3/14/13

Chiến tranh Mali : Pháp chống khủng bố hay bảo vệ quyền lợi chiến lược ?

Chạm súng ác liệt giữa quân đội Pháp và Mali với phiến quân Hồi giáo ngày 21/02/2013 tại thành phố Gao (Bắc Mali).

Chạm súng ác liệt giữa quân đội Pháp và Mali với phiến quân Hồi giáo ngày 21/02/2013 tại thành phố Gao (Bắc Mali).

REUTERS/Joe Penney

Tú Anh

Tạp chí Tiêu điểm 14.03.2013
(16:23)

Chiến dịch quân sự của Pháp tại Mali (Tây Phi) khai diễn từ ngày 11/01/2013 nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Toàn bộ các thành phố phía bắc được tái chinh phục, lực lượng hồi giáo thánh chiến bị thiệt hại nặng. Tuy nhiên giới phân tích nghi ngờ mục tiêu chống khủng bố chỉ là bước đầu của một chiến dịch dài hạn : bảo vệ quyền lợi chiến lược của Tây phương, ngăn chận ảnh hưởng Trung Quốc.

Hai tháng sau ngày phát động , chiến dịch quân sự Serval tại Mali bước vào giai đoạn ba. Theo bộ Tổng tham mưu quân đội Pháp thì những trận đánh dữ dội trong vùng núi non Ifoghas đã chấm dứt, các cuộc hành quân lục soát cũng hoàn tất. Liên quân Pháp và Tchad kiểm soát dãy núi Ifoghas và thung lũng Ametettai nơi được xem là « sào huyệt » của Aqmi, tức Al Qaeda tại Bắc Phi. Rất nhiều căn cứ tiếp liệu, xưởng chế bom đạn của thánh chiến hồi giáo tại nơi này bị phá hủy, không kể hàng trăm tay súng bị tiêu diệt.

Trong cuộc họp báo ngày 11/03/2013 bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Ledrian nhận định 70% « công việc » đã hoàn thành, hàng trăm khủng bố hồi giáo bị giết chết nhưng một số vẫn tồn tại. Phía quân đội Pháp có 4 quân nhân tử thương Tuy nhiên một cuộc hành quân mới đã được tiến hành từ thứ năm tuần trước nhằm « gây bất ổn cho các căn cứ hậu cần của khủng bố còn sót lại ở trong vùng biên giới với Algérie ».

Trên chiến trường, lực lượng can thiệp tiến quân chớp nhoáng. Ngày 10/01/2013, thành phố Konna, chốt chận cuối cùng bảo vệ thủ đô Bamako lọt vào tay Aqmi. Không riêng gì Cộng đồng kinh tế Tây Phi mà từ Liên Hiệp Châu Âu cho đến Washington, tất cả đều thụ động. Ba tháng trước, Tổng thống Pháp François Hollande còn tuyên bố không gửi quân chiến đấu trợ giúp chính phủ Mali thay cho quân đội Phi Châu. Thế nhưng không đầy 24 giờ sau, hàng trăm quân Dù của Pháp từ Tchad tiến sang Mali mở đầu chiến dịch tái chiếm miền bắc Mali - rộng bằng hai lần diện tích nước Pháp - bị rơi vào tay của hai tổ chức thánh chiến và lực lượng Touareg đòi độc lập từ năm 2012.

Về mặt chính thức, Paris đáp ứng lời cầu cứu của một đồng minh châu Phi bị khủng bố tấn công . Tuy nhiên không ít giới phân tích đặt nghi vấn về mục tiêu chiến lược.

Chuyên gia Pháp Olivier Zajec thì thẳng thừng cho rằng chính phủ Pháp không có mục tiêu rõ ràng. Nếu nói là « tiêu diệt khủng bố » như tuyên bố của Tổng thống Pháp, thì chẳng khác nào như muốn tiêu trừ bệnh cúm. Nhà nghiên cứu địa lý chiến lược Pháp e ngại chính phủ thiếu một tầm nhìn chiến lược chính xác nếu không quân Pháp sẽ sa lầy tại Mali sau 10 năm tham chiến tại Afghanistan.

