3/31/13

Áo Vàng Ba Sọc Đỏ của Sinh Viên Luật Hà Nội

Tin Hà Nội: Nhiều hình ảnh hiện đang lưu truyền trên Facebook với hình các bạn trẻ mặc áo cờ vàng có ba sọc đỏ. Đó là áo thể thao của các bạn sinh viên Khóa 37 Đại Học Luật Khoa Hà Nội. Ba hình phía dưới có bạn thuộc lớp 6, lớp 17 và lớp 25. Có thể tòan khóa sử dụng màu áo này. Có hình khác các bạn khác mặc áo thể thao xanh đỏ.

Các hình này chủ yếu xuất phát từ albums và Facebook cá nhân của Hà Ngọc và của Mỹ Hà, có thể là hai sinh viên đại học luật khóa 37.

Các hình chụp là ở sân vận động Mỹ đình Hà Nội, ở công viên Hòa bình Mỹ đình, Hà Nội và ở trước cổng trường Đại Học Luật, đường Nguyễn chí thanh, Đống Đa, Hà Nội.

Một cư dân Hà Nội đã thấy các bạn mặc áo vàng có ba sọc đỏ cho biết: "Thực ra chả có tin tức gì cả, chả phải phong trào mặc áo cờ vàng gì hết, nhưng việc xuất hiện những bộ áo như này giữa thủ đô làm tôi ấm lòng lắm, tôi nhận ra tổ quốc ta phải đại diện bởi lá cờ đó, không thể là cờ cộng sản được. Đó là những hình ảnh đẹp về sinh viên thủ đô mà là sinh viên trường luật".

Một người ở Melbourne Úc lại cho biết: "Nếu màu áo cờ này, mặc trong ngày 30-04-2013, thì nó sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Và mọi người muốn thay đổi chế đô cộng sản bán nước hại dân, thì tiếp tục vận động, mặc áo cờ vào những ngày như vậy, nó biểu hiệu cho việc bất tín nhiêm chế độ, cộng sản rất sợ nhưng rất khó lấy lý do để trấn áp . Cám ơn người có sáng kiến này."

Nguyễn Quang Duy

Melbourne Úc Đại Lợi

29-3-2013

3/30/13

Cô giáo Ngụy

Thần Long

image

'Cô giáo Ngụy, cô giáo Ngụy sắp vô lớp đó nghe tụi bay ...'

Một đứa học trò la lớn. Bọn con trai mấy đứa con trai đang quây quần cuối lớp khác chơi trò 'dích' hình, đứa nào đứa nấy tóm vội vã thâu tóm lại mấy tấm hình màu bằng bìa cứng có in hình sặc sỡ. Bọn con gái đang tụm ba tụm bảy nói chuyện nô đùa cũng vội vàng quay về chỗ cũ. Cô giáo Mai lễ mễ ôm phần chia nhu yếu phẩm của cô tháng này, gồm mấy trăm gam thịt, mấy trăm gam đường bước vào lớp. Cô bước vào lớp, tất cả học sinh đứng lên chào. Sau khi để gói thịt, gói đường cẩn thận vào trong giỏ. Cô mĩm cười:

- Cô cho các trò ngồi xuống. Các trò làm chi ồn rứa bộ định làm loạn giống...
Mai định nói làm loạn giống 'Việt Cộng' như thói quen cô vẫn nói khi la rầy học trò trước kia, nhưng cô ngưng lại kịp. Sau khi nghe em lớp trưởng điểm danh, cô bắt đầu khảo bài. Học trò của cô phần nhiều thuộc những gia đình mà chính quyền mới gọi là thành phần có nợ máu với nhân dân hoặc có vấn đề với 'cách mạng'. Hầu hết cha của các em đang bị cầm tù trong các trại tập trung cải tạo. Thêm vào đó có khoảng một vài em thuộc gia đình cán bộ cộng sản cao cấp mới vào Nam. Phần đông các học trò miền Nam những năm đầu sau khi bị 'giải phóng' các em học trò miền Nam còn rất ngoan và kính trọng thầy cô, và ngược lại thầy cô miền Nam cũng còn coi công việc gõ đầu trẻ là một thiên chức chứ không phải thuần túy là một để sinh nhai. Mai ra trường Sư Phạm Đà Nẵng đi dạy được hai năm thì miền Nam mất. Cô được chính quyền mới cho đi dạy lại vì theo họ lý lịch của cô tương đối khá sạch, từ ông bà xuống tới cha mẹ không có ai làm lớn trong chính quyền cũ.
Sáng nay như thường lệ sau khi khảo bài cũ cô bắt đầu dạy bài mới. Trước bảng đen Mai nắn nót viết bài học Pháp văn cho tiết học hôm nay trên bảng đen.
Mardi 26 Septembre 1977
Conjuguez le verbe "Être" Je suis Tu es Il est ...
Bỗng một tiếng thét lớn:
- Thưa cô trò Hùng cú đầu con!
Mai nhịp nhịp cái thước gỗ vào bảng không trả lời, cả lớp lại im lặng như tờ chỉ có tiếng bút mực sột soạt trên giấy. Cô tiếp tục viết bài học lên bảng đen.Elle est ...
... Thưa cô trò Hùng bóp… cu con...!
Cũng là cái giọng học trò hồi nãy, và lần này cả lớp phá lên cười như ong vỡ tổ. Cô Mai nghiêm mặt quay lại bảo:
- Hùng, Quang hai em lên đây!

image

Hình minh họa

Hai đứa học trò lớp Sáu, ngồi cạnh nhau một đứa đen đủi nhỏ thó tướng tá loắt choắt nghịch ngợm, áo bỏ ngoài quần và một đứa mặt mũi trắng trẻo dáng điệu mảnh khảnh. Cả hai lấm lét bước lên phía trên. Tuy có hơi giận vì học trò tinh nghịch, nhưng cô Mai vẫn chậm rãi hiền từ:
- Có phải Hùng phá Quang không?' Hùng cúi đầu không đáp, cô Mai lại hỏi lần này giọng nghiêm khắc hơn:
- Có phải em phá bạn làm mất trật tự trong lớp không?' Hùng nhìn lên trả lời lí nhí:
- Không ạ!' Lần này thì thằng Quang la lớn:
- Nó xạo, nó cú đầu con rồi bóp ... ' Mai đưa một ngón tay lên môi ra hiệu cho Quang đừng nói nữa không thì cả lớp lại cười như vỡ chợ. Có nhiều tiếng nhao nhao:
- Trò Quang nói đúng đó cô, thằng Hùng nó có làm đó, ... nó còn viết bậy lên lưng áo em nè... Thằng Hùng chợt đưa tay làm thành nắm đấm đôi mắt căm hờn:
- Chúng ông sẽ cho tụi mày biết tay nhé ... chúng ông cho bố bọn mày đi cải tạo cứ là đờ người nhé... Lần này thì cô Mai thật sự giận dữ:
- Trong lớp của cô hay bất cứ đâu em cũng không được phép hỗn láo vô phép với người lớn nghe chưa? Nghe rõ chưa? Em Hùng đến góc kia quay mặt vào tường cho đến hết buổi.
Buổi dạy học tưởng như bình thường sáng hôm đó đem đến cho Mai nhiều chuyện bất ngờ sau này.
Vài ngày trong khi lớp Pháp văn của cô đang làm bài kiểm tra, người tùy phái đến lớp của cô mời cô xuống văn phòng hiệu trưởng có chuyện cần. Mai hỏi:
- Có chi quan trọng rứa bác Tam? Lớp tôi đang làm bài thi làm răng mà bỏ đi? Bác nói đợi tới hết giờ rồi tôi sẽ xuống bác hỉ! Người tùy phái già trả lời:
- Dạ tui cũng nói như rứa với bà hiệu trưởng và ông khách, nhưng họ có chịu nghe mô. O xuống nhanh đi, nghe nói ông khách nớ làm lớn lắm. Mai đáp:
- Bác Tam à, tôi không thể xuống được ngay bây chừ, bác xuống văn phòng giải thích dùm tôi...

image

Hình minh họa

Ông Tam quày quả đi ra. Khoảng vài phút sau một người đàn ông đội nón cối đeo mắt kính đen, tay đeo cái đồng hồ Seiko5 vàng sáng chói, nước da men mét, hàm răng hơi vỗ, mặc quân phục rộng thùng thình, vai đeo xà cạp, ngang nhiên bước thẳng vào lớp, theo sau là ông Tam. Con Trang lớp trưởng sau một vài giây ngỡ ngàng vì người khách vào lớp bất ngờ, nhanh nhẹn hô lớn 'Nghiêm!' Cả lớp buông bút viết, đứng thẳng chào khách. Lần này thì đến lượt người đàn ông đội nón cối đeo mắt kính đen ngỡ ngàng và ngạc nhiên đến độ lúng túng, cô giáo Mai đứng trên bục giảng lễ độ hỏi:
- Thưa ông có việc gì cấp thiết không ạ? Người đàn ông nhìn lên lúng búng trả lời:
- À không, tôi chỉ muốn nói chuyện với cô một vài vấn đề, nhưng bây giờ tôi sẽ đợi cô dưới văn phòng. Cô Mai từ trên bục gỗ bước xuống từ tốn:
- Dạ cám ơn ông, xin ông thông cảm, lớp đang làm bài kiểm tra tôi không thể tiếp chuyện ngay với ông.
Hết giờ Pháp văn cô Mai vội vã xuống văn phòng hiệu trưởng. Bước vào cô hơi ngạc nhiên khi chỉ thấy có ông khách đang chễm chệ ngồi sau bàn giấy của bà hiệu trưởng. Ông khách đưa tay mời cô ngồi. Ông ta vẫn còn đeo đôi kính Rayban đen trong căn phòng không có cửa sổ. Cô Mai bất giác muốn phì cười, nhưng ngăn lại kịp. Ông khách tự giới thiệu:
- Chắc cô không biết tôi là ai, nên không xuống gặp tôi ngay. Cô Mai trả lời ngay:
- Dạ thưa tôi biết ông là người rất quan trọng nhưng vì bài kiểm tra này quan trọng đến kỳ thi học kỳ của các em...
Ông khách ngắt lời:
- Ô! Không không tôi có ý phiền trách gì cô đâu, thực ra thì lúc cô không xuống ngay tôi giận lắm, vì ngoài Bắc mỗi khi tôi vào trường con tôi học là giáo viên phải đến gặp tôi chứ tôi không bao giờ phải lên kiếm giáo viên cả. Cô Mai trả lời:
- Dạ trong ni chắc còn lạc hậu, không biết bao chừ mới theo được bằng ngoài nớ...
Cô Mai không biết ông khách đang nghĩ gì và ánh mắt phản ứng ra sao sau cặp kiếng đen. Ông trầm ngâm một chút rồi nói:
- Bây giờ thì tôi hết giận rồi cô ạ. Tôi xin tự giới thiệu, tôi là Thượng Tá Trần Kình, Chính ủy của Trung đoàn Không quân Tiêm kích 935 đóng tại căn cứ Không quân Đà Nẵng. Con tôi là Trần Hùng học trong lớp của cô, vài hôm trước đây nó có phản ánh phê bình cô có khuynh hướng bảo vệ bọn con cái thành phần chống cách mạng. Cô Mai nghĩ sao?
Mai thật sự ngạc nhiên, dầu miền Nam đã bị chiếm đóng hơn hai năm, bởi một đạo quân nói cùng một ngôn ngữ và cùng chung màu da với cô nhưng cô vẫn chưa thật sự chưa hiểu hết về cách suy nghĩ, giao tế của người cộng sản.

image

Hình minh họa

Cô trả lời chậm rãi:
- Thưa ông Kình, tôi không biết phải trả lời ông ra sao. Tôi là một người thầy giáo chuyên nghiệp, tôi dạy bất cứ học sinh nào được giao phó cho tôi, tôi không phân biệt đối xử các em theo thành phần gia đình... hơn nữa các em khi sinh ra cũng không có sự lựa chọn về lý lịch của cha mẹ. Lý lịch cha mẹ các em theo ý tôi không thuộc phạm vi học đường. Còn việc tôi phạt em Hùng là vì em đã phá rối trật tự trong giờ dạy học của tôi. Tôi bảo đảm không có vấn đề bênh vực thành phần giai cấp gì đó....
Người đàn ông tên Kình, ngồi thẳng lên đan hai bàn tay vào nhau:
- Đó là tư duy của tôi cách đây nữa giờ cô Mai ạ. Sau khi tôi lên lớp của cô thấy việc các em lễ phép chào khách, bàn cô giáo có lọ hoa, các em quần áo chỉnh tề tôi rất lấy làm ấn tượng. Tôi thành khẩn với cô nhá, tôi chưa thấy trường nào ngoài Bắc học trò có văn hóa như lớp của cô. Tôi rất mừng thằng Hùng được cô dạy. Thôi thì thế này nhé, cô cứ công tác tốt, tôi sẽ bảo với đồng chí hiệu trưởng bỏ lời phê bình tiêu cực của tôi về cô đi. Coi như không có sự cố gì cô Mai nhé.
Mai mĩm cười:
- Dạ nếu ông đã dạy thế thì tôi rất vui. Nhưng tôi không dám nhận hết lời khen của ông, vì trong Nam này trường nào lớp nào cũng đứng nghiêm, chào khách chào thầy cô. Còn chuyện trang hoàng lọ hoa cho bàn thầy cô thì quả thật là công khó của các em học sinh nữ của lớp tôi đã tự ý hái hoa đồng cỏ dại trang điểm cho lớp học, không phải do tôi dạy bảo.
Ông Kình cười:
- Cô không tuyên truyền cho miền Nam đấy chứ ? Ồ! Tôi chỉ đùa thôi cô ạ, vâng tôi tin cô nói sự thật. Còn vấn đề này nữa, sao tôi không thấy lớp cô Mai treo ảnh Bác nhỉ?
Mai thán phục sự quan sát của người đàn ông này, chỉ có ít phút trong lớp mà ông Kình đã nhận xét được biết bao nhiêu là chuyện. Cô có biết đâu ngoài Bắc người ta treo hình bác Hồ cũng như trong Nam người ta treo cái gương chiếu yêu trước cửa nhà, để xua đuổi ma quỉ. Việc treo hình của ông Hồ là một điều bắt buộc, nhà nào cơ quan nào mà không có gương mặt lom lom, cười cười của ông Hồ là có vấn đề lớn. Thành thói quen, nhiều người treo hình bác Hồ như một sự thông báo cùng hồn ma bóng quế nhà tôi có chúa quỉ ở đây nhá! Các ngài ma quỉ hồn ma bóng quế tép riu liệu mà xéo đi... Mai ngẫm nghỉ một lúc rồi bảo:
- Hình như một năm trước đây tôi nhớ có treo, nhưng vì lớp học xây dựng bằng phương pháp tiền chế, vật liệu là sắt và tôn ximăng cho nên đinh đóng vào tường không chắc, bức hình lộng kiếng của Bác bị rơi xuống vỡ nát ông ạ.
Ông Kình hỏi:
- Thế thì sao không báo cáo và thay ngay đi, hồi trước giải phóng các thầy, các cô trong Nam treo ảnh Thiệu ra sao mà bây giờ lại nói đóng đinh không được? Cô Mai cười xoà:
- Trước giờ trong này không có lệ treo hình lãnh tụ trong nhà riêng hay trong lớp học. 

