1/18/24

Mưa Cuối Năm

 Dạo:

       Quay về đánh bạn với tinh,

Lầm tay liễu ngõ, thấy mình trắng tay.

  

Cóc cuối tuần:

 

   Mưa Cuối Năm

 

Mưa rỉ rả rập rình

Như lời kinh cứu độ.

Người ngượng ngùng xấu hổ,

Buồn khổ chuyện vừa qua.

 

Từng giọt vỡ xót xa

Trong tim già lạnh cóng.

Câu kinh dường lạc lõng,

Lúng búng chẳng nên lời.

 

Thoảng trong tiếng mưa rơi,

Có tiếng cười băng giá,

Tiếng ngọt ngào lơi lả

Dối trá của tình đời.

 

Người ngước mắt nhìn trời,

Lòng rối bời trăm mối,

Vừa thẹn thùng biết lỗi,

Vừa tiếc nuối vu vơ.

 

Trách mình tóc bạc phơ

Còn ngây thơ khờ dại,

Đem tiền về quê rải,

Mong hái mận bẻ đào.

 

Tai nghe tiếng thì thào,

Ngọt ngào và êm ái,

Của những người con gái,

Đã từng trải gió sương.

 

Chân men lối đoạn trường

Đến Thiên đường giả tạo.

Hồn say mê mộng ảo,

Tưởng chồn cáo là tiên.

 

Nhưng khi mỏi hết tiền,

Nàng tiên thành ác quỷ.

Như ăn mày mất bị,

Người về Mỹ trắng tay.

 

Vợ con ở chốn này,

Sau bao ngày chới với,

Quyết không còn biết tới

Kẻ phơi phới phụ tình.

                 x

             x      x

Người dừng bước lặng thinh,

Giận mình xưa nghĩ quẩn.

Chỉ mảy may lầm lẫn,

Mà chuốc hận trăm năm.

 

Gió dần rít lạnh căm,

Át lời ăn năn muộn.

Lá vàng con nước cuốn,

Luống cuống bám nhành rong.

 

Giông bão nổi trong lòng.

Non Bồng đà mất lối,

Lượn lờ trong bóng tối

Câu tiếc hối trễ tràng.

      Trần Văn Lương

         Cali, 1/2024



Xin kính họa

 

Dạo:

       Bò già gặm cỏ linh tinh,

Trót đời ngu dại biến mình thành bê.

  

Cóc cuối tuần:

 

   Mưa Cuối Năm

 

Nhịp trống bỏi rập rình*

Hòa sóng tình lỡ độ

Thành nguồn cơn tủi hổ

Trăn trở tháng ngày qua.

 

Quả báo chẳng đâu xa:

Đôi tay già lóng cóng.

Thân trọi trơ lạc lõng,

Khô đắng họng, nghẹn lời!

 

Mưa rả rích rơi rơi...

Lòng người thêm buốt giá,

Bầy cỏ non lơi lả

Vờn nghiêng ngả ngạo đời.

 

Nào dám trách oan trời,

Khi lòng người chia mối,

Biết mê lầm tội lỗi,

Vẫn chọn lối bá !

 

Râu tóc đã bạc phơ

Cải trang như tuổi dại!

Hạt mầm oan trái rải,

Hố thải tự tay đào!

 

Âm giọng đã thều thào,

Cố phều phào “ngữ ái”,

Làm trò cười cho gái,

Như vạc oải kêu sương!

 

Đắm đuối giấc miên trường

Trong tấn tuồng tự tạo:

Nơi “hoàng cung” diễm ảo

Vua ngáo sánh vai “tiên.

 

Mua đến khi cạn tiền**

Thoắt nhiên tiên hóa quỷ!

Không mảy may phòng bị,

“Vua” thất chí buông tay!

 

Quay trở lại nơi này,

“Nhà” xưa ngay tầm với,

Nay bước hoài không tới

Vòi vọi khối tình!

                 x

             x      x

Giữa trời đất lặng thinh,

Một bóng hình quanh quẩn.

Tâm thần chưa lú lẫn,

Còn khổ hận bao năm?

 

Giữa vật vã hờn căm,

Lệ âm thầm nhỏ muộn.

Ngược dòng trôi gió cuốn,

Nghiệp chướng quyện rêu rong.

 

Giông tố sắt se lòng.

Bòng bong giăng mịt lối,

Trước mắt đầy vũng tối

Thân chìm nổi về đâu?