Trong khi đó thì từ châu Á, Bắc Kinh không che giấu thái độ lo sợ. Hoàn cầu Thời báo của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 22/01/2013, nhận định : Trung Quốc có quyền lợi tại Mali qua các dự án đầu tư. Quyết định của Pháp gởi quân can thiệp không hẵn là một điều xấu cho Trung Quốc vì có thể giúp ổn định tình hình… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích tiềm tàng thì vẫn có lý do đáng báo động : đó là lực lượng quân sự của Pháp. Can thiệp vào Mali là lập luận để hợp pháp hóa một cuộc can thiệp khác tại châu Phi ».

Theo Hoàn Cầu Thời Báo thì Bắc Kinh thấu rõ Tây phương tiến hành một chiến lược « be bờ » ảnh hưởng của Trung Quốc bằng một chiến thuật rất đơn giản là kiểm soát trở lại các thuộc địa cũ nơi mà Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng.

Khi can thiệp vào Mali, Pháp làm một công đôi ba việc : bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ một quốc gia đồng minh tuy kém phát triển kinh tế nhưng rất giàu tài nguyên chưa khai thác và để bảo vệ sân sau. RFI đặt câu hỏi với Giáo sư Lê Đình Thông, khoa Bang giao Quốc tế , đại học Paris Nanterre.

Mali : Quốc gia nằm giữa hai khu vực chiến lược tại châu Phi

RFI : Trước hết, xin giáo sư cho thính giả RFI biết qua về địa lý chính trị của Mali. 

GS Lê Đình Thông : Cộng hòa Mali nằm ở giữa vùng tây Phi, có hình con bướm với đôi cánh xòe ra không đối xứng. Mali có diện tích gấp hai lần rưỡi nước Pháp, trải rộng từ phía bắc sa mạc Sahara tới vùng đồng cỏ rộng lớn ở phía nam. Quốc gia này có hơn 7 ngàn cây số đường biên giới chung với Algérie, đông bộ Niger, Burkina Faso, Côte d’Ivoire, phía nam giáp ranh với Guinée và Sénégal, chung biên giới với Mauritanie ở phía tây. Mali không có bờ biển, trong khi hai hải cảng Dakar và Abidjan đều cách Bamako 1200 km.

Mali nằm giữa hai khu vực chiến lược : khu vực phía bắc châu Phi (espace sahéro-saharien) và khu vực phía nam sa mạc Sahara (Afrique subsaharienne).

Vì vị trí khá đặc biệt, trước đây Mali có sáng kiến tổ chức hội nghị cấp vùng về an ninh và phát triển phía bắc Phi châu. Trước khi Pháp can thiệp quân sự tại Mali, vấn đề an ninh đã là tiền đề cho vấn đề phát triển kinh tế. Từ khi chiến tranh bùng nổ, việc ổn định và vấn đề an ninh, đặc biệt là nạn buôn bán ma túy và khủng bố hồi giáo, được coi là các ưu tiên chính.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc bộ Quốc phòng Pháp, Ngân hàng Thế giới sắp hạng Mali đứng hàng thứ 170 trên tổng số 192 nước về sản phẩm nội địa tính trên đầu người. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính ở Mali. Mali là nước đối tác đúng hàng thứ 165 của Pháp về trao đổi mậu dịch.

Ngoài bông gòn và thú nuôi (bétail), Mali xuất khẩu vàng, chiếm 70% số thu xuất khẩu. Vì thiếu vốn, Mali chưa khai thác đúng mức dầu hòa và uranium ở phía bắc. Ngoài ra, Mali còn có các khoáng sản khác như thạch anh, carbonate. Có khoảng 60 công ty của Pháp đang hoạt động ở Mali, số doanh thâu là 13 tỷ Phật lăng, viết tắt là CFA.

Theo các nhà địa chất, Mali có quặng uranium. Hai nước Mali và Niger chiếm hơn 60 phần trăm sản lượng về uranium trên thế giới. Công ty Areva của Pháp hiện khai thác urinium tại quốc gia này. Năm 2010, có 5 chuyên viên Pháp làm việc cho Areva bị bắt làm con tin tại Niger. Trước khi Pháp can thiệp vào Mali, quyền lợi về năng lượng và quặng mỏ của Pháp tại Mali còn rất giới hạn.

