3/8/13

Nghiệp Chướng của Vatican

Hoàng Ngọc Nguyên

Benedykt_XVI_(2010-10-17)_4

Đúng 8 giờ tối ngày 28-2, giờ Vatican, Đức Giáo Hoàng Benedicto 85 tuổi đã chính thức rời bỏ nhiệm vụ, sau khi đột ngột tuyên bố quyết định thoái vị vào ngày 11-2 với lý do tuổi già, sức yếu, không đủ năng lực thể chất và tinh thần để cáng đáng trọng trách trong một thời điểm nhiều thử thách hiện nay cho giáo hội. Tháng Ba này có thể là một trong những tháng dài nhất trong lịch sử cận đại của Tòa Thánh La Mã – ngày cuối tháng được tính là ngày chậm nhất giáo hội có thể có Giáo hoàng mới.

Theo luật lệ hiện hành, giáo hội phải đợi ít nhất một thời gian là hai tuần kể từ khi chiếc ghế Giáo hoàng bị để trống mới tiến hành bầu cử người thay thế. Có nghĩa là sớm nhất là ngày 15-3, 117 Hồng y trên toàn thế giới mới bắt tay vào việc bầu Giáo hoàng mới. Tuy nhiên, có tin là Đức Giáo Hoàng Benedicto đang tìm cách tu chỉnh Hiến ước của giáo hội để việc bầu cử có thể tiến hành được ngay, với lý do đây là trường hợp đặc biệt Giáo hoàng thoái vị - chẳng phải là qua đời. Tuy là Đức Giáo Hoàng thoái vị, chẳng phải là qua đời, nhưng tình cảnh hiện nay đáng được mô tả là “tang gia bối rối”, khiến cho Ngài không muốn để lâu hơn tình trạng có khoảng trống trong quyền lực. Nhiều người quan sát đang cùng nhận định là những ngày trước bầu cử sẽ rất phức tạp bởi nhiều chuyện người ta nhìn lại và nhiều chuyện người ta tiên đoán!
Đức Giáo Hoàng không cần nói thẳng ra, nhưng người ta cũng có thể thừa hiểu. Trong gần tám năm tại vì vừa qua, Ngài đã mất phần lớn thì giờ vào những chuyện tuế toái, phải giải quyết, phân xử những vụ tai tiếng trong phạm vi giáo hội liên quan đến chuyện tình dục, tham nhũng, tranh giành quyền lực nội bộ. Đúng là công việc chẳng thú vị; ngược lại, ngày càng căng thẳng, nhức đầu, mệt mỏi khi khắp nơi trên thế giới nổ ra nhiều chuyện tai tiếng liên quan đến những cha lạm dụng tình dục của những trẻ dâng lễ cũng như những cha bị tố là mang bệnh đồng tính. Những lời tố Vatican đã tìm cách che đậy những vụ tai tiếng này ngày càng mạnh mẽ, nhất là vì sự bùng nổ lan tràn của những câu chuyện tương tự ở nhiều nước châu Âu, châu Mỹ. Dư luận cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của Ngài trước khi là Giáo hoàng, nhất là quan điểm của Ngài, một trong những nhà thần học nổi tiếng nhất của giáo hội, trước những vấn đề cực kỳ có tính thời đại như quan hệ của giáo hội La Mã với những tôn giáo khác, sự phạm tội về tình dục của các linh mục, các chuyện ngừa thai, phá thai, hôn nhân đồng tính… Đức Giáo Hoàng có tiếng là một nhà thần học có lập trường bảo thủ, có ý hướng củng cố, tăng cường những giá trị truyền thống của giáo hội. Một phần đường lối bảo thủ này của Ngài có thể đã khiến cho giáo hội khó tìm được lối ra cho những vấn đề hiện nay…
Đức Giáo Hoàng trong bài giảng cuối cùng vào sáng Chủ nhật trước hàng chục ngàn tín đồ Thiên chúa giáo đã nhấn mạnh Ngài muốn tìm đến một cuộc sống ẩn dật để cầu nguyện và tĩnh tâm. Thế nhưng trong thời buổi thế gian miệng xấu, nghĩ xấu này, người ta cứ đồn đại những chuyện “âm mưu”, nhất là vì cuộc bầu cử này quá quan trọng đối với giáo hội, và bầu cử nào rồi cũng mang những hơi hám không thơm tho của chính trị. Tuần trước, trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu, nhật báo lớn nhất ở Ý, La Republica, đã đưa ra một tin về một cuộc điều tra trong năm ngoái của Vatican do ba Hồng y chủ xướng liên quan đến sự rò rỉ ra ngoài những chuyện bí mật trong giáo hội. Như chúng ta đã biết, một nhà quản lý thân cận với Đức Giáo Hoàng, Paolo Gabriele, trước đây đã bị bắt vào tội tiết lộ những hồ sơ mật của giáo hội liên quan đến chuyện tham nhũng. Ông bị kết án tù 18 tháng, nhưng sau đó được Đức Giáo Hoàng đặc xá. Theo tờ báo này, cuộc điều tra nhằm vào một loạt những vụ tai tiếng liên quan đến tình dục, tiền bạc và quyền lực đụng chạm một số Hồng y, các vị linh mục và những người phục vụ tại Vatican. Cũng trong bài báo này, Vatican đang bối rối vì một số linh muc đồng tính đang bị những “trai giang hồ” tống tiền, đe dọa phanh phui chuyện mua dâm đồng tính…
Một người phát ngôn của Tòa thánh đã bác bỏ những tin tức từ bài báo này, nói rằng cách đưa tin “không kiểm chứng, không kiểm chứng được hay hoàn toàn sai lầm” đã có những dụng ý không hay, làm mất khả năng tự do chủ động của các Hồng y trong cuộc bỏ phiếu sắp đến. Đương nhiên, tình hình từ nay đến ngày bầu cử sẽ không yên, báo chí sẽ “quậy lên” một số vụ tai tiếng - vốn chẳng là chuyện hiếm có, khó tìm trong giáo hội ở nơi này hay nơi khác.