 

    - AiCơ HoàngThịnh-

     Melbourne, 1/2024

-----------------

* “Già ham chơi trống bỏi” (thành ngữ)

** “Có tiền mua tiên cũng được” (thành ngữ)

Paris Mưa Tuyết

 Ngày 18/01/2024, tuyết trắng Eiffel


Trời cao đất thấp một màu
Eiffel cao ngất âu sầu lẻ loi
Ngô đồng rụng lá tuyết rơi
Đường đi trắng xóa vẽ vời tiết đông.

Paris vắng tiếng tơ đồng
Chim muông lặng lẽ còn trông ngóng gì
Cảnh buồn tựa cõi vô vi
Người đâu chẳng thấy nói chi tang bồng.

Trên đầu tóc trắng như bông
Cảnh đây người đấy tơ mòng tuyết sương
Có chăng một cõi vô thường
Một vầng tóc trắng đường trường rụng rơi.

Lê Đình Thông

1/16/24

Đôi vợ chồng già thuê khách sạn

Vào một buổi tối nọ, có một người đàn ông và một phụ nữ lớn tuổi bước vào một khách sạn nhỏ. Họ muốn tìm chỗ trú chân vì trời đang mưa. Cả hai tiến đến bàn lễ tân hy vọng có thể đặt được phòng.

“Cậu còn phòng trống không?”

Không muốn đôi vợ chồng già phải ra đường tìm chỗ nghỉ trong lúc trời đang mưa gió, nhân viên lễ tân dẫn họ đến một căn phòng và nói: “Nó không tốt nhất nhưng chí ít các vị sẽ không phải chạy loanh quanh tìm khách sạn trong điều kiện thời tiết như thế này.”

Thấy căn phòng được bố trí rất gọn gàng, ngăn nắp, hai người khách già vui vẻ vào ở.

Sáng hôm sau, khi họ muốn thanh toán, nhân viên lễ tân liền đáp: “Không cần đâu ạ, căn phòng hai vị ở là phòng của tôi, chúc hai vị có chuyến đi vui vẻ”.

Thì ra, vì hai vị khách xa lạ, anh nhân viên lễ tân đã có một đêm dài ngoài quầy. Người đàn ông già vô cùng cảm động, nói với đối phương: “Con trai, ta đã gặp người kinh doanh khách sạn tốt nhất, ngay trước mặt ta. Con sẽ nhận được sự báo đáp.”

Viên nhân viên khách sạn cười tươi, tiễn hai vợ chồng già ra cửa và cũng nhanh chóng quên đi câu chuyện ngày hôm đó.

Hai năm trôi qua, bỗng một ngày anh nhận được một lá thư. Trong thư, người đàn ông già đã nhắc lại với anh ta chuyện tối hôm đó kèm theo một tấm vé đi New York đã định sẵn ngày.

Người đàn ông già hẹn nhân viên lễ tân tại một góc phố giao giữa đại lộ số 5 và đường số 34. Ông chỉ tay vào một tòa nhà mới, khá rộng và nói: “Đó là khách sạn tôi xây cho cậu”. “Ông đang đùa sao”, nhân viên lễ tân kinh ngạc đáp.

Người đàn ông già kia chính là triệu phú nổi tiếng William Waldorf Astor. Khách sạn mà ông xây có tên The Waldorf Astoria. Đây là món quà người đàn ông dành tặng cho người lễ tân trẻ George Boldt – người quản lý đầu tiên của khách sạn.

Lời bình

Nhân – quả thực ra đều nằm trong tay chúng ta. Các “cao thủ” trong cuộc sống này khi còn chưa xác định được rõ mục tiêu vĩ đại của đời mình, đều dùng cái tâm để hoàn thành tốt mọi việc trong khả năng của họ.

Hãy nghĩ rằng, bất cứ ai cũng đều là nhân viên, một người vĩ đại cũng bắt đầu từ việc liên tục phục vụ người khác. Khả năng phục vụ người khác càng lớn, khả năng thành công của người đó càng cao.

Đời người, ai cũng có nhiều kế hoạch, muốn trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Trên con đường đó, có thể có những tiếng cười sảng khoái nhưng cũng có cả những giọt nước mắt tủi thẹn, có niềm tin thành công và cũng có cả lời cảnh tỉnh về thất bại. Mỗi trải nghiệm dù thế nào cũng đều đáng quý.

Hãy luôn nhớ rằng:

Muốn người khác yêu quý mình, hãy yêu quý người khác trước;
Muốn người khác quan tâm mình, hãy quan tâm đến họ trước;
Nếu muốn người khác đối xử tốt với mình, cũng cần phải tốt với người khác trước.