image

Điều này thì ông Kình có thể tin, vì khi Trung đoàn 935 tiếp thu căn cứ KQ Đà Nẵng ông cũng hơi ngạc nhiên khi thấy không có văn phòng, cơ sở nào có treo hình tổng thống Thiệu cả. Nhưng ông đã tự giải thích rằng chắc cũng như ảnh Bác là biểu tượng thiêng liêng bọn ngụy khi di tản đã đem ảnh của Thiệu theo để tỏ lòng yêu kính lãnh tụ, như cái đồng chí gì đấy ở ngoài Bắc, nhà cháy nhưng đồng chí ấy cố xông vào để cứu ảnh Bác, trước khi cứu con trai ruột của mình... Ông chợt thốt lên:
- À, công tác chính trị đảng cầm quyền của Thiệu yếu nhỉ!... À này tôi có xem lý lịch của cô, khá trong sạch và cũng thuộc thành phần cơ bản đấy, cha cô là công nhân sở điện, mẹ làm cho hãng dệt, không hiểu sao trường chưa cho cô vào đối tượng Đoàn? Để tôi giúp cho nhé? Mai im lặng một chút rồi nói:
- Chuyện hơi dài ông ạ, sợ kể ra đây làm mất thì giờ của ông, nhưng đây không phải chi bộ Đoàn sơ xuất đâu mà là hoàn toàn do tôi cả. Ông Kình hơi nhổm người về phía trước:
- Tôi không dám tò mò, nhưng nếu cô muốn kể thì tôi không sợ mất thì giờ cô ạ, tôi muốn tìm cách giúp cô. Cô Mai yên lặng một lúc, ánh mắt cô trở nên xa xăm, rồi cô chậm rãi kể.
Chuyện xảy ra cũng gần một năm về trước. Mai gặp lại người bạn học cũ, Đoàn Đình Bình, Bình đã theo cha vô bưng sau cuộc 'tổng khởi nghĩa' thất bại của cộng sản tại Huế năm 1968. Cả lớp của Mai khi ấy không biết Bình đi đâu hay đã bị chết thảm dưới bàn tay của Việt Cộng khi Bình về ăn tết ở Huế. Đầu năm 1976 Bình được bổ về làm bí thư chi bộ Đoàn Thanh Niên Cộng Sản tại trường của Mai đang dạy. Lúc đầu hai người không nhận ra nhau, nhưng Mai nhớ ngờ ngợ cái tên người bạn cũ Đoàn Đình Bình, nên sau một lần họp giáo viên Mai hỏi phải Bình hồi nhỏ có học trường tư thục Bình Minh tại Đà Nẵng không? Hai người nhận ra nhau, rồi trở nên đôi bạn thân. Mai rất trân quí những kỷ niệm và bạn học của ngày xưa thời học trò. Còn Bình thì cũng vui mừng được gặp lại người bạn xưa của ngôi trường đầy tuổi thơ êm đềm trước khi phải ra Hà Nội để bị hấp thụ một nền giáo dục rất ư 'vô giáo dục'. Qua một thời gian, Bình âm thầm yêu Mai và muốn tiến xa hơn với Mai, nhưng trước hết phải giới thiệu được cho Mai vào đối tượng Đoàn, thì việc xin lãnh đạo chấp thuận cho cưới Mai sẽ dễ dàng và vinh dự hơn nhiều. Không hỏi ý kiến Mai, vì muốn dành cho bạn một sự ngạc nhiên mà theo ý Bình đây cũng là một vinh dự cho Mai. Bình mời Mai tham dự một buổi họp Đoàn và tuyên bố đề nghị cho Mai được làm đối tượng Đoàn Thanh Niên CS, sau khi đã đọc lý lịch trích ngang trích dọc của Mai trước mặt mọi người để minh chứng Mai thuộc thành phần tốt. Về phần Mai khi nhận lời dự buồi họp chỉ vì nể Bình và cũng có đôi chút tò mò muốn biết khi họp Đoàn ngưòi ta rù rì rủ rỉ cái chi. Mai không ngờ việc xảy ra như thế. Khuôn mặt của Mai từ trắng chuyển sang hồng, Mai im lặng. Cả phòng họp nghĩ là Mai quá xúc động trước cái đặc ân to lớn kia. Một lúc sau Mai mới run run nói:

image

Hình minh họa

- Cảm ơn anh Bình đã giới thiệu Mai, nhưng Mai không hoàn toàn thuộc thành phần tốt như cách mạng định nghĩa đâu, và cũng không đủ tiêu chuẩn vào Đoàn. Mai đã có chồng, mặc dầu chưa chính thức trên giấy tờ. Chồng của Mai là phi công của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa. Câu sau cùng Mai nói chậm, dõng dạc từng chữ như lời tuyên bố.
- Lỗi tại Mai, Mai đã không kể cho anh Bình nghe, vì Mai nghĩ đó chuyện riêng tư, nhưng bây giờ thì bắt buộc Mai phải nói . Cả phòng họp lặng thinh, không ai biết phải phản ứng như thế nào, còn Bình đứng sững như trời trồng bên cạnh Mai. Một hai phút sau đó anh lắc đầu và bỏ ra ngoài. Mai chạy theo Bình ra đến khoảng sân vắng nói khẻ với Bình.
- Mai xin lỗi nhé, nhưng nếu Mai không nói thì suốt đời Mai sẽ áy náy lắm... Bình quay lại hằn học:
- Tại sao Mai không cho tôi biết, Mai làm tôi ngượng trước mặt bao nhiêu người, mà những điều Mai nói là thật hay bịa đặt vậy? Bình đã hỏi thăm người ta ở chỗ Mai thưòng trú họ nói là Mai chắc chắn còn độc thân mà... Bình thật không ngờ, không ngờ. Mà nếu điều Mai nói là sự thật Mai có yêu thằng đó - xin lỗi anh đó không?
Mai ngạc nhiên về thái độ gần như ghen tương của Bình, Mai không nói gì từ từ kéo sợi dây chuyền từ trong cổ và tháo ra một chiếc nhẫn, loại nhẫn mà phi công sau khi ra trường bên Mỹ thưòng đeo. Mai nói thong thả:
- Mai có chồng thật chứ, nhẫn cưới của anh ấy trao cho Mai đây này...
Bình bưng hai tai không muốn nghe thêm chạy thất thểu ra khỏi cổng.
Ông Kình, chép miệng:
- À ra thế, thế thì gay đấy, Đoàn hay Đảng có quyền từ chối đối tượng chứ có ai có gan dám từ chối vào Đoàn vào Đảng... À anh chồng của cô bây giờ ở đâu? Còn ở đây hay di tản rồi?

image

Hình minh họa

Mai nhớ lại câu chuyện các thực tại chưa xa lắm, vào một ngày cuối tháng Ba năm 1975. Anh Nguyễn Bé Tư, phi công F-5E biệt phái từ Biên Hoà ra. Hai người quen nhau từ mùa xuân 1974 trong một buổi văn nghệ ủy lạo, trường của Mai tổ chức để ủy lạo chiến sĩ. Năm 1975, một ngày trước khi Đà Nẵng bị thất thủ, anh đã gặp Mai. Anh không nói gì nhưng qua nét mặt âu lo của anh, Mai biết là tình hình chiến sự ngày càng xấu đi. Anh dẫn Mai đi ăn tối ở nhà hàng Bạch Đằng trên bờ sông Hàn, hai người cố tránh không nói gì về chiến tranh để được một lần hẹn hò trọn vẹn. Gần lúc chia tay, anh rút cái nhẫn ra trường bên Mỹ đeo vào ngón tay Mai và nói:
- Anh muốn cùng em sống đến cuối cuộc đời, em có thuận làm vợ của anh không?
Mai không nói được gì, chỉ khe khẽ gật đầu nước mắt bắt đầu tuôn vì xúc động và vui sướng. Mai đã là phu nhân của Nguyễn Bé Tư từ ngày ấy. Trong buổi tối ngắn ngủi đó hai người đã vẽ ra biết bao nhiêu là mộng đẹp, về ngày cưới về gia đình tương lai...
Đêm đó anh Tư phải vào trực tác chiến trong phi đoàn. Ngày hôm sau thì Đà Nẵng mất, Mai tìm cách về Sài Gòn vào hỏi bộ Tư Lệnh Không Quân về tin tức của anh Tư. Mai còn nhớ mấy người lính Không Quân ai cũng lắc đầu nhìn chị thương cảm ái ngại . Kể từ đó cái tên Nguyễn Bé Tư mộc mạc đối với Mai như thuộc về một kiếp nào rất gần mà rất xa xăm. Nhưng cô lúc nào cũng tự nhận là người vợ âm thầm của người phi công Nguyễn Bé Tư. Câu chuyện cô Mai từ chối vào Đoàn Thanh Niên Cộng Sản được đồn ra, được thêm thắt, và từ đó học trò gọi đùa cô Mai là 'Cô giáo Ngụy'. Cô nghe nhưng không bao giờ la rầy các em vì biết các em không có ý xấu, ngược lại các em từ đó rất kính nể cô, mấy đứa con trai có cha anh là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nói cô Mai chịu chơi và 'chì' lắm . Mỗi khi nghe ai kêu 'Cô giáo Ngụy' Mai mĩm cười hạnh phúc tự nhủ: 'Ừ, Ngụy thì Ngụy mình thua thì người ta gọi mình là giặc. Ngày xưa Gia Long cũng gọi Bắc Bình Vương Quang Trung, Tây Sơn là 'Ngụy' đó thôi!'
Giáng sinh 1980.
Sau nhiều lần vượt biên hụt, Mai bị đuổi không cho dạy nữa. Cô sinh sống bằng việc lấy mối rau quả và bán lại ở chợ. Một buổi chiều ông Kình ghé ngang hàng của cô lựa lựa mấy bó rau hồi lâu. Cô không nhận ra ông vì bây giờ ông coi có da thịt hơn trước nhưng lại già hẳn đi, và không còn đeo kính cặp kính Rayban nữa. Đến khi hết khách ông mới khẻ bảo:
- Gớm! Cô không nhận ra tôi à? Kình đây, tôi kiếm mãi mới biết cô bán hàng ở đây, tôi có thể gặp riêng cô để nói một chuyện quan trọng không? Tôi sẽ dàn xếp chỗ gặp, cô nhớ đến nhé.
Buổi chiều hôm đó tại một căn biệt thự, ông Kình đề nghị cô Mai dẫn Hùng con ông đi vượt biên ông sẽ lo mọi chuyện.
Mai dường như không tin vào tai của mình:
- Ông không nói đùa chứ? Ông Kình nhìn cô cười:
- Tôi nghĩ là cô sẽ nói thế. Lời đề nghị của tôi rất nghiêm túc nói như người Sài Gòn là 'một trăm phần dầu' cô ạ. Sau năm năm ở miền Nam tôi thấy chế độ CS đã làm băng hoại mọi sự cô ạ. Những năm chiến tranh thì người ta còn có thể biện minh nhưng khi vào miền Nam thì tôi nhận xét thấy giá trị đạo đức nói chung là trong Nam ưu việt hơn ngoài Bắc. Sau năm năm thì tôi thấy con người CS đã làm cho miền Nam ngày càng tồi tệ càng ngày càng giống như miền Bắc. Tôi đã thấy điều đẹp đẽ trong một xã hội văn minh, tôi không thể nào quay về những cái thấp hèn mà tôi đã mù quáng tôn sùng. Tôi muốn con trai tôi ra đi, tôi không muốn thấy nó trở nên một bánh xe trong cái cỗ máy thống trị này. Nếu cô hứa dẫn nó đi, chăm sóc nó đến năm 18 tuổi tôi sẽ lo tất cả mọi chi phí phương tiện ra đi cho cô.
Lý do tôi nhờ đến cô vì thứ nhất tôi biết cô muốn ra đi và thứ hai cô là nguời rất thật thà, chung thủy. Ngay cả trong người thân tôi cũng không thể thố lộ kế hoạch này hay nhờ ai vì lý do an ninh và tính mạng của tôi, chỉ có cô mới giúp được tôi.

