác.
Từ khi được thành lập năm 1986, quỹ FGTI đã bồi thường cho 4.070 nạn nhân các vụ khủng bố. Tuy nhiên, năm 2016, quỹ sẽ phải xử lý lượng hồ sơ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của mình, song hoàn toàn có đủ tiềm lực tài chính, theo lời Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin, được nhật báo Le Figaro trích dẫn ngày 17/11/2015.

Mọi chi phí liên quan tới việc tổ chức tang lễ, thiệt hại về tinh thần, thể xác hay kinh tế (như phải ngừng làm việc) đều được đền bù. Theo thông báo của Chưởng lý Cộng hoà Pháp, quỹ FGTI sẽ trực tiếp liên lạc với các nạn nhân hay những người được quyền, vợ chồng, con cái, cha mẹ hay anh chị em của nạn nhân của loạt khủng bố vừa qua.
Thường các nạn nhân hay gia đình nạn nhân có thời hạn 10 năm để yêu cầu được bồi thường tính từ khi sự kiện xảy ra. Số tiền bồi thường được tính toán tùy theo hoàn cảnh từng trường hợp. Nếu đó là một hành động khủng bố, các nạn nhân được hưởng thêm một khoản tiền bồi thường khác. Tuy nhiên, để nhận được khoản tiền này, nạn nhân hay gia đình nạn nhân cần phải cung cấp tất cả mọi hoá đơn và bằng chứng.
Ông Stéphane Gicquel, Tổng thư ký Hiệp hội nạn nhân các vụ khủng bố và tai nạn tập thể (FENVAC), nhấn mạnh : « Cần phải giữ lại mọi giấy tờ chứng minh rằng nạn nhân đã phải ứng tiền trước, vì nước Pháp áp dụng nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại. Có nghĩa là từ tiền đi taxi tới các loại giấy chứng nhận của bác sĩ tâm thần. Thường các nạn nhân phải sống lại thời điểm đau khổ mà họ đã phải trải qua khi chuẩn bị các loại giấy tờ này ».
Khoản tiền bồi thường được tính toán bắt đầu từ thiệt hại về tinh thần. Vẫn theo ông Stéphane Gicquel, « Đối với việc mất một người con hay vợ hoặc chồng, khoản tiền bồi thường dao động trong khoảng 30.000 euro ». Thêm vào đó là khoản tiền bồi thường kinh tế được căn cứ tùy theo hoàn cảnh cá nhân của mỗi nạn nhân. Có nghĩa là quỹ FGTI sẽ nghiên cứu thiệt hại của nạn nhân so với hoàn cảnh trước đó và công việc này được giữ tuyệt mật, hoàn toàn phụ thuộc vào từng hoàn cảnh.
Về những nạn nhân “vô hình” của loạt tấn công khủng bố ngày 13/11, trả lời đài RFI, ông Gicquel nhận định « Rất nhiều người bị chấn thương tâm thần thật sự. Thế nhưng, những vết thương vô hình này lại rất khó chữa. Không phải chỉ cần vài buổi điều trị tâm lý là có thể bình phục được và những hình ảnh kinh khủng sẽ vẫn ám ảnh các nạn nhân. Tôi tin là quỹ FGTI sẽ có cách quản lý mang tính nhân văn, chứ không rập khuôn hành chính, hay theo các quy định về mức bồi thường ».
Trong trường hợp không đồng tình với khoản bồi thường, nạn nhân có thể kháng nghị lên toà án tối cao. Cơ quan này sẽ đưa ra mức bồi thường mới, nhưng thời hạn thường kéo dài rất lâu. Ví dụ như hồ sơ từ loạt khủng bố tại toà soạn báo trào phúng Charlie Hebdo và siêu thị Hyper casher, thậm chí vụ tấn công tại thành phố Toulouse do kẻ khủng bố Mohammed Merah ra tay thực hiện vào tháng 03/2012 vẫn đang được tiến hành.
Ngân sách của quỹ này được trích từ các hợp đồng bảo hiểm về tài sản (xe hơi, nhà ở, thiệt hại về tài sản nghề nghiệp), « khoảng 3,30 euro trên mỗi hợp đồng. Và khoản này sẽ tăng lên thành 4,30 euro bắt đầu từ ngày 01/01/2016 », theo giải thích của ông Stéphane Gicquel. Toàn bộ nguồn tài chính của quỹ lên tới 406,7 triệu euro vào năm 2014. Chỉ riêng năm 2015, đã có 6,5 triệu euro đã được chuyển cho các nạn nhân hay người thân.
Con các nạn nhân khủng bố được nhà nước giám hộ