Đây chính là bí quyết tuyệt vời, hiệu quả trong mọi tình huống của cuộc sống.
Nếu bạn thực sự muốn kết giao với những người bạn chân thành, bạn cần chân thành với họ trước, rồi bạn sẽ nhận thấy bạn bè bắt đầu thật lòng với mình.

Nếu bạn muốn vui vẻ, hãy mang niềm vui đến cho người khác trước, rất nhanh thôi, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình ngày càng vui tươi.

1/14/24

Tìm Khắp Thế Giới - Chúng Tôi Tìm Thấy Nhau

Sandra Kosmala, Nguyễn Thế Hoàng và Lila

Tôi đọc được một bài viết trên BBC tiếng Việt tựa đề Vợ Ba Lan buộc xa chồng Việt Nam : Tôi xem mình là người Việt, xin cho tôi về nhà.

Người vợ Ba Lan có tên là Sandra Kosmala. Cô Sandra đem con gái hai tuổi lần đầu tiên về quê ngoại thăm ông bà. Hai mẹ con bị mắc kẹt tại Poznan, Ba Lan. Lý do vì đại dịch virus corona. Con gái quốc tịch Việt Nam được về, mẹ quốc tịch Ba Lan thì không.

Sandra Kosmala nói cô mong hai mẹ con cô được sớm bay về đoàn tụ với người chồng, một công dân Việt Nam. Người mẹ trẻ hiện đang mang thai bảy tháng nói : Từ nhiều tuần qua cô đã tìm nhiều cách khác nhau, từ đặt mua vé máy bay trực tiếp, cho tới khẩn nài sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan, nhưng vẫn mắc kẹt ở Ba Lan trong lúc ngày sinh nở đang đến gần.

Sandra nói rõ ràng và rành mạch bằng tiếng Việt với chất giọng Hà Nội trong cuộc phỏng vấn của BBC rằng : Tôi mong muốn xin được về Việt Nam. Tôi mong chính phủ Việt Nam cho phép tôi nhập cảnh để về với chồng mình. Các chi phí vé máy bay hay cách ly tập trung tôi đều chịu, chỉ mong cho gia đình đoàn tụ. Tôi cũng hỏi nhiều người về trải nghiệm ở khu cách ly, họ đều phản ứng tích cực, bạn bè tôi người nước ngoài còn khen không nghĩ Việt Nam lại làm tốt như vậy.

Sự kiện mẹ con cô Sandra bị kẹt ở Ba Lan làm tôi xúc động. Bài báo trên BBC tiếng Việt còn làm cho tôi xúc động hơn nữa về mối tình của cô gái Ba Lan, Sandra Kosmala và thanh niên Việt Nam, Nguyễn Thế Hoàng.

Ngày xưa, ở Việt Nam, thanh niên và thiếu nữ hiếm ai lấy người nước ngoài. Nữ giới lấy người nước ngoài thường bị dị nghị tai tiếng, nam giới thì không. Ngày nay, ở Việt Nam, việc lấy người nước ngoài là bình thường. Lấy người nước ngoài thì phụ nữ có hai nhóm : Nhóm thứ nhất là những phụ nữ được các công ty môi giới đưa sang làm vợ các nam giới Trung Hoa, Đài Loan, Hàn Quốc. Phụ nữ thuộc nhóm này đa số là thuộc gia đình nghèo ở vùng quê. Nhóm thứ hai là những phụ nữ lấy chồng là nam giới thuộc các nước Mỹ, Châu Âu. Phụ nữ thuộc nhóm này đa số là những cô gái trẻ đẹp thuộc những gia đình thành phố khá giả, họ muốn có cuộc sống tốt đẹp ở phương Tây. Nam giới thì vẫn ít lấy người phụ nữ nước ngoài như ngày xưa.

Đất nước sau hơn 45 năm thống nhất, theo tôi đất nước vẫn còn nghèo. Thanh niên Việt Nam vẫn chưa đưa đất nước lên ngang bằng Đài Loan, Hàn Quốc, Tân Gia Ba … Nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn phải giải quyết cái nghèo bằng cách làm vợ người Trung Hoa, Đài Loan, Hàn Quốc hoặc tìm đời sống tốt đẹp hơn ở các nước phương Tây. Người dân Việt Nam vẫn còn phải làm công tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngày xưa, đất nước chiến tranh, ly loạn, nhiễu nhương, người phụ nữ chịu nhiều gian truân, thiệt thòi đau khổ hơn nam giới. Thời Pháp thuộc, thời lính Mỹ tràn ngập miền Nam, người phụ nữ phải làm me Tây, me Mỹ, bị xã hội khinh chê. Thật ra họ đâu có lỗi gì. Lỗi là lỗi của nam nhi không đủ tài trí để đất nước nghèo hèn khiến đất nước bị đô hộ, bị lệ thuộc ngoại bang. Nữ nhi phải cắn răng làm me Tây, me Mỹ.