image

Hình minh họa

Chuyến vuợt biên của cô do công an Đà Nẵng tổ chức bến bãi, nên việc ra đi phải nói là rất chu đáo. Chuyến đi thật suông sẽ. Tàu vượt biên của Mai sau 5 ngày lênh đên đã cập bến Hương Cảng bình yên vô sự. Tại đây Hùng gặp lại gia đình một người bà con xa ở Hải Phòng đã đến Hương Cảng trước đó một tháng. Hùng muốn nhập chung form định cư với họ. Mai không đồng ý, qua một người trung gian cô gửi thư về Việt Nam hỏi ý kiến ông Kình. Vài tuần sau, Mai được ông cho biết là ông bằng lòng cho Hùng 'tách form' với cô, và coi như lời hứa của cô đối với ông đã hoàn thành. Khi được cao ủy phỏng vấn Cô giáo Mai chọn thành phố Sydney xinh đẹp của quốc gia Úc Đại Lợi làm nơi định cư. Còn Hùng thì theo bà con định cư tại Canada. Cô Mai đi học lại lấy bằng kỹ sư điện toán, cô rất nhân hậu nhã nhặn nên được rất nhiều người khác phái theo đuổi, nhưng không có ai có thể thay được hình ảnh của người phi công ngày nào. Trong những năm gần đây khi các hội thân hữu Không Quân QLVNCH được thành lập tại Úc, người ta thường thấy cô trong những buổi họp mặt. Mai tham gia mọi sinh hoạt, báo chí văn nghệ. Câu hỏi đầu tiên cô hỏi những người lính Không Quân mà cô gặp lần đầu lúc nào cũng là: Có ai biết tin tức gì về anh Nguyễn Bé Tư phi công F-5E biệt phái ở Đà Nẵng hay không? Cô Mai không biết là lần thứ mấy đã hỏi câu hỏi đó, cô hỏi nhưng chính cô rất sợ câu trả lời về số phận của một người mất tích đã hơn hai mươi lăm năm.
Tháng Tư 1998.
Hùng đứa học trò ngày xưa của cô từ Canada qua thăm cô giáo Mai. Hai thầy trò gặp nhau mừng mừng tủi tủi sau mười bảy năm. Hùng bây giờ là một thanh niên tuấn tú lễ phép, rất chững chạc và là một bác sĩ y khoa. Hùng báo cho cô Mai biết là ông Kình đã giải ngũ về hưu, và ông đã tỉnh ngộ hẳn giấc mơ cộng sản và sống rất an phận tại Hà Nội. Trước lúc chia tay, Hùng đưa cho cô Mai một phong thư niêm kín, 'Em cũng chẳng rõ có cái gì trong ấy mà bố em rất cảnh giác không dám gửi qua bưu điện, hay gửi qua người quen đi nước ngoài, chỉ khi em về Việt Nam bố mới trao cho em và dặn là phải đưa tận tay cho cô, và cho cô rõ là phải khó khăn lắm mới lấy được tư liệu này... Bố em dặn cô đọc xong đừng phổ biến, không thì rách việc lắm cô nhé!' 

image

Hình minh họa

Trong phong thư là bản sao của tờ phúc trình tổn thất của sở tác chiến không quân Quân Đội Nhân Dân. Tờ phúc trình như sau:

image

Đại tướng Văn Tiến Dũng thăm đoàn không quân Sao Đỏ

'Thể theo chỉ thị số... Đại Tướng Văn Tiến Dũng đuợc lệnh từ Trung ương Binh chủng Không quân Nhân dân phải hạ quyết tâm khẩn trương làm chủ và tạo điều kiện hồi phục sử dụng sân bay Đà Nẵng để thành lập bộ phận trinh sát và phòng thủ mặt Nam đề phòng bọn Mỹ có thể quay trở lại can thiệp. Theo tinh thần trên. vào sáng ngày 30 tháng 3 lúc 5 giờ 15 sáng giờ Hà Nội một phi đội tiêm kích cơ hỗn hợp gồm 2 máy bay chủng loại Mig21 và một Mig 17. Phi đội mang bí số KK10 được lệnh cất cánh từ Đồng Hới để trinh sát sân bay Đà Nẵng xem xét khả năng bố trí phòng không và máy bay tiêm kích của quân đội ta sau này. Tiểu đoàn trinh sát TS5 báo cáo là căn cứ Đà Nẵng của quân đội Ngụy đã bị bỏ ngỏ hoàn toàn vào lúc 2 giờ sáng 30 tháng 3. Khi phi đội KK10 đã băng qua Xepon Lào và bắt đầu tiến vào Đà Nẵng từ hướng Tây Bắc, thì bất ngờ một tiêm kích cơ của Không Quân Ngụy chủng loại F-5E xuất phát từ Đà Nẵng bất thình lình tiến công.

image

Hình minh họa

Giặc lái Ngụy sau khi dùng hai tên lửa loại AIM-9B bắn hạ hai chiếc Mig-21 của ta, hắn còn ngoan cố đuổi theo dùng súng bắn hạ thêm một máy bay Mig-17 của ta. Các đồng chí lái của quân đội nhân dân đã kiên cường bất khuất chống trả suốt gần 7 phút. Các đồng chí lái, Lai Như Hạch, Hồ Mạc Dịch, Đỗ Mai Quốc đã hy sinh oanh liệt. Còn chiếc tiêm kích cơ địch đã bị tên lửa của ta bắn hạ. Tên giặc lái ngụy nhảy dù đã bị quân dân ta bắt được. Tên giặc lái ác ôn này tên là Nguyễn Bé Tư, cấp bậc Trung Úy số quân... Trung Ương đã ra lệnh giải quyết thích đáng tên giặc lái này cương quyết không để những thông tin xấu lọt ra ngoài về sự kiện ba máy bay của không quân nhân dân anh hùng bị một tiềm kích cơ địch bắn hạ trong vòng 7 phút. Bọn địch có thể lợi dụng để nói xấu KQND.

image

Hình minh họa

Đồng chí Thượng Tá Nguyễn Công Tâm chánh án, kiêm công tố viên tòa án nhân dân đã tuyên án tử hình tên giặc lái Nguyễn Bé Tư. Tên Trung Úy Ngụy Nguyễn Bé Tư đã đền tội vào ngày 5 tháng 4 1975.'
Trên góc trái của tờ phúc trình có hàng chữ TUYỆT MẬT - không bao giờ được công bố.

image

Hình minh họa

Mai bâng khuâng, nhưng cô không thấy buồn, cô cảm thấy rất hãnh diện và thanh thản như người lữ hành đã về lại nhà mình. Từ lâu cô đã chấp nhận là con người mang cái tên Nguyễn Bé Tư đã không còn có mặt trên cõi đời này nữa cô linh cảm là anh đã đền nợ nước một cách anh dũng, điều cô linh cảm bây giờ đã thành sự thật trên giấy trắng mực đen. Cô kiêu hãnh về anh Nguyễn Bé Tư, anh đã chết hào hùng như anh đã sống. Cô thương mến người phi công ấy chẳng phải vì anh hào hoa phong nhã như người ta thường nói về những người lính Không Quân VNCH. Cô thương anh vì anh mộc mạc, thứ mộc mạc của loại đá bọc kim cương.
Anh Nguyễn Bé Tư 'Ace' đầu tiên của KQ-QLVNCH một mình hạ 3 phi cơ địch trong vòng 7 phút, thế mà cuộc đời lại không có quyền biết đến anh. Bọn cộng sản run sợ và kính nể khi nhắc đến cái tên hiền hoà của anh, chúng sợ đến nỗi phải giết anh.

image

Đêm nay Mai thấy lòng mình thật ấm áp dường như có sự hiện diện của anh Nguyễn Bé Tư đâu đây, dường như anh đang nói với cô đừng buồn đừng giận anh. Xoay xoay chiếc nhẫn Không Quân quanh ngón tay, Mai khe khẻ gật đầu không nói nên lời như đêm cuối cùng năm xưa còn ngồi bên anh. Bên ngọn đèn Mai vuốt lại mái tóc đã điểm sương, thấy mình lại là cô giáo trẻ năm nào đang choàng hoa cho người phi công khu trục anh hùng của QLVNCH.

VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH

NGUYỄN TRẦN DIỆU HƯƠNG.

Nguyễn Trần Diệu Hương, một cựu học sinh trường Ngô Quyền - BH.

Tác giả, hiện cư trú và làm việc tại vùng San Jose, đã hai lần nhận giải viết về nước Mỹ do Việt Báo chủ xướng. Ngay từ năm đầu tiên, với bài "Chương Kết Của Cuộc Đời", cô được trao giải danh dự 2001. Sau 4 năm liên tục góp thêm bài viết mới, cô nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2005, với bài về một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà và bài về một quả phụ Mỹ thời chiến tranh Việt Nam. Bài sau đây trích, kể chuyện một mình vượt biển giữa thập niên 80’ và trở thành cô giáo cho những thiếu niên không thân nhân tại trại tị nạn.

Ngày 30 tháng Tư 1975, Saigon sụp đổ. Những gia đình đang ở trong các cư xá sĩ quan, cư xá công chức bị đuổi ra khỏi nhà. Cùng chung số phận, gia đình chúng tôi bị đuổi khỏi mái nhà thân yêu trong cư xá, nơi chúng tôi có một thời nhỏ dại êm ả. Mẹ đưa chúng tôi về căn nhà riêng Ba Mẹ đã xây nên bằng công sức của Ba Mẹ, nhưng nhà này cũng bị tịch thu. Sau hai lần mất nhà, chúng tôi lớn lên như câu ca dao :

"Còn cha gót đỏ như son,

mất cha lăn lóc như lon sữa bò."

Ba chúng tôi còn sống, nhưng đang bị đầy ải trong trại cải tạo ở núi rừng âm u đầy chướng khí của miền Bắc. Những ngày u ám đó in hằn vào đầu óc của chúng tôi, khiến chúng tôi trưởng thành sớm hơn tuổi của mình, vì chỉ được xã hội cho nếm mùi cay đắng.

Đầu thập niên tám mươi, trước những bế tắc không lối thoát, Mẹ thu xếp gởi anh chị em chúng tôi, từng đứa, vượt đại dương để đến một vùng đất tự do, ở đó không có khủng bố tinh thần, ở đó không có trại cải tạo giam giữ những người hoàn toàn lương thiện, và ở đó chúng tôi sẽ được học hành thành người. Cũng như rất nhiều người vợ lính khác, Mẹ đảm đang, xuôi ngược nuôi chúng tôi, nuôi Ba trong các trại tù cải tạo từ Bắc vào Nam. Tất cả những điều đó đẩy chúng tôi đến đường cùng, không còn lựa chọn nào khác hơn là phải đưa chính mạng sống của mình đánh cuộc với định mệnh, với đại dương. Còn nhớ thời đó, người dân miền Nam Việt Nam vẫn truyền miệng một câu ngạn ngữ của thời đại "Một là con nuôi mẹ, hai là mẹ nuôi con, ba là con nuôi cá." Cứ thế một hai ba Mẹ lo cho con một mình vượt biển. Khả năng vượt thoát chỉ là một phần ba. Ròng rã gần mười lăm năm dài, từ cuối năm 1975 đến đầu năm 1990, hàng trăm ngàn thuyền nhân (hay theo như cách gọi của UNHCR United Nations High Commissions for Refugees, Cao Uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc là "Boat People") đã đến được bờ bến tự do. Cùng lúc, hàng trăm ngàn thuyền nhân khác gởi thân vào lòng đại dương.

Chưa qua khỏi tuổi thơ, nước mất, nhà tan, chúng tôi, không có thời mới lớn, tự động bước vào tuổi trưởng thành trước những khó khăn của Mẹ, vượt quá nỗi khổ của bà Tú Xương ở thế kỷ mười chín, vừa nuôi chồng trong tù cải tạo, vừa nuôi một bầy con dại còn ở Tiểu học hoặc ở những năm đầu Trung học. Từng đứa một, khi có điều kiện, Mẹ gởi chúng tôi ra đi.

Đến phiên tôi, Mẹ chỉ đưa được tôi ra bến xe liên tỉnh để đi Vũng Tàu. Cả hai mẹ con đều đội nón lá rộng vành để che những giọt nước mắt lã chã rơi không ngừng. Mẹ khóc nhiều hơn những lần đưa các anh em trai của tôi ra đi, vì tôi là con gái duy nhất trong nhà, thân gái dậm trường. Ngồi trên xe đò từ Saigon về Vũng Tàu, trong một góc xe đò, tôi úp nón lên mặt, để che đôi mắt sưng đỏ vì khóc của mình.

Gần một tuần lênh đênh trên đại dương, chỉ có trời và nước, xanh thẫm ban ngày, đen kịt ban đêm, không có cả một cánh chim, tôi nhớ Ba, nhớ Mẹ quay quắt, nhưng vẫn hài lòng với chọn lựa của mình. Hai ngày đầu, như mọi người trong lòng thuyền, tôi bị say sóng, nôn ra cả mật xanh, mật vàng. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu thế nào là "mửa mật". Vậy mà chỉ hai ngày sau, quen dần với cảm giác bập bềnh của con thuyền nhỏ trước lực đẩy của nước ở đại dương, tôi tỉnh táo lại hoàn toàn với đầy đủ sinh lực của "tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu" mặc dù đã hai ngày không ăn uống. Khi thuyền ra hải phận quốc tế, chúng tôi được lên khoang thuyền hít thở không khí trong lành đầy vị mặn của đại dương, hình như có thoang thoảng mùi vị của tự do.

May mắn hơn những người tỵ nạn khác, chúng tôi đi bình yên, không gặp một thuyền nào khác. Trời êm biển lặng vào tháng sáu đầu mùa hè đưa chúng tôi đến thẳng đất liền của Mã Lai sau năm ngày sáu đêm lênh đênh trên biến.

Lên tới đất liền, cùng với chú lái tàu, tôi phải vận dụng vốn liếng tiếng Anh hạn chế đã tích lũy trong những tháng năm chuẩn bị vượt biên để giải thích cho nhân viên Cảnh sát Mã Lai biết chúng tôi là ai, tại sao chúng tôi đặt chân đến đây. Đó chỉ là lần đầu, một khởi đầu kéo dài mãi cho đến bây giờ, phải giải thích tương tự cho rất nhiều người khác nhau thuộc nhiều chủng tộc hiểu tại sao chúng tôi phải bỏ quê hương ra đi để sống đời lưu vong.

Những giờ phút đầu tiên trên đất liền, chúng tôi lại bị "say đất". Quen với trạng thái bồng bềnh, trôi nổi trên mặt nước; khi trở lại mặt đất bằng phẳng, mỗi lần đặt bước chân xuống, tôi có cảm giác mặt đất chao đảo như còn trên mặt sóng nhấp nhô. Sau hai ngày bận rộn với đủ thứ giấy tờ khai báo với cảnh sát địa phương Mã Lai, chúng tôi được đưa ra trại Pulau Bidong, trại tỵ nạn chính thức của Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp quốc đặt trên lãnh thổ Malaysia để thành một người tỵ nạn chính thức có số căn cước thuyền nhân, chờ được phỏng vấn định cư ở một nước thứ ba. Lần này, hành trình từ đất liền ra đảo Pulau Bidong vững chắc hơn trên một thuyền khá lớn của UNHCR, có tên là "Blue Dart", khoảng cách lại ngắn, nên chúng tôi không bị say sóng.