Đầu tuần này, có tin vị Hồng y đứng đầu giáo hội nước Anh bị tố cáo là có “quan hệ thân mật”, “không thích hợp” với ít nhất là bốn linh mục cách đây cả 30 năm. Tổng giám mục của Tô Cách Lan, Hồng y Keith O’Brien, 75 tuổi, đã thông báo từ chức cũng với lý do tuổi già sức yếu. Ông là người nổi tiếng về quan điểm quyết liệt chống lại việc nhìn nhận quyền của người đồng tính! Khác với Hồng y Roger Mahony ở Los Angeles, Hồng y O’Brien từ chức Tổng giám mục và đã nói ông sẽ không có mặt trong số những Hồng y bỏ phiếu bầu Giáo hoàng mới “để cho dư luận có thể tập trung hơn” vào cuộc bầu cử. Cũng khác với Hồng y Mahony chỉ có tội che đậy những vụ tai tiếng trong giáo hội Los Angeles, Hồng y O’Brien chính là người “thủ ác” – nếu những lời tố cáo ông của ba vị cựu linh mục và một linh mục đang tại nhiệm là đúng! Những người tố cáo đã gặp trực tiếp người đại diện Vatican tại Anh quốc và yêu cầu O’Brien phải từ chức, theo tin sốt dẻo của tờ Observer đưa lên mạng vào tối Chủ nhật. Tại Tòa thánh, Cha Federico Lombardi, phát ngôn cho giáo hội La Mã, nói với báo chí là Đức Giáo Hoàng đã được thông báo về chuyện tố cáo này. Chấp nhận sự từ chức của Hồng y O’Brien là một trong những quyết định cuối cùng của Đức Giáo Hoàng trước khi Ngài thoái vị. Chẳng thể nói là Đức Giáo Hoàng chẳng biết gì về chuyện tố cáo này, cho dù Hồng y O’Brien đã phủ nhận và nói sẽ đưa nội vụ ra pháp lý.