Ngày nay, đất nước độc lập, thống nhất đã hơn bốn mươi lăm năm, có những phụ nữ Việt Nam phải trần truồng cho những người đàn ông Hàn Quốc thuộc giai cấp hạ đẳng trong xã hội của họ lựa chọn đem về quốc gia họ. Nhìn cảnh thê thảm của người phụ nữ Việt Nam xấu số này, nam nhi đất Việt làm sao không hổ thẹn cúi mặt, tiền nhân dưới suối vàng làm sao không rơi nước mắt …

Nhìn những hình ảnh vui tươi và nghe tâm sự của cô Sandra Kosmala, tôi cảm động và khâm phục mối tình của cô gái Ba Lan và thanh niên Việt Nam. Tôi không biết họ gặp nhau ở đâu. Tôi cũng không biết thân thế sự nghiệp của họ. Tôi chỉ nghe 6 phút 10 giây đài BBC tiếng Việt phỏng vấn cô Sandra.

Mối tình của cô Sandra và anh Hoàng là mối tình giản dị, êm đềm và dễ thương.

Sandra cho biết : “Chuyện tình của hai vợ chồng tôi êm đềm, không gặp những khó khăn hay va vấp về văn hóa. Càng ở xa nhau, tôi càng thấy tình cảm mạnh mẽ. Khi gặp chồng mình, chúng tôi yêu nhau rất nhanh và quyết định cưới cũng rất nhanh. Chúng tôi nói với nhau, tìm khắp cả thế giới, cuối cùng tìm thấy nhau là đủ rồi".

Anh Nguyễn Thế Hoàng có vợ là người Ba Lan. Anh không ở lại sống ở nước phương Tây để có đời sống thoải mái như nhiều người Việt Nam khác. Anh đem vợ về sống tại Hà Nội. Con anh lấy quốc tịch Việt Nam. Anh biến cô gái Ba Lan thành cô gái Việt Nam.

Cô Sandra là cô gái hiếm có. Cô rất yêu thương anh Hoàng. Cô cố gắng trở thành người Việt Nam. Cô nói : “ Tôi hiểu văn hóa Việt Nam nên không có nhiều khác biệt hay khó khăn. Nếu có song tịch, tôi cũng muốn nhập quốc tịch Việt Nam, nhưng không phải có chồng Việt Nam thì sẽ được nhập tịch. “

Cô Sandra nói tiếng Việt rất chuẩn, rõ ràng và có chất giọng Hà Nội. Cô kể rằng :

“Những khi đi ra ngoài phố và nói chuyện bằng tiếng Việt thì người ta cứ nhìn nhìn tôi và nói “ Chị không phải là người Việt Nam phải không ? Tại sao chị lại nói được tiếng Việt giỏi như thế ?”

Cô Sandra còn nói : “Tôi cũng biết nấu vài món Việt Nam. Tôi biết ăn bún đậu mắm tôm nữa”.

Về mặt giấy tờ, Sandra vẫn là người Ba Lan nhưng bản thân cô vẫn xem mình như là người Việt Nam. Cô nói : "Tới bây giờ, tôi vẫn nghĩ quyết định ở Việt Nam là đúng đắn nhất. Tôi không tưởng tượng được nếu không phải ở Việt Nam thì ở đâu. Tôi đã ăn gần 10 cái tết ở Việt Nam, tôi là người Việt Nam rồi.”

Sandra nói một câu thật tha thiết cảm động : “Tôi xem mình là người Việt, xin cho tôi về nhà.”

Quang Già Cơ

1/13/24

Cử tri Đài Loan bác bỏ cảnh báo của Trung Quốc và trao cho đảng cầm quyền chiến thắng lịch sử thứ ba liên tiếp

 



Tổng thống đắc cử Đài Loan Lai Ching-te, thuộc Đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP) và người đồng tranh cử Hsiao Bi-khim đến dự một cuộc họp báo sau chiến thắng của họ trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 13 tháng 1 năm 2024.