RFI : Xin giáo sư cho biết nguyên nhân nào khiến nước Pháp quyết định can thiệp quân sự tại Mali ? 

GS Lê Đình Thông : Tháng 3 năm 2012, binh lính Mali nổi loạn vì quân đội không có khả năng dẹp các phần tử phản nghịch. Nhóm đảo chính đã lật đổ tổng thống Amadou Toumani Touré. Sau đó, vì nước Pháp gây áp lực, nhóm đảo chính phải nhường chỗ cho chính phủ chuyển tiếp. Phía bắc Mali do loạn quân touaregs kiếm soát, áp dụng luật lệ hồi giáo khắc nghiệt. Vào tháng giêng năm nay, loạn quân dự tính đánh chiếm các tỉnh phía nam khiến nước Pháp phải can thiệp quân sự.

Nhóm hồi giáo phản loạn có nhiều nguồn gốc khác nhau : Aqmi, một một bộ phận chủ lực của Al-Qaida, nhóm Ansar Dine, nhóm Mujao tach ra từ AQMI. Các nhóm này kiểm soát vùng đất rộng 800 ngàn km². Các nước đối tác chiến lược của Pháp ở châu Phi không muốn các nhóm hồi giáo cực đoan bành trướng ảnh hưởng.

Tại phía bắc Mali, ảnh hưởng của Pháp chỉ giới hạn vào các hai lãnh vực ngoại giao và chiến lược hơn là kinh tế và năng lượng. Mali có chung biên giới với Niger và Algérie, nơi nước Pháp có nhiều quyền lợi về uranium, khí đốt và dầu hỏa. Hiện nay, uranium của Niger cung cấp cho các nhà máy điện hạt nhân của Pháp. Niger là nước đúng hàng thứ 4 trên thế giới về sản lượng uranium. Công ty Areva của Pháp tiêu thụ hơn 1/3 sản lượng uranium của nước này. Đây cũng là nguyên nhân đưa đến can thiệp quân sự của Pháp tại Mali.

RFI : Giáo sư có thể phân tích về chiến lược của Pháp ? 

GS Lê Đình Thông : Vị trí chiến lược của Mali giằng co giữa khủng hoảng định chế trong nước và khủng bố hồi giáo. Từ khi xẩy ra can thiệp quân sự của Pháp, các nhóm khủng bố tập họp lại dưới cờ hiệu Ansar ed-Din, chuẩn bị tấn công miền nam. Trước nguy cơ bị quân hồi giáo thôn tính, tổng thống Mali, ông Traoré, kêu gọi Pháp can thiệp.

Đại sứ Pháp tại Mali Christian Rouyer cho biết dân chúng Mali biết ơn nước Pháp đã kịp thời đẩy lui nhóm hồi giáo cực đoan. Nếu không, Mali đã phải chịu đọa đầy dưới ách cai trị của hồi giáo cực đoan.

Chiến lươc quân sự của Pháp được hình thành từng bước. Quân đội Pháp đã khám phá và tịch thu kho vũ khí Jihad gồm nhiều tên lửa, súng cối và bom sản xuất tại Nga. Đô đốc Guillaud, tổng tham mưu trưởng quân lực Pháp, cho biết các chiến lợi phẩm thu được là quan trọng.

RFI : Với cuộc can thiệp quân sự vừa qua, nước Pháp có đạt được các mục tiêu mong muốn không ?

GS Lê Đình Thông : Năm 2012, vùng sa mạc trở thành sào huyệt của các nhóm hồi giáo võ trang vùng Bắc Phi Hồi giáo, viết tắt là Aqmi, nhóm Ansa Dine và nhóm thánh chiến Jihad ở Tây Phi, viết tắt là Mujao. Các nhóm này áp dụng luật hồi giáo charia khắt khe, gây kinh hoàng cho người dân.