Trại tỵ nạn Pulau Bidong đã dược xây dựng tương đối đầy đủ khi chúng tôi đến đảo vào giữa thập niên 80, có đủ trường Tiểu học, Trung học cho trẻ em, trường huấn nghệ (Vocational School) cho người lớn, có thư viện, có cả Chùa, Nhà thờ trên "đồi tôn giáo", có Bệnh viện với cái tên khá ngộ nghĩnh và dễ nhớ là "Sick Bay". Chúng tôi được đón tiếp với những thùng mì ăn liền vĩ đại hãy còn bốc khói, giống hệt như những thùng mì Liên Hiệp Quốc phân phàt cho nạn nhân của thiên tai Tsunami ở South Asia cuối năm 2004.

Lần đầu tiên ăn đồ cứu trợ, sống bằng lòng nhân đạo của người khác, một thân một mình ở trại tỵ nạn của một đất nước khác, nước mắt tôi lăn dài, nghĩ đến Ba vẫn đang mỏi mòn trong ngục tù cải tạo ở núi rừng âm u đầy chướng khí của miền Bắc vẫn thiếu ăn, thiếu mặc; nghĩ đến Mẹ đang vò võ một mình ở nhà, chắc là vẫn đang cầu nguyện cho bầy con đã tứ tán mỗi đứa một quốc gia, một phương trời khác nhau, ở tuổi chưa đến hai mươi.

Tưởng là mình đã rất can đảm khi dám chấp nhận cảnh "thân gái dặm trường", không ngờ, ở trại tỵ nạn Pulau Bidong, đến khu vực Cô nhi (Minor Refugees Residential Section), dành cho các em dưới mười sáu tuổi đến trại tỵ nạn một mình, tôi thấy em nhỏ nhất chỉ mới sáu tuổi.

Ở đó, có Hanh, chỉ mới mười một tuổi, thông minh, đầy cương nghị, có Bố đang bị "học tập cải tạo" -như Ba tôi- được Mẹ gởi đi vượt biển một mình trên một thuyền bị hải tặc, mọi người đói lả gần ba ngày trước khi đến được trại tỵ nạn. Ở trại tỵ nạn, cậu bé tuy mới mười một tuổi nhưng có sự khôn ngoan và nét chửng chạc cúa một người ngoài hai mươi học hành chăm chỉ, hết học Anh Văn lại quay qua học Toán, quanh quẩn cả ngày ở trường Trung học trên đảo Pulau Bidong.

Ở đó, có Huyên, một em gái mới mười ba tuổi, cả gia đình mất tích trên biển khi thuyền bị lật. Như một phép màu, Huyên bám được một thùng plastic rỗng, trôi nổi bồng bềnh giữa đại dương gần nửa ngày, trước khi được một tàu tỵ nạn khác đi ngang vớt lên. Người ta đã thấy cô bé Việt Nam nhỏ bé mắt nhắm nghiền, gần như hôn mê bất tĩnh. thân xác mỏng manh như chiếc lá khô, hai tay vẫn còn bám chặt cái thùng nhựa rỗng bồng bềnh trên đại dương.

Ở đó, có Việt, rất thâm trầm, dù mới mười lăm tuổi, nhà cửa bị tịch thu, Ba bị giam ở khám Chí Hòa vì "tội nhà giàu", Mẹ gởi em ra đi với nhà hàng xóm để thoát khỏi tương lai đen tối của giai cấp "tư sản mại bản".

Còn biết bao các em khác nữa. Mười một tháng sau đó ở Pulau Bidong, với vốn liếng Anh ngữ từ những năm ở trường Trung học, và những sách vở của thư viện trên đảo, tôi đã có cơ hội giúp cho UNHCR và cả các phái đoàn Mỹ, Canada, Úc trong việc thông dịch mỗi khi họ đến phỏng vấn thuyền nhân.

Mãi đến bây giờ, tôi vẫn còn cảm giác xót xa khi nhớ lại những lần thông dịch cho những người đàn bà, con gái Việt Nam bị làm nhục bởi hải tặc trên đường vượt biển, em nhỏ nhất chỉ mới mười hai tuổi. Hồi đó, Cao ủy trưởng Alan ở Pulau Bidong chỉ định tôi chuyên làm công việc thông dịch đàn bà con gái trong các cuộc phỏng vấn các thuyền vượt biển bị hải tặc. Đó là một công việc rất tế nhị và đầy xót xa. Đến một độ nào đó, nỗi đau vượt quá sức chịu đựng, người ta mất cảm giác. Nhiều người nữ thuyền nhân, mặt còn đầy nỗi kinh hoàng nhưng kể lại từng chi tiết ô nhục mà chính mình phải gánh chịu với giọng đều đều, thản nhiên, lạnh lùng như nói chuyện trời mưa, trời nắng, trong khi chính tôi và cô May, Cao ủy của UNHCR đã giọt ngắn giọt dài. Mỗi lần dịch hay viết xong một hồ sơ tàu tỵ nạn bị cướp, tay áo tôi ướt đẫm vì nước mắt. Tôi vẫn tự hỏi thủ phạm trực tiếp cho nỗi đau này là hải tặc Thái Lan, thủ phạm gián tiếp thực sự là ai?

Đó là khoảng thời gian rất bận rộn với công việc thông dịch ban ngày giúp cho nhân viên Cao ủy Tỵ nạn. Ban đêm, tôi còn dạy thiện nguyện cho các em, chỉ nhỏ hơn tôi vài tuổi, ở trường Trung học trên trại Tỵ nạn. Trường chỉ dạy hai môn Anh văn và Toán. Sách học là những quyển sách đơn giản tương dương trình độ của bộ "English for Today" quyển I đến quyển III. Trước ngày ra đi, tôi chỉ mới học xong quyển IV ở Việt Nam, nhưng nhờ làm việc, tiếp xúc nhiều với các nhân viên UNHCR, và bằng lòng thương yêu các em chân thành như em ruột của chính mình, tôi mang hết kiến thức và hiểu biết của mình truyền lại cho các em, mặc dù tôi chưa hề được qua một trường lớp nào về Sư phạm. Chúng tôi, những người dạy thiện nguyện ở trường Trung hoc. vẫn đùa với nhau là mình đã theo một "trường phái sư phạm mới", lối dạy "mèo nhỏ tha chuột lớn"

Có lần, giải nghiã cho các em một từ mới, "dignity", có nghĩa là phẩm giá, tôi không biết làm thế nào để giảng cho các em hiểu, đành viết lên bằng câu thí dụ "We lost everything, but never lose our dignity". Viết đến đó, tự dưng nước mắt tôi lăn dài, các em ở tuổi mười bốn, mười lăm lúc đó cũng khóc theo. Những giọt nước mắt đó vẫn còn đọng trong tâm khảm tôi cho đến bây giờ, cùng có niềm tin ở một thế hệ trẻ lưu vong có đầy đủ đầu óc và trái tim Chắc chắn, các em học sinh lúc đó, trên bước đường tha hương sau này, sẽ nhớ và hiểu nghiã chữ "dignity" hơn ai hết, và các em sẽ sống xứng đáng với lòng kỳ vọng của thân sinh các em, khi Ba Mẹ các em đã phải đứt ruột gởi con ra biển một mình.

Mỗi tuần hai lần, tàu "Blue Dart" của UNHCR cho nước ngọt, mì gói, gạo và thực phẩm tươi gồm gà và rau cải, đôi khi còn có dưa hấu hay thơm vào cho thuyền nhân.

Hầu hết chúng tôi đến trại tỵ nạn chỉ với một bộ quần áo dính trên người. Chúng tôi được phát áo quần từ một kho áo quần "second hand", tương tự như áo quần cũ bán trong Goods Will ở Mỹ. Áo quần thường rộng thùng thình, quá khổ, nhưng chúng tôi tự sửa lại đúng với kích thước của mình. Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp quốc đã rất là chu toàn trong việc bảo vệ và chăm lo cho những người tỵ nạn chính trị,

Đến lúc được chuyển qua trại chuyển tiếp Bataan ở Philippines để được hướng dẫn về đời sống văn minh của Mỹ trước khi chính thức đến Mỹ như một người tỵ nạn, chúng tôi được huấn luyện chương trình buổi sáng, buổi chiều làm "Teacher Aid" cho các giảng viên người Phi. Ở đó, đời sống đầy đủ hơn, và lạc quan hơn vì chúng tôi biết chắc chắn ngày mình được định cư ở Mỹ. Và cũng ở đó, tôi có thì giờ tự học nhiều hơn cho chính mình, chuẩn bị một thời kỳ gian nan khác, một khởi đầu từ con số không ở quê hương thứ hai. Một vài lần được về chơi ở Manila (thủ đô của Philippines), những chuyến du lịch đặc biệt bằng xe bus dành riêng cho các "Teacher Aid", chúng tôi vẫn ngậm ngùi thương cho sự lạc hậu của đất nước mình ngay cả khi so sánh với các nước Á châu khác như Philippines.

"Nỗi buồn nhược tiểu" đó càng tăng cao khi trên đường bay qua Mỹ, tôi được dừng chân hai ngày ở Tokyo-Nhật, thủ đô của nước Á châu giàu mạnh nhất sau khi nếm bài học xương máu với hai cột khói trắng hình nấm khổng lồ ở Hiroshima và Nagasaki cuối thế chiến thứ hai. Tokyo văn minh sáng rực ánh đèn ban đêm tương phản với Saigon lạc hậu tranh tối, tranh sáng, Nước mắt tôi lại chảy xuống cho sự thụt lùi của quê hương đã bị bỏ lại sau lưng.

Tôi đến Mỹ một tuần trước lễ Giáng sinh, cùng một thuyền nhân Việt Nam khác, hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng được giao từ UNHCR, giúp đoàn người tỵ nạn gồm 85 người kể cả một vài người Lào và Cambodia cũng trốn chạy khỏi quê hương như chúng tôi. Giữa những hành khách Mỹ tự tin, cao to, với nhiều hành lý cồng kềnh về nước đoàn tụ với gia đình nhân dịp Giáng sinh và Tết dương lịch, rất dễ nhận ra những người tỵ nạn nhỏ bé, mảnh mai mắt mở to vui mừng lẫn ngơ ngác, chỉ có hai bàn tay trắng với những túi xách của UNHCR và IOM (International Organization for Migration) chỉ có giấy tờ nhập cư vào Mỹ và giấy tờ tùy thân.

Được chuẩn bị đầy đủ với gần 6 tháng học về "American Culture Orientation" ở trại chuyển tiếp Bataan, Philippines, với trình độ Anh văn tương đối sau một năm tiếp xúc và làm thông dịch viên cho nhân viên Cao ủy Tỵ nạn LHQ, tôi không đến nỗi bị lâm vào cảnh"mán về thành", nhưng thật sự đời sống ở Mỹ khác xa với đời sống ở quê nhà như mặt trời với mặt trăng, như ngày với đêm.

Hình ảnh của Ba với mái tóc bạc trắng ở tuổi năm mươi trong lao tù cải tạo, hình ảnh Mẹ với đôi mắt buồn trong những ngày chuẩn bị gởi chúng tôi ra đi là nguồn nghị lực không bao giờ cạn, tiếp sức cho chúng tôi trong thời gian chân ướt chân ráo ở quê hương thứ hai.

Từ nhiều trại tỵ nạn ở nhiều nước khác nhau: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, anh chị em chúng tôi đến Mỹ trong nhiều thời gian khác nhau, được trùng phùng, như trăm sông đổ về biển, và mang sức sống của tuổi hai mươi lao vào đất nước của tự do và cơ hội.

Một người bạn cũ của Ba, qua Mỹ từ năm 1975, đang làm ở tổ chức thiện nguyện USCC, giúp tôi có được trợ cấp một lần là 650 dollars dành cho người tỵ nạn mới đến, bác viết cho tôi một reference letter và từ đó "I am on my own way". Bác cũng giới thiệu cho tôi đến tìm việc làm ở một vài nơi. Trời thương, "thánh nhân đãi kẻ khù khờ", tôi được nhận vào làm full time ở một công ty lớn chỉ hai tuần sau ngày đến Mỹ. Lúc đó là đầu tháng giêng, giữa mùa Đông ở Mỹ, trời lạnh buốt, buổi sáng tôi thức dậy từ sáu giờ ba mươi, trời còn tối, ra đứng chỗ xe bus ở đầu đường, trời lạnh cóng, dưới 40 độ Fahrenheit, tôi phải mặc ba bốn lớp áo, nhưng áo quần cũ chị em chúng tôi đã mua từ Goods Will để vừa với túi tiền của mấy chị em lưu lạc quê người, chỉ có hai bàn tay trắng, với lòng tin của Ba Mẹ đặt ở mỗi chúng tôi. Một tuần sau, chịu không nổi cái lạnh gần đông đá, từ 32 đến 39 độ Fahrenheit của mùa đông thứ nhất ở Mỹ, tôi dùng cái paycheck đầu tiên của mình thuê người dạy lái xe và dốc hết tiền trợ cấp một lần cho người mới đến mua một cái Toyota Celica đã mười bốn tuổi, để đi học và đi làm.

Đời sống lúc đó, còn nhỏ, là một hình tam giác với ba đỉnh là nhà, trường học và sở làm không hề có giải trí, không có cả thời gian để buồn và nhớ nhà.

Đến Mỹ muộn màng, sau gần mười năm miền Nam sụp đổ, biết thân phận mình là "trâu chậm", chúng tôi lao đầu vào học, không dám để phí thêm một giờ phút nào. Mùa hè, học phí cao hơn, tôi chỉ ghi danh theo học một lớp, và làm part time cho một trạm bán xăng ở gần nhà. Nghĩa là lúc đó, tôi đi làm full time, đi học full time quanh năm. Nhiều lúc quá mệt mỏi, tôi lại tự nâng đỡ tinh thần mình bằng câu nói cửa miệng của người Mỹ "No pain, no gain", và nhớ đến kỳ vọng của Ba Mẹ đã đặt ra cho chúng tôi. Buồn nhất là những lần bất chợt nghe được những câu hát rất đúng với tâm trạng của mình "Ai trở về xứ Việt nhắn giùm tôi người ấy ở trong tù ...", nghĩ đến Ba, nước mắt tôi vẫn lăn dài, và tự bảo lòng mình phải cố gắng học giỏi hơn để Ba Mẹ vui hơn, đủ nghị lực sống trong đời sống bị khủng bố tinh thần thường xuyên ở quê nhà.