Hồng y Mahony của Thành phố Thiên thần nay đã bị bãi chức Tổng giám mục ở địa phận này, nhưng vẫn có mặt tại La Mã để là một trong 117 vị Hồng y được quyển bỏ phiếu bầu Giáo hoàng. Những nỗ lực của một số nhóm tín đồ nhằm ngăn cản việc ông đi La Mã đã không thành vì chính Tổng giám mục hiện nay Jose Gomez của Los Angeles muốn cho ông Mahony một cơ hội. Tuy nhiên, trước khi lên máy bay để qua Ý, Hồng y Mahony đã bị cơ quan công lực “quay” trong vòng hơn bốn tiếng về trách nhiệm của ông để “sổng” một linh mục gốc Latino đến từ Mexico và sau đó thoát trở lại Mexico sau khi đã xâm pham tình dục đến 26 trẻ em trong một thời gian kỷ lục chín tháng. Vào năm 1988, giáo phận Los Angeles được hai gia đình thông báo là linh mục Nicholas Aguilar-Rivera, được giáo hội Mexico gởi đến đây để tu tập, đã bức dục con của họ. Những người lãnh đạo giáo hội tại Los Angeles đã không vội thông báo cho cảnh sát. Linh mục Thomas Curry, phụ tá tin cẩn của Tổng giám mục Mahony, đã báo cho ông Rivera biết tức thì, và ông này, nay đã 71, cũng tức thì trốn trở lại Mexico. Aguilar-Rivera tiếp tục là nhà tu, và tiếp tục thích trẻ em cả 21 năm sau – cho đến năm 2009 mới bị Vatican ngưng chức sau hàng loạt tai tiếng mới tại Mexico! Ông Mahony, một trong những nhân vật quyền hành nhất trong Giáo hội Thiên Chúa của Hoa Kỳ vào thời đó, đã nắm tình hình những vụ án, chỉ đạo cách xử lý, giải quyết những vụ án này. Chính Mahony là người quyết định không giao tên tuổi của những trẻ dâng lễ tại nhà thờ. Về sau cảnh sát tìm ra được những tên này, và từ đó phanh phui đến 26 trẻ bị hại trong tay ông cha Mễ. Giáo hội Los Angeles đã chống lại việc công bố hồ sơ phạm tội của những linh mục. Gần đây, họ mới phải nhượng bô, đưa ra cả 12.000 trang hồ sơ về chuyện xâm phạm tình dục trẻ em tính từ những năm 30 của thế kỷ trước. Tính ra có cả mấy trăm vụ với hàng trăm cha liên quan!

Người ta nói đàng sau sự tiết lộ những vụ tai tiếng liên quan đến giáo hội ở nơi này nơi khác là những áp lực của dư luận muốn Tòa thánh bầu lên một Giáo hoàng đi theo đường lối cải cách, đổỉ mới tương đối triệt để. Nhiều người cho rằng đó là chuyện khó, khi họ suy diễn về sự từ chức của Giáo Hoàng Benedicto như một cách Ngài muốn kéo dài triều đại của mình. Có thể Ngài cảm thấy không xuể, và trước sau gì cũng phải rút lui trước sức ép của tình thế. Nhưng Ngài cũng có thể sợ rằng Giáo hội đi vào con đường canh tân Ngài không ủng hộ. Bởi vậy Ngài thoái vị để người ta bầu lên một người mới “cùng chí hướng” với Ngài. Trong số 117 người sẽ bỏ phiếu, có đến 67 người là do Ngài từng bổ nhiệm, cho nên có nhiều khả năng người ta sẽ chọn một Đức Giáo Hoàng mới đúng ý của Ngài.

Đó chỉ là một sự phỏng đoán. Và đương nhiên cũng có phỏng đoán ngược lại: Đức Giáo Hoàng Benedicto đã chán ngán việc đời, muốn rửa tay gác kiếm, và sẽ chẳng dính líu gì đến cuộc bầu cử này. Còn có bao phỏng đoán khác liên quan đến chủng tộc của Giáo hoàng mới. Khó thể có một Giáo hoàng người Ý, nhưng hầu như chắc rằng sẽ là người châu Âu. Giáo hoàng mới có thể cũng là một người không phải là một nhà thần học, một lý thuyết gia bảo thủ, nhưng có thể là một “nhà chính trị”, không già lắm để mạnh dạn hành động trong thời buổi cần làm hơn nói này. Có thể nào Giáo hoàng là một người Latino để cho giáo hội xâm nhập hơn vào vùng châu Mỹ La-tinh, hay người châu Phi và trở thành một sự thách đố đối với Hồi giáo!
Dù thế nào đi nữa, trong một thời khủng hoảng nói chung của các tôn giáo không nhập thế được, Tòa Thánh La Mã chắc chắn không thể mong đợi chỉ một sự thay đổi nơi người lãnh đạo mà có thể tái lập niềm tin![HNN]

No comments:

Post a Comment