Ngoài những nạn nhân trực tiếp của loạt khủng bố ngày 13/11, còn có rất nhiều “nạn nhân vô hình” khác là con cái của họ, lớn lên thiếu sự chăm sóc của cha hay mẹ bị chết tại Paris hay ở Saint-Denis. Các em sẽ được hưởng quy chế “trẻ được nhà nước giám hộ”, có nghĩa là nhà nước nhận đỡ đầu các em cho tới cuối đời.
Cũng nằm trong đạo luật ngày 09/09/1986, quy chế “trẻ được nhà nước giám hộ” được hình thành trong giai đoạn Thế Chiến Thứ Nhất để trợ giúp các em có cha mẹ chết vì chiến tranh. Vào năm 1917, có khoảng hơn 1 triệu trẻ em ở hoàn cảnh này. Vì thế, nhà nước quyết định giúp đỡ các em, như từng hỗ trợ những người bị thương hay tàn tật.
Chương trình tương trợ này được giao cho Cơ quan Cựu chiến binh và Nạn nhân chiến tranh (ONACVG) quản lý. Tính từ năm 1917, có hơn 2 triệu người được hưởng quy chế “trẻ được nhà nước giám hộ”. Thế nhưng, rất nhiều gia đình chỉ phát hiện ra rằng cha hoặc mẹ của họ được hưởng quy chế này trong khi họ đã qua đời.
Trợ giúp hàng ngày cho tới cuối đời
Nhà nước đứng ra đỡ đầu các em. Gia đình hoặc người có quyền được hưởng phải làm đơn yêu cầu trước năm họ 21 tuổi. Toà án tối cao là người đưa ra phán xét cuối cùng.
Hiện nay, số lượng “trẻ được nhà nước giám hộ” không nhiều như hồi đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, các vụ tấn công khủng bố trong những năm gần đây, cùng với những chiến dịch quân sự bên ngoài lãnh thổ Pháp cũng khiến số lượng trẻ mồ côi tăng nhanh. Pháp nhận đỡ đầu khoảng 33 trường hợp vào năm năm 2015, đây được coi là con số ở mức trung bình. Thế nhưng, theo Cơ quan Cựu chiến binh và nạn nhân chiến tranh (ONACVG), con số này sẽ tăng lên nhiều vào năm 2016.
Trong số những trẻ vị thành niên được Nhà nước đỡ đầu vào năm 2015, có một số là con của các họa sĩ làm việc cho tờ báo biếm họa Charlie Hebdo. Ba gia đình nạn nhân của vụ khủng bố tại tòa soạn tờ tuần báo vẫn chưa làm đơn yêu cầu.
Bà Emmanuelle Double, phụ trách Ban Tương ái của Cơ quan Cựu chiến binh và Nạn nhân chiến tranh cho biết : « Nhiều người lo ngại về cụm từ “nhận đỡ đầu”. Thế nhưng, quy chế này không tước đoạt của họ bất kỳ quyền lợi nào, mà chỉ mang lại thêm quyền hơn cho họ. Có thể một số bậc phụ huynh không muốn chuyện này để lại dấu vết trong cuộc đời của con họ, nhưng việc “nhà nước nhận đỡ đầu” sẽ không được ghi trên giấy khai sinh ».
Ngoài ra, trẻ em là nạn nhân trực tiếp các vụ khủng bố cũng được hưởng quy chế này. Vào năm 2009, trong số 53 “trẻ được nhà nước giám hộ”, có 47 em lúc đó đang đi du lịch tại Ai Cập khi một quả bom phát nổ tại một khu chợ ở thủ đô Cairo, Ai Cập, khiến một nữ sinh thiệt mạng.
Hàng năm, Cơ quan Cựu chiến binh và nạn nhân chiến tranh nhận được một khoản ngân sách dao động từ 800.000 đến 1 triệu euro. “Trẻ được nhà nước giám hộ” được hưởng trợ giúp cá nhân tới cuối đời. Tùy theo hoàn cảnh, mỗi em sẽ nhận được sự giúp đỡ hàng ngày, một khoản tiền hay một tấm ngân phiếu năm các em tròn 18 tuổi. Khi các em tìm được việc làm đầu tiên, cơ quan trên sẽ tặng các em chiếc xe hơi đầu tiên, một máy vi tính hay đứng ra bảo lãnh khi thuê nhà. Các em được miễn học phí đại học.
Hiện đang có 300 người được hỗ trợ như vậy. Đa số thường không còn cần tới chương trình trợ giúp khi có việc làm ổn định. Tuy nhiên, một số người lớn tuổi, khi gặp khó khăn, lại quay lại nhờ Cơ quan Cựu chiến binh và nạn nhân chiến tranh giúp đỡ. Đa phần trong số họ là nạn nhân của cuộc chiến Algeria.

No comments:

Post a Comment