Có lần được phát biểu cảm tưởng với thời gian ba phút trong một lần nhận học bổng, tưởng là sẽ cảm ơn đủ tất cả mọi người và hứa với "scholarship foundation" sẽ cố gắng nhiều hơn, nhưng tôi chỉ nói được gần hai phút:

- Xin cảm ơn tất cả thầy cô đã có công dạy dỗ tôi, xin cảm ơn Hội đồng trao tặng học bổng cho tôi. Xin tri ân đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang và cung cấp một đời sống tự do, no đủ cho tất cả những người tỵ nan, lưu vong. Vinh dự hôm nay xin được dành riêng cho tất cả những người đã nằm xuống cho chúng tôi có được ngày hôm nay, và xin đặc biệt danh riêng cho Ba tôi, người vẫn còn đang bị đày ải trong lao tù cộng sản vì đã ở trong một quân đội bảo vệ tự do, xin được dành riêng cho Mẹ tôi, người đã rất chu toàn trong việc nuôi dậy con cái một mình.

Một phút còn lại, tôi không nói được vì cử tọa trước mặt đã mờ đi sau màn nước mắt, mùi vị đắng cay sau năm 75 ở quê nhà vẫn kéo về với đầy nỗi xót xa, ngay cả trong giờ phút ngọt ngào nhất. Một thầy giáo người Mỹ gốc Ba Lan đã tỵ nạn cộng sản từ cuối thập niên 60, dạy tôi từ năm đầu Đại học, hiểu rất rõ tâm trạng của một người tỵ nạn, đã lên diễn đàn giúp tôi hoàn tất lời phát biểu. Lần đó, tôi được đặc cách đề cử trực tiếp cho học bổng niên khoá kế tiếp, mà không phải qua những thủ tục bình thường. Món tiền tuy không lớn, cũng đủ để trang trải chi phí sách vở, học phí, ăn ở cho một năm học, là một yểm trợ vật chất lớn lao cho tôi trong ba năm đầu chân ướt chân ráo ở quê người.

Có những điều hằn sâu trong ký ức, lúc nào cũng tưởng như mới vừa xẩy ra, như chuyện say sóng đến độ "mửa mật" của những ngày lênh đênh trên đại dương vẫn ám ảnh tôi không nguôi. Cho nên, có lần được chọn là "Employee of the year" được tặng vé cho một chuyến đi cruise trên biển một tuần cho hai người, nhớ lại cảm giác đắng nghét ở miệng, cảm giác mất thăng bằng của những ngày mới đặt chân lên đất liền, tôi đã nhường lại phần thưởng đó cho "the runner up" trước con mắt ngạc nhiên của mọi người làm cùng chỗ.

Đó không phải là điều duy nhất người bản xứ không hiểu những người tỵ nạn, những người Mỹ gốc Việt lưu vong. Họ cũng không hiểu tại sao rất nhiều người Việt Nam nhỏ bé ốm yếu vẫn đội mưa đội gió hàng giờ giương cao những tấm biểu ngữ "Human Right for VietNam", "Freedom for VietNam" ở một góc đường nào đó trong đời sống lạnh lùng, đầy tất bật của đất nước Hoa kỳ.

Sau khi đã ổn định, -đã có một "career" đàng hoàng thay cho cái "job" để kiếm sống - có thời tôi đi dạy thiện nguyện cho một trường Việt ngữ ở điạ phương, học sinh là các em teenagers. Dù cùng tuổi nhưng học trò của tôi bây giờ vô tư, ngây thơ, khác xa các em trong trại tỵ nạn chững chạc, trưởng thành trước tuổi.

Ở trường Việt ngữ, ngoài bài giảng từ sách của trường, thì giờ còn dư, chúng tôi giảng trích đoạn từ tác phẩm "Mùa hè đỏ lửa" của nhà văn Phan Nhật Nam, từ bài thơ bất khuất "Nếu ai hỏi" của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện để các em hiểu rõ hơn giá trị của tự do, và biết yêu thương cha mẹ hơn, biết ơn cha mẹ các em đã hy sinh rất nhiều để các em có được ngày hôm nay.

Đời sống ở Mỹ vốn tất bật, nhưng một phút bình lặng nào đó của tâm hồn, dù đang bị kẹt xe trên một xa lộ xe cộ tất tả ngược xuôi hay đang ở trong một cuộc họp ở sở, đầu óc tôi vẫn lang thang về với quê nhà, và buồn thay, bao giờ cũng vậy, mùi vị đắng nghét như đang bị "mửa mật", mùi vị chua cay của một thời vẫn hiện về, rõ ràng, mồn một như chuyện hôm qua.

Và có một lần "chuyện hôm qua" càng rõ nét hơn. Đến thăm Massachusetts Institute of Technology (MIT) nổi tiếng về chuyên ngành Toán và Kỹ thuật, đang ngồi chờ người bạn ở cafeteria của trường, bỗng một sinh viên người Á châu đi qua, đi lại trước mặt tôi nhiều lần. Sau cùng, anh ta dừng lại, lịch sự hỏi bằng tiếng Mỹ:

- Xin lỗi, chị có phải là cô Thuyên ở trường Trung học Pulau Bidong năm 1988 không?

Tôi trả lời bằng tiếng Việt:

- Đúng rồi, em có thể nhắc cho tôi nhớ em là ai không?

Người thanh niên vui mừng, rồi bằng một thứ tiếng Việt rõ ràng và lễ độ, anh ta trả lời:

- Em là Hanh đây chị, em học cùng lớp với Huyên và Việt ở Pulau Bidong. Chị nhớ em không?

Hanh vẫn nhận ra tôi sau mười lăm năm không gặp, nhưng tôi thì không thể nhìn ra được anh thanh niên cao lớn chững chạc trước mặt mình là cậu bé đen nhẻm, chững chạc, chăm học ở trại tỵ nạn năm xưa

Hanh lúc đó đang ở năm cuối của chương trình Tiến sĩ Toán, như ước mong ngày nào em đã trình bày trong một giờ thực tập nói tiếng Anh ở lớp học nhỏ xíu, mái lợp tôn thô sơ giữa đảo Pulau Bidong. Hanh kể cho tôi nghe về chuyện em đến Mỹ một mình ở tuổi mười hai, cùng với một nhóm người Việt Nam tỵ nạn đặt chân đến Mỷ ở phi trường San Francisco, Hanh đổi máy bay về Massachusetts. Đi một mình, dưới mười lăm tuổi, nên Hanh được một cô Stewardess đích thân dắt lên máy bay trước.

Ra đón cậu bé tỵ nạn Việt Nam ở phi trường Logan Boston- là đại diện của một tổ chức thiện nguyện và cha mẹ nuôi của Hanh. Đó là một gia đình ngươi Mỹ gốc Tiệp Khắc, qua Mỹ tỵ nạn từ thập niên 60s. Dù chưa bao giờ có ý định xin con nuôi, nhưng thấy Hanh là một cậu bé mới mười một tuổi vượt biển một mình, không có thân nhân, nên họ muốn đưa Hanh về nuôi. Cả hai ông bà đều dạy Trung học. Ông dạy Toán, bà dạy Home Economics (tương tự như môn Nữ công gia chánh ở Việt Nam). Người con duy nhất đi học xa, ông bà vẫn làm việc thiện nguyện ở một Nhà thờ Tin lành vào cuối tuần. Khi thấy tên Hanh, một em nhỏ tỵ nạn Việt Nam mới mười một tuổi, không có thân nhân ở Mỹ, được nhà thờ tìm người bảo trợ, họ xin nhận Hanh làm con nuôi. Vẻ chín chắn cùng sự khôn ngoan trước tuổi của Hanh đã chinh phục được lòng thương yêu của bố mẹ nuôi người Mỹ từ lúc đầu. Vì cả hai ông bà đều là nhà giáo, Hanh lại có căn bản về cả tiếng Anh lẫn học lực, lại chăm chỉ học hành nền em được vào thẳng lớp bảy như các học sinh bản xứ mà không gặp trở ngại nào.

Lên Trung học, Hanh tốt nghiệp thủ khoa Trung học. Với sự hướng dẫn quý báu của cha mẹ nuôi, với thành tích học tập xuất sắc trong bốn nâm Trung học, cậu bé Hanh tỵ nạn năm xưa nhận được học bỗng toàn phần của MIT, trong niềm hãnh diện của cha mẹ nuôi ở Mỹ lẫn cha mẹ ruột ở Việt Nam.

Giữa thập niên 90s của thế kỷ hai mươi, ba mẹ sinh thành cùng hai em của Hanh được qua Mỹ theo chương trình nhân đạo HO. Vậy là Hanh có đến hai ông bố, hai bà mẹ, và hai gia đình cùng ở tiểu bang Massachusetts, trong hai thành phố kế cận nhau.

Không muốn làm mất lòng gia đình nào, và để được tập trung học tập, Hanh vào nội trú trong MIT. Mổi thứ bảy về với cha mẹ ruột, ăn món ăn Việt Nam do mẹ nấu, nghe ba kể về những đọa đày ông phải gánh chịu trong các trại "cải tạo". Và mỗi chủ nhật, về lại căn phòng thân thuộc mà cha mẹ nuôi đã dành cho Hanh từ ngày cậu bé Việt Nam, da còn đậm màu nắng gió của trại tỵ nạn, chân ướt, chân ráo đến Mỹ. Căn phòng dù không còn được dùng thường xuyên, nhưng trong closet vẫn còn treo hai bộ áo quần kỷ niệm của Hanh, một bộ Hanh mặc khi mới đến Mỹ được người bảo trợ ra đón, và bộ kia là bộ áo quần đầu tiên Hanh được bố mẹ nuôi mua cho. Ở một góc bàn học, vẫn còn cái lọ thủy tinh có cắm hai lá cờ nhỏ, một sọc trắng đỏ với năm mươi ngôi sao của Mỹ, một màu vàng với ba sọc đỏ của Việt Nam. Trên tường vẫn còn hình Hanh năm mười tám tuổi, chững chạc trong áo mũ và dây choàng thủ khoa (valedictorian) ngày tốt nghiệp Trung học.

Một chi tiết rất cảm động trong câu chuyện của cậu bé tỵ nạn ở Pulau Bidong năm xưa là hồi mới đến Mỹ mỗi lần được cho kẹo chocolate, Hanh chỉ ăn một phần nhỏ và để dành hầu hết kẹo để gởi về Việt Nam cho hai em và cho các bạn Điều "bí mật" đó bị phát hiện khi hai ông bà Mỹ thấy cậu con nuôi ăn uống rất chừng mực từ tốn nhưng luôn luôn xin được mua thêm chocolate. Kẹo "để dành" thường được Hanh gói cẩn thận trong những túi nylon dán kín để trong một góc tủ áo quần. Halloween đầu tiên ở Mỹ, đi học về, làm xong bài vở, trời vừa sụp tối, Hanh xin phép ba mẹ nuôi cho đi xin kẹo. Cậu bé miệt mài đi bộ một mình trong thời tiết se lạnh đầu mùa thu ở miền Đông Bắc trên bốn năm con đường, gõ cửa từng nhà xin kẹo. Kêt quả rất khả quan, sáng hôm sau Hanh gởi được một thủng kẹo mười hai lbs (khoảng 5kg) về Việt Nam mà cước phí còn cao hơn cả tiền mua kẹo. Có nguồn gốc là người Tiệp Khắc, một thời đã phải sống dưới chế độ Cộng sản, bố mẹ nuôi của Hanh hiểu ngay mọi chuyện. Và ông bà càng quý Hanh, cậu bé Việt Nam tuổi còn nhỏ nhưng tấm lòng đã rất lớn.

Đến phiên tôi, tôi cũng kể cho Hanh nghe giòng đời đã đẩy đưa tôi từ trại tỵ nạn năm xưa đến California như thế nào. Có nằm mơ, tôi cũng không tưởng tượng nổi mình gặp lại được cậu học trò đen nhẻm vì vị mặn của gió biển ở Mã Lai, có đôi mắt sáng nhưng lúc nào cũng buồn ở trường Trung học trên đảo Bidong ngày nào.

Ước gì tôi cũng gặp được Huyên và Việt, cũng như đã hội ngộ rất bất ngờ với Hanh ở một góc trường MIT ở miền Đông Bắc nước Mỹ. Nhưng dù chưa hay không có dịp tái ngộ với Huyên và Việt, tôi vẫn tin hai em đã rất thành công như Hanh, chứng minh mình có thể làm được nhiều điều, chẳng hạn như chuyện học hành, mà có một thời ở trong nước, sau tháng 4/75, chình quyền không cho phép mình làm.

Tất cả chúng tôi đều giống nhau ở chỗ phải xa nhà, bỏ đất nước ra đi một mình, dù lúc nào trong tâm tưởng của chúng tôi cũng có một vị trí trang trọng cho quê hương chôn nhau cắt rốn đã phải bỏ lại sau lưng. Chúng tôi đã phải mang cả sinh mạng của mình ra đánh cuộc với định mệnh, với đại dương; một cái giá không một khoản tiền nào, dù lớn đến đâu có thể mua được. Những được mất với cuộc đời hãy còn ở trước mặt, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ cố gắng không ngừng để xứng đáng với cái giá mình phải đánh đổi.

Chia tay Hanh hôm đó, tôi mang theo câu nói của Hanh với khuôn mặt rất nghiêm trang, già trước tuổi, và vẫn với đôi mắt buồn xa vắng như lần đầu tiên tôi gặp em ở trường Trung học trên đảo tỵ nạn:

- Điều em vui nhất là đã đền đáp được phần nào ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ ruột và ân tình cưu mang của bố mẹ nuôi. Em vẫn cố gắng hết mình, cố gắng đến hết cuộc đời để luôn làm cho cả Ba Mẹ lẫn Mommy, Daddy của em vui. Điều duy nhất không chắc em có làm được hay không, là "gánh sơn hà" mà đôi lúc Ba em và các bác, các chú cùng thời vẫn nửa đùa nửa thật là đã trao lại cho thế hệ của mình

Hanh dừng một chút rồi hỏi một câu mà đến bây giờ tôi vẫn chưa biết cách trả lời:

- Gánh sơn hà nặng lắm một mình em hay cả hai chị em mình không thể nào gánh nổi! Chị ơi, làm thế nào để cả thế hệ của mình đủ sức gánh nổi sơn hà hả chị?