Đảng Dân Tiến cầm quyền của Đài Loan đã giành được chiến thắng lịch sử thứ ba liên tiếp cho tổng thống vào thứ Bảy khi các cử tri phớt lờ những cảnh báo của Trung Quốc rằng việc tái bầu cử của họ sẽ làm tăng nguy cơ xung đột.

Lai Ching-te, phó tổng thống đương nhiệm của Đài Loan, tuyên bố chiến thắng vào tối thứ Bảy trong khi hai đối thủ đối lập của ông đều thừa nhận thất bại.

Đây là một đêm thuộc về Đài Loan. Chúng ta đã cố gắng giữ Đài Loan trên bản đồ thế giới,” Lai nói với hàng nghìn người ủng hộ tưng bừng tại một cuộc mít tinh sau chiến thắng của mình.

Ông nói thêm: “Cuộc bầu cử đã cho thế giới thấy cam kết của người dân Đài Loan đối với nền dân chủ, điều mà tôi hy vọng Trung Quốc có thể hiểu được”.

Người bạn đồng hành của Lai, Hsiao Bi-khim (Tiêu Mỹ Cầm), người vừa giữ chức đặc phái viên hàng đầu của Đài Loan tại Hoa Kỳ, đã được bầu làm Phó Tổng thống.

Theo Ủy ban bầu cử trung ương Đài Loan (CEC), quá trình kiểm phiếu đã kết thúc, với Lai - ứng cử viên của Đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền của Đài Loan - chỉ nhận được hơn 40% tổng số phiếu bầu.

Ứng cử viên đảng đối lập Kuomintang (KMT) của Đài Loan, Hou Yu-ih đã giành được 33,49% số phiếu bầu, trong đó ứng cử viên Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP) Ko Wen-je nhận được 26,45%. Hơn 14 triệu người đã tham gia, nghĩa là tỷ lệ cử tri đi bầu chỉ đạt hơn 71%.

Chiến dịch bầu cử sôi nổi, một minh họa cho các thông tin dân chủ sôi động của Đài Loan, đã diễn ra vì nhiều vấn đề sinh kế cũng như câu hỏi hóc búa về cách đối phó với nước láng giềng độc đảng khổng lồ, Trung Quốc, quốc gia dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình. mạnh mẽ và hiếu chiến.

Kết quả cho thấy các cử tri ủng hộ quan điểm của DPP rằng Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền trên thực tế nên tăng cường phòng thủ trước các mối đe dọa từ Trung Quốc và làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các nước dân chủ anh em, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc bị Bắc Kinh trừng phạt kinh tế hoặc đe dọa quân sự.

Đây cũng là một hành động hạ thấp hơn nữa tám năm chiến thuật vũ trang ngày càng mạnh mẽ đối với Đài Loan dưới thời ông Tập, người đã tuyên bố rằng việc hòn đảo này cuối cùng “thống nhất” với đại lục là “một điều tất yếu mang tính lịch sử”.

Người phát ngôn của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc khẳng định kết quả bầu cử “không thể hiện quan điểm chính thống trên hòn đảo”.

“Đài Loan là Đài Loan của Trung Quốc. Cuộc bầu cử này sẽ không thay đổi bố cục cơ bản và tiến trình phát triển trong quan hệ hai bờ eo biển; không làm thay đổi mong muốn chung của đồng bào hai bên xích lại gần nhau hơn; nó cũng sẽ không thay đổi thực tế rằng đất nước chắc chắn sẽ được thống nhất”, người phát ngôn nói thêm, được hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa Xã trích dẫn.

Những người ủng hộ Đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP) cầm quyền tại Đài Bắc vào ngày 13 tháng 1 năm 2024

Giống như tổng thống sắp mãn nhiệm Thái Anh Văn, người không thể tái tranh cử vì giới hạn nhiệm kỳ, Lai bị các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc công khai ghét bỏ và chiến thắng của ông khó có thể dẫn đến bất kỳ sự cải thiện nào trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc.

Trung Quốc cắt hầu hết liên lạc với Đài Bắc sau khi bà Thái nhậm chức và tăng cường áp lực ngoại giao, kinh tế và quân sự lên hòn đảo tự trị, biến eo biển Đài Loan thành một trong những điểm nóng địa chính trị lớn của thế giới.

Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, mặc dù chưa bao giờ kiểm soát hòn đảo này. Trong khi các nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc liên tiếp tuyên bố cuối cùng sẽ đạt được “thống nhất”, ông Tập đã nhiều lần nói rằng vấn đề Đài Loan “không nên được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác”, gắn sứ mệnh này với mục tiêu “trẻ hóa quốc gia” giữa thế kỷ của ông.