Ngày 11/01 : Pháp mở cuộc hành quân lấy tên là Serval có nghĩa là Mèo rừng nhằm phá vỡ kế hoạch tấn công miền nam của 1200 phần tử hồi giáo vũ trang. Sau khi Pháp dội bom, các nhóm hồi giáo phải rút lui khỏi các tỉnh phía bắc.

Ngày 15/01 : Pháp bắt đầu hành quân trên bộ, chiếm lại Diabali.

Ngày 16/01 : nhóm hồi giáo bắt nhiều con tin Tây phương tại một cơ sở dầu khí ờ Algérie.

Ngày 17/01, quân đội Mali tái chiếm Konna.

Ngày 02/02 : Tồng thống Pháp viếng thăm Tombouctou và Bamako.

Ngày 06/02, Paris công bố con số 4 ngàn binh sĩ triển khai tại Mali. Mỗi ngày, Pháp tốn 2 triệu 700 euros chiến phí.

Việc hai thủ lãnh hồi giáo Moktar Belmokhta và Abou Zeid tử thương được coi là yếu tố quan trọng.

Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết quân đội Pháp đã chặn đứng được khủng bố hồi giáo, không những tại châu Phi, mà ngay tại Pháp và châu Âu nữa. Trong khi đó, bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Drian cho biết quân đội mở rộng hành quân sang Somalie để giải cứu một nhân viên Tổng cục an ninh đối ngoại, gọi tắt là DGSE. Nếu Pháp không can thiệp kịp thời, nhóm Touaregs đã tuyên bố bắc Mali trở thành một quốc gia độc lập.

Nước Pháp đã hoạch định một giải pháp chính trị nhằm mở các thương thuyết với các nhóm hồi giáo không phải là khủng bố. Việc can thiệp quân sự quốc tế trong khuôn khổ CEDEAO : Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi cũng đã được tiến hành.

Tân ngoại trường Mỹ John Kerry đánh giá can thiệp quân sự của Pháp tại Mali là thành công tốt đẹp. Trước mắt, các cuộc hành quân của Pháp đã chặn đứng nguy cơ mở rộng địa bàn hoạt động của các nhóm hồi giáo cực đoan. Về lâu về dài, nước Pháp sẽ được hưởng lợi trong việc khai thác uranium và dầu hỏa tại quốc gia Phi châu rộng lớn này. Tổng thống Pháp François Hollande vừa tuyên bố giai đoạn chót của chiến dịch can thiệp của Pháp sẽ còn kéo dài hết tháng Ba và kể từ đầu tháng Tư, số quân Pháp tại Mali sẽ giảm dần ngay khi quân đội của các nước Tây Phi đến thay thế.

Ngày 12/03/2013, bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian cho biết tại quốc gia này, an ninh đã vãn hồi. Từ nhiều ngày nay, các phần tử hồi giáo ấn núp trong dãy núi Ifoghas cũng như các sào huyệt của al-Qaida ở phía đông bắc. Chỉ còn vài đụng độ lẻ tẻ giữa quân Pháp và binh sĩ Mujao tại Gao (bắc Mali). Dân chúng đều coi giai đoạn cai trị hà khắc của nhóm hồi giao cực đoan không còn nữa. Ông Jean-Yves Le Drian nói thêm là ‘‘sứ mạng của Pháp sẽ kết thúc cùng lúc với một giải pháp chính trị.’’ Được biết ủy ban đối thoại và hòa giải (commission de dialogue et de réconciliation) hiện đang hoạt động ráo riết. Cuộc bầu cử tổng thống được dự liệu vào cuối tháng 7.

Như vậy, có thể đánh giá cuộc chiến ở Mali là ‘‘tốc chiến, tốc thắng’’.

Theo AFP, quân đội Pháp sẽ phải « đào luyện » trở lại quân đội Mali hiện không được dân chúng tin tưởng. Trong bản tin ngày 13/03/2013, sau khi nghe Tổng thống Pháp thông báo sẽ rút quân từ tháng 4, người dân Mali ở phía bắc từng nếm mùi hồi giáo cực đoan tuyên bố « lính Pháp ra đi thì chúng tôi cũng đi theo ».

No comments:

Post a Comment