Câu hỏi đó cứ quanh quẩn trong tôi và chắc là phải còn lâu, lâu lắm, tôi mới biết được câu trả lời chính xác Nhưng tôi tin là chỉ cần một phần mười của một thế hệ Việt Nam (cả ở hải ngọai lẫn trong nước) biết đoàn kết, có nhiệt tâm gánh vác non sông với chí khí của Trần Quốc Toản, với lòng yêu nước của Nguyễn Thái Hoc. và với đầu óc của Lê Quý Đôn thì gánh sơn hà sẽ nhẹ nhàng như cái cặp đi học rất thân thuộc của một thời đèn sách.

Nguyễn Trần Diệu Hương

(Viết cho Lan Hương, Tiến, Tuấn và những thuyền nhân "đi biển" một mình)

Duy Cường bác bỏ thông báo cấm dùng nhạc Phạm Duy

Được bố trao quyền quản lý di sản âm nhạc, con trai cố nhạc sĩ khẳng định gia đình tạo mọi điều kiện để nhạc ông đến với công chúng.

Mới đây, giới ca sĩ cũng như những người yêu nhạc Phạm Duy trong và ngoài nước lan truyền nhau bản thông báo việc gia đình nhạc sĩ Phạm Duy cấm sử dụng ca khúc của ông tại Mỹ.

3/29/13

Hãy mở rộng tầm mắt để nhìn thấy sự thật của người Việt hải ngoại.

Sự thật mất lòng

Một nhân viên chánh phủ liên bang cấp cao người Mỹ da trắng, ông nói rằng:

--Một mặt các người Mỹ gốc Việt hợp tác khăng khít (closely co-operate) về kinh tế và tài chánh với chế độ “kẻ thù” của các anh qua việc các anh đổ 18 tỷ đô la về Vietnam hàng năm qua ngả du lịch, chuyển ngân, du hí, và đầu tư (Note: Wells Fargo Bank có đủ tài liệu cấp cho GAO).

--Mặt khác, một số tổ chức cộng đồng (a certain number of your community organizations) các anh nộp thỉnh cầu (petition) chánh phủ Mỹ xin dùng áp lực kinh tế với Vietnam để đòi cho các anh vài điều mà các anh có thể tự làm lấy, nhưng chính hành động của các anh (hợp tác kinh tế với chế độ thù nghich) rồi các anh phản lại thỉnh cầu của các anh. Các anh là lũ hề (you, bunch of comedians)

Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trần Hồng

Chiến Sĩ Trần Hồng không xa lạ gì với đồng hương Người Việt Tỵ nạn khắp năm châu, qua những pha rất ngoạn mục làm csvn phải điên đầu, Chiến Sĩ Trần Hồng một mình toan hạ bệ tượng Hồ Chí Minh trong một công viên cạnh Paris, tuy thất bại, nhưng đã làm csvn hết vía, và nhiều lần ông vào xịt sơn lên tượng Hồ, và một lần khác, ông mướn xe ủi đất lái đâm thẳng vào hang ổ csvn , ủi sập cổng toà đại sứ cộng sản Việt Nam tại Paris, lại một lần nừa làm csvn khiếp đảm, vụ này ông chỉ bị Pháp tù 28 ngày, lần khác trương cờ vàng ba sọc đỏ trên tháp Ép Phen, và tại Hoa Kỳ trương cờ vàng VNCH trên tượng Nữ thần Tự do tại Nữu Ước.

Chiến sĩ Trần Hồng vừa từ trần lúc 20 giờ ngày 26-03-2013 tại Paris, Sự ra đi về cõi Vĩng Hằng của Chiến Sĩ Trần Hồng để lại tiếc thương và đau buồn cho Gia Đình cũng như người Việt tỵ nạn csvn tại Pháp cũng như khắp nơi trên thế giới. Clip vidéo này như là lời chia buồn và Thành Kính Phân Ưu cùng tang quyến và để Tưởng Niệm người Chiến Sĩ kiên cường đấu tranh chống bạo quyền cộng sản Việt Nam.

Hà Nội lố nhố và hôi thối

 

image

Mái ngói rêu phong dần được thay thế bằng mái tôn, những lồng sắt, chuồng cọp xuất hiện ngày một nhiều trên ban công hay nóc của các tòa nhà cũ kỹ... khiến phố cổ Hà Nội thêm ngột ngạt, nhếch nhác.

image

Phố Hàng Đường nhìn từ trên cao, nhà thò nhà thụt. Mặt tiền con phố này nham nhở từ nhiều năm nay khi người dân cơi nới thêm tầng để tăng diện tích ở.

Guốc gỗ- món quà nhỏ đến từ xứ sở của cối xay gió

Tác gỉa Lâm Trang
Nếu có dịp du lịch đến Hà Lan, thì du khách không nên bỏ qua những món quà lưu niệm đặc trưng của vùng đất này. Nổi bật trong số đó chính là guốc gỗ, một đồ vật đặc biệt của người Hà Lan đã trở nên phổ biến hơn 700 năm qua và là một bộ phận quan trọng cấu thành phục trang dân tộc của Hà Lan.
(dùng danh từ VC Hà Lan là không đẹp, vì Hà Lan cùng bạn với Hà Bá)


Chiếc guốc gỗ được làm tạo ra để bảo vệ bàn chân khỏi mùa đông giá rét Hà Lan

3/28/13

KHAI TRƯƠNG QUÁN MỚI

Tại 106 Lê Hồng Phong - Phường 4 Vũng Tàu- hôm nay nhân ngày lành tháng tốt Minh Hằng chủ nhân khai trương CỔNG THÔNG TIN phục vụ bà con đồng bào- "THỰC ĐƠN QUÁN" bao gồm các loại đơn tố cáo- khiếu nại- các loại thư ngỏ gửi cho các cấp chính quyền và trung ương- bộ chính trị phản ánh đúng những vấn đề hiện thực đang xảy ra...Kính mời bà con vô ỦNG HỘ...Theo quan sát từ sáng khách hàng rất đông và chủ nhân đã phải đi photo thêm nhiều lần để kịp phục vụ bà con.

Từ Rosa Parks đến Nguyễn Đắc Kiên

Tháng 3 25, 2013

Đinh Từ Thức

Cùng ngày 27 tháng 2, 2013, có hai nguồn tin phát xuất từ hai nơi cách nhau nửa quả địa cầu, nhưng xem chừng rất gần nhau:

- Tại Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ, Tổng thống Obama làm lễ cống hiến Tượng Vinh danh Rosa Parks.

- Tại Hà Nội, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên nhận quyết định “không còn tư cách là phóng viên báo Gia đình & Xã hội”.

Từ năm 1776, nước Mỹ đã có bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng thế giới mở đầu bằng câu thừa nhận mọi người sinh ra đều bình đẳng, tiếp theo là bản Hiến pháp năm 1791 kèm 10 tu chính được coi là đạo luật nhân quyền căn bản vẫn còn giá trị đến ngày nay. Nhưng một tuyên ngôn hùng hồn chứa đựng tinh thần cao cả với một hiến pháp bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người không đương nhiên thể hiện một chế độ tốt đẹp và một xã hội công bằng. Tuy có những văn kiện đẹp như vậy, nhưng gần một thế kỷ sau khi lập quốc, Tổng thống Lincoln đã phải chịu đựng cuộc nội chiến thiệt hại hơn sáu trăm ngàn người để giải phóng nô lệ, và thêm gần một thế kỷ nữa, học sinh da đen vẫn không được học cùng trường với học sinh da trắng, và người da đen vẫn không được ăn chung trong tiệm, hay ngồi chung với người da trắng trên xe bus.

Rosa Parks là một phụ nữ da đen làm nghề khâu vá. Vào tháng 12 năm 1955, bà Parks bị tài xế xe bus bắt đứng lên nhường chỗ cho người da trắng. Bà nhất định không chịu, ngồi chờ bị bắt. Và bà đã bị bắt đúng như chờ đợi. Thái độ can đảm của bà đã gây một phong trào phản kháng sâu rộng, không những trong hàng ngũ người da đen, mà được cả sự ủng hộ của những người da trắng yêu tự do và trọng sự công bằng. Phong trào đi đến thắng lợi, và cuối cùng, tượng bà Rosa Parks đã đứng chung với tượng George Washington tại Quốc hội Hoa Kỳ, vào ngày 27 tháng 2, 2013 – cùng ngày tại Việt Nam, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên mất việc, vì đã can đảm lên tiếng chống lại người có địa vị cao nhất trong Đảng nắm độc quyền cai trị, là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

3/27/13

Con chó vện và người tù cải tạo

Nguyễn Vĩnh Long Hồ

Trên bước đường lưu đày của những người tù chính trị Miền Nam đầy máu và mồ hôi trên chính quê hương của mình, đã có bao nhiêu người “sinh Nam, tử Bắc” và trong số nầy có anh Lê Xuân Đèo là cánh chim lìa đàn rất sớm.

Giữa tháng 10 năm 1976. Một nhóm tù chính trị Miền Nam khoảng 100 người, từ nhà tù Sơn La lâu đời, nằm trên vùng núi cao đèo heo hút gió của tỉnh Sơn La, phía bắc giáp Yên Bái - Lào Cai, phía tây giáp Lai Châu, phía đông giáp Phú Thọ - Hòa Bình, phía Nam giáp Lào, chúng tôi được di chuyển về Hoàng Liên Sơn (Nghĩa Lộ) và tôi gặp anh bạn tù Lê Xuân Đèo tại Trại 6, Liên trại 2, một vùng núi non hiểm trở có cái tên thật mộng mơ: “Khe Thắm” thuộc huyện Văn Chấn.

Bạn có biết những cây trái này ?

 

Quả Dủ Dẻ

Mỹ phản đối vũ lực trên Biển Đông

Cập nhật: 12:09 GMT - thứ ba, 26 tháng 3, 2013

Patrick Ventrell, phó phát ngôn nhân tạm quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ

Từ Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có phản ứng về vụ căng thẳng mới nhất trên Biển Đông giữa Bắc Kinh và Hà Nội.

Phát biểu trước các phóng viên hôm thứ Ba ngày 26/3, ông Patrick Ventrell, phó phát ngôn nhân tạm quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng nước này ‘quan ngại’ khi nghe tin về vụ việc và rằng Washington đang tìm hiểu thêm từ cả hai phía Bắc Kinh và Hà Nội

SẾN GIÀ NAM

Đỗ Hồng Ngọc

Thấy tôi đứng loay hoay tìm kiếm mãi trên các kệ đầy nhóc băng đĩa ngổn ngang, cô bé bán hàng đến gần hỏi:

- Bác muốn kiếm loại nào?

- Nhạc. Nhạc xưa.

Cô đọc vài cái tên gì đó…

- Không. Xưa hơn nữa kìa. Chừng nửa thế kỷ trước. Có không?

- Bác chờ con lấy.

Một lúc, cô mang ra một cái... giỏ, đúng hơn là một cái rổ to, hình chữ nhật, chứa hàng ngàn đĩa CD, buộc dây thun từng cộc nói bác lựa đi.

Chuyện Tình Buồn Đằng Sau Cây Vĩ Cầm Tìm Thấy Trên Tàu Titanic

DAHA
March 23, 2013

Khi tàu Titanic chìm xuống, ban nhạc danh tiếng trên tàu cũng cùng chịu cảnh bi kịch với nó. Hơn 100 năm sau, người ta tìm thấy cây vĩ cầm của vị nhạc trưởng năm xưa và hé mở chuyện tình đẹp nhưng buồn của ông.

Cây vĩ cầm thuộc về nhạc trưởng Wallace Hartley vốn được cho là đã thất lạc nhưng vào năm 2006, con trai của một nhạc công nghiệp dư đã tìm thấy nó trên tầng gác mái nhà mình. Trên thân đàn có một mảnh bạc chạm khắc những thông tin giúp làm rõ nguồn gốc cây đàn.Sau 7 năm nghiên cứu và tìm hiểu, cả quá trình tốn kém hàng ngàn bảng Anh, cuối cùng người ta đã có thể khẳng định cây vĩ cầm có chất liệu tuyệt vời, chống thấm nước này chính là cây đàn từng được nhạc trưởng Hartley chơi trên tàu Titanic.

3/26/13

Trí Nhớ

Bài viết của hai bác sĩ Mehmet Oz và Michael Roizen
Nguyễn Minh Tâm dịch

TRÍ NHỚ GIẢM SÚT PHẢI LÀM SAO?

Đôi lúc, bạn có cảm giác mất trí nhớ tạm thời nên chẳng biết mình đang và cần làm gì? Càng lớn tuổi, con người càng hay quên.
Đó là lý do bạn nên quan tâm, chăm sóc cho "bộ nhớ" của mình từ bây giờ.
Trí nhớ và hoạt động trí tuệ nói chung là chức năng thần kinh cao cấp của con người. Ở mỗi người, trí nhớ lại có những phương thức hoạt động phù hợp với hoàn cảnh nghề nghiệp, gia đình, vị thế xã hội của họ.

3/25/13

Email Mai Kim Đỉnh

Email. 25.03.2013

BẠN thân thiết :

Mỗi năm đúng ngày 28 tháng 2, riêng tôi thêm một năm thắm thía bài thơ cồ của Mạnh Hạo Nhiên: "Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi; Hương âm vô cải tấn mao thồi...".

22 năm lặng lẽ trôi qua, tính từ ngày cùng vợ dại con thơ đặt chân xứ người -- Oxford là điểm tạm cư đầu tiên. Ngày 28 tháng 2 năm nay thêm sự kiện Giáo Hoàng

Benedict XVI chính thức từ nhiệm, tác động sâu sắc đến ĐỨC TIN  riêng tôi.  Hôm nay viết @ này gởi qúi BẠN thay lời tạm biệt; trước khi nài xin Châu Tuấn Xuyên -- Nguyễn Thành Đức -- Tô Minh Toàn -- Viên Thế Khanh / Lê Văn Chánh  cho phép MKĐ vắng bóng trên các diễn đàn thân yêu.  Lý do: Sắp cùng vợ đưa con trẻ lần đầu về với Quê Hương cuối trời.  Đây cũng lần đầu, cá nhân di hành với hộ chiếu Anh quốc sau chuyển tịch rất gần.  Theo học trình, trước khi tốt nghiệp ngành y tháng 6.2014, cần bổ sung kinh nghiệm thực hành nghiệp vụ ở bệnh viện ngoài nước Anh.  Con trẻ chọn Bệnh viện Chợ Rẫy; cuốn hút mẹ cha cùng về.