DPP nhấn mạnh rằng Đài Loan không phụ thuộc vào Đảng Cộng sản Trung Quốc và tương lai Đài Loan chỉ được quyết định bởi 23,5 triệu dân của nước này.

Trước cuộc bỏ phiếu hôm thứ Bảy, Bắc Kinh đã cảnh báo cử tri Đài Loan “hãy đưa ra lựa chọn đúng đắn” và “nhận ra mối nguy hiểm cực độ từ việc Lai Ching-te gây ra đối đầu và xung đột xuyên eo biển”.

Người đồng tranh cử của ông, Hsiao Bi-khim (Tiêu Mỹ Cầm), đã bị Trung Quốc trừng phạt hai lần vì là “kẻ ly khai cứng đầu”.

Phát biểu với giới truyền thông trước bài phát biểu chiến thắng vào tối thứ Bảy, Lai gọi chiến thắng của mình là “chiến thắng cho cộng đồng các nền dân chủ”.

Ông nói: “Chúng tôi đang nói với cộng đồng quốc tế rằng giữa dân chủ và chủ nghĩa độc tài, chúng tôi vẫn đứng về phía dân chủ”.

Ông nói thêm: “Tôi sẽ hành động phù hợp với trật tự hiến pháp dân chủ và tự do của chúng ta theo cách cân bằng và duy trì hiện trạng xuyên eo biển”. “Đồng thời, chúng tôi cũng quyết tâm bảo vệ Đài Loan khỏi các mối đe dọa và hăm dọa liên tục từ Trung Quốc”.

Ông nói thêm: “Trong tương lai, chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ nhận ra tình hình mới và hiểu rằng chỉ có hòa bình mới mang lại lợi ích cho cả hai bên eo biển”.

Một "Cú đấm" cho Bắc Kinh

Chiến thắng của Lai diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng ổn định mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc và ngăn chặn sự cạnh tranh chuyển sang xung đột. Trong thời chính quyền của bà Thái, Đài Loan đã tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ, quốc gia ủng hộ quốc tế lớn nhất của họ, giúp tăng cường hỗ trợ và bán vũ khí cho hòn đảo này.

Các quan chức Mỹ từng nói rằng Washington sẽ duy trì chính sách lâu dài của mình đối với Đài Loan bất kể ai nắm giữ chức vụ đứng đầu. Theo các quan chức cấp cao, chính quyền Biden sẽ cử một phái đoàn không chính thức - bao gồm cả các cựu quan chức cấp cao - đến Đài Bắc sau cuộc bầu cử để phù hợp với thông lệ trước đây.

TY Wang, giáo sư tại Đại học bang Illinois, cho biết chuyến thăm của phái đoàn “sẽ là một tín hiệu, một cách rất mang tính biểu tượng để ủng hộ Đài Loan”.

Kết quả hôm thứ Bảy là một đòn giáng mạnh nữa vào Quốc Dân Đảng của Đài Loan, vốn đang ủng hộ mối quan hệ nồng ấm hơn với Bắc Kinh và đã không giữ chức tổng thống kể từ năm 2016.

Bắc Kinh không hề giấu diếm mong muốn được thấy Quốc Dân Đảng quay trở lại nắm quyền. Trong chiến dịch tranh cử, Quốc Dân Đảng đã cáo buộc Lai và DPP gây căng thẳng một cách không cần thiết với Trung Quốc.

Lev Nachman, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Chengchi của Đài Loan, cho biết trong khi Lai phải thực hiện một số điều chỉnh kinh tế do sự bất bình sâu sắc của công chúng về mức lương thấp và nhà ở giá rẻ, thì về các vấn đề như chính sách đối ngoại và quan hệ xuyên eo biển, ông dự kiến ​​sẽ chủ yếu tuân theo. Cách tiếp cận của Tsai.

Ông nói: “Phần lớn chiến dịch của Lai đã cố gắng trấn an không chỉ khán giả trong nước mà cả khán giả quốc tế rằng anh ấy là Tsai Ing-wen 2.0”.

Điều đó sẽ không được chào đón ở Bắc Kinh.