3/24/13

Tức nước vỡ bờ

Ngô Nhân Dụng

Tạp Chí Dân Chủ (Journal of Democracy) mới ra một số đặc biệt với chủ đề là “Trung Quốc tới cảnh tức nước vỡ bờ,” trong tiếng Anh viết là “China at the Tipping Point.” Tipping Point là sắp lật đến nơi, một ẩn dụ về tình trạng một vật nặng (thí dụ, hòn đá, tảng tuyết) nghiêng dần dần tới một độ nghiêng nào đó thì trọng tâm lệch ra ngoài và lật đổ, kéo theo những hòn đá hay các đám tuyết khác. Trong tiếng Việt chúng ta dùng hình ảnh tức nước vỡ bờ; khi nước dâng lên cao quá sẽ tới lúc bờ đê phải sụp đổ.

Khả năng TIẾNG VIỆT của BBC-VOA

 
Cali Today News – Chúng tôi nghĩ mọi người, kể cả chúng tôi, đều nên đọc bài viết dưới đây của ông Đào Văn Bình, để trở nên thận trọng hơn khi viết và dịch tin. Chúng tôi mong đợi được đọc thêm nhiều ý kiến nhận xét của quý vị và cũng sẵn lòng đăng tải ý kiến của BBC hay VOA về bài viết của ông Đào Văn Bình.
Trân trọng.
*
Khoảng hơn 20 năm nay tôi hầu như không bao giờ mở nghe đài VOA hoặc BBC bởi vì nếu là tin tức thế giới thì đã được các hãng thông tấn AP, UPI, Reuters… rồi các hãng truyền hình lớn như CNN, Fox News, các báo như New York Times, Washington Post tranh nhau loan tin sớm nhất. Rồi thì báo chợ, báo biếu Việt ngữ lan tràn ở cộng đồng cho nên chẳng cần nghe BBC hay VOA làm gì. Nhưng mấy lúc gần đây vì cần theo dõi tin tức ở trong nước cũng như những diễn biến dồn dập ở Biển Đông cho nên tôi mới “mò” vào xem các trang Việt ngữ của BBC và VOA bởi vì các hãng này loan tin khá nhanh song nhiều khi cũng “cóp” lại bản tin trong nước.  Nhưng tôi thật kinh hoàng khi phải đọc một thứ Việt ngữ xa lạ, không còn là thứ Việt ngữ mẫu mực mà tôi đã được học, được nghe, rồi viết rồi học hỏi gần như suốt đời. Đó là một thứ Việt ngữ cẩu thả, kém cỏi của những người không biết học tiếng Việt ở đâu. Văn phạm thì sai, chữ dùng thì làm dáng hoặc “đao to búa lớn”, câu văn tối nghĩa, què hoặc văn không phải là văn Việt mà là văn dịch  theo kiểu “mot à mot”. (*).

Kinh ngạc trước những tác phẩm nghệ thuật làm từ... nút chai rượu

(Dân trí) – Những nút chai rượu vang sau khi uống xong bạn sẽ làm gì? Sẽ vứt đi? Trên thế giới đang có nhiều nghệ sĩ vẫn ngày ngày đi góp nhặt từng nút chai vứt đi đó để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật với chủ đề “sống xanh”, sống thân thiện với môi trường.

Kinh ngạc trước những tác phẩm nghệ thuật làm từ... nút chai rượu Kinh ngạc trước những tác phẩm nghệ thuật làm từ... nút chai rượuKinh ngạc trước những tác phẩm  nghệ thuật làm từ... nút chai rượu

TÌM ĐẾN NƠI 2 DÒNG SÔNG KHÔNG CHỊU HOÀ HỢP

1. Sông Rhone và sông Arve, Geneva, Thụy Sĩ

Bên trái là sông Rhone xanh rì khi vừa mới chảy ra khỏi hồ Lehman. Còn bên phải là dòng Arve trắng đục, vốn nhận nguồn nước từ các sông băng hội tụ ở thung lũng Chamonix (mà chủ yếu là sông băng Mer de Glace). Việc đi qua một vùng đồng bằng khiến sông Arve nhận nhiều phù sa và màu sắc tương phản hẳn.

3/20/13

Tiếng trống Mê Linh ngày xưa - nay đâu?

 

Trần Việt Trình

- Cách đây hơn 34 năm, tối ngày 26 tháng 11 năm 1978, vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga lần đầu tiên được trình diễn tại rạp Cao Đồng Hưng ở Bình Thạnh. Đêm đầu tiên đó vở diễn đã thành công ngoài sự mong đợi của mọi người. Khán giả đến xem chật rạp, nhiều đợt vỗ tay vang dội suốt buổi diễn. Nhưng không ai ngờ rằng, chỉ nửa tiếng sau khi tấm màn sân khấu khép lại thì nữ nghệ sĩ nổi tiếng đóng vai Thái hậu Dương Vân Nga là Thanh Nga và chồng bị bắn chết. Lúc đó hơn 11 giờ khuya, trước cửa nhà, khi 2 vợ chồng nghệ sĩ và con trai còn trong xe, chưa kịp mở cửa bước vào nhà.

3/19/13

Bắc Triều Tiên phát video dàn dựng cảnh điện Capitol bốc cháy

Vidéo tuyên truyền của Bắc Triều Tiên trên Youtube

Vidéo tuyên truyền của Bắc Triều Tiên trên Youtube

DR

Thụy My

Bình Nhưỡng hôm nay 19/032013 đã tung ra một video tuyên truyền mới, trong đó Nhà Trắng và điện Capitol ở Washington đang ngùn ngụt bốc cháy.

3/18/13

Người Việt mạnh yếu chỗ nào ?

Đỗ Thông Minh

Trong chúng ta, chắc ai cũng có dịp nhìn lại mình, nhìn lại dân tộc mình. Vui buồn lẫn lộn bởi những xấu tốt do chính mình tạo ra và tự hỏi nguyên do từ đâu? Khi nhìn ra thế giới, nói chung, chúng ta còn thua kém nhiều dân tộc trên thế giới, thế nên, xin miễn được đề cao người mình, những cái hay cái tốt mà nhiều người đã nói tới, mà hãy cùng nhau nhìn thẳng vào khuyết điểm của mình, để may ra có sửa chữa, thăng tiến hơn không.

3/16/13

Tóm tắt chuyện “ Trại súc vật”

Thủ lĩnh (Old Major), chú lợn đực già tại Trại Manor (hay “Willingdon Đẹp đẽ” như nó tự gọi mỗi khi xuất hiện) kêu gọi các loài vật khác trong Trại tới một cuộc họp, tại đó nó so sánh con người với những kẻ ăn bám và dạy các con vật một bài hát cách mạng, “Beasts of England” (Những con quái vật của nước Anh).all-animals-are-equal

Khi Thủ lĩnh chết ba ngày sau đó, hai con lợn trẻ, Snowball và Napoleon, nắm quyền chỉ huy và biến giấc mơ của Thủ lĩnh thành một triết lý đầy đủ. Các con vật nổi dậy và đuổi Ông Jones khỏi trang trại, đổi tên nó là “Trại súc vật.”

Chuyện Súc vật và Chuyện kiểm duyệt

Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-03-15
625434_424694274286560_1361866581_305.jpg
Cuốn Animal Farm của George Orwell, bản tiếng Tiếng Việt.
Courtesy MP's Facebook
Nghe bài này
Quyển truyện nổi tiếng của George Orwell, Trại Súc Vật, chống và châm biếm chế độ độc tài kiểu cộng sản, được xuất bản ở VN, rồi có tin nó bị thu hồi. Thực hư ra sao? Cây kéo khắc nghiệt của nền kiểm duyệt cộng sản họat động ra sao?
Sợ cái “Xã Hội Chủ Nghĩa” từ những năm 40
Quyển sách truyện nổi tiếng của văn hào Anh George Orwell, Trại súc vật (Animal Farm) vừa được xuất bản tại Việt Nam.

3/14/13

Chiến tranh Mali : Pháp chống khủng bố hay bảo vệ quyền lợi chiến lược ?

Chạm súng ác liệt giữa quân đội Pháp và Mali với phiến quân Hồi giáo ngày 21/02/2013 tại thành phố Gao (Bắc Mali).

Chạm súng ác liệt giữa quân đội Pháp và Mali với phiến quân Hồi giáo ngày 21/02/2013 tại thành phố Gao (Bắc Mali).

REUTERS/Joe Penney

Tú Anh

Tạp chí Tiêu điểm 14.03.2013
(16:23)

Chiến dịch quân sự của Pháp tại Mali (Tây Phi) khai diễn từ ngày 11/01/2013 nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Toàn bộ các thành phố phía bắc được tái chinh phục, lực lượng hồi giáo thánh chiến bị thiệt hại nặng. Tuy nhiên giới phân tích nghi ngờ mục tiêu chống khủng bố chỉ là bước đầu của một chiến dịch dài hạn : bảo vệ quyền lợi chiến lược của Tây phương, ngăn chận ảnh hưởng Trung Quốc.

Giáo hoàng khiêm cung

Cập nhật: 05:03 GMT - thứ năm, 14 tháng 3, 2013

Tân Giáo hoàng ra mắt

Giáo hoàng Francis I có sự ra mắt khiêm nhường

Việc Giáo hội Công giáo La Mã lần đầu tiên trong hơn 1.000 năm qua bầu một vị Giáo hoàng không đến từ Âu châu và cũng là vị giáo hoàng Mỹ Latin đầu tiên cho thấy các vị hồng y đã ý thức được quy mô và tầm quan trọng của khối Công giáo bên ngoài châu Âu.

Mỹ Latin, quê hương của tân Giáo hoàng Francis, chiếm đến 40% tín đồ Công giáo trên toàn thế giới.

Giáo hoàng của người nghèo

Các bài liên quan

Chủ đề liên quan

Hồng y Jorge Mario Bergoglio có tiếng là một vị chủ chăn có lối sống khiêm nhường. Ngay khi đã là người dẫn dắt một giáo phận lớn, Ngài vẫn bắt xe buýt đi làm, sống trong một căn hộ thay vì trong dinh thự dành cho tổng giám mục và tự nấu ăn.

Hồng y Argentina trở thành Giáo hoàng

(BBC)

Cập nhật: 20:20 GMT - thứ tư, 13 tháng 3, 2013

Tân Giáo hoàng người Argentina, năm nay 76 tuổi, sẽ lấy hiệu Francis I

Hồng y người Argentina Jorge Mario Bergoglio được đám đông chào mừng tại Quảng trường Thánh Peter sau khi được bầu làm tân Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo.

Các bài liên quan

Chủ đề liên quan

Xuất hiện trên ban công nhìn xuống quảng trường, Ngài đề nghị mọi người hãy cầu nguyện cho Ngài. Những lời reo hò dội lên khi Ngài ra dấu ban phước.

3/13/13

Cuốn sách "Đức: A reporter's love for a wounded people"

Cuốn sách "Đức: A reporter's love for a wounded people" của tác giả Uwe Siemon-Netto đã được viết xong và đang chờ một số người viết "foreword" và endorsements.

COVERVIET-LEGALSIZE copy (150 x 237)c

Bản dịch cũng đã xong, được phép của tác giả chúng tôi xin giới thiệu đoạn kết rất xúc động mà tác giả đã nói lên ước muốn cùng với người Việt Nam nuôi dưỡng niềm hy vọng một ngày không xa Tự Do Dân Chủ sẽ trở lại với quê hương khốn khổ của chúng ta:

Trong ý nghĩa này, tôi bây giờ chỉ muốn xếp hàng vào đoàn xích-lô bên ngoài ga xe lửa Huế vào năm 1972, nơi chẳng có người khách nào quay trở lại. Chỗ của tôi ở đâu bây giờ? Tôi còn lại gì nữa ngoài niềm hy vọng?

Trong đoạn chót của chương cuối 16, tác giả kể về câu chuyện đi thăm ga xe lửa Huế năm 1972. Thoạt đầu ông ngạc nhiên người miền Nam vẫn giữ truyền thống mỗi buổi sáng có một chuyến tầu đi Hà Nội tuy chỉ chạy trong vòng một cây số. Nhưng ông hiểu ra đó là sự kiên cường của họ luôn nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng chuyến tầu một ngày không xa chuyến tầu sẽ thẳng tiến tới Hà Nội... Cho tới ngày hôm nay, hình ảnh chuyến tầu này vẫn còn trong tâm khảm của những người con Việt dù tha phương cầu thực nơi xứ người.

Cuộc sống ở Nhật Bản

 
image
Viết bài này, tôi không hề có ý định nói về cuộc sống của người Việt Nam nói chung tại Nhật. Tôi chỉ nêu nhận xét chủ quan của riêng tôi đối với những điều tai nghe mắt thấy tác động trực tiếp đến cuộc sống của cá nhân và gia đình tôi tại Tokyo. Vì thế nếu các ý kiến của tôi khiến một số quý vị không đồng tình, mong các quý vị bỏ qua.
Trước khi tới xứ sở của hoa anh đào, tôi đã sống 18 năm thời niên thiếu của mình rồi sau này làm việc vài năm tại Việt Nam, 11 năm tại Liên xô cũ, một thời gian tại châu Âu, và thăm một số trường đại học tại Hoa kỳ. Cuộc sống ở nhiều nước đã giúp tôi kiểm chứng trong một chừng mực nhất định độ tin cậy của câu ngạn ngữ tôi thường nghe thời còn là sinh viên tại Nga:
Ba năm đi Pháp bằng một giáp đi Nga.
Năm năm ở Tây bằng một giây ở Nhật.

TTYN - Giọt Lệ Sầu Cho Quê Hương–Sáng tác: Vô Danh (giọng hát Thu Sương)

To Nhỏ, Nhỏ To

ca khúc của nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước từ quốc nội

Ăn Trứng có tốt không?


Không có món ăn nào quen thuộc với mọi gia đình hơn quả trứng. Thế nhưng có rất điều bạn chưa biết về quả trứng!

TRỨNG BỔ DƯỠNG NHƯ THẾ NÀO?

Khi ta ăn một miếng thịt luộc hay rô ti, thì đó chỉ là một phần thịt heo, bò… với vài chục dưỡng chất mà chủ yếu là các acid amin… Còn lại các chất khoáng cần cho xương cốt thì ở phần xương; các sinh tố ở gan, lòng, gelatin cần cho da thì ở da; keratin cần cho lông tóc lại ở sừng bò… mà ta không thể ăn được. Ngược lại, khi ta ăn một quả trứng thì ta hưởng được trọn vẹn hơn 60 dưỡng chất trong quả trứng, mà nếu để ấp sau 21 ngày sẽ nở ra một cá thể gà hay vịt con có đủ da, thịt, xương, lông, cánh… không dư không thiếu một chất nào. Tính bổ dưỡng toàn phần này được chứng minh bằng giá trị sinh học của trứng, nghĩa là lấy lượng nitrogen của protein tăng cân (sinh cơ) chia cho lượng nitrogen của protein trứng được ăn vào sẽ có tỉ số bằng 1, tức là ăn bao nhiêu protein của trứng vào thì sẽ biến bấy nhiêu thành protein cơ thể.

TÂM SỰ CỦA MỘT TRÍ THỨC VIỆT NAM TRƯỚC HIỆN TÌNH ĐẤT NƯỚC - Tâm thư của một Bác Sĩ( from VN )

Tôi đã thật sự xúc động khi đọc những dòng tâm huyết của BS Nguyễn Quý Khoáng , một đứa con Tây Ninh , vùng Cao Xá , một thầy thuốc Nhân Ái của Bệnh Viện Tây Ninh trước năm 1990 . Hiện nay BS Khoáng học đạo và tu tập theo nhóm Dược Sĩ Lê Thị Vui tại Saigòn... ....Tôi thiết tha yêu cầu các bạn Hải Ngoại phổ biến rộng rãi bức tâm thư nầy trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài ........

MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM

( HAY TÂM SỰ CỦA MỘT TRÍ THỨC VIỆT NAM

TRƯỚC HIỆN TÌNH ĐẤT NƯỚC)

BS NGUYỄN QUÝ KHOÁNG

(Việt Nam, ngày 10 tháng 03 năm 2013)

Trước tình hình đất nước  ngày càng xuống dốc về xã hội, văn hoá, kinh tế, chính trị  v.v…, nhất là tương lai Đất nước rất đen tối trước hoạ xâm lăng của Trung Quốc, là người trí thức Việt Nam, tôi tự thấy lương tâm bị cắn rứt khi cứ im lặng chấp nhận những điều chướng tai gai mắt diễn ra hàng ngày cũng như nghe những lời than vãn của đồng bào mình.

     Mục sư Martin Luther King có nói:

-“Kẻ nào chấp nhận cái ác mà không phản đối chắc chắn là tiếp tay cho cái ác lộng hành” (He who accepts evil without protesting against it is really cooperating with it) và

-“Cuộc đời của chúng ta bắt đầu chấm dứt khi chúng ta lặng thinh trước những  vấn đề sống còn” (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter).

A PICTURE SAYS A THOUSAND WORDS — Hình Dung Lịch Sử và Tình Người

Người-Sưu-Tầm
A PICTURE SAYS A THOUSAND WORDS
Hình Dung Lịch Sử và Tình Người Trong Cuộc Chiến Ý Thức Hệ

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEigv4RfMshZA29Groys3YX9JbfZnW7a2ukmUO1Z1q59O-Nbqya2yAXKPEcL5MSfIXeRmIDATKXodenXJ6PIbjOsWrzGwUCFYaIGXn742wWSZcl3KyKP-WCXHrnyRIGG0RRwdIzexTyiSqyw/s1600/412-FS1.jpg

3/12/13

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh đến Paris nhận giải thưởng Công dân mạng

imageBlogger Huỳnh Ngọc Chênh đã đáp xuống phi trường Charles de Gaulle  lúc 9.00 ngày 11/3, chuyến bay của hãng hàng không Emirates.
Cùng ra đón Blogger Huỳnh Ngọc Chênh có đại diện của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới và một nhóm thân hữu.
Thời tiết Paris hôm nay trở lạnh, tuyết rơi lất phất. Blogger Huỳnh Ngọc Chênh cho biết cảm tường của ông khi vừa đặt chân đến phi trường Paris như sau:

Tôi  vô cùng xúc động khi thấy cộng đồng,  bà con, bạn bè đến đón và tặng hoa và có cả đại diện RSF, Paris rất đẹp mặc dầu đang có tuyết đang rơi và rất lạnh, đây là lần đầu tiên thấy tuyết nên xúc động tăng lên gấp bội.

Ngày mai 12 tháng 3, 2013 tổ chức Phóng Viên Không Biên giới phối hợp với tập đoàn Google sẽ trao giải thưởng Công Dân Mạng 2013 cho Blogger Huỳnh Ngọc Chênh .

CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ: XỬ AI? AI XỬ?

Hồ ngọc Nhuận

Vua  Louis thứ XVI của nước Pháp rất thích các loại máy móc, đặc biệt  là mê  sưu tập và sửa chữa các loại đồng hồ. Nhân dịp  một hội đồng hoàng gia đang được triệu tập để nghiệm thu chiếc máy chém “la guillotine” do bác sĩ Guillotin vừa sáng chế, để ban phát một cái chết nhẹ nhàng và bình đẳng cho mọi tử tội, nhà vua muốn xem qua chiếc  máy chém nầy.

NGÀY 12/03 : KHAI MẠC MẬT NGHỊ HỒNG Y BẦU TÂN GIÁO HOÀNG

image001

Mật nghị hồng y bắt đầu bằng thánh lễ cử hành công khai, trước khi các vị hồng y bước vào nhà nguyện Sixtine. Mật nghị dịch tử conclave, tiếng la tinh cum clave (khóa lại). Nên dịch sang tiếng Việt là ‘‘mật nghị’’ (密 議) ; nghị : hội họp, mật : giữ kín. Các vị hồng y họp mật nghị để bầu giáo hoàng. Sau khi bầu xong sẽ không còn mật nghị nữa. Trái lại, trong lịch sử nước ta, cơ mật viện là một định chế thường trực, do vua Minh Mạng lập ra để nhà vua hỏi ý kiến tứ trụ triều đình về các vấn đề trọng mật. Cơ mật viện nhà Nguyễn mô phỏng Khu mật viện của nhà Tống bên Tầu.

3/11/13

PHÂN VÂN XUÂN QUÝ TỴ

Bài xướng

PHÂN VÂN XUÂN QUÝ TỴ

Bảy chục tuổi đời, tự vấn thân,
Đâu là lẽ sống cõi nhân trần ?
Cầm kỳ thi họa, dăm ba lúc,
Tuyết nguyệt phong hoa, cũng có lần !

3/10/13

9 sự thật về Trái đất

Có nhiều điều chúng ta vẫn lầm tưởng về Trái đất và sự thật khiến nhiều người ngỡ ngàng

Trước “tận thế”, tìm hiểu 9 sự thật về Trái đất
ảnh minh họa

1. Trái đất không tròn

Trái đất là một hình cầu nhưng do lực hấp dẫn của nó, nó không phải là một vòng tròn hoàn hảo. Trong thực tế có một chỗ phình ra xung quanh đường xích đạo. Bán kính vùng cực của Trái đất là 3,949.99 dặm, trong khi bán kính xích đạo là 3,963.34 dặm. Nói một cách hóm hỉnh thì trái đất không phải là “vòng tròn tình yêu”.

Người Việt Di Tản nên biết về “Ông Shep”!

SHEPARD C. LOWMAN  (1926-2013)

Nguyễn Ngọc Bích
  • Sinh ngày 21/9/1926, Shepard Lowman có một cuộc đời dài và tràn đầy ý nghĩa như một nhà ngoại giao, một nhà từ thiện và nhất là như một người bạn thiết thân của Việt-nam và cộng-đồng Việt-nam.

Sau khi tốt nghiệp Trường Luật Harvard ra, Shep (tên gọi thân thuộc giữa bạn bè và gia đình) đã đi vào ngành ngoại giao và, sau khi phục vụ ở một số nhiệm sở, đã được gởi đến Việt-nam vào năm 1966.  Gần như tức khắc, Shep đã yêu Việt-nam và dân-tộc VN.  Tết Mậu-thân Shep đang làm việc ở Châu-đốc, nơi mà ông đã gặp bà Hiệp, vợ ông.

lowman- Ô. ShepNăm 1974 Shep lại có dịp trở sang Việt-nam và thời gian này ông phục vụ trong ban chính trị của Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài-gòn.  Với chức vụ này, ông được giao trọng trách lo đưa cả ngàn thân nhân gia đình Mỹ và những quan chức VN có thể gặp nạn nếu CS vào–trong những ngày hỗn độn vào cuối tháng Tư năm 1975.  Đa phần những người này sau đó đã đi định cư ở Hoa-kỳ.

Hiến pháp dù sửa đổi thật hay, đảng vẫn chỉ coi là mớ giấy lộn

Nguyễn Chính Kết

Trước sự phẫn nộ của người dân ngày càng dâng cao vì tính “hèn với giặc ác với dân” của nhà cầm quyền CSVN, Bộ Chính trị bèn bật đèn xanh cho Quốc hội bù nhìn của mình ban hành nghị quyết lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi hiến pháp. Mục đích để xoa dịu sự căm phẫn của người dân. Nhiều người dân trong nước – nhất là các trí thức, các cựu đảng viên cộng sản, các blogger, các nhà đấu tranh dân chủ, và cả Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – đã mạnh mẽ lên tiếng đề nghị hủy bỏ điều 4 hiến pháp, điều 17&18 về luật đất đai, thậm chí đòi lập một hiến pháp hoàn toàn mới mang tính dân chủ đa đảng, và đòi thực hiện một cuộc Trưng Cầu Dân Ý có quốc tế giám sát.

3/9/13

Ngoại trưởng Mỹ tặng giải bà Tạ Phong Tần

 

image

Bà Tạ Phong Tần là cựu đảng viên Đảng Cộng sản và từng làm việc trong ngành công an.

Bà Tạ Phong Tần, bị Việt Nam tuyên án 10 năm tù hồi năm ngoái, được Ngoại trưởng Mỹ tặng giải Phụ nữ Can đảm của Thế giới.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói tân Ngoại trưởng John Kerry cùng Đệ nhất Phu nhân Mỹ Michelle Obama sẽ trao giải cho 10 phụ nữ vào ngày 8/3, đánh dấu Ngày Phụ nữ Quốc tế.

CŨNG XONG MỘT KIẾP NGƯỜI

THẾ SỰ THĂNG TRẦM
Hoàng Ngọc Nguyên

clip_image002

Nay ông đã nằm xuống người ta mới dám nói!

Chuyện kể rằng ông Tổng thống Hugo Chavez của nước Venezuela này, vừa qua đời hôm thứ ba 5-3 khi chỉ mới 58 tuổi, thuở còn sinh tiền, trong suốt 10 năm dài của thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, đêm nào trước khi đi ngủ ông cũng đứng trước gương thần, nhìn mình trong gương, và lớn tiếng hỏi: “Gương thần, Gương thần! Ở vùng châu Mỹ La–tinh này, có con người cách mạng nào vĩ đại hơn ta, khủng khiếp hơn ta chăng?”. Bao giờ gương thần cũng đáp: “Thưa bệ hạ! Ngài là một bậc anh hùng cái thế, lợi hại chẳng ai sánh bằng. Nhưng nếu so sánh ngài, một nguyên thủ quốc gia của một nước có 30 triệu dân, với Tổng thống Lula Da Silva của nước Ba Tây láng giềng có đến 200 triệu người, ta e rằng ngài chưa thể bằng được”. Mỗi lần nghe xong, ông Chavez lại muốn phát điên, dùng bàn tay của một võ tướng, vốn là đại tá của binh chủng Nhảy Dù, đấm vỡ kính. Thế là ngày hôm sau, người ta lại phải xuất ngân khố mua cho ông một tấm kính mới, cũng chỉ dùng được một đêm…

3/8/13

Ngoại trưởng Mỹ tặng giải bà Tạ Phong Tần

Cập nhật: 09:58 GMT - thứ năm, 7 tháng 3, 2013

Bà Tạ Phong Tần

Bà Tạ Phong Tần là cựu đảng viên Đảng Cộng sản và từng làm việc trong ngành công an

Bà Tạ Phong Tần, bị Việt Nam tuyên án 10 năm tù hồi năm ngoái, được Ngoại trưởng Mỹ tặng giải Phụ nữ Can đảm của Thế giới.

Bấm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói tân Ngoại trưởng John Kerry cùng Đệ nhất Phu nhân Mỹ Michelle Obama sẽ trao giải cho 10 phụ nữ vào ngày 8/3, đánh dấu Ngày Phụ nữ Quốc tế.

Các bài liên quan

Chủ đề liên quan

Được thành lập từ năm 2007, giải này được Bộ Ngoại giao Mỹ tặng cho những phụ nữ trên thế giới “chứng tỏ sự dũng cảm đặc biệt và khả năng lãnh đạo để vận động cho quyền và sức mạnh phụ nữ, bất chấp rủi ro cá nhân”.

Chính trị hà khắc dữ hơn cả hổ

563333_10152618832000705_1230526550_n
KS Nguyễn Văn Thạnh -

Tính pháp lý của quyền lực
Một lần Khổng Tử đi qua Thái Sơn, thấy có người phụ nữ ở trước nấm mồ khóc lóc vô cùng thảm thương. Ông bèn bảo Tử Lộ ra hỏi nguyên nhân, người phụ nữ ấy nói: "Bố chồng bị hổ ăn thịt, chồng bị hổ ăn thịt, bây giờ con trai cũng chết trong miệng hổ, thì không đau lòng sao được?". Khổng Tử hỏi: "Sao các ngươi không dọn đi ở chỗ khác ?". Người phụ nữ nói: "Ở đây không có chính trị hà khắc, không có áp bức nên bị hổ ăn thịt cũng không dọn đi". Khổng Tử nghe xong nói với các học trò của mình: - Các trò hãy nhớ lấy: “Chính trị hà khắc dữ hơn cả hổ”.