Vài ngày trước cuộc bầu cử, Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc cho biết bằng cách đi theo con đường của bà Thái, Lai đang theo đuổi con đường khiêu khích và đối đầu, đồng thời sẽ đưa Đài Loan “ngày càng gần hơn với chiến tranh và suy thoái”.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể gia tăng áp lực kinh tế và quân sự lên Đài Loan để thể hiện sự bất bình trong những ngày và tuần tới, hoặc để dành một phản ứng mạnh mẽ hơn khi ông Lai nhậm chức.

Nachman nói: “Đã nhiều lần Trung Quốc có thể gây ồn ào về chiến thắng của DPP, dù bây giờ hoặc cuối năm nay”.

Theo CNN Đài Bắc-Đài Loan

Chuyện ngày xưa… với Cha Ngô Duy Linh

 


Trong gia đình Thụ Nhân, cứ vài năm lại có một “Đặc San” được thực hiện, các bạn mình lại được mời gọi viết bài, và từ đó những “kỷ niệm ngày xưa” lại có dịp khơi dậy, nhắc nhở, tâm tình... với ít nhiều “thương tiếc”.

Viết về quá khứ, về những chuyện “đã qua” và sẽ không bao giờ trở lại, như chuyện “tắm sông hai lần”. Vậy thì, viết về “quá khứ” để làm gì? Thực ra thì cũng... không để làm gì, quá khứ thì đã qua rồi, nhắc lại thì cũng chỉ là tiếc thương đôi khi hối hận mà thôi. Nói cho cùng, ngay chính cuộc đời này, sinh ra lớn lên rồi… đi vào quá khứ, cũng không để làm gì, người ta có thể đem ra nhiều lý luận để cho thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn, và điều này rất cần thiết. Đời người, nhiều lắm là khoảng trăm năm, dài mà lại rất ngắn ngủi, với đầy ắp vui mừng buồn giận thương yêu ghét muốn... nhưng dù, “thuyền ai ngược gió hay xuôi gió”... thì ai cũng có được một quãng đời có thể gọi là... thời kỳ vàng son cho mình, khoảng thời gian đó ngắn hay dài còn tùy rất nhiều ở phước đức cá nhân. Riêng tôi, và có lẽ hầu hết các bạn mình, bốn năm trong khung trời Đại học Dalat có thể chính là “thời kỳ vàng son”. Dù rằng, khoảng thời gian đó nay đã tít mù khơi quá khứ, nhưng mà, mỗi khi có dịp, những kỷ niệm thân thương ấy lại bùng dậy, tràn bờ, tuôn chảy... thành những dòng thơ, nốt nhạc hay những nét chấm phá màu sắc trên trang giấy. Những lúc như thế, đó là niềm vui an ủi, là bếp lửa ấm lòng, là chiếc gối êm ái, và là cây gậy chống đỡ khập khiễng của tuổi hoàng hôn… Do vậy, mà thỉnh thoảng, chúng ta, những “Thụ Nhân” rải rác cùng khắp, mới có được những áng văn thơ tản mạn tìm về Dalat ngày nào, về những chiều Năng Tĩnh, và về những con đường học xá... để nhớ, để thương.

Tôi lên Dalat trong chuyến bay đầu đời từ miền tây Đồng Tháp để bắt đầu theo học Khóa 3 CTKD (niên học 66 – 70). Chuyến đi đó đã mở ra cho tôi chân trời mới của tuổi thanh xuân trong một đất nước quá nhiều khó khăn. Lúc bấy giờ, được đi học là một ân sủng, và cảm nhận được điều ấy đã là niềm hạnh phúc. Nhiều khi, ngay đến bây giờ, nghĩ lại, tôi tự hỏi, ... đi học, tại sao lại Dalat mà không Saigon? Những câu hỏi như thế, mới nghe thì có vẻ đơn giản, thế mà... không nhất thiết là như vậy.

Thực ra, tôi thích hội họa, nhưng cứ nghĩ đến cái... nghề “lăn lóc dưới mương” đó tôi thấy ngao ngán. Sau trung học, trường ốc thiếu thốn, thi vào trường Kỹ Thuật Phú Thọ là cả một “công trình chạy chọt!” Cũng may, tôi có “cô hàng xóm dễ thương” - đang là sinh viên khóa 2 CTKD - hết lời ca tụng Dalat và “rủ rê”. Với tôi lúc đó, Dalat là một địa danh xa lạ, và chỉ nghe nói đó vùng đất lạnh sương mù và thơ mộng... Thế là tôi mê liền, vài hôm sau, tôi khăn gói thơ túi rượu bầu lên thành phố sương mù và đắm chìm trong niềm hạnh phúc, và điều này cho thấy tôi đi học vì yêu thích Dalat hơn là CTKD!

Nhớ, lúc đến Dalat, tôi theo anh bạn Cần Thơ mới quen, mướn chung căn phòng nhỏ trên con dốc Võ Tánh, ngoài khung viên VĐHDL; hàng ngày tôi đến trường và ao ước được vào... ăn ở trong học xá. Chẳng bao lâu, tôi được người mách nước, nên mạnh dạn gõ cửa vào xin Cha Linh. Cha mở cuộc phỏng vấn... thân thiện, với ít nhiều “thương xót”, tôi nghĩ thế. Cha hỏi,

- Có khả năng gì?
- Dạ, chơi bóng rổ khá.
- Còn khả năng nào khác? Hát được không?
- Dạ, cũng được!
- Hát thử vài câu xem.
"Chời", tôi quýnh quá, nghĩ lại mình đang có... “nỗi buồn gác trọ” nên tằng hắng lên giọng:
“Gác lạnh về khuya cơn gió lùa, trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa, nhớ ai mà ...”
-
Thôi được rồi!
(Cha ra dấu stop. Tôi quýnh quá, nghĩ chắc “tiêu” rồi! Nhưng không!)
- Được! cho... “chú mày” (thực tình cho đến bây giờ, tôi cũng không nhớ lúc đó là Cha gọi mình là gì!) vào học xá, nhưng với điều kiện là “chú mày” phải vào ca đoàn học xá, thuộc... bè “ồ ề”, chịu không?

Chời, tôi chịu quá đi chứ! thế là... “a lê hấp” chiều nay “ta” dọn vào học xá! Tôi được vào học xá, lầu 3, có 6 người cùng phòng cùng tuổi cùng lớp, không khí đầm ấm giữa miền đất lạnh. Trong đó, có anh chàng người Vĩnh Long, Mạc Phú Thọ, người “dzui dẻ chẻ chung” và làm tôi nhớ nhiều nhất, vì có cái tên, “mạt mà lại còn phú với thọ”! (Lúc đó, chữ nghĩa tôi lem nhem nên lầm họ Mạc thành ra “mạt rệp”), nhưng thế mà hay, anh chàng này lại “chê” cái tên cúng cơm cũa tôi, Ngụy Trung Nghĩa, là “gian ác xảo trá mà lại còn trung
với nghĩa!” Thế mới hay cuộc đời đã dun rủi cho... “chúng mình gặp nhau”, và “mối tình” đó trở nên “trung nghĩa và phú thọ” cho đến ngày nay, chúng tôi lưu lạc và sau cùng định cư nơi xứ cao bồi Dallas! Và điều hy hữu nữa là chính Cha Linh, sau này, cũng ở Dallas và đã qua đời tại đây. Trước sau, tôi luôn nhớ ơn Cha đã tiếp nhận cho tôi vào học xá, và nhờ đó tôi có được những người bạn thân thương mà sau này trên xứ người rất khó mà có được.

Tuy nhiên, kỷ niệm của tôi đối với Cha không sâu đậm lắm, vì sau khi tôi vào học xá không lâu thì Cha được Frere Kế thay thế trong việc chăm coi học xá, chỉ trừ những kỷ niệm lờ mờ với vài hình ảnh áo đen thấp thoáng của Cha trong những lúc “thanh tra” ban đêm bất ngờ, và “rầy rà” khi bắt gặp những sai trái cũa “chúng nó”, và nhất là hình ảnh Cha tận tụy với âm nhạc trong những buổi điều khiển “trình diễn” của ca đoàn học xá, khoảng gần vài chục người, mà trong đó, có tôi, đạo Phật, tham dự và cùng hát Thánh ca!

Viết những điều kể trên, chỉ nhằm khơi dậy những “ân tình” của Cha nhân ngày giỗ Cha Linh tại Dallas. Đây cũng là một dịp để tôi tỏ lòng biết ơn Cha, cũng như Frères và những vị Thầy, Cô, ... đã có mặt, dạy dỗ, làm việc, chung vui với đám “tiểu học sĩ” chúng tôi trong những năm 60s - 70s. Dù rằng, CTKD đã không “Thụ” tôi thành “Nhân” trong chuyện “kinh bang tế thế” như các bạn khác, nhưng tôi lúc nào cũng vẫn trân quý nó như một cơ duyên may mắn hiếm hoi có được trong cuộc đời mình. 

Nay kính

Trần Sa - NgụytrungNghĩa 


Trích: Đặc San Chiều Năng Tĩnh (trang 21-22)